Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
25/10/2011 00:10 # 1
Sinhvienkhoa17
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 105/130 (81%)
Kĩ năng: 55/80 (69%)
Ngày gia nhập: 18/09/2011
Bài gởi: 885
Được cảm ơn: 335
Những kĩ năng trong học tập và làm việc


 Sự tập trung tư tưởng rất quan trọng với những ai muốn chủ động về cuộc đời của họ. Năng lực này hết sức cần thiết cho bất kỳ thành công nào trong cuộc sống. Không có nó, nỗ lực của chúng ta sẽ thiếu tập trung, nhưng nếu có nó, chúng ta có thể gặt hái được những thành quả vô cùng lớn.


 
            Hình sưu tầm


Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta hồi nhỏ, đã từng dùng kính lúp để đốt cháy một mảnh giấy. Khi ta dùng kính lúp để hội tụ các tia nắng mặt trời thành 1 điểm nhỏ trên mảnh giấy, chỉ trong một khoảnh khắc thời gian thôi, mảnh giấy sẽ bốc cháy. Nếu chúng ta dịch chuyển kính lúp gần hơn, hoặc xa hơn một chút, các tia nắng sẽ không hội tụ, năng lượng mặt trời do vậy tập trung không đủ để đốt được mảnh giấy. Đây là một kinh nghiệm rất tốt, giúp chúng ta liên tưởng một cách sinh động đến sức mạnh của sự tập trung tư tưởng.

Năng lực này chính là năng lực tập trung sự chú ý. Đó là khả năng định hướng suy nghĩ của mình về một sự kiện, một vật , hay một ý tưởng nào đó, ngoài ra không để ý đến điều gì khác.

Khi chúng ta có thể tập trung tư tưởng, năng lực trí óc chúng ta sẽ không bị phân tán một cách uổng phí vào những chuyện không liên quan đến vấn đề mà ta đang xét. Chính vì vậy mà sự tập trung tư tưởng rất quan trọng với những ai muốn chủ động về cuộc đời của họ. Năng lực này hết sức cần thiết cho bất kỳ thành công nào trong cuộc sống. Không có nó, nỗ lực của chúng ta sẽ thiếu tập trung, nhưng nếu có nó, chúng ta có thể gặt hái được những thành quả lớn lao.

Sự tập trung tư tưởng mang lại rất nhiều công dụng và  giá trị. Nó giúp chúng ta học và hiểu nhanh hơn, giúp phát triển trí nhớ rất tốt, giúp chúng ta tập trung suy nghĩ vào công việc, vào các hoạt động hay mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Nhờ vậy, chúng ta có thể đạt được sự thành công dễ dàng với hiệu quả cao hơn. Sự tập trung tư tưởng giúp chúng ta phát triển các năng lực tinh thần (hay thần kinh), và nó cũng chính là công cụ mạnh mẽ, hiệu quả, cho khả năng tưởng tượng sáng tạo của chúng ta.

Khi năng lực này được phát triển, trí tuệ sẽ phục tùng ý muốn của chúng ta, và không còn vướng víu gì đến những suy nghĩ phù phiếm hay tiêu cực, hay sự lo âu lan man. Chúng ta sẽ làm chủ được trạng thái tinh thần của mình và đạt đến thái cực bình an trong tâm tưởng, “an nhiên tự tại.”

Khả năng này cũng đóng vai trò quan trọng chủ yếu trong Thiền Định & Yoga - một liệu pháp tối ưu để giữ gìn sự minh mẫn của tinh thần và duy trì sự lành mạnh của thể chất. Không có nó, tâm trí chúng ta bất ổn, nhảy lung tung từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác, không thể đạt được trạng thái Thiền định trong tâm tưởng.

Nhìn như vậy, chúng ta thấy sự “rất cần thiết và rất đáng giá”, để phát triển năng lực tập trung tư tưởng cho bản thân. Để phát triển năng lực này, bạn cần tập luyện và thực hành một số bài tập. Đừng nói là chúng ta không có thời gian vì quá bận rộn. Cũng đừng nói là do hoàn cảnh hay tình huống không phù hợp, hay vì chúng ta không tìm được một chỗ yên tĩnh để tập luyện. Chỉ cần một chút chuẩn bị, một ước muốn hay một sự thúc đẩy nào đó thôi, là chúng ta luôn luôn có thể tìm đủ thời gian để luyện tập mỗi ngày, cho dù bận rộn đến đâu. 
 


Albert Einstein:”Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức.Vì tri thức chỉ có giới hạn”.(st) 


Tâm trí bồn chồn, bất an   
 
     
Trong cuộc sống thực tế, sự phân tán suy nghĩ, phung phí thời gian và năng lượng vào những điều vô bổ, không quan trọng, thực sự đã và đang kiềm tỏa cuộc sống của nhiều người. Chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với cách sống nô lệ này đến nỗi chúng ta cứ để nó diễn ra một cách vô thức, trở thành thói quen hàng ngày, chỉ trừ trong một vài trường hợp hiếm hoi nào đó.

Tương tự như trong việc hít thở, chúng ta làm một cách vô thức, chúng ta không để ý mảy may đến việc hít vào thở ra. Chúng ta chỉ chú ý đến việc hô hấp, chỉ khi chúng ta bị khó thở, ví dụ như khi bị nghẹt mũi do cảm lạnh, hoặc bị ngộp thở, hoặc khi chúng ta cố ý hít thở thật sâu ...

Sự suy nghĩ y hệt như vậy. Chúng ta chỉ chú ý đến sự suy nghĩ khi bị ý tưởng nào đó quấy nhiễu, mà  không thể chế ngự được. Hoặc khi chúng ta tập trung suy nghĩ để giải quyết một vấn đề nào đó ; hoặc khi chúng ta tập trung vào học tập, như khi làm bài thi chẳng hạn. Chúng ta cũng trở nên rất tỉnh táo, sắc bén với các ý nghĩ, khi chúng ta sợ hãi hay lo lắng.

Hãy nghĩ đến trường hợp như ví dụ sau. Bạn cần nghiên cứu vấn đề gì đó cho công việc, hay cho kỳ thi tuyển. Bạn ngồi vào bàn, dở sách ra và bắt đầu đọc. Sau một lúc, bạn thấy đói, bạn đi vào nhà bếp kiếm cái gì đó để ăn. Rồi bạn trở lại bàn và đọc sách, rồi bạn để ý đến tiếng nói lao xao đâu đó bên ngoài. Bạn chú ý vào câu chuyện của họ một chốc, rồi lại tập trung đọc sách.

Sau một lúc, bạn thấy đầu óc bất định và bạn bật máy nghe nhạc. Bạn lại chú ý vào trang sách, tập trung đọc một chút, rồi lại nghĩ đến một chuyện xãy ra ngày hôm qua và bạn suy nghĩ về nó. Khi bạn nhìn lại đồng hồ, bạn ngạc nhiên vì thời gian đã trôi qua nhanh và  bạn chưa đọc được gì đáng kể.

Đây là điều thường xuyên xãy ra khi chúng ta thiếu sự tập trung tư tưởng. Cứ thử tưởng tượng bạn sẽ gặt hái được gì, thu hoạch được gì, nếu bạn có khả năng tập trung trí tuệ tốt hơn.

Có những công việc chỉ đòi hỏi sức mạnh thể chất, như khiêng vác vật nặng, và khi làm nhiều công việc như vậy chúng ta cũng phát triển được ít nhiều sức khỏe cơ bắp. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một chương trình tập luyện bài bản, thường xuyên ở một Câu Lạc Bộ thể dục thể thao, chúng ta sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt và nhanh chóng của cơ thể chúng ta. 

Tương tự như vậy, việc đọc sách hay tập trung chú ý vào những điều mình làm,  có thể tăng cường năng lực tập trung tư tưởng của trí óc. Nhưng rèn luyện trí óc một cách siêng năng và bài bản với những bài tập về sự tập trung tư tưởng, kết quả sẽ khác, giống như vào Câu Lạc Bộ thể dục ở trên vậy !

Sự đối kháng “tập trung tư tưởng” xuất phát từ bên trong   

Để phát triển khả năng này, chúng ta phải huấn luyện bộ óc của chúng ta. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng sự tập trung tư tưởng gây căng thẳng, mệt mỏi, tạo nên sự đè nén, áp lực cho hệ thần kinh và vì vậy mà không tốt cho sức khỏe của chúng ta.

Suy nghĩ như trên đã được phát triển trong đầu óc con người rất sớm, từ những năm đầu cắp sách đến trường. Cha mẹ và thầy cô mong muốn trẻ em học hành, làm bài tập ở nhà để đạt được thứ hạng tốt trong lớp. Điều này gây cho trẻ em cái cảm giác như bị ép buộc, cưỡng bức phải làm những điều mà chúng không thích. Khi trẻ em thường xuyên bị trách mắng, rằng chúng đã không tập trung vào việc học đúng mức, bên trong tâm lý các em đã hình thành và phát triển sự đối kháng lại, các em thù ghét sự tập trung suy nghĩ cũng như việc học. Đây là hậu quả của việc giáo dục dồn nén, ép buộc, thiếu sự hướng dẫn, giải thích, làm cho trẻ em cảm thấy mất tự do, không được chọn lựa quyết định theo ý mình. Hậu quả là khi trẻ lớn lên, năng lực tập trung tư tưởng của chúng rất yếu, và chúng không ham muốn “làm căng thẳng” đầu óc.

Mặc dầu hầu hết mọi người đều nhận thức sự tập trung tư tưởng là một năng lực rất quan trọng - một thứ vốn liếng hay tài sản quí giá - nhưng hầu hết đã không quan tâm để phát triển năng lực đó. Bởi vì họ không biết cần phải làm gì, và cũng bởi vì họ thiếu động lực. Bài viết này hy vọng sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cũng như động lực để mọi người có thể sử dụng.

Sự tập trung trí tuệ có thể sẽ rất hào hứng, nếu chúng ta tập luyện đúng phương pháp. Đúng ra nó phải được tập luyện với sự hăng hái, với tinh thần lạc quan, phấn khởi và thông hiểu về những giá trị mà nó mang lại cho cuộc sống chúng ta.

Những lợi ích khi phát triển năng lực tập trung tư tưởng    

Đôi lúc chúng ta có thể tự cảm nhận được sức mạnh của sự tập trung tư tưởng. Khi bạn thực sự ham muốn một cách nhiệt thành, muốn vươn lên trong học tập, muốn vượt qua kỳ thi quan trọng, hay để giải quyết một vấn đề nào đó, năng lực này trở nên sẵn sàng đối với bạn. Trong những trường hợp như vậy, năng lực tập trung tư tưởng xuất hiện do nhu cầu hay do ham muốn. Nhưng phát triển khả năng đó một cách có hệ thống, và để có khả năng sử dụng được nó theo ý muốn, bất cứ khi nào cần tới là điều quan trọng. Muốn làm được như vậy chúng ta cần phải thực hành những bài tập luyện đặc biệt hàng ngày.


 
                            
Hình sưu tầm

 

Những khả năng chúng ta có thể đạt, khi phát triển được năng lực tập trung tư tưởng:
       
• Kiểm soát được ý tưởng
• Khả năng tập trung suy nghĩ
• Tâm hồn bình yên
• Không bị phiền nhiễu hay khuấy động bởi những tạp ý
• Phát triển trí nhớ tốt hơn
• Tự tin hơn
• Nội tâm vững vàng
• Ý chí mạnh
• Khả năng quyết đoán
• Học nhanh, hiểu sâu
• Hạnh phúc trong tâm hồn
• Phát triển năng lực tinh thần
• Phát triển năng lực tưởng tượng sáng tạo
• Tăng khả năng thiền định
• Và còn những năng lực khác nữa….

Trở thành nô lệ, chịu sự chi phối của các thói quen tệ hại của não bộ và sống thụ động. Hoặc trở thành người chủ, có thể điều khiển hoạt động của não bộ theo ý muốn và làm chủ cuộc sống của mình. Tất cả tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính mỗi người chúng ta


 
                      Hình sưu tầm

Cũng như để phát triển bất cứ khả năng nào, việc “mài dũa cho bén” năng lực tập trung tư tưởng, cũng đòi hỏi chúng ta phải siêng năng rèn luyện mỗi ngày. Bạn có đi tập thể dục ở các Câu Lạc Bộ TDTT không? Mấy lần một tuần, và mỗi lần như vậy bạn tập trong bao lâu? Bạn có học một ngoại ngữ nào không? Bạn dành cho việc học ngoại ngữ bao nhiêu giờ trong một ngày? Luyện tập để phát triển năng lực tập trung tư tưởng cũng tương tự, nó cũng đòi hỏi thời gian luyện tập hàng ngày. Nhưng, thật là may mắn cho chúng ta, phải nói là “ơn trời”, vì dù chỉ bỏ ra khoảng 10 phút để tập luyện mỗi ngày thôi, nó cũng đã giúp chúng ta cải thiện rất tốt khả năng tập trung tư tưởng của mình.

Nhưng mà cũng xin nói rõ, việc tập luyện này cũng không quá dễ đâu. Lý do ư? Vì não bộ chúng ta không thích kỷ luật và sẽ đề kháng bất cứ nỗ lực nào của chúng ta, để khép chúng vào kỷ luật. Bộ não của loài người thích sự tự do, thích hơn bất cứ điều gì khác, và sẽ cố gắng chận đứng các ý muốn “quản trị hệ tư duy”  của bạn, bằng bất cứ mọi cách. Nó sẽ làm cho bạn quên làm bài tập, sẽ “cám dỗ” bạn hoãn lại, hay để qua ngày mai, hay là sẽ làm cho bạn lười nhác, uể oải … để rồi bạn cho qua. Nó sẽ có đủ các “mánh lới” để “quấy nhiễu” cho đến khi bạn bỏ cuộc.
Nếu bạn cương quyết, muốn tập luyện, phát triển khả năng này cho bằng được thì chỉ có một cách duy nhất: Bạn phải mạnh mẽ hơn nó, bạn phải có ý chí sắt đá !

Dưới đây là một vài bài học đơn giản để phát triển năng lực tập trung tư tưởng. Hãy luôn luôn nhớ là quyền quyết định chọn lựa thuộc về bạn: Trở thành nô lệ, chịu sự chi phối của các thói quen tệ hại của não bộ và sống thụ động, hoặc trở thành người chủ, có thể điều khiển hoạt động của não bộ theo ý muốn và làm chủ cuộc sống của mình. 

Bằng cách làm các bài tập thần kinh này, bạn hoàn toàn có thể huấn luyện trí óc của bạn một cách thuần thục, và sử dụng như một công cụ hết sức giá trị để gặt hái thành công trong đời sống.

Bạn không phải là bộ óc của bạn, mà cũng không phải là những ý tưởng đi qua nó. Và thật ra rất khó để chấp nhận ý tưởng này - “bộ óc của bạn không phải là bạn” -  dù nó có nằm bên trong đầu bạn, nhưng nó chỉ là công cụ để bạn sử dụng. Bộ óc chỉ là một khí cụ, có giá trị cực lớn, với điều kiện duy nhất này, là nó được dạy phải luôn biết vâng lời bạn !

Đa số mọi người tin rằng họ chính là bộ óc của họ, và hệ quả là họ lại tin tiếp theo một cách nhầm lẫn rằng, kiềm chế trí óc mình có nghĩa là kiềm chế sự tự do của chính mình. Họ có cảm nghĩ rằng “cứ thả cho đầu óc bay bỗng”, còn kiềm chế trí óc là không tự nhiên - kiểu như một hình thức đè nén hay ép vào khuôn khổ chật hẹp. Những suy nghĩ này thật sự không đúng.

Luận chứng “con người không phải là bộ óc của chính mình” được chứng minh qua thực nghiệm. Hãy tạm chấp nhận ý tưởng này, và khi mức độ kiểm soát của bạn lên trên sự suy nghĩ tăng dần, bạn sẽ nhận chân rằng đây là một sự kiện có thật. Trong đời sống sinh học, bạn là chủ của tâm trí của mình. Không phải não bộ của bạn tự làm chủ nó. 

Lời khuyên để thực hành các bài tập về tập trung tư tưởng

Hãy tìm một nơi mà bạn có thể ở một mình và không hề bị bất cứ điều gì quấy nhiễu. Bạn có thể ngồi trên ghế, ngồi trên sàn nhà theo kiểu Kiết Già, Bán Kiết Già… tùy thích, nhưng quan trọng ngồi sao cho lưng bạn được giữ thẳng. Hít vài hơi thật sâu và thả lỏng người bạn. Điều khiển suy nghĩ của bạn để kiểm tra từng phần trên cơ thể, thả lỏng tất cả các cơ bắp.

Những bài tập dưới đây, trước hết bạn hãy ngồi xuống và tập luyện trong khoảng 10 phút, sau vài tuần tập luyện, bạn hãy kéo dài thêm thời gian tập đến 15 phút.

Hãy bắt đầu với bài tập số 1, và chú ý đến các điều sau: 

• Phải tập đều đặn hằng ngày cho đến khi bạn có thể tập mà không bị chia trí, quên lãng, hay tâm trí xao lãng vì bất cứ điều gì, và sự tập trung này phải kéo dài liên tục được ít nhất là 3 phút. 

• Bất cứ khi nào bạn bị phân tâm, hãy bắt đầu trở lại, cứ làm như vậy trong khoảng thời gian 10 đến 15 phút. 

• Hãy kiên nhẫn, chậm rãi theo tốc độ mình đạt được, không nên vội vàng. 

• Chuyển sang bài tập kế tiếp chỉ khi nào bạn cảm thấy đã tập bài tập trước đúng cách, và hoàn toàn tập trung tư tưởng
.

Như đã nói ở trên, mỗi người sẽ tập theo tốc độ phù hợp với năng lực tập trung tư tưởng của chính mình, nên tự hiểu mình và kiên nhẫn, sớm hay muộn gì cũng sẽ đạt được kết quả nếu chúng ta quyết tâm. Tập một bài cho thuần thục, đạt kết quả mỹ mãn có khi mất vài ngày, có khi mất vài tuần, vài tháng hoặc hơn nữa.

Hãy tập trung chú ý vào bài tập, đừng để bị phân tâm vì bất cứ điều gì. Cũng coi chừng sẽ rơi vào trạng thái buồn ngủ, mơ mộng vẩn vơ hay lo âu lan man. Khi nào bạn chợt phát hiện ra mình đang bị phân tâm vì điều gì khác, hãy ngừng lại ngay và hãy bắt đầu trở lại. Một khi bạn cảm thấy mình đã tập bài tập một cách nhuần nhuyễn, hãy kéo dài thêm thời gian tập, và nếu có thể, buổi chiều hay tối hôm đó chuyển sang tập bài tập tiếp theo.

Nhưng lần đầu tiên, xin bạn đừng quá tự tin và cố gắng quá nhiều. Cũng đừng cố mà tập nhiều bài tập cùng một lúc. Hãy cứ từ từ, tuần tự từng bước, theo đúng nhịp độ của mình. Đừng ráng quá sức hay cố làm căng thẳng thần kinh.

Nếu bạn thấy quá khó, hay đầu óc cứ bị phân tâm liên tục khi tập, đừng chán nản. Bình tĩnh kéo dài buổi tập 10 đến 15 phút, rồi ngày hôm sau sẽ lại tập nữa. Mỗi người tự biết tốc độ riêng của mình và phải kiên nhẫn với nó. Nhớ là kiên nhẫn và bền chí mới chiến thắng và làm chủ được sự suy nghĩ của mình. Ngay cả những người có khả năng tập trung tốt vẫn phải làm bài tập với trí óc của họ.

Nếu khả năng tập trung tư tưởng của bạn ban đầu rất yếu, nó sẽ được phát triển mạnh hơn thông qua những bài tập và sự nỗ lực của chính bạn. Khả năng nào cũng vậy, muốn tập luyện thành công luôn luôn đòi hỏi phương pháp tốt, thời gian đầu tư và sự nghiêm túc rèn luyện.

Một ngày đẹp trời nào đó, bạn sẽ vui sướng nhận ra rằng bạn có khả năng tập trung suy nghĩ của mình bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, cho dù bạn đang ở đâu. Lúc ấy bạn có thể tập trung đầu óc, suy nghĩ và giải quyết các vấn đề bất chấp bất cứ điều gì xãy ra xung quanh; tâm trí bạn lúc nào cũng luôn bình yên, điềm tĩnh và tự chủ. Phần thưởng mà bạn đạt được khi ấy đáng giá hơn cả ngàn lần so với công lao mà bạn đã bỏ ra.

Khi tập các bài tập, có thể bạn đã quen với một số bài, có thể một số bài rất dễ với bạn, cũng có thể bạn đã tập luyện một số bài tập này trước đây rồi. Dù sao đi nữa, bạn hãy cứ tuần tự mà tập, đừng nên có thái độ xem nhẹ hay hoài nghi.

Để đạt được kết quả tốt nhất, sau khi thuần thục với mỗi bài tập, xin bạn hãy tập thêm một tuần nữa, cho dù khả năng tập trung tư duy của bạn trong bài đó đã đạt kết quả tốt đến đâu đi nữa.

Các bài tập hàng ngày để phát triển khả năng tập trung tư tưởng:

Bài tập 1

Hãy lật ra 1 trang sách, chọn một đoạn văn và đếm số chữ trong đoạn văn đó. Đếm lại lần thứ nhì để chắc chắn là bạn không đếm sai. Nếu sau 2 lần đếm mà số chữ khác nhau, thì bạn phải đếm lại. Nếu bạn đếm tốt rồi thì tiếp theo là hãy đếm số chữ nguyên cả trang sách, cũng nhớ là đếm 2 lần. Bạn chỉ được phép đếm bằng mắt, không dùng tay, không đọc con số.

Bài tập 2 

Đếm trong đầu bạn, đếm ngược từ số 100 đến 1

Bài tập 3

Đếm ngược từ 100 đến 1. Lần này cách 3 con số. Ví dụ: 100, 97, 94, 91,…

Bài tập 4

Chọn một chữ có ý nghĩa gây cảm hứng hay truyền cảm (ví dụ như tuyệt lắm, quá xuất sắc ..), cũng có thể chọn một âm thanh nào đó, rồi lập đi lập lại trong đầu bạn trong vòng 5 phút. Khi bạn có thể tập trung tư tưởng tốt hơn, cố gắng lập lại âm thanh đó trong đầu và lần này ráng kéo dài đến 10 phút. Nhớ cố gắng đừng để bị phân tâm, ráng giữ sự tập trung tư tưởng liên tục.

Bài tập 5

Lấy một trái chuối, hay một trái táo, trái cam, trái cây gì cũng được. Cầm và quan sát thật kỹ tổng thể trái cây. Tập trung tư tưởng vào việc quan sát. Ráng giữ sự tập trung liên tục, đừng để bị phân tán suy nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoài hình dáng bề ngoài, màu sắc, mùi vị và cảm giác của bàn tay bạn khi sờ nắn trái cây đó. Thời gian tập là 10 phút. 

Bài tập 6

Bài tập này cũng tương tự bài số 5 nhưng lần này bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng tất cả về trái cây bạn đã quan sát. Bắt đầu bài tập, bạn chọn một trái cây, quan sát thật kỹ, thật chi tiết với hình dáng, màu sắc, mùi vị, cảm giác khi sờ, trong vòng 2 phút. Và rồi thì đặt trái cây xuống, nhắm mắt lại và cố gắng hình dung lại tất cả về hình dáng, màu sắc, mùi vị, cảm giác. Cố gắng tưởng tượng thật chi tiết và thật sắc nét. Nếu chi tiết nào bị mơ hồ, nhạt nhòa không rõ thì hãy mở mắt ra, kiểm tra lại thật nhanh, rồi nhắm mắt lại, tiếp tục tưởng tượng.

Bài tập 7

Lấy một vật đơn giản như cái muỗng (thìa), hay ly uống nước. Tập trung quan sát vật ấy từ mọi góc cạnh, trong khi quan sát đừng phát âm trong đầu bạn bất cứ đặc điểm gì về hình dáng của vật thể. Chỉ ngắm vật thể thôi và không đọc lên một chữ nào hết trong đầu bạn.

Bài tập 8

Nếu bạn làm các bài tập trên một cách trơn tru, hãy tiếp tục với bài này. Hãy vẽ một cái hình gì đó trên một tờ giấy trắng với kích thước khoảng  7 cm. hình có thể là hình chữ nhật, hình vuông, hình tam giác, hình tròn. Và tô màu với bất cứ màu gì bạn thích. Tập trung chú ý vào hình vẽ ấy. Bạn tập trung như thế nào mà bạn chỉ có thể thấy hình đó mà thôi, không thấy gì khác, không nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Không cần phải nhìn căng mắt ra, chỉ nhìn tập trung quan sát hình vẽ, không có tiếng nói trong đầu, không nghĩ bất cứ điều gì khác.

Bài tập 9

Cũng như bài tập trên, nhưng lần này thì nhìn quan sát rồi nhắm mắt lại và tưởng tượng về nó với tất cả các chi tiết, thật rõ nét. Nếu bạn quên thì mở mắt ra quan sát lại thật nhanh, và rồi nhắm mắt lại, tiếp tục tưởng tượng. 

Bài tập 10

Giống bài tập số 9, nhưng lần này thì bạn mở mắt, nhìn, tập trung suy nghĩ và đừng để phát ra âm thanh trong đầu bạn.

Bài tập 11

Sau khi tập thành công 10 bài tập ở trên, bây giờ bạn hãy cố gắng giữ “đầu óc trống rỗng” trong 5 phút. Nếu bạn tập 10 bài tập trên đúng cách, bạn sẽ có được khả năng này, giữ được đầu óc trống rỗng, không ý tưởng. sự trống rỗng và lặng câm. Đến lúc nào đó, sau một thời gian luyện tập đúng phương pháp các bài tập để phát triển năng lực tập trung tư tưởng ở trên. Khả năng này sẽ đến với bạn dễ dàng.

 
                Hình sưu tầm

Sự bí mật của thành công, đó là thường xuyên luyện tập. Càng dành nhiều thời gian cho việc luyện tập, thành công sẽ càng mau đến với bạn. Hãy khởi đầu luyện tập 10 phút mỗi ngày, và khi bạn đạt được khả năng tập trung tư duy, hãy dành nhiều thời gian luyện tập hơn. Khi bạn thấy bạn thành công, bạn sẽ yêu thích sự luyện tập này và nó sẽ trở thành thói quen của bạn. Bạn sẽ có khả năng tập trung sự chú ý dễ dàng, không cần gắng sức, vào bất cứ điều gì bạn muốn tập trung suy nghĩ. 

Bạn có thức dậy sớm chạy bộ mỗi buổi sáng không? Bạn có đang học một ngoại ngữ nào không? Khởi đầu rất là khó phải không, và đã bao nhiêu lần bạn đã tính bỏ cuộc? Nhưng sau khi cố gắng cần mãn học hành luyện tập một thời gian, chuyện thức dậy sớm để chạy bộ, hay chuyện học ngoại ngữ kia trở thành thói quen và bạn không cần phải gắng sức nữa. Tập luyện để phát triển năng lực tập trung tư tưởng cũng thế thôi. Cứ chuyên cần rồi sẽ thích, rồi phát triển thành thói quen và đạt đến sự thành công.

Sau một lúc nào đó, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khác thường. Sự tập trung suy nghĩ hay chú ý vào vấn đề nào đó thật quá dễ dàng với bạn. Tâm trí bạn thật thanh tĩnh, điềm tĩnh, thoải mái và bạn như tỏa ra các tia sáng êm dịu của hòa bình vào vùng không gian xung quanh. Những sự kiện, hiện tượng, biến cố… mà trước đây đã có thể gây phiền hà không ít cho bạn, bây giờ chẳng thể ảnh hưởng gì đến “an nhiên nội tại” bên trong tâm hồn bạn. Bạn sẽ dễ đạt đến các trạng thái hài lòng, mãn nguyện, hạnh phúc, tự tin và đầy sức mạnh của nội tâm. Bạn sẽ dễ dàng “điều tiết” một cách rất hiệu quả với những thay đổi của môi trường bên ngoài.   

Bạn sẽ có cảm giác một dạng mới của ý thức đang phát triển bên trong, mang đến sự an tịnh trong tâm tưởng. Ở trạng thái hiện tại, sự an tịnh có thể đến thỉnh thoảng và đi rất nhanh, nhưng khi năng lực tập trung tư duy đã phát triển trọn vẹn, sự an tịnh sẽ làm viên mãn tâm hồn bạn. Khi bạn cần, năng lực tư duy sẽ giúp bạn một cách hiệu quả nhất. Khi bạn cần thư giãn, nghỉ ngơi, sự tư duy biến lặng. 


 
                       Hình sưu tầm
Kĩ Năng ghi chép cũng rất quan trọng:

Ở bậc phổ thông, học sinh ghi chép bài theo trình tự như sau : Trước tiên khi giáo viên giảng bài, học sinh ngồi lắng nghe. Và bước tiếp theo là giáo viên đọc và học sinh ghi lại bài. 

Đây là cách ghi thụ động, với thói quen này, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi ghi chép thông tin, đặc biệt là vào năm thứ  nhất  đại học.

Vì vậy học sinh  cần phải rèn luyện cách ghi chép thông tin một cách tích cực, chủ động. 



                          Hình sưu tầm


Ghi chép 
là biết cách lựa chọn những thông tin cốt lõi, biết cách ghi lại một cách hệ thống để có thể sử dụng một cách nhanh chóng và thuận lợi sau này.
Nguyên tắc cơ bản của ghi chép là thu thập nhiều thông tin nhất với số từ ít nhất.
Để có thể ghi chép một cách tích cực, có hiệu quả, cần vận dụng các thao tác như sau : nghe, hiểu, phân tích, chọn lọc, viết.

Vậy ghi chép thông tin trong lúc nghe giảng như thế nào ? Không có một nguyên tắc thống nhất, mỗi cá nhân sẽ có một phương pháp riêng

Sau đây là một số chỉ dẫn :

I. Ghi chép khi ở lớp học
 
1- Chuẩn bị :

  + Cần phải biết trước nội dung bài giảng. Hình dung trong đầu giáo viên sẽ trình bày những vấn đề gì. Chuẩn bị các câu hỏi thắc mắc nếu có.

  + Chọn các giấy cùng khổ để sau này dễ dóng lại thành tập hay hồ sơ. Ở bậc phổ thông học sinh thường hay ghi vào vở, có thuận tiện là các nội dungđều nằm trong một cuốn, không sợ mắt mát, thất lạc. Tuy nhiên ở bậc đại học, SV phải thường xuyên trao đổi, bổ sung, đính kèm với các tài liệu khác nên ghi vào tờ giấy rời là phù hợp.

  + Đánh số trang trước khi sử dụng.

  + Chỉ nên viết một mặt. Mặt sau dùng để ghi chú hoặc bổ sung các tư liệu liên quan.

  + Cần xác định mục tiêu của bài giảng để chọn lọc phương pháp ghi. Không nên ghi chép thụ động, nghĩa là giáo viên nói gì thì ghi đấy.

  + Cần có lề, khỏang trống (để bổ sung thêm chi tiết hoặc ghi chú), các chữ hoa, màu, gạch dưới…để dễ theo dõi về sau.

  + Cần có bút mực nhiều màu để tiện cho việc ghi chú, đánh dấu, khoang vùng…

 2 - Dùng chữ tắt

Chữ tắt do cá nhân quy ước, cần ngắn gọn để ghi nhanh nhưng không quá ngắn để khó đọc lại về sau.

3 - Ghi chép những gì ?

Không phải ghi lại tất cả. Cần ghi ý chính, các điểm cơ bản, quan trọng, thể hiện tư tưởng chính của một câu hay một đọan hội thọai nào đó. 

Muốn vậy cần chú ý :

  + Ngữ điệu của giảng viên.

  + Các từ quan trọng mà giáo viên lặp lại nhiều lần.

  + Các câu kết luận.

  Luôn ghi những chú thích, những thắc mắc, những suy nghĩ, ý tưởng riêng của mình trong lúc nghe giảng. 

4-  Sau khi ghi chép 

Trong lúc các kiến thức đang còn mới mẻ, “nóng hổi”, hãy bỏ ra vài phút để so sánh những vấn đề đã hình dung trong đầu với nhũng vấn đề mới tiếp thu trong giờ giảng. Nhanh chóng kí hiệu, khoanh vùng, ghi chú và đề ra hướng xử lí về sau.

II - Ghi chép lúc đọc sách 

Ghi chép lúc đọc sách thuận lợi hơn trong lúc nghe giảng vì có nhiều thời gian hơn. 

Trước hết cần chú ý đến tên bài, tác giả, các tiểu mục. Sau đó nên đọc qua một lần, chú ý đến phần mở đầu (đặt vấn đề) và kết luận để nắm ý chính của bài.

Lúc đọc lại, chú ý đến lặp luận của tác giả, lôgic của vấn đề. Nên dùng bút chì (hoặc bút đánh dấu) gạch vào những ý hay, nhưng chữ lặp lại, những điều tâm đắc, các thắc mắc, các câu hỏi …

Kĩ năng nhìn xa trông rông là 1 điều vô cùng quan trong

Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện. Có 3 người thợ đang cùng xây một bức tường của một dự án là tòa nhà cao tầng nguy nga của đất nước. Một vị khách  đi ngang qua và hỏi cùng một câu hỏi với cả 3 anh thợ xây:

- Khách: Anh đang làm gì vậy?

Người thứ nhất:

- Ông không nhìn thấy sao? Tôi đang xây bức tường gạch.

Người thứ hai:

- À, đơn giản thôi, tôi đang xây tường.

Người thứ ba:

- Ông đang đứng trước một tòa nhà nguy nga tráng lệ trong tương lai, mà đây là bức tường phía trước của nó.

Cùng một công việc thôi, vậy mà ba người có 3 cách nhìn khác nhau!

Nhìn xa là nhìn vào tương lai.

Vậy bạn? Có thể nhìn được bao xa? Ngày mai, 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa?

Nếu bạn có thể biết rằng ngày mai hệ thống tim mạch của bạn sẽ có vấn đề, thì có lẽ hôm nay bạn nên giảm uống rượu và cố gắng dậy sớm tập thể dục.

Nếu bạn biết được vài năm nữa công nghệ thông tin và mạng internet sẽ hoàn tất kết nối toàn cầu, sẽ chi phối cuộc sống loài người sâu rộng hơn, thì ngay bây giờ bạn không thể thờ ơ. Hãy lo học tập, tìm giải pháp làm việc, định hướng phát triển và tổ chức quản lý bằng công nghệ.
 
Đó là nhìn xa. Còn trông rộng là nhìn được bao quát xung quanh.

Vậy bạn? có thể nhìn rộng bao quát được đến đâu? Có thể nhìn thấy những hạt cát hay cả bờ biển đẹp? Có thể thấy cả bầu trời hay chỉ một khung cửa hẹp?

Nếu bạn biết được rằng bạn cũng chỉ là một cá thể  trong gần 7 tỷ người trên trái đất, bạn cũng chỉ là một… hạt bụi. Có lẽ bạn không nên tự mãn, nhìn người bằng nửa con mắt vì sự tự hào với tiền bạc, hay với bằng cấp mà bạn đang có? Bởi tất cả những thứ đó chẳng là gì cả.

Nếu có thể, mong bạn đừng cho rằng con đường của mình là đúng, suy nghĩ của mình là đúng. Còn tất cả ai không theo ý mình là sai. Vì như thế chỉ thể hiện một điều, chính bạn đang ngồi dưới đáy giếng, lại đi cười con ếch nào nữa đây?

Nếu bạn biết rằng tri thức và hiểu biết của bạn sẽ giúp bạn nhìn xa hơn và trông rộng hơn, thì điều cần thiết để “nhìn xa trông rộng” của bạn là phải luôn luôn làm cho kho tri thức, sự hiểu biết tăng lên.


Và bây giờ, hãy tưởng tượng bạn là loài chim đại bàng, bạn đang bay, nhớ rằng phải bay thật cao.

Ở vị trí đó bạn quan sát thấy những gì?

Bạn nhìn thấy những con đường bắt đầu từ đâu, và kết thúc nơi nào. Bạn thấy khu rừng và những ngọn núi, những thung lũng, sông hồ và biển cả. Bạn cũng thấy những đàn bò đang ăn cỏ, chim sẻ nhảy nhót, sà lượn bên dưới trên cánh đồng rộng mênh mông. Khi ở trên cao, bạn có thể nhìn xa và trông rộng hơn.

Vậy là rõ rồi phải không? Muốn nhìn xa, trông rộng thì phải ở trên cao, hãy luôn để tâm trí của mình bay thật cao!
 
Điều kiện thứ nhất: Là phải ở trên cao.


Điều kiện thứ hai: Không thể  bay cao nếu không chặt đứt những sợi dây đang kéo bạn xuống mặt đất.

Những sợi dây níu kéo bạn, ràng buộc tâm trí bạn là gì? Đó là những sinh hoạt đơn điệu hàng ngày bạn đang vướng phảiđó là công việc hàng ngày bận rộn. Và chính những thứ này làm bạn quên mất một điều: Bạn đã đánh mất cơ hội xem xét, phân tích, nhận định về mọi thứ xung quanh và về tương lai. Vậy làm sao có thể nhìn xa, trông rộng?

Cách thực hành tốt nhất là gì? Hãy đừng quẩn quanh nữa, gạt mọi lo âu, cảm xúc ra một bên, gạt mọi bộn bề cuộc sống ra một bên. Hãy đặt vấn đề “bay lượn – phát triển” của bạn trong một bối cảnh rộng lớn. Hãy quan sát mọi người xung quanh – các ý tưởng tiến bộ và nguy cơ của sự kiềm hãm; quan sát cuộc sống cây cỏ, sinh vật, môi trường – sự phát triển hài hòa và nguy cơ hủy diệt; quan sát xã hội - sự tiến bộ và nguy hiểm của nền văn minh… Quan sát một cách chậm rãi, bình thản, và suy xét với một tinh thần khách quan, sáng tạo. Mọi điều rộng lớn rồi sẽ đến với bạn, bầu trời của bạn sẽ mở ra, sẽ rất nhanh




Nguồn: dantri.com.vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024