Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
03/08/2013 12:08 # 1
nguyenthang_ktr
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 180/300 (60%)
Kĩ năng: 148/210 (70%)
Ngày gia nhập: 06/10/2011
Bài gởi: 4530
Được cảm ơn: 2248
Kiến trúc và Phê bình Kiến trúc


Architect's_Hand

1. Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật đặc thù. Đó là nghệ thuật tạo dựng không gian, môi trường sống cho con người. Từ một công trình kiến trúc cụ thể như ngôi nhà ở, nhà hát, bảo tàng, công viên…đến quy hoạch một điểm dân cư, một khu đô thị, một thành phố hay vùng lãnh thổ.v.v… Nghệ thuật kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại, kể từ thủa hồng hoang sống trong hang đá cho đến thời đại văn minh công nghiệp như ngày nay. Thế nhưng, không phải bất kỳ công trình xây cất nào cũng được gọi là kiến trúc. Bởi kiến trúc là nghệ thuật. Chính sự khác biệt này mới xuất hiện trong xã hội hai danh xưng: nhà xây dựng (người chuyên xây dựng công trình) và kiến trúc sư (người sáng tác kiểu nhà, công trình, quy hoạch đô thị …).

What-does-an-architect-do

Là ngành nghệ thuật đặc thù, nên sản phẩm sáng tạo của kiến trúc sư (KTS) không giống sản phẩm sáng tạo của các ngành nghệ thuật khác. Người họa sỹ, nhạc sỹ, thi sỹ… tạo ra tác phẩm bằng cảm hứng nghệ thuật cá nhân, ít chịu tác động bởi bất cứ một điều kiện khách quan nào. Tác phẩm sáng tạo của họ, được pháp luật bảo vệ ( bằng luật bản quyền tác giả, tác phẩm). Và tác phẩm của họ cũng ít bị xâm hại nhất (trừ trường hợp phải biên tập trước khi in ấn, xuất bản, hay bị cấm lưu hành, thu hồi vì ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, trái với đạo lý,thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc, vi phạm pháp luật). Với kiến trúc thì lại khác. Sản phẩm kiến trúc, kết quả sáng tạo của KTS bị chi phối bởi rất nhiều chủ thể, từ  nhà đầu tư (người đặt hàng)  cho đến các cấp quản lý chuyên ngành. Mà đầu tiên là chủ đầu tư (tư nhân và nhà nước). Tác động của chủ đầu tư có khả năng làm biến đổi từng phần cho đến toàn bộ sản phẩm, từ công năng đến hình thức biểu hiện sáng tạo của KTS.

   Kiến trúc là sự tổng hòa giữa nghệ thuật và khoa học, nên để trở thành KTS thì trước tiên phải có năng khiếu về mỹ thuật và phải được đào tạo trong các trường đại học kiến trúc. Nhưng cũng không phải ai có bằng KTS đều sáng tác kiến trúc. Phần lớn họ làm việc trong các lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dậy, quản lý xây dựng, quản lý đô thị…  Theo đánh giá của Hội KTS Việt Nam, chỉ khoảng 30%  KTS trên cả nước là trực tiếp sáng tác kiến trúc. Tuy nhiên, lịch sử kiến trúc thế giới đã cho thấy, có những KTS nổi tiếng, như  Tadao Ando, KTS lừng danh Nhật Bản, cây đại thụ của kiến trúc thế kỷ 20, đã khởi đầu sự nghiệp vinh quang của mình không phải từ trường đại học, mà từ nghề đấu võ, lái xe. Ở Việt Nam, các công trình kiến trúc truyền thống nổi tiếng, kho tàng văn hóa lịch sử của dân tộc như đình chùa, lăng tẩm, thành quách được xây dựng không phải do KTS, mà bởi ý chí của vua chúa và bàn tay tài hoa của các hiệp thợ, sức lao động bền bỉ của đời đời nhân dân lao động.

NHLNhà hát lớn HN – Nét đặc trưng cho Kiến trúc Pháp tại HN

2. Kiến trúc là biểu hiện của văn hóa. Hơn nữa, kiến trúc còn là tấm gương phản chiếu trung thực nhất của thời đại. Kiến trúc liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội và nhiều ngành công nghiệp khác của đất nước. Vì thế, nhìn nhận, đánh giá kiến trúc là một công việc khó khăn, phải qua lăng kính đa chiều về văn hóa, lịch sử, xã hội học và cả kinh tế học. Còn muốn phê bình  một tác phẩm kiến trúc, ngoài bản lĩnh, vốn kiến thức về văn hóa-xã hội và đạo đức làm nghề thì phải có lý luận về nghệ thuật kiến trúc. Từ trước đến nay, ở nước ta lý luận, phê bình kiến trúc chưa được quan tậm đúng mức. Trong các trường đào tạo KTS cũng không đào tạo người chuyên về nghiên cứu lý luận, phê bình kiến trúc. Vì thế, so với đội ngũ 16 ngàn KTS của cả nước thì  số người làm phê bình kiến trúc quả là rất thưa vắng. Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, trên diễn đàn kiến trúc có tiếng nói phê bình uyên bác và sâu sắc của các KTS tài danh tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, như Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Ngô Huy Quỳnh, Tạ Mỹ Duật… Đến thập niên 80, bổ sung thêm các nhà nghiên cứu phê bình như Đặng Thái Hoàng, Tôn Đại, Trần Hùng, Nguyễn  Đức Thiềm, Ngô Thế Thi. Đặc biệt là thời kỳ Đổi mới đến nay, nhiều KTS đã tham gia vào lĩnh vực gian nan này như ở phía Bắc có Hoàng Đạo Kính, Nguyễn Việt Châu, Nguyễn Bá Đang, Trần Trọng Chi, Ngô Huy Giao, Nguyễn Luận, Nguyễn Hồng Thục, Đoàn Đức Thành, Nguyễn Trí Thành, Trương Văn Quảng…Ở phía Nam có Nguyễn Hữu Thái, Lê Quang Ninh, Nguyễn Khởi, Ngô Viết Nam Sơn, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Trường Lưu… Nhưng hầu hết trong số đó không phải là các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp.

    Công cuộc đổi mới với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mở cửa, hội nhập quốc tế  của Nhà nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi để kiến trúc phát triển sau hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá và trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đô thị hóa với tốc độ nhanh và trên diện rộng đã làm thay đổi diện mạo kiến trúc đất nước theo hướng văn minh, hiện đại. Một hệ thống đô thị được hình thành với gần 800 đô thị cũ và mới. Hàng ngàn công trình kiến trúc hiện đại, quy mô lớn được xây dựng. Các khu đô thị mới với các chung cư cao tầng mang  phong cách kiến trúc quốc tế, đầy đủ tiện nghi xuất hiện bên cạnh các khu nhà ở tập thể thấp tầng cũ kỹ, tiện nghi nghèo nàn xây dựng từ những năm 60, là hình ảnh tương phản sinh động cho sự  đổi mới và phát triển. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng chưa khi nào giới KTS lại phát triển nhanh về số lượng và thuận lợi trong hành nghề như bây giờ.  Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ thông tin đã làm thay đổi cơ bản tư duy và phương pháp luận sáng tác của KTS. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để tiếp cận và tiếp nhận những công nghệ thiết kế kiến trúc mới nhất, tiến bộ nhất của thế giới, thì họ cũng bị ngập chìm trong cái hỗn mang của các trường phái kiến trúc. Không kể hội chứng “đá rửa” từ miền Nam lan ra sau 1975 và kết thúc vào những năm cuối 80, thì trong thời kỳ đổi mới, kiến trúc Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện và lây lan đến chóng mặt của các xu hướng mang tính tiêu cực như:  “ nhà chóp”, “ nhại cổ”, “ nhại kiến trúc cổ điển Pháp” , đến xu hướng kiến trúc mới, tiến bộ như “ kiến trúc xanh”, “kiến trúc bền vững”. Thiếu lý luận, KTS Việt Nam đã rất lúng túng khi lựa chọn hướng sáng tác giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa phong cách bản địa và phong cách quốc tế.  Sự lười nhác trong sáng tạo cùng với tư tưởng sính ngoại quá mức đã tạo ra một lớp KTS sao chép, mà sản phẩm là những kiến trúc nhại cổ, lai căng, hiện đại nửa vời, xa rời điều kiện tự nhiên và văn hóa của dân tộc. Nguy hại hơn, sự lúng túng, mất định hướng trong sáng tác đã làm cho bộ mặt kiến trúc quy hoạch nhiều TP, đô thị của chúng ta trở nên hỗn độn, na ná nhau, miền núi cũng như miền đồng bằng, trở thành những bản sao 3D vô hồn xa lạ, không bản sắc. Kiến trúc nông thôn truyền thống bị đô thị hóa cưỡng bức đang có nguy cơ mất bản sắc, trở thành “nơi chứa rác thải” của văn minh đô thị. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang gây ra những thảm họa thiên tai cho loài người, trong đó có Việt Nam, đặt ra bao thách thức cho KTS trong tạo dựng không gian sống hiện đại an toàn và bền vững.

26975

Công trình Nhà trăm mái của KTS Lữ Trúc Phương

Phê bình kiến trúc có tác động sâu sắc đến xã hội, nó có thể trở thành tiền đề phát triển một xu hướng mới, khuyến khích tài năng. Nhưng không phải lúc nào tiếng nói này cũng nhận được sự đồng thuận. Năm 1992 một cuộc tranh luận nhằm bảo vệ công trình kiến trúc “Nhà Trăm mái” xây dựng trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay cạnh Đồi Cù (TP Đà Lạt) của KTS Lữ Trúc Phương, diễn ra trên Tạp chí Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam. Đây là tác phẩm sáng tác theo trường phái biểu hiện của Antonio Gaudi, với xu hướng “thiên nhiên hóa kiến trúc”, đang bị chính quyền tỉnh Lâm Đồng bắt phá bỏ, bởi theo họ, đó là thứ “kiến trúc kỳ dị, điên rồ”. Cùng với nhiều tiếng nói ủng hộ trong giới kiến trúc, PGS.KTS Trần Hùng, một nhà nghiên cứu có uy tín đã viện dẫn các luận cứ khoa học để minh chứng cho sự tồn tại của “ Nhà Trăm mái”. Nhưng bài trả lời phỏng vấn của một PGS.KTS khác đang giữ trọng trách trong ngành Xây dựng  lúc đó, phê phán quyết liệt công trình này, đã thêm một “giọt nước làm tràn ly” để chính quyền Lâm Đồng củng cố quyết tâm của mình. Và tháng 10/1992, với lý do “không đảm bảo an toàn và vi phạm quy định xây dựng”, tác phẩm kiến trúc “ Nhà Trăm mái” bị dỡ bỏ hoàn toàn, sau hai năm tồn tại, bất chấp sự phản đối của Hội KTS Việt Nam và công luận. Nhiều năm sau sự kiện “ Nhà Trăm mái”, trong các cuộc hội thảo về lý luận phê bình kiến trúc, người ta vẫn chưa thôi tiếc nuối cho số phận hẩm hiu của tác giả và tác phẩm kiến trúc độc đáo này, cũng như tiếc cho ngành du lịch Đà Lạt đã mất đi một cỗ máy in tiền?! Khi hội chứng “Nhà chóp” ( vào thập niên 90), khởi đầu từ những biệt thự đắt giá và hoành tráng ở khu vực Quảng Bá, chung quanh Hồ Tây, làm khuynh đảo kiến trúc Hà Nội, thì xuất hiện bài phê bình có cái tên “ Em ơi…Hà Nội chóp!” (nhại một ca từ trong ca khúc nổi tiếng về Hà Nội của nhạc sỹ Phú Quang) của nhà báo Phạm Thanh Hà đăng trên báo Nhân Dân, đã gây được sự chú ý của xã hội. Bài báo đã mở đầu cho hiện tượng các nhà báo không phải KTS, lấn sân sang lĩnh vực đánh giá kiến trúc. Nhiều trường hợp, qua phát hiện của báo chí, giới phê bình kiến trúc mới biết và lên tiếng ?!.

     Nhận thức được sự quan trọng của công tác lý luận phê bình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kiến trúc dân tộc, những năm qua, Hội KTS Việt Nam đã kiên trì tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề  kiến trúc. Qua các hội thảo này và trên diễn đàn của Tạp chí Kiến trúc, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Kiến trúc và Đời sống.. tiếng nói lý luận phê bình của giới KTS đã làm cho chính sách quản lý xây dựng trở nên cởi mở hơn, hạn chế phần nào những tiêu cực đang diễn ra trong đời sống kiến trúc. Công tác phê bình kiến trúc đã thu hút được sự quan tâm của giới KTS và của cộng đồng, góp phần để tiếng nói phản biện của Hội nghề nghiệp vang lên ngày một sâu rộng trong xã hội.

3.Thế giới ngày hôm nay là thế giới phẳng. Một thế giới mà dân tộc này có thể dễ dàng tiếp nhận văn hóa của dân tộc khác. Văn hóa bản địa được tôn vinh, hòa cùng văn hóa chung của nhân loại. Thế giới phẳng đặt ra cho chúng ta một thách thức lớn, đó là làm thế nào để giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa. Nền kiến trúc Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng, nhưng đã và đang đánh mất bản sắc của mình. Hội nhập quốc tế đem đến cho kiến trúc Việt Nam những cơ hội lớn để phát triển vươn lên cùng kiến trúc các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi ở KTS Việt Nam một bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, để có khả năng miễn dịch trước những ảnh hưởng tiêu cực của kiến trúc ngoại lai, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa của kiến trúc thế giới để ứng dụng sáng tạo vào phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và bản sắc. Để làm được điều đó, hơn lúc nào hết, công tác lý luận, phê bình kiến trúc phải được xã hội, các cấp, các ngành và hội nghề nghiệp quan tâm, chăm sóc từ trong trường đào tạo đến thực tế cuộc sống. Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII của Đảng về “ Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã đi vào cuộc sống được15 năm. Đã đến lúc, giới KTS cần có một cuộc đánh giá tổng quan, khoa học, khách quan và nghiêm túc để nhìn nhận lại chặng đường 15 năm phát triển kiến trúc nước nhà dưới ánh sáng Nghị quyết quan trọng này. Để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ mới. Và phải chăng, đó cũng là cơ sở để trả lời câu hỏi mà chúng ta tìm kiếm trong suốt mấy chục năm qua: thế nào là bản sắc của kiến trúc Việt Nam hiện đại ?./.

KTS Phạm Thanh Tùng

KIENVIET.NET

 



Nguyễn Anh Minh Thắng- K17 KTR3
Gmail: nguyenthang1593@gmail.com

...

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm 1 ngày sống để yêu thương!!!

 
Các thành viên đã Thank nguyenthang_ktr vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024