Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/02/2010 21:02 # 1
xinhay_hieuchotoi2002
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 0/10 (0%)
Kĩ năng: 6/20 (30%)
Ngày gia nhập: 23/02/2010
Bài gởi: 0
Được cảm ơn: 16
tìm hiểu vùng núi cao Lào Cai ....


 

HỆ SINH THÁI NÔNG THÔN VÙNG NÚI CAO Ở LÀO CAI
 
I– Giới thiệu vùng nghiên cứu :
I. Điều kiện địa lý tự nhiên :
I.1. Vị trí địa lý :
Lào Cai là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Việt Nam, cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 375 km theo đường bộ. Tỉnh có 203,5  km đường biên giới với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, trong đó 144,3 km là sông suối và 59,2 km là đất liền. Phía Bắc tỉnh Lào Cai giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; phía Nam giáp tỉnh Yên Bái; phía Đông giáp tỉnh Hà Giang; phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Lai Châu. Hiện nay, tỉnh có 10 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện).
 
 
 
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam. Đông giáp tỉnh Hà Giang. Nam giáp tỉnh Yên Bái. Tây giáp tỉnh Lai Châu. Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
I.2. Đặc điểm địa hình :
Địa hình tỉnh Lào Cai đặc trưng là núi cao xen kẽ với đồi núi thấp, bị chia cắt lớn, với phần thung lũng dọc sông Hồng và các tuyến đường bộ, đường sắt chạy qua vùng trung tâm của tỉnh. Các huyện miền núi nằm bao quanh hành lang trung tâm này từ Đông - Bắc sang Tây – Nam, gồm nhiều dãy núi và thung lũng nhỏ biệt lập, nơi có các cộng đồng dân cư sinh sống. Những vùng có độ dốc trên 250 chiếm tới 80% diện tích đất đai của tỉnh. Địa hình tự nhiên của tỉnh có độ cao thay đổi từ 80 m trên mực nước biển lên tới 3.143 m trên mực nước biển tại đỉnh Phan Si Păng, đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Địa hình vùng núi với các tác động tiểu khí hậu đã giúp tạo nên một môi trường thiên nhiên rất đa dạng. Hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Đông Nam nằm về phía Đông và phía Tây tạo ra các vùng đất thấp, trung bình giữa hai dãy núi này và một vùng về phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra còn rất nhiều núi nhỏ hơn phân bố đa dạng, chia cắt tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau.
 
 
Dải đất dọc theo sông Hồng và sông Chảy gồm thành phố Lào Cai – CamĐường - Bảo Thắng - Bảo Yên và phần phía đông huyện Văn Bàn thuộc các đai độ cao thấp hơn (điểm thấp nhất là 80m thuộc địa phận huyện Bảo Thắng), địa hình ít hiểm trở hơn, có nhiều vùng đất đồi thoải, thung lũng ruộng nước ruộng, là địa bàn thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp hoặc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng.
Lào Cai còn có các cao nguyên cacxtơ thích hợp trồng các loại cây công nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc.
Địa hình Lào Cai với nhiều loại theo các độ cao khác nhau tạo điều kiện thuận lợi để bố trí một cơ cấu cây trồng đa dạng.  
I.3. Khí hậu :
Lào Cai là tỉnh có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa rõ rệt do bị chi phối bởi yếu tố địa hình phức tạp, phân tầng độ cao lớn nên có đan xen một số tiểu vùng á nhiệt đới, ôn đới rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, đặc biệt với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, thảo quả, bò lai sind…
Nhiệt độ trung bình hàng năm thường từ 22 – 240C; cao nhất 360C, thấp nhất 100C (có nơi dưới 00C như ở Sa Pa); độ ẩm trung bình năm trên 80%, cao nhất là 90% và thấp nhất 75%. Thường có sự chênh lệch giữa các vùng, vùng cao độ ẩm lớn hơn vùng thấp; lượng mưa trung bình năm trên 1.700 mm, năm cao nhất ở Sa Pa là 3.400 mm, năm thấp nhất ở thị xã Lào Cai 1.320 mm. Sương mù thường xuất hiện phổ biến trên toàn tỉnh, có nơi mật độ rất dày. Trong các đợt rét đậm thường xuất hiện sương muối, ở những vùng có độ cao trên 1.000 m (Sa Pa, Bát Xát) hàng năm thường có tuyết rơi.
 
 
Lào Cai có khí hậu nhiệt đới gió mùa, song do nằm sâu trong lục địa bị chia phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có phần thay đổi, khác biệt theo thời gian và không gian.
Khí hậu Lào Cai chia làm hai mùa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng cao từ 15oC - 20oC, lượng mưa trung bình từ 1.800mm đến 2.000mm. Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng thấp từ  23oC - 29oC, lượng mưa trung bình từ 1.400mm - 1.700mm.
Đặc điểm khí hậu Lào Cai rất thích hợp với các loại cây ôn đới, vì vậy Lào Cai có lợi thế phát triển các đặc sản xứ lạnh mà các vùng khác không có được như: hoa, quả, thảo dược và cá nước lạnh.
 
II - Tài nguyên thiên nhiên :
II.1. Tài nguyên đất :
Lào Cai có diện tích tự nhiên rộng 805.708,5 ha, độ phì nhiêu cao, rất màu mỡ, đa dạng bao gồm 10 nhóm đất với 30 loại đất chính, phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau. Trong đó: đất nông nghiệp có 76.203 ha, đất lâm nghiệp 178.192 ha, đất chưa sử dụng còn khoảng 393.500 ha.
Đất Lào Cai có diện tích tự nhiên rộng 805.708,5 ha, độ phì nhiêu cao, rất màu mỡ, đa dạng bao gồm 10 nhóm đất với 30 loại đất chính, phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau.
 
 
Nhóm đất phù sadiện tích nhỏ, chiếm 1,47% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu dọc sông Hồng và sông Chảy, có độ phì tự nhiên khá cao, thích hợp đối với các loại cây lương thực, cây công nghiệp.
Nhóm đất đỏ vàng thường có màu nâu đỏ, đỏ nâu, đỏ vàng hoặc vàng đỏ rực rỡ. Hình thành và phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh ở độ cao 900m trở xuống, diện tích chiếm trên 40% diện tích tự nhiên. Nhóm đất này có độ phì nhiêu khá cao, thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm.Nhóm đất đỏ vàng bị biến đổi màu do trồng lúa đây là các loại đất feralitic hoặc mùn feralitic ở các sườn và chân sườn ít dốc được con người bỏ nhiều công sức tạo thành các ruộng bậc thang để trồng trọt hoa màu. Diện tích chiếm khoảng 2% diện tích tự nhiên phân bố rải rác ở các huyện tạo nên những cảnh quan ruộng bậc thang rất đẹp mà tiêu biểu là hai huyện Bắc Hà và Sa Pa.
Nhóm đất mùn vàng đỏchiếm trên 30% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung tại các huyện Sa Pa, Mương Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn. Nhóm đất này thích hợp trồng các loại cây dược liệu quý, cây ăn quả và nhiều loại rau ôn đới quan trọng của tỉnh. Đồng thời, ở đất này có thảm thực vật rừng phong phú, đa dạng bậc nhất của tỉnh.
Nhóm đất mùn alit trên núi chiếm 11,42% diện tích tự nhiên, tập trung ở huyện Sa Pa, Văn Bàn... có thảm rừng đầu nguồn khá tốt, thích hợp với một số loại cây trúc cần câu, đỗ quyên, trúc lùn, rừng hỗn giao.
* Với đặc diểm đất đai nói trên, trong quá trình quản lý, sử dụng được chia như sau:
·        Đất nông nghiệp: 76.930 ha
·        Đất trồng cây hàng năm: 59378 ha, trong đó đất lúa có 28.215 ha
·        Đất trồng cây lâu năm: 12.668 ha
·        Đất cỏ dùng vào chăn nuôi: 3.363 ha
·        Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 1.521 ha
·        Đất lâm nghiệp: 307.573 ha, trong đó rừng tự nhiên có 24943 ha.
·        Đất ở: 3.307 ha.
·        Đất chuyên dùng: 31.330 ha.
·        Đất chưa sử dụng và sông suối, núi đá: 219.249 ha.
II.2. Tài nguyên nước
·        Lào Cai có hệ thống sông suối dày đặc được phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh với 2 con sông lớn chảy qua là sông Hồng (130 km chiều dài chảy qua tỉnh) và sông Chảy bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) có chiều dài đoạn chảy qua tỉnh là 124 km.
 
·        Ngoài 2 con sông lớn, trên địa bàn tỉnh còn có hàng nghìn sông, suối lớn nhỏ (trong đó có 107 sông, suối dài từ 10 km trở lên). Đây là điều kiện thuận lợi cho Lào Cai phát triển các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ.
·        Theo các tài liệu điều tra, trên địa bàn tỉnh có bốn nguồn nước khoáng, nước nóng có nhiệt độ khoảng 40oC và nguồn nước siêu nhạt ở huyện Sa Pa, hiện chưa được khai thác, sử dụng.
·        Bên cạnh đó, nguồn nước nguồn ước tính có trữ lượng xấp xỉ 30 triệu m3, trữ lượng động khoảng 4.448 triệu m3 với chất lượng khá tốt, ít bị nhiễm vi khuẩn..
II.3. Tài nguyên rừng :
Tổng trữ lượng tài nguyên rừng toàn tỉnh có 17.244.265 m3 gỗ (trong đó, rừng tự nhiên 16.876.006 m3; rừng trồng gỗ 368.259 m3); 207.512.300 cây tre, vầu các loại.
 
 Diện tích quy hoạch cho đất lâm nghiệp 543.982 ha, chiếm 68% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó đất có rừng 274.766 ha, chiếm 34% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh (gồm có rừng tự nhiên 225.877 ha; và rừng trồng 48.889 ha). Đất chưa có rừng 269.216 ha, chiếm 33% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Với vốn rừng trên, chỉ tiêu về mặt diện tích rừng bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai là 0,45 ha/người, so với chỉ tiêu tương ứng của thế giới là 0,97 ha/người.
Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) với hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú (có trên 2.000 loài thực vật, trên 400 loài chim, thú, bò sát, rất nhiều loài động, thực vật đặc biệt quý hiếm, có kho tàng quỹ gen thực vật quý hiếm chiếm 50% số loài thực vật quý hiếm của Việt Nam).
Rừng 278.907 ha, chiếm 43,87% tổng diện tích tự nhiên, trong đó có 229.296,6 ha rừng tự nhiên và 49.604 ha rừng trồng. Thực vật rừng rất phong phú cả về số lượng loài và tính điển hình của thực vật. Riêng tại khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sơn đã phát hiện được 847 loài thực vật thuộc 164 họ, 5 ngành, trong đó có nhiều loại quý hiếm như: Lát Hoa, Thiết Sam, Đinh, Nghiến,...Động vật rừng theo các tài liệu nghiên cứu, Lào Cai có 442 loài chim, thú, bò sát, ếch nhái. Trong đó thú có 84 loài thuộc 28 họ, 9 bộ; chim có 251 loài thuộc 41 họ, 14 bộ; bò sát co 73 loài thuộc 12 họ ..
II.4. Tài nguyên khoáng sản :
Lào Cai là một trong những tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản nhất Việt Nam với 35 loại khoáng sản khác nhau và trên 150 điểm mỏ. Trong đó có nhiều loại khoáng sản như apatít, đồng, sắt, graphít, nguyên liệu cho gốm, sứ, thuỷ tinh,… với trữ lượng lớn nhất cả nước. Một số mỏ có trữ lượng lớn dễ khai thác, dễ vận chuyển và đang có thị trường quốc tế đã tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến các loại khoáng sản ở địa phương.
 
Tới nay đã phát hiện được 150 mỏ và điểm mỏ với trên 30 loại khoáng sản, trong đó có một số mỏ khoáng sản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng thuộc loại quy mô lớn nhất nước và khu vực như: mỏ A Pa Tit Cam Đường với trữ lượng 2,5 tỷ tấn, mỏ sắt Quý Sa trữ lượng 124 triệu tấn, mỏ đồng Sin Quyền trữ lượng 53 triệu tấn, mỏ Molipden Ô Quy Hồ trữ lượng 15,4 nghìn tấn.
Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng là cơ sở để ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản khẳng định là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.
II.5. Tài nguyên du lịch :
Trọng tâm là khu du lịch nghỉ mát Sa Pa - một trong 21 trọng điểm du lịch của Việt Nam. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200m - 1.800m, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh rừng cây núi đá, thác nước và là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa,...
 
Đỉnh núi Phan Xi Păng  - nóc nhà của Việt Nam có dãy núi Hoàng Liên Sơn và khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên hấp dẫn nhiều nhà khoa học, khách du lịch.
Lào Cai có nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên và các vùng sinh thái nông nghiệp đặc sản như mận Bắc Hà, rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi (Phần Lan), cá tầm (Nga)...Và đặc biệt, đây còn là nơi mang đậm nét đặc trưng văn hoá độc đáo của nhiều dân tộc anh em.
Lễ hội của các dân tộc trên đất Lào Cai rất nhiều: hội chơi núi mùa xuân, hội Lồng Tồng, hội Gầu Tào, hội Róng Boọc, hội khu già già…Mỗi lễ hội đều có nét riêng, nhưng lại có những sắc thái văn hoá, tín ngưỡng từ xa xưa của cư dân địa phương còn giữ được cho đến ngày nay. Các di tích như: đền Thượng, đền Mẫu và các phiên chợ vùng cao ở Bắc Hà, chợ tỉnh Sa Pa đã nổi tiếng từ lâu.
Lào Cai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với những Thác Bạc, Cầu Mây, hang động Tả Phìn, chợ Sa Pa, nước khoáng Tắc Kô, chợ phiên Bắc Hà, dinh thự cổ Hoàng Yến Chao, hang Mường Vi, thác Cốc San… Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu cũng là một điểm du lịch thú vị mà điểm dừng chân không thể là nơi nào khác ngoài thành phố Lào Cai.
Và đặc biệt, là tỉnh miền núi cao, đang phát triển nên Lào Cai còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây sẽ là điều quan trọng tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.
II.6. Tài nguyên nhân văn :
Lào Cai có 27 dân tộc anh em sinh sống. Dân tộc kinh có 194.666 người, dân tộc Hmông có 122.825 người, dan tộc Tày có 82.516 người, dân tộc Dao có 72.543 người, dân tộc Thái có 51.061 người, dân tộc Giáy có 24.360 người, dân tộc Nùng có 23.156 người, dân tộc Phù Lá có 6763 người, dân tộc Hà Nhì có 3099 người, dân tộc Lào có 2134 ngưòi, dân tộc Kháng có 1691 người, dân tộc LAHA có 1572 người, dân tộc Mường 1263 người, dân tộc Bố Y có 1.148 người, dân tộc Hoa có 770 người , dân tộc La Chí có 446 người , và 11 dân tộc có số dân ít dưới 70 người như các dân tộc Sán Chay , Sán Dìu, Khơ Me, Lô Lô, Kà Doong, Pa Cô , Ê Đê, Giẻ Triêng , Gia Rai, Chăm, Kà Tu.
 Lào Cai có số dân tộc chiếm 50% tổng số dân tộc toàn quốc nên đặc điểm nổi bật trong văn hóa các dân tộc Lào Cai là Văn hoá đa dân tộc , giàu bản sắc. Ở vùng thấp, người Tày, Thái, Giáy , Nùng , khai khẩn các thung lũng ven sông , ven suối , sáng tạo truyền thống văn hoá lúa nước. Ở rẻo giữa, người kháng , La Ha, Phù Lá.... tạo nên văn hoá nương rẫy với nhiều tri thức bản địa phù hợp với kinh tế đồi rừng. Ở vùng cao , người Hmông , Hà Nhì, Dao khai khẩn các sườn núi thành ruộng bậc thang bắc lên trời hùng vĩ . Tính đa dạng, phong phú của văn hoá thể hiện cả ở văn hoá vật thể và phi vật thể.
Riêng về trang phục có 34 kiểu loại với sắc màu, chất liệu khác nhau, mới khảo sát sơ bộ Lào Cai có gần 100 điệu múa , có đủ 10 họ với 11 chi khác nhau của các nhạc khí. Đặc biệt, kho tàng lễ hội ở Lào Cai rất đặc sắc. Loại hình lễ hội phong phú. Có hội cầu mùa , hội gắn với tín ngưỡng thờ thần mặt trời, thần nước, phồn thực , bảo vệ rừng. Có hội có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử chống ngoại xâm , đề cao bản sắc văn hoá người Việt cổ. Quy mô các lễ hội cũng đa dạng , có hội có quy mô của cộng đồng làng , bản; có hội có quy mô vùng (hội Gầu Tào ở Pha Long Mường Khương, hội Roóng PoỌc người Giáy ở Tả Van, Sa Pa...) nhưng có hội có quy mô toàn tỉnh như hội xuân Đền thờ ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà... thời gian lễ hội cũng trải dài cả 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đặc biệt , khác với các tỉnh đồng bằng , mùa hè ở các làng bản vùng cao của Lào Cai cũng là mùa của lễ hội. Đặc điểm này rất thuận lợi cho sự phát triển du lịch văn hoá.
Các dân tộc Lào Cai đã sáng tạo, lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử văn hoá. Nổi bật là các di tích về khu trạm khắc đá cổ, với các hình khắc về bản đồ, chữ viết, hình người có niên đại cách ngày nay hàng nghìn năm ở thung lũng Mường Hoa (Sa Pa). Di tích thờ ông Hoàng Bảy một vị tướng có công bảo vệ biên giới thời hậu Lê được tôn thờ là “Thần vệ Quốc”. Di tích Đền Thượng - thờ Quốc công tiết chế Trần Hưng đạo được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng với niên hiệu Chính Hoà (1680-1705). Di tích chiến thắng Phố Ràng ... đặc biệt Lào Cai còn có hệ thống các hang động kỳ ảo trở thành các danh thắng tuyệt đẹp , thu hút đông đảo khách du lịch tham quan như động Thuỷ Tiên (Bát Xát), động Tả Phời (Cam Đường), hang Tiên- Trung Đô (Bắc Hà), động Xuân Quang (Bảo Thắng)... Thiên nhiên Lào cai cũng tạo nên các thắng cảnh đẹp như khu Hàm Rồng - một “tiểu Thạch Lâm” ở Sa Pa có bãi đá cổ hàng vạn năm với hàng trăm phiến đá muôn hình muôn vẻ. Hoặc đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ – nóc nhà của Tổ quốc là bảo tàng sống về động, thực vật đặc hữu...
Suốt hàng nghìn năm lịch sử , Lào Cai luôn vững vàng ở thế đứng tiền tiêu. Xưa kia, phong kiến phương Bắc đã 8 lần xua quân xâm lược nước ta. Trong đó có 6 lần đi qua Lào Cai và chúng đã vấp phải sức mạnh đoàn kết kiên cường của đồng bào các dân tộc. Từ khi thành lập Tỉnh Lào Cai đến nay, người dân biên cương đã viết tiếp những trang sử vàng oanh liệt. Đặc biệt, sau khi đảng bộ tỉnh Lào Cai ra đời (5/3/1947), dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân Lào Cai đã vùng lên đánh Pháp, tiễu phỉ, dựng xây biên cương vững mạnh. Trước Cách mạng Tháng Tám, toàn tỉnh có hơn 99% dân số mù chữ, đến nay Lào Cai đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, có gần 8.000 người có trình độ đại học và trên đại học. Tỷ lệ hộ đói nghèo 99,5% năm 1950 đến nay chỉ còn 21,12% (chủ yếu hộ nghèo). Cơ cấu kinh tế Lào Cai đang chuyển dịch theo hướng khai thác lợi thế, từ một tỉnh thuần nông với một vài cơ sở khai khoáng trước Cách mạng tháng 8 , đến nay cơ cấu kinh tế công – nông – lâm nghiệp - dịch vụ và du lịch đang hình thành. Trong đó tỷ trọng nông – lâm nghiệp giảm nhanh chỉ chiếm 49,02% cơ cấu tổng sản phẩm trong tỉnh. Tỷ trọng dịch vụ , du lịch tăng lên chiếm gần 33%, tỷ trọng công ngiệp chiếm hơn 18%.
Lào Cai phát huy nội lực, khai thác lợi thế, tiềm năng, tăng cường hợp tác kinh tế đang phấn đấu xây dựng sớm trở thành thành phố Lào Cai giầu đẹp ở biên cương.
Văn hoá :
Cư dân ở Lào Cai thuộc thành phần của 20 dân tộc và người có thành phần dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hoá, về truyền thống lịch sử, di sản văn hoá.
Nét văn hoá đặc sắc nhất của tỉnh là những phiên chợ vùng cao. Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá, mà phiên chợ ở đây còn là một nơi giao lưu, hát múa, chơi khèn, thổi sáo… Chợ còn là nơi trai gái hò hẹn, gặp gỡ, tìm hiểu bạn đời.
Các dân tộc trong tỉnh có một kho tàng văn hoá văn nghệ dân gian rất đa dạng như truyện cổ, thơ ca, tục ngữ. Người Tày có lối hát giao duyên khá phổ biến với các làn điệu lượn, phong slư. Người Mường có hát xéc bùa, hát bọ mẹng, hát đồng dao, hát ru… Người Dao thích múa, người khèn, dùng khèn lá, đàn môi để trao đổi tâm tình.
Đặc biệt tại huyện Sa Pa có bãi đá cổ được chạm khắc hoa văn thể hiện các hình tượng, bản đồ, chữ ký, ký hiệu,...Hơn nữa, những biến động trong lịch sử đã để lại cho Lào Cai nhiều di tích nổi tiếng như đền Bảo Hà, đền Thượng, kiến trúc nhà Hoàng A Tưởng,... Không chỉ nhiều di sản vật thể và phi vật thể được phát hiện, bảo tồn mà một kho tàng văn học dân gian đồ sộ đến nay vẫn chưa được khám phá hết.
III. Tiềm năng kinh tế :
III.1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế :
Lào Cai có vị trí địa lý thuận lợi, nơi có hai con sông Hồng và sông Chảy, có cửa khẩu quốc tế Lào Cai và có nhiều tiềm năng khác thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đối ngoại và du lịch. Lào Cai nổi tiếng với khu du lịch Sa Pa, là nơi có khí hậu, thời tiết mát mẻ vào mùa hè, hấp dẫn du khách nhiều nơi trên thế giới tới du lịch.
 
 
Lào Cai là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn tài nguyên rừng rất phong phú và đa dạng, là cơ sở để phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản.
Cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, là cửa ngõ lớn và thuận lợi nhất để phát triển thương mại, du lịch giữa Việt Nam với vùng Tây Nam - Trung Quốc (gồm 11 tỉnh, thành phố, diện tích hơn 5 triệu km2 và dân số hơn 380 triệu người); là con đường ngắn nhất, thuận tiện nhất từ tỉnh Vân Nam, vùng Tây Nam - Trung Quốc ra cảng Hải Phòng và nối với vùng Đông Nam Á. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai hội tụ đủ các loại hình vận tải: đường sắt, đường bộ, đường sông và tương lai sẽ có cả đường hàng không. Là cửa khẩu quốc tế duy nhất của Việt Nam có vị trí nằm ngay trong thị xã tỉnh lỵ có hệ thống hạ tầng và dịch vụ khá phát triển. Hiện nay, cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã và đang được tập trung xây dựng thành cửa khẩu văn minh, hiện đại, đủ điều kiện trở thành nơi trung chuyển hàng hoá lớn giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN, từng bước chuẩn bị cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc.
III.2. Tiềm năng du lịch :
Lào Cai có tiềm năng lớn để phát triển ngành du lịch với các loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi, văn hoá. Thiên nhiên ban tặng cho Lào Cai nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng gắn với các địa danh Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương,… Trong đó, khu du lịch Sa Pa rất nổi tiếng trong nước và quốc tế; là một trong các trọng điểm du lịch của quốc gia. Số khách du lịch đến Lào Cai năm 2002 là 350.000 người; khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế năm 2002 đạt 1,4 triệu lượt người. Năm 2003, khu du lịch Sa Pa tròn 100 tuổi.
 
Tiếp giáp với Lào Cai là tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, một trong 4 tỉnh, thành phố có kinh tế du lịch phát triển nhất Trung Quốc (sau Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông), hàng năm có tới 2,5 triệu lượt khách quốc tế; đa số du khách đến Vân Nam đều muốn sang du lịch Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai và ngược lại.
Giao thông
Lào Cai là một tỉnh cửa ngõ biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc có 203km đường biên giới với Trung Quốc, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - chính trị - an ninh - quốc phòng. Lào Cai nằm ở vị thế “đầu cầu” nối liền tỉnh Vân Nam và cả vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc với đồng bằng Bắc Bộ.
Lào Cai có điều kiện thuận lợi về giao thông, có cả đường thuỷ, đường bộ và đường sắt. Trên địa phận tỉnh Lào Cai có 3 tuyến quốc lộ, 6 tuyến tỉnh lộ, đường ôtô đã về đến 163 xã, phường, thị trấn. Đường sông Hồng là tuyến đường huyết mạch thời cổ đại và phong kiến.
Lào Cai hiện có một cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ thông thương với Trung Quốc.
IV – Cấu trúc và chức năng hệ sinh thái nông thôn vùng núi cao ở Lào Cai :
IV.1. Cấu trúc :
Nông thôn vùng núi Lào Cai được cấu trúc bởi các thành phần cơ bản sau :
Sinh vật sản xuất là những sinh vật tự dưỡng bao gồm các loài thực vật có màu xanh như thông , bạc hà và một vài nấm ,những vi khuẩn có khả năng quang hợp hoặc hóa tổng hợp .
Thực vật tiêu biểu như thảo quả , lát hoa , thiết sam , đinh ….
 
Tháng 9-10 âm lịch hàng năm là mùa thu hái thảo quả chín
 
Cây thảo quả là chỉ phát triển bình thường và cho ra quả nếu được trồng dưới những tán cây lớn trong rừng nguyên sinh ở một số huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La.
Hiện nay tỉnh Lào Cai gần 3.000 héc ta thảo quả (lớn nhất cả vùng Tây Bắc), năng suất bình quân 250 kg quả khô/héc ta, giá bán tại nhà là 65.000 đồng/kg quả khô, còn đưa sang thị trường Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) có giá bán trên dưới 120.000 đồng/kg (có năm lên hơn 240.000/kg).
Thảo quả nguồn thu lớn và quan trọng của một số xã và nhiều gia đình ở vùng cao tỉnh Lào Cai.
Không ít gia đình đã thoát nghèo và trở thành triệu phú, tỷ phú từ trồng thảo quả trong rừng nguyên sinh. Có lẽ vì vậy, cây rừng tự nhiên trong những nương thảo quả luôn được người dân tự nguyện bảo vệ nghiêm ngặt từ đời này sang đời khác.
 
 

Những nương Thảo quả dưới tán rừng già cao 1.600 mét ở khu vực Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
·         Sinh vật tiêu thụ là những sinh vật tự dưỡng bao gồm tất cả các loài động vật trong đó có những loài động vật ăn thực vật như trâu , bò và những loài động vật ăn thịt như rắn , trăn và những vi sinh vật không có khả năng quang hợp hay hóa tổng hợp .
·         Sinh vật phân hủy là tất cả các vi sinh vật tự dưỡng , sống hoại sinh .
·         Các chất vô cơ như CO2 , O2 , H2O , CACO3
·         Các chất hữu cơ như protein , lipid , glucid....
·         Các yếu tố khí hậu như nhiệt độ , ánh sáng ,không khí...
IV.2. Chức năng :
Ngoài cấu trúc theo thành phần , nông thôn vùng núi Lào Cai còn có kiểu cấu trúc theo chức năng , bao gồm :
·         Quá trình chuyển hóa năng lượng của hệ .
·         Xích thức ăn trong hệ .
·         Các chu trình sinh địa hóa diễn ra trong hệ .
·         Sự phân hóa trong không gian và theo thời gian
·         Các quá trình phát triển và tiến hóa của hệ .
·         Các quá trình tự điều chỉnh .
                               
Ta có thể tìm hiểu rõ hơn qua ví dụ sau :
·         Các sinh vật dưới nước nhận nguồn thức ăn từ bên ngoài do sự bào mòn từ mặt đất sau các trận mưa ..và năng lượng từ bức xạ mặt trời .
·         Khí co2 , muối khoáng và nước là nguyên liệu thiết yếu cho các loài thực vật ở nước hấp thụ để tạo nên nguồn thức ăn sơ cấp là tinh bột thông qua quá trình quang hợp .
·         Những loài động vật thủy sinh , chủ yếu là giáp xác thấp sử dụng thực vật sống trôi nổi , cá trám cỏ , ăn cỏ nước để tạo nên nguồn thức ăn động vật đầu tiên cho các snh vật ăn thịt khác và người .
·         Tất cả những chất bài tiết , chất trao đổi và xác sinh vật bị phân hủy bởi vô số các vi sinh vật yếm khí hay kị khí đến giai đoạn khoáng hóa cuối cùng . Ở chúng , một phần lắng xuống đáy , phần khác tham gia vào quá trình tổng hợp các chất bởi các loài trong hồ .
·         Vật chất được quay vòng và năng lượng được biến đổi qua các bậc dinh dưỡng , nhờ đó mà các loài và con người mới có sản phẩm để khai thác và làm thức ăn .
III – Các hoạt động làm mất cân băng sinh thái nông thôn vùng núi cao ở Lào Cai :
·         Cộng đồng thôn bản của người dân tộc thiểu số thường sống ở vùng núi cao , ở đây phát sinh một số vấn đề về môi trường như thói quen , tập quán sinh hoạt , nuôi gia súc gia cầm ngay cạnh nhà , dưới gầm sàn nhà , không có nhà vệ sinh , không có nơi đổ rác và xử lý rác , Tình trạng nước thải, nước sinh hoạt, phân gia súc xả thẳng xuống kênh rạch, ao, hồ không qua bất kỳ khâu xử lý nào, mà lại là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân nơi đây. Do nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, môi trường sống ô nhiễm, gây ra các căn bệnh nghiêm trọng như: da liễu, đau mắt, đường tiêu hoá, phong...dẫn đến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng . Mặt khác , thói quen , tập quán sinh sống của các tộc người thiểu số còn phải dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như khai thác gỗ làm nhà , làm củi , lấy thuốc từ rừng , quá trình khai thác lại thiếu quy hoạch cần thiết cũng như sự điều tiết quản lý của nhà nước nên đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với môi trường sinh thái .
 
 
·         Hiện tại cuộc sống của người dân ở vùng đất nói trên còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Cái nghèo, cái đói luôn luôn đeo đẳng họ. Mặt khác, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho canh tác, sản xuất nông nghiệp khiến người dân nơi đây tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên khai thác những thứ cần thiết cho nhu cầu cuộc sống... Từ đó gây ra hiện tượng thiên tai lũ lụt, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hậu quả tác động tăng hơn khi đồng ruộng bị chia cắt nhỏ, manh mún, phương thức canh tác lạc hậu. , mưa lớn gây lũ đột ngột, lũ quét lũ ống thường xuyên xảy ra vào các tháng mùa hạ, gây trở ngại lớn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Trong những năm gần đây mưa lũ, sạt lở, xói mòn đất đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Khoảng 50% diện tích đất có các sườn dốc trên 20 độ. Đất đai bị xói mòn mạnh, ước lượng hàng năm đất mất đi từ 150-350 tấn/ha. Phần lớn đất bị phong hóa mạnh, nghèo chất dinh dưỡng, suy thoái mạnh, các chất vi lượng hạn chế đối với cây trồng Đất dốc lại không có các biện pháp canh tác hợp lý nên bị xói mòn , rửa trôi mạnh , tiềm năng sinh học bị giảm sút nghiêm trọng , hệ sinh thái tự nhiên bị phá vỡ , không thể đảm bảo năng suất cây trồng , vật nuôi .
·         Việc sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu , độc canh cây lúa, và sử dụng các phương tiện cơ giới.... ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái nông nghiệp và sức khoẻ cộng đồng. Diện tích đất trống nhiều nhưng phần lớn là núi đá và đất bạc màu với việc sử dụng nhiều hóa chất không đúng quy định xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng. Độ mầu mỡ của đất trên khắp vùng núi cao bị giảm sút . Quĩ đất và chất lượng đất giảm sút ,đã làm cho môi trường đứng trước nguy cơ bị suy thoái và đất đai bị thoái hóa
 
·         Khai thác các mỏ khoáng sản, trong đó có vàng ở qui mô nhỏ không chỉ lãng phí tài nguyên, mà còn gây thêm các khó khăn cho quản lý môi trường. Các chất thải rắn và nước thải từ khai mỏ cũng đã chuyển vào môi trường sông suối miền núi một lượng nhất định các chất gây ô nhiễm, trong đó có asen, các hợp chất gốc xianua, bụi và một số kim loại nặng khác. Ngoài ra, các sự cố nứt đất, lũ quét, lũ bùn đá đã xảy ra với tần suất dày hơn ở vùng núi đã đưa đến những hậu quả môi trường và kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Nhiều đoạn sông suối bị nông hóa, lấp đầy, xói mòn đất gia tăng, sụt và trượt lở tăng, tăng độ đục của các dòng sông và cuối cùng chuyển ra biển gây ảnh hưởng tới các hệ sinh thái
·         Sự tăng cường thâm canh đã rút ngắn thời gian bỏ hoang hóa nương rẫy , cho đất nghỉ ngơi , phục hồi độ màu mỡ đã làm giảm tính bền vững của hệ sinh thái môi trường nơi đây .
 
·         Nạn di cư tự do cũng làm tăng mật độ dân số miền núi lên 75 người/km2 (quá cao khi diện tích đất trồng có hạn) tạo nên cạnh tranh đất đai , đẩy một bộ phận dân lùi sâu vào rừng và hậu quả là rừng lại tiếp tục bị tàn phá .Có thể nói, Sự gia tăng dân số là nguy cơ tiềm tàng trong tương lai dẫn đến sự gia tăng nạn chặt phá rừng và khai thác tới cạn kiệt các nguồn tài nguyên và làm mất đi tính đa dạng sinh học .
·         Trong 80% số dân sống tại khu vực nông thôn và miền núi, phần lớn có thu nhập và trình độ dân trí thấp, nhiều dân tộc tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ cao , nên sự hiểu biết về bảo vệ môi trường của họ hạn chế. Ngoài ra cơ sở hạ tầng thiếu thốn, Mạng lưới giao thông thưa thớt , chất lượng thấp , bị xuống cấp liên tục . cộng với những phong tục, tập quán lạc hậu, cổ hủ làm ảnh hưởng không nhỏ khi cán bộ cơ sở tiếp cận người dân tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó, phần lớn vùng núi nông thôn chưa có điện sinh hoạt,Hệ thống trung tâm chuyển giao và khoa học dịch vụ chưa phát triển . không có điều kiện tiếp cận xã hội bên ngoài, không tiếp thụ được những thông tin về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường. Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng .
IV – Các hoạt động phục hồi cân bằng sinh thái nông thôn vùng núi cao ở Lào Cai :
·        Cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số , đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức , loại bỏ các tập tục lạc hậu gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường . đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ở miền núi. Trước hết tập trung xoá đói giảm nghèo, nâng cao từng bước cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số , Áp dụng các biện pháp canh tác chống xói mòn , Đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao độ che phủ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất nhằm điều hoà nguồn nước, giảm lũ, tăng lưu lượng mùa kiệt.
 
 
·        Nâng cao lợi ích của sản xuất nông nghiệp như đảm bảo một số lượng nông nghiệp tương xứng, đáp ứng được nhu cầu sống của lượng dân số mà hệ thống đó hướng tới
·        Tăng năng suất nông nghiệp thông qua việc tăng cường sử dụng các kiểu gen có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng các điều kiện khó khăn, duy trì độ phì của đất, tính đa dạng của cây trồng, sử dụng hệ thống cây hàng năm, cây lâu năm , chăn nuôi tổng hợp - Kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, Đa dạng hóa cây trồng dưới hình thức : trồng xan, gối vụ, luân canh, tăng cường phát triển và mở rộng các mô hình kinh tế vườn rừng, trại rừng . Nâng cấp hoặc trồng mới vườn rừng nhằm cung cấp gỗ củi và cải thiện môi trường
·        Đưa một số kĩ thuật canh tác trên đất dốc nhằm tăng năng suất cây trồng nông nghiệp và góp phần bảo vệ đất , giữ nước .
·        Bảo vệ và cải thiện môi trường sống cho con người và các sinh vật khác như chống ô nhiễm nguồn nước, giảm và loại bỏ sử dụng chất độc để trừ sâu bệnh, giảm sử dụng phân khoáng , thực hiện mô hình thu gom, xử lý chất thải, rác thải phù hợp, áp dụng hầm khí sinh học liên hoàn, hầm biogas và bể chứa rác, phân loại và xử lý rác thải nông thôn, nhà tiêu hợp vệ sinh và hố rác tự phân hủy.
 
 
·        Bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, hình thành mạng lưới làm công tác dịch vụ y tế sinh đẻ có kế hoạch để bảo đảm 10/12 triệu phụ nữ có chồng thực hiện việc tránh thai để số trẻ sinh ra hàng năm chỉ khoảng 2 triệu.
·        Tập trung phát triển nguồn nhân lực, coi trọng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở miền núi, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng hợp lý cán bộ, đồng thời có chính sách thu hút, khuyết khích cán bộ công tác ở miền núi, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
·        Huy động đồng bào các dân tộc miền núi tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, thực hiện các chính sách cung cấp lương thực và trợ cấp cho những người nhận khoán và chăm sóc bảo vệ rừng. Có chính sách khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên miền núi. Giao đất , giao rừng cho từng hộ dân , để họ không chỉ có trách nhiệm gieo trồng mà còn phải bảo vệ tài nguyên rừng .Hỗ trợ tài chính để khuyến khích người dân tham gia vào chăn nuôi , trồng trọt , triển khai các mô hình kinh tế sinh thái nhân văn , du lịch sinh thái , chuyển dịch cơ cấu sản xuất , tạo lập thị trường , phát triển nguồn nhân lực ...để tạo chuyển biến về kinh tế , nâng cao mức sống cho người dân .
·        Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc như giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá… trên cơ sở đảm bảo tính cân đối và hợp lý giữa các vùng, giữa các dân tộc, tạo ra sự phát triển đồng đều thu hẹp khoảng các chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi, giữa dân tộc thiểu số với dân tộc đa số.
 
 
·        Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu , đào tạo , phổ biến thông tin về phát triển bền vững , đặc biệt là ở khu vực dân tộc miền núi , chú trọng truyền thông bằng tiếng dân tộc , giúp người dân nhận thức và hiểu rõ tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường để cùng nhau phát triển bền vững .
V – Đề xuất phát triển bền vững hệ sinh thái nông thôn vùng núi cao
ở Lào Cai :
Mục tiêu phát triển bền vững môi trường miền núi nước ta là: đạt tới sự hài hòa, cân đối giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bền vững môi trường, đồng thời bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Để đạt được mục tiêu đó, quá trình phát triển miền núi cần phải bảo đảm được những yêu cầu cơ bản sau :
·        Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của mọi ngời dân về phát triển bền vững, đặc biệt là khắc phục ô nhiễm môi trường vùng nông thôn, miền núi , khuyến khích đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên , lôi kéo cộng đồng tham gia vào việc quản lý , bảo tồn đa dạng sinh học .
·        Phát triển kinh tế-xã hội miền núi, không làm mất đi giá trị đặc sắc, riêng biệt của văn hoá truyền thống các dân tộc ở miền núi. Bản sắc văn hoá dân tộc phải được giữ gìn và nâng lên tầm cao mới trong dòng phát triển chung của miền núi với cả nước. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường với đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội ở miền núi.
 
·        Cần đánh giá tiềm năng đa dạng sinh học tại các khu vực làm cơ sở xây dựng các khu bảo tồn , gìn giữ các giống loài quý hiếm , vật chất di truyền hoang dã . Từng bước xây dựng một nền nông nghiệp “sạch” đảm bảo đa dạng hóa cây trồng, tạo năng suất bền vững, ổn định, giảm sử dụng phân khoáng và hóa chất độc hại bảo vệ thực vật. Không nên đặt mục tiêu duy nhất bằng mọi giá đạt năng suất cây trồng, vật nuôi cao nhất .
·        Xây dựng các hồ chứa thượng lưu để điều tiết nguồn nước vận hành theo quy trình hợp lý, đồng thời xây dựng các công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất ở trung lưu và hạ lưu các lưu vực sông , nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và duy trì dòng chảy môi trường. Trong điều kiện cần thiết và cho phép thì còn phải xây dựng các công trình chuyển nước lưu vực để giải quyết cho những vùng khan hiếm nước mà các nguồn nước trong lưu vực không đáp ứng được
·        Bảo vệ và cải thiện môi trường là yếu tố quan trọng không tách rời trong quá trình phát triển miền núi. Coi yêu cầu bảo vệ môi trường là một tiêu chí không thể thiếu trong các chiến lược, các chính sách, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội miền núi. Sử dụng bậc thang trong canh tác nông nghiệp có sự hỗ trợ của các cây họ đậu có khả năng cố định nitơ trong không khí .Xây dựng đồng cỏ chăn nuôi thâm canh , trồng xen canh cây nông nghiệp với cây rừng khi rừng chưa khét tán . Trồng xen canh các cây lương thực , thực phẩm và cây thuốc dưới tán rừng .
 
·        Trong quá trình quy hoạch , kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và thực hiên các quy hoạch này cần tính đến yếu tố môi trường , đánh giá khả năng tác động đến môi trường nhất là những nơi đông dân cư ... Nhà nước đầu tư đúng mức vào công tác tuyên truyền giáo dục về dân số, trang bị các dụng cụ và tạo điều kiện tốt cho việc tránh thai, làm dịch vụ y tế...Mặt khác, Nhà nước cần làm cho các cấp chính quyền, các đoàn thể trong mặt trận, các tổ chức xã hội đóng góp phần tích cực của mình vào công tác này, đồng thời tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Quỹ dân số Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác .
·        Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường là việc quản lý và sử dụng sinh quyển của con người, sao cho các thế hệ hiện tại vừa có thể sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên để phát triển xã hội, vừa bảo đảm duy trì lâu dài các nguồn tài nguyên cho các thế hệ con cháu mai sau. Sự bảo tồn những loài cây cỏ và muôn thú hoang dại được hầu hết xã hội loài người cho là một mục đích quan trọng và đáng khen ngợi . Tất cả để đóng góp cho họat động bảo vệ môi trường tự nhiên quan trọng như là: nhận dạng, thu được và quản lý những địa điểm nơi mà sinh vật hiếm và bị nguy hiểm sống. Những mục đích rộng lớn của chương trình này là để: duy trì tiến trình sinh thái thiết yếu và hệ thống cung cấp sự sống trên trái đất; giữ gìn đa dạng sinh học và bảo đảm sự phát triển bền vững của nguồn tài nguyên tự nhiên của trái đất, đây là mục tiêu chung nhưng quan trọng, một phần vì hệ thống liên hợp trực tiếp của sự bảo tồn sinh học và sự phát triển lâu dài của nguồn tài nguyên toàn cầu và xã hội loài người . Chúng ta thừa hiểu rằng, không thể phát triển kinh tế nếu như không có diễn ra những thay đổi này hay những thay đổi khác trong môi trường tự nhiên bao quanh. Nhưng toàn bộ vấn đề là ở chỗ làm sao cho những thay đổi đó không mang lại những thảm hoạ mà cũng không mang lại những hậu quả có hại. Những thay đổi đó phải thúc đẩy khả năng cải thiện môi trường tự nhiên, tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động và cuộc sống của con người.
NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU :
1 - Giới thiệu về vùng nghiên cứu .
2 - Cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái .
Người thực hiện : ĐỒNG THỊ NGỌC SINH ( trưởng nhóm )
3 - Các hoạt động làm mất cân bằng sinh thái .
 Người thực hiện : DƯƠNG THỊ TRANG NHÃ – LÊ THỊ THANH    PHƯƠNG
4 - Các hoạt động phục hồi và giữ cân bằng sinh thái .
Người thực hiện : NGÔ THỊ LIÊN – NGUYỄN THỊ HẰNG
5 - Đề xuất phát triển hệ sinh thái nông thôn vùng núi cao bền vững trên quan điểm sinh thái .
Người thực hiện : HUỲNH THỊ BÍCH TRÂM – VÕ THỊ THANH SƯƠNG
 



 
Các thành viên đã Thank xinhay_hieuchotoi2002 vì Bài viết có ích:
23/02/2010 22:02 # 2
Mars Flames
Cấp độ: 6 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 50/60 (83%)
Kĩ năng: 17/40 (42%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 200
Được cảm ơn: 77
Phản hồi: tìm hiểu vùng núi cao Lào Cai ....


:( năm mấy học đây, nhìn mún hoa cả mắt :(


Biển học mênh mông
Quay đầu là Bờ
Không ngờ là Vực
 

 
24/02/2010 16:02 # 3
janny_smile
Cấp độ: 3 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 3/30 (10%)
Kĩ năng: 14/30 (47%)
Ngày gia nhập: 30/01/2010
Bài gởi: 33
Được cảm ơn: 44
Phản hồi: tìm hiểu vùng núi cao Lào Cai ....


Năm 2 chứ năm mấy? Năm đầu đã thấy mấy cái này đâu!


If U wanna cry, cry on my toilet, please!!!!


 
28/05/2011 08:05 # 4
diysolapang
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 3/10 (30%)
Kĩ năng: 0/10 (0%)
Ngày gia nhập: 28/05/2011
Bài gởi: 3
Được cảm ơn: 0
tìm hiểu vùng núi cao Lào Cai ....


Đây đúng là thông tin thú vị, cảm ơn bác đã chia sẻ.



 
13/06/2011 10:06 # 5
fectionreatr
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 3/10 (30%)
Kĩ năng: 0/10 (0%)
Ngày gia nhập: 13/06/2011
Bài gởi: 3
Được cảm ơn: 0
tìm hiểu vùng núi cao Lào Cai ....


Cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số , đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức , loại bỏ các tập tục lạc hậu gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường . đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ở miền núi. Trước hết tập trung xoá đói giảm nghèo, nâng cao từng bước cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số , Áp dụng các biện pháp canh tác chống xói mòn , Đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao độ che phủ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất nhằm điều hoà nguồn nước, giảm lũ, tăng lưu lượng mùa kiệt.
 



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024