Thế nhưng, sai lầm ở chỗ họ cứ cắm đầu làm mà không chịu nghĩ. Họ hăng hái cổ súy cho phong trào "dám nghĩ, dám làm" và xem "thử - sai" là "thuộc tính" của khởi nghiệp. Họ không màng đến hai từ "chiến lược". Nếu có ai đề cập đến chiến lược thì họ bảo phải lo bán hàng trước đã, chiến lược để từ từ tính, hoặc khi nào doanh nghiệp lớn mạnh hãy tính.
Chiến lược không thể "từ từ tính", càng không thể cứ thử để rồi... sai. Vì như vậy nếu thành công cũng chỉ là ăn may. Câu chuyện Thomas Edison thử sai hàng ngàn lần để tìm ra sợi dây tóc bóng đèn thường được các bạn trẻ lấy làm ví dụ cho tấm gương "kiên trì” trong khởi nghiệp. Đối với khởi nghiệp, đó thực sự là một tấm gương tồi.
Bạn mày mò trong phòng thí nghiệm cho một phát minh khác với chuyện bạn bỏ tiền của, công sức ra khởi nghiệp. Chỉ cần thất bại 3 lần bạn đã có thể nhụt chí, thậm chí cạn vốn, chứ khoan nói đến chuyện thất bại hàng ngàn lần như nhà bác học. Xin chớ bắt chước ông ấy! Hãy chỉ cho phép mình sai không quá 2 lần. "Cứ đi rồi sẽ đến" chỉ là một cách nói để động viên thôi.
Bạn mở ra một quán bún ốc, việc đầu tiên không phải là đi tìm địa điểm để thuê mặt bằng, cũng không phải là chuẩn bị vốn liếng hay tìm nơi mua ốc nguyên liệu, mà là phải vạch ra chiến lược kinh doanh (dù quy mô quán lớn nhỏ thế nào). Để vạch chiến lược kinh doanh cho quán bún ốc, ít nhất bạn phải làm một phân tích nho nhỏ về môi trường vĩ mô, vi mô, về thị trường, bao gồm phân tích ngành, yếu tố pháp lý....
Ví dụ, về vĩ mô bạn phải tìm hiểu xem luật pháp địa phương có cho phép bạn bán món ăn đường phố mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó đảm bảo; an ninh trật tự địa phương có cho phép bạn kinh doanh lấn chiếm lề đường; và các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ...
Về vi mô, bạn phải phân tích xem có đối thủ cạnh tranh nào mở quán bún ốc gần đó, khách hàng của bạn là ai (sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng, giới lao động), nhà cung cấp nguyên liệu của bạn là ai, có những món ăn nào mà xu hướng sắp tới sẽ thay cho bún ốc (ví dụ ốc xào, ốc nướng, ốc cà ri...), và có đối thủ nào lăm le nhảy vào khu vực bạn định bán bún ốc, tại sao bạn chọn khu vực đó?
Rồi bạn phải phân tích xem bạn có năng lực lõi gì, bí quyết gì để cạnh tranh (ví dụ có công thức nấu gia truyền, có hương liệu độc quyền thơm ngon không ai có, có vị trí đắc địa...); làm sao cho khách hàng bỏ quán bún ốc đằng kia mà qua đây với bạn; làm sao để lợi thế cạnh tranh đó được duy trì bền vững...
Trả lời một cách cẩn trọng các câu hỏi trên chính là bạn đã hoạch định chiến lược kinh doanh bún ốc.
Trước khi bắt tay vào kinh doanh bất cứ thứ gì, bạn phải trả lời hàng loạt câu hỏi tương tự như trên, việc này gọi là phân tích chiến lược. Và chỉ sau khi phân tích chiến lược cẩn trọng, bạn mới nên chọn cho doanh nghiệp của mình một con đường đi riêng.
Theo Nguyễn Hữu Long
DNSG