Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/12/2023 18:12 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 207/400 (52%)
Kĩ năng: 14/210 (7%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 8007
Được cảm ơn: 2114
3 kỷ luật mà nếu bạn không tuân thủ khi còn trẻ, đừng bao giờ nghĩ đến việc thoát nghèo


Thật ra người trẻ không nghèo vì lười biếng hay thiếu khả năng kiếm tiền, vậy đâu mới là gốc rễ của cái nghèo này đây?

 

Thời còn non nớt, chưa trải sự đời, tôi đã từng tin rằng chỉ cần chịu khó làm việc, ai rồi cũng trở nên giàu có; hoặc chí ít, thì cũng thoát nghèo. Nhưng niềm tin ấy hóa ra chỉ là một lăng kính màu hồng, mà người đập vỡ nó, không là ai khác ngoài chính bản thân tôi.

7 năm trước, khi vừa mới ra trường, tôi đã kiếm được 13 triệu/tháng. Để đạt được con số đáng mơ ước với phần lớn sinh viên mới ra trường như thế, tôi phải làm 2 công việc cùng lúc: Nhân viên thanh toán quốc tế cho một công ty Logistics và trợ giảng cho một trung tâm chuyên đào tạo - ôn thi các chứng chỉ nghiệp vụ hải quan.

Tôi không cảm thấy quá sức hay cần phải hy sinh quỹ thời gian ăn chơi để "mài mặt kiếm tiền" vì công việc đúng thế mạnh. Nhưng sự thoải mái ấy ngắn ngủi chẳng tày gang. 10 tháng sau khi ra trường, tôi ôm một cục nợ 92 triệu vì tuần nào cũng tham gia những cuộc vui với hóa đơn tiền triệu, sau khi đã "chia đầu người".

Khoản nợ đó đều là tiền bạn bè cho tôi vay vì muốn tôi tiếp tục xuất hiện trong những cuộc vui tiếp theo, dù chẳng có tiền.

3 kỷ luật mà nếu bạn không tuân thủ khi còn trẻ, đừng bao giờ nghĩ đến việc thoát nghèo - Ảnh 1.

22 tuổi, ôm cục nợ gần 100 triệu vì lý do rất trời ơi đất hỡi, tôi tự hỏi chính mình: Mình đã làm việc chăm chỉ, mình có khả năng kiếm được tiền, vậy sao mình vẫn nghèo? Ở thời điểm đó, câu trả lời duy nhất tôi tìm được là mình đã ăn chơi trác táng quá đà.

Nhưng bây giờ, khi đã gần 30 và nhìn lại phiên bản 22 của chính mình, tôi nhận ra ăn chơi quá đà chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Gốc rễ của cái sự nghèo kiết xác năm ấy chính là tôi sống hoàn toàn vô kỷ luật.

Nghe có vẻ triết lý suông, khó hiểu quá đúng không? Vậy thì để tôi làm rõ hơn về tính kỷ luật mà tôi không có, bằng 3 gạch đầu dòng này nhé.

1 - Kỷ luật trong lối sống

Thời đó, 13 tiếng là khoảng thời gian tôi dành cho 2 công việc tạo ra nguồn thu chính, nuôi sống mình. "Bào sức" ở mức tối đa từ thứ 2 cho tới thứ 6, tôi mặc nhiên cho rằng 2 ngày cuối tuần, mình xứng đáng được "xả hơi". Thế là tôi lên bar, tôi đi club và tọng vào miệng những thứ chất lỏng đã chẳng bổ béo gì lại còn đắt "cắt cả cổ".

Không phải tôi không biết mình nên "sống khoa học" và "vui chơi lành mạnh" nhưng những khái niệm đó nghe sao mà chán thế, nhất là với một thanh niên 22 tuổi đang hừng hực ham muốn trải nghiệm cuộc đời. Tôi tin phần lớn những bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi đều cảm thấy giống như tôi hồi năm ấy. Khi đó, chúng ta còn trẻ và cuộc sống thì có quá nhiều niềm vui lẫn cám dỗ, mình phải thử, phải trải nghiệm chứ?

Ừ thì, cứ hãy trải nghiệm đi, không ai cấm chúng ta trải nghiệm cả. Nhưng đừng quên ranh giới giữa trải nghiệm tốt và trải nghiệm xấu luôn rất mong manh, nhất là khi chúng ta cho phép mình sống quá dễ dãi.

Tôi dùng quá nửa thời gian trong một ngày để kiếm tiền và dùng quá nửa số tiền mình kiếm được trong một tháng để chi cho một bữa xả hơi. Đến đây, bạn đã hiểu như thế nào là sống vô kỷ luật chưa?

2 - Kỷ luật trong những mối quan hệ

Hay nói cách khác chính là lời răn dạy "xưa như Trái đất" của ông bà, bố mẹ chúng ta: "Chọn bạn mà chơi" vì gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. 

Rồi sẽ đến một độ tuổi, khi nhìn lại những mối quan hệ bạn bè trong đời, dù không muốn nhưng thi thoảng, chúng ta vẫn phải bật ra một hơi thở dài cùng nỗi băn khoăn "chẳng hiểu sao ngày xưa lại chơi được với kiểu người như thế nhỉ?". Thật may nếu đến giờ này, bạn chưa từng trải qua cảm giác đó.

3 kỷ luật mà nếu bạn không tuân thủ khi còn trẻ, đừng bao giờ nghĩ đến việc thoát nghèo - Ảnh 2.

Còn tôi, thì đã từng đấy, với chính hội bạn từng dỗ ngon dỗ ngọt "hết tiền à, đây tao cho vay, mai lại đi tiếp nhá"!

Không phải sự ủng hộ, sự đồng tình nào cũng là tốt, cũng là tích cực. Tôi của năm 22 tuổi thậm chí còn vỗ ngực tự hào khi "được" bạn bè cho vay tiền để ăn chơi. Tôi nghĩ rằng mình cũng phải "có chất riêng", phải độc đáo lắm thì chúng bạn mới hết mình muốn rủ rê, lôi kéo. Nhưng sự thật thì chỉ đơn giản là chúng cần người để chia bill.

3 - Kỷ luật trong việc dùng tiền

Gạch đầu dòng này có lẽ đã quá quen thuộc rồi và chắc là bạn cũng không muốn đọc thêm về nó nữa. Kỷ luật trong việc dùng tiền ư? Là đừng tiêu tiền vô tội vạ thôi chứ gì? Đúng!

Nhưng vấn đề là khi chúng ta còn non nớt và hiếu thắng, chúng ta dễ nghĩ rằng chẳng có khoản chi nào là vô nghĩa, là vô tội vạ hết cả. Giống như tôi của năm 22 tuổi, vì tôi đã làm việc 13 tiếng/ngày, nên việc vui chơi để giải tỏa căng thẳng là chính đáng chứ có gì sai đâu?

Chính bởi lối tư duy này mà tôi gánh nợ, nên tôi nghĩ rằng mình có đủ trải nghiệm lẫn kinh nghiệm để đưa ra lời khuyên này: Đừng bao giờ coi việc tiêu tiền là phần thưởng cho nỗ lực mình đã bỏ ra để kiếm tiền. "Đốt tiền" có thể giúp bạn cảm thấy vui nhưng phải nhớ, đó không phải là cách duy nhất và chắc chắn không bao giờ là cách tốt nhất.

Nếu đã đọc đến đây và tự tin mình không lười biếng, cũng không khuyết tật khả năng kiếm tiền nhưng vẫn cứ chôn chân trong "cái nghèo", thì bạn đã hiểu lý do rồi chứ?

Theo Ngọc Linh

Theo Phụ nữ mới

 



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024