Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/01/2021 21:01 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Việc Ghi Nhớ Bài Học Sẽ Không Còn Là Gian Nan Với 10 Kỹ Thuật Ghi Nhớ Cực Kỳ Hữu Ích Này


Lại đến thời điểm ấy trong năm rồi!

Các bài kiểm tra đang đến gần và bạn thì đang cố nhồi nhét kiến thức giá trị của một học kỳ vào đầu mình – nhưng vô ích. Dù vậy cũng đừng lo lắng: cảm giác như bạn đã “hết dung lượng bộ nhớ” vào thời điểm giữa đợt thi cuối kỳ là điều hết sức bình thường. Chúng ta đều từng như vậy!

Dưới đây là một vài kỹ thuật ghi nhớ bạn có thể sử dụng để tạo lợi thế cho mình khi ghi nhớ thông tin mới. Dù cho bạn đang chuẩn bị cho bài thi lớn, hay chỉ đơn giản là muốn cải thiện trí nhớ, những thủ thuật và mẹo ghi nhớ này sẽ giúp bạn học tập hiệu quả hơn.

1.     Cung Điện Ký Ức (Memory Palaces)

Cung điện ký ức, còn được biết đến như phương pháp loci (loci có nghĩa là “không gian”), là một kỹ thuật ghi nhớ từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Về cơ bản, phương pháp này cho phép bạn mã hóa ký ức bằng cách biến chúng thành những hình ảnh ghi nhớ và đặt chúng vào một vị trí tinh thần. Mọi người thường dùng những không gian quen thuộc mà họ biết rõ để tạo ra cung điện ký ức như một tòa nhà hay một thị trấn. Một khi bạn đã chọn được vị trí của mình, hãy bắt đầu bằng việc đặt lộ trình của bạn quanh vị trí đó.

Chẳng hạn, đi qua cửa, để chìa khóa lên bàn, đi đến nhà bếp, kiểm tra tủ lạnh, đi đến phòng khách, v.v. Sau đó, hãy lập một danh sách những thứ mà bạn muốn nhớ, và bắt đầu định một hoặc hai việc mỗi lần ở một vị trí cụ thể trong cung điện ký ức của bạn. Ý nghĩa của việc này là bạn có thể đi lại trong cung điện ký ức trong tâm trí mình và gợi nhớ lại những ký ức dựa trên các không gian mà bạn đã định cho chúng.

Bạn tạo ra các hình ảnh tinh thần này càng sống động, bạn càng dễ dàng nhớ lại các mục trong danh sách của mình. Một cách hay để đạt được điều này chính là phóng đại những hình ảnh và khiến chúng đáng nhớ hơn. Ví dụ, giả sử bạn đã tạo ra một cung điện ký ức cho danh sách mua sắm của bạn, và mặt hàng đầu tiên trong danh sách của bạn là bông cải xanh – hãy tưởng tượng một chiếc bông cải xanh thật lớn đang mở cửa cho bạn khi bạn đi theo lộ trình của mình qua cung điện ký ức. Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ sự vật chính xác hơn.

2.     Lặp Lại Ngắt Quãng (Spaced Repetition)

Kỹ thuật lặp lại ngắt quãng là một kỹ thuật đã được chứng minh dành cho việc học và ghi nhớ.

Kỹ thuật lặp lại ngắt quãng thường có thể đạt được bằng cách sử dụng thẻ ghi nhớ (flashcard), một hệ thống để bạn viết ra câu hỏi ở một mặt của tờ giấy và viết câu trả lời ở mặt còn lại. Mục đích của việc này là để tạo ra một chồng flashcard mà bạn có thể lật qua nó và tự thách đố chính mình. Khi bạn làm những việc này, và bạn bắt đầu ghi nhớ thông tin, bạn có thể bắt đầu loại bỏ những flashcard mà bạn trả lời chính xác, chỉ tập trung vào những cái mà bạn làm sai.

Một điều tuyệt vời khác khi sử dụng flashcard là chúng tạo điều kiện cho việc nhớ lại chủ động, nghĩa là bạn không chỉ đọc qua thông tin một cách thụ động. Thay vào đó, bạn đang rèn luyện não bộ nhớ lại thông tin bằng cách chủ động kiểm tra kiến thức của mình.

Với kỹ thuật lặp lại ngắt quãng, bạn đang rèn luyện não bộ bằng cách thường xuyên truy cập thông tin qua các khoảng thời gian cách nhau. Điều này cho phép lưu giữ thông tin dài hạn.

3.     Sử dụng ghi nhớ bằng từ ngữ và từ viết tắt

Một từ viết tắt được tạo ra bởi những chữ cái đầu tiên của các từ riêng lẻ. Mục đích của kỹ thuật này là giúp bạn ghi nhớ một danh sách các thứ bằng cách sắp xếp chúng thành những câu và từ dễ nhớ và sau đó có thể chia nhỏ. Ví dụ, từ viết tắt HOMES thường được dùng để ghi nhớ Ngũ Đại Hồ ở Mỹ (Hồ Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior).

Để sử dụng thiết bị ghi nhớ này, hãy liệt kê danh sách bạn muốn nhớ, và sử dụng những chữ cái đầu của chúng để tạo ra một từ có thật hoặc thậm chí là từ được chế ra.

Cũng có các phép ghi nhớ bằng từ ngữ tương tự khác bạn có thể sử dụng, chẳng hạn:

·        Ghi nhớ bằng vần: Ở cuối mỗi câu được gieo vần để tạo ra một mẫu giống bài hát giúp bạn có thể ghi nhớ dễ dàng.

·        Ghi nhớ âm nhạc: Bạn còn nhớ bài hát bảng chữ cái mà giáo viên lớp 1 đã dạy bạn không? Hoặc là bạn có nghe bài hát bảng tuần hoàn hóa học chưa? Cả hai đều là những ví dụ tuyệt vời cho phép ghi nhớ bằng âm nhạc, giúp bạn ghi nhớ và nhớ lại thông tin một cách dễ dàng.

4.     Cùng nó đi vào giấc ngủ

Một điều mà tôi luôn làm vào đêm trước một bài kiểm tra hay bài thi lớn chính là tôi sẽ đọc qua những ghi chú của mình một lần cuối trước khi ngủ. Kỹ thuật ghi nhớ này đặc biệt hữu ích đối với những môn học chú trọng lý thuyết đòi hỏi rất nhiều sự ghi nhớ, vì nó giúp não bộ của bạn củng cố thông tin tốt hơn.

Có một cơ sở khoa học đằng sau kỹ thuật ghi nhớ này. Thật vậy, các nhà nghiên cứu giấc ngủ tin rằng trong khi việc thu nhận và nhớ lại thông tin chỉ có thể xảy ra khi bạn thức giấc, thì việc củng cố trí nhớ lại xảy ra trong lúc ngủ, điều này có thể cải thiện đáng kể khả năng nhớ lại thông tin của bạn.

Bác sĩ tâm thần học Alex Dimitru cho biết: “Bộ não đang ngủ, cùng với việc giảm thiểu tiếp xúc với các tác nhân kích thích bên ngoài, sẽ tạo điều kiện tối ưu cho việc củng cố trí nhớ, giúp củng cố và tích hợp trí nhớ mới vào mạng lưới kiến thức hiện có.”

Vì vậy, vào đêm trước khi thi, hãy đảm bảo rằng bạn lướt qua những ghi chú của mình một lần cuối trước khi vùi mình vào giường.

5.     Kỹ Thuật Phân Nhóm Thông Tin (Chunking)

Nếu bạn đang cố ghi nhớ khối lượng lớn thông tin, chunking có thể là một kỹ thuật ghi nhớ tốt. Về cơ bản, chunking chính là nhóm và sắp xếp thông tin thành những phần nhỏ hơn. Điều này cho phép bộ nhớ ngắn hạn lưu giữ thông tin tốt hơn.

Ví dụ, thay vì cố ghi nhớ số điện thoại 12 số bằng cách ghi nhớ từng số riêng lẻ, bạn có thể nhóm các con số thành ba nhóm bốn số.

Bạn cũng có thể tiếp cận tương tự vậy đối với những môn học khác bằng cách chia thông tin thành các đơn vị mà bạn có thể ghi nhớ theo nhóm thay vì riêng lẻ.

6.     Dạy để học

Bạn có từng cố gắng giải thích một khái niệm cho ai đó và phát hiện ra sau cùng thì chính bạn lại hiểu nó rõ hơn nữa không? Đây được gọi là hiệu ứng protégé, một hiện tượng tâm lý mà nhờ đó bạn có thể cải thiện sự hiểu biết của mình về điều gì đó bằng cách dạy nó cho người khác. Thật là vậy, nghiên cứu đã cho thấy các gia sư sinh viên có khả năng hiểu, nhớ lại và áp dụng thông tin mà họ dạy một cách chính xác hơn.

Vậy thì, làm thế nào bạn có thể sử dụng mẹo học tập này cho bản thân? Vậy hãy bắt đầu bằng cách bạn tiếp cận và nghiên cứu tài liệu học tập của mình; hãy học như thể sau đó bạn sẽ dạy lại cho ai đó. Bạn cũng có thể áp dụng vào thực tế và dạy cho một người bạn, đồng nghiệp hoặc thành viên gia đình như một cách để ôn lại.

Tuy nhiên, nếu không ai sẵn sàng nghe bạn nói về Chiến tranh Napoléon, bạn cũng có thể chỉ cần giả vờ như bạn đang dạy ai đó và giải thích tài liệu cho những học sinh tưởng tượng của mình thành tiếng.

Trên thực tế, tự nói lớn với bản thân chính là một kỹ thuật học tập hữu ích khác, còn được biết đến như tự giải thích (self-explaining). Đúng vậy, một nghiên cứu từ trường Đại học Waterloo đã phát hiện khi bạn đọc thông tin thành tiếng, và tự hỏi và giải thích thông tin này cho chính mình, có thể dẫn đến việc ghi nhớ tốt hơn và lâu dài hơn.

Vậy nên, nếu bạn không thể dạy cho ai khác, hãy dạy cho chính bạn! (Nhưng có thể tránh xa khu vực im lặng học tập của thư viện khi làm điều này!)

7.     Hãy viết, đừng đánh máy

Trong một giảng đường, thường có hai loại người: người gõ bài và người viết bài. Tuy nhiên, có vẻ như bút thì hùng mạnh hơn bàn phím (và ít gây sao nhãng hơn khi chúng ta sử dụng).

Các nhà khoa học nhận thấy sự liên kết giữa việc viết và thu nhận ký ức. Dù việc đánh máy có thể có hiệu suất cao hơn rất nhiều (và dễ dàng hơn cho ống cổ tay của bạn), các nhà tâm lý học và nhà khoa học thần kinh cho rằng chữ viết có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc học tập hiệu quả vì não bộ của bạn xử lý thông tin sâu sắc hơn lúc bạn viết tay những ghi chú của mình. Nó cũng cho phép bạn tiêu hóa thông tin tốt hơn, hiểu nó kỹ lưỡng hơn và lưu giữ nó lâu hơn.

Có thể bạn sẽ do dự khi đổi chiếc MacBook Pro của mình với một cây bút và quyển sổ ghi chép, nhưng bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì kết quả!

8.     Phương Pháp Mã Hóa Bằng Màu Sắc (Colour-coding)

Mã hóa bằng màu là một thủ thuật học tập đáng tin cậy khác. Sử dụng màu sắc có thể có tác dụng tích cực đối với cách bạn xử lý thông tin, vì nó cho phép não bộ của bạn tổ chức và phân biệt giữa những tài liệu khác nhau. Đúng là như thế, con người xử lý những yếu tố thị giác tốt hơn, và nghiên cứu đã phát hiện ra rằng do điều này nên màu sắc có thể tăng cường hiệu suất ghi nhớ.

Chẳng hạn, bằng cách sử dụng những cây viết đánh dấu màu sắc để phân tách bài nghiên cứu của bạn, hoặc bút nhiều màu sắc để viết ghi chú của bạn dựa trên chương và mục, não bộ của bạn sẽ bắt đầu liên kết từng màu với thông tin khác nhau, do đó mà giúp bạn tổ chức và nhớ lại những thông tin này dễ dàng.

Bạn cũng có thể sử dụng những nhãn dán màu để nhóm những công việc khác nhau trong một dự án hay một bài luận văn. Một bước quan trọng là cũng tạo một danh sách những câu chú giải, mỗi cái miêu tả những gì mỗi màu đại diện.

9.     Sử dụng giác quan của bạn

Trí nhớ giác quan của bạn dựa vào năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.

Khi đến thời điểm ôn thi và ôn tập tổng quát, chúng ta chủ yếu dùng thị giác và thính giác, nhưng bằng cách sử dụng nhiều hơn hai giác quan này, chúng ta có thể cải thiện cách nhận thức và ghi nhớ thông tin.

Ví dụ, mùi hương là một công cụ ghi nhớ mạnh mẽ, vì những mùi hương nhất định có thể kích hoạt ký ức khá sống động. Khi ôn thi, bạn có thể xịt một mùi hương lạ như nước hoa hoặc tinh dầu mới trong khi ôn tập, và sau đó làm lại điều này ngay trước bài thi hay bài kiểm tra. Chỉ cần đảm bảo không chọn mùi quá nồng!

Tương tự như vậy với vị giác, não bộ có thể tạo ra những kết nối sống động của ký ức vị giác. Một cách tốt để sử dụng điều này hiệu quả là nhai một loại kẹo cao su có mùi vị lạ, trong cả khi học và suốt bài thi.

Ký ức xúc giác cũng có thể được sử dụng để cải thiện quá trình học tập. Bằng cách có một đồ vật tiện ích giác quan như một chiếc fidget spinner, bạn có thể cải thiện sự tập trung và chú ý, và nhờ đó cũng xử lý thông tin mới sâu sắc hơn, dẫn đến khả năng ghi nhớ tốt hơn.

10.     Thay đổi phong cách sống

Phong cách sống của bạn có thể có một tác động đáng kể đến trí nhớ của bạn. Vì vậy, mặc dù những kỹ thuật ghi nhớ cho bài thi đã được đề cập chắc chắn có thể đảo ngược thế cuộc, thì có thể bạn cũng cần phải áp dụng một số thói quen lành mạnh hơn để củng cố cho nỗ lực của mình.

Trước hết, bạn nên xem xét ba yếu tố: giấc ngủ, chế độ ăn và tập thể dục.

Thiếu ngủ có thể gây tác động tiêu cực đến hiệu suất của bạn, nghĩa là bạn sẽ không thể học tập và ghi nhớ được nhiều thông tin như khi bạn được nghỉ ngơi đầy đủ. Mặc dù mùa thi thường phô trương những quan niệm sáo rỗng của những người thức đêm và việc thức đến khuya để nhồi nhét kiến thức, thì bạn thật sự nên nghỉ ngơi sớm và bắt đầu việc ôn tập vào buổi sáng.

Một chế độ ăn lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng cho một trí nhớ tốt. Trên thực tế, một số loại thực phẩm bổ não nhất định giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3 và vi chất dinh dưỡng như cá hồi, quả hạch, quả việt quất và socola đen có thể cải thiện trí nhớ của bạn và tăng cường hiệu suất làm việc của não bộ.

Còn về tập thể dục, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những bài tập có tác động thấp, như đi bộ, trước khi ôn tập sẽ thúc đẩy chức năng nhận thức và khả năng ghi nhớ của bạn. Trước khi bắt đầu giờ học kế tiếp của mình, hãy đi bộ một quãng ngắn hoặc có thể là tập một bài tập nhỏ ở nhà – nhưng hãy đảm bảo là giữ cho nó nhẹ nhàng thôi, nếu không bạn sẽ mệt đến không thể học nổi!

Bằng cách kết hợp một số thói quen lành mạnh này, bạn không chỉ sẽ cải thiện trí nhớ mà còn tăng cường sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.

Có rất nhiều phương pháp ghi nhớ để cải thiện trí nhớ của bạn. Dù cho bạn có thể sẽ nhận thấy một vài phương pháp hiệu quả hơn những cái còn lại, những kỹ thuật đã được khoa học chứng minh này sẽ không chỉ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn mà còn khiến việc học tập thú vị hơn (hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được) đối với bạn!

----------                          

Tác giả: Melina Theodorou

Link bài gốc:  10 Incredibly Useful Memory Techniques for Studying

Dịch giả: Lê Hoàng Thảo Nguyên - ToMo - Learn Something New 

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024