Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
01/09/2023 23:09 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Hướng dẫn sử dụng bản thân


Dạo này mình đã thôi trăn trở về việc nên phát triển theo chiều dọc hay chiều ngang vì nhiều khi nhìn lại, mình cũng chẳng biết mình đi về đâu trong cái thời đại VUCA này. Mình bắt đầu nhìn sâu hơn về việc phát triển, phát triển bản thân hay phát triển sự nghiệp đều nên bắt đầu từ sự HIỂU - hiểu những ưu khuyết và cả những điều làm mình vào trạng thái flow aka spark joy như Marie Kondo hay bảo. Một chút bối cảnh để bài post này ra đời là sau hàng tá thử sai để tăng hiệu suất, mình nhận ra mình đang chăm chỉ trong vô định, liên tục lún sâu và những công việc hút cạn năng lượng mình (một phần không phải thế mạnh và một phần là những công việc lặt vặt shallow work).

Chiến thuật là phải tìm ra được thế mạnh của bản thân - những công việc mình cảm thấy tương đối ổn rèn luyện để trở thành người xuất sắc - thay vì tìm cách khắc phục điểm yếu từ một việc mình kém hẳn nỗ lực thành có thể làm tàm tạm. Mỗi người cần biết nhìn nhận chân thật về những tố chất sẵn có của mình. Việc này sẽ không mâu thuẫn với tư duy phát triển (growth mindset) vì tất cả mọi nỗ lực đều có thể giúp bạn phát triển nhưng phát triển từ một người ở mức ổn lên xuất sắc sẽ là con đường hiệu quả nhất.

Từ đó, hướng dẫn sử dụng bản thân ra đời - mình đã đúc kết được từ HBR - On Managing Yourself  Quản trị bản thân - cách để hiểu mình và thoát khỏi lối mòn của sự chăm chỉ vô định thành sự chăm chỉ khai thác điểm mạnh trở thành một người xuất sắc.

1. Mình là người đọc hay người nghe

Đơn giản đây là cách bạn tiếp thu thông tin - bạn sẽ thấy dễ hiểu hơn khi đọc tài liệu trên giấy hay được nghe giảng.

Eisenhower (Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ aka người tạo ra ma trận Eisenhower về việc quản lý thời gian theo tính chất công việc) khi còn là Thống tưởng lục quân Hoa Kỳ, ông nổi tiếng về những câu trả lời súc tích, trau chuốt và tao nhã. Mười năm sau, khi trở thành Tổng thống, chính những nhà báo từng mến mộ ông bắt đầu quay lưng và phàn nàn về những câu trả lời lan man, không đúng trọng tâm như thể, ông không hề hiểu câu hỏi. Lý giải cho điều này, khi còn là Thống tướng, các phụ tá của ông luôn đảm bảo mỗi câu hỏi từ báo chí luôn được trình bày bằng văn bản ít nhất nửa giờ trước khi một hội nghị bắt đầu. Khi trở thành tổng thống, ông bắt đầu tham gia vào những buổi họp báo tự do, cánh nhà báo có thể đặt bất cứ câu hỏi nào - vốn là tiền lệ của các thời tổng thống trước đó Franklin D. Roosevelt, Harry Truman cả hai đều là những người nghe xuất sắc. Eisenhower rõ ràng không ý thức được rằng ông là một người đọc chứ không phải là người nghe. Thế là, Eisenhower trong suốt những cuộc họp báo diễn ra, ông hầu như mơ hồ và không xử lý kịp những câu hỏi được đặt ra và bị hiểu nhầm rằng ông đã mất đi sự nhạy bén của mình.

Ngược lại, một tình huống oái ăm khác là Lynson Johnson trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông là người kế nhiệm của John Kennedy - một người đọc điển hình với một dàn phụ tá toàn những học giả luôn chuẩn bị những bản thảo ghi nhớ trước mỗi buổi họp. Kế nhiệm Kenedy, Johnson đã giữ lại tất cả những học giả này và, với tư cách là một thượng nghị sĩ aka người nghe điển hình - Johnson chưa từng hiểu một gì một chữ gì họ viết.

Rất khó để thay đổi xu hướng người đọc - người nghe này của mỗi người và việc không hiểu rõ bản thân dễ khiến chúng ta bị đặt vào tình huống như Johnson hay  Eisenhower.

Mình thấy điều này cũng đúng với cách chúng ta ghi nhớ những sự kiện. Mình đã luôn là người đọc và những thứ khiến mình xúc động thường đến từ những lá thư tay, những đoạn tin nhắn quan tâm nhỏ hơn là những lời nói ngọt ngào. LOL Hoặc là khi sếp giao task mà giao bằng lời mình đều phải viết để đọc lại chứ khó mà tiếp nhận ngay 1 lần nghe.

2. Mình học như thế nào?

Việc học dưới ghế nhà trường có thể là cực hình đối với người này nhưng cũng có thể là thiên đường đối với người khác. Một phần lý do là vì nhà trường được thiết kế cho người đọc và nghe trong khi có hàng tá cách học khác nhau. Thay vì nghe giảng hay đọc tài liệu, ta còn có thể học thông qua việc viết xuống, người khác cũng có thể học bằng cách tự nghe bản thân diễn đạt lại nội dung họ vừa tiếp nhận hoặc đôi khi bỏ qua phần lý thuyết mà cần áp dụng ngay.

Bản thân mình là một người học thông qua việc viết điển hình - sau 2 tháng đăng ký học IELTS tại trung tâm mình chỉ lờ mờ nhận ra có vẻ không hiệu quả lắm và tự học tại nhà bằng cách ghi chép tài liệu. Và một cách rất bản năng, mình đạt được goal 8.0 nhờ việc học qua ghi chép mà đến giờ nhìn lại mình mời hiểu thì ra là vậy :D Lúc đấy mình chỉ nghĩ đơn giản là mình tự học tốt thôi.

3. Mình làm tốt nhất khi ở một mình hay với một đội nhóm?

Một câu hỏi quan trọng khác là, mình tạo ra kết quả với tư cách là người ra quyết định haynhư một cố vấn? Rất nhiều người thể hiện tốt nhất với tư cách là cố vấn nhưng không thể đảm nhận gánh nặng và áp lực của việc ra quyết định. Ngược lại, những người đưa ra quyết định cần một cố vấn buộc họ phải suy nghĩ; sau đó có thể đưa ra các quyết định và hành động dựa trên sự cân nhắc một cách nhanh chóng, tự tin và chắc chắn.

4. Mình có thể làm việc tốt trong môi trường nào?

Xem xét liệu bạn thể hiện tốt nhất trong môi trường linh hoạt, nhiều thay đổi hay môi trường có cấu trúc rõ ràng và dự đoán được. Tập đoàn hay công ty startup. Tất nhiên các bạn cần thử để biết môi trường nào có thể giúp bạn khai thác hết thế mạnh bản thân. Và, một lần nữa, hãy tránh cố gắng thay đổi bản chất của bạn - Thay vào đó, tập trung vào cải thiện khả năng làm việc của bạn dựa trên đặc điểm cá nhân. Tránh nhận những nhiệm vụ bạn không thể thực hiện tốt hoặc chỉ làm kém.

Đến đây mình tự dưng suy nghĩ, vậy làm cách nào để biết nỗ lực bao nhiêu là đủ đến khi nhận ra đó có phải là thế mạnh hay không? Nghe hơi cliché nhưng mình nghĩ trái tim bạn luôn biết, khi bạn làm một việc gì đó và dễ dàng vào trạng thái dòng chảy (flow) - đó có thể là thế mạnh của bạn, cơ thể bạn tự động tập trung một cách dễ dàng để hoàn thành tốt nó. Trong khi có những nhiệm vụ chỉ đơn thuần rút cạn nhựa sống của mình, buồn tẻ chịu không nổi trong khi đồng nghiệp lại có thể làm hoài mà không chán - đó là lý do chúng ta làm việc theo team và phân bổ công việc dựa trên thế mạnh của từng người.

5. Giá trị của mình là gì?

Xác định big Why của mình rất quan trọng vì đây là cách chúng ta duy trì kỷ luật và hướng đến giá trị cốt lõi thôi thúc chúng ta hành động - công ty cũng cần có một hệ giá trị tương đồng. Nếu những giá trị của bạn thân bị phản bội, chúng ta có thể trở nên bực dọc và không tạo ra được giá trị chung.

6. Mình có thể cống hiến gì?

Trong giai đoạn trước, người làm công không bao giờ phải đặt ra câu hỏi: "Tôi nên đóng góp gì?" Họ được giao nhiệm vụ hoặc công việc mà họ phải thực hiện, dựa vào bản chất của công việc - như người nông dân hay thợ thủ công - hoặc dựa vào người chủ hoặc bà chủ - như người hầu gia đình. Và chúng ta có những cuộc cách mạng công nghệ, những người lao động tri thức được đào tạo và phân bổ theo cấp bậc - thực hiện chỉ thị dựa vào cơ cấu tổ chức của công ty để lập kế hoạch sự nghiệp. Xã hội ngày một tiến bộ, không ai muốn chỉ răm rắp nghe lệnh nữa. Họ bắt đầu chủ động đặt câu hỏi "Tôi muốn làm gì?" Và "cống hiến của tôi nên là gì?" Để trả lời câu hỏi này, phải xem xét ba yếu tố riêng biệt: Vấn đề này đòi hỏi điều gì? Dựa vào điểm mạnh của tôi, cách tôi làm việc và giá trị cốt lõi của tôi, tôi có thể đóng góp gì vào giải quyết vấn đề này? Và cuối cùng, làm thế nào để tạo ra sự khác biệt thông qua những kết quả có thể đo lường và nhìn thấy được.

---

Tóm tắt lại thì, để hiểu mình trong môi trường công sở, bạn có thể tự đặt câu hỏi:

1. Mình là người đọc hay người nghe 2. Mình học như thế nào? 3. Mình làm tốt nhất khi ở một mình hay với một đội nhóm? Trong tương quan như thế nào? 4. Mình có thể làm việc tốt trong môi trường nào? 5. Giá trị của mình là gì? 6. Mình có thể cống hiến gì?

Nhưng câu hỏi này không chỉ giúp bạn tự vấn bản thân mà còn giúp bạn hiểu sếp, đồng nghiệp của mình để làm việc trơn tru, ăn ý hơn. Hoặc khi dẫn dắt đội nhóm, bạn cũng có thể khai thác hết thế mạnh của các bạn trong team.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024