Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/12/2013 21:12 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 207/400 (52%)
Kĩ năng: 14/210 (7%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 8007
Được cảm ơn: 2114
TOU 151: Du lịch làng nghề: Bao giờ mới xứng với tiềm năng?


 

Bài toán về phát triển du lịch làng nghề sao cho cân xứng tới tiềm năng đã được đặt ra từ lâu, song đến nay vẫn chưa có lời giải phù hợp. Du lịch làng nghề của mảnh đất nghìn năm văn hiến cũng không tránh khỏi thực trạng “dậm chân tại chỗ” nhiều năm nay.

Phát triển còn tự  phát, manh mún

Theo thống kê, riêng thủ đô Hà Nội- mảnh đất nghìn năm văn hiến, nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất nước với 1.350 làng nghề, trong đó có 277 làng nghề đã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống như: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dệt Triều Khúc, thêu Đại Đồng, Sơn Mài Hạ Thái, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ…Sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và hấp dẫn như vậy, song hiện nay du lịch làng nghề thủ đô nhiều năm nay vẫn không tránh khỏi thực trạng “dậm chân tại chỗ”, phát triển không tương xứng với tiềm năng hiện có.



Việc thu hút khách du lịch đến thăm các làng nghề còn mang tính tự phát, manh mún, không đồng bộ (Ảnh: Internet)

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, các tour du lịch làng nghề Hà Nội hiện nay chưa được khai thác triệt để cả về nội dung và hình thức, chủ yếu chỉ dừng ở việc tham quan và tới xem một số ít làng nghề Việt cổ. Khách du lịch chưa chọn đến thăm làng nghề như một tour thực sự vì những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng của nó.

Dịch vụ du lịch đi kèm ở hầu hết các làng nghề truyền thống ngoại thành Hà Nội còn yếu và kém, không xứng tầm với lịch sử phát triển hàng trăm năm. Ngay cả hai làng nghề nổi tiếng như: Lụa Vạn Phúc và gốm Bát Tràng cũng chưa thực sự có đầy đủ cơ sở hạ tầng, các điều kiện cần có như hướng dẫn viên du lịch của làng, cảnh quan môi trường, hệ thống vệ sinh “Xanh-Sạch-Đẹp”, vai trò của các nghệ nhân, các gia đình được chọn giao lưu với khách và cùng với du khách trải nghiệm làng nghề, bảo đảm điều kiện để làm dịch vụ du lịch…

Ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả từ loại hình du lịch làng nghề chưa cao vì cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, cảnh quan môi trường tại nhiều làng nghề còn ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc thu hút khách du lịch đến thăm làng nghề còn mang tính tự phát, manh mún, không đồng bộ, các sản phẩm còn nghèo nàn về mẫu mã, công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng phát triển lẹt đẹt của du lịch làng nghề cũng có nguyên nhân từ việc chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn yếu kém. Hiện nay hầu hết người lao động tại các làng nghề còn chưa quen với việc hoạt động du lịch, chưa ý thức hết được giá trị của du lịch đem lại. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL bày tỏ: “Nhiều làng nghề cho rằng, do xa trung tâm Hà Nội, giao thông chưa thuận tiện nên khó thu hút khách. Do đó nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường dẫn từ quốc lộ vào  làng nghề, nhà chợ, nhà trưng bày triển lãm. Làng mây tre đan Phú Vinh là một ví dụ. Từ năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và Sở Du lịch Hà Tây đã đầu tư 1 tỷ đồng để làm đường, nhà triển lãm…, nhưng tới nay làng vẫn vắng khách như “Chùa bà Đanh”. Một số làng nghề đã treo biển “địa điểm du lịch làng nghề” nhưng năm thì mười họa mới có khách. Nguyên nhân là do đầu tư không đồng bộ, không rõ cơ chế triển khai, chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, còn đầu tư cho nhân lực thì rất hạn chế, dân làng không được tập huấn các kỹ năng làm du lịch, phải tự mày mò, đó là lý do không thu hút được du khách”.

Cần có quy hoạch tổng thể về các điểm du lịch làng nghề

Để khắc phục những điểm yếu và thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề của Thủ đô trong thời gian tới, hầu hết các chuyên gia du lịch và đại diện các làng nghề, nghệ nhân đều cho rằng việc quan trọng nhất là Hà Nội phải có một quy hoạch tổng thể về các sản phẩm du lịch gắn với nghề, làng nghề và phố nghề truyền thống. 

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cần tăng cường quảng bá thương hiệu các làng nghề thủ đô với du lịch, thực hiện việc đào tạo kỹ năng du lịch, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho nhân lực của làng nghề, đồng thời có chính sách đãi ngộ thích với đối với nghệ nhân để động viên họ tích cực tham gia đào tạo, bảo tồn và phát triển nghề. Đối với các làng nghề, cần chủ động tăng cường sự phối kết hợp giữa các làng nghề với các doanh nghiệp du lịch trong đầu tư và khai thác du lịch tại các làng nghề truyền thống

Đồng tình với ý kiến này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn góp ý: “Về lý thuyết thì bất cứ làng nghề nào cũng có thể đưa khách đến thăm quan. Nhưng với hơn 1000 làng nghề hiện có, chúng ta không thể đưa khách đến tất cả các làng nghề đó, do vậy phải lựa chọn những làng nghề tiêu biểu, đặc sắc nhất, từ đó đầu tư cho cơ sở hạ tầng để kết nối du lịch; hình thành các tuyến du lịch kết nối các làng nghề với nhau hoặc với các diểm du lịch khách, nâng cao chất lượng dịch vụ phụ trợ, tăng cường công tác quản lý điểm đến, kiểm soát về an ninh, vệ sinh môi trường…để phát triển du lịch làng nghề một cách chuyên nghiệp”.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng đề xuất, Hà Nội cần định hướng xây dựng và duy trì phục hồi Phố nghề tại trung tâm thành phố Hà Nội. “Hiện nay, cơ bản 36 phố phường vẫn duy trì những nghề truyền thống, không bị mai một và phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, trong quy hoạch thì Hà Nội nên xây dựng một địa điểm tập trung mới để ở đó các làng nghề tiêu biểu nhất của TP Hà Nội vừa trình diễn vừa bán các sản phẩm cho du khách. Ngoài ra, cần quy hoạch khu vực dành riêng cho đặc sản ẩm thực tiêu biểu nhất của Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là những sản phẩm du lịch mà du khách rất quan tâm mà chúng ta đang thiếu”, ông Tuấn nhận định.

Bàn về vấn đề này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ những bất cập và thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới. Trong đó, đề nghị cơ quan trung ương nghiên cứu, xây dựng chính sách cụ thể cho du lịch làng nghề, làm cơ sở cho các địa phương triển khai đúng hướng, đồng thời có sự hỗ trợ về vốn cho địa phương để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về giao thông đường sá. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và làng nghề địa phương cần có sự tham mưu cho UBND thành phố để tập trung xây dựng các làng nghề tiêu biểu, trong đó chú trọng công tác đào tạo nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối làng nghề với các đơn vị du lịch và các hội nghề nghiệp khác…/.

 
 

 



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024