Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/07/2023 23:07 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Học cách quản trị cảm xúc quan trọng hơn ta tưởng


Bên cạnh những kỹ năng mềm quá phổ biến như thuyết trình, phản biện, nói trước đám đông, làm việc nhóm,... Thì quản trị cảm xúc cũng là một kỹ năng vô cùng thiết yếu với mỗi cá nhân nhưng lại đang bị gác lại phía sau. Vớii tôi, lẽ ra nó nên được dạy từ rất sớm và cần vận dụng tốt cho đến cuối đời.

Bởi vì chỉ cần bạn là con người, bạn luôn có nhu cầu giải tỏa cảm xúc. Buồn, vui, tức giận, hưng phấn, bất ngờ, nghi ngờ, tổn thương,... Con người sinh ra, từ khi mới lọt lòng, không kèm với thiết lập đè nén những cảm xúc đó cho riêng mình, nếu có thì đó là sự lựa chọn. Khoan bàn đến chuyện có nên đè nén cảm xúc hay không dù với lý do gì (chủ đề này đủ rộng để được tách ra thành một bài viết riêng sau này), tôi đang viết về: cứ cho là đến cuối cùng, con người đều sẽ phát tiết cảm xúc của mình thì cách để chúng ta gửi các tín hiệu đó ra thế giới xung quanh cũng là một điều cần được dạy và thực hành.

Tôi tin rằng con người chúng ta vừa là một thể phát ra năng lượng cảm xúc, cũng vừa hấp thụ cảm xúc. Mức độ thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu đó là niềm vui thì không cần bàn tới, nhưng nếu là sự tiêu cực thì ít nhiều cũng gây ảnh hưởng lên cả hai đối tượng “cho" và “nhận" cảm xúc đó.

Tôi đã từng thấy có nhiều người gặp áp lực công việc ở chỗ làm, họ kìm nén không chửi nhau với đồng nghiệp, cãi sếp hay tỏ ra bất kỳ một tia bất mãn nào trong ánh mắt nhưng lại dội lại gấp đôi những kìm nén đó vào gia đình của mình. Cáu gắt vì những thứ nhỏ nhặt, dễ dàng nổi nóng và đay nghiến những sai lầm kiểu lông gà vỏ tỏi. Hoặc ngược lại, sếp đến đì hành, quát tháo nhân viên vì những vấn đề riêng trong cuộc sống cá nhân.

Tôi cũng thấy có những người lựa chọn giải tỏa cảm xúc “khó chịu" trong họ bằng việc nói xấu, lăng mạ, coi thường, thậm chí bắt nạt kẻ khác. Thứ “khó chịu” đó thật không dễ để diễn tả ra, chắc là ghen tỵ, khinh rẻ, nghi ngờ,... hoặc là tất cả. Nguồn cơn của cảm giác đó là thứ chỉ người phát ra biết, nhưng ảnh hưởng của những thái độ, hành vi dùng để phát tiết nó thì áp lên cả những người xung quanh.

Thậm chí việc giải tỏa cảm xúc sai cách còn tác động đến người thứ 3, tạm hiểu là người ở trong môi trường “trao đổi” đó. Hãy tưởng tượng đơn giản, bạn ngồi bên cạnh cặp đôi đang cãi nhau đến nỗi xúc phạm nhau thì cho dù họ chẳng liếc bạn lấy một cái, bạn cũng sẽ có động lực để đứng ra can ngăn hoặc chạy khỏi nơi này, đều xuất phát từ ý định “phải chấm dứt không khí độc hại ngột ngạt này đi thôi".

Vì thế, chúng ta rất rất nên phải học cách quản trị cảm xúc của mình. Điều gì nên nói, điều gì không. Điều gì xuất phát từ cái tôi của mình, sự đố kỵ, phán xét, thiên vị của mình, điều gì đến từ nguyên nhân khách quan.

Nhưng ngược lại, việc quản trị cảm xúc không tốt cũng được biểu hiện ở việc ai đó không bao giờ biểu thị hay kể ra những cảm xúc của mình. Họ cho rằng nếu kể cho những người xung quanh là đang phá hỏng niềm vui hay cuộc sống riêng của người đó, rằng chẳng ai muốn lắng nghe hay trở thành thùng rác tinh thần cả.

Tuy nhiên như tôi đã nói từ đầu, con người sẽ luôn có nhu cầu giải tỏa cảm xúc, nên nếu bạn không tìm cách để năng lượng tiêu cực thoát ra, nó sẽ như cú bom dội ngược lại tinh thần mình, khiến cạn kiệt năng lượng trầm trọng. Tiêu cực không vì ta giấu mà mất đi, nó chỉ tránh khỏi tầm nhìn của ta, dồn nén và một ngày sẽ quay trở lại để đày đọa chúng ta. Theo một nghiên cứu tâm lý gần đây (của David Barlow, Steven Hayes và những người khác), một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề tâm lý là thói quen lảng tránh cảm xúc.

Vậy thì chúng ta nên làm gì với cảm xúc tiêu cực đây? Khi lôi ra cũng không được mà giấu vào cũng không xong? Đó chính là mấu chốt, thứ chúng ta cần học. Và nó là quá trình cả đời, một quá trình ta đi trên chiếc dây phân chia giữa 2 bên “dày vò chính mình" hoặc “gây tổn thương cho người khác”, nhiệm vụ của ta không chỉ là giữ cân bằng mà còn là: đủ tỉnh táo để nhận ra khi nào ta hụt chân sang một bên để chấn chỉnh quay lại hành trình đúng.

Để không dày vò chính mình bằng việc giữ mãi những tâm sự, những liều thuốc độc của đố kỵ, ghen ghét, tức giận, tổn thương, hãy trao gửi cảm xúc đúng nơi đúng chỗ, trước tiên tôi sẽ tìm “chính mình" để gửi gắm trước. Tôi viết lách, viết nhật ký, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh hoặc suy nghĩ đến tận gốc rễ vấn đề. Tại sao tôi lại cảm thấy thế này? Ai là người sai? Tôi có thể quên nó được không?Quan trọng là ta phải chấp nhận rằng nó là một phần của mình, có thể mất đi hoặc không nhưng ta tôn trọng điều đó, đặc biệt là kiên nhẫn giải quyết đến khi nó thật sự không ảnh hưởng mình nhiều nữa.

Sau đó, tôi sẽ tìm đến những người bạn thân thiết hoặc kể cả là người lạ. Nhưng tôi không mong một người duy nhất có thể hiểu và lắng nghe toàn bộ tâm sự của tôi. Mỗi người bạn, mỗi nhóm bạn tôi chia sẻ một chuyện ở mức độ vừa phải (vì trước đó tôi đã tự giải quyết với mình phần nào). Nhìn dưới góc độ nào đó, khi ta “phân chia" tiêu cực thành những mảnh nhỏ với những đối tượng phù hợp khác nhau thì sẽ vừa giải tỏa được cảm xúc, vừa ít ảnh hưởng đến tâm trạng của người nghe.

Còn nếu những bóng tối trong bạn đủ lớn để không phân chia được, cũng không tự giải quyết được, tôi nghĩ bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý, các khóa trị liệu, thiền định hoặc đức tin. Bất kể thứ gì. Nếu con người không thể giải quyết hay trở thành niềm tin của bạn, nhờ cậy những thực thể khác cũng không sao cả. Bởi vì dù thế nào, bạn cũng chỉ đang cố gắng sống tốt hơn mà thôi và với nhiều người, cố gắng sống đã là một kỳ tích.

Viết dài như vậy, thực tình tôi chỉ muốn nói, cảm xúc là một thứ muôn hình vạn trạng, không ai đong đếm được nỗi đau của một người so với nỗi đau của một người khác lớn hơn hay bé hơn thế nào. Chỉ có bản thân mình mới cảm nhận sâu sắc được điều đó. Vậy nên, hãy học cách quản trị cảm xúc ngay từ bây giờ để có sức khỏe tinh thần tốt hơn, không lảng tránh, cũng không trút lên người khác. Rất khó, nhưng có thể luyện tập được. Những người trưởng thành về mặt cảm xúc thường sẽ dễ cảm thấy tích cực hơn, và nên nhớ “trưởng thành" về mặt thể chất hay định vị xã hội không tỷ lệ thuận với trưởng thành cảm xúc.

Vì thế, dù bạn đang ở đâu trong hành trình cuộc đời, cũng hãy bắt đầu lắng nghe và học cách điều tiết cảm xúc của mình, nhất là cảm xúc tiêu cực nhé!

Chúc bạn có nhiều ngày an yên




 
Các thành viên đã Thank vutmaihoa vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024