Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
25/02/2011 16:02 # 1
yeudulich
Cấp độ: 2 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 15/20 (75%)
Kĩ năng: 3/20 (15%)
Ngày gia nhập: 12/02/2011
Bài gởi: 25
Được cảm ơn: 13
Về với làn quan họ ngọt ngào


Nếu có dịp du xuân miền Bắc vào những ngày giữa tháng Giêng, bạn nên đến với thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh để dự hội Lim, để có dịp thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào và sâu lắng.

 

 

Vào đầu xuân, trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi, lòng người phơi phới, ấy là khi vùng đất Nội Duệ tưng bừng trong không khí Hội Lim. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Đây là lễ hội lớn của vùng, thể hiện một cách sâu nhất văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc.

 

Có giả thuyết cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương và tính chất, đặc điểm của hội Lim là lễ hội sinh hoạt văn hóa và ca hát Quan họ.

 

Hội Lim được duy trì trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, hội Lim không được mở trong nhiều thập kỷ cho đến tận những năm sau đổi mới. Ngày nay, hội được mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

 

 

Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng từ 3 đến 4 ngày được (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động gồm cả phần lễ và phần hội.

 

 

Tối ngày 12 là đêm hội hát thi giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Quan họ là dân ca đặc sắc của vùng Kinh Bắc xưa. Dân ca quan họ nổi tiếng với lời ca trữ tình, nồng nàn tình yêu cuộc sống và tình yêu đôi lứa, với khoảng 200 làn điệu âm nhạc đặc sắc như: hát mời trầu, hát gọi đò, hát đưa con sáo sang sông, con nhện giăng mùng, hát tựa mạn thuyền, hát bên khung cửa... Từ lời ăn tiếng nói đến lối ứng xử, “người quan họ” luôn từ tốn, khiêm nhường, nhã nhặn. Tục kết “chạ” giữa các làng quan họ hay kết bạn giữa các “bọn” quan họ đã hình thành nếp sống đạo đức cao quý. Người quan họ đều là “liền anh”, “liền chị” và bao giờ cũng tự xưng là “liền em”. Có cả những liền bà, liền ông đã một đời gắn bó với điệu hát câu ca ngọt ngào đưa đẩy, và những “liền em” trẻ trung, duyên dáng, thanh xuân của thế hệ 8X, 9X, bưng mời du khách thử đưa cay miếng trầu têm cánh phượng khéo khéo, xinh xinh. 49 làng hát quan họ phân bổ trong bốn huyện, thị phía nam của tỉnh Bắc Ninh, đặc trưng đến nỗi nhắc quan họ là người ta nghĩ ngay đến hội Lim.

 

 

Sáng 13 tháng Giêng, hội Lim khai hội bằng lễ rước. Đoàn rước kéo dài cả gần cây số với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục xưa đầy màu sắc, cầu kỳ và đẹp mắt. Các liền anh và liền chị của tổng Nội Duệ đứng thành hàng, hát đối qua đối lại. Trong hội, phần mà các bạn có thể tham gia và quây xem xúm xít là các trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, chơi đu, thi dệt cửi, nhắm mắt đập niêu, đánh cờ người, tổ tôm điếm, bịt mắt bắt dê, kéo co, thi làm cỗ và đón bạn... Ở hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền rồng sơn son thếp vàng rời bến trong câu hát đậm đà tình nghĩa. Nếu bạn là khách du lich từ phương xa đến, dù chưa quen biết, nhưng gặp hội hát bất kỳ trong một hộ gia đình nào đó, bạn có thể ghé vào xem, nghe hát, chuyện trò, bạn sẽ được tiếp đón vui vẻ, ân cần như người thân đi xa lâu mới về.

 

Mấy khi khách đến chơi nhà,

Lấy than, quạt nước, tiễn trà người xơi.

Trà này ngon lắm người ơi,

Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.

 

Và đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại:

 

Người ơi, người ở đừng về...

 

Mách bạn:

 

- “Lim” là tên Nôm của xã Lũng Giang xưa. Từ Hà Nội, bạn cứ theo hướng cầu Đuống đi thẳng khoảng 15km theo đường về Bắc Ninh, hỏi thăm người dân địa phương, bạn sẽ được chỉ dẫn rất ân cần. Gửi xe bên ngoài để đi bộ vào trong, hết con đường làng đã được “bê-tông hóa” bạn sẽ đến đồi Lim, nơi tập trung các hoạt động sôi nổi của lễ hội.

 

- Vui hội Lim nhưng bạn đừng quên cẩn thận với đồ đạc của mình bởi cũng như nhiều lễ hội khác, đây là dịp cho các tên móc túi tha hồ tung hoành.

 

Nguồn: Yeudulich.vn



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024