Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
28/02/2022 17:02 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TỰ HỌC


Bạn muốn tự học thiết kế, tự học ngoại ngữ hay chỉ đơn giản là tự ôn tập bài cho một học phần nào đó? Với kinh nghiệm của một người ra trường với tấm bằng Xuất sắc và có kinh nghiệm tự học viết blog, sử dụng Photoshop, quản lý tài chính… thì hôm nay mình sẽ chỉ cho bạn những mẹo để bạn có thể “hủy diệt” mọi chủ đề hoặc kỹ năng nhé!

Ngày nay, với sự phổ biến của sách và các khóa học trực tuyến, bạn có thể tự học kỹ năng mới, tự tìm hiểu kiến thức về các chủ đề khác nhau hoặc thậm chí lấy một chứng chỉ để thăng tiến trong nghề nghiệp một cách dễ dàng ngay tại nhà. Tự học đang trở thành xu thế tất yếu cho dù quá trình này đòi hỏi sự cam kết và tính kỷ luật lớn mà không phải ai cũng thành công. Nhưng đừng lo lắng. Dưới đây là 7 bí quyết tự học mà ai cũng có thể thực hiện để khai phá hết tiềm năng của bản thân.

1. GHI CHÚ

Quá trình ghi chép cũng chính là một lần nhắc lại kiến thức mà bạn không thể bỏ qua khi tự học. Nhiều người cho rằng họ vẫn có thể nhớ hết kiến thức nhờ việc xem một video hướng dẫn hoặc đọc giáo trình mà không cần ghi chép. Để rồi đến lúc bạn cần đến kiến thức đó, hoặc khi làm bài kiểm tra lại quên mất những gì đã học hoặc tốn rất nhiều thời gian tìm kiếm lại thông tin.

Để ghi chú hiệu quả cũng cần có chiến lược cụ thể. Bạn có thể tham khảo một vài mẹo để ghi chép hiệu quả hơn như sau:

1.1. Phương pháp ghi chép Cornell (Cornell Notes)

Đây là phương pháp ghi chép được phát mình bởi giáo sư Walter Pauk của trường Đại học Cornell nổi tiếng nước Mỹ. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi để dễ ghi chép bài giảng, bài thuyết trình hay đọc hiểu. Khi áp dụng phương pháp này, bạn cần chuẩn bị một cuốn sổ ghi chép và chia mỗi trang trong cuốn sổ thành 3 phần. Phần cột ở bên phải của tờ giấy dùng để ghi chú những từ chính và ý chính của giảng viên; phần cột bên trái tờ giấy để viết câu hỏi; và một phần tóm tắt ở cuối trang để tổng kết thông tin bằng từ ngữ của riêng bạn.

Sau khi viết ra những ý chính đó trong giờ học, hãy lập tức tóm tắt và thêm các câu hỏi về nội dung. Sau đó, trong khi học sau, hãy cố gắng trả lời những câu hỏi đó mà không cần nhìn vào nội dung chính của ghi chú.

1.2. Sử dụng hình ảnh/sơ đồ

Con người có khả năng nhớ hình ảnh tốt hơn là từ ngữ (Hiệu ứng ưu thế hình ảnh - Picture superiority effect). Do đó, bạn có thể sử dụng thêm đồ thị, biểu đồ, bản đồ, sơ đồ và các hình thức kích thích thị giác khác để diễn giải thông tin một cách hiệu quả và làm cho flashcards dễ nhớ hơn nhiều. Dù bạn chọn sử dụng hình thức thị giác gì, điều quan trọng là chúng phải có liên quan đến nội dung cần học để củng cố kiến thức.

2. TẠO KHÔNG GIAN HỌC YÊN TĨNH, TẬP TRUNG

Một không gian yên tĩnh và thoải mái sẽ giúp bạn học tập trung và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hãy hạn chế những món đồ giúp bạn thoải mái nhưng cũng lại khiến bạn dễ bị phân tâm hơn như: giường ngủ, gối ôm êm ái… Thay vào đó, hãy đặt một chiếc đồng hồ, lịch, tủ sách và bảng dán giấy ghi chú để “thông báo” cho tâm trí của bạn rằng đây là khoảng thời gian cần phục vụ cho mục đích học tập nghiêm túc. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng một không gian bừa bộn sẽ làm giảm hiệu quả công việc. Vậy nên, hãy sắp xếp phòng/không gian học của bạn một cách có tổ chức, gọn gàng mỗi khi học xong. Khi bắt tay vào làm việc, bạn nên ngồi thẳng lưng và giữ mắt cách màn hình máy tính từ 70 đến 90 cm. Việc giữ tư thế ngồi đúng cách sẽ rất giúp giảm căng thẳng cho cơ thể cũng như tránh đau lưng.

Không học tập cũng bao gồm cả không gian số (điện thoại, laptop…). Để tạo cho bản thân một môi trường dễ tập trung, chúng ta sẽ cần tắt bớt thông báo không cần thiết, không trả lời tin nhắn hoặc email không liên quan, không bật các tab phụ trên laptop không bổ trợ kiến thức bạn đang tìm hiểu. Một mẹo nhỏ cho bạn là hãy tạo các Hồ sơ người dùng (profile) khác nhau trên trình duyệt của bạn để phục vụ cho từng mục đích ví dụ: Công việc, Học tập, Giải trí cá nhân.

3. LÊN LỊCH CHO VIỆC HỌC

Việc tự học cũng cần có khuôn khổ và quy định thời gian để đảm bảo sự hiệu quả. Trước khi bắt đầu một ngày, bạn nên dành chút thời gian liệt kê ra tất cả các môn hoặc kỹ năng bạn cần học vào thời gian biểu và đặt giới hạn thời gian cụ thể cho từng môn đó (Phương pháp Time Blocking). Ví dụ:

8:30am – 10:00am: Xem vlog Tiếng Anh trên Youtube

10:15am – 11:30am: Viết đề cương tổng hợp chương 1 môn Triết

Một chiếc To-do list như vậy không sẽ giúp bạn tập trung học tập hiệu quả hơn và tránh quên việc học khi bạn có một lịch trình bận rộn. Nếu bạn đang cố gắng tự học thêm một kỹ năng mà không có nhiều thời gian cho nó thì bạn nên chia nhỏ lịch và cố định thời gian từ 10-20 phút mỗi ngày cho việc học. Bạn cũng có thể chọn giờ cố định nhiều hơn vào cuối tuần (1-2 tiếng) nếu được. Ví dụ: bạn muốn học Tiếng Anh, bạn có thể sắp lịch mỗi ngày dành 10 phút học Tiếng Anh qua Duolingo, 10 phút xem vlog bằng Tiếng Anh trên Youtube rồi cuối tuần dành 1-2 tiếng ôn tập, quay video nói hoặc viết bài luận ngắn 150 từ bằng Tiếng Anh. Tùy vào mục tiêu học tập mà bạn có thể điều chỉnh tần suất học trên thời gian biểu của bản thân. Việc tạo một lịch trình như vậy sẽ giúp cho quá trình học trở thành thói quen nhỏ của bạn (mini habits) và bạn sẽ không tốn quá nhiều thời gian, công sức cho nó nữa.

Ngoài sổ giấy truyền thống, việc sử dụng các công cụ quản lý thời gian như TimeBloc, Trello, Todoist, Notion, Google Calendar cũng sẽ giúp bạn tạo thời gian biểu dễ dàng hơn. Mình đã tạo sẵn cho bạn một Notion Template Miễn phí cực xinh để bạn có thể tải về và dùng mỗi ngày. Mình sẽ để l.i.nk đăng ký nhận phần quà nhỏ này ở dưới phần bình luận để giúp bạn bắt đầu một cuộc sống năng suất hơn nhé!

4. LƯU TRỮ THÔNG TIN HỌC TẬP MỘT CÁCH CÓ HỆ THỐNG

Nếu như việc tạo không gian học tập có tổ chức giúp bạn tập trung tốt hơn thì việc tạo không gian lưu trữ kiến thức đã học sẽ giúp quá trình ôn tập của bạn trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Bạn có thể tạo thư mục Drive hoặc Dropbox hoặc tài khoản Notion để lưu trữ các ghi chú, các liên kết và những thứ liên quan. Bằng cách này, bạn sẽ có thể truy cập tài liệu từ bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.

5. ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ‘SQ3R’ (FRANCIS ROBINSON, 1970)

Phương pháp SQ3R (Francis Robinson, 1970) là một kỹ thuật hữu hiệu nhằm giúp bạn nắm hết toàn bộ nội dung thông tin của một tài liệu, một quyển sách, … thông qua việc đọc chủ động và tích cực. Phương pháp này được nhiều trường đại học trên thế giới khuyến khích các sinh viên sử dụng để nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu.

‘SQ3R’ là viết tắt 5 bước diễn ra quá trình nghiên cứu tài liệu: khảo sát (“Survey”), hỏi (Questions), đọc (“Read”), thuật lại (“Recite”) và đánh giá (“Review”).

5.1. Khảo sát: Đọc lướt nhanh văn bản để có cái nhìn tổng thể. Hãy chú ý các thông tin sau:

▪️ Tiêu đề và Đề mục

▪️ Biểu đồ, đồ thị, hình ảnh, câu hỏi, phần chữ in đậm hoặc in nghiêng

▪️ Giới thiệu và kết luận

▪️ Câu đầu tiên và câu cuối cùng trong đoạn văn

▪️ Chú thích

5.2. Câu hỏi: Ghi lại các câu hỏi mà bạn có thể có sau khi đọc qua tài liệu.

Đặt câu hỏi không chỉ khiến bạn tập trung hơn mà còn hiểu hơn về mục đích của việc đọc. Bạn nên chuyển các hình ảnh, tiêu đề thành câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Thế nào? Tại sao?

5.3. Đọc:

Lúc này bạn cần đọc một cách tập trung để chủ động tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi của bạn. Đừng quên chi chú và làm nổi bật các ý chính trong văn bản.

5.4. Thuật lại:

Đây là bước mà bạn cần trình bày lại kiến thức đã học bằng ý hiểu của bản thân dưới dạng viết hoặc nói. Việc này sẽ giúp đưa thông tin vào trí nhớ dài hạn của bạn.

5.5. Đánh giá:

Sau khi đọc toàn bộ bài tập, hãy xem lại các câu trả lời, ghi chú của bạn và tự kiểm tra thông tin xem có chính xác chưa. Đánh giá là một quá trình liên tục. Do đó, đừng quên ôn luyện các kiến thức bạn học ở trên hàng tuần và tự kiểm tra để củng cố khả năng ghi nhớ chúng.

Với phương pháp SQ3R, bạn sẽ rèn luyện cho mình kỹ năng học và đọc một cách chủ động, tránh bị nhồi nhét vào những thời điểm cận kề ngày thi, nắm vững nội dung và kiến thức các sách, các giáo trình, …

6. NGHỈ GIẢI LAO MỘT CÁCH KHOA HỌC

Việc nghỉ giải lao đều đặn và khoa học sẽ giúp bạn thư giãn đầu óc, tái tạo năng lượng để học tập hiệu quả hơn. Lời khuyên cho bạn là hãy đưa lịch trình ăn, vận động, thiền và tập thể dục vào thời gian biểu của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn chăm sóc bản thân một cách có trách nhiệm hơn và giữ cho bạn một thói quen sinh hoạt – làm việc lành mạnh, đều đặn. Nếu bạn lo lắng về việc bị giảm năng suất khi nghỉ giải lao, bạn có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp quản lý thời gian như Kỹ thuật Pomodoro (Học 25 phút – Nghỉ 5 phút). Điều này sẽ giúp bạn tuân theo một lịch trình làm việc hiệu quả mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

7. TÍCH HỢP VIỆC HỌC VỚI SỞ THÍCH, HOẠT ĐỘNG THƯỜNG NGÀY CỦA BẠN

Đây chính là mẹo mà mình tâm đắc và thực hành nhiều nhất

Nếu bạn đang học một ngôn ngữ mới, hãy thử đặt mình vào một môi trường mà bạn có thể học một cách thụ động. Tích hợp quá trình học tập với sở thích và hoạt động hàng ngày của bản thân sẽ giúp trải nghiệm học tập của bạn thú vị và cá nhân hóa hơn. Ngoài ra, khi việc học dần hòa nhập với phong cách sống của bạn, bạn sẽ bớt căng thẳng và áp lực khi học.

Chẳng hạn: nếu bạn muốn học tiếng Anh và thích xem Youtube, bạn nên xem vlog bằng Tiếng Anh và thay đổi cài đặt ngôn ngữ trong điện thoại sang tiếng Anh. Nếu bạn đang thành thạo một kỹ năng (ví dụ: học thiết kế đồ họa), hãy thử quan sát cách nó được sử dụng trong cuộc sống thực (ví dụ: phân tích bảng quảng cáo, quảng cáo áp phích, v.v.) và học hỏi từ đó.

Những việc làm nhỏ đó sẽ tạo ra môi trường học tập thụ động và liên tục cho bạn, cho phép bạn tiếp thu hoặc ôn tập kiến thức mà không cần ngồi vào bàn học. Đây là một chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả khi bạn cố gắng học một thứ gì đó từ con số 0.

Tự học là một hoạt động nghiêm túc và quan trọng, nhưng điều đó không khiến nó kém phần hấp dẫn. Bạn sẽ có thể tìm hiểu nhanh hơn và tận hưởng quá trình này nếu bạn làm theo các nguyên tắc này.

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024