Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
11/06/2010 12:06 # 1
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com


Tạm biệt X-game …

Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên vì cách quan sát của Joe khi anh chàng tự nhận mình là “hâm” này nhìn thấy “thời” của các trào lưu từ chơi Xgame, chuột Hamster… đến mốt da bọc yên xe máy Louis Vuitton hàng nhái. Hãy cùng khám phá bài viết mới của Joe nhé!

Năm năm vừa rồi tôi chứng kiến nhiều cái chết không chảy máu. 

 

Chết chảy máu là  chết dần - ít nhất phải có thời gian máu chảy ra. Chết không chảy máu là chết nhanh và chết ngầm, người xung quanh không biết gì; một hôm thấy nó không còn hít thở (mà dừng từ lúc nào vậy?).

 

Chắc các bạn vẫn nhớ loại xe đạp X-Game (và các kiểu thiết kế độc đáo), phổ biến cách đây hai năm. 
 

 

Tôi sẽ tóm tắt lại trào lưu X-game: Tháng đầu không thấy xe đạp X-game nào ngoài đường. Tháng thứ hai thấy vài chiếc do vài học sinh sành điệu mua. Tháng thứ ba hầu như em nào cũng chơi, các con đường đầy học sinh trẻ khỏe, đạp và đạp (thở và thở), người nặng ngồi trước, người nhẹ đứng sau. 

 

Tháng thứ tư không thấy xe đạp X-game nào ngoài đường. 
 
"Thời" của X-game đã qua

 

Thị trường chứng khoán cũng vậy. Không ai chơi. Ai cũng chơi. Không ai chơi. 

 

Vietnam Idol năm đầu tiên là chương trình Việt Nam đạt kỷ lục về số lượng người xem.Vietnam Idol năm thứ hai số lượng người xem giảm đi gần một nửa. Vietnam Idol năm thứ ba số lượng người xem giảm hẳn và rồi bị hủy năm đó (năm nay thấy xôn xao bắt đầu khởi động lại). 

 

Blog cũng vậy, hello rồi bye bye. Lúc đầu mọi người để ý nhiều, tham gia đầy. Mọi người thấy nhiều cái thú vị. Nhưng sau một thời gian mọi người thấy thêm nhiều cái chán - “Lại là hai trang toàn phàn nàn về cái thằng người yêu đó, điên quá, mày gửi lại tao 10 phút vừa mất ấy!”.

 

Blog hay vì tự do; blog chán vì tự do.

 

Nhiều blog thành “blog ma”, chủ blog không còn dành thời gian tưới bãi dâu. Nhu cầu chia sẻ của mọi người vẫn còn, nhưng không phải sự chia sẻ dài dòng nữa. Các mạng xã hội “mini” nhảy vào ăn vài dòng còn lại (ăn ít nhưng ăn thường xuyên), thế là blog Việt chết.

 

Còn nhiều ví dụ  khác, cố tình lộ ảnh nóng, nuôi con hamster, hoặc gần đây nhất là hát lipsync trên Youtube. Kể cả việc phàn nàn về số lượng trào lưu cũng thành trào lưu đấy; đánh tội phạm chết thành tội phạm ngay!

 

Nhìn chung, sống ở  Việt Nam trong giai đoạn “đổi nhiều đổi nhanh”  này rất thú vị, khi già tôi sẽ nhớ lại và thấy…nhớ nhớ. Nhưng bây giờ tôi muốn dành chút thời gian để tạm biệt “blog và đồng bọn” - là những trào lưu đã bước qua đời ta. 

 

Tạm biệt blog 360! Tạm biệt xe đạp X-game. Tạm biệt con Hamster. Tam biệt thị trường chứng khoán (nhớ quay lại sớm nhé!). Tạm biệt  hotboy và hotgirl kiểu xưa, việc duy nhất là chụp hình để post online. Tạm biệt Trái Tim Việt Nam Online. Tạm biệt Harajuku. Tạm biệt da bọc yên Louis Vuitton hàng nhái. Tạm biệt... tạm biệt… tạm biệt…

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
11/06/2010 13:06 # 2
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Cơ hội ngầm


Tưởng như chẳng liên quan giữa câu chuyện Joe chia sẻ về việc thi trượt ĐH và chuyện “Cô gái lái xe bằng chân”. Thực tế đó là cách Joe đem lại một cách nhìn thoải mái và xác thực về tương lai của người trẻ. Hãy dũng cảm chấp nhận và bước đi…

Chúc mừng các em học sinh vừa hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Tôi sẽ tặng mỗi em một quả Dâu.

 

Bước tiếp theo là thi đại học. Sẽ có hai hết quả: thi đỗ và thi trượt.

 

Tôi chúc mừng các em sẽ thi đỗ. Nhưng thi đỗ cũng đủ là một lời chúc mừng rồi, tôi chúc mừng thêm là cho đường vào cốc nước mía.

 

Hôm nay tôi muốn dành một lời chia sẻ đặc biệt cho các em học sinh sẽ thi trượt đại học. Các em may mắn hơn.

 

Vì sao hả chú  Joe?

 

Các em ngồi xuống đi, để chú Joe sẽ nói. 




 

Trước hết, các em nghiên cứu các trường đại học, chuẩn bị và thực hiện bài thi. Chính điều đó chứng tỏ các em muốn học tiếp, và sự mong muốn ấy là trên hết. Ngoài sự mong muốn ấy ra có cái người ta gọi là “khả năng” còn tôi gọi là “chuyện nhỏ”.

 

Khả năng là khái niệm mơ hồ và chủ quan. Khái niệm càng mơ hồ và chủ quan với các môn xã hội, văn hóa, v.v. Môn toán thì đơn giản, hai cộng hai bằng bốn. Nhưng thế nào là bài viết tốt?...

 

Ví dụ, em thi trượt đại học chỉ có nửa điểm. Biết đâu ông cuối cùng chấm bài viết của em vừa cãi nhau với anh taxi xong. Hôm trước ông ấy cho một bài viết chất lượng tương đương bài em 7 điểm. Nhưng hôm nay căng thẳng quá (còn chủ để em chọn là “Cách ứng xử nơi công cộng”) nên ông ấy cho 6.5 điểm thôi.

 

Ông không muốn như thế  đâu; ông thực sự muốn công bằng với em. Không ai muốn em trượt vì lý do cá nhân, riêng tư của ban giám khảo. Nhưng ông ấy là con người, không phải robốt. Ông vô thức nhận ra lỗi ngữ pháp và tư duy (có thể là rất nhỏ) hôm trước không nhận ra. Rất có thể em thi trượt Đại Học Văn Hóa một phần vì một hành động thiếu văn hóa của một anh taxi chưa bao giờ liên quan đến đời em.

 

Khả năng của em hơn đa số học sinh thi trượt, nhưng “hóa năng” của em thì chưa; phải có vật xúc tác mới tạo được sự phản ứng. Vật xúc tác ấy là sự may mắn.

 

Hoặc đơn giản  em không đồng quan điểm với người chấm. Em viết quá hay, khái niệm quá phong phú, quá mới lạ, người chấm không cảm nhận được hết. Vũ Trọng Phụng xuất bản vở kịch đầu tay khi mới 19 tuổi, khi đó đã hơn đa số biên kịch cả nước, chứ nói gì đến các thầy cô giáo trong trường! Em có cái nhìn thiên tài trong khi người chấm điểm có cái nhìn thiên vị; thế là thiên lệch mất. Không phải lỗi tại em, không phải lỗi tại người ta; em sinh ra là thế, người ta sinh ra là vậy. Nếu em vẫn muốn đổ lỗi cho một ai đó em cứ tạm thời đổ lỗi cho Cô gái lái xe bằng chân, cho nó vui!
 

 

Đôi khi vấn đề không phải tại người chấm điểm, họ chấm hết sức tốt và công bằng. Vấn đề tại số phận trêu đùa bạn. Tôi có một người bạn là vận động viên trượt tuyết. Bạn ấy tập cả đời để vào Olympic, và cuối cùng ước mơ thành thật. Nhưng ngay sau lễ khai mạc bạn ấy bị cúm, từ vận động viên có khả năng giành huy chương vàng bạn ấy chuyển thành vận động viên bị loại ở vòng đầu, tất cả vì ăn hambơgơ ngoài đường mà không rửa tay. 

 

Có khi em thi trượt đại học chỉ vì máy điện thoại bỗng hỏng, chuông báo thức không reo khiến cho em dậy muộn 30 phút.

 

Thậm chí em thi trượt nhiều điểm, các bài viết rõ ràng có vấn đề, cũng chẳng sao. Sự mong muốn vẫn là trên hết. Sự mong muốn cộng thời gian cộng kế hoạch tốt cộng tính kiên nhẫn bằng sự thành công - tạm thời bỏ “khả năng trong mắt người khác” ra khỏi phương trình . 

 

Em thi trượt đại học thì sao?

 

Em có ý định làm bác sĩ ư? Em có thể đi làm thêm (hay làm tình nguyện) ở bệnh viện lớn. Có nhiều bệnh nhân không có người đến thăm. Em có thể đọc sách cho họ nghe, tiếp cận với môi trường trong bệnh viện, làm quen với nhiều chú bác sĩ, cô y tá. Đêm về em nhớ ôn thi, hai năm sau khi đã vào Đại Học Y em sẽ biết thế nào là giáo viên “chém gió”, thế nào là chuyển kiến thức cần thiết.

 

Em có thể mở công ty nhỏ, mỗi tháng xếp hàng ở cơ quan thuế bắt chuyện các anh chị kế toán đứng sau. Em có thể đi làm nửa năm ở Ninomaxx rồi đi du lịch bụi ở Campuchia vài tháng, học tiếng Khmer và nghiên cứu Đạo Phật. Em có thể soát vé ở Nhà hát tuổi trẻ xem hết các vở kịch rồi sáng làm “đạo diễn thử nghiệm” cho một nhóm trẻ em mồ côi.

 

Em có thể làm rất nhiều thứ.

 

Quan trọng nhất là em lên kế hoạch cụ thể. Thi trượt mà không có kế hoạch cụ thể là mất hết giá trị của việc thi trượt. (Như tôi nói đó là giá trị lớn). Thi trượt không biết làm gì sau là nguy hiểm lắm. Thi trượt lên kế hoạch phong phú là thành lãnh đạo của ngày mai. 

 

Đương nhiên tôi vẫn muốn các em chuẩn bị tốt cho đợt thi đại học. Thi đỗ là cơ hội rõ ràng. Nhưng song song việc ôn thi, tôi khuyên các em lên Kế hoạch B chi tiết trong trường hợp thi trượt. Thi trượt là cơ hội ngầm.

 

Biết đâu các em học sinh thi đỗ nửa điểm mới là người bị đen!

 

Theo tôi, đi học suốt từ 4 đến 21 tuổi không tốt cho sức khỏe tâm thần. Nguy cơ thành “bộ phận của bộ máy” cao, 40 tuổi phát điên lên, phải thuê nhà đặc biệt ở huyện Trâu Quỳ gần nhà “Cô gái lái xe bằng chân”. (Các em thi đỗ nhớ lên kế hoạch “nghỉ” năm sau khi tốt nghiệp, đừng bao giờ nhận lời đi làm luôn công ty gần nhà!)

 

Lúc 17 tuổi tôi thi đỗ đại học. Nhưng rất may năm đầu tôi mất động cơ, thi trượt nhiều môn, điểm từ A xuống tận F. Tôi đã phải nghỉ. Vậy tôi đã lên kế hoạch. Tôi đã đi làm ở Anh nửa năm (lần đầu tiên xa nhà), rồi đi du lịch ở Châu Phi mấy tháng. Khi về Canada tôi học lại ở trường khác. Lần đó tốt nghiệp với điểm cao nhất lớp. Hóa ra tôi là sinh viên có động cơ.

 

Thời gian “lang thang”  năm ấy cho tôi cảm nhận mùi “quốc tế”. Tôi biết tương lai tôi sẽ ở đất nước khác. Chính vì thế tôi sang Việt Nam năm sau khi tốt nghiệp.

 

Nếu không thi trượt các môn lúc ấy không có blog của Joe bây giờ. Thay vì ngồi viết bài bằng tiếng Việt, tôi ngồi làm chuyện vớ vẩn ở văn phòng xấu xí, sắp phát điên, thấy cuộc đời không có món quà thú vị cho tôi bóc, muốn đổ lỗi cho người khác nhưng biết gì về “Cô gái lái xe bằng chân” nên đổ lỗi cho chính mình, lại càng phát điên hơn!

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
11/06/2010 13:06 # 3
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com


“Bị mất” đời tư


Nhân câu chuyện “đời tư của một ngôi sao” được bàn luận sôi nổi mới đây, Joe đã bày tỏ cách nhìn nhận của cá nhân mình về vấn đề “bí mật đời tư” trong bài viết mang tính tham khảo dưới đây.

Hôm trước tôi đọc bài về một cô ca sỹ nổi tiếng kiện một tờ báo vì “xâm phạm nghiêm trọng đến đời tư của cô”. (Cô ấy nổi tiếng đến mức tôi không cần nêu tên).

 

Mở đầu, tác giả phân tích về cơ sở pháp luật:

 

“Trên thực tế, quyền bí mật đời tư của cá nhân được luật pháp bảo vệ theo quy định tại điều 38, Bộ luật Dân sự. Theo đó: “việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

 

“Thế nào là ‘bí mật đời tư’?” tác giả hỏi. “Luật không quy định chi tiết thế nào là ‘bí mật đời tư’, và đây cũng là vấn đề pháp lý gây tranh cãi nhiều nhất. Ý kiến chung nhất của các chuyên gia thì cho rằng ‘bí mật’ là thông tin cần được che giấu, không công khai, chỉ một số ít người liên quan được biết”.

 

Tôi có một câu hỏi khác: Thế nào là “cá nhân”?

 

Cụ thể, một “cá nhân” là một người đến từ đâu? Bởi tôi thấy một số tờ báo hay khai thác “đời tư” của các ngôi sao nước ngoài, đăng tin “cần được che giấu” (ít nhất trong mắt các sao nước ngoài ấy), không xin phép để “người đó đồng ý” theo yêu cầu của điều 38 Bộ luật Dân sự.

 

Tôi là người nước ngoài nên đặc biệt quan tâm chuyện này.
 


 

Hôm nay tôi truy cập vào một trang web thời sự lớn của Việt Nam. Tôi gõ “Lộ ảnh nóng” và hộp tìm kiếm. Có 24 kết quả. Có bài nhắc một cô ca sỹ trẻ của một kênh truyền hình thiếu nhi bên Mỹ. Có bài nhắc “tình địch” của một nữ diễn viên Hồng Kông bước qua tuổi 40. Có bài nhắc một nam diễn viên Hồng Kông giờ vẫn đang buồn vì một vụ mất laptop cách đây mấy năm. Có một hoa hậu Châu Âu, một hoa hậu Châu Mỹ, một hoa hậu Châu Á. Toàn bộ 24 kết quả ấy không bài nào nhắc “nạn nhân” Việt Nam. Mà đó là trang báo Việt Nam.

 

Các bạn thừa biết có sao Việt lộ ảnh, clip, hay điều gì đó khác “nóng” trong mấy năm gần đây. Nhưng tôi nghiên cứu hết các tờ báo lớn, (không phải forum nhé) chỉ thấy vài trường hợp viết cụ thể (không “nửa viết nửa giấu”) về trường hợp sao Việt lộ ảnh nóng - mà vài trường hợp đó nhiều blogger nghi là “PR”. Không có sự đồng ý của “đại diện nạn nhân”, các blogger phân tích, báo không dám đưa lên đâu. Các điều đó dẫn đến một câu hỏi tiếp theo: một số tờ báo “ngại” với Ta nhưng lại “không ngại” với Tây có phải đúng pháp luật không?

 

Tôi không phải luật sư, nhưng điều 2 của Bộ luật dân sự nói “Bộ luật được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”, nên tôi đoán rằng một tờ báo Việt Nam viết về một ngôi sao nước ngoài vẫn phải theo luật ấy.

 

“Các sao nước ngoài sẽ không kiện đâu.” (Có đọc đâu mà kiện?) “Các tin ấy lên báo của nước ngoài rồi.” “Văn hóa bên kia thoáng hơn.” Tất cả chỉ là cơ sở tâm lý, chưa phải cơ sở pháp luật.

 

Cách đây không lâu người nước ngoài mua vé trên VietNam Airlines phải trả giá đắt hơn người Việt. Người nước ngoài giàu (là cơ sở tâm lý) còn người Việt Nam vẫn nghèo. Trung bình là thế, nhưng “trung bình” là khái niệm nguy hiểm. Lúc ấy có nhiều sinh viên nước ngoài không hiểu vì sao mình phải mua vé với giá cao trong khi các đại gia Việt Nam có thể mua vé với giá thấp. Cuối cùng luật đã được chỉnh sửa và tôi có thể mua vé với giá “Việt Nam”.

 

Vậy tôi thấy trường hợp của cô ca sĩ này thú vị. Cũng như các bạn, tôi rất tò mò muốn biết “bí mật đời tư” được xác định thế nào. Nếu thông tin đăng lên báo bị kiện được xác định là xâm phạm nghiêm trọng đến đời tư thì sao? Sau này các bài viết về ngôi sao nước ngoài với bí mật đời tư “tương đương” có bị hạn chế không? Nếu tòa án quyết định không xâm phạm đến đời tư của cô ca sĩ đó thì nội dung các bài viết về sao Việt Nam có bắt đầu nhìn giống nội dung các bài viết về sao nước ngoài không… thoáng hơn, nhiều chi tiết nóng bỏng hơn?

 

Còn trường hợp của chính tôi nữa! Một tờ báo đăng tin tôi cho là xâm phạm nghiêm trọng đến đời tư của tôi thì sao? Tôi có quyền kiện không? Tôi không phải người Việt nhưng tôi có phải người của công chúng ở đây không? Hay kiện thành công tôi chỉ được 50% số tiền ấy?

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
14/06/2010 17:06 # 4
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com


Linh hay Lucy?




Một điều tưởng như đơn giản như tên gọi thì Joe lại phát hiện ra những góc nhìn khác. Sau những ví dụ đưa ra, rốt cuộc anh chàng hài hước này khuyên rằng: “Theo tôi nên giữ tên mẹ đẻ”.

Một vấn đề  người Việt sắp đi nước ngoài hay lo: “Có nên đổi tên không?”.

 

 

Giới thiệu Linh hay Lucy? Khánh hay Kris? Phạm Thị Nguyệt Nhung hay Nizzie Tina Moon-Moon Pham?

 

Tây chuẩn hay thuần Việt?

 

Thật ra không phải lúc nào cũng có sự lựa chọn. Tôi nghĩ hai trường hợp bắt phải “chỉnh” tên: (1) tên có ý nghĩa xấu trong ngôn ngữ kia, và (2) tên khó phát âm quá, dù cố đến mấy lưỡi người ta vẫn không “liếm” được các nguyên và phụ âm đó.

 

Ý nghĩa xấu

 

Ví dụ tiêu biểu là một anh tên Chiến đi du học ở Pháp. Tiếng Pháp “Chiến” có nghĩa là “chó” - “Je m’apelle Chiến” là “tôi tên chó” một cách giới thiệu có hợp với ca sĩ hát rap?
 

Hai tên “Dung”  và “Dũng” cũng tế nhị, lần này trong tiếng Anh. Theo cách đọc chữ tiếng Anh, cả hai đều thành “Đăng”, ý nghĩa là “phân”. Ca sĩ hát rap không có ai tên Phân cả.

 

Vấn đề ở  đây tại Alexandre deRhodes. Nếu ông chọn chữ Z thay vì chữ D thì vấn đề đã không… thành vấn đề.

“Zung” theo các đọc chữ tiếng Anh là “Dung” (giống phát âm tiếng Việt), tốt cho hai bên, không vô tình nhắc sản phẩm cuối của hệ tiêu hóa. (Zung tiếng Anh không có nghĩa gì hết). 

 

Thế hệ trước nhiều tác giả Việt Nam dùng chữ Z thay chữ D (záp, zũng, zữ) nên biết đâu vấn đề không tại ông Alexandre deRhodes mà do người phát triển hệ thống sau. 
Tóm lại có một số trường hợp cần phải sửa tên. Bạn tên Chiến sắp đi Pháp ư? Hay là đổi tên thành Thắng đi, ý nghĩa vẫn thế, chất văn hóa vẫn còn, chất con chó đã mất. Bạn tên Dung sắp đi làm ở Anh ư? Cứ viết thành “Zung” hay “Dzung” đi, thế là ngon lành.
 

Khó phát âm

 

Vậy đến với trường hợp thứ hai phải đổi tên: Người ta không phát âm được. Một người Mỹ cố phát âm tên “Nguyệt” về mức độ khó khăn không khác gì một tội phạm Việt Nam đeo còng số tám cố buộc dây giầy bằng răng và lưỡi; không phải chuyện không thể nhưng gần như thế. 

 

Nờ-gu-yệt. Ni-gui-yết. Nơ-goẹt. Nguy-y-hệt. Nờ-gu…Nờ-gu…Nờ-gu… “Stop Stop! Please call me Jane!”.

 

Nếu bạn tên Hùng và sắp đi Úc cùng một người bạn khác tên Hương thì bạn nên chuẩn bị tinh thần để cả hai bạn đều bị gọi là “Hoong”. Hey Hoong! Hoong! Me? Me? Không biết người ta đang gọi ai, cả Hùng lẫn Hương đều phải “Yes?”.

 

Tên Phước cũng khó. Ví dụ, bạn là người con gái Hà Nội đang yêu một anh Việt Kiều bên Mỹ. Anh ấy tên thật là Phước nhưng không quen dùng tên ấy, bạn bè toàn gọi anh ấy bằng Peter. (Bạn cũng nói chuyện với anh ấy bằng tiếng Anh.) Một hôm bạn và Peter cãi nhau qua điện thoại. Peter tắt máy, tức giận quá. Bạn cảm thấy có lỗi với Peter. Bạn viết thư tỏ tình như một cách xin lỗi. Bạn quyết định dùng tên tiếng Việt để “tăng độ tình cảm”. Bạn gọi điện anh ấy, anh ấy nghe máy. Bạn bắt đầu đọc thư tỏ tình đó luôn… “Peter… Phước yêu!”.

 

Alô? Alô Anh còn đó không? Alô? Peter?
 


 

Sự quyết định chủ quan

 

Đó là những trường hợp tốt nhất nên chỉnh lại tên chút, hoặc ít nhất giải thích rõ ràng về ý nghĩa và cách phát âm. Nhưng trường hợp cần chỉnh là trường hợp ngoại lệ. Đa số tên Việt Nam không có ý nghĩa xấu gì trong tiếng Anh (tạm dừng lại ở ngôn ngữ tiếng Anh nhé), phát âm thoải mái. Vì vậy, đổi tên khác là sự quyết định chủ quan. Bạn thích được gọi bằng Linh hay bằng Lucy? Không phải “bạn chấp” nhận, hay “bạn đồng ý”, mà bạn thích được gọi bằng tên A hay tên B.

 

Theo tôi nên giữ tên mẹ đẻ. Đó là tên cha mẹ bạn chọn, là niềm tự hào của một gia đình nhỏ và một đất nước lớn.

 

Phải nói tôi có nhiều người bạn Việt Nam đi nước ngoài và đổi tên thành công - tức họ cảm thấy tên mới chọn (những Mike, Linda, Sam) đã giúp họ hòa nhập với cuộc sống bên kia và thêm nhiều người bạn mới. Ngược lại tôi có nhiều người bạn nước ngoài sang Việt Nam đi học cũng đổi tên thành công - tức họ cảm thấy tên mới chọn (những Duy, Khải, Việt Anh) tạo cảm giác gần gũi trong lòng người Việt. 

 

Nhiều người nói Jackie Chan (Thành Long) và Bruce Lee (Lý Tiểu Long) đã thành công ở Hollywood vì chọn tên tiếng Anh dễ nhớ. 

 

Nhưng đó là họ.

 

Từ khi bắt đầu viết blog và làm truyền hình tôi quyết định giữ tên Joe. Tôi biết với một số người, đặc biệt người lớn tuổi, tên Joe hơi lạ, hơi khó gần, không quen thuộc và giản dị như “Hoàng”, “Quân” hay “Cường Anh”. Nhưng đó là tên tôi (est. 1978!) và tôi thích tên tôi. May có vài “Joe” khác đi trước làm marketing giúp (nhất là Joe Jonas và Joe Cole) nên tôi có thể relax ăn theo.

 

Tôi có nickname là “Dâu” (hoặc Dâu Tây) nhưng đó chỉ là nickmame vui. Tôi là quả Dâu cũng như Đức Hiệp là con gà, Thanh Vân là con ốc, và Quốc Cường là tờ đô-la. Cát visit của tôi vẫn ghi tên “Joe”, các chương trình truyền hình vẫn giới thiệu tên “Joe” (blog này vẫn là blog của Joe), và tôi chưa bao giờ được nghe một em Việt Nam gọi tôi là Dâu yêu.
 

Joe được mà. Linh được. Thủy được. Mai được. Huy được…

 

Thêm vào đó, tôi rất quý những người chiến đấu giữ tên mẹ đẻ bất chấp dư luận. Barrack Obama chẳng hạn. Bao nhiều người khuyên ông nên đổi tên sang Barry, Bob, Bill…“Anh ơi, người Mỹ mình chưa ai nghe tên Barrack bao giờ!”, người ta “khuyên” (Nguồn gốc tên Barrack là tiếng Swahili của vùng Đông phi) “Anh sẽ không bao giờ làm chính trị gia với tên rắc rối đó, anh nghe chưa? Anh đổi ngay đi!” Không, Barrack trả lời, đó là tên tôi. Bây giờ tên Barrack thành thương hiệu, những người trước đây khuyên ông nên đổi giờ lại khoe với bạn bè “Thấy chưa? Chính tôi là người khuyên ông ấy nên giữ tên Barrack thú vị đấy!”…

 

Nếu bạn dứt khoát muốn đổi tên Phương thành Michelle bạn cứ đổi đi. Đẹp mà. Nhưng nếu bạn quyết định giữ tên Phương thì… đẹp quá.

 

Cuối cùng, nếu bạn không có ý định sang nước ngoài nhưng sắp đẻ con và đang nghĩ về tương lai, hãy chọn cho con những cái tên như Linh, An, Kim, Huy, Mai, Đan… chạy tốt hai hệ thống luôn, khéo lắm đấy!

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
23/06/2010 12:06 # 5
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com


Hội những người thích ở một mình

 
Ở bài viết mới này của Joe, chắc chắn bạn sẽ tủm tỉm cười vì chính cái kết cực kỳ bất ngờ từ lời “khuyên” của Hội những người thích ở một mình.
 

Tôi muốn thành lập hiệp hội những người thích ở một mình. Đây sẽ  là một hiệp hội đặc biệt, mỗi năm gặp nhau… không lần (vì tổ chức sự kiện chẳng ai đến). 

 

Hội này chỉ tồn tại để người thích ở một mình biết có  người khác cũng thích ở một mình, xã hội không toàn người có tinh thần hướng ngoại như trên TV. Chúng tôi chỉ cần điều đó.

 

Cái “một mình” ở đây không liên quan gì tình yêu. Không phải “thích ở một mình” có nghĩa là “không thèm yêu”. “Thích ở một mình” ở đây (theo hiến pháp của hiệp hội) có ý nghĩa giản dị hơn: “Mỗi ngày thích có thời gian ở một mình để suy nghĩ, sáng tác, và thư giãn”. 

 

Ai muốn đăng ký tham gia hiệp hội phải có tính cách giống chúng tôi. Vậy chúng tôi là những người như thế nào? 
 

 

Trước hết chúng tôi là người bình thường. Văn hóa Việt Nam hơi nghiêng về phía “cộng đồng” nên chúng tôi đôi khi bị nói là “hơi lập dị” (Nếu sống ở Nhật Bản hay Anh Quốc không ai nói thế đâu). Nhưng chúng tôi không bị trầm cảm, tự kỷ hay bệnh tâm thần gì hết. Chúng tôi chỉ thích ở một mình, thế thôi.

 

Thứ hai, không phải lúc nào chúng tôi đều thích ở một mình. Đôi khi chúng tôi rất thích chia sẻ, có người khác xung quanh. Nhưng các người ấy phải hợp với chúng tôi, anten của họ phải bắt đúng tin hiệu mà đài của chúng tôi đang phát, và ngược lại. Mặc dù chúng tôi có khả năng nói chuyện xã giao với bất cứ ai (đời đã cho chúng tôi nhiều cơ hội tập luyện) nhưng chúng tôi sẽ thấy rất vất vả, nhanh “hết pin”.

 

Chúng tôi kiêu.

 

Chúng tôi thích quán café yêu tĩnh. 

 

Chúng tôi ghét những người gây ồn ào ở quán café yên tĩnh. Chúng tôi đặc biệt ghét những người gây ồn ào ở quán café yên tĩnh bằng cách chửi bậy. Chúng tôi cầu trời để một phần trần nhà rơi xuống đâm họ bất tỉnh. Chúng tôi không hiểu vì sao họ không tự biết họ đang nói quá to. Bản thân chúng tôi chỉ dùng đủ “volume” để người đối diện có thể nghe được. Một cuộc trò chuyện riêng là một cuộc trò chuyện riêng; chúng tôi không dùng cái miệng làm cái loa phường.

 

Khi đi chơi cùng nhóm chúng tôi hay bị người khác nói “Bạn ít nói thế!”, Chúng tôi rất ghét câu đó. 

 

Chúng tôi thỉnh thoảng có cảm giác muốn thoát khỏi phòng karaoke, nhà hàng, đám cưới đông người. Chúng tôi biết nhiều cách để làm được điều đó. Sáng hôm sau hay có người hỏi: “Tối qua mày biến mất ở đâu, lúc nào? Hát xong tao tưởng mày vẫn còn đó, tìm mãi không thấy!”. Chúng tôi cười. Hóa ra chúng tôi là ma.

 

Chúng tôi sợ những lần đi chơi cùng nhóm mà theo phong tục của Việt Nam chúng tôi phải đợi mọi người đứng lên mới về cùng nhau. Chúng tôi cảm thấy sắp bị điên khi mọi người đang chuẩn bị về rồi quyết định “hát nốt” vài bài, việc hát nốt ấy kéo dài đến gần nửa tiếng.

 

Chúng tôi không sợ  nói dối, nếu việc nói dối có nghĩa chúng tôi được về sớm. 

 

Chúng tôi hơi sợ Tết. 

 

Chúng tôi khó yêu. 

 

Ai mà yêu được chúng tôi (và được chúng tôi yêu lại) là người may mắn. 

 

Khi học cấp 3 có thầy giáo yêu cầu lớp làm việc nhóm, chúng tôi tìm cách nhận những việc khó nhất, mang về tự làm. Đó là vì (a) chúng tôi không muốn mất thời gian cười duyên khi người chưa hiểu vấn đề phát biểu dài dòng (b) chúng tôi tự làm sẽ nhanh và chất lượng hơn. 

 

Chúng tôi cảm thấy khó chịu khi phải giải thích những điều người ta nên tự hiểu. 

 

Chúng tôi yêu thiên nhiên.

 

Chúng tôi sợ nhất là những người không bắt được tín hiệu. Ví  dụ, một anh taxi bắt chuyện chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời hết sức ngắn gọn và xã giao, để anh taxi đó hiểu rằng chúng tôi không có gì để nói vào lúc này. Khi anh taxi hỏi tiếp (và tiếp và tiếp) chúng tôi bị “điên ngầm”. Nếu đặt mình vào vị trí của anh taxi đó chúng tôi sẽ không hỏi tiếp đâu - có chút cảm giác khách không muốn nói chuyện là chúng tôi im lặng ngay. 

 

Chúng tôi thích đi bộ.

 

Chúng tôi không thích phát triển quan hệ với cấp trên bằng cách “đi nhậu”. Chúng tôi thà cho tiền gấp đôi vào phong bì A4 hơn là mất thời gian đi nhậu với người lạ chưa biết có hợp với mình. (Nếu có hợp thì đi nhậu vì tình cảm, không phải vì quan hệ)

 

Nếu đến nhà cô hàng xóm để mượn tua vít, rồi thấy cô ấy bắt đầu xếp ghế và rót nước, chúng tôi nghĩ: “Chết rồi!”.

 

Chúng tôi thích mèo hơn chó. 

 

Chúng tôi hay ngại.

 

Chúng tôi chung thủy trong tình yêu. Nhưng phải xác định đó là tình yêu trước - chưa xác định hai người là người yêu của nhau thì vẫn nhẳng như ai. 

 

Chúng tôi thích vẽ tranh, viết blog, sáng tác bài hát… xuất phát từ những giây phút ngồi một mình.

 

Chúng tôi quý người già.

 

Chúng tôi có khả năng nhận ra nhiều thứ. Ai đang yêu ai, ai đang sợ ai (và ai đang sợ yêu ai), hoặc ai đang buồn vu vơ, ai chưa đủ trình độ để biết vu vơ là cảm giác gì. Hai con mắt của chúng tôi luôn ghi hình, liệu hồn!

 

Chúng tôi có khả  năng nhận ra nhau. Đi nhà hàng, ngồi ở bàn, được giới thiệu 15 người bạn mới (là các bạn bè của một người chị trong họ chẳng hạn) là chúng tôi nhận ra ngay “đồng hương”. Anh Joe ơi, đây là bạn Linh (tội gật đầu, cười), kia là anh Hiếu (tội gật đầu, cười), kia là em Nhung (tội gật đầu, cười), kia là em Hiền (“Em giống anh đấy” hai mắt của Hiền nói, “Và em biết anh biết anh rất giống em”)

 

Chúng tôi có văn hóa riêng. Nếu tôi đi cùng một người Canada “chưa bắt được tín hiệu” và một người Việt Nam “bắt được tốt” tôi sẽ cảm thấy gắn bó với người Việt Nam hơn, mặc dù tôi và người ấy đến từ hai văn hóa khác nhau. 

 

 

Chúng tôi nhạy cảm. 

 

Khi đi chơi cùng nhóm và  thấy có một người đang buồn vì chưa biết cách tham gia vào cuộc trò chuyện, chúng tôi tạo điều kiện để người ấy nhảy vào một cách tự nhiên. 

 

Chúng tôi khéo. 

 

Nếu không cẩn thận chúng tôi có thể làm người không khéo bằng cảm thấy sợ.

 

Chúng tôi hay bị hiểu nhầm là người bi quan. Chúng tôi lạc quan và yêu  đời nhưng “nói nhiều làm gì”. Chúng tôi sống rất ý nghĩa, đóng góp nhiều cho xã hội, nhưng hai điều đó chúng tôi làm theo cách của chúng tôi.

 

***

Hết. Nếu bạn nhận ra chính bạn trong những “chúng tôi” trên, bạn có thể đăng ký làm thành viên của Hiệp hội những người thích ở một mình (mời bạn nộp hồ sơ ở phần comment). Đăng ký xong bạn không cần phải làm gì hết, cứ tắt máy đi và chơi đi… một mình.
 
 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
23/06/2010 13:06 # 6
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Hội chứng phụ nữ ế chồng

Nếu bạn đọc bất ngờ vì có rất nhiều thành viên xin đăng ký “Hội những người thích ở một mình” ở bài viết trước thì ở nội dung mới này, Joe sẽ lại đem đến cho độc giả một sự ngạc nhiên mới về “hội chứng phụ nữ ế chồng”.
 
 
Có lần tôi thấy một poster có bốn bộ xương ngồi ở bàn. Mỗi bộ xương được trang trí với món đồ: một chiếc mũ màu hồng, mội túi trang điểm, một đôi giầy cao gót, một khăn quàng cổ hàng hiệu. Suy ra bốn bộ xương ấy thuộc bốn người phụ nữ. Ở dưới ghi chữ: “Chờ người đàn ông hoàn hảo”.

 

Chờ, chờ nữa, chờ mãi.

 

Ở Hà Nội tôi bắt đầu thấy nhiều người phụ nữ khoảng 30 tuổi chưa lấy chồng, chưa có ý định lấy chồng, kể cả đã có ý định nhưng chưa có ứng cử viên. “Lấy chồng sớm làm gì” là câu cửa miệng của họ trong thời gian vừa qua. “Cứ phát triển sự nghiệp đã - nếu có hoàng tử xứng đáng nào đến thì nhận lời, không thì chờ tiếp.”

 

Vấn đề là phụ nữ Việt Nam giỏi quá; ít hoàng tử xứng đáng. Hôm trước tôi xem một tạp chí tiếng Anh thấy có bài phỏng vấn một bạn nữ 24 tuổi nói về sự thay đổi của Hà Nội. Bạn ấy có nhiều sự nhận xét hay, trong đó:

 

“People are becoming more beautiful, especially women. I think in some ways girls are developing faster than boys. I see so many beautiful, strong, smart [girls] becoming independent, and yet still keeping their cultural values.”

 

“Người ta càng ngày càng đẹp hơn, đặc biệt là phụ nữ. Tôi thấy các bạn nữ trưởng thành nhanh hơn các bạn nam. Tôi  thấy nhiều phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ, thông minh, tự lập, mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa.”

 

“Đúng rồi”, tôi tự nói với mình. Tôi thấy một khoảng cách lớn đang mở rộng giữa người nam và người nữ trẻ ở Việt Nam. Hầu như lĩnh vực nào các bạn nữ cũng đang “chạy nhanh hơn” các bạn nam: ngoại ngữ, tài chính, tiếp thị, xuất bản, quản lý, giải trí…Đó chỉ là cảm giác, nhưng là cảm giác mạnh.

 

Riêng ngoại ngữ, tôi được mời tham gia nhiều lớp học tiếng Anh ở các trường đại học Hà Nội và Sài Gòn. Cứ 9 sinh viên nữ là 1 sinh viên nam, lớp nào cũng thế, trường nào cũng vậy, đủ mì chính cánh để mời công ty Ạginomoto tài trợ. (Ai hiểu câu đó được 9 điểm).

 

Nhiều lĩnh vực khác nữa, nữ có mặt đông hơn, chiến đấu mạnh hơn. Kể cả những “chi tiết nhỏ” như cách đứng lên và giới thiệu tên ở cuộc họp quốc tế, nữ trẻ tỏ ra tự tin hơn nam trẻ.

 

Tôi biết đến một số tổ chức của nước ngoài đang cố tình tuyển nhân viên nữ (mặc dù không nói ra). Vì sao? “Ở Việt Nam nhân viên nữ hơn hẳn”, một người bạn của tôi là sếp của một tổ chức nước ngoài tâm sự. “Trình độ cao hơn, thái độ tốt hơn, góc nhìn cởi mở hơn, và khác với nhiều nước ở Châu Á khả năng mở rộng quan hệ không kém gì đàn ông”.

 

Tóm tắt: nữ trẻ đang chạy nhanh hơn. Sụ thật: người chạy nhanh khó yêu người chạy chậm. Kết quả: nhiều người phụ nữ Việt Nam trẻ không biết lấy ai.

 

Kết quả tiếp theo: bắt đầu có nhiều người phụ nữ Việt Nam không còn trẻ và không có ai.

 

Trong vấn đề này có một số người thắng. Đó là những người đàn ông chạy nhanh. Tôi vừa nói “có khoảng cách đang rộng dần giữa nam và nữ”. Nhưng quy tắc nào cũng có ngoại lệ. Nhìn chung, các bạn nữ đang “chạy nhanh hơn”, nhưng có một số đại diện phái mạnh đang chạy nhanh ơi là nhanh.
 


 

Tôi kể chuyện về chị Phương và anh Minh. Chị Phương 30 tuổi, chưa chồng. Chị ấy có công ty nhỏ, nói tiếng Anh như ma (ma Tây), mạnh mẽ và giỏi giang. Nhiều anh chàng xin “hát tặng bài tình ca”; chị Phương từ chối hết (đôi khi nghe nửa bài mới yêu cầu dừng lại). Các anh ấy chưa đủ trình độ. Chị Phương không muốn lấy người kém hơn mình - chịu làm sao được khi cả đời phải “dạ dạ vâng vâng” một người không có khả năng làm phụ nữ hiện đại nổi da gà.

 

Xuất hiện anh Minh. Anh Minh có khả năng làm chị Phương nổi da gà và nhiều thứ nữa. Anh Minh có công ty lớn, nói tiếng Anh như ma (bố ma Tây), lịch lãm, đẹp trai, biết mình biết người. Anh ấy là người chị Phương chờ đợi hơn mười năm qua. Anh ấy cũng rất Việt Nam, cùng văn hóa mến yêu của chị Phương. Chỉ có anh Minh có thể làm cho chị Phương cảm thấy hài lòng. Vì phải cảm thấy hài lòng thì mới cưới, suy ra chỉ có anh Minh mới có thể làm cho bố mẹ chị Phương cảm thấy hài lòng nữa

 

Hai người đi café nhiều, có duyên với nhau.

 

Nhưng mất cân đối quá.Với anh Minh, chị Phương chỉ là “một trong những sự lựa chọn” thôi - dù xinh đẹp, dù giỏi giang nhưng vẫn chỉ là “một trong những”. Đó là bài toán.Vì phụ nữ Việt Nam giỏi quá nên cứ 10 chị Phương là chỉ có 4 anh Minh. Mà cứ 10 chị Phương lại có 30 em Giang, Hiền và Chi - các em 25 tuổi, xinh xắn, nhanh nhẹn, muốn lấy người đàn ông “thành đạt” như anh Minh. Tính ra, cứ 10 người phụ nữ hấp dẫn thích anh Minh là chỉ có 1 anh Minh.

 

Chênh lệch! Chị Phương và nhiều người phụ nữ khác đang “khổ vì tiêu chuẩn”. Họ có tầm nhìn rộng nên không thể lấy người có tầm nhìn hẹp. (Còn nhiều người đàn ông khổ vì có tầm nhìn hẹp, không thể thu hút người có tầm nhìn rộng). Đàn ông có tầm nhìn đủ rộng khó tìm lắm chứ.

 

Chỉ có anh Minh mới sướng.

 

Mà thực tế anh Minh không sướng đâu, vì lắm mối nên tối nào anh Minh cũng nằm không. Thời gian trôi qua, các em Giang, Hiền và Chi cướp ngôi chị Phương (hoặc chị Phương nhường ngôi sang Tây). Thời gian trôi tiếp, anh Minh bắt đầu để ý các em Lý, Thủy và Hảo (là các em gái của Giang, Hiền và Chi). Cuối cùng không ai tìm được hạnh phúc.

 

Một lần cuối cùng: vấn đề là tại phụ nữ Việt Nam giỏi quá. Vậy các bạn nam ơi! Hãy cố gắng lên! Hãy chạy nhanh hơn đi! Hãy bỏ những thói quen hay gọi là “chuyện đàn ông” mà thật ra chỉ là cái cớ để không cần xem lại bản thân. (Đây không phải tôi tự nói nhé, đạo đức giả quá. Đây là tôi thay mặt chị Phương nói). Hãy học anh Minh. Hãy là người “xứng đáng” để các bạn nữ kia không trở thành bộ xương như trong poster đó. Tiêu chuẩn của họ có thể xuống đi một chút, nhưng một chút thôi - họ là phụ nữ mà, xuống hai chút là chuyện không thể!

 

Các bạn nam ơi! Không chạy nhanh hơn là chết cả lũ đấy!

 

Poster kia là bốn bộ xương của bốn người phụ nữ ngồi ở bàn ăn. Tôi nghĩ nên vẽ thêm poster khác - bốn bộ xương của bốn người đàn ông ngồi ở bàn bia hơi, ở dưới ghi chữ “Chờ người phụ nữ bình thường”.

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
25/06/2010 19:06 # 7
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Tranh luận về “Xin Chào”


Theo bạn, nên dùng “Xin chào” hay “Hêlô” khi gặp du khách nước ngoài? Bài viết dưới đây hoàn toàn chỉ là ý kiến, cách quan sát riêng của Joe về việc này, xin giới thiệu cùng bạn đọc thứ 6 tuần này.

 

 

 

Cách đây mấy tháng tôi có viết bài về từ “Xin Chào”. Theo tôi, người bán hàng ở Việt
Nam không nên chào khách Tây bằng từ “Hello”, từ Xin Chào hay hơn nhiều. Tôi gửi bài tới tạp chí, tự post một số nơi. Nhiều người nhảy vào nhận xét. Vì là một đề tài hấp dẫn nên tôi muốn mở rộng cuộc tranh luận, nhờ các bạn góp ý, xem quan điểm của số đông ra sao.

 

Trước hết, tôi trích đăng lại bài Xin Chào của tôi.

 
Tôi có cơ hội đi nhiều nước ở Châu Á. Ở Nhật, khi tôi bước vào cửa hàng thì người ta cúi đầu và nói “Konichiwa”, nghe rất hay, cách lịch sự chỉ có ở Nhật. Ở Lào, người ta chào khách bằng “Sabai-dee”, dù khách là người Lào 90 tuổi hay người Tây vừa sang hôm qua. Ở Thái, nơi trình độ tiếng Anh rất cao, người ta chắp hai tay và nói “Sawatdee-Kaa” (hoặc Sawatdee-Krap nếu người nói là người nam). Ở Hàn Quốc là “Ahn-Nyeong Hah-Seh-Yo”, ở Campuchia là “Choum-reap-sua”, ở Mông Cổ là “Sain-baina-uu”.
 
Vậy tại sao ở Việt Nam cứ gặp khách Tây là “Hêlô! Hêlô!”, như các anh chị bán hàng đang tham gia chương trình trao giải đặc biệt của Đại sứ quán Anh tài trợ?
 
Xin chào là một từ đẹp, nghe thanh lịch và tình cảm - kể cả không hiểu nghe vẫn thấy hay.
 
Tôi hỏi nhiều người phục vụ, bán hàng tại sao không chào khách nước ngoài bằng từ “Xin chào”. Họ trả lời rằng họ muốn làm hài lòng khách tối đa; chào bằng tiếng Tây sẽ khiến cho người Tây thấy vui. Rất tiếc không phải vậy.
 
Khách nước ngoài nghe từ “Xin chào” sẽ thấy sướng tai (nó lạ, nó hay). Khách nước ngoài nghe từ Hêlô có lẽ không sướng tai bằng. Theo tôi, một người bán hàng chào khách Tây bằng “Hêlô” là chấp nhận theo văn hóa của khách (mà có theo được đâu), còn chào bằng “Xin chào” là lịch sự mời khách theo văn hóa của nơi mà khách đang đến thăm.
 
Thử tưởng tượng nhé, một anh Việt Nam mua sắm ở nước ngoài. Anh đi đâu cũng được chào bằng “Xin Cháo, Xin Cháo” (phát âm Tây hóa cũng như cách phát âm từ Helô ở Việt Nam có sự độc đáo của nó). Lúc đầu anh ấy cảm thấy vui, nhưng nghe 10.000 lần “xin cháo” niềm vui ấy biến mất; “Hello”, nói với giọng uyển chuyển và nhẹ nhàng của người Anh, nghe hay hơn nhiều!
 
Đi nơi mới thích tiếp cận cái mới, vậy tại sao các anh chị bán hàng vẫn cứ nghĩ khách nước ngoài sẽ thích nghe từ “Hêlô”?
 
Thêm vào đó, “Hello” là tiếng Anh. Người Pháp sẽ không thích “bị chào” bằng tiếng Anh đâu. Tất cả người Pháp đều biết từ Hello, nhưng sang Paris ăn sáng không người làm bánh nào sẽ chào tôi bằng “Hello” cả, đó là cái chắc. Người Đức, Người Nga, Người Tây Ban Nha - số lượng người “dị ứng” tiếng Anh vẫn còn cao; họ công nhận tiếng Anh là tiếng quốc tế nhưng sự công nhận ấy mang tính miễn cưỡng. Vậy nói Hello với khách Tây biết đâu cửa chưa kịp đóng là đã mất tình cảm.
 
Tiếng Việt là sự lựa chọn an toàn nhất.
 


 
Là chuyện nhỏ nhưng không nhỏ. Tôi đã dẫn nhiều người Canada du lịch ở Hà Nội và Sài Gòn; ai cũng nhắc chuyện này. “Tại sao người Việt không có cách chào truyền thống”, họ hỏi. “Nhật có, Hàn quốc có…”
 
“Họ có cách chào rất hay”, tôi trả lời. “Chỉ có điều là họ hơi ngại nói.”
 
Người Việt Nam nói chung khá khiêm tốn, quý khách, dễ hòa nhập, nhưng hòa nhập đến mức thay cách chào của Ta bằng cách của Tây ,“hé lộ” một điều…khó nói! Cách chào là một trong những điều thiêng liêng nhất của một ngôn ngữ, là điểm khởi đầu và khép lại một cuộc trò chuyện. Nói cách khác, “Xin chào” là một món quà rất có giá trị, không tặng người ta thì …phí quá!

 

Viết xong tôi tự tin rằng quan điểm của tôi là đúng. Tôi là người Tây mà, tôi quá hiểu cảm giác của người Tây sống ở Việt

Nam! Nhưng có một điều tôi chưa tính đến.

 

“Người Việt

Nam thường không hay nói 'xin chào' theo nghĩa của ngôn ngữ khác như 'Hello', 'Koinchiwa'”, một bạn tên Kim Chi nhận xét trên mạng. “Người Việt sẽ chào cụ thể hơn 'Chào Anh, Chị, v.v…Nếu nói 'xin chào' không trong tiếng Việt, phải là ngang hàng, nếu không sẽ là thất lễ”.

 

“Jo nhầm rồi”, một bạn tên Trà My nói thẳng hơn. “Thực tế người Việt

Nam thường ‘không chào’ nhau. Nếu bạn bè gặp nhau: mỉm cười là đủ hoặc là ‘khỏe không?”

 

Dương Xuân Nghị, một tay Piano kiêm blogger hiện đang ở thành phố quê tôi, nói rõ hơn về sự “ác cảm” do từ Xin chào mang lại trong mắt (và tai) của người trẻ.

 

“’Xin chào’ có trong từ điển tiếng Việt hẳn hoi, có trong hầu hết tất cả phần dịch của các sách ngoại ngữ giao tiếp, nhưng đây lại là một từ gần như tuyệt chủng trong giao tiếp hằng ngày. Chỗ duy nhất mà tôi biết nơi “Xin chào” được chính thức hóa là nhà hàng gà rán

Kentucky (KFC). Và thú thật, tôi có ác cảm với nó ngay từ lần đầu nó được áp dụng hồi tôi còn học cấp Hai.

 

Như thường lệ, ta bắt đầu bằng tiếng Anh. Trong Anh ngữ, từ chào thông dụng nhất mà tầng lớp nào cũng có thể dùng là “Hi.” “Hi” vừa ngắn gọn, vừa vui tươi, và đặc biệt là ta có thể nói “Hi” kèm theo một nụ cười khoe răng.

 

Còn trong tiếng Việt: “Xin chàooo!” Thú thật tôi không hiểu vì sao KFC lại đề ra quy định này cho nhân viên. Từ “Xin chào” nghe rất buồn và rất thiếu tự nhiên. Buồn là vì nó là từ cấu tạo bởi thanh ngang nối tiếp bằng một thanh huyền. Thiếu tự nhiên là vì ngoài đời không ai dùng từ này để chào hỏi cả. Từ “Xin chào” gần như là từ lý thuyết/từ dịch, chỉ xuất hiện trong sách vở. Thay vì “Xin chào”, tại sao KFC không hân viên nói “Chào anh”, “Chào chị”, “Chào em”? Hoặc đơn giản hơn, với phong cách hiện đại, chủ đề thức ăn nhanh và trẻ trung của KFC, nói “Hi” là gọn lẹ và hợp nhất với tiêu chí của nhà hàng.”

 

Chuyện bạn Nghị là người Việt Nam viết bài ở Vancouver để bảo vệ từ “Hi”, còn tôi là người Vancouver viết bài ở Việt Nam để bảo vệ từ “Xin chào” chứng tỏ rằng Thái Bình Dương ngày càng nhỏ đi. Nhưng đó là chủ đề khác - quay lại vấn đề chính.

 

Người Việt

Nam nên chào khách Tây bằng cách nào? Tôi nghĩ “Hello” không được vì những lý do nêu trên. Giờ tôi nghĩ “Xin chào” cũng không được vì cách chào khách Tây phải giống cách chào khách Việt mới ổn, mới hết sự phân biệt ngầm (dù thân thiện hay không) hiện dang xảy ra. Nếu phải lựa chọn giữa “Hello” và “Xin chào” đương nhiên “Xin chào” là lựa chọn tốt hơn, nhưng cả hai từ đều…thiếu thiếu.

 

Người Việt

Nam chào khách Tây bằng “Chào Anh, Chào Chị….” có phải đòi nhiều quá không? Ở Thái Lan cách chào truyền thống phụ thuộc giới tính (của người nói) nhưng người Thái vẫn sử dụng thoải mái với khách Tây, không lộ quốc tịch của khách hàng qua nội dung của lời chào. ‘Không chào’ là lựa chọn buồn nhất (ít nhất phải có hành động!). Hay sau này người Việt Nam sẽ chào nhau bằng “Hi” hết, người bán hàng dùng “Hi” với khách Tây là phải rồi, hết cuộc tranh luận.

 

Các bạn nghĩ sao?

 

Joe

 



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
07/07/2010 10:07 # 8
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com


Thoát xấu

Trong quá trình xê dịch từ vùng đất này sang vùng đất khác, Joe đã phát hiện ra một “sự thật” và đã “bóc trần” việc này một cách dí dỏm. Bài viết dưới đây hoàn toàn là ý kiến riêng của Joe về nội dung đặc biệt này.
“Charisma Man” (Siêu nhân quyến rũ) là sản phẩm sáng tạo của một người Canada đang làm việc ở Nhật. Anh ấy nhận thấy có nhiều anh Tây khi “ở quê” là những người hết sức bình thường, nhưng khi sang Nhật trở thành trung tâm của sự chú ý. Người Canada hay thích châm biếm, nên anh ấy đã phát triển sự nhận xét ấy thành truyện tranh.
 




 

Khả năng biến thành “Charisma Man” của các anh Tây sống ở Việt Nam cũng rất đáng sợ. Tôi chưa bao giờ được nhiều người khen đẹp trai như ở Viêt Nam. Suy ra, trước khi sang Việt Nam tôi chưa bao giờ đẹp trai. Hôm trước một anh taxi khen tôi đẹp trai (một anh taxi!), rồi anh ấy hỏi “Có phải anh đóng quảng cáo Romano không?” Tôi cười. Nếu Romano tuyển người mẫu tôi bị loại ở vòng gửi xe ngay (rồi các chú bảo vệ sẽ tịch thu xe luôn vì xấu như thế mà cứ lượn đường sẽ ảnh hưởng đến an toàn giao thông).

 

Có rất nhiều anh Tây bình thường khác khi sang Viêt Nam biến thành những Siêu-Tây tỏa sáng, đặc biệt các anh Tây cao to sang các thành phố nhỏ, ở đó sức tưởng tượng của người dân rất cao. Tôi hay nói đùa với bạn bè rằng tôi sẽ mở công ty mang tên “Tây cho thuê JSC”, cung cấp các ông Tây mặc comp-lê xịn để tham dự các cuộc họp và đám cưới, không làm gì ngoài việc bắt tay và cười tươi. 

 

Một phần là do sức ảnh hưởng của phim Hollywood. Người Tây đi đâu được phim Hollywood đi trước làm marketing cho. Kết quả là, với một bộ phận xã hội lớn, cứ ông Tây ở Việt Nam là giàu (trông nghèo là khiêm tốn), cứ ông Tây là đẹp trai (trông xấu là quyến rũ) cứ ông Tây là lịch lãm (trông lôi thôi là “có style”) cứ ông Tây là giỏi (trông kém là dễ thương), cứ bà Tây là cởi mở về chuyện ấy…

 

Phim Tây đang rất thu hút khán giả Việt Nam, nhưng gần đây phim Việt Nam đã bắt đầu thu hút nhiều khán giả Tây. Các bộ phim như Áo Lụa Hà Đông, Dòng Máu Anh Hùng, Chơi Vơi, v.v. đã phần nào phát triển hình ảnh về người Việt Nam trong mắt người Tây (dù phản ánh sự thật hiện đại hay không). Đó là xuất nhập khẩu văn hóa, và việc “thoát xấu” này cũng có chất hai chiều của nó!

 

Có nhiều anh Tây biến thành “Charisma Man” ở Việt Nam, nhưng cũng có nhiều em Việt Nam biến thành “Charisma Woman” ở Tây. Ví dụ, một em quê ở vùng biển, người gầy, má cao, da đen như mực trong buổi đêm không trăng. Không dừng lại ở đó mà em ấy còn nói giọng địa phương, “đi ăn nem” là “đi ăn lem”, “chọn quán nào” là “chọn quán Lào”. Em ấy thông minh, duyên dáng, học giỏi, nhưng nếu được một anh Hà Nội chính gốc dẫn về nhà ăn cơm là bị các bác phản đối ngay (hoặc ngay sau đó).

 

Không sao. Em ấy giành học bổng và bay sang Anh; sau ba năm đi học em ấy biết nói tiếng Anh như người bản địa, kiếm việc part-time là người mẫu ảnh (ai ngờ gương mặt đó ăn hình thế), kiếm boyfriend full time là Chủ tịch hội đồng sinh viên. Ngoài vài ngày nhớ nhà (và nhớ bún tôm) em ấy cảm thấy hài lòng và nghĩ cuộc đời đôi khi rất giống…phim Hollywood.

 

Có một lần tôi xem chương trình Discovery về cuộc sống mới của phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Chương trình phỏng vấn một chị khá giỏi, ở Hàn Quốc mới mấy năm đã lên trưởng xã. Khi tâm sự trước máy quay chị ấy mặc quần áo Hàn Quốc rất thời trang nhưng dùng tiếng Việt địa phương có thể nói “chưa thời trang lắm”, một sự mâu thuẫn thật hay.

 

Cũng có vài ngôi sao Việt Nam đi đường vòng lại: thành công ở nước ngoài, rồi dựa trên sự thành công ấy mới quay về phát triển sự nghiệp ở Việt Nam. Người mẫu Tiến Đoàn chẳng hạn; hoặc trước khi đoạt giải Mr. International các nhà báo có để ý “giảng viên” Ngô Tiến Đoàn đâu?

 

Theo một vài ý kiến thì Tiến Đoàn thành công ở nước ngoài một phần vì “trông khác” - đẹp thì đã đẹp rồi (không phải thoát xấu nhé), nhưng khi sang nước ngoài mới thêm được chữ “lạ”. Tuy nhiên không cần là người “trông khác” mới thu hút được sự chú ý của người khác. Không cần sang nơi người ta có màu da, màu mắt, hoặc màu tóc khác đâu. Đôi khi “nghe lạ” là được.

 

Có nhân vật trong phim Love Actually (một bộ phim Anh Quốc rất phổ biến với giới trẻ Việt Nam) là nam thanh niên người Anh khá vô duyên, không cô nào thích. Đầu phim anh ấy quyết định sang Mỹ ăn Nô-en, chọn bất kỳ quán bar nào, cưa gái, xem sao. Con gái Mỹ rất mê giọng Anh (anh giải thích với bạn) cưa đổ là cái chắc. Ai ngờ, sang Mỹ bước vào quán bar đầu tiên anh ấy chỉ cần giới thiệu tên bằng giọng Anh là có mấy em xinh đẹp đến gần làm quen. Phim phải “bơm thêm” mới ra được chất hài, nhưng bơm thêm có nghĩa là trong săm đã có chút hơi rồi.

 

Với nhiều cô gái Mỹ và Canada, một anh Tây xấu trai chỉ cần lộ giọng Anh, Ý hoặc Tây Ban Nha là trở thành đàn ông hấp dẫn ngay.“Ôi giọng anh hay thế, anh nói lại câu vừa rồi đi!” Chắc ở Việt Nam có nhiều anh Hà Nội mê giọng Sài Gòn và ngược lại. (Tôi càng sống lâu ở Hà Nội càng mê các em nói giọng Sài Gòn).

 

Tuy nhiên, “thoát xấu” bằng giọng nói, bằng màu da hay bằng cách nào khác vẫn rất khó để thoát hẳn. Trong truyện tranh trên, kẻ thù lớn nhất của “Charisma Man” là “Foreign Woman” (Phụ nữ nước ngoài): các em Canada cũng đã sang Nhật và biết sự thật về anh Tây bỗng thành quyến rũ này.
 

 

 Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
07/07/2010 10:07 # 9
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com


“Chết” vì bình luận viên bóng đá

Vào mùa World Cup theo kiểu của Joe - đó không chỉ là tập trung vào trận thắng - thua, mà Joe dành thời gian để quan sát, lắng nghe phần tường thuật của… bình luận viên. Bài viết mới nhất dưới đây là quan điểm, cách nhìn của cá nhân Joe, xin giới thiệu cùng độc giả.
 
 

Lại một tuần thức đêm xem bóng đá.

 

Lại một tuần các anh bình luận viên khiến tôi muốn chạy ra rừng, tìm cây lá ngón, tạm biệt World Cup 2010.

 

Trước hết tôi biết nền tảng về lĩnh vực bình luận bóng đá ở VN vẫn đang phát triển. Tôi biết các anh bình luận viên muốn phục vụ người dân tốt nhất có thể. Tôi không muốn trách người ta trước đám đông hoặc phàn nàn một cách thái quá, vô căn cứ. Vấn đề là tôi đã phát điên rồi và như một quả bom bị châm ngòi, tôi không thể không nổ!

 

Cứ coi bài này là tôi đang thầm thì với chính tôi đi nhé, các bạn đang nghe trộm.

 

Buffering! (đệm)

 

Điều làm tôi điên nhất là một số anh bình luận viên hiếm khi nói một câu từ đầu đến cuối mà không dừng lại mấy lần ở giữa. Giật vấp, vấp giật, giống lúc xem clip Youtube bị “buffering” liên tục vì internet chậm quá.

 

-           “Trọng tài Howard Webb…(buffering)…đã…(buffering)…rút ra một chiếc thẻ…”

-           “Ắc-yên Rô-bần đã có một…(buffering)…pha bóng …(buffering)…rất đẹp mắt và…

-           Có lẽ đấy…(buffering)…cũng là một điều…(buffering)…cho thấy rằng….”

 

Nguy hiểm nhất là từ “của”. Hình như có chút nhầm lẫn giữa dấu chấm và liên từ. Dấu chấm là yêu cầu dừng lại. Liên từ là yêu cầu sang phần câu tiếp theo… liền.

 

“Những cú sút xa của... các cầu thủ mặc áo vàng”

 

Nghe có vẻ như đến từ “của” anh bình luận viên trên vẫn chưa biết những “cú sút xa” ấy thuộc các cầu thủ mặc áo màu gì: phải dừng lại một lát mới nhớ.

 

Nhận ra vụ buffering này một lần là không thể không nhận ra thêm nhiều lần, giống khi đi café với một em xinh đẹp, sau 30 phút bỗng nhận ra em ấy có thói quen bĩu môi, nhận ra xong không thể tập trung vào nội dung cuộc trò chuyện nữa.

 

Nói để nói

 

Hơn nữa, một số anh bình luận viên (tôi xin không nói các anh nào, làm việc ở đài gì) có khá nhiều câu “lười”, không mang lại thông tin bổ ích.

 

“Các cầu thủ Chile đang đứng trước thử thách rất lớn và… đó cũng là cơ hội thể hiện sự xuất sắc của mình…”

 

Ai cũng biết Chile đang đứng trước thử thách rất lớn. Ai cũng biết các trận Top 16 là cơ hội thể hiện sự xuất sắc của mình. Thay vì nói ra những điều rõ như ban ngày, tại sao các anh không chuyển những thông tin bổ ích mà khán giả xem truyền hình không thể tự biết được? Một vài thống kê thú vị? Một câu chuyện lịch sử? Bất cứ điều gì cũng được miễn không thuộc loại “thử thách lớn” và “cơ hội thể hiện”.

 

“Khi đá penalty bên cạnh bản lĩnh… phải có may mắn…”

 

Thật hả? Tôi cứ tưởng bên cạnh bản lĩnh phải có bún bò Huế, tóc giả màu hồng và hai chiếc bugi của xe Honda Dream sản xuất vào năm 1982. Hóa ra chỉ cần thêm may mắn là được!... Lá ngón của tôi đâu?

 

“Đấy là thẻ vàng thứ ba của Kaka tại World Cup năm HAI-NGÀN-LẺ-MƯỜI”

 

Các anh ơi, “tại World Cup này” được rồi. Không ai nhầm World Cup 2006 đâu.

 

Phong phú để phong phú

 

Khó chấp nhận hơn bệnh “nói để nói” trên là bệnh “phong phú để phong phú”.

 

Đội tuyển Brazil. Các cầu thủ mặc áo vàng. Các chàng trai Samba. Các học trò thầy Dunga. Thôi! Tôi nghĩ một bình luận viên chuyên nghiệp sẽ gọi các cầu thủ Brazil là “các cầu thủ Brazil” từ đầu đến cuối trận (nếu dùng “nickname” chỉ có vài lần phù hợp, ví dụ Brazil ghi bàn và các cầu thủ đang nhảy Samba thật).

 

Trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, ông không bắt đầu xưng “tôi”, rồi chuyển sang “anh”, rồi “mình”, rồi quay lại xưng “tôi” đâu. Đó là sự phong phú vô nghĩa. Những chỗ cần phong phú thì ông rất phong phú, những chỗ không cần thì ông không - thế mới có điểm nhấn!

 

Tôi không muốn các cầu thủ Anh bỗng thành con sư tử, các cầu thủ Đức bỗng thành xe tăng, các cầu thủ Nhật bỗng thành người Samuri, các cầu thủ Hàn Quốc bỗng thành bát kim chi khổng lồ… Tôi cũng không muốn các cầu thủ trưởng thành bỗng thành “học trò” ngoan ngoãn và tôi quá biết các cầu thủ đang mặc áo màu gì.

 

“Cũng nhiều người…”

 

“Cũng nhiều người nói rằng đội tuyển Anh thiếu sáng tạo…”

 

Ai? Những người nào? Bao giờ? Cũng nhiều người nói rằng trái đất phẳng và Hitler bay từ mặt trăng xuống.

 

Theo tôi, “Cũng nhiều người nói rằng đội tuyển Anh đang thiếu sáng tạo” là câu lười. “Hôm qua Franz Beckenbauer nói rằng đội tuyển Anh đang trở lại với thời chạy và sút” là câu chăm chỉ. Số lượng câu chăm nhỉ nên nhiều hơn.

 

Tôi có cảm giác “cũng nhiều người nói rằng” dịch từ ngôn ngữ bình luận viên Việt Nam sang… ngôn ngữ tiếng Việt phổ thông có nghĩa là “Tôi nghĩ rằng”.

 

Sao không nói “Tôi nghĩ rằng” luôn, rồi giải thích cụ thể vì sao “tôi” nghĩ như thế?

 

Các anh bình luận viên cũng hay lạm dụng từ “luôn”. “Các cầu thủ Brazil luôn thể hiện tinh thần đồng đội…Các cầu thủ Chile luôn sẵn sàng tấn công…Các cầu thủ Algeria luôn cho thấy yếu kém…”.

 

Vấn đề là không cầu thủ nào luôn thể hiện, tỏ ra, hoặc cho thấy điều gì hết. “Thường xuyên” thì có, nhưng “thường xuyên” vẫn chưa rõ ràng. “Các cầu thủ Brazil đã thể hiện tinh thần đồng đội rất cao trong 20 phút đầu của hiệp hai…” là câu rõ ràng hơn nhưng bình luận viên vẫn phải nói thêm: tinh thần đồng đội ấy được thể hiện như thế nào?
 

 

Lỗi tại ai?

 

Đó là chưa kể đến cách phát âm tên cầu thủ chưa nổi tiếng (siêu buffering) hoặc những “câu cửa miệng” nói đi nói lại (mà tốt hơn không nói) -“Rất nguy hiểm!”.

 

Vậy lỗi tại ai?

 

Để có câu trả lời chúng ta phải hiểu vì sao đội tuyển Anh bị loại sớm.

 

Đó không phải lỗi tại trọng tài. Đó không phải lỗi tại Fabio Capello. Đó cũng không phải lỗi tại ông trời và số phận. Đó là do các cầu thủ Anh chưa đủ trình độ, bất kể trọng tài, huấn luyện viên, hoặc ông trời là ai. Lưu ý: đó là do các cầu thủ Anh chưa đủ trình độ, không phải “lỗi tại” các cầu thủ Anh; chưa làm một việc vì chưa khả năng làm không phải là cơ sở để trách mắng.

 

Đó là lỗi tại Liên đoàn bóng đá Anh và các đơn vị quản lý đào tạo khác.

 

Tây Ban Nha có 750 huấn luyện viên cầm băng loại A của UEFA. Anh chỉ có 150. Hơn nữa, 150 huấn luyện viên người Anh đó, tất cả đều làm ở các câu lạc bộ chuyên nghiệp, tập luyện hàng ngày cùng các cầu thủ trưởng thành. Số 750 huấn luyện viên người Tây Ban Nha loại A, 640 làm ở các trường học bình thường cấp 1 đến cấp 3. Họ dạy các cháu 5 tuổi trở lên cách chơi bóng đá “thông minh” - chuyển nhanh, nghĩ nhanh, phản xạ nhanh dựa trên nền hiểu biết. Ở Tây Ban Nha các cháu không bị bắt phải tập trên sân lớn (như các cháu ở bên Anh) mà được phát triển khả năng kỹ thuật trên sân nhỏ, chuyện thắng thua không quan trọng.

 

“Nhà máy” đào tạo cầu thủ trẻ bên Anh vẫn có thể sản xuất ra các ngôi sao, nhưng đó là loại ngôi sao bóng đá không trọn vẹn. Vì sao Rooney, Gerrard, và Lampard đá hay cho các câu lạc bộ Manchester United, Liverpool và Chelsea? Đơn giản vì ở các câu lạc bộ đó họ là bộ phận của hệ thống nhập về. Các ngôi sao bóng đá Anh có thể tỏa sáng trong một hệ thống do các cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài tạo nên - nhưng họ không có khả năng tự tạo nên một hệ thống hiệu quả cho nhau.

 

Điều đó đòi hỏi loại chất xám đặc biệt phải phát triển từ bé.

 

Còn loại chất xám cần thiết để bình luận về bóng đá? Chắc phải đợi đến khi nhà đài và các đơn vị quản lý đào tạo khác coi việc bình luận bóng về đá là nghề nghiệp thực sự, có chương trình đào tạo lâu năm, có đầu tư kỹ thuật (và nghệ thuật!), có tiền lương xứng đáng, có ê-kíp nghiên cứu hỗ trợ, có điều kiện hợp lý (bình luận viên phải có mặt ở sân vận động chứ!)… thì mới có thể bỏ hàng rào điện quanh các cây lá ngón trong rừng.

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
07/07/2010 10:07 # 10
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com


Khi sân thiếu cỏ

(Dân trí) – Vẫn tiếp tục hòa vào “nhiệt” của World Cup, lần này Joe phát hiện ra quy luật về cái đầu của các ngôi sao bóng đá: sự sáng sáng tạo của họ tỷ lệ nghịch với tóc trên đầu!

 

 

Robben. Zidane. Rooney. Shearer. Cambiasso.

 

Tất cả đều là ngôi sao bóng đá thừa sức, thừa sáng tạo, thừa tiền …và thiếu tóc.

 

Họ bắt đầu hói ngay trước mặt khán giả truyền hình, mỗi mùa bóng đá xuất hiện với ít tóc hơn. Mà càng mất màu sắc ở đầu, càng thêm tài sắc ở chân.

 

Hôm trước xem trận Hà Lan và Brazil xong, tôi cùng một người bạn tranh luận về cầu thủ hói đầu xuất sắc nhất mọi thời đại. Bạn tôi chọn Zidane. “Zidane lượn qua trung tuyến như một con ma!”, bạn tôi lý giải. (Bạn ấy người Pháp nên cách lý giải là thế) “Mà cách hói đầu của anh cũng hay –  tự tin, đẹp trai, đàn ông.”
 

 

 
Tôi hâm mộ Zidane từ lâu nên muốn nói đồng ý ngay; tuy nhiên mọi thời đại là tầm nhìn khá rộng.

 

Tôi nhớ đến Yordan Letchkov, người Bulgari được các bình luận viên đặt tên “Nhà ảo thuật của vòng tròn giữa sân”. Năm 1994 tôi 15 tuổi; đó là lần đầu tiên tôi theo dõi một World Cup từ đầu đến cuối. Tôi ở Canada còn World Cup diễn ra ở Mỹ, cứ 4 giờ chiều đi học xong là tôi chạy về nhà, vất balô, bật TV lên, đóng cửa phòng lại. Lúc ấy tôi đặc biệt ấn tượng với Letchkov, một phần vì chuyện “ảo thuật” trên, một phần vì đội Bulgari mặc quần xanh và áo trắng – khi 15 tuổi mầu quần áo là điều rất quan trọng. 

“Nhà ảo thuật của vòng tròn giữa sân” Yordan Letchkov
 
Nếu chưa biết về Letchkov, các bạn chắc chắc đã nghe tên Alfredo di Stefano. Huyền thoại người Buenos Aires này được chính Pele đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại (chắc chỉ để “chơi” Diego thôi, nhưng Pele vẫn nói thế). Cho dù đá cho ba quốc gia nhưng Stefano chưa tham gia World Cup nào. Không sao cả, trong hơn 10 năm đá cho Real Madrid, di Stefano đã nhìn đầu hói của chính ông ấy phản chiếu lên không ít hơn 8 cúp vô địch bóng đá Tây Ban Nha.
 
 
Đầu hói của Alfredo di Stefano phản chiếu lên không ít cúp vô dịch bóng đá Tây Ban Nha
 
Rồi là các cầu thủ ít nổi tiếng hơn như Jaap Stam, Thomas Graveson, thậm chí huyền thoại Ba-Lan Grzegorz Lato...nhiều cầu thủ ít tóc đóng góp nhiều sức cho câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, chọn người xuất sắc nhất rất khó. Tất cả đều là cầu thủ nên được những người sớm muộn rồi sẽ bị hói (như tôi!) ca ngợi.
 
 
 
Không phải chỉ có cầu thủ đứng lên bảo vệ danh dự của người thiếu tóc đâu. Không có trọng tài nào gây ấn tượng tốt như Pierluigi Collina đâu. Giờ anh còn nổi tiếng hơn nhiều cầu thủ đang đá. Tôi hay thấy anh xuất hiện quảng cáo cùng Wayne Rooney, giữa hai người chưa đủ tóc để gửi công an làm mẫu kiểm tra ADN.
 
 
Pierluigi Collina
 

Còn các nhà báo nữa. Hôm trước tôi viết bài phàn nàn về một số bình luận viên Việt Nam. Đúng là ngành bình luận về bóng đá vẫn đang phát triển, nhưng sự thật là có nhiều bình luận viên, nhà báo và chuyên gia rất đáng khen. (Lúc viết bài ấy tôi tức giận đội tuyển Anh, theo một vòng tròn khó giải thích tới nỗi tức giận ấy bị chuyển sang một số anh bình luận viên Việt Nam.)

 

Hai chuyên gia tôi thích nghe nhất là biên tập viên Long Vũ và nhà báo Vũ Công Lập. Đơn giản họ có cách nói tự nhiên dựa trên nền hiểu biết sâu. Tôi nghe hai chuyên gia ấy nói tôi có cảm giác muốn đến nhà của họ chơi – với tôi, trong giới “khách mời” chỉ có hai người ấy mới tạo được cảm giác đó. ( Khác với một số khách mời xuất hiện truyền hình…Kết thúc một trận hay, TV chuyển từ hình các cầu thủ và người hâm mộ mặt đầy cảm xúc sang hình các ông ngồi ở studio mặt buồn như chết!)

 

Không biết có phải tình cờ hay không nhưng anh Long Vũ và chú Công Lập cũng là hai chuyên gia có vẻ đẹp trai thuộc dạng trên.
 
 
Biên tập viên Long Vũ (phải) và nhà báo Vũ Công Lập trong "danh sách" của Joe
 
Tôi nghĩ chúng ta nên cảm ơn sự đóng góp của tất cả các cầu thủ, trọng tài, chuyên gia và người yêu bóng đá đang sở hữu cái đầu có dáng sân đất. World Cup này là của các bạn! Và đúng là như thế! Ai là cầu thủ được bình chọn là Man of the Match (cầu thủ xuất sắc nhất) trận Tây Ban Nha đánh bại Paraguay hôm kia? Mr. Andrés Iniesta! Còn ai là cầu thủ đưa Hà Lan của tôi vào tứ kết vào hôm trước đó? Không phải ai ngoài anh Wesley Sneijder đẹp trai – bằng cái đầu. 
 
 
 
Wesley Sneijder

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
12/07/2010 14:07 # 11
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Hà Lan thua…vì “thầy” bạch tuộc Paul?


(Dân trí) - Đương nhiên đội Tây Ban Nha thắng. “Thầy” bạch tuộc Paul nói thế!


 
Nếu bạn chưa biết Paul là ai (tức bạn đang sống trong rừng, hôm nay mới ra quán check mail) Paul là con bạch tuộc đã đoán đúng kết quả cả 7 trận World Cup có đội tuyển Đức tham gia, rồi là trận chung kết đêm qua mà Tây Ban Nha đánh bại Hà Lan của tôi.

Tôi rất muốn Hà Lan thắng. Trong một cuộc phỏng vấn phát trên truyền hình cách đây hơn một tháng tôi dự đoán Hà Lan sẽ vô địch (mặc dù trái tim của tôi vẫn dính vào đội Anh). Tội tự tin đến thế. Tôi luôn ủng hộ đội Hà Lan.

Nhưng Paul không ủng hộ tôi.

Hà Lan thua không phải tại khả năng giữ và chuyền bóng xuất sắc của đội Tây Ban Nha được phát triển một cách chiến lược trong hơn 15 năm qua dưới sự chỉ tạo nhiệt tình của các chuyên gia bóng đá hàng đầu như Johan Cruyff, Luis Aragones, Vincente Del Bosque, v.v. .và với sự thực hiện chuẩn của các cầu thủ tài năng như Iniesta, Xavi, Fabregas...

Cũng không phải vì một số cầu thủ Hà Lan đá trận chung kết hiểu nhầm, tưởng World Cup là Olympic và sân bóng là thảm Taekwondo. Không.

Tất cả là tại con bạch tuộc đó. 

Chắc chắn các cầu thủ đội Hà Lan đã biết đến Paul (bạch tuộc nổi tiếng mà). Chắc chắn họ đều biết Paul chọn đội Tây Ban Nha sẽ thắng trước trận chung kết. Tâm lý của một cầu thủ bóng đá là một điều hết sức mong manh, chỉ cần chút ảnh hưởng nhỏ (như là của ông Paul gây ra) là bóng chạm vào cột (mà đáng lẽ vào thẳng góc phải), là anh hậu vệ bị trượt, là chú trọng tài không thổi phạt penalty….

Như vậy là Paul đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của trận đấu, không phải tiên đoán một cách khách quan từ ngôi nhà xa xôi như các báo nói đâu. Từ lâu Paul không còn là nhân vật khách quan nữa. Paul là fan của Tây Ban Nha.  Paul vừa đoán vừa góp phần thực hiện, vừa là người chơi vừa là người cầm còi.

Paul làm như vậy là khó chấp nhận. Không fairplay.

Nhưng thôi. Paul đã làm cho World Cup vừa kết thúc này thú vị lên. Thêm vào đó, nếu đội Hà Lan chưa đủ bản lĩnh để vượt qua sự ảnh hưởng của Paul thì họ không xứng đáng là nhà vô địch đâu. Hà Lan thua tốt hơn là Hà Lan thành nhà vô địch không xứng đáng.

Dưới góc nhìn đó, tôi và các fan của Hà Lan khác nên cảm ơn ông Paul. Dù sao đi nữa, Paul cũng là con bạch tuộc dễ thương.

Nhưng cảm ơn bằng cách nào? Tôi chẳng biết nên tặng một con bạch tuộc quà gì? Chắc tôi sẽ phải nghĩ thêm, phải phân tích chút nữa. Và để nghĩ thêm tôi sẽ phải ăn thêm - tôi dậy sớm để viết bài này, chưa ăn sáng, đói quá! (Con người phải no bụng mới suy nghĩ tốt chứ !) Ăn gì nhỉ? Ăn món gì để có đủ sức nghĩ ra cách tốt nhất để cảm ơn Paul?
Các món nướng có mùi rất thơm, sẽ kích thích sự sáng tạo để tôi nghĩ ra được một cách cảm ơn ông Paul vừa hợp lý vừa nhiều cảm xúc.
À tôi quên, gần đây có dịch tả. Nếu dùng đồ nướng tôi sẽ phải nướng thật kỹ vào để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe của chính tôi (để chọn ra loại quà tuyệt vời nhất).
Chết, chết!  Các cô gái thời tiết vừa bảo trời sắp mưa to, nướng đồ ngoài vườn nhà tôi là không được đâu (mà nướng đồ trong nhà nhiều khói quá). Hay tôi chọn món luộc? Chuẩn bị sẽ nhanh và rửa bát cũng nhanh – tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để nghĩ về trận vừa rồi và sự biết ơn của tôi dành cho Paul.
Nhưng …xem nào. Rửa bát sẽ không thêm sáng tạo cho tôi đâu. Tốt nhất là vừa ăn vừa nghĩ, càng nhiều gia vị cạnh tranh trên lưỡi là càng nhiều ý tưởng cạnh tranh trong đầu. Một chút chanh, một chút cam, một chút hành, một chút…gì nhỉ?
À quên! Đồ ăn trên đĩa phải cứng và giòn, ý tưởng trong đầu mới đặc và sâu sắc. Phải có chút dầu nữa –  xe máy cần dầu để chạy, đầu óc cần dầu để nghĩ!
Được đấy! Nếu bạn là fan của đội Hà Lan bạn hãy đến nhà tôi ăn sáng đi nhé, ăn xong chúng ta sẽ cùng nhau đi mua quà. Mà chắc ông Paul sẽ rất bất ngờ khi biết ở đất nước Việt Nam xa xôi lại có người quý ông đến thế. 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
16/07/2010 21:07 # 12
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



“Cái chết” của chữ “Đ”


Joe nhận thấy hệ thống đánh vần của tiếng Việt thật tuyệt vời, nhưng lo lắng trước sự “xâm lấn” của các từ tiếng Anh đang bị một số người nghĩ “thế mới oai”. Một số chia sẻ riêng của Joe để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt rất đáng được lưu ý.
 
 
 
Nếu chữ Đ bị bỏ các bạn có thấy buồn không?

 

Có ai rơi nước mắt nếu chữ Đ trở thành chữ D, mất dấu “-“ nhỏ ở giữa?

 

Trước hết, hệ thống đánh vần của tiếng Việt khá tuyệt vời. Nghe thì biết viết. Đọc thì biết nói. Chính tả và phát âm là một. Ví dụ, tôi bịa ra một từ tiếng Việt mới – “puốc pin” chẳng hạn. “Chị ấy đã puốc pin tôi!” tôi nói với các bạn. Mặc dù lần đầu tiên nghe nhưng các bạn sẽ biết cách viết từ đó, đi về gửi tin nhắn cho mọi người đọc – “Anh Dâu bị puốc pin rồi đó hahaha!”

 

Hệ thống đánh vần của Tiếng Anh không tuyệt vời chút nào. Nếu có một người bịa ra một từ mới như vậy, rồi nói với tôi, rất có thể tôi sẽ không biết cách viết. Ví dụ: Joe, you are such a “gabow!” Muốn nhắn tin cho mọi người,tôi sẽ phải về nhà lên mạng kiểm tra xem từ đó viết như thế nào (và nghĩa là gì?). Gabow? Gobow? Gaboe? Gabowe? Gabough?

 

Tiếng Anh có bảng chữ cái thứ hai là Phiên Âm Tiếng Anh Quốc Tế. Những người đang học tiếng Anh chắc rất quen với các chữ “nửa Nga nửa Ai Cập” như θ, ʈ ɖ ɘ æ... Lẽ ra bảng chữ cái thứ hai này là bảng chữ cái thứ nhất. Phát âm và chính là một, giống hệ thống tiếng Việt. Nếu chỉ có bảng phiên âm (mà không có bảng ‘lôi thôi’ kia) người Việt đang học tiếng Anh không cần học thuộc cách đánh vần của hàng nghìn từ dài. Họ chỉ cần học vài “luật chơi” để âm ra miệng thành chữ trên trang.

 

Có nhiều nhà ngôn ngữ học ở các nước nói tiếng Anh muốn sửa lại hệ thống đánh vần đang dùng, bỏ hết các trường hợp viết ra một âm theo nhiều kiểu khác nhau (kiểu mượn từ tiếng Đức, từ tiếng Pháp, từ tiếng Hà Lan, từ tiếng gì-gì-đó của nước đâu-đâu-đấy) Một vợ, một chồng; một cách nói, một cách viết. Theo đa số nhà ngôn ngữ học đó, thay vì các chữ “Ai Cập/Nga” kia nên dùng chữ “abc bình thường”, nhưng dùng cách thông minh hơn. Ví dụ, âm “ô” trong tiếng Anh có nhiều kiểu viết khác nhau - nên chọn duy nhất một kiểu và đóng cửa lại.

 

Go = Go

Joe = Jo

Show = Sho

Though = Tho

 

Vấn đề là tiếng Anh đã viết như thế rồi. Thay đổi cả cách đánh vần của một ngôn ngữ khó vô cùng - bao nhiêu là sách phải in lại, bao nhiêu là người sẽ kêu ầm ĩ. Bất lực.

 

Người Việt Nam đang giữ trong tay chính hệ thống mà các nhà ngôn ngữ học phương Tây ấy đang với tới. Một hệ thống đánh vần thông minh, gọn gàng, liên quan trực tiếp đến cách phát âm (độ chính xác gần 90%). Thế mà các bạn đang nhập trực tiếp rất nhiều từ tiếng Anh (cách viết vốn đã linh tinh), không sửa lại theo hệ thống tiếng Việt, in trực tiếp trên các trên tạp chí, tờ báo, cuốn sách…

 

Mỗi khi thấy một chữ Đ bị thay bằng một chữ D tôi cảm thấy lạ. “Chúng ta đã xem lại data của công ty.” Sao không viết “đata”? Phát âm là đa-ta, không phải da-ta. Đa là đa, da là da, hai âm riêng.

 

Chuyện Đ/D là cách mở màn. Phần biểu diễn còn dài.
 


 

“Tuyển Anh luyện đá penalty”. Sau không viết “pênanty”? Tôi biết cách Việt hóa này nhìn hơi buồn cười, có lẽ hơi “quê quê”, nhưng tại sao không chịu xấu hổ nhỏ để bảo vệ hệ thống lớn tuyệt vời? (Chưa nói đến chuyện tác giả không viết “đá phạt đền”)

 

Tôi nghĩ việc Việt hóa từ mượn không khác gì việc đội mũ bảo hiểm - nếu ai cũng làm thì không ai cảm thấy xấu hổ. Một tác giả viết “đata” sẽ cảm thấy ngại vì độc giả quen với cách viết “data” rồi (sành điệu mà). Nhưng bản thân cách viết “đata” không có gì là đáng ngại cả.

 

Nếu từ trước đến giờ người Việt chỉ viết “film” (theo cách tiếng Anh), rồi hôm nay trên báo có một tác giả bỗng viết “phim” thì các bạn sẽ thấy buồn cười. “Phim” hả? Trời ơi, quê quá, lạ quá, buồn cười thế nhỉ! Nhưng các bạn đã quen với cách viết “phim” từ lâu rồi nên không thấy buồn cười nữa - vì trước đây có một người dũng cảm quyết định viết lại từ đó cho phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt. (Lưu ý: Các từ mượn của tiếng Pháp ngày xưa được Việt hóa tốt hơn các từ mượn của tiếng Anh ngày nay)

 

Đọc đến đây chắc các bạn hiểu việc tôi đang phê phán không phải là mượn từ của tiếng Anh mà là mượn trực tiếp, không sửa lại cách viết cho phù hợp với tiếng Việt. Theo tôi, nên sửa lại tất cả các từ mượn của tiếng Anh nào cho phù hợp với tiếng Việt, ngoài các danh từ riêng như tên người, tổ chức hay địa điểm (Beckham, Unicef, Paraguay…).

 

Buồn cho “Cha”!

 

Tôi lo về tương lai hệ thống đánh vần của tiếng Việt. Cha Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) và những người Việt Nam phát triển hệ thống đánh vần chữ La-tinh cùng (và sau) ông ấy đã làm tốt. Tôi nghĩ họ sẽ rất buồn khi biết chữ Đ của họ đang dần dần biến thành chữ D, chữ Ê đang dần dần biến thành chữ E…và một hệ thống tuyệt vời đang bị thiếu chăm sóc.

 

Tôi biết một số các bạn sẽ nói:“Yên tâm! Đó chỉ là những từ tiếng Anh ghép vào câu tiếng Việt. Tại sao không giữ lại cách viết tiếng Anh; dễ nhìn hơn chứ! Sẽ không ảnh hưởng đến các từ khác trong câu đâu, đã xem data sẽ không thành dã xem data!”

 

Có lẽ một chữ D trong một từ tiếng Anh (trong một câu tiếng Việt) sẽ không ảnh hưởng đến các từ khác. Tuy nhiên chữ D ấy sẽ ảnh hưởng đến hệ thống. Trước đây tiếng Việt có một hệ thống đánh vần công bằng – không có từ nào, chữ nào, hơn cái hệ thống đó. Còn bây giờ có một số từ “hơn”.

 

Nói cách khác những từ mượn trực tiếp từ tiếng Anh (không viết lại cho phù hợp) giống những người nước ngoài đi đường không đội mũ bảo hiểm - vì nghĩ công an sẽ không bắt.

 

Hãy nhìn câu này: “Gặp turbulence nên máy bay đã hạ cánh muộn 20 phút.” Từ turbulence phát âm như thế nào? Bạn có biết không? Cách phát âm của bạn có giống cách phát âm của người ngồi bên cạnh không? Theo hệ thống tiếng Việt cũ, chính từ đó phải cho bạn biết cách phát âm chính xác (qua cách đánh vần). Thế mới là hệ thống tuyệt vời!

 

Nhưng theo hệ thống bất bình đẳng mới thì từ turbulence có thể vênh mặt lên. Các từ bên tay phải, bên tay trái phải cho bạn biết cách phát âm. “Họ” là từ của Việt Nam nên họ phải theo luật của Việt Nam. “Nhưng tôi chả cần,” từ turbulence đang nói. “Tôi là từ nước ngoài. Anh muốn phát âm hả? Anh cứ đoán mà xem.”

 

Không tốt! Chỉ có những từ như Beckham, Unicef, Paraguay vừa kể trên có “quyền được miễn ngoại giao”, là không bắt được. “Turbulence” là dân thường - bắt thoải mái. (Turbulence nghĩa là thời tiết xấu khiến máy bay lắc lên lắc xuống.)

 

Còn quan điểm“…đã xem data sẽ không thành dã xem data”?

 

Tôi chưa chắc. Biết đâu các từ mượn dần dần sẽ ảnh hưởng đến các từ “bản địa” thì sao? Trong tiếng Việt, lớp từ Hán-Việt chiếm một tỷ trọng rất lớn, nhất là ở phong cách nghị luận, khoảng 60-70%. (GS Nguyễn Tài Cẩn). Biết đâu năm 2999 từ “Anh Việt” chiếm 70% thì sao? Thì nguy hiểm! Từ Hán Việt không thể làm hỏng hệ thống đánh vần của tiếng Việt. Từ “Anh Việt” thì có thể có.

 

Từ Hán khi sang tiếng Việt phải viết lại từ đầu (vì là từ tượng hình). Khi viết lại đương nhiên phải theo luật của hệ thống tiếng Việt. Nhưng từ tiếng Anh có cách viết đi kèm. Có thể viết lại cho phù hợp với hệ thống tiếng Việt, hoặc có thể không - thế nào cũng có từ để bán. Xu hướng là không viết lại, “cứ để nguyên cho xong”. Nếu tiếp như thế, dần dần hệ thống đánh vần của tiếng Việt sẽ bị mất, thậm chí bị thay bằng hệ thống lộn xộn của tiếng Anh.

 

Đó là vấn đề chung của các ngôn ngữ dùng chữ La-tinh: tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Somali (hoặc Sô-ma-li), v.v. Các ngôn ngữ dùng chữ riêng không bị ảnh hưởng; Tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, v.v., khi nhập từ tiếng Anh phải bỏ cách đánh vần tiếng Anh ngay.

 

Ủy ban bảo vệ

 

Người trí tuệ nên là người tiên phong. Họ nên thống nhất một hệ thống mà trong đó các từ mượn của tiếng Anh có cách Việt hóa chính thức và phù hợp. Vấn đề là với một số người tự cho là trí tuệ Việt Nam, nói từ mượn của tiếng Anh với phát âm cũng mượn từ tiếng Anh trở thành cách khoe khoang trình độ của mình.

 

Thay vì chỉnh sửa hoặc bỏ đi, họ lại nhấn mạnh các chữ “s” ở cuối từ tiếng Anh, các chữ “th” ở đầu…đến mức cách phát âm của họ nghe giống con mèo tức giận hơn người Anh. “Tao biết, mày chưa biết”, là điều các con mèo tức giận ấy muốn nhấn mạnh.

 

Vậy chúng ta nên nhờ ai?

 

Có khi Việt Nam nên thành lập một Ủy ban bảo vệ ngôn ngữ theo cách L'Académie française bên Pháp. (Tiếng Pháp cũng đang bị đe dọa từ nhiều phía.) Khi có một từ tiếng Anh xuất hiện nhiều trong tiếng Việt (sorry, toilet) các chuyên gia thuộc Ủy ban sẽ thống nhất một cách viết cho phù hợp với tiếng Việt (so-ri, toi lét). Cách viết ấy Ủy ban sẽ thông báo là chính thức, được cho lên mạng, in trong các từ điển và biển quảng cáo.

 

Trong trường hợp Ủy Ban không chấp nhận dùng từ mượn từ tiếng Anh thì các chuyên gia sẽ chọn một từ tiếng Việt dùng để thay thế (turbulence = sốc khí). Các tạp chí, tờ báo và trang điện tử lớn sẽ phải hoạt động theo quy định của Ủy ban, không thì bị phạt tiền.

 

Thêm dấu vào

 

Thêm một việc quan trọng Ủy ban nên thực hiện. Đó là thêm thanh điệu vào từ mượn. Tiếng Trung khi mượn từ của tiếng Anh hay thêm thêm dấu vào. Ronaldo thành Rổ-nã-đồ (ví dụ vậy). Tiếng Việt thì không. Tiếng Việt hay để không dấu. Ba-ha-sa, In-đô-nê-si-a, v.v. Nghe rất “la la la” và cũng hơi buồn ngủ. Tôi dùng thuốc pan-a-đôn loại hai đô-la mua ở Cam-pu-chi-a gần cửa hàng nô-ki-a ở chỗ đường Van-pơ-si giáp đường Uê-ru-ni…

 

“Thổ Nhĩ Kỳ” là cách của tiếng Trung. “Thô-nhi-ky” là cách của tiếng Việt (Thổ Nhĩ Kỳ là từ mượn của tiếng Hán mượn của tiếng Tây nên có dấu). Nếu đọc báo lá cải của Việt Nam các bạn sẽ thấy tên của các sao Trung Quốc lên xuống bình thường, nhưng tên của các sao Tây rất “la la la” Xem trận bóng đá cũng vậy, “Chân Ma-cô Su-lê của Slô-ven-i-a đã chạm vào đầu ben-gia-min ba-li-ma của Bơ-kin-a-pha-sô..”, thỉnh thoảng có một dấu sắc ở cuối (I-ba-him-ơ-víc).

 

Tôi nghĩ tiếng Trung thêm dấu vào từ mượn là hợp lý (mặc dù tôi chưa hiểu cách thêm vào của họ là như thế nào). Từ mượn nào cũng phải xem có nên thêm dấu vào hay không. Tên con người, thành phố, đất nước, v.v. không nhất thiết phải luôn viết theo cách “Việt hóa”, nhưng với những con người và địa điểm nổi tiếng nên có cách Việt hóa chính thức với phát âm chuẩn có dấu (có thể tra trên trang điện tử chính thức). Ủy ban đề xuất này sẽ giúp người Việt Nam thực hiện việc đó.

 

Điều quan trọng là Ủy ban phải có quyền phạt tiền. Chính tôi hay mắc những ‘sai lầm’ vừa miêu tả trên. (Trước khi công an phạt tiền tôi cũng hay không đội mũ bảo hiểm.) Không có cách quản lý nào hiệu quả bằng việc phạt tiền.

 

 

Người ngồi viết nhật ký ở quán cà phê dùng chữ gì cũng được. Nhưng người phụ trách các tờ báo và nhà xuất bản lớn nên sống trong sợ hãi. Họ nên luôn sợ bị phạt tiền, và khi vi phạm các quy định ngôn ngữ trên họ nên bị phạt tiền thật.

 

Như thế mới bảo vệ được một hệ thống tuyệt vời.

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
16/07/2010 22:07 # 13
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Đồng hồ sinh học Sao Hỏa!


Joe bật mí về “đời tư” của mình, về cái đồng hồ sinh học khác người Trái Đất nhưng lại giống người Sao Hỏa (nếu có) và đang suy tính mở câu lạc bộ những người cùng cảnh ngộ, để rồi hi vọng một ngày có thể lên hành tinh Đỏ sống cho đúng “nhịp”.
 
 
***
 
Tôi bị mất ngủ từ hồi rất nhỏ. Đêm không bao giờ thấy buồn ngủ, sáng không bao giờ thấy muốn dậy. Tôi tốt nghiệp trường phổ thông và trường đại học là nhờ một nỗ lực cực lớn - tôi đánh, véo, tát, và áp dụng nhiều phương pháp “dã man” khác để bắt đồng hồ sinh học của tôi chạy theo mặt trời.

 

Chắc nhiều người trong số các bạn cũng thế.

 

Để tôi kể bạn nghe. Cách đây không lâu một ông mặc áo trắng vất 15 người xuống hang. 

 

Ông đó là nhà khoa học (thế mới mặc áo trắng), còn 15 người kia là những tình nguyện viên quyết định tham gia một cuộc thí nghiệm liên quan đến con người và giấc ngủ.

 

Trong hang không có ánh sáng mặt trời (hay mặt trăng). Không có tiếng còi, mùi phở, hoặc bất cứ dấu hiệu gì khác cho biết đang là ngày hay đêm, buổi sáng hay buổi chiều.

 

“Khi thấy mệt thì ngủ,” ông mặc áo trắng nói. “Còn không thì các bạn cứ đọc sách, tập thể hình, lang thang trong hang.” Điều ông ấy muốn nghiên cứu chính là đồng hồ sinh học của con người, hay còn gọi là đồng hồ vỗ nhịp giấc ngủ, đồng hồ Circadian, v.v.

 

Đa số con người có đồng hồ sinh học 24 giờ - ngủ khoảng 8 tiếng, thức khoảng 16 tiếng, đôi khi thay đổi một chút vì lý do công việc, du lịch, v.v. Nhưng đó có phải là điều tự nhiên không? Trước khi sinh ra đồng hồ sinh học có phải đặt sẵn theo lịch 24 giờ không? Hay lịch 24 giờ ấy do môi trường áp đặt?

 

Trong hang không có những yếu tố môi trường trên. (Và đương nhiên các tình nguyện viên ấy không được mang đồng hồ vào.) Vậy ông mặc áo trắng cho rằng: nếu 15 tình nguyện viên của mình tiếp tục chia cuộc sống thành những phần kéo dài 24 tiếng như bình thường thì rất có thể đồng hồ sinh học của con người đặt sẵn như vậy. Thời gian 24 giờ đó là bẩm sinh, là trong ADN. Là ngấm vào máu.

 

Kết quả là…(các bạn sẵn sàng chưa?)…Với đa số 15 người ấy, đồng hồ sinh học đúng là 24 giờ tự nhiên thật.  Sau mấy tháng trong hang họ vẫn ngủ trung bình là 8 tiếng, thức trung bình là 16 tiếng (có người 7, 17, hoặc 9, 15…) giữ khuôn 24 giờ đó – dù họ không hề biết ngoài hang đang là buổi sáng, chiều hay tối.

 

Nhưng (nhưng nhưng nhưng!) với những người còn lại thì không. Có người đồng hồ sinh học của họ chạy theo “ngày” có 25, 26, thậm chí 30 tiếng. Tôi không rõ chi tiết nhưng đó là cuộc thí nghiệm thật.

 

Và tôi là một trong những người “còn lại”.

 

Nếu tôi ngủ dậy lúc 8 giờ sáng, chắc chắn đến 12 giờ đêm tôi chưa thấy buồn ngủ. Tôi uống sữa nằm trên giường, uống cà-phê, đi đạp vịt, uống nước cam, ngồi bồn tắm đọc sách (giờ là “Nước Mỹ, Nước Mỹ” của tác giả Phan Việt), uống bia nhảy kiểu Macarena giữa đường đen tối…làm việc gì cũng không quan trọng vì thế nào tôi cũng không ngủ được. Phải đợi đến 2 hoặc 3 giờ đêm tôi mới thấy buồn ngủ. Nếu sáng hôm sau tôi không cần có mặt ở đâu thì tôi sẽ ngủ đến 10, 11 giờ sáng, cứ như thế cho đến khi ngày thành đêm, đêm thành ngày. 

 
Cách đây không lâu tôi có một tháng làm việc ở nhà. Tôi để đồng hồ sinh học chạy tự nhiên, và…tôi phát hiện chỉ cần 8 ngày là ngày thành đêm, đêm thành ngày (mà nói thật với các bạn, lượn các tuyến đường Hà Nội vào nửa đêm nhiều cái thú vị lắm!). Rồi tôi chỉ cần thêm 8 ngày nữa là đi một vòng luôn, đêm lại là đêm, ngày lại là ngày, tôi lại là con người bình thường, không còn là nhân vật phụ trong phim Chạng Vạng nữa.

 

Suy ra đồng hồ sinh học của tôi là 25.5 giờ; tức 16 ngày của tôi bằng 17 ngày của người “bình thường”.

 

Không biết có phải tình cờ không, nhưng đồng hồ sinh học của tôi phù hợp với một ngày trên Sao Hỏa hơn một ngày trên trái đất này. (Một ngày trên Sao Hỏa kéo dài khoảng 26 tiếng.) Chắc tôi phải kiểm tra lại xem các cụ định cư sang Canada từ đâu.

 

Tôi rất ghét những người sáng dậy luôn một phát, nhảy lên, đánh răng, chạy bộ nửa tiếng, rồi lên xe đi làm. Đêm họ chỉ cần 3 phút (tốt nhất trên giường nhưng nằm ở đâu cũng được) là ngủ say như em bé, sáng lại nhảy, lên đánh răng, chạy tiếp.

 

Khi dùng từ “rất ghét” ý tôi là “rất ghen với” – ước gì tôi được như thế!

 

Nhưng thôi. Đồng hồ của tôi không reset (điều chỉnh) được, và tôi chưa tìm cách làm cho trái đất quay chậm hơn, ngoài việc kêu gọi cả nhân loại, nhờ họ hướng người về phía đông rồi chạy nhanh. (Ai hiểu câu đó được tặng một chiếc hôn.)

 

Các bạn đang bị mất ngủ giống tôi cũng thế. Bất lực.

           

Hay là tôi mở Martian Sleepers Club (Câu lạc bộ Những người có đồng hồ sinh học đặt theo giờ của hành tinh Sao Hỏa). Chúng tôi sẽ xây hẳn một thành phố riêng, giờ làm việc được chỉnh lại cho chuẩn. Rồi khi công nghệ cho phép chúng tôi sẽ bay lên Sao Hỏa luôn, bỏ lại hành tinh 24 giờ "vớ vẩn" này và làm chủ của mặt trời xa.

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
16/07/2010 22:07 # 14
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Tội nghiệp Số 4


Lần này Joe cực kỳ lý luận khi bàn tới con số 4. “Số 4 đứng một mình ở trạm xe buýt, duyên cũ vừa qua, duyên mới chưa đến. Số 4 kẹt ở giữa…”. Hãy cùng đọc tiếp phần “luận” của Joe ở bài viết mới này nhé!

Bạn đang nói chuyện với một ông nước ngoài. Ông ấy nói câu bạn chưa hiểu.

 

“Sorry, what?”, bạn hỏi một cách lịch sự. Ông nước ngoài nói lại câu đó… nhưng bạn vẫn chưa hiểu.  “Pardon?” - bạn hỏi lần 2.   “Blà blà blà,” ông ấy lặp lại, bạn gần như không hiểu gì hết. “I’m sorry?”, bạn nhờ thêm lần nữa, “It’s a little loud in here” (Ở đây hơi ồn ào). “Blà blà blà”, ông ấy nói thêm lần nữa, nói rất to, giọng rất khỏe. 

 

Mà… bạn vẫn chưa hiểu!

 

Tôi đã rơi vào tình trạng như thế nhiều lần, nhưng “ông nước ngoài” với tôi có nghĩa là “một ông Việt Nam”. Đôi khi nói chuyện cùng các ông nhà văn, các bà doanh nhân (nói chung là những người có nhiều chuyện để nói) tôi bị lạc. Không theo được. Đọc quyển sách hoặc viết bài blog đơn giản hơn - tôi có thể tra từ điển hoặc tìm google, uống nước cam, viết tiếp, không có áp lực về thời gian. 

 

Nhất là khi nói chuyện tự nhiên về các chủ đề cao siêu thì khá căng thẳng. Chưa hiểu hết câu người ta vừa nói nhưng hiểu đủ để biết câu đó quan trọng. Thế là phải xin người ta nói lại, không có cách nào khác.

 

“Dạ xin lỗi?” (Người ta nói lại). Dạ cháu chưa nghe được ạ (Người ta nói lại). Dạ bác có thể nói lại giúp cháu được không? (Người ta nói lại). Tối đa là 3 lần xin. Người ta nói lại lần thứ 3 xong là bắt buộc phải hiểu, kể cả không hiểu vẫn phải “hiểu”. 

 

Ahhh!!! Cháu hiểu rồi ạ! Rồi rồi rồi! Bác nói tiếp đi ạ! (Hay chuyển chủ đề - Trời mát nhỉ? Hôm nay trời mát quá nhỉ, bác nhỉ, mát thế!).
 


 

Tiếng Anh có khái niệm “Luật của 3” (Rule of threes). Ví dụ, các vở hài kịch thường đầy “trò sân khấu”, là câu thoại hay, hành động vui, là món quà nhỏ làm cho khán giả cười. Những trò ấy diễn viên chỉ có thể áp dụng 3 lần thôi. Lần thứ nhất khán giả cười. Lần thứ 2 khán giả cười to. Lần thứ 3 khán giả cười toe toét. Lần thứ 4 khán giả tự nhiên không thấy buồn cười nữa, cười xã giao cách diễn viên hài sợ nhất.

 

Tức lần thứ 3 quả cam vẫn còn nước. Lần thứ 4 quả bóp khô, vô duyên.

 

Tiếng Anh có nhiều câu liên quan: “Third time lucky”, “Third times the charm”, “Three strikes you’re out”. Kể cả chụp hình là “1,2,3 Cheese!” - tất cả đều nhắc cái duyên của Số 3. 

 

Tiếng Việt cũng thế: “Tam nhân đồng hành”, “Tam sao thất bổn”, “Tam thập nhi lập”... Hoặc đến muộn phải uống 3 ly rượu, không thể uống 2 (ít quá) cũng không thể uống 4 (phí quá).

 

Tội nghiệp Số 4. Số 1 thì ai cũng thích. Số 1 là Số 1. Số 2 là Hạnh phúc-Hạnh phúc rồi (mà đến với Số 2 vẫn có thể tiếp tục đến với Số 3). Số 5 là bạn thân của số 3, được thơm lây (Tam cương ngũ thường). 

 

Số 4 không phải bạn thân của ai. Tôi biết Số 4 nhận một số lời khen (“Rượu tam chè tứ”), nhưng có nhiều lúc Số 4 đứng một mình ở trạm xe buýt, duyên cũ vừa qua, duyên mới chưa đến. Số 4 kẹt ở giữa. Thậm chí ngày thứ 4 bị kẹt ở giữa tuần làm việc, là ngày buồn nhất. Theo người Hoa Số 4 là chết luôn, buồn hơn cả ngày thứ 4.

 

Bất công quá! Tôi lại muốn cảm ơn Số 4. Sự thật là Số 4 đóng vai trò quan trọng trong đời ta. Nếu không có Số 4 giáo viên dạy toán sẽ rất khó xử. Nếu không có 4 phương Bắc, Nam, Đông, Tây, người thám hiểm mất việc. Nếu không có xe 4 bánh công ty taxi phá sản. Nếu không có... thôi 3 ví dụ được rồi. 

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
16/07/2010 22:07 # 15
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



“Giao thông ơi là giao thông”


Bạn sẽ nghĩ gì khi Joe bảo rằng: “Giao thông Sài Gòn như một người vợ rất dữ nhưng hay đi công tác, lâu lâu mới về”, còn Hà Nội thì như một người vợ “không có hành động quá bạo lực, nhưng suốt ngày đòi đi cùng chồng, đòi tham gia…”?

 

 

Tôi là người thích đi bộ. Tôi cũng là người thích sống ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn. Đôi khi hai sở thích đó không chơi với nhau. Thích bụng nhỏ và thích uống bia. 

 

Ở Hà Nội các phương tiện hay đi lại theo slogan của Mobiphone - mọi lúc mọi nơi. Một trong những “mọi nơi” đó là vỉa hè. Ở Hà Nội rất khó đi bộ hơn 200m dọc theo vỉa hè mà không (a) xuống đường vì vỉa hè thành bãi gửi xe, hoặc (b) nhường đường vì vỉa hè thành quốc lộ 1A.
 


 

Lúc mới sang tôi tưởng quản lý vỉa hè ở Hà Nội rất dễ, khi người ta muốn làm người ta sẽ làm thôi. Nhầm. Quản lý vỉa hè ở Hà Nội là quét nhà trong bão cát.

 

Có lẽ cách quét nhà của các chú dân phòng hơi bất lực, thiếu sự thân thiện nữa, nhưng tôi vẫn ủng hộ họ, bởi cố tình hay không, hiệu quả hay không, họ vẫn đứng bên phía người đi bộ. Tôi chúc họ ngày càng thành công. Hà Nội xứng đáng là một thành phố thân thiện cho người đi bộ. Tôi yêu Hà Nội. Cố lên các chú ơi!

 

Sài Gòn thì khác. (Đã Sài Gòn thì phải khác). Tôi có nhiều bạn là người Hà Nội khi đi Sài Gòn chơi về nhận xét như sau: buổi tối mát mẻ, con người cởi mở, và giao thông…giao thông ơi là giao thông, sợ quá. 

 

Sợ quá, các bạn của tôi nói, vì đi nhanh quá. Là người hay đi  đi về về giữa Hà Nội và Sài Gòn tôi có thể đứng lên tán thành. Ở Sài Gòn các loại xe đi nhanh hơn thật - không phải nhanh hơn 10% mà nhanh hơn 30%, có thể hơn. Kể cả những khu có nhiều “Tâys like me” đứng sững sờ giữa đường (vì đi một nửa thấy choáng quá không dám đi nữa) các xe máy vẫn cứ Phi như máy bay siêu Thanh trên đỉnh phù Vân.

 

Tuy nhiên (con cái tuy nhiên này rất quan trọng) ở Sài Gòn, đặc biệt quận Nhất và quận Ba, vỉa hè rộng, dễ đi. Đi bộ từ Đồng Khởi, qua Vincom (bye bye công viên Chi Lăng đáng yêu), qua Angelinus trên Nguyễn Huệ, qua Nhà Thờ Đức Bà, qua chợ Bến Thành đi ăn ốc…đi đâu cũng thoải mái, chỉ có việc xử lý ngã tư mới khó. 

 

Tóm lại giao thông Sài Gòn kinh khủng hơn nhưng dễ tránh hơn.

 

Trong mắt người đi bộ, giao thông Sài Gòn như một người vợ rất ác nhưng hay đi công tác, lâu lâu mới về. Lúc vợ có ở nhà thì phải hết sức cẩn thận, phải cảnh giác, phải ý thức, phải giấu giếm, phải nhìn kỹ mọi phía mọi bên vì lúc nào cũng có thể bị đâm. Nhưng khi vợ đang ở xa thì chồng như đang ở thiên đường - thoáng, vui, rộng, mát.

 

Còn giao thông ở Hà Nội như một người vợ “hơi khó chịu” thôi, tức không có hành động quá bạo lực, nhưng suốt ngày đòi đi cùng chồng, đòi tham gia, đòi xem với, đòi bấm theo, đòi cầm tay - không thể xa hơn chồng hơn vài centimet bé xíu!

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
20/07/2010 15:07 # 16
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Lễ ăn hỏi


 

Ăn hỏi là một từ không có trong từ điển tiếng Anh.

Đó là vì ăn hỏi là một điều không có trong văn hóa nước Anh.

Cũng như văn hóa Canada, Mỹ, Úc…

Dịch từ ăn hỏi (hoặc “đám hỏi” theo cách nói của người Nam) sang tiếng Anh là phải cuộn tay áo và ghép từ với nhau: engagement (đính hôn) và ceremony (lễ hội). Engagement ceremony. Nghe lạ. Ở Anh, việc khẳng định engagement ít khi thành ceremony: không phải khẳng định trước mặt gia đình, cũng chưa phải xác nhận trước mặt chúa. Đó là việc của hai người.

Các bạn xem phim rồi. Anh chàng cúi xuống, rút ra chiếc nhẫn; cô nàng khóc và nói “Yes” (hoặc “No” khiến anh chàng khóc theo), hai người hôn nhau giữa bãi biến vắng vẻ, mặt trời lặn nốt.

Thỉnh thoảng một nhóm bạn của hai người bỗng xuất hiện, vỗ tay. (Thỉnh thoảng thôi; đó là văn hóa Hollywood – hấp dẫn trên màn ảnh nhưng phô trương ngoài đời. Tôi chưa có người bạn nào làm thế.)

Với đa số người bạn Canada của tôi, định hôn là “anh” quyết định cưới “em”, một phút dành riêng cho hai người. Người ngoài cuộc sẽ được thông báo sau. Còn ở Việt Nam, đôi khi tôi nghĩ cưới một người là cưới hẳn một gia đình, tuần trăng mật cũng phải rủ các bác vào phòng khách sạn ở Đà Lạt kiểm tra xem điều hòa có chạy tốt không.

Ở Việt Nam phải khẳng định tình yêu trước mặt gia đình. Thế mới có ăn hỏi!

Gọi là lễ ăn hỏi tôi thấy rất chuẩn – khách mời ăn, thằng đó hỏi. Mà mọi chuyện diễn ra nhanh quá, chưa đến một tiếng đồng hồ là xong. Đôi khi tôi nghĩ nên gọi là “lễ an dọn” vì dù sao gia đình đã đồng ý từ trước rồi, việc dọn mất nhiều thời gian hơn việc hỏi.

Tôi nói gia đình đã đồng ý rồi – lần đầu tiên đến dự lễ ăn hỏi ở Việt Nam (của một người bạn Việt Nam học cùng trường) tôi chưa biết điều đó, tưởng còn nhiều thứ vẫn chưa thỏa thuận nốt, thế mới sắp xếp để gặp nhau!

Đại diện nhà trai đứng lên và nói : “Sau một thời gian cả hai bên gia đình tìm hiểu nhau, chúng tôi quyết định chọn ngày 14 tháng 5 để hai cháu nên nghĩa vợ chồng.” Đại diện nhà gái đứng lên, cảm ơn gia đình nhà trai, ngồi xuống.

Ngay sau đó (đây là phần thú vị nhất) các bác bên gia đình nhà gái có 15 giây nói chuyện với nhau theo cách diễn viên phụ không có thoại nhưng vẫn phải sôi động trên sân khấu. (Ngày 14 là ngày tốt nhỉ, đệp nhỉ, hai đứa rất đẹp đôi đấy, đúng đúng đúng.) Rồi đại diện nhà gái bỗng đứng lên:

“Chúng tôi đồng ý với lời đề nghị của họ nhà trai”

Vì tưởng hai bên đàm phán thực sự nên tôi hỏi anh bạn ngồi cạnh tôi. “Thế trong trường hợp nhà gái nói không được phải chọn ngày khác thì sao ?” Bạn ấy chỉ nhìn tôi và cười.

Cũng có lần tôi được mời đến dự lễ ăn hỏi của một người bạn là người Anh có người yêu là người Hà Nội. Tôi bê tráp luôn (hoặc bưng quả theo cách nói của người Nam), đau hết cả tay vì bị bắt phải xử lý mâm trái cây. Khi đến nhà của người yêu, anh bạn người Anh đó làm hết những việc cần làm: cười tươi, rót rượu, mời thuốc lá…

Sau đó người yêu dẫn bạn ấy đến bàn VIP để phát biểu (Bố mẹ bạn ấy chưa sang nên bạn ấy phải tự đại diện cho nhà trai mình). Bạn ấy tỏ ra lo lắng.

Vấn đề là bạn ấy đã phát biểu tại nhà của người yêu hôm trước, tưởng chương trình đã kết thúc rồi, chưa chuẩn bị tinh thần đứng lên phát biểu thêm lần nữa – mà lần này trước mặt nhiều người hơn. (Bạn ấy vẫn đang học tiếng Việt nên việc tự đứng lên và phát biểu còn khá khó khăn.)

“Cháu xin phép lấy Phương”, bạn tôi hồi hộp nói, rồi đứng im. Các bác ngồi chờ, tửơng bài phát biểu còn dài. Nhưng bài phát biểu không dài. Bài phát biểu đã hết.

Bạn ấy nhìn các bác ngồi bên trái, các bác ngồi bên phải, bố mẹ người yêu, khách mời đông đủ. Ai cũng im lặng chờ đợi câu tiếp theo.

“Được không?”


Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Các thành viên đã Thank Carnation vì Bài viết có ích:
19/08/2010 16:08 # 17
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Nhóm “nữ quái” Bờ Hồ và công an mini


Sau khi đọc loạt bài về nhóm “nữ quái” Bờ Hồ trên Dân trí, cũng giống như nhiều độc giả, Joe vô cùng bức xúc, nhưng cũng từ bức xúc đấy Joe đã “hiến kế” không những có thể dẹp tan được các “nữ quái” mà còn nhiều hành động thiếu văn minh khác nữa.

 

Mới đây tôi đã  đọc về nhóm nữ quáichuyên bắt chẹt du khách ở Bờ Hồ, thủ đô Hà Nội.  Thủ đoạn của họ không mới – ấn quang gánh vào vai du khách, ép chụp ảnh rồi đòi tiền “boa”.

 

Cách phản ứng của một số độc giả cũng không mới.

“Quá xấu hổ với các hành vi của những con người trên và thất vọng với chính quyền địa phương”, một người gửi comment có địa chỉ email hdl229@yahoo.com than thở. “Hãy giúp chúng tôi gặp những người có trách nhiệm về quản lý du lịch để hỏi họ bao giờ và liệu có chấm dứt những hành động như trên!

Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện đúng công việc được giao cho họ cũng là một cách giảm bớt tình trạng trên. Nhưng xã hội chia trách nhiệm như thế nào? Theo tôi, người có trách nghiệm nhất không phải là công an, dân phòng hay đơn vị chính quyền địa phương nào khác. Người có trách nhiệm nhất chính là những người dân bình thường, là chúng ta, là hdl229@yahoo.com.

Lý do mà những nước như Nhật Bản và Thụy Sĩ có đời sống văn minh hơn là xã hội huy động hàng triệu “công an mini” ra đường hàng ngày thực hiện nghĩa vụ. Người Nhật chuyển điện thoại sang chế độ rung khi đi tàu điện ngầm không phải vì sợ chính quyền địa phương. Họ sợ những người Nhật khác.

Tôi đã từng chứng kiến các nữ quái  “làm việc” ở gần Bờ Hồ. Điều làm tôi buồn nhất không phải là hành động thiếu văn hóa của họ, mà là văn hóa thiếu hành động của người xung quanh. Bao nhiêu người chứng kiến, bao nhiêu người hiểu rất chính xác các nữ quái ấy đang  làm gì. Nhưng dường như hầu hết đều không nói gì. Khách du lịch rút ví, trả tiền, tự hỏi vì sao lại có người lừa mình thế.

Nhiều khách du lịch khi về nước bảo với gia đình rằng “Người Việt Nam rất thân thiện!”. Nhưng cũng có nhiều khách du lịch về nước rồi than thở “Việt Nam rất đẹp nhưng con người hơi bất lịch sự.”



Giả sử làm phép tính, mỗi ngày một khách du lịch gặp khoảng 20 người Việt Nam. Nếu du khách đó không ngại ra đường đi chơi thì rất có thể 15 trong 20 người đó là nữ quái, là chú xe ôm bắt chẹt, là cậu đánh giầy lừa đảo,v.v….đơn giản vì nhiều “người không tốt” chủ động tiếp cận với khách du lịch nước ngoài (Hê-lô, hê-lô, oe iu gô?)

Rất có thể 2/3 số người Việt Nam mà một khách du lịch gặp trong một ngày lang thang ngoài phố là đại diện của một “bộ phận xã hội lừa đảo” chiếm ít hơn 0.0001% dân số Việt Nam.

Rõ ràng nhiều người Việt Nam quan tâm. Người Việt Nam rất quý khách, thấy khách không được quý là áy náy vô cùng. Nhưng có vẻ như phần lớn người Việt thể hiện sự quan tâm đó trên mạng ngày hôm sau, không phải ngoài đường ngay hôm đó. “Thật là đáng buồn”, họ nghĩ khi chứng kiến những trường hợp trên. Rồi họ đi về, mở laptop, vào trang thời sự.

“Thật là đáng buồn” họ bình luận.  

Nếu tôi đứng giữa một công viên lớn tại thành phố Tokyo hoặc Zurich rồi liên tục xả rác xuống đất, tôi sẽ bị nhắc nhở bởi hàng nghìn con mắt, thậm chí bởi một số giọng nói và bàn tay. Ở Bờ Hồ Hà Nội dường như rất ít. Có vẻ như nhiều người cho rằng, nhắc nhở người xả rác là việc của bảo vệ công viên, của chủ quán nước, của dân phòng, của công an, của các quảng cáo phát trên truyền hình…còn dọn rác là việc của các cô quét đường vào ban đêm.

Những trường hợp như: thanh niên xả rác, nữ quái lừa đảo, những kẻ hư hỏng phá lễ hội hoa… tôi thấy chỉ vài người đứng lên nhắc nhở hay trách mắng, thường là các bác lớn tuổi rất yêu thành phố của họ. (Có lẽ vấn đề này nặng hơn ở Hà Nội; tôi đi chọn hoa trong Sài Gòn thấy môi trường rất văn minh). Rồi khi bị nhắc nhở, “nữ quái và đồng bọn” ấy chửi lại một cách “rất khỏe”, thế là lớp giải tán!

Nhưng nếu người nào, công dân nào, cũng nhắc nhở…nếu  nhóm “nữ quái” không thể bắt đầu thực hiện thủ đoạn vì bị 10 người xung quanh nhảy vào cho biết quan điểm (bằng lời!), thì lúc đó mới hết chuyện. Chửi lại một bác lớn tuổi không khó, chửi lại cả một thành phố là một điều kể cả “nữ quái” cũng không thể làm được!

Tôi nghĩ lạc quan rằng sau này người Việt Nam sẽ làm công an mini rất tốt. Làm công an mini giống như nhảy dù và các môn thể thao mạo hiểm khác: khi đã làm thì rất khó bỏ. Cái chính là phải dám bắt đầu!

Các bạn cứ thử đi. Lần sau thấy một người Việt đang lừa một người Tây (trường hợp Tây lừa Việt để tôi lo nhé!), hoặc một người Việt đang lừa một người Việt khác, hoặc một người Việt đang lừa cả xã hội bằng cách xả rác, ngắt hoa, chen lấn – hãy nhìn họ với con mắt ma quỷ, nhắc họ bằng lời nói – ngay tại hiện trường!

Nếu bạn bị chửi, cứ tiếp tục đi cho đến khi bạn đã bị chửi một nghìn lần. Khi đó bạn mới là thành viên tích cực của xã hội!

Joe




Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
19/08/2010 16:08 # 18
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Các “mẹo” nhận ra bài PR


Với Joe, tự dưng một ngôi sao nhỏ xíu bỗng vụt sáng, xuất hiện nhan nhản trên mặt báo, hay bỗng “nổ” bởi xì-căng-đan ảnh nóng, hãy coi chừng, có mùi “thịt nướng” PR đấy!!!

Sao có tiền là sao lên báo.

Nói cách khác, mua bài PR không khó. Tôi đã từng mua bài để PR cho một chương trình do công ty bên tôi thực hiện. Một chị đại diện trang báo đến văn phòng, ngồi lịch sự, mở hồ sơ. Cho vào mục A sẽ mất tiền B, chị ấy giải thích. “Bên em có thể phát triển nội dung, hoặc nếu có sẵn thông tin, anh gửi email giúp em nhé, bên em sẽ sửa lại chút xíu” (vì thế nào phải trông giống như bài thường).  

Ngày hôm sau bài lên trang - chỉ có tôi, chị đại diện trang báo và các em kế toán mới biết đó là bài đặt hàng.

Hiện tượng này phổ biến khắp thế giới. Độc giả của nước nào cũng đều hiểu rằng đa số bài họ đọc được đăng nhờ nội dung thu hút, một số nhờ các chiến dịch PR, một số nhờ cả hai. Với các cơ quan phụ trách trang báo, việc đăng bài PR là nguồn thu quan trọng. Độc giả không còn tiêu tiền mua báo giấy nhưng các anh chị nhà báo vẫn phải có cơm ăn.

Có trang báo nhận đăng nhiều bài PR, có trang nhận ít. Không phải tùy từng nước mà tùy từng trang báo.  

Vậy thế nào là bài viết đặt hàng? Hôm nay tôi muốn chỉ cho các bạn biết vài cách để nhận ra những bài PR được ngôi sao “giúp” các trang báo đăng lên:

Sao nhỏ bỗng tỏa sáng -  Sao Sao chụp hình cưới! Sao Sao quay clip cùng người hâm mộ! Sao Sao duyên dáng trong áo dài truyền thống! Đọc xong các đầu đề trên độc giả có duy nhất một câu hỏi trong đầu: “Sao Sao là Ai?” Thường Sao Sao là một ngôi sao nhỏ đang yêu một đại gia lớn. Em Sao Sao thích hoành tráng, còn anh đại gia thích phụ nữ thích hoành tráng (vì đó là điều anh ấy có thể cung cấp được). Thế là Sao Sao lên báo báo!   

Gây xì-căng-đan nhẹ - Cho dù là bài đặt hàng nhưng nội dung vẫn phải thu hút. Không có nội dung nào thu hút bằng chi tiết xì-căng-đan. Chính vì thế nhiều sao làm PR theo cách “tự tát mình, kêu oan”! Điều quan trọng là “mức độ sốc” phải đủ để thu hút người đọc nhưng chưa đủ để làm hỏng sự nghiệp; phải tìm cái mức giữa say rượu và buồn nôn. Một sao nữ bị “lộ ảnh nóng” nhưng các tấm ảnh vừa bị “lộ” đó không nóng lắm (trong bài đăng vài ảnh cắt nhỏ) rất có thể là sao nữ “có tật giật mình”. Sao bị cướp tiền, sao bị người hâm mộ quấy rối, Mr. Sao đang yêu Miss Sao say đắm, tất cả đều là đáng nghi hết!

Sao xuất hiện nhiều báo - Các trang báo luôn muốn bảo vệ nội dung. Khi viết bài phỏng vấn, phóng viên thường nộp cho duy nhất một trang báo, không sửa thành version ABC nộp cho báo DEF đâu. Các trang giải trí tổng hợp có thể đăng lại bài, nhưng với điều kiện trích rõ nguồn. Một trang báo vẫn có thể ăn theo sự kiện bị các trang báo khác “nhảy vào” trước, nhưng phải khai thác sự kiện theo góc nhìn mới…Vậy nếu có một ngôi sao xuất hiện liên tục trên nhiều trang báo khác nhau trong thời gian ngắn và với nội dung tương tự thì…P cộng R bằng...

Bài có thông tin cụ thể về sự kiện sắp tới – Nếu có bài: “Joe bị fan cuồng dọa tự tử nếu không đi uống trà sữa trân châu cùng”, nói về nỗi căng thẳng của ca sĩ Joe Canada khi đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn lớn nhất trong đời, rồi ở cuối bài thông báo: Liveshow “Joe và những người bạn” sẽ diễn ra ở Cung Việt Xô vào 7:30-9:30 tối Chủ nhật, vé 200.000-400.000 VNĐ …thì đó là mùi thịt PR nướng.

Bài có đường link đến website cá nhân/thương mại - Thường các trang báo chỉ chấp nhận bài để link sang các bài khác thuộc trang báo đó. Nếu có link nối đến trang cá nhân của sao hoặc trang thương mại nào đó thì nên nghi ngờ. “Joe sẽ bật mí về công việc mới chứ? – Vâng, tôi mới mở một quán ăn nhỏ, cực hấp dẫn, cực kul các bạn nhé! Các bạn có thể tham khảo tại www.phoforfatbums.vn! Các bạn ủng hộ tôi nhé!”  

Có nhiều ảnh đẹp – Các bài phỏng vấn ngôi sao thường dùng mấy tấm ảnh đẹp có chất minh họa; cái chính là nội dung phỏng vấn. Nếu bài có rất nhiều ảnh đẹp chụp theo rất nhiều phong cách khác nhau thì biết đâu người gửi những ảnh đó đã nhận lại hóa đơn thanh toán!

Còn cách đơn giản nhất để biết bài phỏng vấn ngôi sao là bài PR?

Nội dung chẳng có gì!

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
19/08/2010 16:08 # 19
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Nhật ký biết ơn


Tôi có một người bạn Mỹ tóc vàng, xinh xắn, nhanh nhẹn. Sau một phút tình cảm với nhau, tôi cầm iphone của bạn ấy xem có app (chương trình ứng dụng) nào hay – theo cách những người vừa có phút tình cảm hay cầm xem đồ của nhau.

Bạn ấy có một app học tiếng Việt (“khó quá, em không dùng”), Game Tetris, mấy app liên quan đến thời tiết, một app có tên Gratitude Journal. Gratitude Journal? Tôi bấm nút mở. “Em ơi, Gratitude Journal là sao?”

 

“Đừng đừng đừng!!!”

 

Bạn ấy giật lấy lại iphone, để ở dưới bụng, nằm sấp. “Anh không được xem cái đó đâu”.

 

Gratitude có nghĩa là biết ơn, nên tôi đoán Gratitude Journal là nhật ký trong đó người ta ghi lại nhưng gì họ biết ơn.

 

“Thì đúng”, bạn ấy nói. “Nhưng anh không được xem đâu. Nhật ký em viết cho riêng em thôi.”

 

“À quên, mỗi tháng em cũng gửi mẹ em xem. Mẹ em rất thích.”

 

“Tên anh có ghi trong đó không?”, tôi cười tinh vi. “Không đâu” bạn ấy đáp lại nụ cười tinh vi đó. “Tên anh ghi trong journal khác.”

 

Ý tưởng hay

 

Mấy tháng sau đó tôi đi bộ một mình trên đường Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu. Trời rất đẹp. Tôi nhớ lại bạn ấy, chiếc iphone và nhật ký biết ơn. “Đó là ý tưởng rất hay”, tôi nói cho không ai nghe.

 

(Mà sao phải mất mấy tháng mới kết luận như thế nhỉ.)

 

Cuộc sống này làm ta dễ quên điều mang lại niềm vui. Ngược lại, rất dễ bị ám ảnh điều mang lại nỗi đau. Tôi biết ơn rất nhiều điều nhưng ít nghĩ đến. Tôi chán một số điều nhưng suốt ngày cứ nghĩ đến.

 

Báo chí cũng vậy. Các trang thời sự cũng đưa nhiều tin buồn – nào là Siu Black nói sai, nào là xác chết không có đầu, nào là công ty giết sông nọ, ám sát hồ kia, người dân lẫn con cá chuẩn bị hồ sơ đi kiện.  

 

Con người hay tập trung vào điều xấu.
 
 
 

Đó là điều tự nhiên. Các bạn hãy nhìn lại thời nguyên thủy. Người ám ảnh điều xấu là người chủ động tránh điều xấu. Người chủ động tránh điều xấu là người sống lâu, yêu nhiều.

 

Còn người ngồi trên tảng đá, suốt ngày cười chúm chím nhớ lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống là người chết sớm, chưa kịp chuyển AĐN sang ai.

 

Chính vì quá trình tiến hóa đó nên chúng ta đã có “AĐN bi quan”, người người ai cũng có “máu buồn”.  Tôi thấy cái Gratitude Journal đó là phương pháp rất tốt để chống lại AĐN bi quan ẩn sâu vào mọi chúng ta. Nó bắt người ta phải suy ngẫm lại những điều vui trong quá khứ  – tạm thời đẩy những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu.

 

Bởi đây là thời kỳ phát triển. Giờ mọi chuyện đã thoải mái; khi ngồi trên đá nhớ lại những điều vui vẻ trong quá khứ sẽ không có voi ma-mút lao vào làm ta chết đâu.

 

Biết ơn điều gì?

 

“Anh viết một cái đi. Anh là con người, anh phải biết ơn nhiều thứ chứ!”

 

“Nhưng anh không có iphone, anh kể ra bằng cách nào vậy?”

 

“Chàng hâm!” Bạn tội mở túi, rút bút chì, ném vào ngực tôi. “Em ra ngoài mua phở cuốn nhé, anh suy nghĩ đi.”

 

Vậy tôi biết ơn điều gì? Kết thúc bài này tôi sẽ kể lại những điều tôi viết lúc ấy, rồi nếu thích các bạn có thể kể một số điều các bạn biết ơn, chúng ta sẽ có vài phút tích cực trước khi quay trở lại với cuộc sống “bình thường”.

 

  • Thứ nhất tôi biết ơn các bạn. Đã chịu khó đọc đến đây có nghĩa các bạn là độc giả của blog tôi, và blog có người đọc là tác giả có niềm vui.

 

  • Tôi biết ơn mùa thu Hà Nội. (Mùa hè Hà Nội càng nóng tôi càng biết ơn mùa thu.)

 

  • Tôi biết ơn chuyện tôi được sống ở Việt Nam vào lúc này – khi nói về không khí tiếng Anh dùng từ “electric”, và không khí ở các thành phố Việt Nam đúng là electric thật, trẻ trung, năng động, nhìn xung quanh là tâm hồn tôi giật liên tục.

 

  • Tôi biết ơn cơm cá kho tộ ở nhà hàng bí mật của tôi.

 

  • Tôi biết ơn việc tôi không lấy vợ sớm. (Tôi cũng biết ơn việc lấy vợ trong mấy năm tới vẫn chưa phải là quá muộn.)

 

  • Tôi biết ơn con mèo

 

  • Tôi biết ơn việc tôi được lớn lên tại Canada – tôi rất yêu Việt Nam nhưng tôi cũng rất rất yêu đất nước và văn hóa mẹ đẻ của tôi.

 

Con nhiều nhiều hơn nữa (theo giọng nói của các anh chị đọc quảng cáo trên Xone FM), trong đó có những điều tôi biết ơn nhất trong đời –  nhưng viết đến đó là bạn tôi trở về nhà cầm theo một suất phở cuốn và đĩa ốc luộc lá chanh.

 

Joe




Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
19/08/2010 16:08 # 20
Carnation
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 17

Kinh nghiệm: 119/140 (85%)
Kĩ năng: 78/170 (46%)
Ngày gia nhập: 24/12/2009
Bài gởi: 1029
Được cảm ơn: 1438
Phản hồi: Joe! Nơi tổng hợp các bài viết của anh! - Dantri.com



Một thính giả có số điện thoại…


Joe cho rằng việc tiết lộ số điện thoại trên một số chương trình đài báo hiện nay vừa trừu tượng, vừa mất công, vừa không cung cấp được thông tin hữu ích trực tiếp lại vừa có thể “vẽ đường” cho kẻ xấu lợi dụng.

 

Các anh tắc-xi thường được bật kênh giao thông. Tôi thường được đi tắc-xi. Kết quả là tôi thường được nghe kênh giao thông.

 

“Trên đường Phan Đình Phùng đã xảy ra vụ va chạm giữa một chiếc xe máy và một chiếc xe matiz đi ngược chiều - đó là thông tin của thính giả có số điện thoại 01687472647 gửi đến. Một thính giả có số điện thoại 0902485637 vừa thông báo cầu Chương Dương đang bị tắc từ đoạn….”

 

Rồi là thính giả C có số điện thoại 3, rồi là thính giả D số điện thoại 4...cứ mỗi phút là các anh chị dẫn chương trình phải đọc ít nhất 10 số di động dàiii. Không được nói “Một thính giả thông báo” – hoặc đơn giản hơn “Chúng tôi được biết” –  phải nói “một thính giả có số điện thoại 0123456789!”

 

Vấn đề ở đây là số đông và số ít.

 

Có hàng triệu người nghe kênh giao thông đó. Khi người dẫn chương trình cảm ơn thính giả có số điện thoại 0123456789 sẽ có một người thấy sướng. Đó là chủ nhân của số điện thoại 0123456789. Với hàng triệu trừ một thính giả còn lại, đó chỉ là một loạt con số trừu tượng, không liên quan gì đến mình, chẳng muốn biết số điện thoại nào gửi, chỉ muốn biết có va chạm ở đâu thôi.

 

Kể cả các chương trình “tặng bài hát” phát những lúc giao thông đang tạm nghỉ – tên người bị thay bằng con số nhiều không kém. (Nhà đài thành nhà tù?!)

 

Thính giả có số điện thoại 0123232452 xin nói lời tha thứ với thính giả có số điện thoại 0234727582 đã ngoại tình với thính giả có số điện thoại 02738471276 tại nhà nghỉ có số điện thoại 045763736, giá thuê phòng là 10 đô-la tính theo tỷ lệ VND là 19.8742627465173

 

Phần cuối tôi sáng tạo chút nhưng nội dung thật gần như thế. Sao không nói là “bạn Thành học lớp 12 ở trường Amsterdam tặng ‘người iu’ là bạn Chi học lớp 11 ở trường Việt Đức..”? Đỡ trừu tượng hơn, ít nhất các thính giả khác có thể hình dung hai em học sinh bắt đầu rơi vào bẫy tình yêu – còn “thính giả có số điện thoại 0123232452” có hình dung được gì đâu?!

 

Người dẫn chương trình không cần chính xác đến mức đọc số điện thoại đâu!

 

Bảo mật thông tin cá nhân

 

Thêm chuyện nữa là sự an toàn thông tin cá nhân. 

 

Liệu đài cho đọc số điện thoại của thính giả vậy có phải tiết lộ thông tin cá nhân một cách lỏng lẻo chăng?

 

Giả sử tôi là người không tốt (người yêu cũ của tôi sẽ đặt câu hỏi ở cách dùng từ “giả sử” ấy nhưng các bạn cứ chiều tôi đi) thì tôi có thể lợi dụng cơ hội để làm ăn. Tôi chỉ cần thuê người nghe đài từ sáng đến tối viết lại hết các số điện thoại đó. Sau một tuần tôi sẽ có danh sách gồm hàng nghìn số điện thoại, biết là số điện thoại thật, biết là của người chủ động gọi điện chương trình kênh giao thông.

 

Rồi tôi chỉ cần một USB 3G và một netbook rẻ là tôi có thể nhắn hết cho các số điện thoại tôi có được một tin lừa đảo nội dung như sau:

 

Chương trìng Giao Thông Hàng Ngày xin trân trọng cảm ơn sự đóng góp của bạn! Chương trình đã có món quà hấp dẫn tặng bạn! Để đăng ký nhận món quà bạn hãy gọi số + 19001234356 nhé. Cuộc gọi hoàn toàn miễn phí.

 

(Nhắn tin ngay cho nhà đài càng tốt!)

 

Đó là số điện thoại nước ngoài, người gọi sẽ mất $3 một phút, nhưng đâu phải ai cũng biết được điều đó – nhiều người vẫn cứ tưởng đó là chương trình kênh giao thông nhắn tin lại cám ơn thật. Dễ tin lắm! Rồi các “con gà” gọi điện số nước ngoài đó, chỉ được nghe nhạc chờ 3 phút là hết sạch tiền tài khoản!

 

Joe



Lương Linh - D17KKT2
 Mail: Carnation.dtu@gmail.com
Yahoo: lily_alanna_1088

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024