Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/08/2014 23:08 # 1
sat_thu_nikita
Cấp độ: 9 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 88/90 (98%)
Kĩ năng: 29/50 (58%)
Ngày gia nhập: 27/09/2011
Bài gởi: 448
Được cảm ơn: 129
Trên đỉnh Tao Phùng, Vũng Tàu


TƯỢNG CHÚA KI TÔ

KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT

(Phía Nam Núi Nhỏ hướng về phía mũi Nghinh Phong, Vũng Tầu)

 

Vũng Tầu là một địa danh nổi tiếng của Việt Nam ngay từ thế kỷ 17, mà người Pháp gọi là Cap Saint Jacques và dân Việt thường gọi là Ô-Cấp, sau đổi thành Vũng Tầu. Nói đền Vũng Tầu, mọi người đều biết đến những bãi biển thiệt đẹp của thế giới. Riêng người Công Giáo lại mường tượng đến Bãi Dâu với đền Đức Mẹ và 14 chặng Đàng Thánh Giá và tượng Chúa Kitô trên Núi Nhỏ nơi Bãi Sau.. 

 

Tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh Tao Phùng, với độ cao 176m (520 ft) so với mặt biển, thuộc Núi Nhỏ là một công trình kiến trúc điêu khắc đồ sộ: nổi bật hài hòa trong không gian khoáng đạt của vùng núi non và biển cả nơi đây.

 

 

Tượng Chúa Kitô là một tác phẩm nghệ thuật lớn, là sản phẩm của sự kết hợp tuyệt-vời giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ với kiến trúc nghệ thuật Việt Nam hiện đại mang đậm tính dân tộc và tôn giáo. Về kích thước tượng Chúa cao 32m, sải tay dài 18,4m được giới chuyên môn xem đây là bức tượng Chúa lớn nhất thế giới, lớn hơn cả bức tượng Chúa Giêsu tại Rio de Janerio thuộc nước Brasil bên Nam Mỹ Châu, vốn do hai quốc gia Argentina và Brasil xây dựng (chỉ cao 26m và sải tay dài 10m).

 

Đền Đức Mẹ Bãi Dâu

Trên Đỉnh Tao Phùng

Bên trong tượng có cầu thang xoắn ốc đi từ chân tượng lên tới đỉnh tượng. Ánh sáng bên ngoài chiếu rõ trong lòng tượng nhờ hệ thống “cửa sổ” hình chữ “Thọ” trang trí trên áo. Trong lòng tượng đài trên núi Tao Phùng có đủ chỗ đứng cho gần ngàn người. Một cầu thang gồm 133 bậc tam cấp trong lòng tượng dẫn du khách lên tận cánh tay của tượng Chúa. Từ đây - 2 bên vai và tay áo tượng – như hai chiếc ban công an toàn, có thể chứa 6 du khách mỗi bên, họ chắc chắn có thể ngắm bờ biển Vũng Tàu và thưởng thức những ngọn gió biển thổi vù vù, mát rượi. Hai bàn tay tượng Chúa Kitô dài tới 2,2mét, ngón giữa dài 1,1mét có 9 tia hào quang làm bằng kim loại vừa trang trí vừa có tác dụng thu lôi.

Tượng Chúa Kitô đặt trên một bệ bê-tông có bốn góc tạo hình cánh cung cao 10mét, phía trước bệ được trang trí bằng bức phù điêu phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leona de Vinci “Bữa tiệc ly”. Mặt sau là một bức tranh lớn “ Chúa trao chìa khóa cho thánh Phêrô”.

Tượng Chúa Kitô núi nhỏ quay mặt về hướng Nam nhìn ra biển Đông, nét mặt nhân từ bao dung, đôi tay dang rộng như đang che chở, bao bọc chúng sinh. Dẫu là một bức tượng được xây bằng bê tông cốt thép, bên ngoài tô đá rửa nhưng những chi tiết về nghệ thuật và thẩm mỹ như tư thế bức tượng, nét mặt, trang phục … đều được thễ hiện hết sức mềm mại, sinh động đầy sức sáng tạo.

 

 

     

Vài dòng lịch sử:

Vào thập niên 70, giáo xứ Vũng Tầu với linh mục chính xứ Nguyễn minh Trí đã tiến hành xây dựng một tượng đài Chúa Giêsu cao 10 mét trên bệ cao 5 mét ở Ô Quắn, ngay trước mũi Nghinh Phong. Công trình được khởi công từ năm 1972, nhưng vào ngày 17 tháng 01 năm 1973,  tỉnh trưởng Vũng Tầu đã ra lệnh ngưng mọi công tác xây cất ở đây do khiếu nại của Phật Giáo với lý do là địa điểm này đã được dành cho Giáo hội Phật Giáo. Để giữ hòa khí giữa hai tôn giáo lớn này, tỉnh trưởng Vũng Tầu đã triệu tập một cuộc họp giữa chính quyền và đại diện hai tôn giáo trong cuộc. Ngày 16 tháng 02 năm 1974 một thỏa hiệp ba bên được ký kết: Giáo Hội Phật Giáo có toàn quyền xử dụng mũi Nghinh Phong, còn Giáo Hội Công Giáo sẽ xây dựng tượng đài Chúa Kitô vua trên ngọn núi Tao Phùng với diện tích 10 mẫu.

Với địa điểm mới, trên đỉnh Tao Phùng, cao tới 176 mét so với mặt biển, công trình xây cất tượng đài phải hoàn toàn thay đổi để có thể chịu đựng những khắc nghiệt của khí hậu, của gió mùa, của ánh nắng gay gắt, của những cơn mưa và bão táp... Thêm vào đó, phát sinh hàng loạt những khó khăn mới về kỹ thuật, mỹ thuật và tài chánh...

Sau một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về thiết kế và chọn mẫu. Tất cả các công việc đều do Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Vũng Tàu chủ xướng và thực hiện. Các họa sĩ điêu khắc như Cao Uy, Văn Nhân và các vị có chức sắc trong Giáo Hội, được giao nhiệm vụ tham khảo hàng nghìn bức ảnh Chúa Kitô và thiết kế mẫu phác thảo, sau đó phác thảo được gửi tới cuộc triển lãm văn hóa – nghệ thuật tôn giáo để có thêm nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghệ thuật.

Ngày 18 tháng 03 năm 1974 với giấy phép chính thức của nhà đương quyền, giáo xứ Vũng Tầu lại bắt đầu làm lại, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của linh mục chính xứ Nguyễn minh Trí và ông bà Lê Quang Tuyến.

 Thiệt là gian nan, vất vả khi phải trèo lên quả núi cao 136 mét để bắt đầu giai đoạn tiên khởi: đào móng. Mặc dầu móng được dự định là 6 mét sâu, nhưng mới đào được 3 mét đã đụng phải nền xi măng cứng ngắc. Sau khi tốn rất nhiều công sức và thời gian, chướng ngại vật đã được chọc thủng. Bất ngờ và lạ lùng quá: Chỗ chọc thủng chính là lối đi giữa hai căn phòng thuộc một hệ thống địa đạo được người Pháp xây cất rất kiên cố từ lâu. Địa đạo này có tất cả là 14 phòng, mỗi phòng dài 7 mét, rộng 4 mét. Các cửa hầm dẫn vào trung tâm địa đạo nằm rải rác trên sườn núi, đã bị cây cỏ che phủ kín mít. Công trình xây móng của tượng đài lại phải xây sâu hơn: phải xây qua khoảng trống chiều cao của địa đạo, rồi phải chôn sâu vào lòng đất. Sự phát giác hệ thống địa đạo này hoàn toàn bất ngờ đối với người Công Giáo Vũng Tầu, nhưng cũng không khỏi gây ra bao mối nghi ngờ ở một số vị lãnh đạo địa phương đối với cộng đồng Công Giáo Vũng Tầu, kéo dài cả chục năm sau ngày thống nhất đất nước.

Thêm vào đó, ngay nơi định xây tượng đài lại có những khẩu súng thần công khổng lồ (dài gần 10 mét: xin xem đoạn cuối bài này) nằm chình ình như đã được hoạch định trước. Lại phải phân trần, lại phải giải thích: Ý định ban đầu của giới Công Giáo là dựng tượng ở mũi Ô Quắn, chứ đâu phải trên đỉnh núi cao này. Họa chăng đó là "tiền định" !

Sau bao gian khổ, phần móng của tượng đài đã được giải quyết. Ngoài sự chỉ đạo của linh mục chính xứ Nguyễn Minh Trí và ông Lê Quang Tuyến, công trình xây cất tượng Chúa được tiếp tục với sự đóng góp quí hóa của kỹ sư tài hoa Nguyễn Q. Đức, phụ trách kỹ thuật bê tông cốt thép và điêu khắc gia Văn Nhân, phụ trách phần mỹ thuật của tượng đài. Ngày ngày quí vị này luôn sát cánh với 50 tay thợ có tay nghề chuyên môn cao như các ông Tám Luận, Nan, Quý, Hòa, Hoàng … miệt mài lao động để thực hiện công trình này. Ngoài trừ ximăng trắng, toàn bộ vật liệu đều được sản xuất trong nước...

Mặc dầu làm việc trong điều kiện xây dựng khó khăn (núi cao, nền đá, hệ thống dàn giáo khó thực hiện)…  công trình chính đã hoàn tất vào đầu năm 1975, nhưng còn nhiêu công tác chưa kịp làm như: phần xây cất bức phù điêu ở chân đế tượng, bậc thang 800 bậc dẫn từ chân núi lên đỉnh Tao Phùng, hoa lá phải được trồng thêm, cỏ cây hoang dại cần dẹp bỏ..

Thế rồi tháng 4-1975, lịch sử đất nước sang trang, công trình xây cất tượng Chúa đành phải ngừng!  Bức tượng Chúa Giêsu-Vua tuy đã được hoàn tất, nhưng cô quạnh trên đỉnh Tao Phùng, giữa đám cỏ dại um tùm. Linh mục Phêrô Trần Văn Huyên mới về nhận giáo xứ ngày 25 tháng 05 năm 1975 cũng đành bó tay, cầu xin và chờ đợi.

Sau bao nhiêu yêu cầu, bao nhiêu đơn từ của cha xứ, của họ đạo, của Đức Giám Mục Xuân Lộc gởi đến chính quyền đương thời đều không được hồi âm!

Thế rồi trời đất đổi thay...

Một phần muốn làm đẹp thành phố, phần để đáp ứng nhu cầu du lịch,  sau gần 20 năm công trình xây cất bị đình chỉ, ngày 28 tháng 01 năm 1992, với công văn số 233/QĐ.UB do chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu là ông Nguyễn Văn Hàng ký, chính quyền mới lại "cho phép Linh mục Trần Văn Huyên, chính xứ Vũng Tầu được sửa chữa, tu bổ lại tượng Chúa trên núi (Núi Nhỏ) Tao Phùng".

Một lân nữa, dưới sự chỉ đạo của Ban Xây dựng Giáo Phận Xuân Lộc, do Cha chính địa phận Nguyễn Chu Trinh làm trưởng ban và cha Trần Văn Huyên, chính xứ Vũng Tầu, là thành viên, đã cùng giáo dân Vũng Tầu, với sự đóng góp của giáo dân địa phận Xuân Lộc và cả nước, đã bắt tay vào việc kiện toàn công trình xây cất tượng đài Chúa Kitô, bất kể ngày đêm, không quản ngại trời gió hay trời mưa kể từ ngày 04 tháng 11 năm 1992.

Đỉnh Tao Phùng

Khi nghe tin này, điêu khắc gia Văn Nhân đang sống tại Hoa kỳ, đã nhảy mừng vì lòng ông lúc nào cũng hướng về Quê Mẹ. Nguyện vọng của ông là được hoàn tất tượng đài Chúa Giêsu Vua trên đỉnh Tao Phùng trước khi nhắm mắt. Ông đã vui sướng nhận lời trở về Vũng Tầu tiếp tục công việc hoàn tất tượng đài. Nhưng lực bất tòng tâm, leo lên, leo xuống gần 800 bậc thang bằng đá là một cố gắng quá sức chịu đựng đối với cụ già trên dưới 70 tuổi. Nhiều khi ông cụ phải ngồi dưới chân núi, chỉ đạo các học trò của ông thực hiện các chi tiết ở trên cao...

Chỉ hai năm sau ngày khởi công, ngày 01 tháng 12 năm 1994, toàn bộ khu tượng đài Chúa Giêsu Vua trên đỉnh Tao Phùng ở Vũng Tầu  đã được hoàn tất, được Đức Giám Mục Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật về làm phép và khánh thành. Tạ ơn Chúa!

Ở vào vị trí phía Nam của Núi Nhỏ, tọa lạc ở một không gian dễ thu hút vào tầm mắt của du khách đến tắm biển vũng tàu, và là một tác phẩm lớn về nghệ thuật kiến trúc tôn giáo mang dấu ấn bản sắc dân tộc, tượng Chúa Kitô núi nhỏ là điểm thu hút khách hành hương, tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

 

 

Những cỗ địa pháo

Ngay phía dưới chân tượng Chúa Kitô, du khách bắt gặp hai cỗ pháo khổng lồ. Đó là một trong số 11 đại pháo của trận địa pháo cổ Núi Nhỏ. Trận địa pháo này là một trong ba trận địa, tạo thành tuyến phòng thủ Vũng Tàu của người Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX và được bổ sung thay thế một số vào đầu thế kỷ XX.  Trận địa pháo phía nam Núi Nhỏ này là một phần trong các trận địa pháo, được xây dựng với mục đích làm tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ Vũng Tầu và cửa sông lớn.
 


Trận địa pháo Núi nhỏ được bố trí thành ba nhóm theo thế vòng cung bao quát cả vùng Biển Đông và Nam Vũng Tàu. Nhóm thứ nhất, ngay dưới chân tượng Chúa Kitô, gồm 3 khẩu ở độ cao trung bình 136m so với mực nước biển. Ba cỗ pháo ở nhóm thứ nhất có cùng kiểu dáng, cấu trúc và cỡ đạn là 240mm, nòng dài 12,33mm. Trên thân các các cỗ pháo đều có ghi kí hiệu, kích cỡ nòng súng, kiểu dáng và năm sản xuất, trọng lượng của pháo và phân hiệu của đội. Mỗi cỗ đều được đặt trong một công sự đào sâu dưới mặt đất tròn, có đường kính 10,5m. Nhờ hệ thống bánh răng cưa gắn với bệ cố định, các cỗ pháo này có thể quay tròn mọi hướng và có thể nâng cao hay hạ thấp. Các cỗ pháo này được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn – chứng tỏ đây là một trận địa pháo thường trực.

Nhóm thứ hai, gồm năm khẩu, độ cao trung bình 91 mét so với mực nước biển. Năm cỗ pháo này đều có cùng kiểu dáng, cấu tạo và cỡ đạn là 300mm. Trên thân các pháo đều có ghi các kí hiệu về cỡ đạn, kiểu dáng, năm sản xuất, trọng lượng và phân hiệu khẩu đội. Nhóm pháo thứ hai nằm cách nhóm pháo thứ nhất chừng 300m về phía Bắc. Năm cỗ pháo này được bố trí thành hai ụ cách nhau chừng 20m. Hai ụ pháo này được đặt trong công sự hình chữ nhật sâu dưới mặt đất. Ụ thứ nhất gồm 3 khẩu, ụ thứ hai gồm 2 khẩu ( trên thực tế du khách chỉ thấy còn 4 khẩu ở cả hai ụ, một khẩu chỉ còn lại mâm pháo do súng được chuyển về trưng bày trong bộ sưu tập súng cổ ở sân Bạch Dinh).

Năm cỗ pháo ở nhóm thứ hai cũng có cùng chức năng chiến đấu như nhóm thứ nhất, chủ động tầm hướng nhờ hệ thống răng cưa. Phìa sau các công trình hình chữ nhật làm nơi đặt pháo là các hầm trú ẩn và giao thông hào. Ở mỗi ụ, hầm trú ẩn mở rộng tới 100m, được chia thành nhiều phòng, vừa dùng làm nơi chứa đạn, vừa là chỗ sinh hoạt của pháo thủ.

Nhóm thứ ba, gồm 3 khẩu, ở độ cao trung bình khoảng 90m so với mực nước biển. Ba cỗ pháo của nhóm này có cỡ đạn bằng nhau là 140mm. Trên thân pháo đều ghi các thông số cần thiết. Tuy nhiên, nếu hai nhóm pháo thứ nhất và thứ hai gồm những cỗ pháo được thay thế mới đầu thế kỉ 20 thì ba cỗ pháo này vẫn là những cỗ pháo của giữa nửa cuối thế kỉ XIX. Vì vậy, chúng bị rỉ sét, hư hại nặng. Các ghi chú chi tiết bị mòn, chỉ có thể đọc đầy đủ nhờ so sánh các chi tiết khẩu này với khẩu kia.

Nhóm thứ ba nằm cách nhóm thứ hai 300m, cách nhóm thứ nhất chừng 650m. Ba cỗ pháo được đặt riêng biệt trong ba công sự hình tròn, cách đều nhau 27 mét, và được nối thông với nhau bằng hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn.
 

Vũng Tàu

[ST]




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024