Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
15/12/2017 21:12 # 1
vnrleo28
Cấp độ: 29 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 34/290 (12%)
Kĩ năng: 40/80 (50%)
Ngày gia nhập: 17/09/2014
Bài gởi: 4094
Được cảm ơn: 320
Không mơ con là vĩ nhân, mẹ chỉ cần nụ cười con vẹn tròn


 Với nhiều người, mỗi đứa con sinh ra là một lần gửi gắm kỳ vọng giỏi giang, thành đạt. Nhưng cũng có bậc cha mẹ, để con có một tuổi thơ bình thường đã là cả một mong ước lớn lao.

N

ụ cười trẻ thơ luôn biểu trưng cho những điều ngây thơ và trong trẻo nhất. Nhưng cũng có những nụ cười khuyết mãi chưa tròn, khiến người thân cứ mải miết góp nhặt lo toan, đau đáu tìm cách chữa lành. Đó chính là cha mẹ, là người thân của những em bé mắc dị tất sứt môi, hở hàm ếch.

Những nụ cười khuyết

Người dân ấp 2, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp nói ấy là cái số, khi ông trời thương để chị Trần Thị Kim Hai - một người bị bại liệt do di chứng chất độc da cam - có một tấm chồng lành lặn. Hàng ngày, anh đi bán vé số, chị làm thuê những việc vặt cho bà con trong xóm nhưng cuộc sống vẫn hạnh phúc, nhất là khi hai anh chị đón đứa con trai đầu lòng. Những tưởng hạnh phúc đã đơm hoa nhưng cuộc sống gia đình chị Hai vẫn chưa hết màu buồn.

Khi bầu con gái thứ hai vào năm 2013 cũng là lúc căn nhà nhỏ của anh chị bị nước lũ sông Tiền cuốn đi. Vài tháng sau, bé Trần Ngọc Như Ý ra đời với dị tật hở môi, khiến nỗi buồn dâng cao hơn lũ đầu mùa. Nhưng cuộc sống càng khó khăn như mảnh đất cằn, con người càng muốn gieo nhiều hạt mầm hy vọng. Dù khuyết tật, chị Hai vẫn đau đáu tìm cách để con sớm có nụ cười lành lặn như bao người.

Khong mo con la vi nhan, me chi can nu cuoi con ven tron hinh anh 1
Có những bé mang theo nụ cười khuyết mãi chưa tròn. Ảnh: Operation Smile.

Khác với Như Ý còn quá nhỏ, bé Cơ Dong Hét Đi (thôn Đạp Lá, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) lại ý thức được khiếm khuyết trên môi mình. "Tại sao mẹ lại sinh con ra như vậy?", "Tại sao môi con lại thế này?"... Những câu hỏi ngây thơ của con trai khiến chị Mi Hen mỗi lần nghe là một lần chạnh lòng. Những lúc ấy, chị chỉ biết thở dài với lời đáp bỏ lửng: "Mẹ sinh con ra từ trong bụng đã vậy rồi...".

Với nhiều bậc cha mẹ, mỗi ngày được ngắm con một lớn khôn, biết khóc biết cười, biết đặt ra vô vàn câu hỏi tại sao là cả một niềm hạnh phúc. Nhưng với chị Mi Hen, những câu hỏi "tại sao" ấy cứ day dứt mãi suốt hành trình 10 năm tìm cách chữa lành nụ cười cho con. Bởi khi nụ cười con còn khuyết, nụ cười của chị cũng chẳng thể vẹn tròn.

Thế rồi chị Mi Hen, chị Kim Hai cùng nhiều gia đình khác đã vỡ òa khi được Operation Smile - tổ chức Phẫu thuật Nụ cười thông báo con mình có thể phẫu thuật chữa lành tật hở hàm ếch.

Cuộc sống như hồi sinh

Từ lần đầu xuống Sài Gòn khám sàng lọc đến khi có quyết định phẫu thuật vào tháng 9/2015, mẹ con chị Mi Hen phải chờ tới một năm. Đường xá xa xôi, con trai nhớ nhà hay đòi về khiến nhiều lúc chị cũng suy nghĩ: "Mình sốt ruột lắm, nhưng để con có nụ cười thoải mái thì phải cố thôi. Những lúc ấy mình thường bảo con muốn miệng đẹp như mọi người thì phải cố lên, đi để bác sĩ chữa lành cho".

Khong mo con la vi nhan, me chi can nu cuoi con ven tron hinh anh 2
Bé Hét Đi trước và sau khi phẫu thuật. Ảnh: Operation Smile.

Trong câu chuyện, không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc, xen lẫn những phút buồn tủi, chị liên tục dùng từ "thoải mái" để nói về những thay đổi trong gia đình từ sau lần Hét Đi được phẫu thuật. Trong thâm tâm, gia đình chị trút được nỗi buồn mang theo suốt 10 năm qua. Bé Hét Đi cũng vui hơn, khoe với mẹ: "Từ giờ con có nụ cười bình thường như các bạn, như chị em trong gia đình rồi".

"Từ giờ con có nụ cười bình thường như các bạn, như chị em trong gia đình rồi"

Vất vả hơn gia đình Hét Đi, phải trải qua 7 lần khám, khi thì do thiếu sắt, lúc lại do máy móc trục trặc, bé Như Ý mới đủ điều kiện phẫu thuật vào tháng 9/2015, khi được 2 tuổi.

Khăn gói cùng 2 mẹ con lên Sài Gòn suốt 7 lần ấy là chị Kim Huê - dì của bé. Đi khám đúng mùa mưa nên chuyến nào cũng tầm tã. Nhà ở bên cồn, hai chị và bé phải đi đò mới qua tới quốc lộ bắt xe đi Sài Gòn.

"Vất vả lắm nhưng cháu mình đẻ ra đã vậy, tôi cũng bỏ việc làm mà đi cùng", chị Huê chia sẻ với giọng nhẹ bẫng dù khi ấy, chị chưa từng có kinh nghiệm đi Sài Gòn với một bên là cháu gái còn thơ bé, một bên là chị gái chân tay đau yếu. Dường như những vất vả không sá gì so với niềm hy vọng cháu sẽ sớm có được nụ cười trọn vẹn.

Khong mo con la vi nhan, me chi can nu cuoi con ven tron hinh anh 3
Bé Như Ý giờ đã có diện mạo tươi vui hơn. Ảnh: Gia đình cung cấp

"Hồi chị Hai đẻ Như Ý, tôi ẵm bé từ phòng mổ ra mà khóc miết luôn. Lúc được bác sĩ chương trình Phẫu thuật vì nụ cười đưa ra từ phòng phẫu thuật, bé lại là người khóc rất lớn nhưng tôi thì vui lắm. Giờ bé được phẫu thuật rồi, nội ngoại hai bên mừng lắm", chị Huê xúc động.

Nằm trong kế hoạch hoạt động, từ 18/12 đến 29/12, tổ chức Phẫu thuật Nụ cười Operation Smile phối hợp với Tổng công ty Viễn thông MobiFone thực hiện phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh môi, hở hàm ếch tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Đây là một trong 26 chương trình phẫu thuật nhân đạo do Operation Smile thực hiện năm 2017, với cam kết đem lại 2.000 nụ cười cho trẻ em kém may mắn.

Chia sẻ về sự đồng hành ý nghĩa này, đại diện MobiFone cho biết: “Chúng tôi đồng cảm sâu sắc với những hoạt động ý nghĩa mà Operation Smile đã làm được tại Việt Nam. Cùng với Operation Smile, chúng tôi muốn thay đổi số phận của hàng nghìn em bé, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình Việt Nam”.

Đồng hành cùng Operation Smile từ năm 2009, bên cạnh khoản tài trợ 6 tỷ đồng, MobiFone còn hỗ trợ đường dây nóng 0904885555, tài trợ tổng đài tin nhắn 9250, hỗ trợ các phương tiện, tài liệu truyền thông và các tình nguyện viên cho chương trình. Riêng chuỗi chương trình ca nhạc từ thiện gây quỹ MobiFone Rockstorm qua 7 mùa đã quyên góp hơn 3 tỷ đồng cho các bệnh nhi.

 



Gmail: vnrleo28@gmail.com

Con người có thể mất đi nam tính, có thể mất đi nữ tính, nhưng đừng đánh mất nhân tính
Lớp : K20YDH1


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024