Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
27/09/2010 08:09 # 1
tieuyeu89dn
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 12

Kinh nghiệm: 65/110 (59%)
Kĩ năng: 28/120 (23%)
Ngày gia nhập: 02/05/2010
Bài gởi: 615
Được cảm ơn: 688
ĐA DẠNG HOÁ SẢN PHẨM DU LỊCH


Th.S Nguyễn Anh Tuấn

Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Sự phát triển nhanh của du lịch toàn cầu và những xu hướng du lịch mới xuất hiện trong thời gian gần đây đã và đang thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia trên thế giới trong việc thu hút khách du lịch. Để nâng cao vị thế cạnh tranh điểm đến trên thị trường du lịch quốc tế, yếu tố sản phẩm du lịch chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Sản phẩm du lịch chính là sự trải nghiệm của khách du lịch về điểm đến du lịch. Vì vậy, điểm đến nào mang lại sự trải nghiệm càng đa dạng, càng thú vị cho khách du lịch sẽ quyết định sự thành công trong cạnh tranh thu hút khách du lịch.

Miền Trung nước ta có nhiều tiềm năng và thế mạnh, đặc biệt là du lịch biển để trở thành điểm đến du lịch quốc tế. Có thể nói, tiềm năng lớn nhất để phát triển du lịch biển là ở miền Trung. Các bãi biển đẹp nổi tiếng chủ yếu đều nằm ở miền Trung như Cửa Lò, Lăng Cô, Đà Nẵng, Cửa Đại, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Phú Yên, Vân Phong, Đại Lãnh, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né. Đặc điểm địa hình vùng ven biển miền Trung cũng tạo nhiều vịnh đẹp nổi tiếng như Lăng Cô, Vĩnh Hy, Xuân Đài, Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, trong đó Vịnh Vân Phong được coi là điểm du lịch biển lý tưởng của thế kỷ XXI (dự án VIE/89-003), Vịnh Lăng Cô và Vịnh Nha Trang được xếp vào Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới. Trong số gần 3.000 hòn đảo ven bờ, nhiều đảo ở miền Trung có hệ sinh thái phong phú, cảnh quan đẹp như Cù Lao Chàm, Phú Quý, Cồn Cỏ, Lý Sơn, có thể hình thành các điểm du lịch biển đảo đặc biệt hấp dẫn. Trong tương lai, có thể phát triển du lịch ra quần đảo Trường Sa. Với thế mạnh về tiềm năng thiên nhiên nêu trên, du lịch miền Trung có nhiều điều kiện để đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Bên cạnh tiềm năng tự nhiên, miền Trung còn có nhiều tiềm năng nhân văn có giá trị cho phát triển du lịch. Cả 3 di sản văn hóa vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận đều nằm ở miền Trung là Di tích cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn. Ngoài ra, miền Trung còn có 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Miền Trung cũng có nhiều làng nghề truyền thống hấp dẫn khách du lịch. Truyền thống văn hóa và lối sống của đồng bào các dân tộc ở miền Trung cũng khá đặc sắc và đa dạng trong việc thu hút khách du lịch.

Với tiềm năng du lịch to lớn như vậy, Du lịch miền Trung có nhiều điều kiện để trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế đầy hấp dẫn. Ngày nay, sự đa dạng và khác biệt của sản phẩm du lịch tạo nên giá trị quan trọng trong việc lôi cuốn và thu hút khách du lịch. Điểm đến nào mang lại sự khác biệt, điểm đến đó sẽ thành công trên thị trường du lịch quốc tế. Khách du lịch ngày nay luôn khao khát tìm hiểu những điều mới lạ và khác biệt của điểm đến so với những thứ đã có tại quê hương họ hoặc những điểm đến họ đã trải nghiệm. Do đó, đối với du lịch miền Trung, việc tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng và khác biệt phải luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để khẳng định vị thế cạnh tranh điểm đến trên thị trường quốc tế. Muốn vậy, phải coi trọng và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng khác biệt, qua đó tạo nên thương hiệu riêng cho điểm đến du lịch miền Trung, khác biệt với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Để xây dựng sản phẩm đa dạng, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cao, Du lịch miền Trung cần dựa trên các thế mạnh về thiên nhiên và nhân văn, cụ thể là:

- Tập trung quy hoạch, xây dựng quần thể các khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp cao cấp tại khu vực vịnh Văn Phong, vịnh Lăng Cô, vịnh Xuân Đài, vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang.

- Tập trung quy hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng biển hoặc tổ hợp khu nghỉ dưỡng biển cao cấp tại các bãi biển đẹp nổi tiếng dọc miền Trung như Cửa Lò, Nhật Lệ, Lăng Cô, Non Nước (Đà Nẵng), Cà Ná, Sa Huỳnh, Cửa Đại, Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang, Phan Thiết-Mũi Né, Ninh Chữ... Đặc biệt, tại Đà Nẵng, Phú Yên, Nha Trang, Phan Thiết – Mũi Né để có thể hình thành thương hiệu cạnh tranh hiệu quả với các khu du lịch biển nổi tiếng trong khu vực như Bali, Pattaya, Phuket...

- Tập trung quy hoạch, xây dựng quần thể các khu du lịch nghỉ dưỡng núi và du lịch sinh thái tại các điểm du lịch có khí hậu mát mẻ: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Bà Nà (Đà Nẵng)...

- Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên các di sản văn hoá vật thể: Di tích Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An, di tích cố đô Huế, các đình, chùa, đền có kiến trúc độc đáo, các công trình kiến trúc, các làng cổ và nhà cổ ở miền Trung như làng cổ Phát Tích (Thừa Thiên – Huế) v.v. và dựa trên di sản văn hoá phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế, múa Chăm, võ Tây Sơn, múa hát cồng chiến Tây Nguyên, múa hát dân tộc truyền thống khác cũng như các lễ hội dân gian ở miền Trung.

- Xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề dựa trên các làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống và độc đáo: làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, làng đúc đá Ngũ Hành Sơn...

- Ẩm thực miền Trung cũng khá đa dạng và hấp dẫn khách du lịch. Do đó, cần phát huy thế mạnh này, tạo ra nhiều món ăn độc đáo và khác biệt. Xây dựng các tour hướng dẫn nghệ thuật chế biến món ăn truyền thống đậm nét văn hóa Trung bộ.

- Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và thưởng thức các loại hình thể thao trên biển như lướt ván, đi thuyền kayak, lặn biển... tại các vùng biển nổi tiếng ở miền Trung.

            - Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch hội nghị, hội thảo, khích lệ và triển lãm (MICE). Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và Mũi Né đều có thể phát triển thành các điểm đến du lịch MICE. Do đó, cần tập trung quảng bá và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút các hội nghị, sự kiện, hội thảo quốc tế tới các trung tâm du lịch biển ở miền Trung. Quy hoạch xây dựng trung tâm hội nghị quốc tế lớn tại các vùng trọng điểm về du lịch. Các trung tâm hội nghị đã có cần nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao trình độ và kỹ năng của đội ngũ nhân viên để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong phục vụ đối tượng khách du lịch này.

            - Xây dựng và phát triển một số công viên chủ đề về biển tại các thành phố lớn và các trung tâm du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang.

- Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch kết hợp mua sắm. Hình thành các trung tâm mua sắm lớn ở miền Trung. Địa điểm thích hợp nhất để hình thành trung tâm mua sắm cho khách du lịch chính là tại Đà Nẵng. Thực hiện chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm để thu hút khách đến miền Trung.

            - Coi trọng phát triển du lịch tàu biển ở miền Trung theo hướng khai thác tối ưu tiềm năng và thế mạnh của loại hình du lịch này. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng tại một số cảng biển, tập trung trước mắt xây dựng 1-2 cảng chuyên dụng cho khách tàu biển tại khu vực miền Trung theo hướng hiện đại và tiện lợi, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tàu biển. Hình thành đội tàu khách trong nước chạy dọc bờ biển miền Trung để đáp ứng nhu cầu của khách nội địa và khách quốc tế.

- Phát triển loại hình du lịch dựa vào những sự kiện đặc biệt mang tầm quốc tế và khu vực như: các cuộc thi đấu thể thao, liên hoan âm nhạc, phim, các cuộc thi sắc đẹp, các festival...

            - Coi trọng phát triển các tour du lịch liên quốc gia từ Thái Lan qua Lào vào VN và ngược lại qua các cửa khẩu quốc tế ở miền Trung như : Lao Bảo, Cha Lo, Cầu Treo.

Tính luôn biến động, không ổn định do tác động của các nhân tố khách quan là không thể tránh được trong ngành du lịch, đặc biệt đối với miền Trung - nơi thiên tai luôn đe dọa và phá hủy tài nguyên, kết cấu hạ tầng và các cơ sở kinh doanh du lịch. Do đó, tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp tại các bãi biển đẹp ở vùng duyên hải và hải đảo thuộc miền Trung. Điều có ý nghĩa quan trọng trong việc biến miền Trung thành điểm đến du lịch quốc tế. Điều đó đòi hỏi ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch các tỉnh miền Trung phải liên kết, hợp tác, đẩy mạnh quảng bá điểm đến miền Trung ở nước ngoài, hiểu biết sâu sắc hơn thị trường khách mục tiêu, các kênh truyền thông để tiếp cận họ và khích lệ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch biển.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) hỗ trợ miền Trung đẩy mạnh quảng bá, kích thích cầu du lịch miền Trung, đặc biệt là du lịch biển. Ngành du lịch các tỉnh miền Trung cần tăng cường hợp tác xây dựng và thực hiện chiến lược marketing điểm đến cho miền Trung năng động và quyết liệt hơn, phát triển nhiều thị trường chuyên biệt và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch biển để đáp ứng tốt thị trường chuyên biệt này. Coi trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch của miền Trung để tăng vị thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch miền Trung trên thị trường quốc tế. Tiêu chuẩn hoá, tăng cường giám sát và kiểm soát chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Tăng cường bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch của miền Trung, hướng du lịch miền Trung trở thành điểm đến du lịch bền vững cả về kinh tế, xã hội, sinh thái môi trường trong thời gian tới.

 

 

 

(Trích dẫn bài viết Hội thảo “Miền Trung - xây dựng điểm đến quốc tế” tại khu du lịch Palm Garden Beach Resort & Spa ngày 19/8/2010 )






 
Các thành viên đã Thank tieuyeu89dn vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024