Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
28/09/2023 18:09 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
LÀM SAO ĐỂ HIỂU BẢN THÂN?


Trước khi bắt đầu, tôi muốn chia sẻ đôi điều: tôi đã rất phân vân về việc viết ra bài viết này. Vì gần như chủ đề tôi chọn vốn không xa lạ, và không khó để tìm được một video hay một quyển sách thảo luận về chủ đề này. Hơn nữa, với những gì tôi đang đạt được cũng khó để thuyết phục được những bạn đọc khó tính. Nhưng sau cùng, tôi vẫn quyết định viết, và sẽ viết bằng những gì tôi thực sự đã trải qua và cách tôi nhìn nhận những điều ấy. Cho bất cứ ai đọc bài viết này vì tiêu đề, một cách chân thành và nghiêm túc, tôi mong mọi người có thể rút ra cho mình những điều hữu ích, hay xa hơn, là một cái nhìn mới cho bản thân.

PHẦN I: Vì sao hiểu bản thân lại khó đến như vậy?
Mở đầu bằng việc xác định nguyên nhân của vấn đề có thể sẽ hơi hàn lâm và xa lạ cho nhiều bạn đọc. Nhưng tôi cho rằng, nếu chỉ tập trung hoàn toàn vào chuyện giải quyết vấn đề và bỏ qua những gốc rễ ban đầu, chúng ta có thể sẽ phải mất thêm thời gian chỉ để làm rõ hơn những điều đơn giản này trên con đường dài phía trước.
Theo tôi, câu hỏi này không có câu trả lời chính xác tuyệt đối. Bởi nếu xét từng trường hợp cụ thể, ta sẽ có các câu trả lời khác nhau. Và để có được câu trả lời thỏa hết mọi trường hợp, theo tôi, là không thể. Vì thế, câu trả lời từ quan sát của tôi: việc khó hiểu bản thân đến từ hiện thực xã hội và sự thiếu sót các trải nghiệm cần thiết.
Trước tiên, trải nghiệm là gì? Trải nghiệm là một từ, theo tôi, có đầy đủ nội hàm nhất để giải thích cho vấn đề này. Trải nghiệm có thể được hình dung từ những việc nhỏ như ăn thử những món ăn chưa từng ăn, những việc lớn như trở nên nổi tiếng toàn cầu hay thậm chí những việc chỉ riêng bản thân mình mới có cơ hội trải qua… Sau cùng, các trải nghiệm sẽ đem về cho ta, tôi tạm gọi, dữ liệu. Đôi khi, các dữ liệu nhìn qua có vẻ không liên quan với nhau, nhưng chúng lại phần nào tự liên kết với nhau để tạo ra những dữ liệu mới. Càng có nhiều dữ liệu, việc hiểu bản thân càng trở nên dễ dàng hơn.
Ngày nay, hầu hết các trải nghiệm đều không khó để có được, nhưng không phải lúc nào dữ liệu cũng được thu thập dễ dàng. Bởi từ góc nhìn của tôi, bối cảnh xã hội hiện tại cũng chưa cho phép con người ta được thoải mái trải nghiệm như mong muốn.
Trái với sự phổ biến của “gap year” ở các quốc gia phương Tây, số đông ở phương Đông, đặc biệt ở Việt Nam, thường cho rằng thành công là phải nhập học vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, và người không làm việc này khi điều kiện cho phép sẽ bị cho là người thất bại trong cuộc sống và phải lắng nghe các lời bàn tán, thậm chí là, miệt thị từ người khác và gia đình. Theo tôi, cách nhìn nhận này không thể áp dụng cho tất cả mọi người, vì nền giáo dục phổ thông Việt Nam trong vài thập kỷ qua hầu như không khuyến khích việc học sinh tự do trải nghiệm với lượng thời gian hẹp hòi còn lại sau các hoạt động học tập trong và ngoài trường học. Vì vậy, khi phải đưa ra quyết định về ngành học ở đại học, sẽ rất khó để bất kỳ ai có thể có đủ những dữ liệu cần thiết, và việc chọn ngành vào đại học, để được xem là thành công, cũng thường là một sự lựa chọn ngẫu nhiên hoặc bỏ qua các dữ liệu quan trọng; rất hiếm ai chọn được cho mình ngành học phù hợp tuyệt đối ở đại học từ sớm, và các ngoại lệ cũng không phải đại đa số. Rõ ràng, việc hiểu bản thân không hề dễ dàng khi hầu hết thời gian đầu một người trẻ tuổi bình thường phải dành ra lại không phục vụ cho các mục đích trải nghiệm bên ngoài, và việc một người trúng tuyển đại học cũng chưa đảm bảo sẽ duy trì lâu dài điều mà xã hội cho là thành công.
Ngoài ra, không phải dữ liệu nào cũng dễ dàng thu thập. Có những trải nghiệm không phải ai cũng may mắn có được, chẳng hạn như việc được sinh ra trong gia đình thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt là trải nghiệm sẽ không bao giờ thật sự có được của những người có xuất thân từ tầng lớp hạ lưu. Hay có những trải nghiệm đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể có được, đơn cử như việc đi du lịch tự túc bằng xe máy khắp Việt Nam - một việc đòi hỏi không ít thời gian và cũng không phải miễn phí hoàn toàn. Và vốn dĩ, thời gian, tiền bạc hay may mắn là những vấn đề nhạy cảm mà với từng người, sự khả thi cho từng trải nghiệm là khác nhau và rất khó để có được mẫu số chung.
Luận điểm cuối cùng tôi đưa ra có thể sẽ không thuyết phục được tất cả mọi người nhưng tôi nghĩ nó vẫn đủ quan trọng để đề cập đến: những khoảnh khắc nổi bật của mọi người xung quanh. Thật sự không khó để tìm thấy một bài báo hay một sự truyền miệng về những người thành công, tài giỏi trong xã hội; hay gần gũi hơn, chúng ta hoàn toàn có thể kể đến những lần vô tình bắt gặp những gì bạn bè đồng trang lứa có nhưng bản thân mình lại không. Càng xem hay nghĩ tới, ai trong chúng ta cũng càng thêm tủi thân và ghen tị. Điều này góp phần không nhỏ vào việc cản trở bản thân mỗi người hiểu hơn về mình. Vì dù tạo ra cho chúng ta những động lực cần thiết, nhưng khi không thể nhìn nhận đầy đủ, sự tủi thân và ghen tị khi ấy sẽ chiếm lấy hoàn toàn tâm trí, và phải mất một khoảng, hay thậm chí rất nhiều, thời gian để bất cứ một ai có thể vượt qua để đưa bản thân trở lại trạng thái tĩnh táo ban đầu.
Tóm lại, các định kiến, các yêu cầu phức tạp và xã hội quanh ta là các câu trả lời tôi đưa ra, và chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong xã hội và nền giáo dục phương Đông, cụ thể hơn là Việt Nam, đều phải chịu ít nhiều từ sự ảnh hưởng của gia đình và mọi người xung quanh trong suốt quá trình trưởng thành của mình; và trên hết đó là sự giới hạn trong khả năng, điều kiện và sự cho phép từ nhiều phía để có thể tự do trải nghiệm. Đồng thời, việc chưa có được những trải nghiệm quan trọng cho sự trưởng thành của một người cũng khiến cho họ luôn cảm thấy bản thân bị lạc lõng và vô định khi phải sống và phát triển trong một không gian tiêu cực như thế.
Với hiện thực xã hội và sự thiếu sót các trải nghiệm cần thiết như vậy, sự khó khăn trong việc hiểu bản thân là điều tất yếu.
 
PHẦN II: Hành trình của riêng tôi
Tôi sẽ kể toàn bộ về hành trình của riêng mình trong việc tìm hiểu bản thân. Vì tôi cho rằng đây sẽ là chuyện đơn giản nhất nhưng lại rất hiệu quả trong việc khiến những điều tôi viết ra trở nên gần gũi hơn với bạn đọc.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Dù không sở hữu khối tài sản khổng lồ nào, nhưng chưa bao giờ ba mẹ khiến tôi phải lo lắng về vấn đề học phí và chi tiêu thiết yếu của tôi. Tôi cũng chưa bao giờ thấy bất cứ mâu thuẫn đáng kể nào phát sinh trong gia đình để lại vết thương tâm lý trong tôi. Và cũng không có bất cứ quyền thế hay ảnh hưởng to lớn nào đến xã hội, ba mẹ tôi chưa bao giờ đứng ra để “chống lưng” cho tôi trong suốt quá trình học tập và phát triển của tôi cho đến hiện tại. Những điều ba và mẹ làm được cho tôi đều nằm trong khả năng của một đấng sinh thành điển hình: chăm sóc, yêu thương và dạy dỗ tôi đâu mới là lẽ phải.
Và cũng không quá khó hiểu khi tôi được ba mẹ kiểm soát tương đối kĩ lưỡng. Lúc nhỏ, tôi rất hiếm khi có thể tự do thực hiện những gì bạn bè cùng tuổi khác thường làm, như thường xuyên tự đi chơi ở trung tâm thương mại, ngồi buôn chuyện với bạn bè ở các hàng nước, cùng bạn bè đi du lịch tự túc,… Phần lớn đều do tôi không có nhiều thời gian sau khi hoàn thành việc học theo yêu cầu của ba mẹ. Nhưng dù nghỉ hè, tôi cũng dành thời gian cho những trò chơi điện tử thay vì các hoạt động khác như bao bạn bè đồng trang lứa. Vòng lặp “học, ăn, ngủ, chơi điện tử” của tôi gần như không có hoạt động khác nào, và những ngoại lệ hiếm có cũng phải thông qua sự cho phép của ba mẹ để đảm bảo mọi an nguy của tôi. Bản thân tôi không cảm thấy ba mẹ quá nghiêm khắc với tôi đến mức cực đoan, tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái với sự quản lý của ba mẹ vào thời điểm ấy.
Trái với bạn bè khi ấy tôi quan sát, mọi người quan tâm về chăm sóc sắc đẹp bên ngoài, thể thao, âm nhạc,… Tôi lại không cảm thấy hứng thú như cách bạn bè tôi cảm nhận. Tôi chỉ “học, ăn, ngủ, chơi điện tử”, nhưng chúng cũng không giúp tôi thật sự hiểu về bản thân mình. Trong lòng tôi khi đó đã bắt đầu có cho mình những câu hỏi không có lời giải đáp…
Năm lớp 9, sau khi bị loại trong kỳ thi tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi môn Anh văn cấp Thành phố, tôi tình cờ được giới thiệu bởi chị của tôi và trúng tuyển vào đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học. Ngày đó, tôi đã trở thành thủ khoa ở vòng loại cuối cùng và đạt giải nhì của cuộc thi. Lên lớp 10, tôi tham dự kỳ thi Olympic truyền thống 30 tháng 4, và đạt huy chương Vàng môn Sinh học. Viết ra những điều này, tôi không hề muốn khoe mẽ về thành tích của bản thân. Bởi, dù đạt được những thành tích cao như vậy, tôi vẫn không thể xác định được bản thân mình thật sự muốn điều gì. Nhớ lại năm đó, tôi luôn thấy phần thể hiện của mình trong các buổi học kém hơn so với hầu hết mọi người. Tôi trở thành thủ khoa không phải vì tôi là người giỏi nhất, mà chính vì những bạn có năng lực giỏi hơn tôi đã quá chủ quan và không tập trung - điều mà sau này tôi đã tự nghiệm ra khi trò chuyện với những người bạn ấy. Huy chương Vàng đến với tôi cũng vì đã có sẵn nền tảng từ lớp 9, tôi tiếp thu và nắm bắt nhanh hơn các bạn học khác, nên thành tích cao như vậy cũng là lẽ hiển nhiên. Với tôi, Sinh học xuất hiện một cách bất ngờ và phát triển nhờ vào sự chăm chỉ và siêng năng không có chủ đích, chứ không đến từ bất kỳ thiên phú nào để có thể lấy làm cơ sở cho lựa chọn sau này.
Sâu thẳm bên trong, tôi vẫn luôn thấy mình trống rỗng và không hề có riêng cho bản thân một điều gì giỏi giang hay yêu thích. Vì vậy, mỗi lần tôi nhìn nhận về các bạn bè cùng tuổi của mình, là mỗi lần tôi cảm thấy thổn thức.
Có một bạn nam, là bạn học cùng trường nhưng tôi chưa bao giờ tiếp xúc, tôi biết đến bạn cũng nhờ vào chiều cao ấn tượng của bạn khi đứng trong sân trường. Trong buổi sinh hoạt ngoại khóa, tôi đã vô tình bắt gặp bạn ấy trong bộ trang phục chỉ đơn giản là một chiếc áo thun trắng, khoác bên ngoài là áo sơ mi đỏ, mặc bên dưới là quần kaki ngắn và đôi dép quai hậu. Không hiểu sao, khi đối diện với bạn nam đó, dù diện bên ngoài chỉ là một bộ trang phục đơn giản, nhưng đứng trước mặt tôi lại là một người vô cùng trưởng thành và chín chắn, khác hẳn với diện mạo trong đồng phục thường ngày ở trường. Mọi lý trí và tự tin bên trong tôi khi ấy đều biến mất, những gì còn lại chỉ là sự buồn tủi và ghen tị.
Một bạn nam khác, học lớp kế bên, đã gặp gỡ tôi đủ nhiều lần để có thể gọi là quen biết. Một lần, khi bạn ấy đang ngồi hướng dẫn tôi giải bài tập, một bạn nữ khác đã xen vào và trêu chọc chúng tôi bằng việc “bóc trần” xuất thân của bạn nam đang hướng dẫn tôi dở dang. Cũng vì thế, tôi mới biết được người tôi đang đối diện được sinh ra từ tầng lớp thượng lưu, cả ba và mẹ đều nắm những chức vụ to lớn trong xã hội với thu nhập khổng lồ - một điều khiến cho tất cả mọi người xung quanh lúc ấy phải trầm trồ lên và bàn tán, nhưng tôi lại không hề biết sau ngần ấy thời gian gặp gỡ và quan sát. Một lần nữa, cảm giác buồn tủi và ghen tị bên trong tôi lại được đánh thức.
Những lúc ấy, tôi đã không thể lý giải được cảm giác của bản thân và chỉ thấy mình thua thiệt mọi người ở mọi mặt trong cuộc sống.
Khi chọn ngành học để vào đại học, tôi đã chọn Y khoa. Nhưng đó không phải lựa chọn của tôi, mà là của ba tôi. Thời điểm ấy, tôi đã tìm kiếm rất nhiều lời khuyên và tư vấn từ mọi nguồn tôi có khả năng tiếp cận: Internet, các buổi tư vấn tuyển sinh đại học, gia đình,…
Trong số đó, nổi bật nhất là thầy DiCo, là người dạy luyện thi đại học môn Sinh học của tôi và là người có sự ảnh hưởng nhiều nhất đến tư duy, thái độ làm việc và tinh thần cầu thị của tôi cho đến hiện tại. Biết đến thầy cũng là một nhân duyên vì cả thầy và tôi cũng đều công nhận về việc không có lời giải thích hợp lý nào cho câu chuyện tôi gặp được thầy. Thầy đã vạch ra những định hình đầu tiên trong tư duy của tôi về sự nghiệp của một người sẽ không chỉ đơn thuần là ngành học khi bước vào đại học. Tôi vẫn còn nhớ mãi ví dụ thầy đưa ra để minh hoạ: học Y khoa không nhất thiết phải trở thành bác sĩ, mà có thể trở thành một huấn luyện viên thể hình, dùng kiến thức Y khoa để đưa ra những bài tập hay chế độ dinh dưỡng chuyên sâu hơn cho từng học viên - điều không phải bất cứ huấn luyện viên thể hình thông thường nào cũng làm được. Quả thật, đây là lời tư vấn hữu ích nhất tôi nghe được ở thời điểm ấy, vì nó mở ra cho tôi góc nhìn hoàn toàn mới so với các lời khuyên tôi nghe đến thuộc lòng của người lớn: “học Dược đi rồi sau này ra trường mở tiệm thuốc Tây bán”,… Dù biết người lớn đã có lòng tốt khi đã dành thời gian đưa cho tôi lời khuyên dưới góc nhìn của họ, nhưng rất tiếc khi tôi phải thừa nhận rằng, lời khuyên của họ không có giá trị tham khảo đối với tôi lúc ấy khi họ chỉ đơn thuần gáng cố định các công việc điển hình của một ngành nghề vào tương lai của bất kì ai.
Ngoài ra, thầy DiCo cũng chỉ cho tôi cốt lõi của việc chọn ngành học, đó là trả lời 4 câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Tôi thích gì?”, “Tôi giỏi điều gì?” và “Tôi muốn làm gì?”. Thực tế, rất dễ để tìm thấy những câu hỏi tương tự ở các hội thảo hay các bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp; tuy nhiên, 4 câu hỏi này ở những nơi ấy gần như đã được “marketing hóa” và không có sự rõ ràng trong đáp án. Vì thế, chúng sẽ không giải quyết vấn đề một cách triệt để. Tôi cũng đã dành đến 1 tuần để chiêm nghiệm ra câu trả lời cho mình.
Thế nhưng, dù hiện tại tôi vẫn rất trân quý những điều thầy DiCo đã chỉ bảo, nhưng tôi lại trách bản thân tôi năm đó đã không đủ trưởng thành để có thể hiểu và vận dụng hiệu quả những điều thầy đã truyền thụ lại. Ngay cả khi tôi có được góc nhìn mới, tôi trả lời cho mình 4 câu hỏi kia, tôi vẫn không xác định được điều gì rõ ràng cho mình.
Ngoài ra, tôi cũng tham khảo các bài viết được chia sẻ trên mạng về công việc bác sĩ. Hầu hết trong số đó đều chỉ đề cập đến các bất cập và mặt trái của ngành, đôi khi đi kèm theo đó là sự an ủi bằng câu chuyện về tình người hoặc về “lương y như từ mẫu”. Lạ lùng ở chỗ, tôi cứ nghe mãi câu thoại của người lớn lúc ấy biết tôi chuẩn bị vào đại học: “học bác sĩ đi để mai mốt mở phòng mạch kiếm tiền cho dễ!”.
Sau rất nhiều tham vấn, tôi cũng không thể biết được bản thân mình thật sự thích hay giỏi điều gì để có riêng cho mình nguyện vọng khác, vì vậy tôi đã không hề kháng cự chọn theo ba. Cuối cùng, tôi thuận lợi trúng tuyển vào Y khoa.
Khi viết bài viết này, tôi đang trong giai đoạn nghỉ hè và chuẩn bị bước vào năm thứ 3 của đại học. Nhưng trong 2 năm vừa qua, tôi đã không tập trung tuyệt đối vào việc học của mình. Có nhiều lý do, đơn cử có thể kể đến việc tôi nhận ra ngay cả khi tôi cố gắng hết sức, kiến thức tôi đạt được cũng không nhiều như tôi kỳ vọng, và hơn hết, bên trong tôi không cảm thấy mình đam mê hay yêu thích Y khoa. Với lượng thời gian tôi có, tôi dành hết tâm trí của mình cho việc tìm kiếm những điều mới lạ mà trước đây tôi chưa từng trải nghiệm ở bên ngoài xã hội. Tôi tiếp tục giải quyết các câu hỏi luôn dằn vặt trong lòng mình: Tôi thích cái gì? Tôi giỏi cái gì? Tôi muốn làm gì?... và rất nhiều câu hỏi khác nhưng tôi không biết nên gọi tên như thế nào.
Tôi đã thử nghiệm và tiếp xúc với rất nhiều điều khác nhau, có thể không nhiều với một vài người, nhưng với tôi trong 2 năm vừa rồi, là vô cùng to lớn. Tôi bắt đầu đọc nhiều sách, xem cả ngàn video với các chủ đề từ trần tục đến hàn lâm, nghe các podcast, hay thậm chí các câu chuyện tâm linh,… đến nỗi có những giai đoạn trong đầu tôi cứ văng vẳng giọng nói của các video và podcast này. Nhưng tôi không thể dừng xem được, vì càng xem, tôi càng cảm thấy mình tìm được câu trả lời cho những câu hỏi kia. Tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian trên các sàn thương mại điện tử để tìm mua những món đồ với giá rẻ nhất và chất lượng tốt nhất. Tôi cũng đã thử sức mình với công việc gia sư. Tôi cũng đã lén ba mẹ, một mình đi đến những nơi xa lạ để thực hiện những điều tôi cho là thú vị trong phạm vi và khả năng cho phép…
Với sự nhiệt huyết thuở ấy, tôi thấy mình bắt đầu giống với các bạn đồng trang lứa: thử nghiệm và cọ xát với nhiều điều mới lạ mà trường lớp không dạy để thỏa mãn tò mò bên trong tâm hồn của bản thân - điều trước đây tôi nghĩ mình khác biệt với mọi người và không nghĩ đến việc sẽ thực hiện - nhưng với hình thức tiếp cận khác và bắt đầu “muộn” hơn.
 
PHẦN III: Các đúc kết từ quan sát của tôi
Cho đến hiện tại, dù không hoàn toàn hiểu về bản thân, nhưng qua một khoảng thời gian tự do trải nghiệm, tôi đã tự đúc kết cho mình nhiều điều quan trọng.
Đầu tiên, việc phải biết mình thật sự muốn điều gì rất quan trọng. Có vẻ hơi ngớ ngẩn khi đây lại là đúc kết đầu tiên, nhưng từ quan sát của tôi, đây không phải lẽ hiển nhiên mà ai cũng hiểu rõ.
Không phải ai cũng biết mình muốn điều gì một cách rõ ràng và nghiêm túc. Tôi đã từng bắt gặp những câu trả lời như: muốn lười biếng nhưng vẫn có tiền để tiêu. Không có gì là sai hay đúng hoàn toàn trong những mong muốn này, nhưng chúng ta cần làm rõ giữa điều mình muốn với điều bất khả thi. Người chọn lười biếng không có lý do gì để bị chê trách, nhưng lười biếng sẽ không phải là định hướng chủ đạo có tính khả thi trong hầu hết mọi trường hợp, và các ngoại lệ luôn cần sự kết hợp với các yếu tố đặc trưng khác để đem lại sự khả thi cho định hướng đó. Để có câu trả lời cho mình điều mình muốn, chúng ta cần sự nghiêm túc và tỉnh táo trong chuyện nhìn nhận và đánh giá. Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng cho mình, và ở từng thời điểm khác nhau trong cuộc sống, câu trả lời cũng sẽ thay đổi; nên sẽ có những câu trả lời chỉ xuất hiện vào một thời điểm thích hợp nhất định, vì thế ta cũng không cần phải quá cực đoan khi câu trả lời hiện tại chưa phải là tuyệt đối. Việc xác định điều mình muốn sẽ bắt đầu bằng việc xem xét những yếu tố của bản thân, bao gồm: nền tảng gia đình, hiện trạng của xã hội, các kỹ năng của bản thân, điều mình giỏi nhất, điều mình thích làm nhất,… Những điều này là cả một hành trình mà mỗi người sẽ phải luôn khám phá và trải nghiệm để tự có câu trả lời cho mình.
Nếu chưa xác định được điều mình muốn, mọi lời khuyên và tư vấn thường sẽ trở nên vô nghĩa. Như bạn đọc đã thấy, hầu hết những tham vấn mà tôi từng nhận được đều chỉ xoay quanh chuyện nên kiếm được nhiều tiền, và lựa chọn mà tôi thường được đề xuất là “nhất y, nhì dược”. Nhưng không một ai giải thích rõ cho tôi: các bất cập và mặt trái của Y khoa và Dược liệu có xứng đáng cho công sức bỏ ra với tiền công thật sự kiếm được? Tại sao Y không phải là nhì? Kiếm nhiều tiền để làm gì?... Và tôi cũng đã bắt gặp những lần tư vấn nên chọn ngành này hay ngành kia vì nó “ngon”. Tôi luôn tự hỏi: như thế nào mới gọi là “ngon”? Sẽ ra sao nếu tôi thấy “dở”? Và từ góc nhìn của tôi, không khó để tìm thấy những lời khuyên và tư vấn không kèm theo bất kỳ giải thích hay phân tích rõ ràng nào mà chỉ đưa ra những phương án cuối cùng dựa trên góc nhìn chủ quan của người nói. Thay vì giúp chúng ta có được những lựa chọn phù hợp nhanh chóng hơn, những lời khuyên và tư vấn này thường chỉ đem lại sự mơ hồ cho người thực hiện chúng một cách không suy xét và khiến họ phải loay hoay để tìm lại cho mình phương án phù hợp hơn cho điều thật sự mong muốn. Rõ ràng, ranh giới trong những lời khuyên và tư vấn này cực kỳ mỏng manh, hữu ích hay mất rất nhiều thời gian chỉ cách nhau bằng việc biết hay không biết điều mình muốn.
Ngoài ra, việc quan sát và đánh giá mọi người xung quanh cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc tìm hiểu về điều bản thân muốn - đây cũng chính là luận điểm cuối cùng của tôi trong phần I. Thật sự không khó để bắt gặp những lần đăng tải của bạn bè và mọi người về cuộc sống của họ, hay những lần bắt gặp bạn bè trong diện mạo tốt nhất của họ. Thực tế, việc đăng tải và thể hiện ra bên ngoài cho người khác thấy những điều tốt đẹp của bản thân vốn đã là nhu cầu được xem là thiết yếu và là hoạt động bình thường trong xã hội hàng ngàn năm nay, vì bên cạnh cuộc sống của bản thân, chúng ta cũng cần cho người khác biết về sự tồn tại của mình ở một phạm vi nhất định. Nhưng chúng ta cần phải có cái nhìn đầy đủ hơn: nếu đổi lại, chính chúng ta là người đăng các cập nhật về bản thân mình, chắc chắn ai trong số chúng ta cũng chọn những điều tốt đẹp nhất và sẽ không chọn những lọng cọng xấu xí xung quanh để đăng tải. Và mọi người cũng sẽ như vậy. Đồng thời, thông thường không ai khoe mẽ về cuộc sống của mình lại đi kèm giải thích rõ ràng: bao nhiêu trong này là thừa hưởng từ gia đình có sẵn và bao nhiêu là do tôi nỗ lực cố gắng. Việc bỏ qua những chi tiết rối ren xung quanh thường khiến người xem tự mặc định là những điều tốt đẹp tuyệt đối, và điều này mang lại cho người ta thêm cảm giác hoang mang về bản thân mình. Sâu bên trong, cảm giác thua kém sẽ trỗi dậy và làm cho việc xác định điều mình muốn càng thêm khó khăn xa vời.
Đôi lúc, tôi vẫn tiếc khi tôi của năm đó đã không thể trả lời trọn vẹn điều mình muốn để chọn ra con đường cho bản thân hiện tại. Như bạn đọc đã thấy hành trình của tôi trong việc tìm hiểu bản thân, nếu tôi có cho mình câu trả lời rõ ràng về điều mình giỏi và điều mình yêu thích sớm hơn, có thể thay vì Y khoa, tôi sẽ hoàn toàn tự chọn cho mình một định hướng riêng và xây dựng những nền tảng đầu tiên từ sớm. Nhưng nghĩ kĩ lại, điều đó là bất khả thi khi tôi vẫn chưa có đủ cho mình những trải nghiệm cần thiết để có thể ngồi xuống và tĩnh tâm rồi cho ra câu trả lời tuyệt đối nào.
Đồng thời, tôi cảm thấy việc khuyên người khác chọn bất kỳ ngành nghề nào chỉ vì kiếm được nhiều tiền là chuyện có hại. Thực tế, khi người lớn khuyên tôi học Y khoa đều chỉ cân nhắc về khía cạnh kiếm nhiều tiền mà không phải nhọc công, và lời khuyên này dựa trên việc đã từng chi tiền ở phòng khám đa khoa của những người hoàn thành được chuyện “học bác sĩ đi để mai mốt mở phòng mạch kiếm tiền cho dễ!”. Nhưng rõ ràng, đó là một cái nhìn vô cùng thiển cận. Vì không phải ai cũng muốn có nhiều tiền, và kiếm nhiều tiền không đồng nghĩa sẽ trở nên giàu có và hạnh phúc bền vững. Hơn hết, có nhiều tiền không phải là điều tôi khát khao. Phải thừa nhận rằng mọi chuyện đều sẽ trở nên dễ dàng hơn khi có nhiều tiền, và hầu hết trong số các dự định hiện tại của tôi cho sau này cũng đều cần có tiền. Nhưng tiền chỉ là điều kiện cần và không phải điều kiện duy nhất. Và theo tôi, việc có nhiều tiền chỉ thỏa mãn tạm thời các mơ ước và nhu cầu ngắn hạn chứ không giúp tạo nên hạnh phúc trọn vẹn và lâu bền. Tôi tự hỏi, nếu sau khi có cho mình rất nhiều tiền nhưng chúng ta mất đi các mối quan hệ quan trọng, mất đi các khoảng thời gian quý báu của đời người, mất đi các niềm vui ban đầu mà khi đó tiền cũng không thể bù đắp các mất mát đó, con người ta liệu sẽ không hối tiếc điều gì trong quãng đời còn lại? Với nhiều người, chuyện đó có thể chấp nhận được, nhưng với tất cả thì theo tôi, chắc chắn là không thể vì mỗi người sẽ có riêng cho mình điều họ muốn. Ngoài ra, cũng không thể khẳng định việc kiếm tiền là dễ trong bất cứ ngành nghề nào. Trong câu chuyện của tôi, có lẽ không xa lạ về hình ảnh một bác sĩ có thu nhập cực khủng nhờ vào việc làm thêm ngoài giờ hành chính. Nhưng mấy ai có được câu trả lời cho câu hỏi: câu chuyện thật sự nằm sau đó là gì? Đánh đổi trước đó để có được những giờ làm việc với mức lương khủng đó là bao nhiêu? Nếu không nhìn nhận đủ rõ ràng, sẽ rất dễ để bản thân chúng ta tự mặc định cho những điều đó là tốt đẹp tuyệt đối. Vì thế, những lời khuyên tương tự như vậy không nên được nói ra và lắng nghe một cách mù quáng!
Thứ hai, diễn ngôn self-help luôn quanh ta và, nếu không suy xét kỹ lưỡng, chúng sẽ rất có hại cho bản thân.
Self-help vốn đã là truyền thống trong tư duy và hoạt động của nhân loại từ lâu. Điểm chung của self-help đều chỉ ra bản thân chúng ta phải đáp ứng với sự thay đổi của nhu cầu thị trường - đây là chuyện dễ hiểu và rất bình thường vì cũng không ai có thể tách biệt bản thân mình với thị trường để tồn tại ở bất cứ lĩnh vực nào. Đồng thời, self-help cũng là công cụ giúp con người dễ dàng tiếp cận với các giá trị đạo đức đúng đắn. Nhưng vấn đề sẽ xảy ra khi chúng ta tiêu thụ bất kì nội dung nào sử dụng và tiếp cận self-help bằng cách quy mọi vấn đề lên chính bản thân mình và bỏ qua các trở ngại bất di bất dịch có sẵn như bất bình đẳng giới, sự phân chia giai cấp,...
Với kiến thức về tâm linh của mình qua một khoảng thời gian tự do trải nghiệm và cọ xát, tôi nhận ra mỗi người đều có sẵn một vận mệnh. Vận mệnh, hay số phận, là một thứ được tạo ra từ các tiền kiếp dựa trên luật nhân quả theo góc nhìn của Phật giáo. Vận mệnh là một phần không thể tách rời với bất cứ ai, chúng ta sống với các sự kiện có sẵn của vận mệnh và đồng thời cũng hoàn toàn có thể thay đổi nó bằng nỗ lực của chính mình. Từ đây, các ngôn từ của self-help gần như bất lực trước những trường hợp hoàn toàn đối lập. Chẳng hạn, một người có số kinh doanh không cần nỗ lực quá nhiều cũng đã đạt được những thành công nhất định, trong khi đó, người không có số kinh doanh dù nỗ lực cả đời người cũng chẳng đạt đến thành công nhất định kia. Self-help rõ ràng không thể lý giải đầy đủ cho những câu chuyện này, và thậm chí theo tôi, là hoàn toàn bỏ qua và thay thế bằng sự an ủi tích cực độc hại như “không tiếc nuối khi đã nỗ lực hết mình” hoặc “mỗi người sẽ có riêng một điểm mạnh”. Vì theo sự hiểu biết của tôi hiện tại, tôi hoàn toàn tìm được ngoại lệ để phản biện cho sự an ủi kia: tìm ra được người thắng kẻ thua từ 2 người có cùng điều giỏi nhất và cùng nỗ lực phấn đấu. Rõ ràng, chúng ta không thể đưa hoàn toàn cách tiếp cận self-help vô cùng bất cập này vào đời sống và cần phải có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, đặc biệt là trong chuyện hiểu hơn về bản thân.
Self-help cũng không chi tiết và hiệu quả trong việc giúp chúng ta hiểu hơn về mình. Điển hình chính là những diễn ngôn như “thất bại ở đời chính là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người”, “tự yêu bản thân và chấp nhận mình”,… Tôi hoàn toàn đồng tình rằng chúng giúp cho mọi người có được định hướng đúng đắn ban đầu trong việc thay đổi bản thân để trở nên tốt hơn. Nhưng thường sẽ không có một lời diễn giải chi tiết cụ thể nào cho những diễn ngôn này để tất cả mọi người biết được đâu mới là những trường hợp có thể áp dụng, thay vào đó lại là sự phô trương bằng ngôn từ của self-help và giọng điệu đạo lý dạy đời người khác. Và theo tôi, nếu dùng những diễn ngôn này phục vụ cho việc hiểu hơn về bản thân lại không hề hiệu quả. Bởi thay vì cứ loay hoay với chuyện tìm ra cách áp dụng self-help phù hợp, việc trải nghiệm và cọ xát những điều mới lạ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bản thân nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều. Với sự phổ biến vốn có của self-help trong đời sống hằng ngày và thông tin trên các không gian mạng, việc hiểu hơn về bản thân bị cản trở là điều khó tránh khỏi.
Tôi nhớ lại bản thân mình khi mới tiếp cận với self-help, tôi đã từng rất say mê với những câu nói như “nỗ lực ắt sẽ thành công” hay vô vàn các câu quotes khác. Tôi đã từng tin về một tương lai tươi sáng được kiến tạo từ những nỗ lực của bản thân, tôi đoán nhiều trong số bạn đọc cũng từng mang trong mình suy nghĩ như vậy khi chọn ngành hay chọn cho mình hướng đi ban đầu. Nhưng dần theo thời gian, tôi đã nhận ra niềm tin này đang thiếu sót nhiều điều. Vì bên cạnh nỗ lực, vẫn còn rất nhiều yếu tố khác mà không một ai có thể kiểm soát hoàn toàn. Sau khi tôi cọ xát mình với thế giới tâm linh, tôi nhận ra rằng: tri thức, tiền bạc, quyền lực,… là những câu chuyện hoàn toàn độc lập mà vận mệnh của mỗi người sỡ hữu là khác nhau. Việc trở thành người đứng đầu một ngành để nắm quyền quyết định hiện thực phát triển của ngành cũng không đồng nghĩa bạn sẽ là một người giàu có về tiền bạc, và cũng không đồng nghĩa bạn phải là người giỏi nhất về chuyên môn. Tương tự, tôi đã cảm thấy rất tiếc khi tôi tình cờ biết bạn học cùng trường của tôi là thiên tài xuất chúng, sẽ có tương lai phải lệ thuộc vào quyền lực của các nhà cầm quyền. Dù biết rằng tương lai của bất kì ai cũng có thể thay đổi nhờ vào sự nỗ lực theo luật nhân quả, nhưng rõ ràng, chúng ta cần một cái nhìn đa chiều hơn là self-help đang có, đặc biệt là trong chuyện chọn ngành học và định hướng.
Thứ ba, mọi thứ trên Internet chỉ nên dừng ở mức tham khảo và giải trí, không nên xem là sự thật hoàn toàn.
Một phần lý do cho đúc kết này, như bạn đọc đã biết từ những đúc kết trên, là sự không rõ ràng trong việc giải thích và đề cập các chi tiết có liên quan. Nhưng xa hơn, đó chính là thu hút truyền thông. Thực tế, gần như không một lĩnh vực nào cho thấy sự hoạt động độc lập mà không có sự thể hiện ra bên ngoài để đem lại những công nhận cần thiết, và thu hút truyền thông cũng chính là một hệ quả trong đó. Bên cạnh sự trân trọng tôi dành cho các chủ thể luôn xây dựng những giá trị tốt đẹp và đúng sự thật trên không gian mạng, tôi vẫn thấy rất nhiều những lần cắt xén hay giật tít khiến cho sự việc bị hiểu nhầm hoàn toàn. Và cho bất cứ ai muốn tìm hiểu bản thân thông qua không gian mạng, tôi nghĩ chúng ta cần sự chọn lọc hơn.
Tôi vẫn còn nhớ bản thân mình ngày xưa đã từng rất say mê với các hình ảnh về chăm sóc sắc đẹp, chơi thể thao hay nhạc cụ được chia sẻ trên mạng xã hội, và đặc biệt là bạn bè của tôi. Tôi đã luôn thầm ao ước được đắm mình vào những điều mà tôi cho là xa vời ở thời điểm ấy. Nhưng chúng đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của tôi. Tôi ước mình có thể trở về quá khứ để nói với bản thân mình rằng: tôi không thích việc phải luôn nghĩ về chuyện chăm sóc tỉ mỉ vẻ ngoài của mình và tất cả những gì tôi cần hiện tại chỉ là sữa rửa mặt và kem chống nắng; tôi cũng không đam mê thể thao đến mức cảm thấy vui mỗi khi chơi thể thao, cái tôi cần đơn giản chỉ là tập thể dục thường xuyên; và tôi cũng không cảm thấy bản thân mình tràn đầy năng lượng khi chơi nhạc cụ, tôi chỉ thích nghe và chiêm ngưỡng người khác chơi những nhạc cụ ấy. Trái ngược với những hình ảnh thơ mộng và rực rỡ tôi đã từng cảm nhận, đặc biệt là từ sự hào hứng của bạn bè tôi, tôi nghĩ có rất nhiều trải nghiệm mà tôi sẽ không phải mất quá nhiều thời gian với chúng nếu như không biết trước đó nhờ vào mạng xã hội, hay Internet nói chung. Công tâm mà nói, truyền thông khi ấy đã thành công trong việc xây dựng được hình ảnh mà họ muốn có trong tôi, nhưng đó cũng khiến tôi phải loay hoay hơn trong việc tìm hiểu về mình. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần các nội dung có tâm hơn, đa chiều hơn là thu hút dư luận thuần túy; và chúng ta nên có sự chọn lọc kĩ lưỡng cho bản thân mình trước các nội dung Internet hơn.
Cuối cùng, là câu chuyện về ba của tôi. Khá bất ngờ với đúc kết cuối cùng này, nhưng tôi ước mình có thể hiểu và nghe theo lời ba sớm hơn.
Ba tôi kể rằng, khi bằng tuổi của tôi, ba cũng có rất nhiều khát vọng và nhiệt huyết riêng cho mình. Thời điểm ấy, xe máy được xem là đắt đỏ, và là ước mơ của rất nhiều người, hệt như biệt thự ngày nay. Cũng giống với mọi người, không một ai có thể biết sự thay đổi của thời đại sẽ như thế nào trong tương lai, ba đã dành hết mọi tiền tiết kiệm mà ba có được ở tuổi đôi mươi để mua cho mình chiếc xe máy. Với ba, khát khao lớn nhất lúc ấy chính là được đi khắp nơi. Ba tôi đã đi khắp Sài Gòn bằng chiếc xe máy lúc ấy, không một nơi nào trong Sài Gòn mà ba không biết đến. Cũng từ đó, tôi chưa từng thấy ba phải dùng bản đồ trên điện thoại mỗi khi đi đường. Với những địa điểm mới thành lập sau này, ba chỉ cần tra bản đồ trước, và tôi chưa từng thấy ba phải loay hoay hỏi đường hay lúng túng vì đi lạc. Ba cũng đã lén bà nội của tôi, cùng bạn bè đi xe máy đến Vũng Tàu mỗi dịp hè. Với cảm xúc khi kể lại quá khứ của ba tôi, tôi chợt nhận ra, không chỉ có bản thân mình mới có khát vọng khám phá, ba cũng như vậy, mọi người cũng như vậy. Giống như tôi, ba cũng đã có những niềm vui mà ba chỉ có thể lén bà nội thực hiện với bạn bè cùng chí hướng. Điểm khác nhau giữa tôi và ba chỉ là lựa chọn điều gì để khám phá.
Ba của tôi sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp hạ lưu vào trước năm 1975, và lớn lên trong thời bao cấp của xã hội Việt Nam. Dù may mắn hơn nhiều người khác, ba đã tốt nghiệp phổ thông, nhưng cũng vì điều kiện không cho phép, ba không thể học cao hơn và sau đó phải bước ra xã hội để mưu sinh bằng lao động tay chân. Nhưng ba tôi chính là người khẳng định với tôi về câu chuyện của vận mệnh. Sau khi sinh tôi ra, cũng là giai đoạn mà việc làm ăn của ba thuận lợi đến bất ngờ. Ba đã tận dụng khoảng thời gian ấy mà xây dựng nên mọi cơ ngơi hiện tại. Sau này, ba cũng thừa nhận rằng “thời tới” của ba đã qua, cho dù ba có bỏ ra nhiều công sức hơn thì cũng không thể đem lại thành công mỹ mãn như trước. Vì vậy, ba đã có những kế hoạch phù hợp hơn cho sau này.
“Ba đã cố hết sức…” – là lời của ba khi kể lại mọi chuyện cho tôi nghe.
Tôi ước mình đã hiểu sớm hơn những gì mà ba đã làm được trong hoàn cảnh của ba. Tôi cảm thấy mình rất có lỗi khi đã từng trách ba tại sao tôi không có một sự hậu thuẫn hay “chống lưng” nào như các bạn bè khác. Khi hiểu biết hơn, tôi đã khóc rất nhiều, vì tôi biết lúc đó tôi đã làm cho ba tổn thương trong lòng đến thế nào. Tôi biết rõ, ba đã rất buồn và không biết phải trả lời tôi như thế nào sau mọi nỗ lực. Ba đã không thể thay đổi hoàn toàn số phận khi có quá nhiều yếu tố khác mà ba cũng không thể nào với tới. Điều tốt nhất mà ba làm được đó là đem lại cho tôi một sự ổn định về vật chất và tình cảm gia đình. Vậy mà tôi lại trách ba, trong khi ba đã làm hết sức mình.
Khi tôi hỏi ba về lý do ba lựa chọn Y khoa cho tôi, ba đã trả lời với tôi: khi tham gia vào thị trường lao động ở các ngành nghề khác, thông thường ai cũng sẽ phải làm việc và chịu kiểm soát bởi các nhà tư bản lớn, rất khó để có thể hoạt động độc lập; vì vậy, rất dễ sẽ bị sa thải khi bản thân tôi không có bất cứ hậu thuẫn nào, và số người có chỗ đứng cho mình bằng nỗ lực thuần túy của bản thân thật sự không nhiều. Ba chọn Y khoa, vì ba biết được nhu cầu xã hội của lĩnh vực này sẽ đủ an toàn để tôi không phải lo lắng quá nhiều về những câu chuyện mà ba đã hối tiếc mình không thể làm được trong quá khứ. Và ba cũng biết trước cả tôi, vận mệnh của tôi đã được an bài ở những điểm nào và đâu mới là những điểm sẽ thay đổi sau tất cả những nỗ lực của tôi. Hơn hết, ba hiểu rõ về câu chuyện học tốt Sinh học của tôi chính là một cái duyên mà tôi tình cờ có được. Vì vậy, lựa chọn mà ba đã chọn cho tôi sau rất nhiều quan sát: Y khoa. Ba không áp đặt cho tôi phải trở thành một bác sĩ hay phải “học bác sĩ đi để mai mốt mở phòng mạch kiếm tiền cho dễ!”, vì ba cũng biết rõ: việc kiếm được nhiều tiền cũng không đồng nghĩa với chuyện giữ được cho mình nhiều tiền để thực hiện điều mình muốn sau những câu chuyện của vòng tuần hoàn nhân duyên - nghiệp quả mà mỗi người có.
Sau tất cả những trải nghiệm, ba có mọi chi tiết và giải thích mà tôi cần. Vậy mà khi đó, tôi lại không đủ trưởng thành để hiểu được nỗi lòng và tâm tư trong từng lời khuyên mà ba dành cho tôi…
Ở hiện tại, tôi cảm thấy đây là những đúc kết quan trọng trong việc giúp tôi hiểu hơn về mình. Những đúc kết này đến từ toàn bộ những trải nghiệm mà tôi có được từ cuộc sống của mình. Và tôi cho rằng, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn cho tôi rất nhiều nếu như tôi có được những đúc kết này sớm hơn.
 
PHẦN IV: Tôi nhìn nhận tôi của hiện tại ra sao?
Như tôi đã đề cập trong phần II, hầu hết các trải nghiệm tôi có được ở hiện tại đều được tích lũy chủ yếu trong 2 năm đầu đại học của tôi. Nhưng tôi lại bắt đầu cảm thấy chán với việc khám phá và trải nghiệm, phần nhiều vì tôi cảm thấy không còn thỏa mãn như tôi đã từng.
Dù đúc kết cho bản thân vài điều quan trọng về self-help và làm như thế nào để chọn lọc các nội dung Internet phù hợp, nhưng tôi lại không còn hứng thú với việc đọc sách, xem video và nghe podcast. Vì tôi chán khi cứ phải tiếp thu các chia sẻ mang đậm tính self-help quá chung đến mức ai cũng hiểu được, và nhất là khi các nội dung sau này mà tôi tiếp nhận lại có phần lớn nội dung tương tự nhau và tương tự với cách tiếp cận self-help tôi đã biết. Những điều có thể thực hiện được trong khả năng tôi cũng đã áp dụng chúng vào cuộc sống của mình hiện tại. Sự kỳ vọng tìm được những điều mới lạ cho bản thân đã không còn nữa dù tôi vẫn tiếp nạp và chọn lọc chúng mỗi ngày.
Tôi cũng đã có cho mình trải nghiệm trở thành gia sư, dù đây là công việc tôi yêu thích nhất và làm tốt nhất dưới sự đánh giá công tâm của tôi, học viên, phụ huynh và bạn bè, nhưng tôi lại nhận ra mình không quá thích thú với những vấn đề không liên quan và phát sinh từ học viên trong quá trình giảng dạy kiến thức phổ thông cho thanh thiếu niên. Tôi không thấy mình phù hợp với hình thức giảng dạy này, tôi cần một trải nghiệm khác biệt hơn. Nhưng ở hiện tại, để có những trải nghiệm khác cho việc biết mình phù hợp hơn với điều gì trong giảng dạy, với tôi là chưa thể…
Tôi cũng không còn hăng hái trong việc “săn sale” sau một khoảng thời gian rất dài tôi dành cho các sàn thương mại điện tử. Vì bây giờ tôi đã nhìn ra được quy luật chung trong sân chơi của bộ phận “marketing” và bộ phận “quản lý khuyến mãi” từ 2 phía nhãn hàng và sàn thương mại điện tử. Thực tế, các ngày có số ngày trùng với số tháng, vốn được mọi người xem là các ngày có nhiều ưu đãi hay khuyến mãi lớn, cũng chỉ là khái niệm mà các sàn thương mại điện tử tạo ra bằng hình thức marketing, chứ không đồng nghĩa mọi sản phẩm đều được giảm giá. Các ưu đãi, giảm giá hay khuyến mãi thực tế đều được quyết định và kiểm soát bởi bộ phận “quản lý khuyến mãi” của cả nhãn hàng và sàn thương mại, nên không phải mọi mặt hàng đều phải được bán với giá rẻ hơn thông thường vào những thời điểm có số ngày trùng với số tháng. Lý tưởng của tôi là luôn mua được các món đồ tôi muốn với giá tiền thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng vốn có, nhưng hiện tại, dù sở hữu cho mình những hóa đơn rẻ bất ngờ, tôi cũng chỉ cảm thấy mình đang nằm trong sự điều khiển của bộ phận “quản lý khuyến mãi”.
Đồng thời, tôi cũng không còn niềm vui như trước đây mỗi khi bước vào trung tâm thương mại. Trước đây, dạo quanh trung tâm thương mại là thú vui của tôi khi nhìn các nhãn hàng trưng bày các dòng sản phẩm mới hay các chương trình khuyến mãi đang hiện hành. Thay vì đến gần và thử nghiệm các dòng sản phẩm mới trong sự phấn khích như trước đây, tôi lại thực hiện trong sự đánh giá khắt khe với quan điểm của mình nhưng không thể hiện ra bên ngoài cho mọi người thấy. Lý do có lẽ vì các sản phẩm mới không có quá nhiều thay đổi đặc biệt trong công thức thành phần; và hơn hết, tôi đã có cho mình những dòng sản phẩm yêu thích riêng sau rất nhiều những chọn lọc rất khắt khe mà khi đem ra để so sánh, các dòng sản phẩm mới thường không để lại được ấn tượng nào trong tôi. Và thay vì hào hứng đón nhận các chương trình khuyến mãi tại gian hàng, tôi lại phán xét xem trước mặt mình có phải là ưu đãi tốt nhất hay không. Điều này có lẽ đến từ việc tôi đã sở hữu cho mình rất nhiều các hóa đơn với các chương trình khuyến mãi từ nhỏ lẻ đến cực lớn, nên tôi cũng phần nào có cho mình cách đánh giá chúng. Ở hiện tại, khi đã có cho mình những nền tảng nhất định về kinh tế thị trường, phản xạ đầu tiên của tôi khi bước vào trung tâm thương mại lại là quan sát và đánh giá bởi tôi hiểu được vì sao trung tâm thương mại này đang được tồn tại, vì sao lại có các gian hàng của những nhãn hàng này, vì sao phải có các sản phẩm mới, vì sao phải có các chương trình khuyến mãi này,… Sự tích cực và vui vẻ của tôi trước đây đã biến mất hoàn toàn.
Đáng để kể nhất là quá trình trải nghiệm của tôi ở thế giới tâm linh. Bằng nhiều cách khác nhau trong khả năng của mình, tôi cũng phần nào hiểu hơn về thế giới này. Nhưng giống với hầu hết các trải nghiệm còn lại, tôi cũng không còn tìm thấy được những điều mới lạ khác trong khả năng hiện tại của bản thân. Ngoài ra, những điều tôi đang cho là mới lạ cũng không thể thoát ra được những nguyên tắc chung tôi đã biết, mà trong đó quan trọng nhất chính là luật nhân quả. 
Giống với nhiều người khác, tôi cũng đã có những sự tùy chỉnh và cá nhân hóa sản phẩm theo sở thích và nhu cầu của mình. Với bạn bè tôi ngày trước có thể là giày, phong cách ăn mặc, hình xăm, trang điểm, trang trí phòng riêng,… Với tôi lại là các vật phẩm trang trí phong thủy. Cũng giống với mọi người, tôi đã cảm thấy mình được thể hiện bản thân trong phong cách và sở thích riêng của mình. Nhưng tôi cũng đã thấy chán khi không tìm được điều gì mới từ việc tùy chỉnh và cá nhân hóa này.
Tôi ở hiện tại cũng không còn để cảm giác buồn tủi hay ghen tị lấn át mỗi khi nhìn thấy mọi người trên mạng xã hội và bạn bè có hay thể hiện tốt bất kỳ điều gì. Thay vào đó, tôi có thể nhìn ra được đâu là thừa hưởng sẵn có và không đáng để tôi phải bận tâm, đâu là nỗ lực đáng để tôi ngưỡng mộ, và xa hơn, đâu mới là từ việc chỉnh sửa và cắt xén đến mức không còn là sự thật. Và dù cho mọi thứ như thế nào, tôi cũng đều không để trong lòng mình quá lâu. Vì tôi đã biết rõ đâu là những điều tôi không thích và mỗi người đều có riêng cho mình câu chuyện về nhân duyên nghiệp quả mà tôi không được phép biết. Một vài khoảnh khắc tốt đẹp cũng không phản ánh chắc chắn được bất cứ điều gì ở tương lai.
Và tôi biết rất rõ, xuất thân của tôi có thể không tạo quá nhiều ấn tượng to lớn nào, nhưng tôi của hiện tại rất biết ơn và vô cùng trân quý. Bởi theo thời gian, tôi biết đến nhiều bạn bè có hoàn cảnh gia đình khó khăn và bất hạnh hơn. Xuất thân không quá ấn tượng của tôi lại chính là ước mơ của rất nhiều người khác.
Tôi đã giải đáp cho mình mọi thắc mắc trong lòng, nhưng tôi lại không thể trả lời câu hỏi duy nhất còn lại: tôi thật sự muốn điều gì? Thật sự, tôi không còn lăn tăn quá nhiều về bản thân trong chuyện mình thích gì, giỏi gì, hay đâu thật sự là những suy nghĩ của mình,… Nhưng chúng lại không đủ để giúp tôi biết được điều mình thật sự mong muốn, vì vậy tôi vẫn chưa chọn được cho mình định hướng nào rõ ràng.
Trước khi bắt đầu thực hiện bài viết này, tôi đã chủ động gặp lại thầy DiCo. Thực ra, đây cũng không phải lần duy nhất tôi gặp lại thầy kể từ sau khi thi tốt nghiệp phổ thông, nhưng đây có lẽ là lần gặp mặt đặc biệt nhất đối với tôi, đặc biệt vì tôi lúc này chỉ còn lại cho mình một câu hỏi, thay vì rất nhiều như trước. Và một lần nữa, tôi lại nhận được những chỉ bảo từ thầy, nhưng lần này, tôi đã có thể hiểu và tận dụng trọn vẹn những gì thầy truyền thụ.
Cảm giác không còn bất cứ nhiệt huyết nào tôi đang có sau khi có được cho mình các trải nghiệm mong muốn, theo thầy DiCo chỉ ra, là do tôi chưa tìm được điều thú vị ẩn sâu hơn trong các trải nghiệm hoặc là do trải nghiệm đó không thật sự phù hợp với tôi. Nhưng dù lý do là gì, tuy hơi có phần self-help, tôi vẫn phải tiếp tục trải nghiệm khi chưa có cho mình câu trả lời rõ ràng hơn cho điều mình muốn. Tiếp tục trải nghiệm để tìm ra điều thú vị mình kỳ vọng đang nằm sâu thẳm trong các trải nghiệm mình đã có, và tiếp tục ghi nhận lại mọi trải nghiệm, dù phù hợp hay không, mọi trải nghiệm sẽ đều góp phần vào một tổng thể lớn hơn: tôi của tương lai.
Nhờ có thầy, tôi đã quyết định tiếp tục trải nghiệm, nhưng sẽ ở cấp độ cao hơn, chẳng hạn như: tôi có thể làm được điều gì khác lạ với những kiến thức và trải nghiệm hiện có? Đâu là những điều mới lạ mà tôi chưa từng thử? Tôi sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của ba với tư cách là reviewer công tâm nhất ra sao trước khi thực hiện các trải nghiệm mới?... 
Tương lai phía trước của tôi vẫn sẽ là một hành trình khám phá và trải nghiệm những điều mới lạ. Dù không biết sẽ có những bất ngờ nào vận mệnh dành cho tôi, nhưng với tất cả những gì tôi đang có, tôi hy vọng sẽ tìm ra điều mình muốn ở tương lai…

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024