Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
27/10/2023 18:10 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Bạn làm gì khi bị bí idea?


Mình khá chắc đây không phải là tình huống hiếm thấy của 1 Content Creator. Đến công ty, nhìn vào màn hình máy tính, bên cạnh là đống task sếp giao còn bạn thì trống rỗng. Bạn cố gắng kéo ý tưởng nhưng không thành? Bạn thấy buồn phiền vì nghĩ mãi mà không ra? Bạn đặt bút viết rồi lại xóa, tìm ra ý tưởng rồi lại gạt bỏ? Bạn biết vì sao mình biết điều đó không? Vì mình thường xuyên bị như vậy.

Dưới đây là những phương pháp mình đã áp dụng và thấy khá thành công với mình. Hy vọng cũng thành công với các bạn
1. Hóng chuyện
Một cách mà bản thân mình áp dụng và thấy khá hay đó là đi "hóng chuyện". Hãy hóng mọi câu chuyện, tham gia vào các buổi tụ tập,  nói to hay nói nhỏ gì cũng được, bạn sẽ không ngờ rằng có rất rất nhiều ý tưởng điên rồ mà đầu bạn nhảy số ra lúc đó đâu. Bạn có thể hóng từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân, báo đài hay thậm chí là những bài phốt đăng trên mạng. Những chủ đề được bàn luận như thế thường sẽ rất được chú ý.
Ví dụ: Phốt thanh niên Bắc Ninh phông bạt để tán gái. 
Chiếc phốt "nhỏ xinh" đó đã thu hút được cư dân mạng và các luồng ý kiến trái chiều, bạn có thể tận dụng chủ đề này để tạo ra những ý tưởng lạ xung quanh nó. Và đúng thời điểm, ý tưởng đó sẽ được bàn luận sôi nổi cho mà xem.
2. Nói chuyện với trẻ con
Trẻ con có một bộ óc cực nhạy bén với sự tưởng tượng. Suy nghĩ của chúng rất lạ, tất cả đều mới và chúng sẽ nhìn các sự vật theo một hướng khác. Bởi vì là trẻ con, chúng không bị gò bó bởi các khái niệm về sự vật và hiện tượng. Các em ấy thỏa sức sáng tạo trong chiều không gian của chúng.
Có một lần mình ngồi chơi cùng đứa cháu nhỏ của mình trước sân và ngắm cơn mưa dai dẳng, nó nhìn những hạt mưa rơi dưới sân và bảo với mình:
- Tất cả mọi người đều thích trời mưa hả dì?
Mình hỏi "Tại sao con hỏi vậy?" với ánh mắt khó hiểu
- Tại vì con rất thích trời mưa, mà không chỉ có con đâu, con nghĩ kiến cũng thích mưa đấy. Dì nhìn ở sân đi, cả một đàn kiến đang tắm mưa kìa.
Khi cơn mưa tạnh, cầu vồng lấp ló sau đám mây, cháu mình lại ngỡ đó là cầu thang lên thiên đường, nơi mà vẫn thường được thấy trên Tom & Jerry - một bộ phim yêu thích của nó.
Ngoài trí tưởng tượng ra, ở trẻ con có một thứ rất hay nhưng đôi khi đối với người lớn lại khá phiền đó là luôn đặt câu hỏi. Tại sao cái này lại gọi tên như vậy, tại sao cái kia có thể giải quyết vấn đề đó,.... Tuy nhiên, những câu hỏi ngây ngô đó chính là kho tàng ý tưởng đấy. Chúng ta là người lớn, đôi khi việc đã quen với những khái niệm cũng hạn chế đi sự sáng tạo. Có bao giờ bạn dành thời gian tưởng tượng những hạt mưa là những chú kiến chưa? Có bao giờ bạn thắc mắc về các hiện tượng và sự việc xảy ra quanh bạn chưa. Hãy hỏi trẻ con, bạn sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên dồi dào này đấy.
3. Trải nghiệm
Bản thân mình mỗi khi trải nghiệm một điều gì đó mới, mình đều muốn ghi chép lại cảm xúc lúc đó của mình. Những trải nghiệm của bản thân sẽ giúp ích rất nhiều cho những người chưa có cơ hội được thử. Họ sẽ bỏ thời gian để đọc bài viết hay xem video của bạn. Ví dụ: Trải nghiệm tô tượng cùng người yêu (một content đã được rất nhiều cặp đôi  thử), trải nghiệm làm gốm cùng bạn bè, trải nghiệm cắm trại ngày mưa,... những trải nghiệm quý báu của bạn sẽ tạo thành một danh mục tham khảo cho người xem, họ sẽ xem và lưu lại để có thể có những trải nghiệm như vậy.
4. Chú ý và quan sát
Bạn cần chuẩn bị một cái đầu nhảy số và một bộ óc quan sát. Những vấn đề thường ngày như: Thanh thiếu niên chuộng mặc Evisu vì nhìn trông rất báo, deadline dí content hằng ngày, những câu nói viral dạo gần đây, giới trẻ thích chuyển khoản hơn dùng tiền mặt,... đều có thể là một ý tưởng để bạn viết. Ví dụ điển hình như Fanpage Thăng Fly Comics - một chiếc page khá mặn mòi với các ý tưởng không thể "đời thường" hơn. 
Với lượng tương tác khủng, bạn có biết vì sao không? Vì ý tưởng đó chạm đến nhiều người, ngay cả mình cũng "nhột" khi đọc nó, còn bạn thì sao?
5. Tạo thói quen liên tưởng
Hãy tạo thói quen liên tưởng giữa 2 hay nhiều sự vật hiện tưởng với nhau, như thế sẽ giúp bạn có một góc nhìn khác về vấn đề và có thể góc nhìn đó sẽ thu hút sự quan tâm của mọi người.
Một ví dụ để các bạn dễ hình dung nhé.
 
Bạn có thấy bức ảnh này quen không? Chắc chắn rồi, ít nhất một lần bạn đã từng thấy, thậm chí hồi mình còn đi học, giảng viên đã lấy hẳn nó để làm ví dụ cho bài giảng, điều đó cho thấy sự viral của nó đạt ở mức độ nào.
Nhìn vào bức ảnh sẽ chẳng khó để có thể nhận ra ý nghĩa của nó "Pepsi sẽ hóa trang thành CocaCola - một thức uống đáng sợ và chào đón Halloween với mọi người". Và cách đáp trả của CocaCola thực sự gây bất ngờ. Họ không tạo ra một ý tưởng mới, họ chọn thay đổi góc nhìn. Không thể phủ nhận, góc nhìn mới của CocaCola đã phản đòn quảng cáo của Pepsi rất mãnh liệt. Với sự thay đổi góc nhìn, từ một kẻ bị trêu chọc như là "một thức uống đáng sợ" thành "một nhân vật ai cũng muốn trở thành", CocaCola thành công truyền tải thông điệp mà không tốn bất kì chí phí nào.
KẾT LUẬN
Sẽ còn rất nhiều cách giúp bạn sáng tạo, hãy chia sẽ phương pháp của bạn để mọi người cùng học hỏi nhé.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024