Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/11/2017 15:11 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Làm Thế Nào Để Thuyết Trình Hiệu Quả?


Kỹ năng thuyết trình, hay kỹ năng nói trước đám đông là một trong những kỹ năng quan trọng nhất ngày nay mà cho dù là một sinh viên mới ra trường hay một người đi làm lâu năm cũng cần phải trang bị cho mình. Vì kĩ năng này sẽ rất hữu ích không chỉ trong công việc mà còn cả trong cuộc sống. Thuyết trình hiệu quả và kỹ năng nói trước công chúng được áp dụng trong một phạm vi nghề nghiệp rất rộng như kinh doanh, bán hàng, đào tạo, giảng dạy,… cho đến các buổi thuyết trình của học sinh, sinh viên trên lớp, và cả việc nói trước một nhóm người trong cuộc sống.

Phát triển sự tự tin và khả năng để chuẩn bị các bài thuyết trình tốt, có thể đứng trước mặt khán giả và nói tốt, cũng là một năng lực vô cùng hữu ích cho việc tự phát triển bản thân để có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh xã hội.

Có nhiều thể loại thuyết trình khác nhau, ví dụ như: nói (diễn thuyết), đa phương tiện (sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau – hình ảnh, âm thanh,…), các bài thuyết trình powerpoint,… với nhiều mục đích khác nhau như thuyết trình về các dự án, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong công ty, thuyết trình các buổi giáo dục, đào tạo, thuyết trình trong lớp, hay đơn giản là một cuộc nói chuyện về một chủ đề nào đó trong các hoạt động thường ngày. Và ngay cả các bài dẫn chương trình tại các đám cưới, đám tiệc, ca nhạc… cũng là một bài thuyết trình.

Kỹ năng thuyết trình và khả năng nói trước đám đông không hề giới hạn cho một hoặc một số đối tượng đặc biệt nào cả. Bất kì ai cũng có thể có cho mình một bài thuyết trình, hoặc có một bài nói chuyện trước đám đông một cách chuyên nghiệp và ấn tượng.

Với kinh nghiệm gần 4 năm trong việc đào tạo và huấn luyện, cũng như là tự phát triển bản thân, bài viết này của tôi nhằm chia sẻ, đúc kết một cách súc tích và có hệ thống những kinh nghiệm và kiến thức trong việc thuyết trình mà tôi đã học và tích lũy được trong thời gian qua. Bản thân tôi vẫn còn phải nỗ lực để học hỏi và phát triển hơn nữa, nhưng với những gì đã biết, tôi hy vọng bài viết này sẽ đem đến cho bạn những thông tin giá trị và hữu ích về việc thuyết trình hiệu quả. Để từ đó, giúp bạn không ngừng cải thiện và nâng cao kỹ năng của mình.

 

Bạn có cảm thấy sợ khi phải thuyết trình không?

Bạn có cảm thấy sợ khi phải nói chuyện trước đám đông không?

Nếu câu trả lời là có, tin tôi đi, bạn không phải là người duy nhất đâu. Bạn không hề đơn độc! Mọi người đều cảm thấy sợ khi phải trình bày và nói trước đám đông, chỉ là với nhiều mức độ khác nhau thôi. Bản thân tôi cũng đã từng sợ, và hiện tại, đôi khi tôi cũng hay sợ và lo lắng trước mỗi bài thuyết trình hoặc buổi nói chuyện quan trọng.

Bạn biết không, việc thuyết trình, trình bày hay nói trước đám đông đứng đầu danh sách thường xuyên trong các cuộc khảo sát về nỗi sợ hãi hàng đầu của con người – hơn cả nỗi sợ độ cao, sợ đi máy bay hoặc thậm chí là cả sợ chết.

 

Bạn có cảm thấy sợ khi phải nói chuyện trước đám đông không? - Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả? (Phần 1)

 

Vậy thì, trước tiên, chúng ta cần phải…

Hiểu và khắc phục nỗi sợ của chính mình

Chìa khóa để có thể quản lý và kiểm soát bất cứ điều gì là đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu nó, đặc biệt là nguyên nhân gây ra nó.

Nguyên nhân của sự sợ hãi chính là (cảm giác) không an toàn, hoặc một sự lạ lẫm, không quen thuộc, hoặc các yếu tố mà bạn không thể kiểm soát được. Trong phạm vi của việc thuyết trình và nói chuyện trước đám đông thì sự sợ hãi xuất hiện bởi một trong các yếu tố sau:

• Thiếu tự tin;

• Thiếu kiểm soát (một cảm giác mà bạn không nắm được sự điều khiển trong tay mình), về tình hình chung, về người nghe và cả về cách phản ứng và cảm xúc của chính mình.

• Và trong một số trường hợp, nó có thể xuất phát từ những lần thất bại trước trong quá khứ.

Sự ảnh hưởng của nỗi sợ cũng sẽ tỉ lệ thuận với quy mô, độ tuổi, địa vị (chức vụ)… của người nghe, cũng như tỉ lệ thuận với tính chất quan trọng, vai trò, mục tiêu… của buổi thuyết trình ngày hôm đó. Để tôi lấy ví dụ cho bạn dễ hình dung nhé, bạn sẽ khó cảm thấy sợ hãi nếu phải nói trước một nhóm 20 đến 30 bé học sinh lớp 1 trong xóm của bạn trong một buổi vui chơi. Nhưng nếu bạn là giáo viên mầm non, buổi đó sẽ quyết định điểm tốt nghiệp của bạn (tính chất, vai trò), và có cả sự tham gia của nhiều giáo viên chấm thi khác (người nghe). Tôi chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy lo lắng và sợ hãi.

Tuy nhiên, tôi muốn bạn biết rằng, những yếu tố về người nghe và tính chất của buổi thuyết trình đó có thể gián tiếp làm tăng mức độ lo lắng và nỗi sợ. Nhưng nó không phải là nguyên nhân chính và trực tiếp. Nguyên nhân cốt lõi luôn xuất phát từ chính bản thân bạn, về sự tự tin, khả năng kiểm soát và sự ám ảnh của chính bạn.

 

1. Sự tự tin và khả năng kiểm soát

 

Thường trong việc thuyết trình, sự thiếu tự tin và mất khả năng kiểm soát đến từ việc:

• Không chuẩn bị đầy đủ và luyện tập kĩ càng

• Thiếu kinh nghiệm

A)

Chuẩn bị và luyện tập là hai từ khóa quan trọng mà tôi vẫn thường hay nói với người khác để nâng cao và cải thiện kỹ năng thuyết trình. Thuyết trình thường không tốt không phải vì chúng ta dở hay không có kỹ năng, mà bởi vì chúng đã không chuẩn bị đầy đủ, đúng cách và tập luyện kỹ càng.

Một bộ phim truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất trong việc không ngừng nỗ lực nâng cao kỹ năng thuyết trình, một bộ phim làm nổi bật rất rõ tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của hai yếu tố “Chuẩn bị và Luyện tập”, chính là The King’s Speech (Tạm dịch: Bài diễn văn của vị vua).

The King’s Speech là một bộ phim lịch sử kể về vua George VI của nước Anh – cha của Nữ hoàng Elizabeth II. Vua George VI mắc chứng nói lắp nặng từ nhỏ, điều đó khiến ông bị tước đi nhiều quyền lợi và cũng chịu không ít tủi nhục, bị vua cha chế nhạo, không tự tin khi xuất hiện trước đám đông… Sau đó, ông đã lên ngôi một cách bất đắc dĩ sau khi anh trai của mình – vua Edward VIII thoái vị. Nhưng chính bằng tinh thần quật cường, cùng với sự khổ luyện và chuẩn bị ngày đêm. Ông đã có một bài diễn văn xúc động được truyền thanh trên khắp vùng quốc gia và lãnh thổ nước Anh, mang một sức mạnh tinh thần to lớn, dẫn dắt người dân nước Anh vượt qua Chiến tranh thế giới thứ hai trước phát xít Đức.

 

The King's Speech - Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả? (Phần 1)

 

Ngay cả một người nói lắp nặng như vua George VI cũng có thể rèn luyện để nói tốt được, tại sao một người bình thường như chúng ta lại không làm được?

Không ai sinh ra là hoàn hảo, nhưng có thể trở thành hoàn hảo bằng cách nào đó

B)

Về yếu tố kinh nghiệm, bạn có thể tích lũy thêm bằng cách tìm kiếm (hoặc tự tạo ra) các cơ hội để được nói trước đám đông, như thuyết trình cho một nhóm bạn, hoặc một tổ chức nào đó, bất cứ nơi nào mà khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất. Và từ từ sau đó mở rộng vòng tròn an toàn của mình, cố gắng nói chuyện với các nhóm người lạ, tổ chức mới, mà ban đầu bạn sẽ cảm thấy không thoải mái. Có rất nhiều nhóm hoặc tổ chức mà bạn có thể lựa chọn như: nhóm bạn trong trường lớp, các buổi thuyết trình trên lớp, các câu lạc bộ, các lớp học kỹ năng, các nhóm tình nguyện, các cuộc họp, thuyết trình trong công ty hoặc nơi làm thêm, cuộc họp tổ dân phố, các buổi hội nghị,… Có vô vàn các lựa chọn để bạn được nói và tích lũy thêm kinh nghiệm cho mình, điều này không quá khó khăn để đạt được.

 

2. Yếu tố tâm lý và stress

 

Khi chúng ta căng thẳng, não chúng ta sẽ tiết ra chất gọi là Adrenaline và Cortisol. Giống như khi bạn uống quá nhiều cà phê hay chất kích thích vậy, tim bạn sẽ đập nhanh và liên hồi, mồ hôi sẽ túa ra nhiều hơn và tay chân bạn bắt đầu cứng đờ… Thường việc này không chỉ xuất hiện ở những người mới, mà ngay cả những người diễn thuyết lâu năm và có kinh nghiệm cũng sẽ gặp phải. Nhưng quan trọng là họ học được cách kiểm soát nó:

Để bình tĩnh, bạn cần phải thoải mái. Để được thoải mái, bạn cần phải tự tin. Để có thể tự tin, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ và luyện tập kỹ càng.

Một lần nữa, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị đầy đủ và luyện tập kỹ càng, vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin hơn, từ đó cảm thấy thoải mái hơn, bình tĩnh hơn để vượt qua căng thẳng và áp lực.

Chuẩn bị đầy đủ + Luyện tập kỹ càng => Tự tin => Thoải mái => Bình tĩnh = Can đảm

 

Thất bại trong việc chuẩn bị là chuẩn bị thất bại - Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả? (Phần 1)

 

Theo Fred Pryor Organization, việc chuẩn bị đầy đủ và luyện tập kỹ càng trong bất kỳ việc nào đi chăng nữa (đi thi, phỏng vấn…) sẽ làm giảm sự căng thẳng đến 75%, và làm giảm tỉ lệ mắc sai sót đến 95%.

Và điều đó cũng không ngoại lệ trong việc thuyết trình và nói chuyện trước đám đông. Chuẩn bị tốt, bạn sẽ trở nên tự tin và có thể kiểm soát được mọi thứ. Một vài mẹo nhỏ mà tôi hay áp dụng để cảm thấy thoải mái và bình tĩnh, đó là hít thở sâu và đều, đồng thời hình dung một cách tích cực về bài thuyết trình của mình: Bài thuyết trình của mình sẽ kết thúc tốt đẹp như thế nào? Tôi đang nói chuyện một cách tự tin như thế nào? Người nghe đang lắng nghe tôi chăm chú như thế nào? Khung cảnh lúc đó như thế nào?… Rõ ràng đến từng chi tiết, âm thanh, màu sắc và cả cảm xúc của tôi. Bạn tin không, trước mỗi bài thuyết trình quan trọng, tôi thậm chí còn tưởng tượng vào mỗi đêm trước khi đi ngủ. Không những thế, tôi còn áp dụng điều này với nhiều thứ khác nhau trong cuộc sống nữa, và đem lại hiệu quả rất tốt.

Có thể trong quá khứ, bạn đã từng thuyết trình không tốt, đã từng mắc sai lầm khi nói chuyện trước đám đông. Nhưng quá khứ khác tương lai, quá khứ bạn đã từng làm không tốt, không có nghĩa là hiện tại và tương lai bạn cũng sẽ làm không tốt. Hãy nhìn lại những lần chưa tốt đó, để xem mình có thể học được gì, rút được kinh nghiệm gì để có thể làm tốt hơn. Rồi tập trung vào hiện tại, vào việc chuẩn bị thật tốt và luyện tập thật kĩ càng. Mỗi bài thuyết trình thành công, tốt dần lên sẽ tích lũy cho bạn thêm nhiều kinh nghiệm để bạn có thể làm tốt hơn và xây dựng cho mình thêm những niềm tin tích cực, để làm hành trang cho các bài thuyêt trình sau này.

 

Tổng kết phần I:

 

Như vậy, phần I của “Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả?”, tôi đã chia sẻ về những nỗi sợ trong việc thuyết trình và nói trước đám đông. Qua đó, cung cấp cho bạn những suy nghĩ, góc nhìn và thái độ đúng đắn trong việc nâng cao và cải thiện kỹ năng này. Cốt lõi và quan trọng nhất của việc tự tin, kiểm soát tốt, vượt qua căng thẳng và ám ảnh, để có cho mình một bài thuyết trình tốt và nói trước đám đông một cách chuyên nghiệp và ấn tượng, đó chính là Chuẩn bị đầy đủ và Luyện tập kỹ càng.

Chuẩn bị đầy đủ + Luyện tập kỹ càng => Tự tin => Thoải mái => Bình tĩnh = Can đảm

Phần II:

Trong phần II này, tôi sẽ chia sẻ về hệ thống SOMAD, một công cụ mà tôi đã học được từ Thầy Trần Đình Dũng – tác giả của quyển sách Quà của bố, và cũng là một Chuyên gia và Cố vấn Đào Tạo dày dạn kinh nghiệm. Công cụ này sẽ cung cấp cho bạn một hệ thống những điều cần phải chuẩn bị đầy đủ và tốt nhất cho bài thuyết trình của mình, cũng như một số mẹo nhỏ trong đó.

Mô hình SOMAD gồm có 5 yếu tố:

• Setting (Sự chuẩn bị)

• Object (Mục tiêu)

• Material (Công cụ)

• Audience (Người nghe)

• Deliver (Diễn đạt)

 

I) Setting (Sự chuẩn bị)

 

Như tôi đã đề cập trước đó, để có cho mình một bài thuyết trình tốt và nói trước đám đông một cách chuyên nghiệp và ấn tượng, thì đây là một bước cực kỳ quan trọng không thể thiếu trước khi buổi thuyết trình diễn ra.

Cụ thể, bạn cần phải chủ động chuẩn bị kỹ càng cả 3 yếu tố sau đây:

• Chuẩn bị về chính mình

• Chuẩn bị về không gian

• Chuẩn bị về thiết bị

 

1) Chuẩn bị về chính mình

 

Chuẩn bị về chính mình bao gồm:

a) Sức khoẻ:

Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của buổi thuyết trình. Bởi vì năng lượng mà bạn tỏa ra hôm đó sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình trạng sức khỏe. Bạn không thể đạt được phong độ tốt nhất nếu như sức khỏe của bạn đang có vấn đề. Chính vì vậy, trước các buổi thuyết trình quan trọng:

• Hãy luôn chăm sóc tốt cho giọng nói của mình. Uống nhiều nước lọc, hoặc một số loại nước tốt cho cổ họng (nước giá,…). Tránh uống nước lạnh, nước đá. Tránh ăn một số loại thức ăn chiên, nhiều dầu mỡ hoặc gây nóng.

• Ăn đúng bữa, đầy đủ chất. Quan trọng là phải ngủ đủ giấc trước buổi thuyết trình.

• Tránh ăn quá no trước khi thuyết trình.

• Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên.

b) Diện mạo, trang phục và phụ kiện kèm theo:

• Cần phải thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người nghe.

• Trang phục và phụ kiện cần phải phù hợp với Chủ đề, Không gian và Người nghe. Nếu không sẽ tạo ra khoảng cách giữa người nói và người nghe.

• Phụ kiện đi kèm trang phục cần phải tương tác với Chủ đề, Không gian và Người nghe. Nó cần được chấp nhận bởi số đông. Khác biệt nhưng không lập dị.

c) Niềm tin:

Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi lạ về yếu tố niềm tin này, nhưng đây lại là một yếu tố quan trọng khiến những gì bạn nói có thực sự thuyết phục và chạm tới người nghe hay không. Với mỗi chủ đề trước khi thuyết trình, hãy tự hỏi bản thân mình rằng: “Mình có tin vào những gì mình nói không?”

Bạn phải thực sự tin vào điều bạn nói. Bạn thực sự phải làm chủ điều bạn tin.

Niềm tin này sẽ được thể hiện trong từng ánh mắt, giọng điệu, tế bào, hơi thở, năng lượng… của bạn khi bạn thuyết trình. Bạn nên nhớ rằng, người nghe không chỉ nghe bằng tai, nhìn bằng mắt, mà còn nghe và nhìn bằng chính sự cảm nhận.

 

Chuẩn bị chính mình - Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả (Phần 2)

 

2) Chuẩn bị về không gian

 

Chuẩn bị về không gian là chuẩn bị về những yếu tố sau:

a) Âm thanh:

• Bạn nên kiểm tra âm thanh kĩ càng để đảm bảo giọng nói của mình qua micro được tốt nhất và rõ ràng nhất.

• Bạn không nên bật Eco trong lúc nói vì sẽ tạo tiếng vang.

• Bạn có thể kiểm tra âm thanh bằng cách nói thẳng: testing, kiểm tra… Nói bình thường lúc đang kiểm tra âm thanh, hoặc thậm chí khi bắt đầu bạn có thể hỏi ý người nghe xem có nghe rõ những gì mình nói không.

Ngoài ra, bạn nên kiểm tra trước âm thanh với các đoạn nhạc, clip… trong bài thuyết trình (nếu có).

b) Ánh sáng:

• Đảm bảo căn phòng đầy đủ ánh sáng. Cũng như ánh sáng có thể hỗ trợ cho bài thuyết trình của bạn.

• Nếu như bạn có sử dụng slide hoặc chiếu clip thì nên tắt đèn phía trên màn chiếu để tránh bị chói (nếu được).

• Bạn nên kiểm tra slide và clip trước đó để người nghe có thể thấy rõ nhất.

c) Chỗ vào/ra, toilet, WC:

Bạn nên nắm không gian và những vị trí nơi mình thuyết trình để có thể hướng dẫn cho người nghe.

Để việc chuẩn bị về không gian được diễn ra tốt nhất, bạn nên đến sớm, trước khi buổi thuyết trình bắt đầu.

 

3) Chuẩn bị về thiết bị

 

Trong quá trình thuyết trình, bạn có thể sẽ cần đến sự hỗ trợ của một số thiết bị như:

• Laser pointer

• Laptop

• Máy chiếu

• Loa

• Micro (Nếu bạn có sử dụng Micro thì đừng bao giờ cầm bằng 2 tay nhé)…

Bạn cần phải đến sớm trước khi buổi thuyết trình bắt đầu để có thể kiểm tra tất cả mọi thiết bị. Phải đảm bảo luôn có pin, dây sạc dự phòng cho các thiết bị điện tử.

II) Objective (Mục tiêu)

 

Trước khi đến với buổi thuyết trình, bạn cần phải rõ ràng cho mình về mục tiêu trong ngày hôm đó:

• Bạn muốn gì?

• Bạn cần gì?

• Người nghe phải đạt được điều gì?

Việc nắm rõ mục tiêu của buổi thuyết trình rất quan trọng. Khi bạn nắm được mục tiêu, bạn sẽ biết cách để dẫn dắt câu chuyện, sẽ biết cách trình bày, biết cách tận dụng âm thanh ánh sáng cho hiệu quả… Cũng như khi tương tác với khán giả, việc biết rõ mục tiêu sẽ giúp bạn có cách trả lời một cách có kiểm soát và tập trung, tránh đi quá xa và quá lan man.

Số mục tiêu cũng chỉ nên là 1 hoặc 3 hoặc nhiều nhất là 5 điều. Nếu không bạn sẽ khó kiểm soát được nội dung và thời gian, và người nghe cũng rất dễ bị bội thực thông tin.

 

Mục tiêu thuyết trình - Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả? (Phần 2)

 

III) Material (Công cụ)

 

Hiện nay khi thuyết trình, hầu hết chúng ta thường sử dụng phần mềm Powerpoint để trình chiếu. Dưới đây là một số điều bạn nên lưu ý khi sử dụng Powerpoint:

• Nguyên tắc chung: Đừng quá lợi dụng và phụ thuộc vào powerpoint. Powerpoint là công cụ nhằm hỗ trợ bài thuyết trình của mình. Và người nghe đến là để nghe mình thuyết trình, chứ không phải đến để nghe mình nhìn slide và đọc.

• Nguyên tắc 5 dòng 5 chữ. Mỗi slide cần toát ra được 1 đến 2 ý chính trước khi qua slide mới.

• Animation cần đơn giản, có chọn lọc, và nên đồng nhất tất cả các slide.

• Font chữ: nên thích hợp với phần lớn các loại máy tính. Một slide nên tối đa 2 font chữ.

• Size chữ: nên tối thiểu là 18.

• Màu: tuỳ thuộc vào quy mô của buổi thuyết trình:

o Nếu dưới 100 người, chữ nên là màu tối trên nền màu sáng.

o Nếu quy mô lớn hơn, chữ nên là màu sáng trên nền màu tối.

• Hình ảnh:

o Nên chèn hình visual (trực quan), không nên chèn hình cartoon, làm giảm đi sự nghiêm túc.

o Hình visual (trực quan) có 2 dạng, một là hình người, hai là bảng biểu. Nên chèn hình phù hợp với nội dung của slide.

o Hạn chế tối đa hình ảnh liên quan đến chính trị, tôn giáo, gây tranh cãi… Trừ khi đó là chủ đề mà bạn đề cập.

• Chỉ nên IN HOA những ý nhỏ muốn nhấn mạnh. Nếu cả đoạn mà in hoa hết, thì theo tâm lý học, bạn đang dùng slide để la mắng người nghe, khiến người khác cảm giác cái tôi quá lớn của bạn.

Bạn cũng có thể tìm đọc thêm cuốn sách Presentation Zen để có thể học được cách phát huy tối đa công dụng của Powerpoint.

Ngoài Powerpoint, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về phần mềm Prezi (prezi.com) để trình chiếu.

IV) Audience (Người nghe)

 

Đây là yếu tố then chốt quyết định đến kết quả buổi thuyết trình của bạn. Chính vì vậy, bạn cần phải xác định rõ, họ là ai:

• Tuổi

• Giới tính

• Nghề nghiệp

• Chức vụ

Xác định rõ được những yếu tố đó, để bạn lựa chọn cách nói, cường độ nói cho phù hợp. Điều chỉnh chính mình, nội dung nói, thời gian nói…

Hãy luôn tận dụng thời gian và cơ hội để hiểu được người nghe:

• Đến trước để giao lưu với họ trước, xem họ mong muốn, chờ đợi điều gì?

• Thời gian giao lưu có thể tận dụng: trước khi bắt đầu, giải lao, và thậm chí là sau khi buổi thuyết trình kết thúc để bạn lắng nghe ý kiến phản hồi của người nghe.

Chắc chắc là trong khi bạn thuyết trình, người nghe sẽ có xu hướng nói chuyện riêng. Bạn có thể:

• Cần phải dừng lại một chút, đặt câu hỏi giao lưu để phá băng nhóm đó: Oh không biết anh chị ngồi đó có bị lạnh không?…

• Có thể cho giải lao sớm hơn tí, lại nói chuyện với nhóm đó để tạo thêm sự kết nối.

• Điều chỉnh chất giọng của mình. Nếu nhóm đó nói to, bạn đừng nói nữa, mà nên im lặng. Nhưng quan trọng là năng lượng và nội lực bạn toả ra để thu hút người nghe.

 

Người nghe thuyết trình - Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả? (Phần 2)

 

V) Deliver (Diễn đạt)

 

Trước khi đọc tiếp phần này, tôi mời bạn xem một đoạn video clip ngắn về cảnh nói trước đám đông của Adolf Hitler vào năm 1932.

 

 

Khoan bàn tới việc Hitler nói gì, nội dung của cuộc nói chuyện này là gì. Nhưng rõ ràng, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của Hitler cho ta thấy rằng ông ta đang rất tự tin, mạnh mẽ, dứt khoát và tràn đầy năng lượng. Những điều này không những giúp ông truyền tải thông điệp một cách hiệu quả mà còn cuốn hút và tác động rất mạnh lên người nghe.

Thông qua đoạn clip, tôi muốn nói với bạn rằng, hiệu quả của việc diễn đạt sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố:

• Nội dung: chỉ chiếm có 7%

• Giọng điệu: chiếm 38%

• Ngôn ngữ cơ thể: chiếm đến 55%

Những con số trên cho bạn thấy được tầm quan trọng của ngôn ngữ cơ thể trong việc diễn đạt. Ngôn ngữ cơ thể là yếu tố biểu hiện rõ ràng nhất về năng lượng, niềm tin, và cả sự tự tin của bạn khi thuyết trình.

Giọng điệu học cách kiểm soát về sự nhanh chậm, cao thấp, lớn nhỏ, nhấn nhá…

Còn ngôn ngữ cơ thể là học cách kiểm soát về:

1) Mắt:

• Thường xuyên nhìn khán giả sẽ giúp họ cảm thấy họ đang là một phần trong buổi thuyết trình.

• Hãy dừng lại vài giây nhìn một người nào đó trước khi đưa ánh mắt đến một người khác.

2) Tư thế:

• Nên đứng thẳng người, đầu gối xuôi một cách tự nhiên khi bạn không phải di chuyển. Tư thế đứng này sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và thư giãn khi thuyết trình.

• Đừng nên khoanh tay, sẽ tạo cảm giác khó gần và đề phòng. Cũng đừng nên vung tay quá nhiều và liên tục, sẽ khiến người nghe bị rối mắt.

• Đừng nên cho tay vào túi quần. Cũng đừng nên trỏ tay, vì không ai thích bị chỉ tay vào mặt cả, đó là nguyên tắc tôn trọng người nghe.

3) Nét mặt:

Các biểu hiện phù hợp sẽ giúp bạn trở nên đáng tin cậy hơn đối với người nghe.

• Hãy dùng nét mặt để thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt tình, sự thấu cảm và sự hiểu biết của bạn.

• Hãy thường xuyên mỉm cười một cách tự nhiên.

4) Di chuyển:

• Hãy tỏ ra năng động và có sinh khí khi thuyết trình.

• Hãy di chuyển nhiều một chút, ngay cả khi bạn phải đứng trên bục hoặc bên cạnh chiếc máy chiếu.

• Đừng đi lang thang hay làm điều gì kỳ quặc như chạy nhảy, lắc người, đi nhanh hoặc những hành động gây ra sự xao lãng không cần thiết.

• Đừng đến gần quá 1 gang tay với người nghe. Lúc đó, bạn đi quá sâu vào vòng an toàn. Lúc này họ sẽ đi vào tư thế phòng thủ, khoá các giác quan lại.

Cách để có thể kiểm soát và tận dụng hiệu quả ngôn ngữ cơ thể một cách tốt nhất đó chính là hãy luyện tập thật kĩ càng. Bạn có thể tập trước gương, tự quay phim để xem lại, hoặc nhờ một ai đó xem và góp ý cho mình…

 

Luyện tập kỹ càng - Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả? (Phần 2)

 

Tổng kết phần II:

 

Như vậy, trong phần II của “Làm thế nào để thuyết trình hiệu quả?”, tôi đã chia sẻ mô hình SOMAD một cách hệ thống và chi tiết, để giúp bạn có một sự chuẩn bị tốt và kỹ càng nhất cho mỗi bài thuyết trình của mình.

Mô hình SOMAD gồm có 5 yếu tố:

• Setting (Sự chuẩn bị)

• Objective (Mục tiêu)

• Material (Công cụ)

• Audience (Người nghe)

• Deliver (Diễn đạt)

 

Tôi hy vọng bài viết này sẽ đem đến cho bạn những kiến thức và thông tin thật hữu ích để có cho mình một bài thuyết trình tốt và nói trước đám đông một cách chuyên nghiệp và ấn tượng.

Tất nhiên, để thuyết trình hiệu quả, những gì tôi chia sẻ ở đây không phải là tất cả, nó chỉ được đúc kết bởi kiến thức tôi được học và những kinh nghiệm cá nhân mà tôi tích lũy được. Vì vậy, nếu bạn có những bí quyết nào hay mà bạn cảm thấy hiệu quả với chính mình, hãy chia sẻ và comment bên dưới, để tôi và mọi người được học hỏi thêm nhé.

Và nếu bạn cảm thấy bài viết này giá trị và hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè mình cùng đọc!

Theo nguyentrongkhuong.com

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024