Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/12/2018 23:12 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Chia Sẻ Về Kinh Nghiệm Học IELTS - Chặng Đường Dài Không Dành Cho Kẻ Lười Biếng


- Chặng đường học IELTS theo quan điểm của mình không dễ nhưng cũng không thực sự khó nếu bản thân mình luôn nghiêm túc với việc học, có kế hoạch rõ ràng và luôn trân trọng những kiến thức học được mỗi ngày. Mình ôn luyện gần 2 năm và vừa đủ điểm IELTS để tốt nghiệp đầu ra thạc sĩ Kinh Tế nên hôm nay mình xin chia sẻ kinh nghiệm học IELTS của mình để tạo động lực học cho những bạn đang muốn chinh phục IELTS. Và hi vọng sẽ giúp ích được một điều nào đó cho những người bạn đang ngày ngày luyện tập tiếng anh vì một tương lai thật khác! 

Đầu tiên, học tiếng anh nói chung và IELTS nói riêng về bản chất là học một ngôn ngữ có tính chất văn hóa, vì vậy nó không còn mang ý nghĩa là học nữa mà là một dạng trải nghiệm văn hóa. Mình học để sống một cuộc sống khác và để tư duy khác. Trừ khi quá gấp gáp để có một tấm bằng nên phải xài chiêu và học các tips để đạt được Target mong muốn thì theo mình cần phải thay đổi suy nghĩ học IELTS là để bản thân được “thưởng thức” cách suy nghĩ bằng tiếng anh và có thể sử dụng được linh hoạt trong cuộc sống. Hiểu được điều này sẽ giúp bản thân đỡ áp lực và luôn trong trạng thái thoải mái khi được trải nghiệm văn hóa bằng ngôn ngữ, chứ không phải là “học cày cuốc” đến kiệt sức. Như thế, bản thân mình sẽ không sợ quá tải vì mỗi một kiến thức thu nạp vào là một kinh nghiệm trưởng thành. Mỗi ngày trôi qua, việc học tiếng anh sẽ chỉ đơn giản là tìm hiểu những vấn đề xảy ra cuộc sống mà thôi: người ta đang làm gì, viết gì và nói gì ngoài thế giới hạn hẹp của bản thân. 

Thứ hai, mình luôn nhìn vào bản thân và tự hỏi học IELTS sẽ đem đến điều gì cho mình, dĩ nhiên bằng IELTS có thể mang đến cho bạn rất nhiều thứ như đảm bảo chuẩn đầu ra tốt nghiệp, xin việc làm, du học, dịch thuật, du lịch nước ngoài để chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng, xin học bổng, để khoe với bạn bè, xem phim 100% bằng tiếng anh, nói chuyện lưu loát bằng tiếng anh… Nhưng trong số những điều kể trên, điều gì thực sự là cái bạn muốn. Nếu thực sự học vì “phải học” thì mình e rằng rất khó để có thể chuyên tâm cày cuốc, có thể bạn sẽ được IELTS đạt target nhưng liệu rằng động lực này có được duy trì để học lại IELTS khi nó hết hạn hay không! Khi đã xác định được điều mình thực sự muốn đạt được thì việc học sẽ trở nên có mục đích và tràn đầy hứng thú. Và nếu chưa tìm được ra lý do thực sự cho việc học thì một lời khuyên là cứ tự đẩy mình vào môi trường sử dụng tiếng anh ở mức level cao hơn như câu lạc bộ Tiếng anh, hội thảo bằng tiếng anh, cuộc thi tiếng anh… để định vị được chỗ đứng của mình ở đâu mà mình cần phải làm gì để cải thiện và đó cũng là lúc - một sự thật kinh hoàng được phát hiện ra: nhiều người giỏi dã man, nếu mình không học thì sẽ bị bỏ xa trong tương lai hội nhập đang ở rất gần. Chắc chắn dù lý do của bạn là gì, sau khi học xong IELTS, những kinh nghiệm xương máu và cảm xúc vui buồn lẫn lộn sẽ là dấu ấn trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ không còn như cũ nữa mà là một “better version of yourself” đấy. 

Thứ ba, mình chọn lựa những nguồn học mình thích trước khi đi vào cày bộ Cam thần thánh. Nguồn học này rất nhiều, trên mạng rất nhiều bài viết về vấn đề này (vô cùng cụ thể và chi tiết luôn). Cứ bình tĩnh đọc những trang web đó và lựa ra những chủ đề mình yêu thích (có thể hiểu nội dung từ 60% - 70% là ổn rồi) và đào sâu nó hết mức có thể. Nguồn nào cũng được, mình chỉ lưu ý một điều, nếu chỉ like và share những trang học tiếng anh và down quá nhiều tài liệu trong khi không dành thời gian đó cho việc học IELTS thì thực sự không có nhiều tiến độ đâu mà chỉ làm tăng ảo giác vô lý là “kiến thức càng chật ổ cứng thì mình càng vững IELTS”. Chỉ chọn lựa ra 1-2 cuốn cho từng kỹ năng và cày hết cuốn sách rồi mới qua cuốn khác, đơn giản là đỉnh cao mà! Nếu super-man hơn thì có thể đọc nhiều cuốn cho một kỹ năng nhưng vì hầu hết chúng ta là người bình thường nên cần phải học một cách tập trung và đơn giản hóa mọi chuyện. 

Thứ tư, mình tự cam kết với bản thân mình và ý thức về giá trị thời gian bản thân đang có. Ngày nào thức dậy mình cũng phải nhắc lại cam kết về khối lượng trong ngày cần phải giải quyết, nếu không giải quyết được khối lượng công việc đó thì chậm nhất là ngày thứ 2 phải xong, hình phạt đặt ra là nếu để trễ sẽ không được “hun” người yêu (người yêu phải biết mình đang học IELTS, chứ không hun nó lại bảo không còn yêu nữa rùi bù lu bù loa lên, úi, lạc đề rồi, ngại thế! ^^) và không được ăn những món mình thích. Thực ra hình phạt này cũng chỉ là để bản thân nghiêm túc hơn về việc học mà thôi. Khối lượng công việc thế nào thì do bản thân tự lên kế hoạch mỗi ngày để làm, dựa trên việc xử lý hết những nguồn bản thân yêu thích kể trên, làm gì thì làm mỗi ngày phải nghe hoặc đọc xong 1 bài Cam là một ví dụ cụ thể chẳng hạn. Thêm nữa thời gian trôi qua là không lấy lại được, một năm tuần hoàn 4 mùa xuân hạ thu đông nhưng không nên ảo tưởng mình còn thêm vài mùa xuân nữa để học, thực chất là thời gian đã qua đi, vô ích hay không vô ích đó là tùy thuộc vào cách sử dụng thời gian của bạn mà thôi. Tất nhiên là có đôi lúc mình cảm thấy khó có thể bám theo cam kết này và để thời gian trôi qua vô ích nhưng cái gì cũng phải xác định rõ ràng ranh giới, một mặt mình không thể để hoang phí thời gian nhưng mặt khác mình cần phải nhanh chóng quay trở lại với nếp sinh hoạt tiếng anh hàng ngày của mình (nói cách khác là tha thứ cho bản thân mình đúng lúc nhưng không nên quá dễ dãi trong mọi tình huống). Chắc chắn là sẽ có những lúc bản thân cảm thấy lười biếng, những lúc như thế mình chỉ chuyên tâm vào những điều nho nhỏ mình có thể kiểm soát được như: học chỉ 5 từ mới trong vòng 5 phút tới, đọc chỉ 1 đoạn ngắn trong vòng 10 phút, nghe 1 đoạn hội thoại ngắn 5 phút… Những cái nhỏ nhỏ này tạo đà cho mình làm thêm 5 hoặc 10 phút nữa đến khi 1 tiếng trôi qua rồi cơ thể và suy nghĩ quên đi cảm giác lười và bắt nhịp được với việc học. 

Thứ năm, mình không quan tâm tới người khác nói gì một khi đã quyết định chọn một phương pháp để theo đuổi (phương pháp gì thì mình sẽ chia sẻ ở bên dưới, nhưng nguyên tắc chung là phải đơn giản và dễ áp dụng với chỉnh bản thân bạn nha). Mình tự dành thời gian trong 1 tuần tìm đọc tất cả các phương pháp “người người và nhà nhà” đang áp dụng, viết ra giấy và cố gắng tìm ra ưu nhược điểm và cảm nhận xem cái nào thực sự hợp với mình, cam kết học theo phương pháp mình lựa chọn ít nhất trong 3 tháng trước khi muốn thay đổi sang phương pháp khác. Nhiều lúc bắt gặp hoặc nghe đâu đó rằng con A đi du học, thằng B tìm được việc ngon ở công ty nước ngoài nhờ giỏi giao tiếp tiếng anh, con C cái gì cũng dở chỉ mỗi tiếng anh giỏi mà cưới đại gia rồi, thằng D được điểm khủng IELTS… thì mình cũng chỉ đơn giản là cười thât tươi, và khen thầm trong đầu họ giỏi thế nên xứng đáng, sau đó mình quên họ đi và tiếp tục vào chuyên môn. Cuộc sống đó là của họ, nếu lúc nào cũng hướng mắt ra ngoài để so sánh với bản thân chỉ làm giảm đi sự tự tin của mình thôi mà không có ý nghĩa gì hết. Không so sánh, không ca thán, không lý do, không lắm lời. Chấm hết. Viết đến đây mình chợt nghĩ đến một vài người bạn của mình đóng tiền để đi học trung tâm hay học những thầy cô chuyền về IELTS, mình nghĩ điều này là tốt vì thầy cô hay trung tâm sẽ cho mình những hướng dẫn cụ thể và những tips để giúp mình có thể kiếm điểm cao hơn, mặt khác học ở đây sẽ có những người bạn đồng hành cùng tạo áp lực và phát triển cùng nhau. Mình thì thích cách tự học hơn, vì suy cho cùng công sức mà mình bỏ ra để tự luyện sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với việc đi học bên ngoài với thời lượng quá ngắn như vậy. 

Thứ 6, Những phương pháp bên dưới là những phương pháp mình rất tâm đắc, bạn có thể tìm hiểu chi tiết thêm bằng cách google nhé, trong khuôn khổ bài viết có giới hạn mình chỉ nêu những điểm cốt lõi mà thôi: 

+ Về reading: Mình đọc lướt qua bài viết, chỉ đơn giản là enjoy nó, nắm tổng quan bài viết nói về vần đề gì, gạch chân keyword và câu chính trong đoạn giúp mình hiểu chủ đề, có thể tra từ điển nhưng hãy cố gắng tra thật nhanh, mục đích chỉ là để bản thân hiểu tổng quát đề tài đang đọc. Sau đó, đọc qua câu hỏi, chọn lọc từ khóa trong câu và quay trở lại bài khóa. Việc đọc tổng quát hết ở bước trên sẽ giúp mình biết được thông tin cần để trả lời cho câu hỏi nằm ở đâu. Tiếp theo, xem kết quả và cố gắng hiểu tại sao mình sai. Đừng tự suy diễn ý nghĩa câu trả lời nhé, tôn trọng bản chất thật của bài khóa để trả lời cho đúng. 
Sau đó đọc lại bài viết thêm một hai lần nữa, tra kỹ từ vựng và cấu trúc câu hay rồi viết vào sổ tay lưu trữ, lâu lâu ôn lại bài lại lấy ra xem. Đọc đi đọc lại, nhiều đến mức nhìn một vài từ là đoán ra được ý nghĩa của đoạn đó rồi thì càng tốt! Tất nhiên, sẽ có những bài viết đọc hoài mà không hiểu vì đề tài hết sức học thuật, nhưng nó khó là do bản thân mình chưa quen, cứ bình tĩnh tra nghĩa hoặc hỏi ý kiến từ những người giỏi hơn, từ đó mình sẽ hiểu và đúc kết được cách để hiểu thông tin. Đề IELTS dù nhiều đến mấy cũng có giới hạn chủ đề, chủ yếu là những chủ đề thường gặp trong học thuật nên cứ bình tĩnh mà luyện kỹ từng chủ đề. 

+ Về listening: Mình lật transcript đằng sau sách ra xem trước, tra cứu hết từ vựng và cấu trúc, hiểu nội dung trước khi đi vào nghe, làm bài tập và sửa lỗi sai. Lý do không nghe ra có thể là do phát âm sai, không biết từ vựng, không bắt kịp tốc độ người nói, không rõ bối cảnh giao tiếp... Với mỗi lý do trên mình tự tìm cách để khắc phục và rút kinh nghiệm cho bản thân như: tập phát âm thật nhiều, học từ vựng và ví dụ từ vựng trong câu, nghe nhiều lần để bắt kịp từ vựng và đọc kỹ để hiểu nội dung tổng quan trước khi nghe. Sau đó mình bật lại từng đoạn và nhại lại theo người nói đến khi thuộc làu làu thì mới thôi, làm những điều trên khoảng một thời gian cho nhuyễn rồi mới đi vào làm đề mà không mở transcript ra xem trước nhé! Mình có luyện cách chép chính tả nhưng theo quan điểm của mình nó hơi chán để duy trì lâu, nhiều bạn lại phù hợp với cách này, cách nào cũng được quan trong là phải vui và phù hợp với bản thân mình. Cách học đúng sẽ dẫn đến sự chăm chỉ và sự chăm chỉ dẫn đến kết quả tốt mà! 

+ Về Writing: Mình tập hợp những câu hỏi thường ra trong kỳ thi, phân loại nó thành các chủ đề như kinh tế, chính trụ, doanh nghiệp, tâm lý, khoa học, khủng long, bệnh tật, chiến tranh… để dễ nhớ những từ vựng và cụm từ vựng sử dụng trong bối cảnh đó. Mình tự suy nghĩ (brainstorming) ý tưởng của riêng mình. Sau đó lên trên google gõ keyword để tìm những bài viết (gốc anh hoặc gốc mỹ) về những chủ đề này để tập hợp ý hay mà mình cảm thấy ấn tượng và tâm đắc nhất về bổ sung và viết thành bài của riêng mình, sau đó gửi cho những người có kinh nghiệm xem, chỉnh sửa lại và lưu lại một chỗ để định kỳ lấy ra xem. 
Nguyên tắc của mình là tạo ra một “dirty draft” (nghĩa là bản nháp chưa chỉnh sửa) sau đó đọc đi đọc lại để hoàn chỉnh nó. Tất nhiên, bản draft này phải tuân thủ cấu trúc luận điểm-luận cứ rõ ràng và tổ chức rành mạch nhất có thể theo khả năng của mình. Và để Writing được tốt, chắc chắn Reading phải ổn, nghĩa là phải đọc thật nhiều và chắt lọc ra những tinh túy mà mình đã được đọc, rồi tích lũy nó vào những bài viết, cố gắng để bài viết tự nhiên bằng những cấu trúc thông dụng, chứ không cần chắp vá quá nhiều những từ ngữ học thuật khó hiểu, chất là ở chỗ dùng từ “đắt”, chứ không phải “khó”! 

+ Về Speaking: Mình tập thói quen nghĩ bằng tiếng anh trước khi bập bẹ nói, nhìn vào cái gì, cảm xúc gì hay có suy nghĩ gì mình cũng cố gắng bật ra trong suy nghĩ những từ tiếng anh, sai cũng được, ngớ ngẩn chút cũng được vì tâm lý của mình là dốt mới phải học nên chả sợ gì mà không phô bày cái dốt mình ra. Người nào chê cười thì dẹp qua một bên, người nào thực sự nhã ý góp ý chân thành thì mình ghi nhớ để sửa. Suy nghĩ đơn giản vậy cho dễ sống và tạo tâm lý sẵn sàng đón nhận cái đúng và sửa gãy gọn cái sai. Sau đó, mình mới chuyên sâu vào luyện đề từ những câu hỏi dễ liên quan đến đời sống đến những chủ đề khó mang tính phản biện và giải thích. Trong lúc luyện, mình luôn ghi chú lại những cách nói hay mà tự nhiên nhất trong đời sống đưa vào đoạn nói. Cách mình hay sử dụng là xem phim nước ngoài, vừa biết cách sử dụng từ vựng trong đời sống một cách tự nhiên nhất, vừa lại để giải trí và enjoy những gì mình học. Kết: Ngoài việc chỉ chăm chăm vào luyện thi IELTS, mình luôn tìm cách tận dụng thời gian chết để học tiếng anh hoặc nghe nhạc tiếng anh như khi đi xe tới công ty, chờ ai đó tới trễ, khi tắm, khi giải lao, khi ăn trưa… mục đích là để tạo sự tươi mới, không quá học thuật, nghe tiếng anh trong lúc thư giãn để lấy tinh thần cho việc cày chính! 

Có những lúc bạn sẽ nản giống mình nhưng mình nghĩ “no pain, no gain” mà, chân lý bất biến này luôn đúng, chỉ còn cách là mình chơi với cái “pain” này để nó thật vui mà thôi. Vì vậy, có thể bạn sẽ cảm thấy học hoài mà không vào nhưng hãy cứ tiếp tục và kiên nhẫn với nó, vì cái gì thì cũng phải cần có thời gian để thấy được sự thay đổi. Một lời khuyên rất hay mình mình đọc được trên mạng đại loại là: “Câm cái mồm ca thán đi và chuyên tâm vào luyện tập”, câu này hơi thô và “táo bạo” quá nhưng mình nghĩ nó là cái ý nghĩa nhất mà mình đúc kết được khi luyện IELTS. 

- Danny TP -

ybox.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024