Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/03/2021 20:03 # 1
vodongtrinh
Cấp độ: 8 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 38/80 (48%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 01/09/2019
Bài gởi: 318
Được cảm ơn: 1
Đánh thức tình thương


Mấy hôm nay mình ngồi thiền tự nhiên có cảm giác muốn được ngồi mãi ở đó, có cảm giác như muốn trở về với mẹ thiên nhiên ôm mẹ vào lòng, rồi lại có cảm giác muốn ôm tất cả mọi người dù thân hay không thân, người thiện người ác, người thương mình và ghét mình. Rồi mình tâm sự với một cô bạn trẻ chưa hề thân quen. Cô ấy bảo vậy chị ôm em đi, và khi ôm cô ấy mình đã khóc rất nhiều, trái tim của mình đã được đánh thức, có lẽ đây là cảm xúc từ hồi bé, và cũng là của mọi đứa trẻ khi được lớn lên trong vòng tay bố mẹ.

Ôm – bố mẹ tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh khác đã quên mất làm điều này khi con cái lớn dần lên. Ngay cả tôi cũng vậy. Nhiều lúc tôi biết con tôi muốn ôm mẹ nhưng vì trái tim tôi đã dần dần trở nên băng giá nên không muốn thực hiện. Và do vô minh, chúng ta đã khóa trái tim mình lại. Thay vào đó là trái tim của một con rô bốt, suốt ngày chỉ biết có cơm áo gạo tiền. Đến một câu nói “Bố yêu con” hay “Mẹ yêu con” cũng không thể thốt ra được, hay một vòng tay ôm con cũng chẳng bao giờ có. Những tiếng quát mắng, đay nghiến, cạnh khóe, xúc phạm dập tắt tiếng cười nói vui đùa trong tổ ấm của chúng ta. Ở đó chỉ còn lại những bộ mặt nặng như đeo đá, cau có, các nếp nhăn hằn sâu. Và lòng người lúc nào cũng như có ngọn núi lửa, sẵn sàng phun trào khi chỉ có một hạt bụi bay vào.

Dần dần cuộc sống của chúng ta biến thành địa ngục từ lúc nào không hay. Kết cục là con cái hư hỏng, bố mẹ mỗi người một nơi, gia đình tan nát, hoặc là bỏ nhau hoặc ly thân. Bố mẹ chia rẽ con cái. Chúng mất phương hướng không biết nghe ai. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, nhiều gia đình bất hạnh thì đất nước đó sẽ ra sao?

Tôi nhớ lại ngày xưa ba tôi kể về tuổi thơ của ba. Ba được sinh ra trong sự không mong muốn của bố mẹ, do ông bà nội bị ép lấy nhau. Ba tôi còn được ông nội đặt tên là T. Hận Thiên. Khi ba tôi đi học mới được thầy giáo đổi tên khác. Cuộc đời ba tôi khổ từ bé. Ba tôi phải sống với cụ nội rất khắt khe theo truyền thống phong kiến của người xứ Huế. Ba tôi sống không có chút tình thương nào của gia đình. Bà nội tôi thì đi ở cho ông anh ruột giàu có. Ông nội thì bỏ bà nội và sau đó đi theo cách mạng và lấy người khác.

 

Rồi khi tôi lớn lên, ba tôi do bị ảnh hưởng từ bé nên tính tình rất nóng. Con cái làm gì không vừa ý là có thể đánh con ngay được. Hồi còn bé, lúc tôi khoảng 3-5 tuổi, tôi đánh đổ bát cơm xuống dưới đất, hồi đó đi sơ tán mâm cơm thường để dưới đất. Bố tôi bắt bốc cơm lên ăn, ăn cả đất luôn. Trẻ con đứa nào mà chả hậu đậu, lúc rơi lúc vỡ là chuyện bình thường. Mẹ tôi kể có lần tôi làm gì đó mà ba tôi ném cả cái đài về phía tôi, may mà mẹ tôi bắt được. Trong lòng ba tôi lúc nào cũng như có ngọn núi lửa. Em trai tôi học dốt quá, đi học lúc nào cũng bị điểm kém, nên ngày nào ba tôi cũng đánh nó. Lúc đó nó mới 6 tuổi, có hôm ba tôi lột trần truồng nó ra rồi lấy cái dép cao su đánh thâm tím từ đầu tới chân. Nhớ lại tôi vẫn thấy rờn rợn. Nó rất đẹp và dễ thương vậy mà ba cũng không động lòng.

Tuổi thơ của tôi gắn với đòn roi. Lúc nào tôi cũng sợ ba lắm. Khi nào ba ở nhà là chị em tôi cũng lấm lét nhìn mặt ba xem có biểu hiện gì không. Nhiều lúc tôi nghĩ tôi không phải con của ba thì phải. Mỗi lần ba đi công tác cả nhà vui lắm. Từ đó tôi rất ít nói, cảm giác như mình bị câm. Tôi ít giao tiếp với bạn bè. Đầu óc tôi chả nghĩ ra câu gì để nói cả. Tôi giống như đứa trẻ bị tự kỷ.

Tôi biết ba tôi cũng thương chúng tôi và cố gắng dạy bảo chúng tôi nên người. “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đó là cách giáo dục từ thời xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Lên học cấp 3 rồi thì tôi không bị đánh nữa. Thỉnh thoảng ba có tâm sự với tôi là ba mẹ không hợp nhau. Ba rất buồn. Ba chỉ sống vì 3 đứa con thôi. Sau này đi lấy chồng rồi, tôi cũng không oán trách ba nữa. Và ba mẹ tôi cũng chia tay. Cuộc đời của 3 chị em tôi cũng đầy trắc trở và không hạnh phúc.

Cho đến khi tôi được học bài học đầu tiên về đạo đức làm người, tôi mới hiểu và thương ba mẹ tôi nhiều hơn. Cuối năm 2012, ba tôi bị lâm bệnh nặng trong thành phố HCM. Tôi bay từ Hà Nội vào chăm sóc ba 14 ngày trong bệnh viện và sau đó đưa ông ra Hà Nội. Những ngày trong bệnh viện, tôi hầu như thức trắng đêm. Lúc nào cũng túc trực bên ba. Chăm sóc ba từng li từng tí, tôi mới thấm thía tuổi già, thấm thía sự vô thường. Tôi chẳng sợ dơ bẩn, cũng chẳng kêu ca phàn nàn, tâm chỉ khởi lên tình yêu thương, thương số phận một con người. Từ đó tôi giác ngộ ra nhiều điều.

Sau khi đưa ra Hà Nội, ba tôi lại nhập viện vì phát hiện ra bị ung thư mạc treo giai đoạn cuối, và bác sĩ có chỉ định cắt toàn bộ dạ dày. Một tháng trong bệnh viện, tôi như con thoi, vừa chăm sóc gia đình, vừa chăm sóc ba, vừa lo công việc kiếm tiền nhưng cũng may mắn là tôi cũng sắp xếp được. Sau khi ra viện về nhà, ba tôi chỉ sống thêm được 7 tháng nữa thì ông mất. Tôi biết ba tôi không muốn chết. Ông vẫn hy vọng sẽ chữa khỏi bệnh, mà bệnh đến thế rùi chữa làm sao được đây. Sau này tôi vẫn thường mơ thấy ba nên tôi ấp ủ ý muốn sẽ tìm ra bằng được nguyên nhân gây bệnh ung thư, và tôi cũng đã tìm ra. Ba tôi ra đi, tôi mới ngộ ra được là cuộc sống này quá vô thường, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào mà không hề báo trước. Vậy thì mình phải sống làm sao để khi ra đi thanh thản không còn nuối tiếc cái thân xác này nữa?

Còn mẹ tôi ở gần chỗ tôi ở nên cũng tiện chăm sóc. Thỉnh thoảng mẹ tôi bị trúng gió, miệng nôn chôn tháo, tôi học được cách đánh cảm bằng rượu gừng nên xử lý ngay. Chỉ sau 15p là mẹ tôi trở lại bình thường. Nhờ chịu khó học hỏi các phương pháp chữa bệnh dân gian nên tôi mới có thể giúp được mẹ những lúc nguy cấp. Cho đến bây giờ, tôi hoàn toàn toại nguyện vì đã chăm sóc ba mẹ chu đáo. Quan điểm của tôi là trả chữ hiếu cho ba mẹ lúc còn sống, lúc chết rùi chẳng có ý nghĩa gì hết. Tôi nguyện sẽ chăm sóc mẹ chu đáo tới khi mẹ nhắm mắt xuôi tay. Người già bệnh tật rồi lẩm cẩm, hôi thối ai cũng sợ, nhưng rồi đến lúc mình già cũng vậy nên con cái cần phải thương ba mẹ nhiều hơn mới hợp đạo lý làm người. Tất cả những việc tôi làm, con tôi đều biết. Mục đích của tôi là hướng dẫn cho con học tập theo để thay đổi tận gốc rễ cách giáo dục xưa cũ. Nền móng vững chắc thì con cháu sau này sẽ không bất hạnh như những thế hệ xưa.

 

Viết những dòng chữ này tôi đã khóc thương cho ba tôi, cho bà nội, ông nội và khóc thương cho những số phận con người khổ đau. Chỉ vì vô minh không hiểu giá trị của tình thương nên nhiều đời đã tự làm khổ mình rồi làm khổ gia đình mình mà không hề hay biết.

Gốc rễ của sự bất hạnh đó là thiếu vắng tình thương yêu từ trái tim mỗi con người. Vì sự ích kỷ của cái tôi nên tình thương dần dần mất đi, thay vào đó là vô minh từ tham sân si. Con người bắt đầu gieo nhân quả xấu, bắt đầu phải trả nghiệp hết kiếp này đến kiếp khác, luân hồi không dứt. Thượng đế sinh ra con người xuất phát từ tình yêu thương. Ngài đâu muốn chúng ta có kết cục bi thương như thế này đâu.

Bởi vậy, việc chúng ta cần làm ngay bây giờ là hãy nói và thể hiện tình yêu thương với bố mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè. Có thể họ chưa quen điều này vì đã bị bỏ quên rất lâu rồi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, trái tim họ sẽ thức tỉnh. Họ sẽ đáp trả lại tình yêu của bạn. Hãy đánh thức trái tim mình các bạn nhé! Điều kỳ diệu sẽ đến khi tất cả chúng ta biết kết nối yêu thương. Năng lượng tình thương của vũ trụ sẽ tràn ngập từng tế bào cơ thể bạn. Rồi bạn sẽ choáng ngợp trước sự kỳ diệu mà Thượng đế ban tặng cho chúng ta bao lâu nay, giống như kho báu đã chôn vùi nay đã được đào lên vậy.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024