Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/12/2014 13:12 # 1
tanphuong85
Cấp độ: 37 - Kỹ năng: 38

Kinh nghiệm: 142/370 (38%)
Kĩ năng: 98/380 (26%)
Ngày gia nhập: 19/01/2010
Bài gởi: 6802
Được cảm ơn: 7128
Điều lệ trường đại học có gì mới?


Thủ tướng Chính phủ vừa ý Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg Ban hành Điều lệ trường ĐH mới thay thế cho các quy định trước đây. Vậy nguyên tắc xây dựng cũng như Điều lệ trường ĐH mới có gì khác biệt?

Để tìm hiểu những vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, đơn vị đã mất gần 2 năm để xây dựng Điều lệ trường ĐH mới trình Chính phủ phê duyệt.

Ông có thể cho biết nguyên tắc xây dựng Điều lệ trường đại học lần này là gì?

Ông Bùi Anh Tuấn: Điều lệ trường đại học được xây dựng theo nguyên tắc sau đây: Quán triệt các chủ trương, chính sách và định hướng phát triển giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước, những quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012, Nghị định số 141/2013/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan khác; kế thừa, củng cố các quy định, định chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp và có tính ổn định; bổ sung những định chế mới phù hợp với tinh thần đổi mới của pháp luật và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế.

 

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH.
Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH.

 

Về nội dụng Điều lệ trường ĐH mới có sự khác biệt nhiều so với trước đây?

Ông Bùi Anh Tuấn: Với nguyên tắc xây dựng như tôi nói ở trên nên chắc chắn có nhiều điểm khác so với quy định trước. Điều lệ trường ĐH mới baogồm các quy định áp dụng cho cả loại hình trường đại học công lập và trường đại học tư thục; kết hợp với Nghị định về hợp tác đầu tư trong giáo dục của Chính phủ, Quy chế tổ chức và hoạt động của các đại học thành bộ quy định áp dụng đối với các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, các trường thành viên của các đại học; Tăng cường đổi mới quản lý giáo dục đại học, tăng cường vai trò quản lý nhà nước và thực hiện phân cấp rõ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp, địa phương trong quản lý giáo dục đại học; nâng cao quyền tự chủ và tăng cường trách nhiệm xã hội của trường đại học nhằm đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục đại học; phát triển giáo dục đại học gắn với nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

 

 

Các quy định của Điều lệ trường đại học là quy định khung, chung nhất, để trên cơ sở đó, các trường đại học xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mình cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường.

Ông có thể nói chi tiết hơn về nội dung các điểm mới này?

Có 5 điểm mới quan trọng mà tôi muốn đề cập ở đây. Một là, về tổ chức quản lý trường đại học: Tách bạch việc tổ chức và quản lý đối với trường đại học công lập, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Quy định về đặt tên trường và đổi tên trường đại học để bảo đảm thống nhất trong toàn hệ thống về tên gọi các trường đại học bằng tiếng Việt và tên dịch sang tiếng nước ngoài.

Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn, việc thành lập và hoạt đồng của Hội đồng trường trong trường công lập, một tổ chức quản trị trường đại học đã được xác định từ Điều lệ trường đại học năm 2003, là điều kiện quan trọng để thực thi quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của trường đại học, nhưng chưa được thành lập trong toàn hệ thống và hoạt động chưa thực sự hiệu quả;

Quy định rõ ràng về thủ tục, hồ sơ, quy trình, thời hạn thành lập Hội đồng quản trị, bổ nhiệm hiệu trưởng trong trường tư thục, hạn chế các tác động tiêu cực làm dây dưa kéo dài quá trình thành lập, bổ nhiệm, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của nhà trường.

Tách bạch vai trò quản trị, định hướng của hội đồng quản trị và vai trò quản lý, điều hành của hiệu trưởng; tăng quyền của hiệu trường đối với tổ chức và điều hành, phát huy vai trò của hội đồng khoa học và đào tạo, nhằm giảm thiểu khuynh hướng thương mại hóa trường đại học tư thục.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên quy định cụ thể về trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, về: tổ chức và hoạt động; thủ tục, hồ sơ thành lập mới; thủ tục, hồ sơ chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận.

Về tự chủ và trách nhiệm xã hội của trường đại học thì bổ sung thêm một số quyền tự chủ của trường đại học theo quy định của pháp luật, như: xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh; in phôi văn bằng; thu chi tài chính nhất là các trường tự chủ tài chính.

Quy định rõ chế độ báo cáo, giải trình của các trường đại học, từ đó tăng cường việc giám sát của xã hội đối với trường đại học và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học; Quy định về công khai thông tin của trường đại học về tổ chức, nhân sự, các hoạt động của trường đại học để tăng tính minh bạch và tạo điều kiện cho các bên liên quan và xã hội thực hiện giám sát của đối với trường đại học. Thúc đẩy việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học làm cơ sở quản lý thống nhất toàn hệ thống; minh bạch hoá các hoạt động và điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đại học.

 

Về tăng cường dân chủ hóa, xã hội hóa để phát triển giáo dục đại học: Quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của các thành viên góp vốn đầu tư xây dựng trường đại học tư thục, nhằm tăng tính minh bạch, hạn chế sai sót, tiêu cực trong quá trình vận hành trường đại học tư thục, đồng thời tăng cường dân chủ hoá và xã hội hoá, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển giáo dục đại học, như: quyền giám sát nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, của hội đồng quản trị; việc chuyển nhượng vốn góp trong trường đại học tư thục, phải đảm bảo sự ổn định và phát triển trường đại học tư thục.

 

Về đảm bảo chuẩn hóa và hiện đại hóa: Bổ sung một số quy định liên quan đến phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, một điều kiện tiên quyết để phát triển trường đại học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, như: khái niệm về giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý cơ hữu; việc xác định cơ cấu lao động, vị trí việc làm trong trường đại học; tập sự của giảng viên và đánh giá giảng viên; công việc trợ giảng và đối tượng thực hiện công việc trợ giảng; các quy định, quy chế tuyển dụng nhân sự;

 

Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, như quy định: việc không triển khai đào tạo ở các trung tâm, các cơ sở chưa được thẩm định, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo; trách nhiệm của các Bộ, ngành, doanh nhiệp, cơ quan đối với việc thực hành, thực tập, thăm quan, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của người học trong trường đại học.

Cuối cùng là về tổ chức thực hiện thì quy định rõ trách nhiệm thực hiện Điều lệ trường đại học đối với trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan quản lý trực tiếp để bảo đảm tính thống nhất giữa các trường đại học thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau, giữa trường đại học công lập và trường đại học tư thục; quy định rõ quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc kiểm tra giám sát việc thực thi Điều lệ trường đại học và xử lý đối với trường hợp sai phạm để tránh những trường hợp thành lập cơ sở đào tạo, bổ nhiệm cán bộ quản lý, thiết lập cơ cấu tổ chức, giao chỉ tiêu và mở ngành đào tạo ở một số trường không đúng quy định.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dieu-le-truong-dai-hoc-co-gi-moi-1008385.htm

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024