Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/08/2020 20:08 # 1
nhathung
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 42/300 (14%)
Kĩ năng: 26/50 (52%)
Ngày gia nhập: 30/05/2015
Bài gởi: 4392
Được cảm ơn: 126
Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một con khủng long bị ung thư


Lần đầu tiên trong lịch sử ngành cổ sinh vật, các nhà khoa học xác định được một con khủng long mắc ung thư. Đó là một con Centrosaurus apertus sống cách chúng ta khoảng 77 triệu năm. Nó đã bị ung thư xương ở đùi, một thể ung thư ác tính cũng thường tấn công con người đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Phát hiện đặc biệt quan trọng này đã xác nhận ung thư là một căn bệnh có từ thời tiền sử. Nó cũng sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu sự phát triển cũng như tiến hóa của ung thư trên những mốc thời gian hàng chục triệu năm.

 

Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một con khủng long bị ung thư - Ảnh 1.

Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một con khủng long bị ung thư

 

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi hai nhà khoa học người Canada: David Evans và Mark Crowther. Evans là một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Hoàng gia Ontario và Crowther là một nhà huyết học tại Đại học McMaster.

Trước khi có ý tưởng đi tìm dấu tích của bệnh ung thư trên khủng long, Evans và Crowther biết rằng những con chim là họ hàng gần nhất của khủng long cũng bị ung thư. Cả các sinh vật khác sống trong thời đại khủng long cũng có dấu hiệu của căn bệnh này.

Trước đó, một số các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng khối u trong một con khủng long mỏ vịt – mặc dù họ không xác nhận được đó có phải khối u ung thư hay không.

"Chẩn đoán ung thư xâm lấn ở khủng long rất khó, và nó đòi hỏi phải bạn có chuyên môn y tế, phải sử dụng đến nhiều cấp độ phân tích để xác định chính xác", Crowther nói. Để làm điều này, anh đã cùng Evans tìm kiếm trong bộ sưu tập xương khủng long được bảo quản tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell ở Alberta, Canada.

Trong một biển xương khổng lồ của các sinh vật cổ đại khổng lồ, bộ đôi tìm thấy rất nhiều dấu vết có thể của căn bệnh. Họ thấy những con khủng long bị viêm khớp, gãy xương và đặc biệt là một mảnh xương đùi khủng long có một khối u lồi lên to bằng quả táo – nghi ngờ là khối u ung thư.

Mảnh xương đặc biệt mà Evans và Crowther tìm được gọi là fibula, hay xương bắp chân của một con Centrosaurus apertus. Centrosaurus apertus là những con khủng long giống với Triceratops sống trong khoảng từ 75 đến 77 triệu năm trước.

 

Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một con khủng long bị ung thư - Ảnh 2.

Xương đùi của con khủng long này có một khối u to bằng quả táo ở phía trên. Khối u cũng làm phần xương dưới đùi của nó bị biến dạng.

 

Để xác nhận con khủng long này bị ung thư, Evans và Crowther đã phải tập hợp hẳn một nhóm hội chẩn gồm các chuyên gia bệnh lý, chuyên gia đọc ảnh X-quang, các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và cả các nhà cổ sinh vật học khác. Họ cùng chiếu xạ xương bắp chân của con Centrosaurus apertus và phân tích cấu trúc tế bào của nó dưới kính hiển vi.

Hai mẫu xương được dùng để đối chiếu là xương đùi của một con khủng long khỏe mạnh khác cùng loài và xương bắp chân của một thanh niên 19 tuổi mắc ung thư. Ý tưởng của việc so sánh là tìm ra điểm khác biệt giữa xương khủng long bị ung thư với con khủng long khỏe mạnh, ngược lại là sự tương đồng giữa hai mẫu xương bị cùng một dạng ung thư, một trên người và một trên khủng long.

Quá trình nghiên cứu này của Evans và Crowther mất tới hai năm. Tuy nhiên, nó đã xác nhận được rằng con Centrosaurus apertus mà họ tìm thấy đúng là đã mắc một dạng ung thư xương hung hăng thường được chẩn đoán ở người trẻ tuổi.

Khối u của khủng long lớn đến mức đã làm gãy xương chân của nó, Evans nói. Đó là một căn bệnh không thể điều trị, con khủng long có thể đã rất đau đớn và phải chịu đựng sự khuyết tật nghiêm trọng cho đến khi nó tắt thở.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, các nhà khoa học không nghĩ ung thư là nguyên nhân trực tiếp khiến con khủng long bị chết và chôn vùi. Hóa thạch của con khủng long bị ung thư này đã được tìm thấy bên cạnh rất nhiều bộ xương khác, có thể lên tới hàng ngàn con khủng long cùng bị chết ở đây.

 

Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một con khủng long bị ung thư - Ảnh 3.

Hóa thạch cho thấy con khủng long này đã bị ung thư xương đùi trên. Lẽ ra, nó đã phải chết một mình vì bị bỏ lại phía sau đàn.

 

Các nhà khảo cổ đoán rằng đàn khủng long này có thể đã bị chết vì lũ lụt. Nhưng đó cũng là một minh chứng cho tính bầy đàn của khủng long. Con Centrosaurus apertus bị ung thư đã gãy chân, theo lý mà nói thì nó sẽ không thể bắt kịp đàn và phải chết một mình trên đường đi.

Nhưng có lẽ những con khủng long khác trong đàn đã kèm cặp và chăm sóc nó. Cả đàn đã đợi con khủng long này để bảo vệ nó khỏi những mối nguy hiểm từ những con khủng long săn mồi khác.

"Phát hiện này cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc và độc đáo về cuộc sống của những con khủng long", Evans nói. "Tôi rất buồn khi biết con khủng long này bị ung thư, nhưng ít nhất căn bệnh này đã không giết chết nó - ít nhất là nó đã được chết bên cạnh những người bạn của mình".

Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Lancet Oncology.

genk.vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024