Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
28/10/2023 22:10 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Người đàn ông mang tên Ove - Fredrik Backman


Ông Ove là một người đàn ông kì cục bên ngoài với vô số nguyên tắc kì quặc. Ông không có bạn bè, mẹ ông mất sớm, ông được nuôi dưỡng bởi một người đàn ông khô khan và kiệm lời, vì lẽ đó mà khi trưởng thành, ông lại càng ít nói hơn nữa. Thật ra thì khi đọc những chương đầu tiên, mình không thích ông già này đâu. Nếu như mình gặp những người này ngoài đời, chắc mình né xa, và mình cũng định không đọc quyển sách này nữa khi đọc một vài chương đầu tiên, vì mình không thích lối viết của tác giả lắm, nhưng vẫn có cái gì đó vẫn lưu luyến mình ở lại với câu chuyện của ông già kì cục này. 

Về tính cách của ông Ove:
Rất nguyên tắc. Mình không hiểu sao tác giả Fredrik Backman lại có thể xây dựng được một nhân vật có thể nguyên tắc như chiếc đồng hồ luôn quay một chiều như vậy được. Và thật khó để ai đó phá vỡ đi sự nguyên tắc đó. 
Ông Ove có một người vợ, tên bà là Sonjata, người vợ này không phá vỡ đi nguyên tắc của Ove, nhưng lại mang cho ông một màu sắc mới. “Mọi người bảo Ove rằng ông chỉ nhìn đời theo hai màu đen trắng. Còn bà là màu sắc. Tất cả màu sắc của ông.”
Từ khi có bà, cuộc sống của ông đa dạng và nhiều sắc màu hơn. Rồi khi bà mất đi, bà lại mang tất cả màu sắc của ông qua thế giới bên kia. Ông hứa với bà sẽ đi với bà qua thế giới bên kia, nên sau khi bà mất, ông đã tìm cách tự tử. Nhưng mỗi lần ông định tự tử, ông lại gặp những sự cố khiến ông không thể kết liễu đời mình chỉ vì ông sống nguyên tắc. 
Một người đàn ông từng trải, sống nguyên tắc, nên trước khi chết ông muốn mọi thứ phải quy củ như lúc ông sống vậy. Và mình nghĩ, đây chính là điều kì cục khiến mình ở lại với ông Ove. 
Bản chất thật sự của một người đàn ông là gì, thật khó để định nghĩa về một người đàn ông đích thực. Có người cho rằng: Đàn ông đích thực là người nói ít làm nhiều. Vậy có ai đã suy nghĩ, “làm nhiều" ở đây là làm gì hay chưa? “Làm nhiều” là làm thật nhiều tiền mang về cho người mình yêu thương, hay là sẵn sàng “đánh đấm" một ai đó, khi họ đụng chạm tới quyền lợi và những người bên cạnh mình, và cũng có thể “làm nhiều” là tháo vát trong lặng lẽ. Và ở ông “Ove" có tất cả nhưng điều đó và có thêm một trái tim nhân hậu nữa. 
Có một chi tiết, mình thấy khá là thú vị. Ông Ove dạy lái xe cho cô gái tên là Parvaneh đến từ đất nước Iran, và đang mang bầu. Mặc dù làu bàu đủ thứ chuyện, nhưng ông vẫn bảo vệ cô gái này khi có một người đàn ông thô lỗ bóp còi, la lối ầm ĩ vì cô này lái xe “không ra gì”. Ông có dùng bạo lực, sự bạo lực của ông làm người đàn ông khác thấy khiếp sợ, nhưng lại làm cô gái có thêm niềm tin, và yêu thương, như cách mà một người cha yêu thương con gái mình vậy. 
Mình không biết, trái tim nhân hậu của ông Ove này là do ông sống quá nghiêm túc, hay là do vì ông có lẽ sống là bà Sonja, hay bị ảnh hưởng bởi người cha già quá cố của mình, và cũng có thể là cả hai… Nhiều chi tiết trong sách, mình thấy đều có một giá trị nào đó liên quan đến cuộc đời của ông, và thế giới hiện tại này nữa. Sức mạnh của ngôn từ được bộc lộ qua từng câu chuyện và khiến mình thấm đẫm những bài học sâu sắc và ý nghĩa một cách rất thực mà không bị lý tưởng hoá lên. 
Đọc sách, đọc giả sẽ hiểu tại sao tình yêu và lẽ sống quan trọng với con người ta đến thế, và cả cái chết nữa. Mình chưa trải nghiệm sinh ly tử biệt, nhưng mình cảm thấy có cái gì đó khiến mình rất trân trọng cuộc sống này, với những người yêu thương của mình hiện tại. Thật khó để diễn tả nó thành lời. Nên mình mượn một đoạn trích trong chương 39 của quyển sách này, để nhắc nhở bản thân, chúng ta cần trân trọng giây phút ta được sống. 
“Cái chết là một thứ lạ lùng. Người ta sống cả đời như thể nó không tồn tại, thế nhưng nó là một trong những lý do quan trọng nhất để sống. Một số người trong chúng ta nhạn thức rõ về cái chết đến nỗi sống mạnh mẽ hơn, bướng bỉnh hơn, điên cuồn hơn. Một số cần sự hiện diện thường xuyên của nó để cảm thấy mình đang sống. Số khác bị ám ảnh bởi cái chết đến nỗi họ ngội đợi nó rất lâu trước khi nó tới. Chúng ta sợ chết, nhưng đa phần chúng ta sợ nhất là khi nó đem một ai đó đi mất, chứ không phải chính chúng ta. Bởi lẽ nỗi sợ hãi lớn lao nhất khi đối mặt với cái chết là việc nó sượt qua chúng ta. Và bỏ chúng ta lại một mình. 
Và thời gian cũng là một thứ kỳ lạ. Hầu hết chúng ta chỉ sống vì khoảng thời gian còn lại phía trước. Vài ngày, vài tuần, vài năm. Một trong những khoảnh khắc đau đớn nhất trong cuộc đời một con người là khi anh ta nhận ra mình đã đến cái tuổi có nhiều thứ ở sau lưng hơn là trước mặt. Và khi thời gian không còn nhiều phía trước, người ta sống vì những thứ khác. Những kí ức chẳng hạn…”



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024