Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/07/2023 23:07 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Sinh viên ra trường cần chuẩn bị những gì?


Nhiều bạn sinh viên thường hay băn khoăn về vấn đề là cần phải chuẩn bị những gì để khi ra trường có được một công việc tốt. Ở đây mình chỉ nói trên góc độ những kinh nghiệm của bản thân, những điều mình rút ra từ trong môi trường làm việc của mình nên chắc chắn sẽ còn vài điều thiếu sót không được nói đến, chỉ mong các bạn có thể chắt lọc được từ đó một vài điều giúp ích cho bạn.

Lúc còn đi học, mình là một sinh viên học lực rất bình thường, đến khi ra trường thì mình vào làm việc ở một cơ quan nhà nước. Trong quá trình học hay làm việc, mình đều dựa vào bản thân mình, chưa bao giờ dựa vào tiền bạc hay các mối quan hệ để xin xỏ, đòi hỏi quyền lợi. Nhìn chung thì công việc của mình khá thuận lợi, nhưng đằng sau đó chỉ có bản thân mình mới biết được là mình đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều, những thứ mình nhận lại đều là những thành quả xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Có rất nhiều người có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, họ nhìn đâu cũng thấy các vấn nạn như chạy điểm, chạy việc, chạy chức... Đó là những góc khuất của cuộc sống, ở đâu cũng có vậy thôi. Nhưng nếu chúng ta chịu nhìn nhận cuộc sống này với một sự tích cực thì sẽ nhận thấy những điều tích cực hơn. Xung quanh chúng ta có rất nhiều người thành công dựa vào năng lực bản thân của họ. Đó là những tấm gương tốt để chúng ta noi theo. Việc của chúng ta ngay từ khi còn đang đi học là hãy chuẩn bị cho mình những hành trang thật tốt để khi ra trường có được một công việc tốt.

Vậy sinh viên ra trường cần phải chuẩn bị những gì?

Kiến thức chuyên môn

Học đại học, cao đẳng hay trung cấp, hoàn toàn khác với khi học phổ thông đó là tất cả chúng ta phải tập trung tích luỹ chuyên môn. Chuyên môn là những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể mà chúng ta theo học. Mỗi người chỉ cần có một chuyên môn cũng đủ để nuôi sống chúng ta cả đời. Người tuyển dụng sẽ phải trả tiền để bạn sử dụng chuyên môn ấy. Sẽ không ai tuyển một người không có bất kỳ chuyên môn nào cả. Vậy nên, hãy tích luỹ cho mình ít nhất một chuyên môn, và phải thật giỏi chuyên môn đó. Có câu: "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề", ý nói chúng ta đừng tham lam học quá nhiều chuyên môn cùng lúc, để cuối cùng không có cái nào thật sự tốt mà chỉ nên rèn luyện một chuyên môn cho thật giỏi. Trong thời đại ngày nay, bất kể là chuyên môn gì cũng có thể giúp bạn kiếm được tiền, chuyên môn càng giỏi thì tiền kiếm được cũng càng nhiều tiền. Vậy nên hãy đặt mục tiêu cho bản thân là trở thành người tốt nhất trong lĩnh vực của mình.

Kiến thức xã hội

Kiến thức xã hội là những kiến thức liên quan đến xã hội và các vấn đề xã hội. Nó bao gồm các khía cạnh của văn hóa, lịch sử, chính trị, kinh tế và các vấn đề xã hội khác. Kiến thức xã hội có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh mình và dễ dàng thích nghi trong mọi tình huống. Với một người có kiến thức xã hội tốt thì họ sẽ dễ dàng thích nghi được với môi trường làm việc và sẽ là lợi thế cạnh tranh.

Hồi mới đi làm mình thường hay rơi vào tình cảnh lúng túng khi phải ngồi trò chuyện với sếp. Nói chuyện công việc thì cũng không được nhiều, mà những lúc ngồi giải lao cũng không thể cứ đem công việc ra mà nói được. Nói chuyện khác thì phải nghĩ xem nói chuyện gì cho phù hợp, ngồi với bạn bè đồng nghiệp thì nói ba chuyện tầm phào cũng chả sao nhưng với sếp thì phải cân nhắc kỹ hơn. Thế là qua nhiều lần thì mình cũng đã nắm được một vài chủ để mà sếp thích thú như xe cộ, cây cảnh, công nghệ... Vậy là xem trong đó có chủ đề nào mình hiểu biết tương đối nhiều thì mình cứ đem ra để nói, còn chủ đề nào mình chưa biết thì về nghiên cứu thêm để lần sau có dịp thì mình lại đem ra bàn luận.

Đợt đi công tác ở cơ quan khác, gặp một người chú lớn tuổi, cũng hơi khó tính nữa. Xong mấy lần ngồi nói chuyện cùng thì mình thấy người này thích nói về lịch sử, hay đưa các nhân vật lịch sử vào trong những dẫn chứng của mình. May mình cũng có am hiểu về những câu chuyện đó nên việc giao tiếp với người đó trở nên dễ dàng hơn, chắc chắn người đó sẽ có ấn tượng tốt về mình.

Đó chỉ là phần nhỏ những tình huống mà chúng ta có thể gặp trong cuộc sống. Một số người thường cho rằng làm như vậy là nịnh bợ, giả tạo. Nhưng hãy nghĩ đơn giản thì đó là cách tạo dựng những mối quan hệ công việc tốt, mình đâu có lợi dụng những mối quan hệ đó để trục lợi cá nhân đâu. Những mối quan hệ tốt sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc và cuộc sống nên hãy biết tận dụng điều đó.

Kỹ năng mềm

Bản thân mình là một người thích tìm tòi, học hỏi. Sau mấy năm đi làm mình cũng đã tích luỹ được khá nhiều kỹ năng có ích. Nhiều người cho rằng họ không được trả lương để làm những việc đó nên chỉ cần làm hết nhiệm vụ chính là được. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Hãy đặt vào tình huống có hai người cùng cạnh tranh nhau một vị trí, trình độ năng lực của hai người ngang nhau, nhưng nếu bạn có nhiều kỹ năng hơn người kia, hiển nhiên bạn là người mang lại nhiều lợi ích cho tập thể hơn nên sẽ được đánh giá cao hơn.

Mình liệt kê một vài kỹ năng cơ bản mà cảm thấy hữu dụng nhất mà ở bất kỳ đâu cũng sẽ gặp:

- Kỹ năng tin học văn phòng (soạn thảo văn bản, xử lý dữ liệu, thiết kế trình chiếu...).

- Kỹ năng soạn thảo các loại văn bản theo đúng thể thức (đây là kỹ năng rất quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ trong quá trình học tập).

- Kỹ năng đồ hoạ (chỉnh sửa hình ảnh, dựng video đơn giản, thiết kế ma két, khẩu hiệu...).

- Kỹ năng giao tiếp.

- Kỹ năng làm việc nhóm.

- Kỹ năng quản lý thời gian.

- Kỹ năng giải quyết vấn đề.

- Kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

Thái độ cầu tiến

Thái độ cầu tiến là thái độ muốn học hỏi và phát triển bản thân. Nó có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình và phát triển kỹ năng mới. Thái độ cầu tiến cũng có thể giúp bạn tạo ra một môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự phát triển của bản thân và những người xung quanh.

Mình đã nhiều lần được giao cho những nhiệm vụ khó mà trước đó chưa bao giờ làm. Những lúc như vậy mình hoàn toàn có thể từ chối nhiệm vụ đó. Nhưng mình đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ đó rồi mới bắt đầu nghiên cứu cách để giải quyết. Hầu hết những lần như vậy mình đều thành công, nhưng cũng có một vài lần không thể hoàn thành được dù đã tìm hết cách. Nhưng qua những lần như vậy mình đều tự tích luỹ được cho mình những kinh nghiệm mà nó sẽ có ích cho mình về sau. Giống như câu nói:

"Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên" - Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đây là những kinh nghiệm mình đúc kết được sau 5 năm đi làm. Những kiến thức, công sức mình bỏ ra đã đem lại cho mình nhiều hơn những gì mình mong đợi. Mình cũng từng là sinh viên nên hiểu được nỗi băn khoăn của các bạn. Hãy cứ tích luỹ thật nhiều kiến thức, không có gì là thừa cả. Chúng ta đang có tuổi trẻ, đừng ngại dấn thân vào bất cứ sự vất vả nào. Những công sức chúng ta bỏ ra chắc chắn sẽ có ngày thu về thành quả. Có thể không thu được lợi ích nhưng ít nhất cũng sẽ mang lại cho bạn những kinh nghiệm quý báu.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024