Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/02/2019 18:02 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 186/400 (46%)
Kĩ năng: 2/210 (1%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 7986
Được cảm ơn: 2102
Liệu Công Đoàn Thực Sự Có Lợi Cho Người Lao Động?


- Theo Investopedia - Các công đoàn đã đóng một vai trò lớn trong các cuộc đối thoại giữa người chủ và người lao động trong nhiều thế kỷ qua, nhưng trong vài thập kỷ gần đây, môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi. Với lí do này, việc hiểu các công đoàn thich nghi như thế nào với môi trường kinh doanh hiện tại, và công đoàn nắm giữ vai trò gì trong nền kinh tế là vô cùng quan trọng.

 

Người chủ và người lao động thường có những quan điểm rất khác nhau về vấn đề làm công. Vì vậy, làm thế nào để hai bên có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào? Câu trả lời chính là các công đoàn (hay còn gọi là nghiệp đoàn). 

CÔNG ĐOÀN LÀ GÌ?

Hình ảnh logo một số tổ chức công đoàn trên thế giới.
 
Công đoàn là các tổ chức đàm phán, thương lượng với các tập đoàn, doanh nghiệp và các tổ chức khác thay mặt cho người lao động- là các thành viên công đoàn. Các công đoàn thương mại đại diện cho người lao động làm một công việc cụ thể, còn công đoàn công nghiệp đại diện cho người lao động trong một ngành. Ví dụ như, Liên hiệp lao động và Đại hội các tổ chức kỹ nghệ Hoa Kỳ (AFL-CIO) là một tổ chức công đoàn thương mại, trong khi Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ (UAW) là một công đoàn công nghiệp.

VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN

Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, các công đoàn đã thường được ghi nhận trong việc đảm bảo cải thiện điều kiện làm việc và tiền lương cho người lao động. Nhiều công đoàn được thành lập trong các công ty khai thác và sản xuất, như công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép, dệt hay mỏ. Tuy nhiên, theo thời gian, các công đoàn đã xuất hiện ở nhiều ngành khác. Người ta thường nghĩ về công đoàn trong một nền kinh tế "cũ": khi các công ty hoạt động trong một môi trường được quản lý chặt chẽ. Ngày nay, phần lớn các thành viên công đoàn làm việc trong ngành vận tải, điện nước hay làm việc cho chính phủ. 
 
Số lượng thành viên công đoàn và tầm ảnh hưởng của công đoàn với nền kinh tế ở mỗi nước là khác nhau. Trên thế giới, có các chính phủ ngăn chặn hay kiểm soát sự thành lập công đoàn một cách mạnh mẽ, trong khi một vài chính phủ khác lại tập trung nền kinh tế đất nước vào các ngành công nghiệp mà xưa nay không có sự xuất hiện của công đoàn.
 
Việc giảm các quy định ngành, tăng tính cạnh tranh và lưu động lao động đã khiến các công đoàn truyền thống gặp nhiều khó khăn. Trong những thập kỷ gần đây, các công đoàn không thực sự phát triển là do sự thay đổi "nền kinh tế cũ", thường liên quan đến hoạt động sản xuất và các công ty lớn, dần chuyển sang các công ty vừa và nhỏ không thuộc lĩnh vực sản xuất. Trong thời gian qua, các thành viên công đoàn tiềm năng đã có mặt ở nhiều kiểu công ty khác nhau. Điều này khiến thương lượng tập thể là một nhiệm vụ phức tạp hơn, khi các nhà lãnh đạo công đoàn phải làm việc với số lượng các nhà quản lý lớn hơn và sẽ vất vả hơn để tập hợp người lao động.
 
Sự "tiến hóa" của người lao động hiện đại cũng thay đổi vai trò của công đoàn. Trọng tâm trước kia của các nhà lãnh đạo công đoàn là đại diện cho người lao động khi đàm phán với các nhà quản lý. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế phát triển không còn phụ thuộc vào sản xuất, sự khác biệt giữa giữa người quản lý và người lao động không còn rõ ràng nữa. Ngoài ra, tự động hóa, máy tính và việc tăng năng suất lao động cũng khiến số lượng người lao động ngày càng giảm. 

CÔNG ĐOÀN ẢNH HƯỞNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Sức mạnh của công đoàn nằm ở hai nhân tố ảnh hưởng chính: nguồn cung nhân công hạn chế và sự gia tăng nhu cầu nhân công. Một số nhà kinh tế so sánh chúng với các các- ten. Thông qua thương lượng tập thể, các công đoàn đàm phán về tiền lương mà nhà tuyển dụng sẽ trả. Công đoàn sẽ yêu cầu một mức lương cao hơn mức lương cân bằng (tìm thấy tại giao nhau của các đường cung nhân công và nhu cầu nhân công), nhưng điều này có thể làm giảm giờ làm được yêu cầu bởi nhà tuyển dụng. Vì một mức lương cao hơn tương đương với lượng công việc tính theo một đơn vị tiền lương ít hơn, các công đoàn thường xuyên gặp khó khăn khi đàm phán mức lương cao hơn, nên thay vào đó, họ sẽ thường tập trung vào việc tăng nhu cầu lao động.
 
 
 CEO tập đoàn General Motors Rick Wagoner (trái) và Chủ tịch Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ - UAW Ron Gettelfinger
bắt tay mở cuộc đàm phán giữa 2 bên vào tháng 7 năm 2007.
 
Công đoàn có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để làm tăng nhu cầu về lao động và tiền lương. Các công đoàn đã và đang sử dụng các phương pháp sau đây:
  • Thúc đẩy việc tăng lương tối thiểu. Lương tối thiểu sẽ tăng chi phí lao động cho người chủ sử dụng lao động có tay nghề thấp. Điều này làm giảm khoảng cách giữa mức lương của người lao động có tay nghề thấp và người có tay nghề cao; ngươi có tay nghề cao thường được các công đoàn đại diện nhiều hơn.
  • Tăng năng suất biên của người lao động. Điều này thường được thực hiện thông qua quá trình đào tạo và tập huấn.
  • Ủng hộ các hạn chế đối với hàng nhập khẩu như kim ngạch và thuế quan. Điều này làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm trong nước và, do đó, tăng nhu cầu lao động trong nước. 
  • Vận động hành lang cho các quy định nhập cư chặt chẽ hơn. Điều này hạn chế sự tăng trưởng trong nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề thấp từ nước ngoài. Tương tự như ảnh hưởng của việc tăng mức lương tối thiểu, hạn chế trong việc cung cấp lao động có tay nghề thấp sẽ giúp tăng tiền lương của họ. Điều này khiến người lao động có tay nghề cao có vị thế hấp dẫn hơn.
Các công đoàn có một vị trí pháp lý độc đáo và trên một khía cạnh nào đó, chúng hoạt động giống như một nhà độc quyền vì có thể miễn nhiễm với luật chống độc quyền.  Vì các công đoàn kiểm soát, hoặc có thể tạo nên ảnh hưởng tích cực đến nguồn cung lao động cho một công ty hoặc ngành cụ thể, công đoàn có thể hạn chế số người lao động không thuộc công đoàn làm giảm tỷ lệ tiền lương nói chung. Họ có thể làm điều này bởi pháp luật cung cấp một sự bảo vệ nhất định cho các hoạt động của công đoàn. 

CÁC CÔNG ĐOÀN CÓ THỂ LÀM GÌ TRONG CÁC CUỘC ĐÀM PHÁN?

Khi công đoàn muốn tăng lương của các thành viên hoặc yêu cầu những nhượng bộ khác từ nhà tuyển dụng, họ có thể làm những điều này thông qua thương lượng tập thể. Thương lượng tập thể là một quá trình trong đó người lao động (thông qua một công đoàn) và người chủ gặp nhau để thảo luận về môi trường làm việc. Công đoàn sẽ trình bày quan điểm của mình cho một vấn đề cụ thể, và người chủ phải quyết định xem có nên chấp nhận các yêu cầu của người lao động hay không hoặc trình bày quan điểm đối lập.
 
Thuật ngữ "thương lượng" có thể gây hiểu nhầm, vì nó làm ta nghĩ đến cảnh hai người mặc cả một món hàng ở chợ trời. Trên thực tế, mục tiêu của công đoàn trong thương lượng tập thể là để cải thiện vị thế của người lao động trong khi vẫn đẩm bảo hoạt động kinh doanh của người chủ. Các mối quan hệ thương lượng là liên tục, chứ không phải chỉ là chuyện một lần.
 
 
 Liên minh Thợ mỏ Quốc gia (Anh) tiến hành một cuộc đình công năm 1984.
 
Nếu công đoàn không thể thương lượng, hoặc không hài lòng với kết quả của thương lượng tập thể, thì họ có quyền khởi xướng một cuộc biểu tình hoặc đình công. Đe dọa đình công có thể có lợi như một cuộc đình công thực sự, với điều kiện người chủ tin rằng đình công chắc chắn sẽ xảy ra. Hiệu quả của một cuộc đình công thực sự phụ thuộc vào việc hành động ấy có thể buộc những người chủ phải chấp nhận các yêu cầu của người lao động hay không. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, như vào năm 1984, khi Liên minh Thợ mỏ Quốc gia, một công đoàn thương mại có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã tiến hành một cuộc đình công; tuy nhiên, sau một năm, họ không đạt được nhượng bộ từ những người chủ và phải chấm dứt đình công.

CÔNG ĐOÀN CÓ THỰC SỰ HIỆU QUẢ?

Việc công đoàn có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến thị trường lao động sẽ phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Công đoàn cho rằng họ giúp tăng mức lương, cải thiện điều kiện làm việc và tạo động lực cho người lao động tiếp tục quá trình đào tạo nghề. Vào năm 2002, mức lương của các thành viên công đoàn cao hơn lương của người không thuộc tổ chức này 21%, nhưng con số này cũng khác tùy theo ngành nghề.
 
Những người đối lập phản bác các tuyên bố của công đoàn và cho rằng những lí do căn bản của việc điều chỉnh tiền lương là do thay đổi trong năng suất lao động và thị trường lao động cạnh tranh.
 
 
 Một người ủng hộ công đoàn tại Mỹ cầm tấm biển ghi dòng chữ "Unions make us strong"
(tạm dịch: Công đoàn giúp chúng ta mạnh mẽ hơn)
 
Nếu nguồn cung lao động tăng nhanh hơn so với nhu cầu lao động, sẽ có một lượng nhân công rất lớn trên thị trường, và điều này có thể làm giảm mức tiền lương (theo quy luật cung cầu). Công đoàn có thể ngăn chặn người sử dụng lao động sa thải nhân công thông qua đe dọa bãi công hay đình công và làm ngưng trệ sản xuất, nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Lao động, giống như bất kỳ yếu tố đầu vào nào của sản xuất, là một chi phí mà người chủ cần tính đến trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nếu người chủ trả lương cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, họ sẽ phải sản xuất các sản phẩm có giá thành cao hơn, và ít có khả năng được mua bởi người tiêu dùng.
 
Việc tăng lương cho các thành viên công đoàn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động không thuộc công đoàn - những người không có một sự đại diện bài bản. Khi một công đoàn có được phê chuẩn của chính phủ, nó được coi là một đại diện của người lao động, bất kể người lao động có thực sự là một phần của công đoàn đó hay không. Ngoài ra, như một điều kiện lao động, công đoàn có thể trích kinh phí thành viên từ tiền lương của người lao động mà không cần sự đồng ý trước.
 
Hiện nay, người ta vấn đang tranh luận về việc liệu công đoàn có là nguyên nhân chính của sự sụt giảm trong nhu cầu lao động của các ngành công nghiệp thuộc "nền kinh tế cũ". Trong khi công đoàn đã làm tăng mức lương của các thành viên so với những người không thuộc tổ chức này, điều này không khiến các ngành đó sử dụng ít lao động hơn. Tại Mỹ, các ngành công nghiệp thuộc "nền kinh tế cũ" đã suy giảm trong nhiều năm khi nền kinh tế không còn tập trung vào các ngành công nghiệp nặng. 

LỜI KẾT

Rõ ràng là các công đoàn đã để lại dấu ấn của mình trong nền kinh tế nói chung, và sẽ tiếp tục là lực lượng quan trọng để định hình môi trường kinh doanh và chính trị của mỗi quốc gia. Ngày nay, công đoàn có mặt trong nhiều ngành nghề, từ công nghiệp nặng cho đến chính phủ, và tiếp tục hỗ trợ người lao động trong việc có được mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. 
NGUỒN : THEO SAGA.VN

 



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024