Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
26/04/2017 13:04 # 1
nguyenthang_ktr
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 180/300 (60%)
Kĩ năng: 148/210 (70%)
Ngày gia nhập: 06/10/2011
Bài gởi: 4530
Được cảm ơn: 2248
Bàn thêm về cơ sở văn hóa Việt Nam


Bàn thêm về cơ sở văn hóa Việt Nam

 

 

                                                                        

 

Những năm gần đây, môn cơ sở văn hóa Việt Nam đã được đưa vào chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được giảng dạy trong một số trường đại học. Tuy vậy, công việc nghiên cứu và giảng dạy môn học này chưa tương xứng với chức năng và nhiệm vụ của nó, thậm chí, chúng ta chưa có một giáo trình đích thực trình bày những vấn đề cần và đủ của văn hóa Việt Nam với tư cách một cộng đồng văn hóa dân tộc - quốc gia.

 

1. Về môn cơ sở văn hóa Việt Nam

Môn văn hóa Việt Nam vốn đã được đưa vào chương trình Cao đẳng tiểu học từ năm 1938 cho cả Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ dưới thời thuộc Pháp. Phải nói rằng, chính quyền thực dân đủ khôn ngoan để hiểu rằng một thế hệ được đào tạo chu đáo và am hiểu văn hóa bản địa sẽ hữu dụng và tử tế hơn nhiều so với đám công chức được cám dỗ bởi lợi ích thực dụng và bị lừa mị bằng những học thuyết mù mờ.

Chúng tôi nhiều lần khẳng định rằng, một ít kiến thức về văn chương, lịch sử chống ngoại xâm, địa lý tự nhiên và kinh tế chưa đủ cung cấp cho học sinh phổ thông hiện nay hiểu biết tổng quan về văn hóa Việt Nam. Vào đại học hay trung học chuyên nghiệp, hầu hết sinh viên không gặp lại các môn học này, cũng không tiếp xúc với khảo cổ học, tộc người học hay văn hóa dân gian. Vì thế, hiểu biết về văn hóa Việt Nam của thanh thiếu niên chúng ta có phần hạn chế. Một mặt, ngoài sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên các ngành khác không nhất thiết, và trong thực tế cũng không học thêm môn văn chương hay lịch sử. Nhưng mặt khác, đối với một bác sĩ, một cử nhân kinh tế, một kỹ sư, luật sư hay một chuyên gia lập trình, có thể những kiến thức chuyên biệt về văn chương chưa hẳn đã thiết dụng, nhưng tri thức về văn hóa dân tộc thì chắc chắn là nguồn sữa tinh thần hình thành nhân cách mỗi cá thể trong cộng đồng. Vốn hiểu biết cơ bản và có hệ thống về văn hóa dân tộc là hết sức cần thiết cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, hình thành nhân cách văn hóa, bản lĩnh chính trị và cả tiềm lực chuyên môn của họ. Văn hóa Việt Nam phải là môn học bắt buộc và hữu ích không chỉ trong chương trình đại học, cao đẳng, dạy nghề, mà trước hết trong chương trình phổ thông.

Cho đến nay, đã có nhiều cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam. Có người trình bày lịch sử văn hóa Việt Nam chỉ như là lịch sử tư tưởng, thậm chí chỉ là lịch sử tôn giáo Nho, Phật, Lão. Có người trình bày lịch sử văn hóa như là thông sử quốc gia, chỉ có điều, thay thế cho những chiến thắng ngoại xâm thì các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn được minh họa bằng những thành tựu văn hóa vật chấtvăn hóa tinh thần. Có người trình bày văn hóa Việt Nam từ lý thuyết về các nền văn minh, thấy nó cùng một nửa trong văn hóa nhân loại gốc nông nghiệp, bên cạnh nửa kia gốc du mục.

Từ nhiều năm nay, ở miền Bắc phổ dụng giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam do tác giả Trần Quốc Vượng chủ biên. Cuốn sách tung ra vô số khái niệm, nhưng toàn bộ phần lý luận chưa cung cấp những khái niệm công cụ hữu dụng để nghiên cứu thực tế văn hóa Việt Nam. Phần lý luận không ăn nhập với những phần còn lại, không một khái niệm nào ở đây được sử dụng làm công cụ trong những phần tiếp theo đi vào thực tế văn hóa Việt Nam. Thậm chí không một khái niệm nào được phân tích đầy đủ, ngay cả văn hóa là gì, văn hóa Việt Nam là gì theo quan điểm của giáo trình cũng không được các tác giả xác định rõ ràng.

Phần diễn trình văn hóa được viết bằng ngôn ngữ sử học, với các thời kỳ tiền sử, sơ sử, thiên niên kỷ đầu công nguyên, thời tự chủ với các giai đoạn Lý Trần, Minh thuộc và Hậu Lê, TK XVI đến năm 1858, từ năm 1858 đến năm 1945, và từ 1945 đến nay. Trên thực tế văn bản, đây có vẻ là một tài liệu khảo cổ học, sử học hơn là một giáo trình văn hóa học.

Nếu diễn trình văn hóa được viết bằng ngôn ngữ thông sử, thì không gian văn hóa được viết bằng ngôn ngữ văn chương, khó có thể gọi là giáo trình. Vẻ đẹp và hấp dẫn của từng vùng văn hóa được các các giả miêu tả bằng ngôn ngữ đậm đà chất văn, nhưng người đọc không rõ các tác giả phân vùng văn hóa dựa trên bảng tiêu chí nào.

Có phần phổ dụng hơn ở miền Nam và trên toàn quốc là giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam của tác giả Trần Ngọc Thêm. Cuốn sách này là bản rút gọn chuyên luận khoa học của ông Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, cái nhìn hệ thống - loại hình mà lần tái bản năm 1997 dày 684 trang. Đây là một chuyên luận công phu, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận hứng thú và bổ ích. Khai thác thành quả lao động của các nhà nghiên cứu lớp trước, với tư duy và ngôn ngữ khúc chiết, tác giả đã cấp thêm năng lượng cho nhiều đề quyết động trời của họ có cơ hội phát sáng và thuyết phục.

Chúng tôi cho rằng, tìm về cội nguồn văn hóa Việt Nam, theo lý thuyết các nền văn minh, thấy bản sắc của nó cùng với một nửa văn hóa nhân loại gốc nông nghiệp, vì thế, không gian văn hóa không liên quan đến lãnh thổ quốc gia, thời gian văn hóa không liên quan đến quá trình hình thành cộng đồng dân tộc và những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam là hai chuyện khác nhau.

Về điểm này, tác giả Lê Thành Khôi nhận xét: “Đứng về phương diện phương pháp luận, để giảng nghĩa một sự kiện lịch sử xã hội, gốc không quan trọng bằng các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa đương thời. Gốc là một khái niệm khái quát quá, lờ mờ quá, nhất là một gốc du mục hay nông nghiệp đưa ra nhiều xã hội khác nhau. Có gốc không đủ để đi đến một quan niệm và cũng không đủ để đi đến một khái niệm. Nhất là khi gốc là của toàn thế giới”(1).

Ai cũng biết rằng, cùng một gốc Đông Nam Á cổ đại đã hình thành những cộng đồng văn hóa dân tộc - quốc gia Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Inđônêxia… khác nhau. Nhiều tộc người cùng tồn tại lâu đời trên mảnh đất của chúng ta hôm nay, nhưng từ bao giờ họ liên kết thành cộng đồng dân tộc - quốc gia; cộng đồng dân tộc Việt Nam và văn hóa dân tộc Việt Nam đã ra đời từ bao giờ và như thế nào; cùng với sự đa dạng văn hóa tộc người thì đâu là chất kết dính dân tộc, là nền tảng tinh thần của một cộng đồng dân tộc - quốc gia; cần phải làm gì và làm như thế nào để hạn chế lực ly tâm sắc tộc và để phát huy lực hướng tâm, tính thống nhất dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay... Những vấn đề rất cơ bản này lại chưa được phân tích đầy đủ trong hầu hết các giáo trình hiện có về văn hóa Việt Nam.

 

2. Có hay không văn hóa dân tộc - quốc gia

Nhà chính trị học người Mỹ viết: “Tài sản quý giá nhất mà chúng ta truyền lại được cho nhau là tư cách thành viên của chúng ta thuộc về một cộng đồng người”(2). L.White cũng khẳng định như vậy, rằng nhu cầu của mỗi cá nhân phải thuộc về một cộng đồng là một nhu cầu an sinh thuộc bản chất của con người. Nhưng cộng đồng ở đây là cộng đồng nào? Tộc người, dân tộc- quốc gia, nền văn minh khu vực hay cộng đồng toàn nhân loại?

Có hay không một cộng đồng văn hóa dân tộc - quốc gia đang là vấn đề thời sự phức tạp. Có lý thuyết cho rằng mỗi quốc gia thường gồm nhiều tộc người, không có bản sắc dân tộc chung chung, chỉ có bản sắc từng tộc người cụ thể. Có văn hóa Mường, Mông, Ba na, Kinh… nhưng đâu là văn hóa Việt Nam. Thế giới đang chứng kiến xu hướng phân rã và xung đột sắc tộc trong nội bộ một quốc gia. Đến nỗi Mazzini từng chủ trương mỗi tộc người nên có một quốc gia và một quốc gia dành cho chỉ một tộc người.

Nhiều học giả phương Tây cho rằng nhân loại tập hợp thành năm hoặc bảy, tám hoặc mười hai, hai mốt hoặc hai ba nền văn minh khu vực. Các tộc người có chung bản sắc văn hóa tập hợp thành những nền văn minh. Không có đơn vị văn hóa dân tộc- quốc gia. Quốc gia dường như là những liên kết ngẫu nhiên, thường chia tách tộc người và tạo ra những đường biên bất hợp lý giữa các nền văn minh. Những khu vực giao thoa ấy, những khớp nối bất đắc dĩ ấy chính là tụ điểm của những tranh chấp và xung đột.

          Lấy tổ chức quân đội để lý giải kết cấu cộng đồng văn minh nhân loại, Samuel Huntington viết: “Trong một thế giới có tính đến yếu tố văn hóa, các tiểu đội ở đây là các bộ tộc và các nhóm dân tộc thiểu số, các trung đoàn ở đây là các quốc gia và các quân đoàn là các nền văn minh. Phạm vi mà ở đó con người trên toàn thế giới khác nhau bởi các dòng văn hóa càng tăng có nghĩa là các cuộc xung đột giữa các nhóm văn hóa ngày càng trở nên quan trọng: các nền văn minh là các thực thể văn hóa rộng lớn nhất, do vậy, các cuộc xung đột văn hóa giữa các nhóm có nền văn minh khác nhau trở thành các vấn đề trọng tâm của hệ thống chính trị toàn cầu”(3).

S.Huntington xuất phát từ đặc tính của các tiểu đội để lý giải sự đụng độ giữa các quân đoàn, bỏ qua vai trò ngẫu nhiên của thể chế trung đoàn, nghĩa là bỏ qua cấp độ dân tộc - quốc gia. Các thể chế quốc tế bây giờ khẳng định quyền phán xét và bó hẹp những gì một quốc gia có thể làm trong khuôn khổ lãnh thổ của mình, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng mà trước đây do mỗi quốc gia thực hiện. Các tổ chức quốc tế đầy sức mạnh đang hình thành để trực tiếp đến từng công dân. Biên giới quốc gia ngày càng trở nên mong manh!

Sự thật lịch sử không hẳn như vậy.

Bản đồ chính trị toàn cầu dù được vẽ đi vẽ lại nhiều lần thì vẫn là bản đồ các quốc gia. Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế mà thành viên là các quốc gia, khó hình dung trong tương lai, các ghế ở đây sẽ được phân chia theocác nền văn minh. Hàng nghìn năm nay, dù đối đầu hay đối thoại trong quan hệ quốc tế thì nhân loại vẫn tiến hành, trước hết và cơ bản ở cấp trung đoàn. Ở cấp này, trong thực tế không một quốc gia nào chỉ thuộc về một nền văn minh thuần túy, mỗi quốc gia là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Điều này có nghĩa không thể đánh đồng xung đột giữa các quốc gia như là đụng độ giữa các nền văn minh. Cấp trung đoàn không phải là khái niệm công cụ trong lý thuyết của Huntington, nhưng chính dân tộc - quốc gia mới là thành viên trong các liên minh quân sự, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa hiện nay. Trong giao lưu quốc tế, chúng ta thường khẳng định căn cước của mình là người Việt Nam, người Trung Hoa, người Mỹ... Văn hóa dân tộc - quốc gia tồn tại hiển nhiên trong lịch sử nhân loại.

 

3. Các tiêu chí của một cộng đồng văn hóa dân tộc - quốc gia

Mỗi tộc người không nhất thiết có riêng một nhà nước mới có thể phát triển văn hóa sắc tộc của mình. Nhưng quyền tự chủ dân tộc thì không thể không gắn với vai trò của nhà nước. Quá trình hình thành dân tộc gắn liền với quá trình hình thành nhà nước và nhà nước là điều kiện của sự tồn tại dân tộc. Hiển nhiên, đó phải là một nhà nước tồn tại lâu dài trong lịch sử, là người đại diện chân chính và duy nhất của cộng đồng dân tộc.

 Nguyễn Trãi xác định một trong những tiêu chí của nền văn hiến Đại Việt như sau:

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Mỗi cộng đồng văn hóa dân tộc - quốc gia gắn liền với tính chất và vai trò của một thể chế chính trị, một bộ máy nhà nước. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Chính sách văn hóa là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại, trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.

Khi các tộc người đã chung lưng đấu cật khai phá mảnh đất để cùng nhau sinh sống, đã trả bằng giá máu từ thế hệ này đến thế hệ khác để dựng nước và giữ nước thì tình yêu đất nước trở thành tình cảm thiêng liêng của mỗi con người, số phận lịch sử là chất keo bền chặt gắn kết cộng đồng. Sự tồn vong của quốc gia được thử thách qua sóng gió lịch sử càng lâu dài gian khổ bao nhiêu, thì sự thống nhất cộng đồng dân tộc càng bền chặt bấy nhiêu.

Sự thống nhất của cộng đồng văn hóa dân tộc - quốc gia đa dạng tộc người được xây dựng trên cơ sở một tộc người giữ vai trò chủ thể. Quá trình hình thành văn hóa dân tộc - quốc gia cũng là quá trình hình thành tộc người chủ thể này.

Có trường hợp một tộc người ngoại lai mở rộng lãnh thổ, triệt hạ dần người bản địa và xây dựng nền văn hóa dân tộc- quốc gia hầu như chỉ của họ. Trường hợp Việt Nam thì khác. Sự hình thành người Việt (Kinh) như một quá trình phát triển nhân chủng học lâu dài nên tộc người chủ thể và các tộc người khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam có ý thức về cội nguồn chung.

Sự hình thành tộc người chủ thể gồm hai xu hướng vận động lâu dài trong lịch sử. Thứ nhất, quá trình chiếm lĩnh đồng bằng và đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nông nghiệp lúa nước cũng là quá trình người Việt trở thành điểm hội tụ văn hóa các tộc người. Người Việt không hẳn là một tộc thuần chủng, trong thành phần của nó có đủ các yếu tố huyết thống và văn hóa của các tộc người anh em. Thứ hai, xu hướng Việt hóa các tộc người trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa. Trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, ngày càng có nhiều trường hợp nguồn gốc tộc người chỉ là chữ ghi trong lý lịch, bản thân họ đã là người Việt, có người nói hai thứ tiếng, thậm chí có người chỉ nói được tiếng Việt, quên luôn cả tiếng tộc người của mình.

Có thể nói rằng, diện mạo chính của văn hóa tộc người là văn hóa dân gian, những giá trị văn hóa vật chất, ăn, mặc, ở, đi lại, những phong tục tạp quán, lễ hội cổ truyền, những dị bản văn học truyền khẩu, sử thi, cổ tích, ca dao tục ngữ… Nhưng diện mạo văn hóa dân tộc - quốc gia không chỉ có vậy. Văn hóa dân gian tạo nên bề dày lịch sử của văn hóa dân tộc, nhưng văn hóa bác học mới là bộ phận quan trọng tạo nên đỉnh cao, tầm vóc của nó.

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có (Nguyễn Trãi)

Chính những hào kiệt, những hiền tài, những danh nhân qua các thời đại là những mốc son ghi dấu bề dày, tầm cao của một nền văn hiến lâu đời.

Tác giả Trần Văn Giàu nhận định: “Bị đô hộ hàng mấy mươi thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn nhiều và số dân đông hơn gấp bội mà sau ngàn năm ta vẫn là ta hẳn không phải vì những mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn, mà chủ yếu là nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình, chứ lấy sức đọ sức, lấy số đọ số, thì dân Việt Nam, nước Việt Nam chỉ còn là đối tượng của khảo cổ học”(4).

Sức mạnh thần kỳ ấy chỉ có được khi văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân, khi những giá trị tinh thần đi vào quần chúng chuyển hóa và nhân lên gấp bội lực lượng vật chất.

         Nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ mới, nơi mà văn hóa có thể là lý do của những xung đột, cũng có thể là đôi đũa thần của sự hóa giải. Cần làm gì và làm thế nào để văn hóa thực sự là động lực của phát triển kinh tế xã hội, để văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập tồn tại như một bản sắc độc đáo, một báu vật của cộng đồng nhân loại, để người Việt Nam trong giao lưu tiếp xúc với bạn bè quốc tế tự khẳng định một phong cách, một nhân cách, một bản lĩnh Việt Nam? Những câu hỏi ấy, trong khoa học xã hội và nhân văn, môn học về văn hóa Việt Nam như một cộng đồng văn hóa dân tộc - quốc gia thống nhất phải nhận về mình trách nhiệm góp phần trả lời, trước hết và chủ yếu.

 



Nguyễn Anh Minh Thắng- K17 KTR3
Gmail: nguyenthang1593@gmail.com

...

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm 1 ngày sống để yêu thương!!!

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024