Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
29/05/2019 12:05 # 1
hienhien1503
Cấp độ: 25 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 99/250 (40%)
Kĩ năng: 4/20 (20%)
Ngày gia nhập: 04/08/2018
Bài gởi: 3099
Được cảm ơn: 14
Phương pháp luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học


Bất cứ một nhà khoa học nào cũng không thể không biết đến thuật ngữ “phương pháp luận”. Bất cứ một ngành hay một bộ môn khoa học nào cũng đều không thể không có phương pháp luận của riêng mình. Sự phát triển của một ngành khoa học phụ thuộc một phần quan trọng vào sự đóng góp của phương pháp luận nghiên cứu khoa học nói chung và của phương pháp luận nghiên cứu của ngành khoa học đó nói riêng.

Trong ngành nghiên cứu văn học cũng vậy, phương pháp luận có một vai trò rất to lớn. Nó xứng đáng có được một vị trí thoả đáng trong sự quan tâm của giới nghiên cứu. Thế nhưng ở nước ta, cho đến nay phương pháp luận nghiên cứu văn học mới chỉ được bàn đến như là một phần trong các công trình lý luận văn học của các nhà nghiên cứu; và tính đến năm 2004, là thời điểm xuất bản lần đầu tiên cuốn sách Phương pháp luận nghiên cứu văn học của chúng tôi, vẫn chưa có một công trình chuyên luận nào bàn riêng về phương pháp luận nghiên cứu văn học. Đó là vì từ trước đến nay, người ta thường quan niệm rằng, ngành nghiên cứu văn học bao gồm ba bộ môn: lý luận văn học, lịch sử văn học và phê bình văn học. Còn lĩnh vực phương pháp luận nghiên cứu văn học vẫn được xếp vào một bộ môn của nghiên cứu văn học có tên là Lý luận văn học.

Tuy nhiên, trong mấy chục năm trở lại đây, trên thế giới đã xuất hiện nhiều ý kiến muốn phân biệt phương pháp luận nghiên cứu văn học với lý luận văn học. Có nhiều người cho rằng lý luận văn học trả lời câu hỏi: “Văn học là gì?”. Còn phương pháp luận trả lời câu hỏi: “Phải nghiên cứu văn học như thế nào?”. Cụ thể là từ năm 1969, A. Bushmin, nhà nghiên cứu văn học của Liên Xô cũ, đã cho xuất bản một công trình nhan đề Những vấn đề phương pháp luận của khoa nghiên cứu văn học. Trong công trình này ông cũng phân biệt lý luận văn học với phương pháp luận. Có thể nói, ý nghĩa công cụ của phương pháp luận đối với lý luận văn học hay với nghiên cứu văn học nói chung là điều không phải bàn cãi nữa, nhưng còn về ý nghĩa lý luận của nó thì hiện nay các nhà nghiên cứu văn học trên thế giới đang có xu hướng muốn coi nó như là một bộ phận nghiên cứu riêng biệt, có vị trí độc lập tương đối của nó[1]. Theo xu hướng đó, trong cuộc hội nghị chuyên đề về phương pháp luận do khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Moskva tổ chức năm 1974, cũng đã có nhiều ý kiến muốn phân biệt lý luận văn học với phương pháp luận nghiên cứu văn học. GS Kravcov cho rằng lý luận văn học trả lời cho câu hỏi: “Văn học là gì?”. Còn phương pháp luận trả lời cho câu hỏi: “Phải nghiên cứu văn học như thế nào?”.

Vấn đề xác định quy chế độc lập của phương pháp luận nghiên cứu văn học có lẽ có một ý nghĩa thời sự và cấp thiết, chính vì thế mà sau mười hai năm, Bushmin lại viết một bài cùng tên với cuốn sách trước đây của mình: Những vấn đề phương pháp luận của khoa nghiên cứu văn học. Trong bài viết này, Bushmin đã kiên trì khẳng định vị trí quan trọng của lĩnh vực phương pháp luận. Ông cho rằng nếu không chú ý đúng mức đến phương pháp luận nghiên cứu văn học thì ta sẽ không nắm được các điểm đặc trưng, vị trí và chức năng của nó. Tệ hại hơn, chúng ta sẽ lẫn lộn nó hoặc là với phương pháp luận khoa học chung, hoặc là với lý luận văn học. ý kiến đáng quan tâm của Bushmin là ông coi cả hai lĩnh vực lý luận văn học và phương pháp luận là hai bộ phận lý luận của một khoa học có thể được gọi là nghiên cứu văn học đại cương.[2]

Ở Việt Nam, phương pháp luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học cũng đã được quan tâm từ lâu. Bộ sách Lý luận văn học (xuất bản từ những năm 1980, nhiều tác giả, GS Phương Lựu chủ biên) đã bàn đến “phương pháp luận nghiên cứu văn học” trong phần “Phương pháp nghiên cứu văn học” do GS Phương Lựu viết. Sau khi cuốn sách Phương pháp luận nghiên cứu văn học của chúng tôi ra đời lần đầu vào năm 2004 (Nxb. KHXH), đến năm 2005, GS Phương Lựu đã tách phần “Phương pháp nghiên cứu văn học” trong bộ sách Lý luận văn học ra thành một cuốn sách riêng đứng tên ông và cũng lấy nhan đề Phương pháp luận nghiên cứu văn học (Nxb. Đại học Sư phạm). Như vậy, có lẽ Phương Lựu cũng cho rằng cần phân biệt phương pháp luận nghiên cứu văn học với lý luận văn học để gán cho nó một vị trí độc lập. Có một điều chắc chắn rằng, dù nó được coi là một bộ phận độc lập hay phụ thuộc vào lý luận văn học, thì vai trò của nó cũng không bị xem nhẹ. Bất cứ một nhà nghiên cứu văn học nào, cũng giống như bất cứ một nhà nghiên cứu khoa học nào khác, đều phải được trang bị một phương pháp luận có hiệu quả, dù người đó làm việc ở lĩnh vực lý luận, lịch sử hay phê bình văn học.

* * *

Bây giờ chúng ta hãy xem xét những vấn đề trọng tâm: Phương pháp luận là gì? Bản chất của phương pháp luận nghiên cứu văn học là như thế nào? Quan hệ giữa phương pháp luận nghiên cứu văn học với các phương pháp luận khác thể hiện ra sao? Quan hệ giữa phương pháp luận với các phương pháp nghiên cứu cụ thể là như thế nào?

Hiện nay trên thế giới, những vấn đề nói trên là vô cùng phức tạp. Điểm qua ý kiến của các nhà lý luận nổi tiếng viết về phương pháp luận nghiên cứu khoa học, chúng ta sẽ có cảm giác như đang lạc vào một mê cung của các khái niệm. Có người cho rằng “Phương pháp luận là lý luận về phương pháp”[3], có người cho đó là một “khoa học có hệ thống chứ không phải là một sự bàn luận tùy tiện về phương pháp”[4], có ý kiến cho rằng phương pháp luận bao gồm nhiệm vụ, mục đích và các nguyên tắc của phương pháp nghiên cứu[5]. Côpnhin và Xpiêckin (Liên Xô cũ) cho rằng: “Phương pháp luận là học thuyết triết học về các phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực, là sự vận dụng những nguyên tắc thế giới quan vào quá trình nhận thức, vào sự sáng tạo tinh thần nói chung và vào thực tiễn.”[6] Averzhanov (cũng Liên Xô cũ) thì tuyên bố: “Phương pháp luận – đó là thế giới quan trong hành động.”[7] Còn về phương pháp thì có người cho rằng đó là phương thức nhận thức[8], có người coi chúng là những thủ pháp, phương thức, kỹ thuật phân tích, có người hiểu phương pháp theo từng trường hợp cụ thể: khi thì là thủ pháp, khi là kỹ thuật, khi là một thái độ cảm quan[9], v.v…

Đó là sự đa sắc trên bình diện lý luận, còn khi áp dụng vào thực tế, sự khác nhau về ý kiến cũng không kém phần đa dạng. Chúng ta hãy lấy trường hợp cụ thể của thuyết cấu trúc làm ví dụ. Có ý kiến cho rằng thuyết cấu trúc là một phương pháp luận, cho nên nó gắn bó chặt chẽ với thế giới quan, với hệ tư tưởng (Barabash)[10]. Nhưng ngược lại có người lại cho rằng thuyết cấu trúc không phải là một thế giới quan như kiểu chủ nghĩa Marx [Mác], cũng không phải là một kỹ thuật phân tích đơn thuần như kỹ thuật tâm phân học, mà nó là một phương pháp [tiếng Pháp: “méthode”], theo nghĩa là một thái độ cảm quan và một sự cảm nhận trực giác đối với cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật[11]. Lại có người mặc dù coi nó là phương pháp luận nhưng cũng khẳng định nó không phải là hệ tư tưởng, không phải là thế giới quan[12] – tức họ hiểu từ “phương pháp luận” ở đây chỉ có nghĩa như là “phương pháp”. Còn đối với chính những đại biểu của thuyết cấu trúc thì tình trạng cũng không khá hơn. Claude Lévi-Strauss coi thuyết cấu trúc là thái độ tri thức luận; A. J. Greimas cho nó là một phương pháp luận; Michel Foucault quan niệm nó là hệ tư tưởng; T. Todorov gọi nó là phép phân tích khoa học; và đến lượt Julia Kristeva thì nó chỉ còn là một sự bày đặt của các nhà báo![13]

Trước những lời tuyên bố của các nhà khoa học, nhiều người cho rằng việc quá ham mê đi tìm giải pháp dung hoà cho những bất đồng quan niệm sẽ dẫn ta lạc vào một mê cung đồ sộ của thế giới khái niệm. Lối thoát duy nhất để tránh sa vào mê cung này có lẽ là xu hướng triển khai lý luận trên một địa hạt cụ thể. Bushmin đã nói: “Phương pháp luận của bộ môn khoa học riêng biệt trước hết phải được khảo sát trên thực tiễn trực tiếp của những công việc nghiên cứu cụ thể chứ không phải bằng cách rút ra một cách hợp lôgic những nguyên lý chung của triết học. Trong lĩnh vực phương pháp luận, thứ lý luận suông không gắn liền với thực tiễn cụ thể của một bộ môn khoa học nhất định sẽ chỉ là một việc làm giáo điều và vô bổ. Việc nghiên cứu chuyên ngành về những vấn đề phương pháp luận không tách rời khỏi đối tượng cụ thể của khoa học sẽ có một ý nghĩa lớn lao.”[14] Hiệu quả của công việc nghiên cứu cụ thể sẽ là một yếu tố cơ bản để biện hộ cho lý luận (tuy rằng không phải lúc nào cũng như vậy). Đây có thể gọi là lối tiếp cận chuyên sâu. Ngày nay xu hướng chuyên sâu là một xu hướng hợp lý, nó phù hợp với tình hình phát triển mạnh mẽ của tri thức loài người, có sự phân công lao động ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, quy luật biện chứng của sự phát triển cũng giống như biện chứng của tự nhiên, cái chuyên sâu sẽ kéo theo cái tổng hợp. Có điều, xu hướng tổng hợp ngày nay khác xu hướng tổng hợp thời Phục hưng. Nó diễn ra đồng thời trên cả bình diện đối tượng nhận thức lẫn chủ thể nhận thức. Tức là sự tổng hợp không phải chỉ tiến hành hướng tới nhiều đối tượng xuất phát từ một chủ thể duy nhất, mà còn hướng tới nhiều đối tượng xuất phát từ một tập hợp các chủ thể. Cái chuyên của mỗi người vì thế luôn nằm dưới bóng của cái tổng hợp, theo sự phân công của cái tổng hợp. Do đó, việc tìm hiểu các công thức đại cương của một lý thuyết nào đó cũng không phải là vô ích đối với những ai thích bàn đến những công việc cụ thể. Đứng trên quan điểm này để suy xét lĩnh vực phương pháp luận nghiên cứu văn học, chúng ta sẽ có thể chắt lọc được những suy nghĩ bổ ích từ cái “mê cung” choáng ngợp đó.

Nhưng trước khi đi sâu tìm hiểu phương pháp luận nghiên cứu văn học, chúng ta cần phải thống nhất quan niệm thế nào là phương pháp luận? Không phải vô cớ mà chúng tôi đặt ra câu hỏi này. Vì trên thực tế có rất nhiều người vẫn không phân biệt rạch ròi “phương pháp luận” với “phương pháp”. Có người dùng từ “phương pháp” cho một đối tượng đáng ra phải được gọi là “phương pháp luận”; có người thì làm ngược lại. Có người coi phương pháp là cái bao trùm cả phương pháp luận, nhưng có người lại gạt phương pháp ra khỏi phạm vi bao quát của phương pháp luận.

Về mặt thuật ngữ, “phương pháp luận” là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Căn cứ vào cuốn Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh (xuất bản lần đầu năm 1931) thì trước đây từ “phương pháp luận” là từ Hán – Việt được các học giả Việt Nam dùng để dịch tên cuốn sách của nhà triết học duy lý người Pháp René Descartes, tên ông này được họ phiên âm theo âm Hán – Việt là “Địch-cáp-nhi”. Tên tiếng Pháp cuốn sách của nhà triết học này là: Discours de la méthode (xuất bản năm 1637) [mà cụ Đào dẫn nhầm là Discours sur la méthode]. Và trong thời chế độ cũ ở miền Nam nước ta, nhiều nhà trí thức vẫn dịch tên cuốn sách đó là Phương pháp luận (ví dụ như bản dịch Phương pháp luận của Descartes do Trần Thái Đỉnh dịch, Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư ấn hành tại Sài Gòn năm 1973, 221 trang), mặc dù cũng trong thời gian này, nhiều nhà trí thức khác ở miền Nam cũng đã hiểu khái niệm “phương pháp luận” theo nghĩa của thuật ngữ “methodology” trong tiếng Anh (ví dụ như Nguyễn Văn Trung có nhắc đến lĩnh vực “phương pháp luận” trong cuốn sách Luận lý họcxuất bản năm 1956 của ông). Ngày nay, theo cách nói hiện đại, ta có thể dịch tên cuốn sách của Descartes là “Luận về phương pháp” hay “Bàn về phương pháp”, còn thuật ngữ “phương pháp luận” là một từ Hán – Việt thường được dùng để dịch một từ tương đương trong các thứ tiếng thuộc hệ ấn – Âu, ví dụ như từ tiếng Pháp “méthodologie” và từ tiếng Anh “methodology”. Bản thân hai từ này cũng còn được dịch là “phương pháp học”.

Ngoài việc trước đây thuật ngữ “phương pháp luận” được đồng nhất với tên cuốn sách Luận về phương pháp của René Descartes, chúng tôi còn nhận thấy hiện nay ở nước ta đang có một xu hướng gần như đồng nhất khái niệm “phương pháp luận” hay “phương pháp học” với một lĩnh vực rất riêng biệt nằm trong một bộ môn được gọi là khoa học luận: đó là lĩnh vực quy cách thực hiện một công trình khoa học.

Có người gọi công việc nói trên là “Quá trình thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học” (Lê Tử Thành); có người gọi đó là “Lôgic tiến trình nghiên cứu khoa học” (Phạm Viết Vượng); có người gọi là “Trình tự lôgic của nghiên cứu khoa học” (Vũ Cao Đàm)… Có thể kể ra đây một số cuốn sách thuộc loại này như: Lê Tử Thành: Lôgích học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, (Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1996, 242 tr., in lần thứ 4); Đề cương bài giảng phương pháp luận nghiên cứu khoa học (tập thể tác giả, Trần Xuân Sầm chủ biên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bộ môn Khoa học luận, Hà Nội, 1995, 163 tr.); Nguyễn Văn Lê: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (Nxb. Trẻ, Tp. HCM, 2001, 199 tr., xuất bản lần 3); Phương Kỳ Sơn: Phương pháp nghiên cứu khoa học (Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2001, 175 tr.). Tuy nhiên, cũng có những cuốn sách đã bao quát khá đầy đủ mọi lĩnh vực của phương pháp luận, như cuốn giáo trình của tác giả Phạm Viết Vượng: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (Giáo trình dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh) (Nxb. ĐHQG Hà Nội, H., 1997, 171 tr.); cuốn sách của Vũ Cao Đàm: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (Nxb. Khoa học Kỹ thuật, H., 1999, 178 tr., xb. lần thứ 5), cũng có một mức độ bao quát nhất định.

Nhìn chung, những cuốn sách trên đây, mặc dù ngoài bìa đều ghi là “phương pháp luận nghiên cứu khoa học” hay “phương pháp nghiên cứu khoa học”, nhưng thực chất chúng đều là những giáo trình mang tính chất của khoa học luận, trong đó phương pháp luận chỉ là một bộ phận của bộ môn khoa học này. Ví dụ như cuốn sách Đề cương bài giảng phương pháp luận nghiên cứu khoa học, như chúng tôi đã dẫn ở trên, chính là do bộ môn khoa học luận thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn. Và tôi có một nhận xét chung nữa là các cuốn sách trên đều có một dàn ý và nội dung gần giống nhau. Đó cũng là đặc điểm chung của những cuốn sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy.

Những cuốn sách nói trên là những cuốn giáo trình khoa học luận được soạn rất đúng bài bản và có những chỉ dẫn rất kỹ lưỡng về tiến trình thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có cả những chỉ dẫn về văn phong công trình (một công trình khoa học phải ưu tiên cho văn phong khoa học, nhưng đôi khi cũng có thể sử dụng văn phong văn học; và một công trình khoa học dứt khoát phải dùng văn viết chứ không được dùng văn nói), đến cách thức trình bày công trình. Cách thức trình bày công trình được nhiều tác giả dành cho một dung lượng khá lớn và với những chỉ dẫn rất tỷ mỉ, kỹ lưỡng, từ việc phải trình bày trang bìa ra sao, trình bày các chương, mục, tiết, đoạn như thế nào, đến yêu cầu phải đánh máy công trình thành văn bản ra sao, để lề trang văn bản rộng bao nhiêu, đánh máy cách dòng, thụt lề như thế nào, và chỉ dẫn cả những cách ghi cước chú, chú thích, ghi trích dẫn, ghi thư mục, thậm chí cả việc ghi lời cảm ơn cho công trình, v.v… Có những cuốn sách tập trung chủ yếu vào chủ đề “Quá trình thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học”, trong khi đó hai phần quan trọng của phương pháp luận nghiên cứu khoa học là “Khái niệm khoa học” và “Phương pháp nghiên cứu trong các khoa học cụ thể” lại được để ở phần Phụ lục. Cũng có một vài cuốn sách đề cập đến phạm trù phương pháp luận và phương pháp nói chung, trong đó có cả việc phân loại các phương pháp. Tuy nhiên, những phương pháp được đề cập đến trong những cuốn sách này chỉ là những phương pháp tư duy lôgic và tư duy khoa học nói chung, trong đó có những cái được gọi là phương pháp nhưng thực ra chỉ là tính chất hay loại hình của công việc nghiên cứu. Về việc này tôi sẽ đề cập kỹ hơn ở chương II.

Ở miền Nam trước đây, hai bộ môn phương pháp luận và khoa học luận lại được đưa vào bộ môn lôgic học mà các nhà khoa học thời chế độ Sài Gòn cũ gọi theo tiếng Hán – Việt là luận lý học. Ví dụ như cuốn sách giáo trình Luận lý học (lớp đệ nhất) của Nguyễn Văn Trung (Nxb. Nam Sơn xuất bản lần thứ nhất, Sài Gòn, 1956). Trong cuốn sách này, Nguyễn Văn Trung cũng chỉ giới thiệu các phương pháp suy lý lôgic và các phương pháp nhận thức nói chung, cũng như giới thiệu việc áp dụng ở cấp độ đại cương đối với các phương pháp đó cho một số lĩnh vực khoa học như toán học, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Cụ thể, cuốn sách của ông bao gồm các phần sau: Phần I: Nhận định tổng quát, với các chương: I. Tổng quát về luận lý học; II. Những phương pháp tổng quát của tri thức; Phần II: Phương pháp luận, với các chương: III. Toán học; IV. Khoa học tự nhiên và phương pháp thực nghiệm; V. Những ví dụ vật lý, sinh lý. Những vấn đề lý thuyết trong khoa học thực nghiệm; VI. Khoa học nhân văn; Phần III: Khoa học luận, với các chương: VII. Tri thức khoa học; VIII. ý nghĩa, giá trị tri thức khoa học. Nhưng trong cuốn sách của Nguyễn Văn Trung không có phần giới thiệu các quy cách trình bày một công trình khoa học như trong các cuốn giáo trình phương pháp luận của các nhà khoa học luận nước ta sau này[15].

Về nguyên tắc, việc đưa các quy cách trình bày công trình khoa học vào phạm vi bao quát của phương pháp luận hoàn toàn không phải là sai, thậm chí hiện nay nó còn tỏ ra là điều rất cần thiết, một khi mà ở nước ta vẫn còn có quá nhiều những nhà nghiên cứu không chú trọng đến các quy cách nói trên. Tôi nói như vậy là vì, trên thực tế hiện nay đang tồn tại một kiểu viết công trình không tuân theo các quy cách mà các cuốn giáo trình nói trên quy định. Ví dụ có những người khi viết một công trình, từ đầu đến cuối không ghi một dòng cước chú nào, mà chỉ đến cuối sách họ mới đưa ra một danh mục đồ sộ các tài liệu tham khảo bằng đủ các thứ tiếng. Trong khi đó, giữa phần chính văn và phần danh mục tài liệu tham khảo không hề có một dấu hiệu liên hệ gì. Trên thực tế, độc giả và nhất là luật bản quyền có lẽ không quan tâm lắm đến cái danh mục tài liệu tham khảo kia, mà cái họ muốn biết chính là việc những luận điểm và những điều mà nhà nghiên cứu vay mượn hoặc trích dẫn trong chính văn là mượn của ai và mượn từ đâu.

Theo đúng quy cách, việc ghi danh mục tài liệu tham khảo chỉ nên giới hạn ở những tài liệu nào có liên quan trực tiếp đến đề tài của công trình, chứ không bao gồm cả những tài liệu có tính chất là kiến thức cơ sở của nhà nghiên cứu. Bời vì, nếu ghi cả các công trình thuộc kiến thức cơ sở thì không có giấy bút nào ghi hết được. Như thế thì bất cứ một công trình nghiên cứu nào cũng đều phải ghi các công trình kiến thức cơ sở. Và như thế thì việc ghi các công trình đó vào thư mục tham khảo của một công trình sẽ là vô nghĩa. Việc này có lẽ chỉ phù hợp với các luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Và có một điều quan trọng hơn cả mà nhiều người không để ý là việc ghi thư mục không thể thay thế được cho việc ghi cước chú hay chú thích, bởi lẽ, việc ghi thư mục phỏng có ích gì khi những đoạn trích dẫn trong chính văn không hề được ghi chú là thuộc tài liệu nào trong thư mục. Thực ra thì trên thế giới cũng có một kiểu viết công trình như vậy. Nhưng đó là kiểu biên soạn giáo trình cho học sinh và sinh viên hay kiểu viết tổng thuật một vấn đề, chứ kiểu viết đó không phù hợp với một công trình nghiên cứu khoa học. Mà đối tượng của những cuốn giáo trình phương pháp luận trên đây không phải chỉ là sinh viên và học viên sau đại học. Rõ ràng, những quy cách nói trên là rất cần thiết và chúng phải được coi là một bộ phận của phương pháp luận, có điều khi nói đến những vấn đề phương pháp luận thì ta không nên chỉ giới hạn ở lĩnh vực quy cách, thậm chí ta còn có thể xếp lĩnh vực đó vào phần “phụ lục”.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp mà việc ghi thư mục ở cuối sách lại là một việc làm rất cần thiết và hữu ích. Đó là khi tác giả thống kê một danh sách thư mục viết về cùng một đề tài của cuốn sách đó (chứ không phải chỉ là thư mục tham khảo của cuốn sách). Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho những người quan tâm đến đề tài để họ biết được đã có bao nhiêu công trình bàn về đề tài đó. Ví dụ như ở cuối cuốn sách Văn học so sánh  Lý luận và ứng dụng (Lưu Văn Bổng chủ biên, Nxb. KHXH, H., 2001), Tiến sĩ Lê Phong Tuyết đã thống kê một “Thư mục bài nghiên cứu văn học so sách ở Việt Nam”, tiếc là còn quá sơ sài; hay ở cuối cuốn sách Thi pháp Truyện Kiều, Giáo sư Trần Đình Sử đã liệt kê rất công phu một danh sách thống kê các công trình, bao gồm cả bài tạp chí lẫn sách nghiên cứu viết về Truyện Kiều, với tên gọi: “Thư mục nghiên cứu Truyện Kiều”. Danh mục kiểu như thế sẽ là một công trình thống kê độc lập. Thậm chí trong một cuốn sách, nó có thể được coi là phần “phụ lục” liên quan trực tiếp đến chủ đề của cuốn sách, nhưng giá trị của nó thì không thể phủ nhận. Nhìn chung, các công trình thư mục đều là các công trình khoa học có giá trị tư liệu quý giá. Nhiều thư viện ở nước ta và trên thế giới đều có một phòng hay một bộ phận làm “Thư mục”. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến loại thư mục chuyên đề khoa học. Trên thế giới, những công trình thư mục chuyên đề độc lập được soạn thảo công phu đều là những công trình rất bổ ích. Ở nước ta, những công trình kiểu như vậy cũng đã được tiến hành, ví dụ như thư mục các công trình viết về Hồ Chí Minh, thư mục về Nguyễn Trãi, hoặc thư mục về Việt Nam học, v.v… Trong nghiên cứu văn học, tôi tin là nhiều người sẽ rất hoan nghênh nếu chúng ta có được các công trình thư mục như thư mục về Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, về phong trào Thơ Mới, về tiểu thuyết viết về chiến tranh, v.v… Như vậy, khi nào thì phải ghi thư mục và ghi thư mục như thế nào cho lôgic, cho khoa học và cho đúng luật bản quyền cũng là một việc không đơn giản chút nào, và nó cũng phải được coi là “một quy cách phương pháp luận” cần phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Còn việc ghi xuất xứ của trích dẫn cũng là một trong những quy cách phương pháp luận quan trọng cần phải tuân thủ, không phải chỉ là do yêu cầu về luật bản quyền, mà còn để giúp cho người đọc có thể kiểm tra xem người trích có trích đúng không. Tôi nói như thế là vì chuyện trích dẫn sai không phải là chuyện hiếm trong giới khoa học, cả trong và ngoài nước. Ví dụ từ điển Microsoft Encarta 99 Encyclopedia của Mỹ đã trích sai câu “ngôn ngữ là hình thức chứ không phải chất liệu” của Ferdinand de Saussure thành “ngôn ngữ không phải là hình thức cũng không phải là chất liệu.” Hay có người, cả trong nước lẫn ngoài nước, dẫn một luận điểm được một tác giả dẫn ra để phê phán mà lại bảo là của chính tác giả đó! Đây là hậu quả của một tình trạng “đọc lười nhác, đọc cẩu thả”, nói theo đúng ngôn từ của nhà ngữ nghĩa học thực chứng người Anh I. A. Richards. Ở một số người, tình trạng đọc cẩu thả còn thể hiện ở việc đọc nhảy cóc, nối nửa đầu của một đoạn vào nửa sau của một đoạn khác, làm sai lệch hẳn ý của nguyên bản, cho dù có thể người đọc không chủ tâm. Tiếc thay ở nước ta, tình trạng đọc cẩu thả cũng không phải là không xảy ra. Có người đọc một văn bản nước ngoài mà không hiểu ý nên trích sai đã đành, nhưng ngay cả đối với văn bản tiếng Việt mà cũng có nhiều người trích sai, điều này chỉ có thể giải thích bằng tình trạng đọc cẩu thả, đọc nhảy cóc. Việc trích sai như thế rất nguy hiểm, bởi vì khi người khác trích lại một lời trích sai thì cái sai cứ thế lây lan và không thể cứu vãn được nữa. Tất nhiên việc trích lại là điều hoàn toàn hợp pháp. Khi người ta không có khả năng tiếp cận với bản gốc thì người ta có quyền trích lại. Tuy nhiên, nếu có ai đó trích lại một ý kiến sai mà cứ “vô tâm” không nói rõ mình trích theo ai, thì người đó sẽ vô tình “lãnh đủ” lỗi của người đi trước. Chuyện này tôi đã có lần nói rõ trên báo chí[16].

Theo tôi được biết thì phương pháp luận theo quan niệm của khoa học luận như tôi vừa trình bày ở trên là một lĩnh vực mới ở nước ta, chủ yếu được du nhập từ nước ngoài và hiện tại chủ yếu nó mới chỉ được quy định cho cấp đào tạo sau đại học. Trong khi đó sinh viên nhiều nước khác đã được học môn này từ lâu. Có nước còn cụ thể hoá bộ môn này cho từng khoa [ngành], và trong một khoa [ngành], họ không gọi nó là “phương pháp luận” mà chỉ đơn giản gọi là “phương pháp thực hành nghiên cứu”. Chỉ có điều tôi cho rằng, ngoài các nguyên tắc chung, mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng của mình, cho nên khi áp dụng các nguyên tắc chung cho một ngành hay một bộ môn khoa học, thì mỗi quốc gia đều có quyền dựa vào điều kiện và đặc điểm văn hoá riêng của mình để sáng tạo thêm những nguyên tắc mới. Ở đây tôi muốn nói đến một tình trạng về sự thiếu sáng tạo của các nhà “khoa học luận” nước ta.

Hiện tượng điển hình cho tình trạng về sự thiếu sáng tạo của nhiều nhà khoa học nước ta là hiện tượng chua thêm từ ngữ nước ngoài một cách tuỳ tiện và hết sức thiếu nguyên tắc, thậm chí có thể nói là vô nguyên tắc. Đây là một hiện tượng rất phổ biến, kể cả các vị viết những cuốn sách giáo trình về phương pháp luận trên đây cũng đều mắc phải, mặc dù họ tỏ ra rất kỹ lưỡng về những quy cách hình thức của việc trình bày một công trình khoa học. Có thể nói ngày nay, đứng từ góc độ lôgic học, hiện tượng này đã trở thành một căn bệnh trầm trọng quá mức báo động.

Từ quan niệm của các nhà khoa học luận nói trên về các quy cách trình bày một công trình khoa học, ta hoàn toàn có thể coi việc chua từ nước ngoài cũng là một quy cách. Thế nhưng nhiều nhà khoa học nước ta đã bỏ qua quy cách này, kể cả các nhà khoa học luận. Nhiều người chua một cách vô tội vạ, kể cả đối với những từ rất thông dụng, thậm chí đối với cả những từ không phải là thuật ngữ khoa học. Và hiện tượng chua sai nghĩa cũng rất phổ biến. Chẳng hạn có người bảo rằng “từ ‘Hermeneutics’ lấy gốc từ tiếng cổ Hy Lạp ‘Hermes’ có nghĩa là ‘Tin tức từ thánh thần’(!)”. Ở đây, người chua cũng không nói rõ cái từ “Hermeneutics” kia là của tiếng nước nào và tại sao lại phải giải nghĩa từ nguyên của nó? Trong khi thực ra từ này trong tiếng Anh có nguồn gốc từ các từ trong tiếng Hy Lạp là “hermêneia” <dt> và “hermêneuein” <đgt>, có nghĩa là “chú giải”, “giải thích”. Còn Hermes trong thần thoại Hy Lạp là tên của “thần đưa tin” của các thần linh, và tên của vị thần này chẳng có liên quan gì đến tên gọi của cái lý thuyết “hermeneutics” trong tiếng Anh mà ta dịch là “chú giải học” cả. Rồi người ta chua sai ngay cả đối với từ “phương pháp”. Đối với từ này, có người đã chua từ tiếng Pháp “méthode” và bảo rằng nó có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “con đường đi tới”(!). Thực ra trong tiếng Hy Lạp nó chỉ có nghĩa là “theo cách”: meta [“sau”, “theo”] + hodos [“con đường”, “cách thức”] = methodos; từ hodos ở đây phải được hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa là “cách thức”. Có người chua một từ hai lần ngay trong một trang sách. Có người chua từ nước ngoài ngay trên đầu đề bài báo. Kỳ quái hơn nữa là có nhiều người dịch một văn bản tiếng Nga hoặc nói về một tác giả viết tiếng Nga nhưng lại liên tục chua bằng tiếng Anh, không chỉ những người viết là người quen dùng tiếng Anh và không biết tiếng Nga, mà cả những người đã từng du học ở Nga và có ngoại ngữ chính là tiếng Nga. Nhiều người trong một bài viết hoặc trong một cuốn sách, lúc thì chua bằng tiếng Anh, lúc lại chua bằng tiếng Pháp, có lúc chua bằng những từ lai tạp nửa Anh nửa Pháp! Thậm chí có người chua bằng cả những từ mà ta không hề tìm thấy trong bất cứ thứ tiếng nào, ví dụ như từ “methodica” đã được chua cho từ tiếng Việt “phương pháp hệ”(!) (xem sách đã dẫn của Phạm Viết Vượng, tr. 78).

Phổ biến nhất vẫn là hiện tượng lạm dụng tiếng Anh khi chua. Ví dụ như có nhiều người mặc dù nói đến đủ các lý thuyết của đủ các nước, nhưng lại nhất loạt chỉ chua bằng tiếng Anh (mà nhiều chỗ chua sai). Ngay cả tên bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của đại văn hào Nga Lev Tolstoi, được viết một trăm phần trăm bằng tiếng Nga, mà có người còn chua bằng tiếng Anh là “War and Peace”! Hay bộ tiểu thuyết của Anh em Karamazov của nhà văn Nga Dostoevski [“Bratja Karamazovư”] cũng được chua bằng tiếng Anh là “The Brothers Karamazov”. Ở đây, các quy chuẩn về ngôn ngữ khoa học đang bị phá huỷ, một phần do bị lây nhiễm bởi hiện tượng quốc tế hoá tiếng Anh trong đời sống xã hội và thương mại. Hơn nữa, càng ngày ta càng thấy ảnh hưởng của hiện tượng quốc tế hoá tiếng Anh từ phía đời sống xã hội và thương mại sang các lĩnh vực khác đang tỏ ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong xu hướng lây nhiễm này, có người còn đề ra quy định rằng người Việt Nam khi dẫn hoặc trích các tác phẩm viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì phải dùng một số từ thông dụng của tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để ghi chú thích và cước chú; đó là các từ “sic”, “ibid.”, “op. cit.”, “loc. cit.”, “report of”, “rapport de”, “letter”, “lettre”, “et al.”, “translator”, “traducteur”… (trong các từ này có một số từ được mượn của tiếng Latin). Và họ coi đó là một quy cách “phương pháp luận” bắt buộc cho việc trình bày một công trình khoa học (Lê Tử Thành), trong khi đó các từ nói trên đều có thể được dịch ra tiếng Việt. Trong các từ trên có từ “sic” được dùng để chỉ việc trích dẫn một từ, một câu, hoặc một đoạn văn theo đúng nguyên văn, cho dù từ đó, câu đó hoặc đoạn văn đó có vẻ lạ tai hoặc sai (hay được người trích cho là sai). Đây là một từ Latin, có nghĩa là “theo nguyên văn”, nhưng hàm ý rằng lỗi của câu văn trích là thuộc nguyên bản chứ không phải của người trích. Ví dụ khi trích một câu văn viết sai trong nguyên bản như: “Nền kinh tế của Cộng hoà [theo nguyên văn] Liên bang Nga trong giai đoạn hiện nay…”, thì việc ta chú thích dòng chữ “theo nguyên văn” để trong ngoặc vuông ngay sau từ “Cộng hoà” sẽ cho thấy từ viết sai này là của nguyên bản chứ không phải là của người trích dẫn: nước Nga sau thời Liên Xô có tên là “Liên bang Nga” chứ không phải là “Cộng hoà Liên bang Nga”. Vậy tại sao lại bắt buộc phải chua từ “sic” của nước ngoài vào đây, ngay cả trong trường hợp đoạn văn trích đã được dịch sang tiếng Việt? Đó là chưa kể trên báo chí gần đây nhất, vẫn có những người Việt Nam, khi trích dẫn một bài viết hoàn toàn bằng tiếng Việt, mà họ vẫn chua từ “sic” cho những đoạn không có gì nghi vấn trong nguyên bản. Tương tự, những từ thông dụng còn lại kể trên cũng có thể được dịch ra tiếng Việt như: “như trên”, “như đã dẫn”, “sách đã dẫn”, “chỗ đã dẫn”, “báo cáo của…”, “thư từ”, “và những người khác”, “người dịch”… Và chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao lại chỉ quy định đối với những từ này và chỉ với tiếng Anh và tiếng Pháp? Vậy còn đối với các thứ tiếng khác như tiếng Nga, tiếng Đức hay tiếng Trung Quốc, v.v… thì sao? Đây là những từ không nằm trong tên nguyên tác của công trình trích dẫn, cho nên chúng có thể được dịch sang tiếng Việt hoặc để nguyên cũng được. Nhưng nếu để nguyên thì phải để nguyên cả nhiều từ khác nữa và áp dụng cho các thứ tiếng khác nữa, hà tất phải quy định cho các từ nói trên và hà tất phải quy định riêng cho tiếng Anh hay tiếng Pháp. Rõ ràng điều quy định trên đây là một quy định vô nguyên tắc. Tôi xin nói thêm: Trên thế giới không có nước nào lại đưa ra một quy định lạ lùng như vậy cả!

Và, tệ hại hơn tất cả là hầu hết các nhà khoa học nước ta khi chua từ nước ngoài đều không nói rõ từ dùng để chua là thuộc tiếng nước nào. Hiện tượng chua từ nước ngoài một cách thiếu nguyên tắc như thế đã dẫn đến những việc làm rất phi lôgic. Ví dụ như ngay trong cuốn sách rất có bài bản về phương pháp luận của nhà khoa học luận Phạm Viết Vượng mà tôi vừa nêu ở trên, ở trang 7 tác giả đã viết: “Phương pháp luận (Methodology) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là Methodos và Logos.” Một người soạn thảo một cuốn sách về lôgic nghiên cứu khoa học lại viết một câu rất phi lôgic! Xét về mặt cấu trúc ngữ nghĩa, câu nói trên hoàn toàn sai nghĩa. Viết như thế người ta hoàn toàn có quyền hiểu là: từ “phương pháp luận” trong tiếng Việt có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp! Đáng ra câu đó phải được viết như thế này: “Từ ‘methodology’ trong tiếng Anh [có nghĩa là ‘phương pháp luận’] bắt nguồn từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là ‘methodos’ và ‘logos’.” Ngoài ra câu viết trên còn có những lỗi chính tả là viết hoa không đúng chỗ [đây cũng là một lỗi về “quy cách phương pháp luận” theo đúng quan niệm của các nhà “khoa học luận”!]. Tương tự, tác giả Lê Tử Thành – một người đã từng viết nhiều về lôgic học – ở cuốn sách của ông mà tôi đã dẫn, cũng ghi ở trang 17 một câu rất phi lôgic: “Khoa học luận (épistémologie): Theo từ nguyên Hy Lạp (épistémè [theo nguyên văn]: khoa học; logos: thảo luận), khoa học luận có nghĩa là nghiên cứu khoa học.” Tại sao lại nói thuật ngữ “khoa học luận” của tiếng Việt có từ nguyên trong tiếng Hy Lạp và tại sao lại phải giải nghĩa thuật ngữ tiếng Việt theo từ nguyên Hy Lạp? Đáng ra phải giải nghĩa “theo từ nguyên Hán – Việt” mới đúng! Câu nói trên của Lê Tử Thành cũng sai về quy cách phương pháp luận, đã thế lại còn chua sai cả nghĩa và chính tả. Đáng ra phải viết là: “Từ ‘épistémologie’ trong tiếng Pháp [có nghĩa là ‘khoa học luận’] có nguồn gốc từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là ‘êpisteme’ [‘khoa học’] và ‘logos’ [‘nghiên cứu’, ‘khảo cứu’].”

Tóm lại, ở đây có hai câu hỏi đặt ra là: 1. Tại sao phải giải nghĩa từ nguyên cho các thuật ngữ; và 2. Tại sao lại phải giải nghĩa từ nguyên cho các thuật ngữ trong tiếng nước ngoài? Rõ ràng nếu không trả lời được hai câu hỏi này thì việc giải nghĩa sẽ là một việc làm vô nghĩa: nó không đem lại ý nghĩa gì cho nội dung khoa học của công trình, cũng như không đóng góp gì cho lĩnh vực ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Quả thực, hiện tượng chua và giải nghĩa từ nước ngoài một cách vô cớ như thế này sẽ gây một cảm giác rất khó chịu.

Ví dụ thứ hai gần với ví dụ thứ nhất trên đây là: có người khi bàn về tính chính xác của tên một tác phẩm nước ngoài lại căn cứ vào tên được dịch sang tiếng Anh của tác phẩm đó! Đây vẫn là biểu hiện lây lan của căn bệnh lạm dụng việc chua bằng tiếng Anh. Chẳng hạn, có người khi dịch tên tác phẩm Nghệ thuật thơ ca của Aristote [tên tiếng Pháp; tên Hy Lạp: Aristoteles] là Thi học, thì lại lập luận là phải dịch như thế mới sát ý với tên tác phẩm của Aristote là Poetics. Tiếc rằng Poetics là tên một bản dịch hiện đại sang tiếng Anh đối với tác phẩm của Aristote chứ không phải là tên gốc trong tiếng Hy Lạp, trong khi đó lại có một bản dịch khác có tên tiếng Anh là On the Art of Poetry [“Về nghệ thuật thơ ca”]. Nếu nói như trên thì hoá ra nhà triết học người Hy Lạp cổ đại Aristote cách đây hơn 2.300 năm lại viết văn bằng tiếng Anh ư? Như vậy người kia đã không hiểu một điều là muốn tranh luận về việc dịch đúng hay dịch sai thì phải căn cứ vào bản gốc chứ không được căn cứ vào bản dịch. Thực ra, tên nguyên tác của Aristote trong tiếng Hy Lạp là Peri Poietikes, có nghĩa là Bàn về nghệ thuật làm thơ. Chữ “poietikes” tương đương với từ tiếng Anh “poetics”, nhưng với nghĩa ban đầu của nó là “nghệ thuật thơ ca”, chứ chưa phải là “thi pháp” hay “thi học” theo nghĩa rộng như sau này người ta gán cho nó. Thuật ngữ “thi pháp” hiện nay được hiểu là “phương pháp sáng tác” hay “phong cách sáng tác”, nó được áp dụng cho bất kỳ một tác phẩm văn học nào, kể cả thơ ca, kịch, hay văn xuôi. Ở đây, thói quen quốc tế hoá tiếng Anh trong xã hội và thương mại đã làm cho người ta dễ quên đến mức hồn nhiên một điều là khi trích dẫn cần phải trích nguyên tác; và người ta cứ tưởng rằng chỉ cần dẫn tiếng Anh ra là mọi việc đã giải quyết xong, thậm chí khi dẫn một từ tiếng Anh (như từ poetics nói trên), người ta cũng chẳng cần phải nói rõ đó là tiếng Anh hay tiếng nước nào, cứ như thể đó là chuyện đương nhiên!

Trong các văn bản nước ngoài, nhìn chung không có hiện tượng nói trên. Chỉ khi đang nói đến một tác giả hay một tác phẩm thuộc một ngôn ngữ đã được xác định, thì người ta mới chua thêm những từ thuộc ngôn ngữ đó mà không cần ghi thêm danh tính ngôn ngữ của những từ đó. Ví dụ, khi đang nói đến đại triết gia người Đức Hegel, thì khi chua nguyên văn từ dùng của Hegel, người ta sẽ không phải chú thích thêm là “bằng tiếng Đức” nữa. Cũng như khi nói đến nhà triết học người Pháp Descartes, người ta sẽ không phải chua thêm là “bằng tiếng Pháp”. Còn khi trình bày quan điểm của chính mình, thì người ta rất ít khi phải chua thêm tiếng nước ngoài, bởi vì giữa các nước phương Tây có một sự tương đương về thuật ngữ khoa học khá phổ biến. Đặc biệt người ta không bao giờ dùng một thứ tiếng nước ngoài để chua cho tất cả mọi văn bản, giống như ở ta nhiều người vẫn dùng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để chua. Duy nhất có lẽ chỉ có tiếng Latin là được dùng để chua mà người ta không cần phải nói rõ đó là tiếng Latin, vì đó là tiếng cổ phổ thông của các nước châu Âu.

Song, có lẽ vì thấy quy cách chua tiếng nước ngoài là một chuyện mà ai cũng hiểu, cho nên các cuốn sách về phương pháp luận của nước ngoài đã không liệt kê nó vào trong số những quy cách trình bày công trình khoa học bắt buộc phải tuân theo. Thế nhưng ở Việt Nam, do có sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá, do chưa dám chắc về chữ dùng của mình cũng như chưa dám chắc về trình độ hiểu của người đọc, cho nên ban đầu các nhà khoa học đã phải chua thêm tiếng nước ngoài, mà thường là tiếng Anh hay tiếng Pháp, đối với một số thuật ngữ mới. Việc làm đó là hoàn toàn chính đáng. Sau đó có nhiều người bắt chước theo và thế là nó trở thành một hiện tượng lạm dụng mà không cần có nguyên tắc hoặc quy cách. Nhưng nếu đứng từ góc độ phương pháp luận mà nhận xét thì chúng ta sẽ thấy việc làm thiếu nguyên tắc này rất mâu thuẫn và phi lý. Còn nếu đứng từ góc độ tâm lý người tiếp nhận thì những hiện tượng như vậy sẽ gây cho người đọc một cảm giác khó chịu. Vậy tại sao những tác giả rất cẩn trọng về quy cách phương pháp luận nói trên đã không nhận ra điều ấy. Đó là vì họ đã máy móc tiếp nhận các cuốn sách giáo trình của nước ngoài mà không quan sát các hiện tượng thực tế ở Việt Nam và không dựa vào điều kiện và đặc điểm ngôn ngữ – văn hoá của Việt Nam để điều chỉnh và bổ sung thêm các nguyên tắc và quy cách mới. Đáng ra họ phải bổ sung thêm “quy cách về việc chua thêm từ nước ngoài” và “nguyên tắc về việc chua bản gốc”. Phải chăng đây là biểu hiện của một căn bệnh tiếp thu thụ động cố hữu?

Tóm lại theo tôi, về nguyên tắc, việc chua từ bằng tiếng nước ngoài chỉ được phép thực hiện trong hai trường hợp sau: 1. Khi từ được chua là một thuật ngữ mới và đang có nhiều cách hiểu và cách dịch khác nhau; hoặc khi gặp phải một thuật ngữ khoa học quan trọng thì ta có thể chua thêm thuật ngữ tương đương của ngôn ngữ nước ngoài để người đọc tham khảo nhằm xác định rõ hơn nghĩa nội hàm của thuật ngữ đó. Và tất nhiên, khi chua phải ghi rõ từ được chua là từ thuộc ngôn ngữ nào, trừ trường hợp đang nói đến tác giả thuộc một ngôn ngữ đã được xác định. 2. Khi ta đang đề cập đến quan điểm của một tác giả nghiên cứu người nước ngoài, thì ta có thể chua thêm chữ dùng nguyên văn của tác giả đó; và thông thường, tác giả là người nước nào thì ngôn ngữ viết của người đó sẽ là ngôn ngữ của nước đó. Trong trường hợp này, ta sẽ không cần chua thêm danh tính của ngôn ngữ dùng để chua, ngoại trừ trường hợp tác giả đó viết bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ thuộc quốc tịch của anh ta thì ta phải chú thích thêm. Thông thường, khi chua một từ mà người chua không ghi rõ là ngôn ngữ nào, thì người đọc hoàn toàn có quyền hiểu ngôn ngữ dùng để chua là ngôn ngữ của nguyên tác. Ví dụ, nếu nói đến nhà nghiên cứu hình thức chủ nghĩa người Nga Shklovskij [Shklovski/Shklovsky] mà chua tên công trình Nghệ thuật như là thủ pháp của ông là Art as Technique [hay Art as Device như tên một bản dịch khác] mà không ghi rõ là “bản dịch tiếng Anh”, thì người đọc có quyền hiểu rằng ông này viết công trình của mình bằng tiếng Anh, trong khi đó trên thực tế Shklovskij lại viết bằng tiếng Nga, và tên nguyên tác công trình của ông phải là tên tiếng Nga: Iskusstvo kak prijom. Hay nếu ta chua tác phẩm Nghệ thuật thơ ca của Aristote là Poetics, thì người đọc cũng hoàn toàn có quyền hiểu rằng nhà triết học Hy Lạp cổ đại này cách đây hơn 2.300 năm đã biết viết văn bằng tiếng Anh, một điều không có gì phi lý hơn!

* * *

Như vậy, những điều phân tích trên cho chúng ta thấy rằng khái niệm “phương pháp luận” có một trường bao quát rất rộng: nó đi từ thế giới quan qua các phương pháp suy lý lôgic chung, các phương pháp riêng, các thủ pháp, kỹ thuật thao tác, đến các quy cách trình bày kết quả khoa học. Tức là nó mang một ý nghĩa bao quát rộng hơn so với nghĩa được gán cho cuốn chuyên luận triết học của Descartes. Thực chất, nó cũng có nghĩa là “phương pháp học” và được dùng để chỉ một lĩnh vực khoa học cụ thể. Tuy nhiên, không nên đồng nhất nó với “khoa học luận”. Đây là nói về trường bao quát của phương pháp luận, nhưng còn về nghĩa nội hàm của nó thì ta phải định nghĩa như thế nào?

Theo định nghĩa của cuốn từ điển bách khoa vào loại mới nhất của Pháp, Le petit Larousse illustré năm 2000, thì từ méthodologie trong tiếng Pháp có nghĩa là “Việc nghiên cứu một cách có hệ thống, thông qua quan sát, đối với công việc thực hành khoa học, đối với các nguyên tắc làm thành cơ sở cho việc thực hành công việc khoa học đó cũng như đối với các phương pháp nghiên cứu mà nó sử dụng.” Theo nghĩa này thì ta có thể dịch từ méthodologie là “phương pháp luận/học”. Ngoài ra, từ méthodologie còn có một nghĩa thứ hai là “Tập hợp các phương pháp và các kỹ thuật của một lĩnh vực riêng biệt.” Theo nghĩa này thì từ méthodologie trong tiếng Pháp còn có nghĩa là “tập hợp phương pháp”. Theo định nghĩa của từ điển bách khoa Microsoft Encarta 99 Encyclopedia, từ methodology trong tiếng Anh cũng có nghĩa là: “1. Khoa học về phương pháp; 2. Một tập hợp các phương pháp được sử dụng trong một lĩnh vực hoạt động riêng biệt.” ở nước ta, “phương pháp luận” là một thuật ngữ ngoại nhập mới, cho nên nó cũng có hai nghĩa. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “phương pháp luận” là: “1. Học thuyết về phương pháp nhận thức, nghiên cứu hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội […] 2. Tổng thể nói chung những phương pháp nghiên cứu vận dụng trong một khoa học.” ở đây, có lẽ các nhà làm từ điển tiếng Việt đã tham khảo định nghĩa của từ điển nước ngoài. Song, trên thực tế ở nước ta (và có lẽ cũng như ở cả nhiều nước khác), thuật ngữ “phương pháp luận” hay “phương pháp học” thường được hiểu theo nghĩa thứ nhất của từ méthodologie trong tiếng Pháp và của từ methodology trong tiếng Anh. Tức nói ngắn gọn, “phương pháp luận” là khoa học về phương pháp.

Về mặt ngữ nghĩa thì nó là như vậy, nhưng về phạm vi bao quát thì ta vẫn có thể nói phương pháp luận bao quát cả các phương pháp cụ thể, với nghĩa là các vấn đề của phương pháp cũng thuộc lĩnh vực của phương pháp luận, bởi lẽ phương pháp luận là khoa học nghiên cứu về phương pháp. Nghĩa là ví dụ khi ta nói “những vấn đề phương pháp luận”, thì tức là có thể đó là những vấn đề về các nguyên tắc chỉ đạo về mặt phương pháp luận, nhưng cũng có thể chỉ đơn thuần là những vấn đề về các phương pháp nghiên cứu cụ thể. Còn về tên gọi, vì thuật ngữ “phương pháp luận” đã trở nên thông dụng hơn so với thuật ngữ “phương pháp học”, cho nên chúng tôi chọn thuật ngữ này và từ nay chúng ta sẽ hiểu rằng “phương pháp luận” hay “phương pháp học” cũng đều có nghĩa như nhau.

Như vậy, ta có thể định nghĩa phương pháp luận là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu một cách có hệ thống các nguyên tắc chỉ đạo thực hành một công việc khoa học, cũng như nghiên cứu các phương pháp thực hành công việc khoa học đó. Tóm lại, phương pháp luận trả lời cho câu hỏi: “phải nghiên cứu khoa học như thế nào?”.

Đây là một định nghĩa khái quát về phương pháp luận nói chung cho các ngành khoa học (tôi nói phương pháp luận nói chung chứ không phải là phương pháp luận chung). Dựa vào đó, ta có thể định nghĩa phương pháp luận cho ngành nghiên cứu văn học như sau:

Phương pháp luận nghiên cứu văn học là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu một cách hệ thống các nguyên tắc chỉ đạo việc thực hành khoa học văn học, cũng như nghiên cứu các phương pháp thực hành khoa học văn học, phục vụ cho lý luận, lịch sử và phê bình văn học.

Tóm lại, nếu như lý luận văn học trả lời cho câu hỏi “Văn học là gì?”; lịch sử văn học trả lời câu hỏi “Một giai đoạn văn học diễn ra như thế nào?”; phê bình văn học trả lời câu hỏi “Hiện tượng văn học cụ thể này có giá trị gì?”; thì phương pháp luận nghiên cứu văn học sẽ trả lời cho câu hỏi “Phải nghiên cứu văn học như thế nào?”. Song hiện tại, phương pháp luận nghiên cứu văn học vẫn được thâu tóm vào lý luận văn học, cho nên câu hỏi “Phải nghiên cứu văn học như thế nào?” cũng vẫn thuộc trách nhiệm trả lời của lý luận văn học.

Mặc dù ở nhiều nước, phương pháp luận chưa trở thành một bộ môn giảng dạy độc lập ở bậc đại học, nhưng quy chế riêng biệt của nó đã đủ rõ ràng để có thể nói tới một khoa họcphương pháp luận độc lập (bắt chước ngôn ngữ chính trị, ta có thể nói rằng bộ môn “phương pháp luận” hiện vẫn là một “bộ môn không bộ”). Hiện nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau về việc cần phải xóa bỏ cái quan niệm bấy lâu nay cho rằng các khoa học chuyên ngành chỉ cần áp dụng các phương pháp của phép biện chứng duy vật là đủ, không cần phát triển phương pháp luận riêng cho mình, coi phương pháp luận là lĩnh vực riêng của các nhà triết học. Quan niệm này bóp nghẹt tinh thần sáng tạo của những người đại diện cho các ngành khoa học riêng trong lĩnh vực tìm tòi độc lập về mặt phương pháp luận. Phương pháp luận của các khoa học cụ thể không chỉ tìm thấy cơ sở của nó trong chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà nó còn xác nhận tính chân lý của nó bằng những khám phá của chính mình.

Như tôi đã nói, khái niệm phương pháp luận có một trường bao quát rất rộng, hay nếu bắt chước thuật ngữ pháp lý để diễn đạt thì có thể nói nó có một phạm vi chỉ định rộng lớn: nó đi từ các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo nghiên cứu, liên quan chặt chẽ đến thế giới quan và hệ tư tưởng, qua các phương pháp nhận thức chung ở cấp lôgic – triết học, có thể áp dụng chung cho các ngành khoa học, đến các phương pháp nghiên cứu cụ thể áp dụng cho từng ngành hoặc từng bộ môn khoa học, đến các kỹ thuật, các thao tác và các quy cách trình bày kết quả nghiên cứu. Tức là, về mặt ngữ nghĩa, thuật ngữ phương pháp luận có thể có hai nghĩa như đã trình bày ở trên, nhưng về tầm bao quát của nó thì nó có một phạm vi bao quát rộng lớn như tôi vừa nói. Do đó, khi gặp một công trình nói tới “phương pháp luận”, người ta có thể hình dung đến một chuỗi các khâu đoạn của nó, và tuỳ vào văn cảnh cụ thể của đối tượng nghiên cứu mà xác định xem công trình ấy nói về vấn đề gì, về khâu nào hay về khía cạnh nào của phương pháp luận.

Nhưng khi nói tới “phương pháp” thì ta không thể coi nó là tất cả phương pháp luận, mà chỉ có thể hiểu nó là một thành phần, một bộ phận của phương pháp luận, hay một sự vật mang tính chất phương pháp luận. Có nghĩa là: phạm trù “phương pháp luận” là một phạm trù tổng thể, nó bao quát nhiều bộ phận, trong đó có phạm trù “phương pháp”; còn phạm trù “phương pháp” là phạm trù cục bộ, nằm trong phạm vi bao quát của phạm trù “phương pháp luận”. Trong phương pháp luận có phương pháp, còn phương pháp không thể là toàn bộ phương pháp luận. Cũng giống như việc phạm trù “văn học sử” là một phạm trù của ngành “nghiên cứu văn học”, nhưng văn học sử không thể là toàn bộ ngành nghiên cứu văn học. Nói cách khác, thuật ngữ phương pháp luận, trong một chừng mực nào đó, có thể thay thế được cho phương pháp, nhưng thuật ngữ phương pháp không thể thay thế được cho phương pháp luận”.

Ngoài ra, một công trình về phương pháp luận không nhất thiết phải thâu tóm toàn bộ “chuỗi khâu đoạn” nói trên của phương pháp luận, mà nó có thể chỉ đề cập đến một hoặc vài khâu nào đó trong cái “chuỗi” đó thôi. Chẳng hạn, có một công trình của hai giáo viên phổ thông trung học người Pháp là Chantal Labre và Patrice Soler mang tên Méthodologie littéraire (Paris, Presses Universitaires de France, 1995, 518 trang), nhưng nội dung của cuốn sách lại chỉ giới thiệu các thủ pháp phân tích trích giảng văn học. Như thế, thuật ngữ tiếng Pháp “méthodologie” ở đây phải được dịch là “phương pháp”, và tên cuốn sách sẽ phải được dịch là Phương pháp giảng văn chứ không phải là Phương pháp luận văn học. Hoặc như hầu hết các cuốn giáo trình phương pháp luận nghiên cứu khoa học của nước ta mà tôi đã dẫn, cũng chỉ giới thiệu những vấn đề chung của khoa học luận cùng những phương pháp chung của thao tác nghiên cứu khoa học và quy cách trình bày kết quả nghiên cứu, chứ chưa đề cập đến các phương pháp của từng bộ môn. Hay như gần đây nhất, GS Trần Đình Sử đã tuyển chọn các bài viết của nhà nghiên cứu văn học người Liên Xô cũ Mikhail Borisovich Khrapchenko (do nhiều người dịch) để cho xuất bản thành một cuốn sách của ông với nhan đề: Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, (Nxb. ĐHQGHN, H., 2002). Mặc dù cuốn sách có tên thuộc loại “lý luận và phương pháp luận”, nhưng trong phần phương pháp luận, những người làm sách cũng chỉ tuyển chọn hai bài viết của Khrapchenko về các phương pháp cụ thể trong nghiên cứu văn học: đó là phương pháp loại hình và phương pháp hệ thống. Điều này không có gì là sai, nó chỉ càng khẳng định cho tính hai nghĩa của khái niệm “phương pháp luận”.

Ngoài ra, cũng có những công trình khi nghiên cứu về phương pháp luận của một ngành khoa học riêng biệt chỉ đề cập đến hai khâu của phương pháp luận: đó là các nguyên tắc phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể của [hoặc áp dụng cho] ngành khoa học đó.

Đến đây tôi muốn xác định rõ rằng cuốn sách “phương pháp luận” của tôi thuộc loại công trình vừa nói trên đây. Trong cuốn sách này, tôi không giới thiệu các phương pháp chung giống như các cuốn giáo trình mà tôi đã nói tới ở nửa đầu chương này. Vì tôi có nhận xét rằng, trong số các phương pháp chung đó có những phương pháp thuộc lĩnh vực tư duy và nhận thức nói chung, tức là chúng thuộc lĩnh vực lôgic học, ví dụ như phương pháp quy nạp và phương pháp diễn dịch, phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp. Như thế chúng thuộc đối tượng của phương pháp luận nghiên cứu khoa học chung, chứ không phải là đối tượng của phương pháp luận riêng của một ngành khoa học. Còn một số phương pháp khác lại mang ý nghĩa như là các nguyên tắc, các tính chất hay các loại hình của công việc nhiều hơn, chứ không phải là các phương pháp theo đúng các tiêu chuẩn đặt ra cho một phương pháp, ví dụ như phương pháp lý thuyết, phương pháp thực nghiệm, phương pháp điều tra…, theo cách gọi của các cuốn giáo trình trên kia. Vả lại, các phương pháp chung như đã được các nhà khoa học luận nước ta giới thiệu thì theo tôi chỉ có ý nghĩa đề dẫn; còn khi được áp dụng cho một ngành khoa học hay cho một công trình khoa học, thì chúng sẽ không còn giữ được dạng thuần túy ban đầu của chúng nữa, mà chúng sẽ biến thành những phương pháp đặc thù của ngành khoa học hoặc của công trình khoa học đó.

Ví dụ, cái “phương pháp phân tích” theo cách gọi của nhiều người và được coi là một phương pháp chung, khi áp dụng cho nghiên cứu văn học thì nó sẽ không thể được gọi là “phương pháp phân tích” chung chung, mà nó phải được áp dụng để phân tích một khía cạnh cụ thể của đối tượng, chẳng hạn như để phân tích cấu trúc tác phẩm, phân tích tâm lý nhân vật… Như vậy thì khi đó nó sẽ phải được gọi là “phương pháp phân tích cấu trúc” hay “phương pháp phân tích tâm lý”, và như thế cái “từ khoá” của hai phương pháp này phải là “cấu trúc” và “tâm lý” chứ không phải là “phân tích”, đến nỗi người ta có thể quên cái vế chữ “phân tích” đó đi để chỉ nói một cách đơn giản là “phương pháp cấu trúc” và “phương pháp tâm lý”. Tương tự, những phương pháp chung khác như “phương pháp tổng hợp”, “phương pháp điều tra”… cũng phải chịu một số phận như vậy.

Những điều nói trên cho thấy rằng, khi nghiên cứu về phương pháp của một lĩnh vực cụ thể thì ta phải gắn liền phương pháp với các đối tượng cụ thể của ngành khoa học đó. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các phương pháp cụ thể cũng không thể được tiến hành một cách biệt lập, tách rời khỏi phương pháp luận chung. Ở nước ta hiện nay, các công trình về phương pháp luận nghiên cứu khoa học mới chỉ quan tâm một phần đến khâu phương pháp luận chung, trong khi đó lại quá chú trọng đến các quy cách thực hiện công trình nghiên cứu mà chưa đề cập đến phương pháp luận chuyên ngành. Còn các bài viết về phương pháp luận chuyên ngành lại chưa làm rõ được mối quan hệ giữa nó với phương pháp luận chung, cũng như chưa làm rõ được mối quan hệ giữa phương pháp luận với phương pháp. Như vậy là tình hình nghiên cứu phương pháp luận ở nước ta vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa vì có nhiều công trình chỉ quá chú trọng đến những lĩnh vực mà thực ra chúng có thể được gọi là phần phụ lục của phương pháp luận, ví dụ như lĩnh vực quy cách trình bày một công trình khoa học. Thiếu vì chúng chưa quan tâm thoả đáng đến các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và đến mối quan hệ giữa các phương pháp [luận] chuyên ngành với các phương pháp [luận] chung. Do đó ở đây, đối với lĩnh vực phương pháp luận nghiên cứu văn học, tôi sẽ tập trung sự quan tâm vào hai khâu: các nguyên tắc phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể. Theo tôi, đây là hai khâu vẫn chưa được bàn đến một cách thấu đáo và biện chứng. Nhưng trước khi rút ra các nguyên tắc phương pháp luận và tìm hiểu các nguyên tắc, tôi muốn chúng ta cùng xét xem các phương pháp luận có tính hệ thống hay không.Bất cứ một nhà khoa học nào cũng không thể không biết đến thuật ngữ “phương pháp luận”. Bất cứ một ngành hay một bộ môn khoa học nào cũng đều không thể không có phương pháp luận của riêng mình. Sự phát triển của một ngành khoa học phụ thuộc một phần quan trọng vào sự đóng góp của phương pháp luận nghiên cứu khoa học nói chung và của phương pháp luận nghiên cứu của ngành khoa học đó nói riêng.

Trong ngành nghiên cứu văn học cũng vậy, phương pháp luận có một vai trò rất to lớn. Nó xứng đáng có được một vị trí thoả đáng trong sự quan tâm của giới nghiên cứu. Thế nhưng ở nước ta, cho đến nay phương pháp luận nghiên cứu văn học mới chỉ được bàn đến như là một phần trong các công trình lý luận văn học của các nhà nghiên cứu; và tính đến năm 2004, là thời điểm xuất bản lần đầu tiên cuốn sách Phương pháp luận nghiên cứu văn học của chúng tôi, vẫn chưa có một công trình chuyên luận nào bàn riêng về phương pháp luận nghiên cứu văn học. Đó là vì từ trước đến nay, người ta thường quan niệm rằng, ngành nghiên cứu văn học bao gồm ba bộ môn: lý luận văn học, lịch sử văn học và phê bình văn học. Còn lĩnh vực phương pháp luận nghiên cứu văn học vẫn được xếp vào một bộ môn của nghiên cứu văn học có tên là Lý luận văn học.

Tuy nhiên, trong mấy chục năm trở lại đây, trên thế giới đã xuất hiện nhiều ý kiến muốn phân biệt phương pháp luận nghiên cứu văn học với lý luận văn học. Có nhiều người cho rằng lý luận văn học trả lời câu hỏi: “Văn học là gì?”. Còn phương pháp luận trả lời câu hỏi: “Phải nghiên cứu văn học như thế nào?”. Cụ thể là từ năm 1969, A. Bushmin, nhà nghiên cứu văn học của Liên Xô cũ, đã cho xuất bản một công trình nhan đề Những vấn đề phương pháp luận của khoa nghiên cứu văn học. Trong công trình này ông cũng phân biệt lý luận văn học với phương pháp luận. Có thể nói, ý nghĩa công cụ của phương pháp luận đối với lý luận văn học hay với nghiên cứu văn học nói chung là điều không phải bàn cãi nữa, nhưng còn về ý nghĩa lý luận của nó thì hiện nay các nhà nghiên cứu văn học trên thế giới đang có xu hướng muốn coi nó như là một bộ phận nghiên cứu riêng biệt, có vị trí độc lập tương đối của nó[1]. Theo xu hướng đó, trong cuộc hội nghị chuyên đề về phương pháp luận do khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Moskva tổ chức năm 1974, cũng đã có nhiều ý kiến muốn phân biệt lý luận văn học với phương pháp luận nghiên cứu văn học. GS Kravcov cho rằng lý luận văn học trả lời cho câu hỏi: “Văn học là gì?”. Còn phương pháp luận trả lời cho câu hỏi: “Phải nghiên cứu văn học như thế nào?”.

Vấn đề xác định quy chế độc lập của phương pháp luận nghiên cứu văn học có lẽ có một ý nghĩa thời sự và cấp thiết, chính vì thế mà sau mười hai năm, Bushmin lại viết một bài cùng tên với cuốn sách trước đây của mình: Những vấn đề phương pháp luận của khoa nghiên cứu văn học. Trong bài viết này, Bushmin đã kiên trì khẳng định vị trí quan trọng của lĩnh vực phương pháp luận. Ông cho rằng nếu không chú ý đúng mức đến phương pháp luận nghiên cứu văn học thì ta sẽ không nắm được các điểm đặc trưng, vị trí và chức năng của nó. Tệ hại hơn, chúng ta sẽ lẫn lộn nó hoặc là với phương pháp luận khoa học chung, hoặc là với lý luận văn học. ý kiến đáng quan tâm của Bushmin là ông coi cả hai lĩnh vực lý luận văn học và phương pháp luận là hai bộ phận lý luận của một khoa học có thể được gọi là nghiên cứu văn học đại cương.[2]

Ở Việt Nam, phương pháp luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học cũng đã được quan tâm từ lâu. Bộ sách Lý luận văn học (xuất bản từ những năm 1980, nhiều tác giả, GS Phương Lựu chủ biên) đã bàn đến “phương pháp luận nghiên cứu văn học” trong phần “Phương pháp nghiên cứu văn học” do GS Phương Lựu viết. Sau khi cuốn sách Phương pháp luận nghiên cứu văn học của chúng tôi ra đời lần đầu vào năm 2004 (Nxb. KHXH), đến năm 2005, GS Phương Lựu đã tách phần “Phương pháp nghiên cứu văn học” trong bộ sách Lý luận văn học ra thành một cuốn sách riêng đứng tên ông và cũng lấy nhan đề Phương pháp luận nghiên cứu văn học (Nxb. Đại học Sư phạm). Như vậy, có lẽ Phương Lựu cũng cho rằng cần phân biệt phương pháp luận nghiên cứu văn học với lý luận văn học để gán cho nó một vị trí độc lập. Có một điều chắc chắn rằng, dù nó được coi là một bộ phận độc lập hay phụ thuộc vào lý luận văn học, thì vai trò của nó cũng không bị xem nhẹ. Bất cứ một nhà nghiên cứu văn học nào, cũng giống như bất cứ một nhà nghiên cứu khoa học nào khác, đều phải được trang bị một phương pháp luận có hiệu quả, dù người đó làm việc ở lĩnh vực lý luận, lịch sử hay phê bình văn học.

* * *

Bây giờ chúng ta hãy xem xét những vấn đề trọng tâm: Phương pháp luận là gì? Bản chất của phương pháp luận nghiên cứu văn học là như thế nào? Quan hệ giữa phương pháp luận nghiên cứu văn học với các phương pháp luận khác thể hiện ra sao? Quan hệ giữa phương pháp luận với các phương pháp nghiên cứu cụ thể là như thế nào?

Hiện nay trên thế giới, những vấn đề nói trên là vô cùng phức tạp. Điểm qua ý kiến của các nhà lý luận nổi tiếng viết về phương pháp luận nghiên cứu khoa học, chúng ta sẽ có cảm giác như đang lạc vào một mê cung của các khái niệm. Có người cho rằng “Phương pháp luận là lý luận về phương pháp”[3], có người cho đó là một “khoa học có hệ thống chứ không phải là một sự bàn luận tùy tiện về phương pháp”[4], có ý kiến cho rằng phương pháp luận bao gồm nhiệm vụ, mục đích và các nguyên tắc của phương pháp nghiên cứu[5]. Côpnhin và Xpiêckin (Liên Xô cũ) cho rằng: “Phương pháp luận là học thuyết triết học về các phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực, là sự vận dụng những nguyên tắc thế giới quan vào quá trình nhận thức, vào sự sáng tạo tinh thần nói chung và vào thực tiễn.”[6] Averzhanov (cũng Liên Xô cũ) thì tuyên bố: “Phương pháp luận – đó là thế giới quan trong hành động.”[7] Còn về phương pháp thì có người cho rằng đó là phương thức nhận thức[8], có người coi chúng là những thủ pháp, phương thức, kỹ thuật phân tích, có người hiểu phương pháp theo từng trường hợp cụ thể: khi thì là thủ pháp, khi là kỹ thuật, khi là một thái độ cảm quan[9], v.v…

Đó là sự đa sắc trên bình diện lý luận, còn khi áp dụng vào thực tế, sự khác nhau về ý kiến cũng không kém phần đa dạng. Chúng ta hãy lấy trường hợp cụ thể của thuyết cấu trúc làm ví dụ. Có ý kiến cho rằng thuyết cấu trúc là một phương pháp luận, cho nên nó gắn bó chặt chẽ với thế giới quan, với hệ tư tưởng (Barabash)[10]. Nhưng ngược lại có người lại cho rằng thuyết cấu trúc không phải là một thế giới quan như kiểu chủ nghĩa Marx [Mác], cũng không phải là một kỹ thuật phân tích đơn thuần như kỹ thuật tâm phân học, mà nó là một phương pháp [tiếng Pháp: “méthode”], theo nghĩa là một thái độ cảm quan và một sự cảm nhận trực giác đối với cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật[11]. Lại có người mặc dù coi nó là phương pháp luận nhưng cũng khẳng định nó không phải là hệ tư tưởng, không phải là thế giới quan[12] – tức họ hiểu từ “phương pháp luận” ở đây chỉ có nghĩa như là “phương pháp”. Còn đối với chính những đại biểu của thuyết cấu trúc thì tình trạng cũng không khá hơn. Claude Lévi-Strauss coi thuyết cấu trúc là thái độ tri thức luận; A. J. Greimas cho nó là một phương pháp luận; Michel Foucault quan niệm nó là hệ tư tưởng; T. Todorov gọi nó là phép phân tích khoa học; và đến lượt Julia Kristeva thì nó chỉ còn là một sự bày đặt của các nhà báo![13]

Trước những lời tuyên bố của các nhà khoa học, nhiều người cho rằng việc quá ham mê đi tìm giải pháp dung hoà cho những bất đồng quan niệm sẽ dẫn ta lạc vào một mê cung đồ sộ của thế giới khái niệm. Lối thoát duy nhất để tránh sa vào mê cung này có lẽ là xu hướng triển khai lý luận trên một địa hạt cụ thể. Bushmin đã nói: “Phương pháp luận của bộ môn khoa học riêng biệt trước hết phải được khảo sát trên thực tiễn trực tiếp của những công việc nghiên cứu cụ thể chứ không phải bằng cách rút ra một cách hợp lôgic những nguyên lý chung của triết học. Trong lĩnh vực phương pháp luận, thứ lý luận suông không gắn liền với thực tiễn cụ thể của một bộ môn khoa học nhất định sẽ chỉ là một việc làm giáo điều và vô bổ. Việc nghiên cứu chuyên ngành về những vấn đề phương pháp luận không tách rời khỏi đối tượng cụ thể của khoa học sẽ có một ý nghĩa lớn lao.”[14] Hiệu quả của công việc nghiên cứu cụ thể sẽ là một yếu tố cơ bản để biện hộ cho lý luận (tuy rằng không phải lúc nào cũng như vậy). Đây có thể gọi là lối tiếp cận chuyên sâu. Ngày nay xu hướng chuyên sâu là một xu hướng hợp lý, nó phù hợp với tình hình phát triển mạnh mẽ của tri thức loài người, có sự phân công lao động ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, quy luật biện chứng của sự phát triển cũng giống như biện chứng của tự nhiên, cái chuyên sâu sẽ kéo theo cái tổng hợp. Có điều, xu hướng tổng hợp ngày nay khác xu hướng tổng hợp thời Phục hưng. Nó diễn ra đồng thời trên cả bình diện đối tượng nhận thức lẫn chủ thể nhận thức. Tức là sự tổng hợp không phải chỉ tiến hành hướng tới nhiều đối tượng xuất phát từ một chủ thể duy nhất, mà còn hướng tới nhiều đối tượng xuất phát từ một tập hợp các chủ thể. Cái chuyên của mỗi người vì thế luôn nằm dưới bóng của cái tổng hợp, theo sự phân công của cái tổng hợp. Do đó, việc tìm hiểu các công thức đại cương của một lý thuyết nào đó cũng không phải là vô ích đối với những ai thích bàn đến những công việc cụ thể. Đứng trên quan điểm này để suy xét lĩnh vực phương pháp luận nghiên cứu văn học, chúng ta sẽ có thể chắt lọc được những suy nghĩ bổ ích từ cái “mê cung” choáng ngợp đó.

Nhưng trước khi đi sâu tìm hiểu phương pháp luận nghiên cứu văn học, chúng ta cần phải thống nhất quan niệm thế nào là phương pháp luận? Không phải vô cớ mà chúng tôi đặt ra câu hỏi này. Vì trên thực tế có rất nhiều người vẫn không phân biệt rạch ròi “phương pháp luận” với “phương pháp”. Có người dùng từ “phương pháp” cho một đối tượng đáng ra phải được gọi là “phương pháp luận”; có người thì làm ngược lại. Có người coi phương pháp là cái bao trùm cả phương pháp luận, nhưng có người lại gạt phương pháp ra khỏi phạm vi bao quát của phương pháp luận.

Về mặt thuật ngữ, “phương pháp luận” là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Căn cứ vào cuốn Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh (xuất bản lần đầu năm 1931) thì trước đây từ “phương pháp luận” là từ Hán – Việt được các học giả Việt Nam dùng để dịch tên cuốn sách của nhà triết học duy lý người Pháp René Descartes, tên ông này được họ phiên âm theo âm Hán – Việt là “Địch-cáp-nhi”. Tên tiếng Pháp cuốn sách của nhà triết học này là: Discours de la méthode (xuất bản năm 1637) [mà cụ Đào dẫn nhầm là Discours sur la méthode]. Và trong thời chế độ cũ ở miền Nam nước ta, nhiều nhà trí thức vẫn dịch tên cuốn sách đó là Phương pháp luận (ví dụ như bản dịch Phương pháp luận của Descartes do Trần Thái Đỉnh dịch, Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư ấn hành tại Sài Gòn năm 1973, 221 trang), mặc dù cũng trong thời gian này, nhiều nhà trí thức khác ở miền Nam cũng đã hiểu khái niệm “phương pháp luận” theo nghĩa của thuật ngữ “methodology” trong tiếng Anh (ví dụ như Nguyễn Văn Trung có nhắc đến lĩnh vực “phương pháp luận” trong cuốn sách Luận lý họcxuất bản năm 1956 của ông). Ngày nay, theo cách nói hiện đại, ta có thể dịch tên cuốn sách của Descartes là “Luận về phương pháp” hay “Bàn về phương pháp”, còn thuật ngữ “phương pháp luận” là một từ Hán – Việt thường được dùng để dịch một từ tương đương trong các thứ tiếng thuộc hệ ấn – Âu, ví dụ như từ tiếng Pháp “méthodologie” và từ tiếng Anh “methodology”. Bản thân hai từ này cũng còn được dịch là “phương pháp học”.

Ngoài việc trước đây thuật ngữ “phương pháp luận” được đồng nhất với tên cuốn sách Luận về phương pháp của René Descartes, chúng tôi còn nhận thấy hiện nay ở nước ta đang có một xu hướng gần như đồng nhất khái niệm “phương pháp luận” hay “phương pháp học” với một lĩnh vực rất riêng biệt nằm trong một bộ môn được gọi là khoa học luận: đó là lĩnh vực quy cách thực hiện một công trình khoa học.

Có người gọi công việc nói trên là “Quá trình thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học” (Lê Tử Thành); có người gọi đó là “Lôgic tiến trình nghiên cứu khoa học” (Phạm Viết Vượng); có người gọi là “Trình tự lôgic của nghiên cứu khoa học” (Vũ Cao Đàm)… Có thể kể ra đây một số cuốn sách thuộc loại này như: Lê Tử Thành: Lôgích học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, (Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1996, 242 tr., in lần thứ 4); Đề cương bài giảng phương pháp luận nghiên cứu khoa học (tập thể tác giả, Trần Xuân Sầm chủ biên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bộ môn Khoa học luận, Hà Nội, 1995, 163 tr.); Nguyễn Văn Lê: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (Nxb. Trẻ, Tp. HCM, 2001, 199 tr., xuất bản lần 3); Phương Kỳ Sơn: Phương pháp nghiên cứu khoa học (Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2001, 175 tr.). Tuy nhiên, cũng có những cuốn sách đã bao quát khá đầy đủ mọi lĩnh vực của phương pháp luận, như cuốn giáo trình của tác giả Phạm Viết Vượng: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (Giáo trình dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh) (Nxb. ĐHQG Hà Nội, H., 1997, 171 tr.); cuốn sách của Vũ Cao Đàm: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (Nxb. Khoa học Kỹ thuật, H., 1999, 178 tr., xb. lần thứ 5), cũng có một mức độ bao quát nhất định.

Nhìn chung, những cuốn sách trên đây, mặc dù ngoài bìa đều ghi là “phương pháp luận nghiên cứu khoa học” hay “phương pháp nghiên cứu khoa học”, nhưng thực chất chúng đều là những giáo trình mang tính chất của khoa học luận, trong đó phương pháp luận chỉ là một bộ phận của bộ môn khoa học này. Ví dụ như cuốn sách Đề cương bài giảng phương pháp luận nghiên cứu khoa học, như chúng tôi đã dẫn ở trên, chính là do bộ môn khoa học luận thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn. Và tôi có một nhận xét chung nữa là các cuốn sách trên đều có một dàn ý và nội dung gần giống nhau. Đó cũng là đặc điểm chung của những cuốn sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy.

Những cuốn sách nói trên là những cuốn giáo trình khoa học luận được soạn rất đúng bài bản và có những chỉ dẫn rất kỹ lưỡng về tiến trình thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có cả những chỉ dẫn về văn phong công trình (một công trình khoa học phải ưu tiên cho văn phong khoa học, nhưng đôi khi cũng có thể sử dụng văn phong văn học; và một công trình khoa học dứt khoát phải dùng văn viết chứ không được dùng văn nói), đến cách thức trình bày công trình. Cách thức trình bày công trình được nhiều tác giả dành cho một dung lượng khá lớn và với những chỉ dẫn rất tỷ mỉ, kỹ lưỡng, từ việc phải trình bày trang bìa ra sao, trình bày các chương, mục, tiết, đoạn như thế nào, đến yêu cầu phải đánh máy công trình thành văn bản ra sao, để lề trang văn bản rộng bao nhiêu, đánh máy cách dòng, thụt lề như thế nào, và chỉ dẫn cả những cách ghi cước chú, chú thích, ghi trích dẫn, ghi thư mục, thậm chí cả việc ghi lời cảm ơn cho công trình, v.v… Có những cuốn sách tập trung chủ yếu vào chủ đề “Quá trình thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học”, trong khi đó hai phần quan trọng của phương pháp luận nghiên cứu khoa học là “Khái niệm khoa học” và “Phương pháp nghiên cứu trong các khoa học cụ thể” lại được để ở phần Phụ lục. Cũng có một vài cuốn sách đề cập đến phạm trù phương pháp luận và phương pháp nói chung, trong đó có cả việc phân loại các phương pháp. Tuy nhiên, những phương pháp được đề cập đến trong những cuốn sách này chỉ là những phương pháp tư duy lôgic và tư duy khoa học nói chung, trong đó có những cái được gọi là phương pháp nhưng thực ra chỉ là tính chất hay loại hình của công việc nghiên cứu. Về việc này tôi sẽ đề cập kỹ hơn ở chương II.

Ở miền Nam trước đây, hai bộ môn phương pháp luận và khoa học luận lại được đưa vào bộ môn lôgic học mà các nhà khoa học thời chế độ Sài Gòn cũ gọi theo tiếng Hán – Việt là luận lý học. Ví dụ như cuốn sách giáo trình Luận lý học (lớp đệ nhất) của Nguyễn Văn Trung (Nxb. Nam Sơn xuất bản lần thứ nhất, Sài Gòn, 1956). Trong cuốn sách này, Nguyễn Văn Trung cũng chỉ giới thiệu các phương pháp suy lý lôgic và các phương pháp nhận thức nói chung, cũng như giới thiệu việc áp dụng ở cấp độ đại cương đối với các phương pháp đó cho một số lĩnh vực khoa học như toán học, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Cụ thể, cuốn sách của ông bao gồm các phần sau: Phần I: Nhận định tổng quát, với các chương: I. Tổng quát về luận lý học; II. Những phương pháp tổng quát của tri thức; Phần II: Phương pháp luận, với các chương: III. Toán học; IV. Khoa học tự nhiên và phương pháp thực nghiệm; V. Những ví dụ vật lý, sinh lý. Những vấn đề lý thuyết trong khoa học thực nghiệm; VI. Khoa học nhân văn; Phần III: Khoa học luận, với các chương: VII. Tri thức khoa học; VIII. ý nghĩa, giá trị tri thức khoa học. Nhưng trong cuốn sách của Nguyễn Văn Trung không có phần giới thiệu các quy cách trình bày một công trình khoa học như trong các cuốn giáo trình phương pháp luận của các nhà khoa học luận nước ta sau này[15].

Về nguyên tắc, việc đưa các quy cách trình bày công trình khoa học vào phạm vi bao quát của phương pháp luận hoàn toàn không phải là sai, thậm chí hiện nay nó còn tỏ ra là điều rất cần thiết, một khi mà ở nước ta vẫn còn có quá nhiều những nhà nghiên cứu không chú trọng đến các quy cách nói trên. Tôi nói như vậy là vì, trên thực tế hiện nay đang tồn tại một kiểu viết công trình không tuân theo các quy cách mà các cuốn giáo trình nói trên quy định. Ví dụ có những người khi viết một công trình, từ đầu đến cuối không ghi một dòng cước chú nào, mà chỉ đến cuối sách họ mới đưa ra một danh mục đồ sộ các tài liệu tham khảo bằng đủ các thứ tiếng. Trong khi đó, giữa phần chính văn và phần danh mục tài liệu tham khảo không hề có một dấu hiệu liên hệ gì. Trên thực tế, độc giả và nhất là luật bản quyền có lẽ không quan tâm lắm đến cái danh mục tài liệu tham khảo kia, mà cái họ muốn biết chính là việc những luận điểm và những điều mà nhà nghiên cứu vay mượn hoặc trích dẫn trong chính văn là mượn của ai và mượn từ đâu.

Theo đúng quy cách, việc ghi danh mục tài liệu tham khảo chỉ nên giới hạn ở những tài liệu nào có liên quan trực tiếp đến đề tài của công trình, chứ không bao gồm cả những tài liệu có tính chất là kiến thức cơ sở của nhà nghiên cứu. Bời vì, nếu ghi cả các công trình thuộc kiến thức cơ sở thì không có giấy bút nào ghi hết được. Như thế thì bất cứ một công trình nghiên cứu nào cũng đều phải ghi các công trình kiến thức cơ sở. Và như thế thì việc ghi các công trình đó vào thư mục tham khảo của một công trình sẽ là vô nghĩa. Việc này có lẽ chỉ phù hợp với các luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Và có một điều quan trọng hơn cả mà nhiều người không để ý là việc ghi thư mục không thể thay thế được cho việc ghi cước chú hay chú thích, bởi lẽ, việc ghi thư mục phỏng có ích gì khi những đoạn trích dẫn trong chính văn không hề được ghi chú là thuộc tài liệu nào trong thư mục. Thực ra thì trên thế giới cũng có một kiểu viết công trình như vậy. Nhưng đó là kiểu biên soạn giáo trình cho học sinh và sinh viên hay kiểu viết tổng thuật một vấn đề, chứ kiểu viết đó không phù hợp với một công trình nghiên cứu khoa học. Mà đối tượng của những cuốn giáo trình phương pháp luận trên đây không phải chỉ là sinh viên và học viên sau đại học. Rõ ràng, những quy cách nói trên là rất cần thiết và chúng phải được coi là một bộ phận của phương pháp luận, có điều khi nói đến những vấn đề phương pháp luận thì ta không nên chỉ giới hạn ở lĩnh vực quy cách, thậm chí ta còn có thể xếp lĩnh vực đó vào phần “phụ lục”.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp mà việc ghi thư mục ở cuối sách lại là một việc làm rất cần thiết và hữu ích. Đó là khi tác giả thống kê một danh sách thư mục viết về cùng một đề tài của cuốn sách đó (chứ không phải chỉ là thư mục tham khảo của cuốn sách). Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho những người quan tâm đến đề tài để họ biết được đã có bao nhiêu công trình bàn về đề tài đó. Ví dụ như ở cuối cuốn sách Văn học so sánh  Lý luận và ứng dụng (Lưu Văn Bổng chủ biên, Nxb. KHXH, H., 2001), Tiến sĩ Lê Phong Tuyết đã thống kê một “Thư mục bài nghiên cứu văn học so sách ở Việt Nam”, tiếc là còn quá sơ sài; hay ở cuối cuốn sách Thi pháp Truyện Kiều, Giáo sư Trần Đình Sử đã liệt kê rất công phu một danh sách thống kê các công trình, bao gồm cả bài tạp chí lẫn sách nghiên cứu viết về Truyện Kiều, với tên gọi: “Thư mục nghiên cứu Truyện Kiều”. Danh mục kiểu như thế sẽ là một công trình thống kê độc lập. Thậm chí trong một cuốn sách, nó có thể được coi là phần “phụ lục” liên quan trực tiếp đến chủ đề của cuốn sách, nhưng giá trị của nó thì không thể phủ nhận. Nhìn chung, các công trình thư mục đều là các công trình khoa học có giá trị tư liệu quý giá. Nhiều thư viện ở nước ta và trên thế giới đều có một phòng hay một bộ phận làm “Thư mục”. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến loại thư mục chuyên đề khoa học. Trên thế giới, những công trình thư mục chuyên đề độc lập được soạn thảo công phu đều là những công trình rất bổ ích. Ở nước ta, những công trình kiểu như vậy cũng đã được tiến hành, ví dụ như thư mục các công trình viết về Hồ Chí Minh, thư mục về Nguyễn Trãi, hoặc thư mục về Việt Nam học, v.v… Trong nghiên cứu văn học, tôi tin là nhiều người sẽ rất hoan nghênh nếu chúng ta có được các công trình thư mục như thư mục về Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, về phong trào Thơ Mới, về tiểu thuyết viết về chiến tranh, v.v… Như vậy, khi nào thì phải ghi thư mục và ghi thư mục như thế nào cho lôgic, cho khoa học và cho đúng luật bản quyền cũng là một việc không đơn giản chút nào, và nó cũng phải được coi là “một quy cách phương pháp luận” cần phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Còn việc ghi xuất xứ của trích dẫn cũng là một trong những quy cách phương pháp luận quan trọng cần phải tuân thủ, không phải chỉ là do yêu cầu về luật bản quyền, mà còn để giúp cho người đọc có thể kiểm tra xem người trích có trích đúng không. Tôi nói như thế là vì chuyện trích dẫn sai không phải là chuyện hiếm trong giới khoa học, cả trong và ngoài nước. Ví dụ từ điển Microsoft Encarta 99 Encyclopedia của Mỹ đã trích sai câu “ngôn ngữ là hình thức chứ không phải chất liệu” của Ferdinand de Saussure thành “ngôn ngữ không phải là hình thức cũng không phải là chất liệu.” Hay có người, cả trong nước lẫn ngoài nước, dẫn một luận điểm được một tác giả dẫn ra để phê phán mà lại bảo là của chính tác giả đó! Đây là hậu quả của một tình trạng “đọc lười nhác, đọc cẩu thả”, nói theo đúng ngôn từ của nhà ngữ nghĩa học thực chứng người Anh I. A. Richards. Ở một số người, tình trạng đọc cẩu thả còn thể hiện ở việc đọc nhảy cóc, nối nửa đầu của một đoạn vào nửa sau của một đoạn khác, làm sai lệch hẳn ý của nguyên bản, cho dù có thể người đọc không chủ tâm. Tiếc thay ở nước ta, tình trạng đọc cẩu thả cũng không phải là không xảy ra. Có người đọc một văn bản nước ngoài mà không hiểu ý nên trích sai đã đành, nhưng ngay cả đối với văn bản tiếng Việt mà cũng có nhiều người trích sai, điều này chỉ có thể giải thích bằng tình trạng đọc cẩu thả, đọc nhảy cóc. Việc trích sai như thế rất nguy hiểm, bởi vì khi người khác trích lại một lời trích sai thì cái sai cứ thế lây lan và không thể cứu vãn được nữa. Tất nhiên việc trích lại là điều hoàn toàn hợp pháp. Khi người ta không có khả năng tiếp cận với bản gốc thì người ta có quyền trích lại. Tuy nhiên, nếu có ai đó trích lại một ý kiến sai mà cứ “vô tâm” không nói rõ mình trích theo ai, thì người đó sẽ vô tình “lãnh đủ” lỗi của người đi trước. Chuyện này tôi đã có lần nói rõ trên báo chí[16].

Theo tôi được biết thì phương pháp luận theo quan niệm của khoa học luận như tôi vừa trình bày ở trên là một lĩnh vực mới ở nước ta, chủ yếu được du nhập từ nước ngoài và hiện tại chủ yếu nó mới chỉ được quy định cho cấp đào tạo sau đại học. Trong khi đó sinh viên nhiều nước khác đã được học môn này từ lâu. Có nước còn cụ thể hoá bộ môn này cho từng khoa [ngành], và trong một khoa [ngành], họ không gọi nó là “phương pháp luận” mà chỉ đơn giản gọi là “phương pháp thực hành nghiên cứu”. Chỉ có điều tôi cho rằng, ngoài các nguyên tắc chung, mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng của mình, cho nên khi áp dụng các nguyên tắc chung cho một ngành hay một bộ môn khoa học, thì mỗi quốc gia đều có quyền dựa vào điều kiện và đặc điểm văn hoá riêng của mình để sáng tạo thêm những nguyên tắc mới. Ở đây tôi muốn nói đến một tình trạng về sự thiếu sáng tạo của các nhà “khoa học luận” nước ta.

Hiện tượng điển hình cho tình trạng về sự thiếu sáng tạo của nhiều nhà khoa học nước ta là hiện tượng chua thêm từ ngữ nước ngoài một cách tuỳ tiện và hết sức thiếu nguyên tắc, thậm chí có thể nói là vô nguyên tắc. Đây là một hiện tượng rất phổ biến, kể cả các vị viết những cuốn sách giáo trình về phương pháp luận trên đây cũng đều mắc phải, mặc dù họ tỏ ra rất kỹ lưỡng về những quy cách hình thức của việc trình bày một công trình khoa học. Có thể nói ngày nay, đứng từ góc độ lôgic học, hiện tượng này đã trở thành một căn bệnh trầm trọng quá mức báo động.

Từ quan niệm của các nhà khoa học luận nói trên về các quy cách trình bày một công trình khoa học, ta hoàn toàn có thể coi việc chua từ nước ngoài cũng là một quy cách. Thế nhưng nhiều nhà khoa học nước ta đã bỏ qua quy cách này, kể cả các nhà khoa học luận. Nhiều người chua một cách vô tội vạ, kể cả đối với những từ rất thông dụng, thậm chí đối với cả những từ không phải là thuật ngữ khoa học. Và hiện tượng chua sai nghĩa cũng rất phổ biến. Chẳng hạn có người bảo rằng “từ ‘Hermeneutics’ lấy gốc từ tiếng cổ Hy Lạp ‘Hermes’ có nghĩa là ‘Tin tức từ thánh thần’(!)”. Ở đây, người chua cũng không nói rõ cái từ “Hermeneutics” kia là của tiếng nước nào và tại sao lại phải giải nghĩa từ nguyên của nó? Trong khi thực ra từ này trong tiếng Anh có nguồn gốc từ các từ trong tiếng Hy Lạp là “hermêneia” <dt> và “hermêneuein” <đgt>, có nghĩa là “chú giải”, “giải thích”. Còn Hermes trong thần thoại Hy Lạp là tên của “thần đưa tin” của các thần linh, và tên của vị thần này chẳng có liên quan gì đến tên gọi của cái lý thuyết “hermeneutics” trong tiếng Anh mà ta dịch là “chú giải học” cả. Rồi người ta chua sai ngay cả đối với từ “phương pháp”. Đối với từ này, có người đã chua từ tiếng Pháp “méthode” và bảo rằng nó có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “con đường đi tới”(!). Thực ra trong tiếng Hy Lạp nó chỉ có nghĩa là “theo cách”: meta [“sau”, “theo”] + hodos [“con đường”, “cách thức”] = methodos; từ hodos ở đây phải được hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa là “cách thức”. Có người chua một từ hai lần ngay trong một trang sách. Có người chua từ nước ngoài ngay trên đầu đề bài báo. Kỳ quái hơn nữa là có nhiều người dịch một văn bản tiếng Nga hoặc nói về một tác giả viết tiếng Nga nhưng lại liên tục chua bằng tiếng Anh, không chỉ những người viết là người quen dùng tiếng Anh và không biết tiếng Nga, mà cả những người đã từng du học ở Nga và có ngoại ngữ chính là tiếng Nga. Nhiều người trong một bài viết hoặc trong một cuốn sách, lúc thì chua bằng tiếng Anh, lúc lại chua bằng tiếng Pháp, có lúc chua bằng những từ lai tạp nửa Anh nửa Pháp! Thậm chí có người chua bằng cả những từ mà ta không hề tìm thấy trong bất cứ thứ tiếng nào, ví dụ như từ “methodica” đã được chua cho từ tiếng Việt “phương pháp hệ”(!) (xem sách đã dẫn của Phạm Viết Vượng, tr. 78).

Phổ biến nhất vẫn là hiện tượng lạm dụng tiếng Anh khi chua. Ví dụ như có nhiều người mặc dù nói đến đủ các lý thuyết của đủ các nước, nhưng lại nhất loạt chỉ chua bằng tiếng Anh (mà nhiều chỗ chua sai). Ngay cả tên bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của đại văn hào Nga Lev Tolstoi, được viết một trăm phần trăm bằng tiếng Nga, mà có người còn chua bằng tiếng Anh là “War and Peace”! Hay bộ tiểu thuyết của Anh em Karamazov của nhà văn Nga Dostoevski [“Bratja Karamazovư”] cũng được chua bằng tiếng Anh là “The Brothers Karamazov”. Ở đây, các quy chuẩn về ngôn ngữ khoa học đang bị phá huỷ, một phần do bị lây nhiễm bởi hiện tượng quốc tế hoá tiếng Anh trong đời sống xã hội và thương mại. Hơn nữa, càng ngày ta càng thấy ảnh hưởng của hiện tượng quốc tế hoá tiếng Anh từ phía đời sống xã hội và thương mại sang các lĩnh vực khác đang tỏ ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong xu hướng lây nhiễm này, có người còn đề ra quy định rằng người Việt Nam khi dẫn hoặc trích các tác phẩm viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì phải dùng một số từ thông dụng của tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để ghi chú thích và cước chú; đó là các từ “sic”, “ibid.”, “op. cit.”, “loc. cit.”, “report of”, “rapport de”, “letter”, “lettre”, “et al.”, “translator”, “traducteur”… (trong các từ này có một số từ được mượn của tiếng Latin). Và họ coi đó là một quy cách “phương pháp luận” bắt buộc cho việc trình bày một công trình khoa học (Lê Tử Thành), trong khi đó các từ nói trên đều có thể được dịch ra tiếng Việt. Trong các từ trên có từ “sic” được dùng để chỉ việc trích dẫn một từ, một câu, hoặc một đoạn văn theo đúng nguyên văn, cho dù từ đó, câu đó hoặc đoạn văn đó có vẻ lạ tai hoặc sai (hay được người trích cho là sai). Đây là một từ Latin, có nghĩa là “theo nguyên văn”, nhưng hàm ý rằng lỗi của câu văn trích là thuộc nguyên bản chứ không phải của người trích. Ví dụ khi trích một câu văn viết sai trong nguyên bản như: “Nền kinh tế của Cộng hoà [theo nguyên văn] Liên bang Nga trong giai đoạn hiện nay…”, thì việc ta chú thích dòng chữ “theo nguyên văn” để trong ngoặc vuông ngay sau từ “Cộng hoà” sẽ cho thấy từ viết sai này là của nguyên bản chứ không phải là của người trích dẫn: nước Nga sau thời Liên Xô có tên là “Liên bang Nga” chứ không phải là “Cộng hoà Liên bang Nga”. Vậy tại sao lại bắt buộc phải chua từ “sic” của nước ngoài vào đây, ngay cả trong trường hợp đoạn văn trích đã được dịch sang tiếng Việt? Đó là chưa kể trên báo chí gần đây nhất, vẫn có những người Việt Nam, khi trích dẫn một bài viết hoàn toàn bằng tiếng Việt, mà họ vẫn chua từ “sic” cho những đoạn không có gì nghi vấn trong nguyên bản. Tương tự, những từ thông dụng còn lại kể trên cũng có thể được dịch ra tiếng Việt như: “như trên”, “như đã dẫn”, “sách đã dẫn”, “chỗ đã dẫn”, “báo cáo của…”, “thư từ”, “và những người khác”, “người dịch”… Và chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao lại chỉ quy định đối với những từ này và chỉ với tiếng Anh và tiếng Pháp? Vậy còn đối với các thứ tiếng khác như tiếng Nga, tiếng Đức hay tiếng Trung Quốc, v.v… thì sao? Đây là những từ không nằm trong tên nguyên tác của công trình trích dẫn, cho nên chúng có thể được dịch sang tiếng Việt hoặc để nguyên cũng được. Nhưng nếu để nguyên thì phải để nguyên cả nhiều từ khác nữa và áp dụng cho các thứ tiếng khác nữa, hà tất phải quy định cho các từ nói trên và hà tất phải quy định riêng cho tiếng Anh hay tiếng Pháp. Rõ ràng điều quy định trên đây là một quy định vô nguyên tắc. Tôi xin nói thêm: Trên thế giới không có nước nào lại đưa ra một quy định lạ lùng như vậy cả!

Và, tệ hại hơn tất cả là hầu hết các nhà khoa học nước ta khi chua từ nước ngoài đều không nói rõ từ dùng để chua là thuộc tiếng nước nào. Hiện tượng chua từ nước ngoài một cách thiếu nguyên tắc như thế đã dẫn đến những việc làm rất phi lôgic. Ví dụ như ngay trong cuốn sách rất có bài bản về phương pháp luận của nhà khoa học luận Phạm Viết Vượng mà tôi vừa nêu ở trên, ở trang 7 tác giả đã viết: “Phương pháp luận (Methodology) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là Methodos và Logos.” Một người soạn thảo một cuốn sách về lôgic nghiên cứu khoa học lại viết một câu rất phi lôgic! Xét về mặt cấu trúc ngữ nghĩa, câu nói trên hoàn toàn sai nghĩa. Viết như thế người ta hoàn toàn có quyền hiểu là: từ “phương pháp luận” trong tiếng Việt có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp! Đáng ra câu đó phải được viết như thế này: “Từ ‘methodology’ trong tiếng Anh [có nghĩa là ‘phương pháp luận’] bắt nguồn từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là ‘methodos’ và ‘logos’.” Ngoài ra câu viết trên còn có những lỗi chính tả là viết hoa không đúng chỗ [đây cũng là một lỗi về “quy cách phương pháp luận” theo đúng quan niệm của các nhà “khoa học luận”!]. Tương tự, tác giả Lê Tử Thành – một người đã từng viết nhiều về lôgic học – ở cuốn sách của ông mà tôi đã dẫn, cũng ghi ở trang 17 một câu rất phi lôgic: “Khoa học luận (épistémologie): Theo từ nguyên Hy Lạp (épistémè [theo nguyên văn]: khoa học; logos: thảo luận), khoa học luận có nghĩa là nghiên cứu khoa học.” Tại sao lại nói thuật ngữ “khoa học luận” của tiếng Việt có từ nguyên trong tiếng Hy Lạp và tại sao lại phải giải nghĩa thuật ngữ tiếng Việt theo từ nguyên Hy Lạp? Đáng ra phải giải nghĩa “theo từ nguyên Hán – Việt” mới đúng! Câu nói trên của Lê Tử Thành cũng sai về quy cách phương pháp luận, đã thế lại còn chua sai cả nghĩa và chính tả. Đáng ra phải viết là: “Từ ‘épistémologie’ trong tiếng Pháp [có nghĩa là ‘khoa học luận’] có nguồn gốc từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là ‘êpisteme’ [‘khoa học’] và ‘logos’ [‘nghiên cứu’, ‘khảo cứu’].”

Tóm lại, ở đây có hai câu hỏi đặt ra là: 1. Tại sao phải giải nghĩa từ nguyên cho các thuật ngữ; và 2. Tại sao lại phải giải nghĩa từ nguyên cho các thuật ngữ trong tiếng nước ngoài? Rõ ràng nếu không trả lời được hai câu hỏi này thì việc giải nghĩa sẽ là một việc làm vô nghĩa: nó không đem lại ý nghĩa gì cho nội dung khoa học của công trình, cũng như không đóng góp gì cho lĩnh vực ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Quả thực, hiện tượng chua và giải nghĩa từ nước ngoài một cách vô cớ như thế này sẽ gây một cảm giác rất khó chịu.

Ví dụ thứ hai gần với ví dụ thứ nhất trên đây là: có người khi bàn về tính chính xác của tên một tác phẩm nước ngoài lại căn cứ vào tên được dịch sang tiếng Anh của tác phẩm đó! Đây vẫn là biểu hiện lây lan của căn bệnh lạm dụng việc chua bằng tiếng Anh. Chẳng hạn, có người khi dịch tên tác phẩm Nghệ thuật thơ ca của Aristote [tên tiếng Pháp; tên Hy Lạp: Aristoteles] là Thi học, thì lại lập luận là phải dịch như thế mới sát ý với tên tác phẩm của Aristote là Poetics. Tiếc rằng Poetics là tên một bản dịch hiện đại sang tiếng Anh đối với tác phẩm của Aristote chứ không phải là tên gốc trong tiếng Hy Lạp, trong khi đó lại có một bản dịch khác có tên tiếng Anh là On the Art of Poetry [“Về nghệ thuật thơ ca”]. Nếu nói như trên thì hoá ra nhà triết học người Hy Lạp cổ đại Aristote cách đây hơn 2.300 năm lại viết văn bằng tiếng Anh ư? Như vậy người kia đã không hiểu một điều là muốn tranh luận về việc dịch đúng hay dịch sai thì phải căn cứ vào bản gốc chứ không được căn cứ vào bản dịch. Thực ra, tên nguyên tác của Aristote trong tiếng Hy Lạp là Peri Poietikes, có nghĩa là Bàn về nghệ thuật làm thơ. Chữ “poietikes” tương đương với từ tiếng Anh “poetics”, nhưng với nghĩa ban đầu của nó là “nghệ thuật thơ ca”, chứ chưa phải là “thi pháp” hay “thi học” theo nghĩa rộng như sau này người ta gán cho nó. Thuật ngữ “thi pháp” hiện nay được hiểu là “phương pháp sáng tác” hay “phong cách sáng tác”, nó được áp dụng cho bất kỳ một tác phẩm văn học nào, kể cả thơ ca, kịch, hay văn xuôi. Ở đây, thói quen quốc tế hoá tiếng Anh trong xã hội và thương mại đã làm cho người ta dễ quên đến mức hồn nhiên một điều là khi trích dẫn cần phải trích nguyên tác; và người ta cứ tưởng rằng chỉ cần dẫn tiếng Anh ra là mọi việc đã giải quyết xong, thậm chí khi dẫn một từ tiếng Anh (như từ poetics nói trên), người ta cũng chẳng cần phải nói rõ đó là tiếng Anh hay tiếng nước nào, cứ như thể đó là chuyện đương nhiên!

Trong các văn bản nước ngoài, nhìn chung không có hiện tượng nói trên. Chỉ khi đang nói đến một tác giả hay một tác phẩm thuộc một ngôn ngữ đã được xác định, thì người ta mới chua thêm những từ thuộc ngôn ngữ đó mà không cần ghi thêm danh tính ngôn ngữ của những từ đó. Ví dụ, khi đang nói đến đại triết gia người Đức Hegel, thì khi chua nguyên văn từ dùng của Hegel, người ta sẽ không phải chú thích thêm là “bằng tiếng Đức” nữa. Cũng như khi nói đến nhà triết học người Pháp Descartes, người ta sẽ không phải chua thêm là “bằng tiếng Pháp”. Còn khi trình bày quan điểm của chính mình, thì người ta rất ít khi phải chua thêm tiếng nước ngoài, bởi vì giữa các nước phương Tây có một sự tương đương về thuật ngữ khoa học khá phổ biến. Đặc biệt người ta không bao giờ dùng một thứ tiếng nước ngoài để chua cho tất cả mọi văn bản, giống như ở ta nhiều người vẫn dùng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để chua. Duy nhất có lẽ chỉ có tiếng Latin là được dùng để chua mà người ta không cần phải nói rõ đó là tiếng Latin, vì đó là tiếng cổ phổ thông của các nước châu Âu.

Song, có lẽ vì thấy quy cách chua tiếng nước ngoài là một chuyện mà ai cũng hiểu, cho nên các cuốn sách về phương pháp luận của nước ngoài đã không liệt kê nó vào trong số những quy cách trình bày công trình khoa học bắt buộc phải tuân theo. Thế nhưng ở Việt Nam, do có sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá, do chưa dám chắc về chữ dùng của mình cũng như chưa dám chắc về trình độ hiểu của người đọc, cho nên ban đầu các nhà khoa học đã phải chua thêm tiếng nước ngoài, mà thường là tiếng Anh hay tiếng Pháp, đối với một số thuật ngữ mới. Việc làm đó là hoàn toàn chính đáng. Sau đó có nhiều người bắt chước theo và thế là nó trở thành một hiện tượng lạm dụng mà không cần có nguyên tắc hoặc quy cách. Nhưng nếu đứng từ góc độ phương pháp luận mà nhận xét thì chúng ta sẽ thấy việc làm thiếu nguyên tắc này rất mâu thuẫn và phi lý. Còn nếu đứng từ góc độ tâm lý người tiếp nhận thì những hiện tượng như vậy sẽ gây cho người đọc một cảm giác khó chịu. Vậy tại sao những tác giả rất cẩn trọng về quy cách phương pháp luận nói trên đã không nhận ra điều ấy. Đó là vì họ đã máy móc tiếp nhận các cuốn sách giáo trình của nước ngoài mà không quan sát các hiện tượng thực tế ở Việt Nam và không dựa vào điều kiện và đặc điểm ngôn ngữ – văn hoá của Việt Nam để điều chỉnh và bổ sung thêm các nguyên tắc và quy cách mới. Đáng ra họ phải bổ sung thêm “quy cách về việc chua thêm từ nước ngoài” và “nguyên tắc về việc chua bản gốc”. Phải chăng đây là biểu hiện của một căn bệnh tiếp thu thụ động cố hữu?

Tóm lại theo tôi, về nguyên tắc, việc chua từ bằng tiếng nước ngoài chỉ được phép thực hiện trong hai trường hợp sau: 1. Khi từ được chua là một thuật ngữ mới và đang có nhiều cách hiểu và cách dịch khác nhau; hoặc khi gặp phải một thuật ngữ khoa học quan trọng thì ta có thể chua thêm thuật ngữ tương đương của ngôn ngữ nước ngoài để người đọc tham khảo nhằm xác định rõ hơn nghĩa nội hàm của thuật ngữ đó. Và tất nhiên, khi chua phải ghi rõ từ được chua là từ thuộc ngôn ngữ nào, trừ trường hợp đang nói đến tác giả thuộc một ngôn ngữ đã được xác định. 2. Khi ta đang đề cập đến quan điểm của một tác giả nghiên cứu người nước ngoài, thì ta có thể chua thêm chữ dùng nguyên văn của tác giả đó; và thông thường, tác giả là người nước nào thì ngôn ngữ viết của người đó sẽ là ngôn ngữ của nước đó. Trong trường hợp này, ta sẽ không cần chua thêm danh tính của ngôn ngữ dùng để chua, ngoại trừ trường hợp tác giả đó viết bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ thuộc quốc tịch của anh ta thì ta phải chú thích thêm. Thông thường, khi chua một từ mà người chua không ghi rõ là ngôn ngữ nào, thì người đọc hoàn toàn có quyền hiểu ngôn ngữ dùng để chua là ngôn ngữ của nguyên tác. Ví dụ, nếu nói đến nhà nghiên cứu hình thức chủ nghĩa người Nga Shklovskij [Shklovski/Shklovsky] mà chua tên công trình Nghệ thuật như là thủ pháp của ông là Art as Technique [hay Art as Device như tên một bản dịch khác] mà không ghi rõ là “bản dịch tiếng Anh”, thì người đọc có quyền hiểu rằng ông này viết công trình của mình bằng tiếng Anh, trong khi đó trên thực tế Shklovskij lại viết bằng tiếng Nga, và tên nguyên tác công trình của ông phải là tên tiếng Nga: Iskusstvo kak prijom. Hay nếu ta chua tác phẩm Nghệ thuật thơ ca của Aristote là Poetics, thì người đọc cũng hoàn toàn có quyền hiểu rằng nhà triết học Hy Lạp cổ đại này cách đây hơn 2.300 năm đã biết viết văn bằng tiếng Anh, một điều không có gì phi lý hơn!

* * *

Như vậy, những điều phân tích trên cho chúng ta thấy rằng khái niệm “phương pháp luận” có một trường bao quát rất rộng: nó đi từ thế giới quan qua các phương pháp suy lý lôgic chung, các phương pháp riêng, các thủ pháp, kỹ thuật thao tác, đến các quy cách trình bày kết quả khoa học. Tức là nó mang một ý nghĩa bao quát rộng hơn so với nghĩa được gán cho cuốn chuyên luận triết học của Descartes. Thực chất, nó cũng có nghĩa là “phương pháp học” và được dùng để chỉ một lĩnh vực khoa học cụ thể. Tuy nhiên, không nên đồng nhất nó với “khoa học luận”. Đây là nói về trường bao quát của phương pháp luận, nhưng còn về nghĩa nội hàm của nó thì ta phải định nghĩa như thế nào?

Theo định nghĩa của cuốn từ điển bách khoa vào loại mới nhất của Pháp, Le petit Larousse illustré năm 2000, thì từ méthodologie trong tiếng Pháp có nghĩa là “Việc nghiên cứu một cách có hệ thống, thông qua quan sát, đối với công việc thực hành khoa học, đối với các nguyên tắc làm thành cơ sở cho việc thực hành công việc khoa học đó cũng như đối với các phương pháp nghiên cứu mà nó sử dụng.” Theo nghĩa này thì ta có thể dịch từ méthodologie là “phương pháp luận/học”. Ngoài ra, từ méthodologie còn có một nghĩa thứ hai là “Tập hợp các phương pháp và các kỹ thuật của một lĩnh vực riêng biệt.” Theo nghĩa này thì từ méthodologie trong tiếng Pháp còn có nghĩa là “tập hợp phương pháp”. Theo định nghĩa của từ điển bách khoa Microsoft Encarta 99 Encyclopedia, từ methodology trong tiếng Anh cũng có nghĩa là: “1. Khoa học về phương pháp; 2. Một tập hợp các phương pháp được sử dụng trong một lĩnh vực hoạt động riêng biệt.” ở nước ta, “phương pháp luận” là một thuật ngữ ngoại nhập mới, cho nên nó cũng có hai nghĩa. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “phương pháp luận” là: “1. Học thuyết về phương pháp nhận thức, nghiên cứu hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội […] 2. Tổng thể nói chung những phương pháp nghiên cứu vận dụng trong một khoa học.” ở đây, có lẽ các nhà làm từ điển tiếng Việt đã tham khảo định nghĩa của từ điển nước ngoài. Song, trên thực tế ở nước ta (và có lẽ cũng như ở cả nhiều nước khác), thuật ngữ “phương pháp luận” hay “phương pháp học” thường được hiểu theo nghĩa thứ nhất của từ méthodologie trong tiếng Pháp và của từ methodology trong tiếng Anh. Tức nói ngắn gọn, “phương pháp luận” là khoa học về phương pháp.

Về mặt ngữ nghĩa thì nó là như vậy, nhưng về phạm vi bao quát thì ta vẫn có thể nói phương pháp luận bao quát cả các phương pháp cụ thể, với nghĩa là các vấn đề của phương pháp cũng thuộc lĩnh vực của phương pháp luận, bởi lẽ phương pháp luận là khoa học nghiên cứu về phương pháp. Nghĩa là ví dụ khi ta nói “những vấn đề phương pháp luận”, thì tức là có thể đó là những vấn đề về các nguyên tắc chỉ đạo về mặt phương pháp luận, nhưng cũng có thể chỉ đơn thuần là những vấn đề về các phương pháp nghiên cứu cụ thể. Còn về tên gọi, vì thuật ngữ “phương pháp luận” đã trở nên thông dụng hơn so với thuật ngữ “phương pháp học”, cho nên chúng tôi chọn thuật ngữ này và từ nay chúng ta sẽ hiểu rằng “phương pháp luận” hay “phương pháp học” cũng đều có nghĩa như nhau.

Như vậy, ta có thể định nghĩa phương pháp luận là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu một cách có hệ thống các nguyên tắc chỉ đạo thực hành một công việc khoa học, cũng như nghiên cứu các phương pháp thực hành công việc khoa học đó. Tóm lại, phương pháp luận trả lời cho câu hỏi: “phải nghiên cứu khoa học như thế nào?”.

Đây là một định nghĩa khái quát về phương pháp luận nói chung cho các ngành khoa học (tôi nói phương pháp luận nói chung chứ không phải là phương pháp luận chung). Dựa vào đó, ta có thể định nghĩa phương pháp luận cho ngành nghiên cứu văn học như sau:

Phương pháp luận nghiên cứu văn học là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu một cách hệ thống các nguyên tắc chỉ đạo việc thực hành khoa học văn học, cũng như nghiên cứu các phương pháp thực hành khoa học văn học, phục vụ cho lý luận, lịch sử và phê bình văn học.

Tóm lại, nếu như lý luận văn học trả lời cho câu hỏi “Văn học là gì?”; lịch sử văn học trả lời câu hỏi “Một giai đoạn văn học diễn ra như thế nào?”; phê bình văn học trả lời câu hỏi “Hiện tượng văn học cụ thể này có giá trị gì?”; thì phương pháp luận nghiên cứu văn học sẽ trả lời cho câu hỏi “Phải nghiên cứu văn học như thế nào?”. Song hiện tại, phương pháp luận nghiên cứu văn học vẫn được thâu tóm vào lý luận văn học, cho nên câu hỏi “Phải nghiên cứu văn học như thế nào?” cũng vẫn thuộc trách nhiệm trả lời của lý luận văn học.

Mặc dù ở nhiều nước, phương pháp luận chưa trở thành một bộ môn giảng dạy độc lập ở bậc đại học, nhưng quy chế riêng biệt của nó đã đủ rõ ràng để có thể nói tới một khoa họcphương pháp luận độc lập (bắt chước ngôn ngữ chính trị, ta có thể nói rằng bộ môn “phương pháp luận” hiện vẫn là một “bộ môn không bộ”). Hiện nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau về việc cần phải xóa bỏ cái quan niệm bấy lâu nay cho rằng các khoa học chuyên ngành chỉ cần áp dụng các phương pháp của phép biện chứng duy vật là đủ, không cần phát triển phương pháp luận riêng cho mình, coi phương pháp luận là lĩnh vực riêng của các nhà triết học. Quan niệm này bóp nghẹt tinh thần sáng tạo của những người đại diện cho các ngành khoa học riêng trong lĩnh vực tìm tòi độc lập về mặt phương pháp luận. Phương pháp luận của các khoa học cụ thể không chỉ tìm thấy cơ sở của nó trong chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà nó còn xác nhận tính chân lý của nó bằng những khám phá của chính mình.

Như tôi đã nói, khái niệm phương pháp luận có một trường bao quát rất rộng, hay nếu bắt chước thuật ngữ pháp lý để diễn đạt thì có thể nói nó có một phạm vi chỉ định rộng lớn: nó đi từ các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo nghiên cứu, liên quan chặt chẽ đến thế giới quan và hệ tư tưởng, qua các phương pháp nhận thức chung ở cấp lôgic – triết học, có thể áp dụng chung cho các ngành khoa học, đến các phương pháp nghiên cứu cụ thể áp dụng cho từng ngành hoặc từng bộ môn khoa học, đến các kỹ thuật, các thao tác và các quy cách trình bày kết quả nghiên cứu. Tức là, về mặt ngữ nghĩa, thuật ngữ phương pháp luận có thể có hai nghĩa như đã trình bày ở trên, nhưng về tầm bao quát của nó thì nó có một phạm vi bao quát rộng lớn như tôi vừa nói. Do đó, khi gặp một công trình nói tới “phương pháp luận”, người ta có thể hình dung đến một chuỗi các khâu đoạn của nó, và tuỳ vào văn cảnh cụ thể của đối tượng nghiên cứu mà xác định xem công trình ấy nói về vấn đề gì, về khâu nào hay về khía cạnh nào của phương pháp luận.

Nhưng khi nói tới “phương pháp” thì ta không thể coi nó là tất cả phương pháp luận, mà chỉ có thể hiểu nó là một thành phần, một bộ phận của phương pháp luận, hay một sự vật mang tính chất phương pháp luận. Có nghĩa là: phạm trù “phương pháp luận” là một phạm trù tổng thể, nó bao quát nhiều bộ phận, trong đó có phạm trù “phương pháp”; còn phạm trù “phương pháp” là phạm trù cục bộ, nằm trong phạm vi bao quát của phạm trù “phương pháp luận”. Trong phương pháp luận có phương pháp, còn phương pháp không thể là toàn bộ phương pháp luận. Cũng giống như việc phạm trù “văn học sử” là một phạm trù của ngành “nghiên cứu văn học”, nhưng văn học sử không thể là toàn bộ ngành nghiên cứu văn học. Nói cách khác, thuật ngữ phương pháp luận, trong một chừng mực nào đó, có thể thay thế được cho phương pháp, nhưng thuật ngữ phương pháp không thể thay thế được cho phương pháp luận”.

Ngoài ra, một công trình về phương pháp luận không nhất thiết phải thâu tóm toàn bộ “chuỗi khâu đoạn” nói trên của phương pháp luận, mà nó có thể chỉ đề cập đến một hoặc vài khâu nào đó trong cái “chuỗi” đó thôi. Chẳng hạn, có một công trình của hai giáo viên phổ thông trung học người Pháp là Chantal Labre và Patrice Soler mang tên Méthodologie littéraire (Paris, Presses Universitaires de France, 1995, 518 trang), nhưng nội dung của cuốn sách lại chỉ giới thiệu các thủ pháp phân tích trích giảng văn học. Như thế, thuật ngữ tiếng Pháp “méthodologie” ở đây phải được dịch là “phương pháp”, và tên cuốn sách sẽ phải được dịch là Phương pháp giảng văn chứ không phải là Phương pháp luận văn học. Hoặc như hầu hết các cuốn giáo trình phương pháp luận nghiên cứu khoa học của nước ta mà tôi đã dẫn, cũng chỉ giới thiệu những vấn đề chung của khoa học luận cùng những phương pháp chung của thao tác nghiên cứu khoa học và quy cách trình bày kết quả nghiên cứu, chứ chưa đề cập đến các phương pháp của từng bộ môn. Hay như gần đây nhất, GS Trần Đình Sử đã tuyển chọn các bài viết của nhà nghiên cứu văn học người Liên Xô cũ Mikhail Borisovich Khrapchenko (do nhiều người dịch) để cho xuất bản thành một cuốn sách của ông với nhan đề: Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, (Nxb. ĐHQGHN, H., 2002). Mặc dù cuốn sách có tên thuộc loại “lý luận và phương pháp luận”, nhưng trong phần phương pháp luận, những người làm sách cũng chỉ tuyển chọn hai bài viết của Khrapchenko về các phương pháp cụ thể trong nghiên cứu văn học: đó là phương pháp loại hình và phương pháp hệ thống. Điều này không có gì là sai, nó chỉ càng khẳng định cho tính hai nghĩa của khái niệm “phương pháp luận”.

Ngoài ra, cũng có những công trình khi nghiên cứu về phương pháp luận của một ngành khoa học riêng biệt chỉ đề cập đến hai khâu của phương pháp luận: đó là các nguyên tắc phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể của [hoặc áp dụng cho] ngành khoa học đó.

Đến đây tôi muốn xác định rõ rằng cuốn sách “phương pháp luận” của tôi thuộc loại công trình vừa nói trên đây. Trong cuốn sách này, tôi không giới thiệu các phương pháp chung giống như các cuốn giáo trình mà tôi đã nói tới ở nửa đầu chương này. Vì tôi có nhận xét rằng, trong số các phương pháp chung đó có những phương pháp thuộc lĩnh vực tư duy và nhận thức nói chung, tức là chúng thuộc lĩnh vực lôgic học, ví dụ như phương pháp quy nạp và phương pháp diễn dịch, phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp. Như thế chúng thuộc đối tượng của phương pháp luận nghiên cứu khoa học chung, chứ không phải là đối tượng của phương pháp luận riêng của một ngành khoa học. Còn một số phương pháp khác lại mang ý nghĩa như là các nguyên tắc, các tính chất hay các loại hình của công việc nhiều hơn, chứ không phải là các phương pháp theo đúng các tiêu chuẩn đặt ra cho một phương pháp, ví dụ như phương pháp lý thuyết, phương pháp thực nghiệm, phương pháp điều tra…, theo cách gọi của các cuốn giáo trình trên kia. Vả lại, các phương pháp chung như đã được các nhà khoa học luận nước ta giới thiệu thì theo tôi chỉ có ý nghĩa đề dẫn; còn khi được áp dụng cho một ngành khoa học hay cho một công trình khoa học, thì chúng sẽ không còn giữ được dạng thuần túy ban đầu của chúng nữa, mà chúng sẽ biến thành những phương pháp đặc thù của ngành khoa học hoặc của công trình khoa học đó.

Ví dụ, cái “phương pháp phân tích” theo cách gọi của nhiều người và được coi là một phương pháp chung, khi áp dụng cho nghiên cứu văn học thì nó sẽ không thể được gọi là “phương pháp phân tích” chung chung, mà nó phải được áp dụng để phân tích một khía cạnh cụ thể của đối tượng, chẳng hạn như để phân tích cấu trúc tác phẩm, phân tích tâm lý nhân vật… Như vậy thì khi đó nó sẽ phải được gọi là “phương pháp phân tích cấu trúc” hay “phương pháp phân tích tâm lý”, và như thế cái “từ khoá” của hai phương pháp này phải là “cấu trúc” và “tâm lý” chứ không phải là “phân tích”, đến nỗi người ta có thể quên cái vế chữ “phân tích” đó đi để chỉ nói một cách đơn giản là “phương pháp cấu trúc” và “phương pháp tâm lý”. Tương tự, những phương pháp chung khác như “phương pháp tổng hợp”, “phương pháp điều tra”… cũng phải chịu một số phận như vậy.

Những điều nói trên cho thấy rằng, khi nghiên cứu về phương pháp của một lĩnh vực cụ thể thì ta phải gắn liền phương pháp với các đối tượng cụ thể của ngành khoa học đó. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các phương pháp cụ thể cũng không thể được tiến hành một cách biệt lập, tách rời khỏi phương pháp luận chung. Ở nước ta hiện nay, các công trình về phương pháp luận nghiên cứu khoa học mới chỉ quan tâm một phần đến khâu phương pháp luận chung, trong khi đó lại quá chú trọng đến các quy cách thực hiện công trình nghiên cứu mà chưa đề cập đến phương pháp luận chuyên ngành. Còn các bài viết về phương pháp luận chuyên ngành lại chưa làm rõ được mối quan hệ giữa nó với phương pháp luận chung, cũng như chưa làm rõ được mối quan hệ giữa phương pháp luận với phương pháp. Như vậy là tình hình nghiên cứu phương pháp luận ở nước ta vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa vì có nhiều công trình chỉ quá chú trọng đến những lĩnh vực mà thực ra chúng có thể được gọi là phần phụ lục của phương pháp luận, ví dụ như lĩnh vực quy cách trình bày một công trình khoa học. Thiếu vì chúng chưa quan tâm thoả đáng đến các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và đến mối quan hệ giữa các phương pháp [luận] chuyên ngành với các phương pháp [luận] chung. Do đó ở đây, đối với lĩnh vực phương pháp luận nghiên cứu văn học, tôi sẽ tập trung sự quan tâm vào hai khâu: các nguyên tắc phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể. Theo tôi, đây là hai khâu vẫn chưa được bàn đến một cách thấu đáo và biện chứng. Nhưng trước khi rút ra các nguyên tắc phương pháp luận và tìm hiểu các nguyên tắc, tôi muốn chúng ta cùng xét xem các phương pháp luận có tính hệ thống hay không.



Cuộc sống giống như bông hoa hồng

Vẽ đẹp luôn đi cùng với gai.

Facebook: Nguyenhien

Gmail: nguyenhienduong2k@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024