Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/02/2021 21:02 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Phương Pháp Cải Thiện Khả Năng Tư Duy – Năng Lực Tinh Thần Cốt Lõi Của Bạn


Cải thiện các kỹ năng tư duy như năng lực chú ý, ghi nhớ và tổ chức thông tin giúp bạn tăng cường năng lực tập trung, học hỏi và kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn

Ai trong chúng ta cũng muốn cải thiện mọi khía cạnh trong cuộc sống. Mỗi người có một mục tiêu khác nhau: thân hình cân đối và khỏe mạnh hơn, hạnh phúc và thành công hơn,...

Nhưng hãy tưởng tượng, cuộc sống của bạn sẽ thuận lợi hơn bao nhiêu nếu bạn có thể suy nghĩ rõ ràng hơn, học hỏi nhanh hơn, ghi nhớ nhiều hơn, đưa ra quyết định sáng suốt hơn, và giải quyết vấn đề dễ dàng hơn. Những năng lực tinh thần cốt lõi này được gọi là khả năng tư duy.

Giờ đây, ta biết rằng bạn có thể tích cực nâng cao các kỹ năng này - bằng cách thực hiện các bài tập não bộ cụ thể và bằng cách cải thiện sức khỏe tiềm ẩn của bộ não của bạn.

 

I. Khả năng tư duy là gì

Khả năng tư duy được định nghĩa là “của, liên quan đến hoạt động trí não có ý thức (chẳng hạn như suy nghĩ, lý luận hoặc ghi nhớ).”

Về cơ bản, khả năng tư duy là cách bộ não của bạn hiểu và xử lý thông tin mới và nhớ lại kiến thức trong quá khứ để giúp bạn trong đời sống hàng ngày.

Ví dụ về khả năng tư duy

Dưới đây là một số trong số nhiều chức năng liên quan đến khả năng tư duy:

  • tư duy trừu tượng
  • khả năng chú ý
  • tư duy phản biện
  • đưa ra quyết định
  • tập trung
  • ngôn ngữ
  • logic và lý luận
  • trí nhớ
  • khả năng tư duy linh hoạt
  • kỹ năng vận động
  • khả năng nhận thức
  • lập kế hoạch
  • giải quyết vấn đề
  • tự kiểm soát bản thân
  • xử lý thị giác, thính giác và không gian   

Ở cuối bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào vấn đề quan trọng nhất trong số đề mục nêu trên. Nhưng trước tiên, chúng tôi sẽ nói qua về các bước bạn có thể thực hiện để chủ động cải thiện khả năng và năng lực tư duy của mình.

 

II. Các bài tập rèn luyện để nâng cao khả năng tư duy

Trong suốt gần như toàn bộ lịch sử loài người, người ta cho rằng mức độ thông minh được mặc định giữ nguyên suốt đời và không thể thay đổi. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10 năm trước, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí thông minh là linh hoạt và bất kỳ ai cũng có thể cải thiện khả năng tư duy của mình bằng cách xúc tác phù hợp - cụ thể là các hoạt động tinh thần mới lạ và phức tạp. Nghiên cứu này cũng chứng minh rằng việc nâng cao một kỹ năng tư duy có thể cải thiện các kỹ năng khác hoàn toàn không liên quan. Ví dụ, Albert Einstein tin rằng niềm đam mê với vĩ cầm đã khiến ông trở thành một nhà khoa học xuất chúng hơn. Dưới đây là một số phương pháp quan trọng để tối ưu hóa tiềm năng tư duy của bạn:

1. Học một ngôn ngữ mới

Não bộ ở mọi lứa tuổi có thể được hưởng lợi từ việc học hoặc nói ngôn ngữ thứ hai. Một số lợi ích cho khả năng nhận thức đã được chứng minh cho năng lực sử dụng đa ngôn ngữ bao gồm:

  • kỹ năng nghe tốt hơn
  • nâng cao khả năng sáng tạo
  • nâng cao khả năng giải quyết vấn đề, lập định kế hoạch và ra quyết định
  • linh hoạt hơn về mặt nhận thức
  • trí thông minh tổng thể lớn hơn
  • trí nhớ sắc bén hơn
  • khả năng nhận thức tổng thể vượt trội

2. Thưởng thức âm nhạc

Bất kể khi bạn nghe nhạc, chơi nhạc cụ hay khiêu vũ, thiết lập môi trường âm nhạc xung quanh bản thân là một cách chắc chắn để nâng cao hiệu suất tinh thần. Não bộ của nhạc sĩ sở hữu sự khác biệt đáng kể so với não bộ của những người không phải là nhạc sĩ. Não bộ của họ lớn hơn, kết nối tốt hơn và đối xứng hơn. Nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan giữa quá trình đào tạo âm nhạc và sự cải thiện chức năng điều hành não bộ. Chức năng điều hành là các quy trình tư duy cấp cao cho phép bạn xử lý và lưu giữ thông tin, đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề, ngăn chặn sự phân tâm, thể hiện sự tự chủ và lập kế hoạch.

 

3. Luôn cởi mở với những trải nghiệm mới

Hãy luôn tò mò và thử những điều mới.Tìm kiếm sự đồng hành của những người có sở thích hoặc nghề nghiệp khác nhau, hoặc đến từ các môi trường xã hội hoặc văn hóa khác nhau. Hãy bước ra ngoài vùng an toàn của bạn - điều đó chắc chắn kích thích não bộ của bạn. Tắt GPS và học cách đọc bản đồ; phát triển khả năng định hướng bẩm sinh của bạn để tìm đường đi. Hãy thử một sở thích không giống với những điều bạn thường làm. Các kỹ sư nên học khiêu vũ, trong khi các nghệ sĩ nên học làm toán. Những sở thích không giới hạn tiềm năng làm chủ như hội họa, âm nhạc, làm vườn hoặc học cờ vua đảm bảo rằng sẽ luôn có nhiều điều mới để học hỏi.

4. Vận dụng toàn bộ các giác quan của bạn

Hầu hết các hoạt động được coi là bài tập trí não, chẳng hạn như các bài luyện não trực tuyến, giải đố trí óc, và thậm chí hầu hết các hoạt động được đề cập ở trên, sử dụng một hoặc hai giác quan, tức là thị giác và âm thanh. Để có được sự kích thích tinh thần tối đa, hãy tìm kiếm các hoạt động sử dụng nhiều giác quan nhất có thể. Dành thời gian bên thiên nhiên, làm vườn và nướng bánh là những hoạt động sử dụng tất cả các giác quan của bạn - thị giác, âm thanh, xúc giác, vị giác và khứu giác - theo những cách mới lạ.

 

III. Nâng cao tiềm năng tư duy với một lối sống khỏe mạnh

Cách chính thứ hai để tối ưu hóa khả năng tư duy của bạn là cung cấp cho bộ não của bạn những gì nó cần để nó khỏe mạnh và hoạt động tốt nhất.

1. Giảm thiểu căng thẳng

Không phải trí tưởng tượng của bạn đâu - khi bạn căng thẳng, bạn không thể nào tập trung suy nghĩ được! Sự căng thẳng có thể khiến não của bạn ngưng trệ vào những thời điểm tồi tệ nhất có thể, chẳng hạn như trong kỳ thi, phỏng vấn xin việc, và buổi hẹn hò đầu tiên.

Nó ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng não của bạn theo những cách rất thực tế. Nó làm cạn kiệt các chất hóa học có lợi cho não, mở rộng hạch hạnh nhân amygdala (chịu trách nhiệm cho phản ứng cảm xúc sợ hãi) trong não, và khiến não bộ khó tự phục hồi. Căng thẳng làm suy yếu gần như mọi khả năng nhận thức mà bạn phụ thuộc vào để trong cuộc sống, bao gồm khả năng chú ý, ghi nhớ, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và tư duy phản biện. Bạn có thể kiểm soát căng thẳng ở mức độ cơ bản bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh bao gồm ăn thức ăn chưa qua chế biến, ngủ đủ giấc và tập thể dục, đồng thời thử một hoặc nhiều kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc thở bằng cơ hoành.

2. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ kém chất lượng là một tin xấu cho não của bạn. Ngay cả một đêm tồi tệ cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tập trung, khả năng phối hợp, tâm trạng, khả năng phán đoán và khả năng xử lý căng thẳng của bạn vào ngày hôm sau.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn nhận ra rằng, trong khi ngủ, não của bạn sẽ tự làm sạch và sửa chữa và củng cố ký ức.Theo Tiến sĩ Y khoa Itzhak Fried của UCLA, ảnh hưởng của một đêm trắng giấc đến hoạt động tinh thần của bạn cũng giống như khi người ta say rượu vậy.

3. Luôn uống đủ nước

Khoảng ¾ não bộ của bạn là nước, vì vậy, ngay cả mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến năng lực chú ý, trí nhớ và các khả năng nhận thức khác của bạn. Ảnh hưởng của tình trạng mất nước có thể rõ ràng đến mức chúng có thể bị nhầm lẫn với chứng mất trí! Nam giới cần ít nhất 2,5 lít nước mỗi ngày, trong khi phụ nữ cần 2,0 lít, dẫn lời Natural Hydration Council Vương quốc Anh.

4. Sử dụng caffeine một cách khôn ngoan

Caffeine, loại thuốc thần kinh phổ biến nhất, tăng tốc độ tư duy của bạn theo nhiều cách, bao gồm cải thiện tốc độ xử lý tinh thần và độ chính xác. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên sử dụng caffeine, hãy nhớ rằng lạm dụng quá độ có thể gây phản tác dụng. Quá nhiều caffeine có thể làm gia tăng căng thẳng, lo lắng và mất ngủ, do đó sẽ làm giảm khả năng suy nghĩ minh bạch của bạn.

5. Vitamin D

Thiếu hụt vitamin D là vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. Hàm lượng vitamin D thấp đã được chứng minh liên quan đến khả năng suy nghĩ chậm và chức năng nhận thức kém. Trừ khi bạn dành thời gian ở ngoài nắng quanh năm, rất có thể bạn nằm trong số những người có hàm lượng Vitamin D dưới mức trung bình. Nếu bạn muốn biết chắc chắn tình trạng vitamin D của mình, hãy đi xét nghiệm kiểm tra. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi tham vấn với bác sĩ hoặc đặt mua một bộ xét nghiệm vitamin D.

 

IV. Một cái nhìn chuyên sâu vào khả năng và năng lực tư duy

Bây giờ, đối với những ai muốn biết thêm chi tiết, dưới đây là thông tin thêm về một số kỹ năng nhận thức quan trọng nhất.

1. Chú ý và Phản hồi

Chú ý là khả năng lựa chọn và tập trung vào các kích thích có liên quan. Đó là quá trình bạn tập trung tâm trí vào một nhiệm vụ cụ thể và duy trì sự tập trung đó, ngay cả khi có các yếu tố bên ngoài làm bạn phân tâm. Đây là một trong những kỹ năng nhận thức cần thiết nhất – khi mà chúng ta cần sử dụng nó trong cuộc sống hàng ngày.

Có ít nhất ba loại chú ý:

  • Chú ý lâu dài là khả năng duy trì sự tập trung trong khi làm một công việc trong một khoảng thời gian dài.

  • Chú ý có chọn lọc là khả năng chỉ tập trung và xử lý thông tin từ một phần duy nhất của môi trường trong khi loại trừ tất cả những phần khác.

  • Chú ý phân chia là khả năng xử lý nhiều thông tin khác nhau và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau cùng một lúc.

Tất nhiên, trong cuộc sống, bạn cần phải làm nhiều hơn là chỉ chăm chú tập trung - bạn phải phản ứng. Và đây là lúc kỹ năng nhận thức thứ hai xuất hiện. Phản hồi là sự hoạt động hoặc ức chế hoạt động của sinh vật trước kích thích. Như vậy, phản ứng không phải lúc nào cũng có nghĩa là phải hành động. Nó cũng có thể mang nghĩa là hạn chế bản thân thực hiện bất kỳ hành động nào và tiếp tục tập trung sự chú ý của bạn vào vị trí cần phải tập trung.

 

2. Ghi nhớ và Xử lý

Bất cứ khi nào bạn cố gắng nhớ lại điều gì đó, có thể là một sự kiện trong quá khứ hoặc một kỹ năng đã học, bạn dựa vào trí nhớ của mình. Xét trên phương diện lịch sử, trí nhớ được định nghĩa bằng thời gian thông tin đó sẽ được lưu giữ, tức là trí nhớ dài hạn và ngắn hạn. Trí nhớ dài hạn là sự nhớ lại một lượng thông tin không giới hạn trong một thời gian dài ở quá khứ.Loại trí nhớ này có thời gian bảo quản vô hạn.

 Trí nhớ dài hạn bao gồm ba phần:

  • Trí nhớ tình tiết là hồi ức cá nhân của bạn về các sự kiện hàng ngày. Nó bao gồm những ký ức về “ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao”.

  • Trí nhớ ngữ nghĩa là những ý tưởng hoặc khái niệm không được rút ra từ kinh nghiệm cá nhân. Nó bao gồm những ý tưởng và khái niệm là kiến thức chung.

  • Trí nhớ phương thức là loại trí nhớ giúp ta biết cách thực hiện các hành động (tức kỹ năng vận động).

Trí nhớ ngắn hạn, còn được gọi là trí nhớ làm việc, là nơi lưu trữ tạm thời các thông tin nhỏ, thường chỉ trong 15-30 giây. Trí nhớ ngắn hạn của bạn đóng vai trò như một bộ lọc, quyết định những gì đáng để giữ và những gì nên bỏ đi.

Quá trình xử lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trí nhớ. Xử lý là khả năng truy cập các ký ức liên quan đến một tình huống nhất định, bao gồm cả tốc độ thực hiện một nhiệm vụ trí óc. Đó là khoảng thời gian trôi qua giữa việc tiếp nhận thông tin và hiểu và phản hồi nó. Các hoạt động yêu cầu xử lý có thể khác nhau qua từng nhiệm vụ nhận thức đơn giản đến phức tạp.

 

3. Tổ chức thông tin và Suy luận quy nạp

Tổ chức thông tin là khả năng lập luận, hình thành các khái niệm, và giải quyết các vấn đề bằng cách sử dụng thông tin không quen thuộc hoặc các phương thức mới.Tổ chức thông tin bắt đầu với việc lập kế hoạch. Lập kế hoạch được định nghĩa là khả năng “nghĩ về tương lai” hoặc chuẩn bị tinh thần để thực hiện một nhiệm vụ nhất định hoặc đạt được một mục tiêu cụ thể.

Giải quyết vấn đề là khả năng hiểu và giải quyết các vấn đề mà giải pháp không rõ ràng ngay lập tức. Suy luận quy nạp hay lập luận là khả năng đưa ra những khái niệm khái quát từ những quan sát cụ thể.

 

V. Nâng cao khả năng tư duy: Bước tiếp theo

Bộ não con người thực hiện một loạt các nhiệm vụ phức tạp bằng cách sử dụng các khả năng mà chúng ta gọi chung là kỹ năng nhận thức.

Có hai cách chính để tối đa hóa tiềm năng nhận thức của bạn: Đầu tiên, bạn có thể kích thích não bộ bằng các hoạt động tinh thần mới và mang tính thách thức. Thứ hai, bạn có thể áp dụng các thói quen sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe và chức năng tổng thể của não bộ.

---------

Tác giả: Deane Alban & Patrick Alban, DC

 

Link bài gốc: HOW TO IMPROVE COGNITIVE SKILLS, YOUR CORE MENTAL ABILITIES

 

Dịch giả: Đào Thị Quỳnh Anh ToMo Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024