Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
26/04/2014 13:04 # 1
Hương-Hà Nội
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 20

Kinh nghiệm: 231/300 (77%)
Kĩ năng: 149/200 (74%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 4581
Được cảm ơn: 2049
Tình hình bệnh sởi và công tác phòng chống bệnh sởi tại thành phố Đà Nẵng


Tình hình bệnh sởi và công tác phòng chống bệnh sởi tại thành phố Đà Nẵng

 

Thành phố Đà Nẵng không có trường hợp tử vong do sởi, không có ổ dịch sởi.

Tính từ ngày 01/01/2014 đến ngày 18/4/2014 đã ghi nhận có 104 ca nghi sởi, trong đó tại thành phố Đà Nẵng có 81 ca, các tỉnh khác 23 ca, 10 ca bệnh nặng, không có trường hợp tử vong; các trường hợp mắc rải rác trên toàn thành phố, không có ổ dịch sởi. Trong khi đó, theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 17/4/2014, tổng số ca mắc sởi trên cả nước là 8.521, số ca có xét nghiệm (+) là 3.136 ca; tử vong: 112 ca (Số tử vong chủ yếu tập trung tại các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố Hà Nội)

Trung tâm y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng đã lấy được 76/81 mẫu xét nghiệm, có kết quả 46/76 mẫu, trong đó: 34 mẫu (+) tính sởi, 12 mẫu (-) tính và 30 mẫu chưa có kết quả xét nghiệm.

Trong 34 ca dương tính: Trẻ < 09 tháng tuổi: 03 ca (ca bệnh nhỏ tuổi nhất: 3,5 tháng); Trẻ từ 09-15 tuổi: 25 ca; Trên 15 tuổi: 06 ca (ca bệnh lớn tuổi nhất: 39 tuổi). Số ca đã tiêm vắc xin sởi 1 mũi: 06 ca, 2 mũi: 02 ca, chưa tiêm hoặc không rõ: 26 ca.

Nhìn chung, tình hình mắc bệnh sởi trong các năm qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thấp và tương đối ổn định (Năm 2011 là 100 ca, năm 2012 là 54 ca, năm 2013 là 27 ca nghi sởi). Đạt được kết quả trên là do kết quả tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi hàng năm tại Đà Nẵng luôn đạt trên 95%.

Trong năm 2013, một số địa phương trong cả nước xảy ra một số sự cố trong tiêm chủng khiến người dân hoang mang không đưa trẻ đi tiêm chủng, tuy nhiên thành phố Đà Nẵng vẫn đạt tỷ lệ 99,7%, với tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt cao thì tỷ lệ mắc sởi sẽ giảm, hoặc nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn bình thường.

Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố, Sở Y tế tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch và công tác cách ly, điều trị, phân tuyến bệnh nhân sởi tại các tuyến trên địa bàn thành phố. Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện vệ sinh trường học phòng bệnh sởi và cho các học sinh ốm nghỉ học để phòng ngừa bệnh lây lan.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các nội dung: Tình hình bệnh sởi, cách nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phối hợp các nội dung tuyên truyền phòng, chống bệnh sởi cho người dân với công tác điều tra, giám sát bệnh sởi tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.

Thực hiện tuyên truyền các nội dung về phòng chống bệnh sởi trong các cơ sở giáo dục

Tăng cường công tác điều tra, giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi sởi tại các cơ sở y tế.

Phân công cán bộ đứng điểm tăng cường công tác giám sát bệnh tại cộng đồng trên 07/07 quận, huyện.

Các đơn vị khám, chữa bệnh sẵn sàng thuốc, nhân lực, hoá chất, vật tư, trang thiết bị, phân tuyến điều trị (hạn chế chuyển tuyến), chỉ đạo chuyển tuyến trong trường hợp bệnh nhân nặng; đặc biệt, bố trí khu vực cách ly để kịp thời tiếp nhận, chẩn đoán, và điều trị bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo bệnh sởi giữa các bệnh nhân, hạn chế tối đa các biến chứng, và không để xảy ra tử vong do bệnh sởi. Sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu

Triển khai rà soát, tiêm bổ sung vắc xin sởi cho 8.436 trẻ từ 09-24 tháng tuổi trên địa bàn thành phố tại 57 điểm tiêm chủng (56 Trạm Y tế xã, phường và 01 Trạm Quân dân Y kết hợp tại xã Hoà Bắc). Thời gian: từ ngày 25-29/4/2014.

 

Thái  Hoàng

 

 



Nguyễn Thu Hương
Smod Nhịp sống sinh viên
YH: nguyenthithuhuong_21071991                    Mail: thuhuong217@gmail.com

       

 
26/04/2014 13:04 # 2
Hương-Hà Nội
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 20

Kinh nghiệm: 231/300 (77%)
Kĩ năng: 149/200 (74%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 4581
Được cảm ơn: 2049
Phản hồi: Tình hình bệnh sởi và công tác phòng chống bệnh sởi tại thành phố Đà Nẵng


Cách nhận biết, phòng chống bệnh sởi

 

1. Phương thức lây truyền của bệnh sởi?

-  Lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

-  Điều kiện ẩm thấp là môi trường thuận lợi nhất cho bệnh sởi lây lan, đặc biệt đối với người chưa có miễn dịch với bệnh sởi.

2) Những dấu hiệu mắc bệnh sởi?

- Sốt  38-40 độ C và sốt liên tục.

- Ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), chảy mũi, viêm kết mạc (dử mắt, phù nhẹ mi), hắt hơi, tiêu chảy.

- Có những hạt nhỏ kích thước khoảng 1 mi-li-mét nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; nốt có màu trắng hoặc hơi xám, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ.

- Sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, tay, sau lưng, chân, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Ban có thể rải rác hoặc dày, có thể ngứa ít.

- Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay thứ tự như khi mọc và để lại vết thâm trên da, có thể có bong vảy nhẹ, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi nên đưa đến các cơ sở y tế ban đầu gần nhất để được khám, điều trị và hướng dẫn chăm sóc kịp thời, hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên (nơi đang điều trị các ca sởi nặng) để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

3) Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi như thế nào?

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Do đó, việc chăm sóc cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng.

- Giai đoạn bệnh nhẹ chủ yếu là chữa triệu chứng như: uống thuốc hạ sốt, nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt chloramphenicol 0,1% khoảng 3-4 lần/ngày.

- Ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước để nâng cao thể trạng, tránh bị suy dinh dưỡng và biến chứng do sởi.

- Vệ sinh thân thể, mắt, răng, miệng cho trẻ và giữ thông thoáng nơi ở, tránh gió lùa.

- Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên rửa tay bằng thuốc sát khuẩn hoặc rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang 

- Cần cách ly trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho trẻ khác và người nhà.

4) Các dấu hiệu tăng nặng của bệnh sởi?

Bệnh sởi có thể gây các biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong nên cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu tăng nặng của tr.

- Trẻ khó thở, co kéo nhiều lồng ngực, hoặc có cơn tím tái thở rít

- Trẻ sốt li bì hoặc sốt cao liên tục, uống thuốc hạ nhiệt paracetamol không hạ sốt, hoặc đã hết sốt và có sốt trở lại

- Trẻ co giật hoặc li bì

- Trẻ nôn trớ nhiều hoặc tiêu chảy nhiều lần trong ngày, khát nước nhiều

- Mắt nhiều dử mắt, kèm nhèm nhìn không rõ

- Lúc ban bay, trẻ đã hết sốt nhưng lại sốt lại

- Trẻ có dấu hiệu nghi viêm tai giữa (quấy lúc lắc đầu và đập hoặc dụi bên tai vào vai người mẹ).

5) Các biến chứng sau khi mắc sởi nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời?

- Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, cam tẩu mã, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng (do quá kiêng khem), loét giác mạc do thiếu sinh tố (vitamin) A. Các biến chứng này rất nặng và dễ gây tử vong.

6) Đề phòng chống bệnh sởi hiệu quả, người dân phải làm gi?

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi  mắc sởi, trẻ sẽ có miễn dịch bền vững.

- Khi trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

 

 

Hà Nội đầu tư 75 tỷ đồng phòng chống dịch sởi

Ngày 22-4, Bộ Y tế đã có kết luận thông báo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sau cuộc làm việc với UBND thành phố Hà Nội về phòng chống dịch sởi.

Bộ trưởng Tiến hoan nghênh Hà Nội đã đầu tư 75 tỷ đồng cho phòng chống dịch, tập trung cải tiến cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế chống dịch.

Bộ trưởng Tiến cũng cam kết Bộ Y tế sẽ cấp đủ vắc xin ngừa sởi cho Hà Nội tiêm vét ngừa bệnh cho các cháu 9 tháng - 6 tuổi

 

LAN ANH ghi



Nguyễn Thu Hương
Smod Nhịp sống sinh viên
YH: nguyenthithuhuong_21071991                    Mail: thuhuong217@gmail.com

       

 
26/04/2014 14:04 # 3
Hương-Hà Nội
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 20

Kinh nghiệm: 231/300 (77%)
Kĩ năng: 149/200 (74%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 4581
Được cảm ơn: 2049
Phản hồi: Tình hình bệnh sởi và công tác phòng chống bệnh sởi tại thành phố Đà Nẵng


Ăn gì để phòng, chống bệnh sởi?

 

(Chinhphu.vn) – Khi đã mắc sởi, bệnh nhân không chỉ thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý mà còn cần uống vitamin A theo qui định và bổ sung các vi chất khác để giúp tăng cường miễn dịch.

 
Thực phẩm cần đa dạng và giáu dưỡng chất
Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng. Ngược lại trẻ bị mắc sởi lại dễ bị suy dinh dưỡng thậm chí suy dinh dưỡng nặng. 

Chăm sóc dinh dưỡng là vô cùng quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi. Chế độ dinh dưỡng khoa học và đúng cách sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc.

Trong quá trình điều trị bệnh sởi, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng sẽ cần được áp dụng chế độ điều trị suy dinh dưỡng.  

Ăn 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày

Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ: Cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và góp phần phòng bệnh tốt nhất.

Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, trong đó phải bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng.

Không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi, đặc biệt là năng lượng và protein do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh. Nên ăn 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày.

Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, sa ba, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản-đây cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của y tế bằng đường uống cho trẻ.

Cần cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… và các loại rau có lá xanh sẫm như rau muống, rau ngót, rau giền đỏ, cải bó xôi, xúp lơ xanh… vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương, đặc biệt tổn thương ở mắt, chống mù lòa. Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… cũng rất tốt. Bên cạnh đó trẻ cần được uống bổ sung vitamin A theo phác đồ điều trị.

Khi đang bị bệnh sởi không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri…., hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn mà đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.

Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ

Nên cho trẻ uống nhiều nước

Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, đối với trẻ đã và đang bị bệnh sởi cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị, nhưng thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh, thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp cho quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.

Hạn chế cách chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói,… vì các thực phẩm này không có lợi cho người bệnh sởi.

Cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn trẻ đang sốt, nôn, tiêu chảy. Có thể cho trẻ uống nước quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi trẻ sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho trẻ uống dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải theo hướng dẫn.

Sau khi trẻ đã khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần để trẻ có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.

Để dự phòng tránh mắc bệnh sởi, mọi trẻ em đều cần được tiêm vắc sởi đầy đủ theo hướng dẫn của chuyên môn đồng thời uống bổ sung vitamin A liều cao 6 tháng một lần đối với trẻ dưới 5 tuổi theo chiến dịch của chương trình vitamin A do Viện Dinh dưỡng tổ chức vào Ngày vi chất dinh dưỡng (ngày 1-2/6  và tháng 12 hằng năm).

Bên cạnh đó cần giữ nhà cửa thông thoáng, tăng cường vệ sinh cá nhân (đặc biệt là vệ sinh mũi, họng), giữ ấm cơ thể, dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

Hà Anh



Nguyễn Thu Hương
Smod Nhịp sống sinh viên
YH: nguyenthithuhuong_21071991                    Mail: thuhuong217@gmail.com

       

 
26/04/2014 14:04 # 4
Hương-Hà Nội
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 20

Kinh nghiệm: 231/300 (77%)
Kĩ năng: 149/200 (74%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 4581
Được cảm ơn: 2049
Phản hồi: Tình hình bệnh sởi và công tác phòng chống bệnh sởi tại thành phố Đà Nẵng


18 điều cần biết về cách phòng chống bệnh sởi

 

Ngày 22/4, Bộ Y tế ra thông điệp về phòng, chống bệnh sởi với những kiến thức cơ bản nhất giúp người dân tự phòng tránh hoặc biết cách ứng phó trong trường hợp cần thiết.

1. Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?

Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.

Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Đây là bệnh lây nhiễm từ người sang người. Không ghi nhận bệnh sởi ở động vật.

2. Có phải bị nhiễm virus sởi thì sẽ mắc bệnh sởi không?

Đúng. Không có trường hợp người lành mang virus. Những người đã có miễn dịch với virus sởi do tiêm văcxin trước đó hoặc từng mắc sởi sẽ không bị mắc bệnh nữa. Nhiều trẻ mắc sởi và bị biến chứng nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.

18 điều cần biết về cách phòng chống bệnh sởi 1
Bộ Y tế cho biết tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi (Ảnh: C.Q)

3. Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?

Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là:

- Trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, trẻ dưới 9 tháng tuổi không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoặc mẹ chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ.

- Trẻ đã tiêm văcxin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.

- Thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm văcxin trước đây. Do vậy, các nhóm này cần được bảo vệ bằng tiêm văcxin sởi. Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.

4. Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào?

Trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi. Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng.

5. Chẩn đoán bệnh bằng phương pháp gì?

Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm huyết thanh là phương pháp chính xác nhất. Cần lấy 3 ml máu của bệnh nhân trong khoảng 28 ngày kể từ khi phát ban để tìm kháng thể IgM. Nếu kết quả dương tính chứng tỏ bệnh nhân đã mắc sởi.

Bên cạnh đó, có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và các thông tin tiếp xúc với nguồn lây.

6. Làm thế nào để phòng bệnh sởi?

Tiêm văcxin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc. Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.

7. Tiêm văcxin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?

Cũng như các văcxin khác, tiêm văcxin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm chủng, loại văcxin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng văcxin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.

8. Miễn dịch sau tiêm văcxin sởi có bền vững suốt đời?

Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm văcxin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.

9. Tại sao phải tiêm hai liều văcxin sởi?

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm văcxin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản văcxin...

Việc tiêm mũi văcxin sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm văcxin sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.

10. Những ai cần tiêm mũi văcxin sởi thứ hai?

Tất cả trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất văcxin sởi, chưa tiêm văcxin hoặc chưa từng mắc sởi. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trên thực tế không cần xét nghiệm xác định tình trạng miễn dịch của trẻ để cán bộ y tế chỉ định tiêm văcxin.

Do vậy, đối tượng cần tiêm mũi thứ hai là tất cả trường hợp chưa tiêm mũi thứ hai văcxin sởi hoặc những trường hợp không có đầy đủ bằng chứng (phiếu, sổ tiêm chủng) chứng minh đã tiêm mũi thứ hai.

11. Có nên tiêm văcxin đối với người từng mắc sởi?

Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm văcxin sởi. Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm.

12. Văcxin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không?

Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, văcxin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Việc tiêm văcxin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.

13. Lịch tiêm văcxin sởi?

Đối với tiêm văcxin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:

- Trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

- Trong tiêm chủng chiến dịch: Thực hiện tiêm văcxin cho tất cả đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.

- Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm văcxin sởi là 1 tháng.

Đối với văcxin tiêm chủng dịch vụ: Tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả lứa tuổi đều có thể tiêm văcxin sởi.

14. Có thể tiêm văcxin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trên 18 tháng tuổi không?

Chỉ tiêm văcxin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết.

Tất cả trường hợp tiêm văcxin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay văcxin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là một mũi văcxin. Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi văcxin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.

15. Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm văcxin sởi?

Có. Kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.

16. Những trường hợp nào không nên tiêm văcxin sởi?

Những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm văcxin sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của văcxin (gelatin, neomycin). Dị ứng với trứng không phải là chống chỉ định.

Không nên tiêm văcxin sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các văcxin sống khác, cần tránh có thai ít nhất một tháng sau tiêm.

Không tiêm văcxin sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm.

Có thể tiêm văcxin sởi cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.

17. Tiêm văcxin sởi có thể bị nhiễm virus sởi không?

Có, bởi vì văcxin chứa virus sởi đã bị làm yếu, nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp sau tiêm văcxin bị mắc sởi. Triệu chứng thường nhẹ. Những người này không gây lây nhiễm virus cho người khác nên không cần cách ly.

18. Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm văcxin sởi?

Văcxin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các văcxin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.

Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm văcxin sởi là rất hiếm gặp, nhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn này sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

Trong thời điểm hiện nay dịch bệnh sởi đang bùng phát trên 61 tỉnh, thành phố, nguy cơ bệnh vẫn ở mức cao, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bà mẹ:

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

3. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Theo Vietnamnet

 



Nguyễn Thu Hương
Smod Nhịp sống sinh viên
YH: nguyenthithuhuong_21071991                    Mail: thuhuong217@gmail.com

       

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024