Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/07/2019 17:07 # 1
hienhien1503
Cấp độ: 25 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 99/250 (40%)
Kĩ năng: 4/20 (20%)
Ngày gia nhập: 04/08/2018
Bài gởi: 3099
Được cảm ơn: 14
Sinh viên đại học và cuộc sống ở trọ


Chặng đường chung ấy, tuổi trẻ nào cũng trải qua. Đến một lúc nào đó đủ trưởng thành,mỗi người sẽ thấu hiểu chuỗi thắc mắc thời thanh xuân

Chặng đường chung ấy, tuổi trẻ nào cũng phải trải qua. Đến một lúc nào đó đủ trưởng thành, tự mỗi người sẽ thấu hiểu chuỗi thắc mắc thời thanh xuân, rồi nghiệm ra chân lý cho bản thân mình. Chân lý – tồn tại ngay cả trong những điều sai trái.

Mới lên Sài Gòn, tôi ở nhờ nhà cô chú dòng họ xa. Nghe nói cô chú có con trai bằng tuổi, lòng tôi nhoẻn miệng cười. Những tưởng tháng ngày sau sẽ có bạn đồng hành, không ngờ tên ấy – cái tên anh họ quái thai lạnh lùng đáng nguyền rủa ấy, ra vô nhà đụng mặt cành cạch mà chẳng buồn cười chào một tiếng. Tôi trở nên lạc lõng giữa ngôi nhà 4 thành viên. Mỗi cuối tuần ba mẹ vẫn lên, xem tình hình con gái thế nào, cộng với quà cáp bánh trái cho cô chú. Cô chú có nói gì ba mẹ cũng nhún nhường. Phận ở ké mà.

Thế là tôi đòi dọn ra riêng, ở cùng con bạn. Hai đứa ở chung cả một học kỳ mà chưa lần nào cãi nhau ngoài chút xíu tị nạnh trong nhà bếp. "Tui nấu ăn bà rửa chén". "Sao rửa chén dơ ế, còn nhớt nè". "Sao xả nước nhiều ế, tiền đâu trả". "Ăn xong không biết dọn hả ?". "Nấu canh lạt bét sao ăn trời"…Có lúc đè nhau ra đánh lộn, đánh xong rồi nhìn nhau cười hề hề.

Con gái thì sao? Chỉ cần có một đứa "men" hơn một đứa là có thể dùng bạo lực giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn lẹ.

Được một học kỳ, tôi ham nhà rẻ chuyển sang ở cùng con bạn cấp 2, tuốt quận 8. Nhà chị của nó to lắm, và tôi được nguyên cái phòng to đùng. Vài ngày sau mới biết nó vô cùng lạnh lẽo. Đoạn đường đến trường có vẻ gần hơn chút xíu, nhưng tội ai đó mỗi lần sang thăm là đi cả 20 cây số từ bến xe miền Đông sang gần bến xe miền Tây. Có lẽ nhờ khoảng cách mà thêm phần gắn bó.

Quận 8 mùa ngập nước, đoạn đường trước nhà nước dâng kèm theo đủ thứ rác bốc mùi hôi thối. Tối, thỉnh thoảng lại có trộm cướp xe, thanh niên trẻ trâu thì rần rần phía dưới.

"Chốn này an ninh kém quá, dọn nhà thôi !". Nghĩ là làm, lên mạng hì hục mãi mới tìm được chỗ ưng ý. Và vì quá ưng ý nên tôi đã dọn đi sau 1 tuần ở cùng đám bạn mới khá ồn ào và… ở dơ.

Thế là chuỗi ngày loay hoay chuyển nhà từ quận 11, quận 3, quận 8, quận Bình Thạnh và bây giờ tạm kết thúc ở quận 7, cái bản đồ Sài Gòn tự họa trong đầu ngày càng chi chít nhánh. Ở nhiều nơi cũng là một lợi thế nhỉ!

Có lần ở ghép cùng 2 chị người Bắc trong một chung cư cũ đường Pasteur. Cái chung cư mục nát sắp bị giải tỏa lọt thỏm giữa dãy tòa nhà mới trông thật tội nghiệp. Chú quản lý ngày ngày ngả lưng trên ghế bố giữ xe cho bọn trẻ ra vào. Nhiều lúc chú ngủ quên, mình rón rén đẩy xe tới tận cổng cũng chẳng biết. Mấy hôm xe hư bình, đề không được, nhờ chú đạp được 1 lần, 2 lần, đến lần thứ 3 là bắt đầu khó chịu và chửi ỏm tỏi: "Tao già vầy mà cứ bắt đạp xe cho mày, đạp không được thì quăng chiếc xe đi… Hay muốn tao tăng tiền nhà???..." Thật ra tôi có thể nhờ mấy anh ở quán cơm phía trước, nhưng cứ thích chọc chú chửi cho vui nhà vui cửa, bõ ghét nỗi hậm hực vì tối nào ngủ cũng có đám gián chui vô mùng. Đó là chỗ trọ kinh khủng nhất trong cuộc đời sinh viên.

Sinh viên năm nhất à, đừng sợ chuyển nhà, cứ mạnh dạn ở cùng nhiều người khác nhau, dù họ tốt hay chưa tốt, đều dạy cho mình nhiều bài học để sớm trưởng thành.

Tôi có vài đứa em, lên Sài Gòn học cả một học kỳ vẫn chưa đi đâu thoát khỏi 4 bức tường ký túc xá.

 

Là sinh viên – dù đại học, cao đẳng hay trung cấp, các bạn đều có cơ hội ngang nhau để học hỏi từ cuộc sống. Học từ bạn bè, kể cả vài đứa bạn hư hỏng xấu tính; học từ công việc làm thêm; học từ những lần bị lừa gạt và nhìn đời bằng niềm tin chấp vá… Sẽ có lúc bạn thấy hoang mang, đứng khựng lại trước ngã ba chân lý, loay hoay mãi chẳng biết tin vào ai. Sẽ có lúc bạn chênh vênh với mớ câu hỏi tự vấn trong đầu: Tại sao chuyện đó lại bất công? Tại sao kết quả không xứng đáng? Tại sao người ta có thể vì tiền mà bỏ qua lòng tự trọng? Tại sao…?

Và bất mãn, và buông xuôi… và hoài nghi cuộc đời…

Chặng đường chung ấy, tuổi trẻ nào cũng phải trải qua. Đến một lúc nào đó đủ trưởng thành, tự mỗi người sẽ thấu hiểu chuỗi thắc mắc thời thanh xuân, rồi nghiệm ra chân lý cho bản thân mình. Chân lý – tồn tại ngay cả trong những điều sai trái.

Hít một hơi đầy dũng khí và bước chân ra khỏi vùng an toàn đang là để hòa vào không khí Sài Gòn, ý nghĩa cuộc sống đang nằm lẫn vào dòng khói bụi chờ bạn khám phá đấy! 

Nguồn: báo tuổi trẻ 



Cuộc sống giống như bông hoa hồng

Vẽ đẹp luôn đi cùng với gai.

Facebook: Nguyenhien

Gmail: nguyenhienduong2k@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024