1. Giới thiệu chung

Công nghệ thông tin là một ngành ngày càng phát triển mạnh tại các nước phát triển và các nước đang phát triển. Bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể thấy sự hiện diện của công nghệ thông tin, từ giáo dục, y tế, ngân hàng, hàng không cho đến an ninh quốc phòng. Không chỉ hiện diện mà công nghệ thông tin còn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, để vận hành, phát triển các hệ thống và các ứng dụng công nghệ thông tin, đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn và vẫn còn tiếp tục tăng trong nhiều năm tới.

Khoa Công nghệ Thông tin, trường đại học Vinh với kinh nghiệm đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ thông tin, là địa chỉ đáng tin cậy cho những sinh viên yêu thích ngành học nhiều thú vị và dễ tìm kiếm việc làm này. Đội ngũ cán bộ giảng dạy được đào tạo bài bản từ các trường đại học uy tín trong nước và trên thế giới, như: Trường Đại học Bách Khoa Hà nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, hay các trường đại học của các nước tiên tiến: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ba Lan, Bồ Đào Nha.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Thông tin được biên soạn theo hướng phát triển năng lực người học, đáp ứng các chuẩn nghề nghiệp. Kỹ sư ngành Công nghệ Thông tin ra trường có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức tư cách tốt, có đủ sức khỏe và được trang bị một nền tảng kiến thức cơ sở, kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng mềm cần thiết để tự tin khởi nghiệp. Sinh viên học ngành Công nghệ thông tin ra trường có thể làm việc trong các công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các tổ chức, hiệp hội…hay có thể trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, làm việc độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan, tổ chức nào mà vẫn hoàn toàn đảm bảo kinh tế cho cuộc sống, cũng như phát triển chuyên môn. Đặc biệt, sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường có thể cùng một số bạn bè, đồng nghiệp khác lập ra nhóm hay công ty của riêng mình. Như vậy, không những tạo được việc làm cho mình, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác. Ngoài ra, sinh viên ngành Công nghệ thông tin có thể học thêm ngành 2 và có thể học tập nâng cao trình độ lên bậc Thạc sỹ, Tiến sỹ.

Chương trình đào tạo được thiết kế gồm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I (3 học kỳ đầu) học các kiến thức và kỹ năng chung của khối ngành kỹ sư. Giai đoạn II (7 học kỳ tiếp theo), chương trình được thiết kế mềm dẻo để sinh viên có thể lựa chọn đăng ký các môn học theo hướng chuyên sâu, gồm kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức chuyên ngành và chuyên ngành hẹp của ngành đào tạo. Trong cả khóa học, sinh viên có 3 đợt thực tập nghề nghiệp, giúp sinh viên ứng dụng các kiến thức và kỹ năng đã được học để làm ra sản phẩm cụ thể. Đồng thời, qua các đợt thực tập, sinh viên được tiếp cận với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: Công ty FPT, VKX, VDC, VNPT,.... Đây là điều kiện thuận lợi cho sinh viên nhanh chóng bắt nhịp với thực tế công việc sau khi ra trường.

2. Thời gian đào tạo, văn bằng được cấp, mã ngành và môn xét tuyển

  • Thời gian đào tạo: 5 năm, chia thành 10 học kỳ.
  • Văn bằng được cấp:    Kỹ sư Công nghệ Thông tin.
  • Mã ngành:                    D480201        
  • Môn xét tuyển:            Toán, Lí, Hóa (Khối A) và Toán, Lí, Tiếng Anh (Khối A1)

3Hệ thống các phòng thực hành

Với hệ thống phòng máy thực hành hiện đại, máy tính tối tân kết nối Internet, các thiết bị hỗ trợ học tập như máy chiếu, ti vi, bảng viết, ...giúp sinh viên có thể thực hành ngay những kiến thức và kỹ năng được học trên lớp lý thuyết.

4. Cơ hội việc làm

Với mục tiêu đã đề ra, sau khi tốt nghiêp, kỹ sư ngành Công nghệ Thông tin có khả năng:

  • Làm việc ở các vị trí có vận hành và ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức.
  • Làm việc ở các công ty lắp ráp, phân phối máy tính và các thiết bị tin học; các công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm; các công ty tư vấn - thiết kế giải pháp mạng, giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp;
  • Giảng dạy ở các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

  • Nâng cao trình độ để đảm nhận các công việc như quản trị dự án, thiết kế hệ thống, chủ trì công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức;
  • Học sau đại học ngành công nghệ thông tin và các chuyên ngành gần.
  • Học văn bằng thứ hai: Sinh viên ngành Công nghệ Thông tin có thể học văn bằng hai các ngành về khoa học tự nhiên, các ngành khối kĩ thuật, công nghệ và kinh tế.

6. Khung chương trình đào tạo ngành Kỹ sư Công nghệ Thông tin

                                                                                                             Nguồn :kênh 14