Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/10/2016 23:10 # 1
hotuanvu
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 35/110 (32%)
Kĩ năng: 38/40 (95%)
Ngày gia nhập: 25/09/2012
Bài gởi: 585
Được cảm ơn: 98
Một số ý kiến về vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế


Với việc gia nhập WTO trong những năm qua và gần đây gia nhập AEC và TPP, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cho việc đầu tư và phát triển nền kinh tế nhưng đồng thời cũng đứng trước nhiều thử thách cần phải vượt qua để có thể nắm bắt và biến cơ hội thành hiện thực. trong những thách thức này thì thách thức về tính chuyên nghiệp và lành nghề của đội ngũ nhân sự có trình độ cao trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán nổi lên như là một rào cản cần phải tháo gỡ một cách nhanh chóng để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Với bài viết này, chúng tôi chỉ đi vào trao đổi một số ý kiến liên quan đến vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học - nguồn nhân lực có trình độ cao.

                 PGS.TS .Võ Văn Nhị
       Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán
           ĐH Kinh Tế Tp. Hồ Chí Minh

Hiện nay, việc đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học được thực hiện ở rất nhiều trường đại học công lập và ngoài công lập trong cả nước. Kết quả đào tạo của các trường xét về mặt số lượng đã đáp ứng khá tốt nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán cho giai đoạn đã qua cũng như trong giai đoạn sắp đến. Tuy nhiên, nếu xem xét về khía cạnh chất lượng đào tạo thì còn có độ lệch khá lớn giữa các trường và chất lượng nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong dài hạn.

Theo chúng tôi, để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học thì tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng trường cần có những thay đổi căn bản trên một số phương diện sau:

1. Về việc xác định mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra: việc xác định mục tiêu đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra cần phải dựa vào những tiêu chuẩn cần có của nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế để người được đào tạo không chỉ đủ năng lực làm việc tại Việt Nam mà còn có năng lực làm việc tại các nước trong khu vực AEC cũng như các tổ chức kế toán, kiểm toán quốc tế. Chuẩn đầu ra này phải đạt chuẩn quốc tế về năng lực chuyên môn học thuật, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và kỹ năng làm việc trong môi trường máy tính. Với chuẩn đầu ra này có thể nhiều trường chưa thực hiện được nhưng đây phải là hướng phấn đấu để trong thời gian gần nhất có thể thực hiện được thì mới đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng của nền kinh tế.

2. Trên cơ sở chuẩn đầu ra được xây dựng theo chuẩn quốc tế cần phải đổi mới nội dung chương trình đào tạo để người học thông qua chương trình này sẽ có được những kiến thức vừa có tính hiện đại vừa có tính thực tiễn, vừa có tính hàn lâm vừa có tính ứng dụng, vừa có năng lực nghiên cứu vừa có kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với các kỹ năng được xác định trong chuẩn đầu ra. Chương trình đào tạo phải đổi mới theo hướng tiếp cận và kế thừa những mặt tích cực của chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, phải thiết kế trong chương trình đào tạo những nội dung chuyên môn có tính chất đặc thù về môi trường pháp lý và môi trường hoạt động tại Việt Nam để người học có thể thực hiện được công việc chuyên môn một cách thành thạo tại Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Việc tiếp cận và kế thừa chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế sẽ giúp người học có những kiến thức và kỹ năng để có thể hội nhập và thực hành một cách có hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế. Nói chung, chương trình đào tạo được đổi mới phải hướng vào hai mục tiêu quan trọng: Tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao để sử dụng tại chỗ và xuất khẩu nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

3. Phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phù hợp với chuẩn đầu ra được xây dựng.

Đội ngũ giảng viên không chỉ là những người có phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, không ngừng cập nhật để kiến thức luôn được đổi mới, có tính hiện đại đồng thời phải có những am hiểu tình hình thực tiễn của hoạt động chuyên môn để bên cạnh tính hàn lâm còn phải có tính thực tiễn sâu sắc trong nội dung giảng dạy. Đây chính là phẩm chất hết sức quan trọng để người giảng dạy thực hiện tốt chương trình đào tạo theo hướng tiên tiến quốc tế. Bên cạnh đó việc thành thạo ngoại ngữ để phục vụ cho việc nghiên cứu và trao đổi học thuật cũng là một trong những yêu cầu cơ bản mà đội ngũ giảng viên cần phải có để đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế.

4. Đổi mới phương pháp giảng dạy cũng lá vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Việc lấy người học làm trung tâm phải được tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm túc để qua đó tác động và khai thác tốt tiềm năng sáng tạo của người học trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Để phát triển năng lực sáng tạo và tính chủ động của người học trong quá trình đào tạo thì việc tăng cường áp dụng phương pháp làm việc theo nhóm để thực hiện các bài tập tình huống do giảng viên đưa ra có tác dụng rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng quốc tế hoá.

Một khía cạnh khác cũng cần được lưu ý trong đổi mới phương pháp giảng dạy đó là tăng cường thời lượng thảo luận tại lớp thông qua những chủ đề do giảng viên yêu cầu theo hướng mở rộng nội dung môn học qua hình thức tiếp cận các công bố trong nước và quốc tế để người học cập nhật kiến thức, nâng cao tính hiện đại và tính hàn lâm trong nội dung môn học. Đây là vấn đề khó nhưng lại có ý nghĩa lớn trong việc rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu hàn lâm cho người học để sau khi tốt nghiệp họ có thể theo học các lớp chuyên sâu về kế toán, kiểm toán hoặc thực hiện công việc nghiên cứu ở các cấp độ cao hơn.

Để thực hiện được một số đổi mới như vậy, theo chúng tôi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, giữa các trường đại học và các tổ chức nghề nghiệp trong nước cũng như của nước ngoài, cụ thể:

- Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng một chiến lược đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học theo chuẩn quốc tế và tạo điều kiện để từng trường tuỳ theo năng lực hiện có thiết kế chương trình đào tạo phù hợp theo hướng tiếp cận chương trình tiên tiến trên thế giới. Chiến lược này tạo nên nền tảng pháp lý để từng trường chủ động trong việc hoạch định quá trình đào tạo nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán có chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

- Các trường đại học cần phải gắn kết chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp của Việt Nam cũng như của quốc tế để từng bước đưa vào chương trình đào tạo những nội dung có tính ứng dụng chuyên nghiệp đã được các tổ chức này nghiên cứu, tổng hợp và áp dụng trong quá trình đào tạo các loại chứng chỉ hành nghề được công nhận rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế. Trên thực tế một số chương trình và nội dung đào tạo của CPA Australia, ACCA, ... đã mang lại nhiều kết quả tốt cho quá trình thực hành chuyên môn về kế toán, kiểm toán ở cấp độ cao. Chính việc gắn kết này sẽ tạo nên sự hài hoà giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, giữa thực tế về kế toán, kiểm toán của một quốc gia với tính chất quốc tế hoá theo xu hướng hội tụ kế toán toàn cầu. Có thề nói sự kết hợp này sẽ mang lại một giá trị lớn cho chương trình đào tạo để từng bước nâng cao tính hiện đại, tính chuyên nghiệp cho chất lượng đầu ra ở bậc đại học.

- Các trường đại học cần phồi hợp và thông qua các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Câu lạc bộ Kế toán trưởng,...để tạo nên mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế nhằm một mặt giúp người học có điều kiện tiếp cận dễ dàng công việc thực tế tại các doanh nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp, mặt khác với việc tạo ra mối quan hệ này sẽ giúp các trường thường xuyên lắng nghe được từ phía các doanh nghiệp - các nhà tuyển dụng chủ lực - những yêu cầu về chất lượng sản phẩm đào tạo được cung cấp cũng như sự thích hợp của chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu về chất lượng được đặt ra. Chính những ý kiến và đóng góp của doanh nghiệp sẽ là cơ sở quan trọng để các trường điều chỉnh kịp thời chuẩn đầu ra và đổi mới chương trình đào tạo một cách thích ứng.

Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học để tạo ra nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có chất lượng cao đang là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này ngoài sự nổ lực của từng trường đại học cần phải có sự hợp lực giữa các trường, giữa trường với các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, về kế toán, kiểm toán cũng như với các tổ chức và hiệp hội nghề nghiệp trong việc thiết lập chuẩn đầu ra thích hợp, đổi mới nội dung chương trình giảng dạy theo hướng quốc tế hoá và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao.

Tháo dỡ rào cản để phát triển giáo dục đại học nói chung và cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng phải được xem là trách nhiệm xã hội của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan từ Trung ương đến địa phương. Chỉ khi nào chúng ta có một chiến lược đào tạo kế toán, kiểm toán một cách thích ứng với yêu cầu hội nhập thì với nổ lực từ nhiều phía chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua thử thách để tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.




 
Các thành viên đã Thank hotuanvu vì Bài viết có ích:
19/10/2016 07:10 # 2
vothivan
Cấp độ: 32 - Kỹ năng: 11

Kinh nghiệm: 4/320 (1%)
Kĩ năng: 75/110 (68%)
Ngày gia nhập: 22/03/2014
Bài gởi: 4964
Được cảm ơn: 625
Phản hồi: Một số ý kiến về vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế


Em nghĩ nên đẩy mạnh việc THỰC HÀNH vào công tác giảng dạy nữa ạ, học lý thuyết suông sau này ra đi làm không áp dụng được bao nhiêu thầy ạ !



Cứ đi rồi sẽ đến! 

Facebook: facebook.com/vothivanqb94

Gmail: vothivanqb94@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024