Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/08/2010 11:08 # 1
Hyo_Bin
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 22/140 (16%)
Kĩ năng: 168/210 (80%)
Ngày gia nhập: 08/04/2010
Bài gởi: 932
Được cảm ơn: 2268
Hoa Đào Năm Ngoái Còn Cười Gió Đông ( Vịnh thơ)


Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có một đoạn thơ tả lại cảnh lúc Kim Trọng trở lại vườn xưa cảnh cũ nơi mà Kim Trọng và Thúy Kiều đã nhiều lần hò hẹn tâm tình với nhau :  
 
"Đầy vườn cỏ mọc lau thưa  
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời  
Trước sau nào thấy bóng người  
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông  
Xập xè én liệng lầu không  
Cỏ lau mặt đất, rêu phong dấu giầy  
Cuối tường gai góc mọc đầy  
Đi về này những lối này năm xưa ....."

 
Thật ra trong ngôi vườn tình ái hò hẹn giữa Kim Trọng và Thúy Kiều năm xưa chưa chắc đã có cây đào nở rộ đầy hoa đang cười bỡn cợt với gió đông (gió xuân) lơi lả ... Mà dù có cây đào đi chăng nữa cũng không là nét đặc trưng biểu tượng trong những vần thơ trữ tình nầy :  
 
"Trước sau nào thấy bóng người  
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông .."

 
mà chính Nguyễn Du đã muốn nhắc nhở lại cái điển tích của Thôi Hộ " Đào hoa y cựu tiếu đông phong ..." trong bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang “ như một yếu tố ngôn ngữ chủ yếu làm phương tiện để dẫn dắt độc giả vào cái nhận thức hiện tại : cảnh xưa vẫn còn đó... nhưng người đẹp nay còn đâu ? .. Cái tài hoa khéo léo của Nguyễn Du là ngoài cái biểu tượng chính " hoa đào năm ngoái" còn mang thêm những hình tượng ngôn ngữ để bổ sung cho nhận thức "cảnh đó người đâu ?" , tạo nên một bức tranh trữ tình lãng mạn và gợi sầu gợi cảm vô cùng qua những hình ảnh chất liệu như : cỏ, lau, song, vách, trăng, mưa, én, rêu, dấu giầy, tường gai v.v... đã gây ra những ấn tượng sâu sắc, nguồn cảm xúc dào dạt, nồng nàn, xao động lòng người …  
 
Nói đến mùa Xuân là nói đến nhựa sống căng tràn, là nói đến tình yêu lai láng dạt dào của những mối tình tuyệt đẹp giữa kẻ nam và người nữ . Bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang” của Thôi Hộ là một giai thoại văn học nói lên một mối tình xuân muôn thuở nầy.. Bài thơ còn có tên là “Đề Tích Sở Kiến Xứ “ (Thơ đề chỗ trông thấy năm trước).  
 
Chuyện kể rằng chàng sĩ tử Thôi Hộ đi thi bị hỏng, nhân tiết thanh minh đi du xuân ở phía nam thành Đô, thấy một trang trại cây cối xanh tươi tốt đẹp, ghé lại gõ cửa xin nước uống, thì gặp một tuyệt sắc giai nhân đứng dựïa cành đào, ưng ửng má hồng, e lệ chẳng nói năng chi, mà chàng trai Thôi Hộ thì đắm đuối nhìn … Hoa đẹp mà người cũng đẹp thay! Cảnh vật tươi sáng rực rỡ, tinh khôi, đầy mộng mơ đã quyến rũ và làm say đắm thi nhân trước cảnh đẹp người xinh … Thôi Hộ từ giã bịn rịn ra về, năm sau cũng nhân tiết thanh minh ghé lại trang trại cũ đi tìm người xưa, cảnh vẫn không thay đổi, cây đào vẫn còn đó đùa cợt với gió xuân, mà người đi đâu vắng, cửa đóng then cài.. Thôi Hộ bồi hồi thương nhớ mà cảm xúc viết thành bài thơ đem gài vào cánh cửa … Một thời gian sau, Thôi Hộ thương nhớ quá, cầm lòng không đậu, trở lại chốn cũ, thì nghe tiếng khóc trong nhà vang rạ. Chàng gõ cửa , thì một ông già đi ra, nhìn chàng và hỏi : “ Người có phải là Thôi Hộ không ? Con gái tôi đã đọc bài thơ mà tương tư da diết, sầu khổ, không ăn uống và đã chết rồi …” Thôi Hộ hối hận vô cùng, chàng quỳ bên giường nàng, ôm xác nàng mà khóc lóc thảm thiết, khan vái và lay nàng dậy … Trời đã cảm thương cho mối tình chung thủy .. nàng đã hồi tỉnh và hai người đã kết duyên vợ chồng …. Một cuộc tình đẹp đã thành giai thoại và tương truyền mãi đến đời sau ..  
 
Đề Đô Thành Nam Trang
(Thôi Hộ)
 
Khứ niên kim nhật thử môn trung  
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng  
Nhân diện bất tri hà xứ khứ  
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

 
Dịch nghĩa:
(Năm ngoái, ngày này ở trong cánh cửa này  
Mặt người và hoa đào cùng chiếu ánh hồng cho nhau  
Mặt người không biết đã đi đâu rồi  
Hoa đào vẫn như xưa còn cười với gió đông (gió xuân) )

 
Đề Thơ Ở Nam Trang Thành Đô
(Hải Đà cảm dịch)
 
Năm ngoái hôm nay cũng cửa nầy  
Hoa đào má phấn đỏ hây hây  
Người đi đâu mất, còn hoa đó  
Ghẹo gió đông cười hoa ngất ngây

 
dịch nghĩa:
[b](Cửa nầy năm ngoái hôm nay  
Hoa đào ưng ửng đỏ hây má hồng  
Biết tìm đâu nữa chân dung  
Hoa đào bỡn cợt gió đông gọi về )[/b]

 
Trong một bài thơ "Sơn Phòng Xuân Sự" (Chuyện xuân ở nhà trên núi) của Sầm Tham cũng có hai câu thơ thể hiện những hình ảnh ước lệ tượng trưng như trong bài thơ của Thôi Hộ : người đã xa vắng rồi, cảnh vật hình như vẫn lãnh đạm vô tình ... nhưng hai cái hình tượng nhận thức đối nghịch đó đã có năng lực tạo ra một cảm xúc mãnh liệt, một tình cảnh xao xuyến, bồi hồi, chua xót phân ly đầy nhớ thương và luyến tiếc ....  
 
Lương viên nhật mộ loạn phi nha  
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia  
Đình thụ bất tri nhân khứ tận  
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa

(Sầm Tham)
 
dịch nghĩa:
(Vườn chiều nhốn nháo quạ vờn bay  
Đôi mái nhà xiêu thấp thoáng đây  
Người vắng sân cây đâu có biết  
Xuân về hoa cũ nở thơm đầy)

(Hải Đà cảm dịch)
 
Bài thơ trữ tình lãng mạn của Thôi Hộ, hàm súc mang nhiều hình ảnh linh động và ý tình thắm thiết, đã đúng như định nghĩa Thơ mà Lamartine đã nói : “Thơ là sự hiện thân cho những gì sâu sắc thầm kín nhất của con tim và huyền diệu thiêng liêng nhất của tâm hồn con người, và khơi động những hình ảnh tươi mát sống động nhất, âm thanh tuyệt vời nghệ thuật nhất trong thiên nhiên ..” Bài thơ cô đọng bốn câu của Thôi Hộ là một sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc, hình tượng, ý tình , âm thanh, nhịp điệu và nhạc tính đã gây sự rung động và mẫn cảm, biểu tượng một thế giới cảm xúc, làm xao xuyến tâm hồn người đọc khôn nguôi … 


Nguyễn Hoàng Bình - K14 -QTM

Mail: hyobin2146@gmail.com
Yahoo: bin_cmo









 

 
02/08/2010 11:08 # 2
Hyo_Bin
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 22/140 (16%)
Kĩ năng: 168/210 (80%)
Ngày gia nhập: 08/04/2010
Bài gởi: 932
Được cảm ơn: 2268
Phản hồi: Hoa Đào Năm Ngoái Còn Cười Gió Đông ( Vịnh thơ)


Riêng ở nước ta, hoa đào đã đi vào lịch sử, ngôn ngữ hàng ngày và thi ca một cách đậm đà ý vị.  
Về lịch sử, vào tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung sau khi đem đoàn quân tốc chiến từ Nam ra Bắc, đại phá được 20 vạn quân Thanh xâm lược, liền sai quân sĩ chọn lấy một cành bích đào đẹp nhất Thăng long, cho ngựa phi gấp mang vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân, thay cho thiếp báo tin mừng chiến thắng.  
 
Trong ngôn ngữ hàng ngày thi - màu đào, dùng để tả màu hồng thắm hay đỏ tươi như: má đào, lụa đào, cờ đào, máu đào . Qua thi ca, thành ngữ - “đào tơ mơn mởn” chỉ người thiếu nữ đang tuổi dậy thì, có vẻ đẹp tươi mát, đầy sức sống - “Liễu yếu đào tơ” chỉ người thiếu nữ có vẻ đẹp yểu điệu mảnh mai - “Số đào hoa” là số có duyên, được nhiều người khác phái ưa thích - ‘Kiếp đào hoa’ cũng như ‘Số hoa đào ‘ , nói như Nguyễn Du trong truyện Kiều: (chỉ số phận hẩm hiu, bạc mệnh của kiếp gái giang hồ)
"Chém cha cái số hoa đào  
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi"

(c.2151-2152)  
 
Tục ngữ: - “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã” ý nói, bà con có chung một huyết thống, dầu xa nhưng còn hơn người dưng.v.v...  
 
Trong truỵện cổ tích Từ Thức, động Bích Đào ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, gần núi Thần Phù, là di tích một câu chuyện thần tiên. Tích xưa kể rằng, Từ Thức nguyên là tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh), vào ngày hội hoa mẫu đơn tại ngôi chùa sở tại, chàng đã cởi áo khoác cầm cố để giải cứu cho người thiếu nữ chót đánh gẫy cành hoa quý.  
 
Ít lâu sau, Từ Thức treo ấn từ quan, ngày ngày ngao du sơn thủy. Một hôm chàng chèo thuyền ngoài cửa bể Thần Phù, ghé vào bờ núi đề thơ rồi lạc đến một động tiên, chàng được phu nhân tiên chủ gả con gái yêu là Giáng Hương cho, để đền cái ơn đã cứu nàng thuở nào.  
 
Sống ở Đào Nguyên tuy vui sướng nhởn nhơ nhưng Từ Thức không nguôi lòng nhớ cố hương, bèn xin trở về. Biết không thể lưu giữ được lâu hơn, phu nhân ban cho vân hạc đưa chàng về trần, còn Giáng Hương trước phút từ biệt, trao cho chàng một phong thư, dặn khi tới nhà hãy đọc.  
 
Từ Thức về đến quê, xiết bao bỡ ngỡ vì cảnh cũ đã hoàn toàn thay đổi mà người xưa cũng không còn. Chàng hỏi thăm ông già bà cả trong xóm thì có người cho biết, cụ tổ ba đời của ông ta tên là Từ Thức, đi vào núi không thấy về, nay đã trên 60 năm.  
 
Quá bơ vơ, lạc lõng, chàng Từ Thức tính quay lại níu lấy cánh hạc để trở về tiên động, nhưng cánh hạc đã bay vút trời cao. Chàng mở thư vợ ra xem mới hay ‘ tình duyên trần tiên đã đoạn, muốn tìm lại động xưa chẳng còn được nữa’. Sau đó ít lâu, Từ Thức đi vào núi Hoành Sơn ( gần Thanh Hoá), không thấy trở lại.  
 
Thi sĩ Tản Đà, giữa đầu thế kỷ XX, cảm hứng chuyện cũ, sáng tác nên bài từ khúc "Tống Biệt":
 
"Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai  
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi  
Nửa năm tiên cảnh,  
Một bước trần ai  
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!  
Đá mòn, rêu nhạt  
Nước chảy, huê trôi.  
Cánh hạc bay lên vút tận trời  
Trời đất từ nay xa cách mãi.  
Cửa động đầu non, đường lối cũ  
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi."

 
Khác với bài hát Thiên Thai của Văn Cao, nhằm ca ngợi cảnh đẹp và hạnh phúc mà hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu trong truyện thần tiên Trung Hoa, được vui hưởng khi lạc tới Đào Nguyên đến quê cả đường về; sau hai chàng trở lại trần gian vẫn còn luyến tiếc mãi không thôi:  
 
Thiên Thai, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian  
Có một mùa đào cùng ngày tháng chưa tàn phai một lần  
……  
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên đường về  
……  
Nay tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?

 
Bài từ khúc của Tản Đà lại hướng về quê hương hạ giới, cốt làm nổi bật hai khía cạnh trong đời sống tâm lý muôn thuở của thế nhân:  
 
Con người ta sống ở nơi nào, dù được sung sướng đến đâu (như ở chốn thiên tiên) vẫn không thể quên được cố hương, và sẽ có ngày tìm về. Trái lại, dù được sống ở quê hương, nhưng một khi người xưa, cảnh cũ không còn, tất cả đã hoàn toàn đổi thay thì con người lại cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, ắt có ngày sẽ tính chuyện bỏ xứ ra đi.  
 
Lại như trong thi ca bác học cổ điển của ta, vì chịu ảnh hưởng văn học Trung Hoa nên các mầu sắc, hình ảnh : mầu đào, hoa đào... thường được sử dụng để tả nhan sắc của người phụ nữ(có tính cách ước lệ). Song chắc chắn chưa một tác phẩm nào lại ca ngợi sức quyến rũ phi thường của đôi má đào người đàn bà như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, sáng tác cuối thế kỷ XVIII:  
 
"Áng đào kiểm đâm bông não chúng  
Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành.  
Bóng gương lấp ló trong mành  
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa."

(c.15-18)
 
"Má đào không thuốc mà say  
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long."

(c.167-168)
 
Đôi má đỏ au như hoa đào của người cung phi ở đây không phải bùa mê thuốc ngải mà có sức hấp dẫn mê hồn, có khả năng làm say đắm lòng người đến độ có nhiều vị trấn thành, trị quốc mê mệt tới sao lãng cả công vụ, đưa đến tình trạng mất thành mất nước như chơi.  
 
Riêng Nguyễn Du, trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh viết hồi đầu thế kỷ XIX, thì mượn cây đào làm bối cảnh cho cuộc tình của đôi tài tử giai nhân Kim Trọng – Thuý Kiều. Sau buổi được tao ngộ cùng Thúy Kiều trong ngày hội Đạp Thanh, Kim Trọng trở về không lúc nào quên được nàng. Chàng say mê Kiều đến độ giả danh du học, thuê hiên Lãm Thuý để mong có cơ hội gặp lại người tình trong mộng của mình.  
Cây đào ở cuối vườn nhà Kiều, bên kia tường là hiên Lãm Thúy, Kim Trọng ngày ngày ghé mắt nhìn sang. Lần đầu tiên Kim thoáng nhìn thấy Kiều dưới tàn cây đào :  
 
"Cách tường phải buổi êm trời  
Dưới đào dường có bóng người thướt tha."

 
Kim đã với được chiếc kim thoa của nàng vướng trên một cành đào:  
 
"Lần theo tường gấm dạo quanh  
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa  
Giơ tay với lấy về nhà."

 
Nhờ đó Kim Trọng đã được gặp lại Thuý Kiều.  
 
Nhân một hôm cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều khẽ hắng giọng làm hiệu gọi Kim cũng ở bên gốc cây đào này :  
 
"Dưới hoa sẽ dặng tiếng vàng  
Cách hoa đã thấy có chàng đứng trông."

 
Thì ra Kim Trọng lúc nào cũng loanh quanh luẩn quẩn ở gần cây đào để chờ Kiều. Như thế, cây đào đã gắn liền với những kỷ niệm về mối tình đầu giữa Kim và Kiều.  
 
Sau nửa năm xa vắng (Kim phải về Liêu Dương thọ tang chú), Kim trở lại vườn Thúy, chàng thấy mọi vật đều đã đổi thay, riêng có cây đào năm xưa vẫn tưng bừng nở hoa như ngày nào, như muốn trêu ghẹo nỗi cô đơn của chàng. Tâm trạng Kim Trọng lúc này chẳng khác nào Thôi Hộ khi trở lại Đào Hoa Trang, không được gập lại người thiếu nữ đã cho chàng bát nước giải khát trong ngày hội xuân năm trước. Thế nên, Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ cuối trong bài tứ tuyệt của Thôi Hộ để tả cảnh ngộ và tâm trạng Kim Trọng:  
 
"Trước sau nào thấy bóng người  
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông."

 
Có ai ngờ câu chuyện tình Hoa Đào Thôi Hộ vẫn còn để lại dư âm đến tận ngày nay?  
 
Vào mùa hoa đào năm 1991 tại Parc de Sceaux, nhìn thấy vườn đào rực rỡ với muôn ngàn đoá hoa đang lung linh trong nắng xuân hồng, chúng tôi lại nhớ đến khung cảnh thơ mộng trong cuộc tao ngộ giữa danh sĩ Thôi Hộ và người em gái Đào Hoa Trang thuở nào, lòng bỗng dạt dào cảm xúc.  
Thay vì thương cảm cho tình cảnh của chàng Thôi khi trở về chốn cũ không gặp lại người xưa như Nguyễn Du trong truyện Kiều, hay hầu hết các vị nam nhân khác mỗi khi nhắc đến câu chuyện tình thơ mộng này ; chị em phụ nữ chúng tôi lại thường xót xa cho cảnh ngộ của người em gái Đào Hoa Trang, chỉ vì đôi lời thơ hoài cảm của ai kia mà mang lụy vào thân, đã bao tháng năm phải chờ đợi trong cô đơn, âm thầm, vô vọng… nên đã sáng tác nên mấy vần thơ, thác lời Người Em Đào Hoa Trang để làm kỷ niệm.  
 
"Trong vườn hoa đào rộ nở  
Lung linh dưới nắng xuân tươi  
Cô em má hồng ửng đỏ  
Chợt chàng Thôi Hộ ghé chơi. "

 
Bốn câu thơ viết theo thể phú, mô tả cộc tao ngộ giữa danh sĩ Thôi Hộ và người em gái Đào HoaTrang.  
 
"Gặp nhau chỉ dám thoáng nhìn  
Sông chờ, bến hẹn tưởng nghìn kiếp xưa.  
Cổng ngoài có mỗi bài thơ  
Hoa đào vẫn nở, người mơ chẳng về."

 
Hai câu năm sáu, viết theo thể hứng; nhân cuộc gặp gỡ nẩy sinh tình yêu. Rồi dùng thể tỉ để diễn tả tâm tình người đẹp: Nàng vừa gặp chàng là bị trúng ngay tiếng sét ái tình. Nàng yêu liền và tưởng chừng hai người đã thương nhau, đã chờ đợi nhau từ nghìn kiếp trước, nay bất ngờ gặp lại hẳn sẽ không bao giờ còn lìa xa nữa.  
 
‘Sông chờ’, ‘bến hẹn’ dùng phép tỉ, vừa nhân cách hóa, vừa mượn hình ảnh thơ để diễn tả tình cảm tha thiết đợi chờ của hai kẻ yêu nhau, hay ít ra cũng có trong tưởng tượng, trong mơ ước của nàng.  
Hai câu kết, người em gái Đào Hoa Trang lộ vẻ đau đớn, vừa tủi thương cho mình, vừa hờn trách đối tượng. Tưởng chàng yêu nàng tha thiết thế nào, ngờ đâu chỉ vẻn vẹn có một bài thơ rồi bỏ đi chẳng một âm hao ; trong khi tình yêu của nàng dành cho chàng là cả một niềm thủy chung như nhất, chẳng khác nào những bông hoa đào hàng năm vẫn nở mỗi độ gió đông về (gió đông tức gió xuân, vì mùa xuân mới có gió từ phương đông thổi tới).  
 
Để kết thúc bài ‘Hoa Ðào Ngoài Ðời Và Trong Thi Ca’, chúng tôi xin tóm tắt như sau :
 
Hoa đào là một thực tại, không ai có thể phủ nhận. Nhưng thực tại đó hiện hữu như thế nào còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, nhất là môi trường nó xuất hiện và cảm quan của người tiếp nhận. Như hoa đào tả chốn Bồng Lai thì người ta cho nó có vẻ đẹp xinh tươi, nở chốn thiền môn thì có vẻ đẹp thanh tịnh, xuất hiện trước mắt những kẻ đang yêu thì có vẻ đẹp rực rỡ, nồng nàn. Lại như khi đi qua một vườn hoa đào, có người thấy đẹp, cảm thấy rất an vui hạnh phúc , có người lại không. Như vậy đủ rõ, qua cái nhìn của mỗi cá nhân, thực tại không còn là thực tại mà đã được chuyển hoá. Có thể bị bi quan hoá như cái nhìn của người Nhật về hoa anh đào, nhưng thường là được thi vị hoá gấp năm, gấp mười lần, đặc biệt qua thi ca còn được thăng hoa gấp trăm, gấp ngàn lần, như bài thơ tứ tuyệt của Thôi Hộ, như bài hát Thiên Thai của Văn Cao v.v…  
 
Nhận xét như vậy, chúng tôi không có ý gì khác hơn là tha thiết mời quí vị vào mỗi mùa hoa đào , khoảng đầu tuần thứ hai trong tháng tư, hãy nán chút thì giờ đi thăm vườn đào, để cả thân tâm mà tận hưởng tất cả các vẻ đẹp của nó. Này nhé, như thoạt nhìn từ xa, ta sẽ thấy mầu hoa, rồi gần hơn, cây hoa, cành hoa, gần hơn nữa, cánh hoa, nhị hoa, và nếu biết nhìn một cách sâu sắc, chúng ta còn có thể thấy, chỉ một cánh hoa cũng đủ hàm chứa cả sự mầu nhiệm của vũ trụ, vì trong đó không những có sự hiện diện của ánh nắng mặt trời, ánh sáng trăng, sao mà còn cả gió, mưa, sương, tuyết, đất, nước, cả người làm vườn và nhất là sự hiện diện của chính chúng ta. Thực thế, nếu chúng ta không có ý thức về cánh hoa đó, thì nó đối với chúng ta như chưa từng hiện hữu, có cũng như không, nói chi đến sự mầu nhiệm kia.  
 
Hoa đào quả là một ân sủng của Thượng Đế ban cho loài người… Vườn đào quả là một Thiên Đường mà chúng ta có thể tới được dễ dàng ngay trong cuộc sống hiện tại. Ít nhất cảnh đẹp tinh khiết, tươi thắm của vườn đào cũng làm cho ta mát mắt, tâm trí thư giãn; ngoài ra nó còn nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, tươi trẻ của chúng ta, và biết đâu còn gợi cho chúng ta nhiều cảm hứng, thi tứ, trên văn đàn Việt Nam, nhờ đó mà nảy sinh thêm biết bao kỳ hoa dị thảo ?  
 
(Giáo sư Gia Long - Phạm Nhị Nhung)


Nguyễn Hoàng Bình - K14 -QTM

Mail: hyobin2146@gmail.com
Yahoo: bin_cmo









 

 
02/08/2010 11:08 # 3
Hyo_Bin
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 22/140 (16%)
Kĩ năng: 168/210 (80%)
Ngày gia nhập: 08/04/2010
Bài gởi: 932
Được cảm ơn: 2268
Phản hồi: Hoa Đào Năm Ngoái Còn Cười Gió Đông ( Vịnh thơ)


Trước hết là bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.  
 
Thôi Hiệu người Biện Châu (nay là huyện Khai Phong tỉnh Hà Nam) sống thời Thịnh Đường, năm sanh hổng rõ nhưng năm mất là 754. Thi đậu tiến sĩ thời Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông năm 725, làm đến chức Tư Huân viên ngoại lang. Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng nhứt của Thôi Hiệu.  
 
Lầu Hoàng Hạc ở trên ghềnh đá Hoàng Hộc tại Huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Theo sách Tề Hài Chí thì tích nhân (tức người xưa) người cỡi hạc đi qua nơi này chính là một vị tiên tên Tử An. Rồi để kỷ niệm, dân chúng trong vùng mới dựng lên cái ‘lâu’ này và đặt tên là lầu Hoàng Hạc.  
 
Thôi Hiệu một bữa đẹp trời, rảnh rang ở không, mới cầm quạt chắp tay sau đít đi chơi lang bang qua Hoàng Hộc, nghe chuyện rồi tức cảnh sanh tình, bèn rút bút ra mần bài thơ rồi dán lên cột trên lầu.  
Tui xin phép không chép lại nguyên tác bài thơ, chỉ nhắc với ông Khách rằng bài thơ tui có trong tay hiện giờ câu 3 & 4 đọc là :  
 
"Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản  
Bạch vân thiên tải không du du."

 
Nghĩa là: Hạc vàng một khi đã đi rồi thì không trở lợi nữa; mây trắng vẫn bay man mác ngàn năm. Xin đừng nghĩ rằng phải có đối ngữ với chữ khứ ở câu 3 để biến tải thành tái trong câu 4. Sửa như thế là có lỗi với ông Thôi Hiệu muôn phần đó vậy.  
 
Đã có rất nhiều bản dịch nhưng dịch hay nhứt phải là Tản Đà. Tản Đà đã dịch bài thơ thất ngôn bát cú sang thể lục bát, một thể thơ hoàn toàn VN. Cái xuất sắc của Tản Đà là bài thơ đã được giữ nguyên ý mà đọc lên nó chảy xuôi mềm mại và ... nếu không biết, người ta hẳn không ngờ rằng nó là thơ dịch.  
 
"Hạc vàng ai cỡi đi đâu  
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ  
Hạc vàng đi mất từ xưa  
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay  
Hán Dương sông tạnh cây bày  
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non  
Quê hương khuất bóng hoàng hôn  
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai."

 
Những bản dịch khác (của Ngô tất Tố và Trần Trọng San) tuy vẫn giữ đúng nguyên thể nhưng không so được với bản dịch của Tản Đà:
 
Người xưa cỡi hạc bay đi mất  
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây  
Hạc đã một đi không trở lại  
Man mác muôn đời mây trắng bay  
Hán Dương sông tạnh cây in thắm  
Anh Vũ bờ thơm cỏ biếc đầy  
Chiều tối quê nhà đâu chẳng thấy  
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.

(Trần Trọng San. )
 
Tui ưng nhứt là hai câu cuối :  
"Nhật mộ hương quan hà xứ thị  
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. "

 
Thi tứ nhạc điệu man mác êm đềm, hay và não nuột hết biết, má ơi !  
 
Vì trong Hán văn hổng có vụ viết hoa cho danh từ riêng thế nên đã có tranh cãi chút xíu về câu cuối Yên ba giang thượng sử nhân sầu.  
 
Chuyện như thế này : Gần lầu Hoàng Hạc có một khúc sông tên là Yên Ba. Thành ra rồi nếu Yên Ba là danh từ chung nó có nghĩa là khói sóng. Khói sóng trên sông khiến người buồn bã. Nhưng nếu Yên Ba là danh từ riêng thì ý câu thơ sẽ khác đi. Tranh cãi một hồi người ta mới đồng ý rằng : một thi hào cỡ Thôi Hiệu thì hổng có trò Yên Ba (viết hoa) mà phải là yên ba (viết thường). Rất có thể khúc sông nơi đó khi xưa có tên khác, rồi vì bài thơ của Thôi Hiệu nên người ta mới cải danh cho nó chăng ?  
 
Riêng câu 1 của bài thơ tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ, có chỗ chép là tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ, nghĩa là người xưa (thay vì cỡi hạc vàng thì) đã cỡi mây trắng bay đi. Viết thế cũng sai luôn nha. Phải cỡi hạc bay đi thì mới còn lầu không (hổng có hạc) chớ cỡi mây bay đi thì ắt rằng con hạc dzàng còn (và phải) đậu chình ình trên cây tùng cây bách đâu đó cho ông Thôi Hiệu ngắm đỡ buồn !

Nguồn: STTH


Nguyễn Hoàng Bình - K14 -QTM

Mail: hyobin2146@gmail.com
Yahoo: bin_cmo









 

 
Các thành viên đã Thank Hyo_Bin vì Bài viết có ích:
23/10/2012 14:10 # 4
nasykiemkhach
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 1/10 (10%)
Kĩ năng: 0/10 (0%)
Ngày gia nhập: 23/10/2012
Bài gởi: 1
Được cảm ơn: 0
Phản hồi: Hoa Đào Năm Ngoái Còn Cười Gió Đông ( Vịnh thơ)


Bàn về bài thơ hoa đào của Thôi Hộ, Thật ra, cả bài thơ, chỉ đắt nhất một câu thơ kết “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Nhưng thật đáng buồn là nhiều diễn giả lên văn đàn thi triển thơ ca, nhưng lại không hiểu đúng ý nghĩa của câu thơ này. Từ đó dẫn đến lạc ý, và dịch ý thơ đi theo hướng khác, làm mất đi cái tuyệt diệu của Một bài thơ bất hủ.

Thi hào Nguyễn Du quả là xứng danh bậc thi nhân được muôn đời trân trọng. Tôi đọc, chỉ thấy Nguyễn Du là hiểu đúng ý nghĩa, bối cảnh của câu thơ.

Nguyễn Du đã mượn câu thơ này để miêu tả cảnh Kim Trọng trở lại vườn xưa tìm gặp Thúy Kiều.

Đầy vườn cỏ mọc lưa thưa

Song trăng quạnh quẻ, vách mưa rã rời

Nhác trông nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Cái sự ngơ ngác, nuối tiếc của người đến muộn, sẽ khắc sâu thêm nỗi đau buồn khi bị bỡn cợt. Hoa Đào nở nghĩa là đã sang Xuân rồi. Còn Gió Đông sao bây giờ mới đến. "tiếu" có nghĩa là cười bỡn cợt. Hoa Đào cười Gió Đông nó đắt ý ở chỗ đó./.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024