Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
09/11/2014 21:11 # 1
oanhoanh2122
Cấp độ: 15 - Kỹ năng: 11

Kinh nghiệm: 55/150 (37%)
Kĩ năng: 12/110 (11%)
Ngày gia nhập: 20/03/2014
Bài gởi: 1105
Được cảm ơn: 562
Phương pháp giảng dạy chủ động


Phương pháp giảng dạy chủ động

 Một trong những đổi mới là Phương pháp giảng dạy chủ động đang được thực hiện tại trường Cao đẳng Nghề Công nghệ Thông tin iSPACE và được toàn thể giảng viên tích cực hưởng ứng.

I. GIỚI THIÊU PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CHỦ ĐỘNG

Phương pháp giảng dạy chủ động (Active Teaching) là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. "Chủ động" được dùng với nghĩa là hoạt động, tích cực, trái nghĩa với bị động, thụ động. Phương pháp giảng dạy chủ động hướng tới việc hoạt động hóa, chủ động hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính chủ động của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính chủ động của người dạy, tuy nhiên để dạy học theo phương pháp chủ động thì giảng viên phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động.

II. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CHỦ ĐỘNG

1. Người học làm trung tâm

Trong phương pháp dạy học chủ động, người học - đối tượng của hoạt động "dạy", đồng thời là chủ thể của hoạt động "học" - được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giảng viên tổ chức, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giảng viên sắp đặt. Từ đó người học nắm được kiến thức kỹ năng mới, vừa nắm được phương pháp "làm ra" kiến thức, kỹ năng đó, không rập theo những khuôn mâu sẵn có, được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo. Dạy theo cách này thì giảng viên không chỉ giản đơn truyền đạt tri thức mà còn hướng dẫn hành động.

2. Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học

Phương pháp giảng dạy chủ động xem việc rèn luyện phương pháp học tập cho sinh viên không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là một mục tiêu dạy học. Trong xã hội hiện đại đang biến đổi nhanh - với sự bùng nổ thông tin, khoa học và công nghệ phát triển - thì bản thân người thầy cũng không thể nắm bắt được đầy đủ thông tin và không thể nhồi nhét sinh viên khối lượng kiến thức ngày càng nhiều đó. Vai trò của người thầy không còn là “người truyền đạt thông tin”, mà dạy cho sinh viên phương pháp tự học từ những môn học đầu tiên của chương trình. Vai trò của người Thầy sẽ là người hướng dẫn cho người học đi tìm tri thức.

3. Phối hợp giữa học tập cá nhân với học tập hợp tác

Trong một lớp học mà trình độ kiến thức, tư duy của sinh viên không thể đồng đều tuyệt đối thì khi áp dụng phương pháp chủ động buộc phải chấp nhận sự phân hóa về cường độ, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, nhất là khi bài học được thiết kế thành một chuỗi công tác độc lập. Áp dụng phương pháp chủ động ở trình độ càng cao thì sự phân hóa này càng lớn. Tuy nhiên, trong học tập, không phải mọi tri thức, kỹ năng, thái độ đều được hình thành bằng hững hoạt động độc lập cá nhân. Lớp học là môi trường giao tiếp giảng viên – sinh viên, sinh viên – sinh viên, tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trên con đường chiếm lĩnh kiến thức. Thông qua thảo luận, tranh luận trong tập thể, ý kiến mỗi cá nhân được bộc lộ, khẳng định hay bác bỏ, qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới. Điều này phù hợp với môi trường thực tế sau này khi sinh viên đã tốt nghiệp và đi làm, buộc mọi người phải học tập suốt đời, phối hợp giữa học tập cá nhân và học tập hợp tác.

4. Vai trò của giảng viên trong giảng dạy chủ động: người hướng dẫn, tổ chức hoạt động

Như đã đề cập ở trên, trong giảng dạy chủ động giảng viên không còn đơn thuần đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà trở thành người hướng dẫn cho sinh viên trên con đường đi tìm tri thức. Một cách cụ thể hơn, người thầy còn đóng vai trò thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để sinh viên tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình. Trên lớp, sinh viên hoạt động là chính, giảng viên chỉ là người hướng dẫn. Nhưng trước khi lên lớp, giảng viên phải đầu tư nhiều thời gian để thiết kế bài giảng sao cho đạt được chuẩn đầu ra; chọn lọc phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu và nội dung bài giảng. Trong quá trình giảng dạy, ngoài giờ lên lớp, người thầy còn phải theo dõi các hoạt động tự học của sinh viên, giúp đỡ khi cần thiết, trao đổi thảo luận và góp ý để người học đi đúng hướng. Như vậy, người thầy trong giảng dạy và học tập chủ động cần phải đầu tư công sức và thời gian rất nhiều so với kiểu dạy và học thụ động mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò là người gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi của sinh viên.

5. Kết hợp đánh giá của giảng viên với tự đánh giá của sinh viên

Trước đây giảng viên toàn quyền  đánh giá sinh viên, nhưng trong phương pháp chủ động thì giảng viên phải hướng dẫn sinh viên phát triển kỹ năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên được tham gia đánh giá lẫn nhau. Tự đánh giá đúng và điều chỉnh hoạt động kịp thời là năng lực rất cần cho sự thành đạt trong cuộc sống mà nhà trường phải trang bị cho sinh viên. Một điểm cần chú ý trong việc đánh giá đó là phải đánh giá dựa trên quá trình, tránh tập trung đánh giá vào cuối học kỳ và đa dạng các hoạt động đánh giá để người học có cơ hội thể hiện sự tiến bộ của mình trong quá trình học.

III. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CHỦ ĐỘNG

1. Phương pháp tư duy (Brainstorming)

Phương pháp tư duy được định nghĩa là cách thức vận dụng kinh nghiệm và sáng kiến mỗi người trong thời gian tối thiểu tùy vấn đề đưa ra để có được tối đa những dữ kiện tốt nhất; là phương pháp giúp sinh viên trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả thuyết về một vấn đề nào đó, trong đó có nhiều ý tưởng sáng tạo. Thực hiện phương pháp này, giảng viên cần đưa ra một hệ thống các thông tin làm tiền đề cho buổi thảo luận.

2. Phương pháp Suy nghĩ - Từng cặp - Chia sẻ (Think-pair-share)

Phương pháp này được thực hiện bằng cách cho các sinh viên cùng đọc tài liệu hoặc suy nghĩ về một chủ đề, sau đó các sinh viên ngồi cạnh nhau có thể trao đổi với nhau về ý kiến và kinh nghiệm của mỗi người một khoảng thời gian nhất định (khoảng vài phút), sau đó chia sẻ với cả lớp. Phương pháp này có ưu điểm là rất dễ dàng thực hiện mọi cấu trúc lớp học, ai cũng có thể tham gia được vào việc chia sẻ ý kiến của mình, tạo được sự tự tin cho người học dám nói ra những suy nghĩ của mình (đây là điểm yếu đối với đa số các sinh viên Việt Nam), giúp các sinh viên tập trung vào chủ đề đang học, biết mình đang học gì và đã hiểu vấn đề đến đâu, thậm chí nêu lên cả những vấn đề mới cho bài học.

3. Phương pháp học dựa trên vấn đề (Problem based learning)

Mục tiêu của học dựa trên vấn đề (được định nghĩa là việc nghiên cứu có chiều sâu về một chủ đề học tập) là học nhiều hơn về một chủ đề chứ không phải là chỉ tìm ra những câu trả lời đúng cho những câu hỏi được giảng viên đưa ra. Trong phương pháp học dựa trên vấn đề, sinh viên vừa nắm được kiến thức mới, vừa nắm được phương pháp lĩnh hội kiến thức đó, phát triển tư duy chủ động, sáng tạo, được chuẩn bị một năng lực thích ứng với đời sống xã hội, phát hiện kịp thời và giải quyết hợp lý các vấn đề nảy sinh.

4. Phương pháp hoạt động nhóm (Group based Learning)

Lớp học được chia thành từng nhóm nhỏ từ 5 đến 7 người. Tùy mục đích, yêu cầu của tình huống học tập, các nhóm được phân chia từng chủ đề của môn học. Khi làm việc nhóm, các thành viên phải làm việc theo qui định do giảng viên đặt ra hoặc do chính nhóm đặt ra. Các thành viên đều phải làm việc chủ động, không thể ỷ lại vào một vài người hiểu biết và năng động hơn. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Khi có một nhóm nào lên thuyết trình, các nhóm còn lại phải đặt ra các câu hỏi phản biện hoặc câu hỏi đề nghị làm sáng tỏ vấn đề. Bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động từ giảng viên.

5. Phương pháp đóng vai (Role playing)

Đóng vai là phương pháp tổ chức cho sinh viên thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Phương pháp  đóng vai có những ưu  điểm: sinh viên  được rèn luyện thực hành những kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trong môi trường an toàn trước khi thực hành trong thực tiễn; gây hứng thú và chú ý cho sinh viên; tạo điều kiện làm nảy sinh óc sáng tạo của sinh viên, khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của sinh viên theo chuẩn mực hành vi đạo đức và chính trị – xã hội, có thể thấy ngay tác động và hiệu quả của lời nói hoặc việc làm của các vai diễn.

Tóm tắt các phương pháp giảng dạy chủ động và tiến hành thực hiện

STT

Tên Phương Pháp

Tóm tắc hoạt động

Lợi ích mang lại

1

Tư duy

(Brainstorming)

GV nêu vấn đề cần giải quyết, qui định thời gian và cách thức làm việc

SV làm việc cá nhân, liệt kê nhanh ý tưởng

Tư duy sáng tạo

Giải pháp và đề xuất

2

Chia sẻ từng cặp

(Think – Pair - Share)

GV nêu vấn đề cần thảo luận, qui định thời gian và cách chia sẻ

SV làm việc theo cặp, lắng nghe và trình bày ý kiến, bảo vệ và phản bác

 

Cấu trúc giao tiếp

Tư duy xem xét, phản biện

3

Tổ chức học tập theo nhóm

(Group – Based - Learning)

GV tổ chức lớp học theo nhóm và chuẩn bị các nhiệm vụ học tập

Mỗi nhóm nhận nhiệm vụ và phối hợp với nhau thực hiện

Kỹ năng làm việc nhóm

Kỹ năng giao tiếp

4

Dạy học dựa trên vấn đề

(Problem – Based - Learning)

GV xây dựng vấn đề có liên quan đến nội dung dạy học

SV được giao giải quyết vấn đề trên cơ sở cá nhân hoặc nhóm

Xác định và hình thành vấn đề

Đề xuất giải pháp

Trao đổi, phán xét, cân bằng trong hướng giải quyết

5

Đóng vai

(Role – Play Teaching)

GV chuẩn bị kịch bản có liên quan đến nội dung môn học

Một số SV được phân vai để thực hiện kịch bản. Số còn lại trong vai khán giả và người đánh giá

Tư duy phản biện

Nhận biết về kiến thức, kỹ năng, thái độ cá nhân

V. PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CHỦ ĐỘNG ĐÃ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NHÓM MÔN KỸ THUẬT PHẦN MỀM TẠI TRƯỜNG CĐ NGHỀ CNTT iSPACE

1. Một số phương pháp đã áp dụng

Thời gian vừa qua, tôi đã áp dụng một số phương pháp như sau:

  • Phương pháp Suy nghĩ - Từng cặp - Chia sẻ
  • Phương pháp học dựa trên vấn đề
  • Phương pháp hoạt động nhóm

Đối với phương pháp động não và phương pháp đóng vai, tôi chưa áp dụng vì một số hạn chế nhất định. Tôi cho rằng tùy theo tình hình thực tế và đối tượng sinh viên đang học tại iSPACE mà chúng ta lựa chọn phương pháp cho phù hợp.

2. Tình huống cụ thể thực tế đã triển khai

Khi dạy đến nội dung Lập trình Hướng đối tượng của môn Lập trình mạng, yêu cầu sinh viên chia nhóm nhỏ thảo luận và trình bày những tình huống giảng viên đặc ra:

Ví dụ cụ thể một số tình huống và yêu cầu sinh viên thảo luận, trình bày đồng thời hướng sinh viên đi đúng nội dung:

- Trước đây sinh viên tiếp nhận yêu cầu một bài toán và lập trình các bước như thế nào?

  + Sinh viên tóm tắt các bước thực hiện trước đây từng làm

+ Giảng viên tập họp lại các ý của sinh viên, giải thích cách lập trình mà sinh viên từng học, sau đó dẫn nhập vào phương pháp lập trình mới đó là lập trình hướng đối tượng

- Đa số các bạn sinh viên đã từng đi xe máy, như vậy các bạn nêu đặc điểm của chiếc xe máy như thế nào, ngoài ra chiếc xe máy của mình có thể chạy như thế nào.

+ Sinh viên nêu những đặc điểm của xe máy: ví dụ khung xe, sườn xe, bánh xe, màu sơn, loại xe ... và xe có thể chạy như thế nào: ví dụ chạy tới, chạy sang trái, chạy sang phải ...

+ Từ những ý kiến sinh viên đưa ra giảng viên dẫn nhập vào khái niệm lớp đối tượng và xây dựng lớp đối tượng như thế nào.

- Khi xây dựng lớp đối tượng, phải xây dựng hàm constructor và destructor, tại sao như vậy?

+ Yêu cầu sinh viên suy nghĩ sau khi có lớp đối tượng, sử dụng lớp đối tượng đó như thế nào và liên hệ lại cách dùng một con trỏ trước đây: khai báo, sử dụng, xóa sau khi sử dụng.

+ Giảng viên khuyến khích sinh viên trình bày suy nghĩ của mình và các bạn khác xem xét, góp ý

- Tình huống cụ thể đặt ra là cộng hai phân số.

+ Sinh viên nêu những mong muốn khi cộng phân số, giảng viên gợi ý một vài trường hợp cụ thể cộng phân số với đầu vào là 2 phân số, đầu vào là phân số và một số nguyên, hoặc đầu vào là phân số với số thực ...

+ Từ những mong muốn của sinh viên về phương thức cộng, giảng viên tổng kết và trình bày nạp chồng phương thức.

- Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành xây dựng một số lớp đối tượng: Phân số, Điểm trong mặt phẳng, Sinh viên ...

Trong quá trình sinh viên làm việc nhóm, cá nhân, giảng viên có thể đánh giá hoạt động của sinh viên và ghi điểm, có thể là điểm kiểm tra hoặc điểm cộng khuyến khích.

Ngoài ra giảng viên nên khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu bằng cách cung cấp thêm tài liệu tham khảo, sắp xếp thời gian tiếp sinh viên, giải đáp thắc mắc của sinh viên.

3. Một số thuận lợi và khó khăn

a. Thuận lợi:

  • Sinh viên quan tâm đến lớp học nhiều hơn.
  • Chủ động làm việc nhóm, trao đổi với nhau tìm ra vấn đề giải quyết tình huống do giảng viên đặc ra
  • Số lượng sinh viên đến lớp đông hơn và đúng giờ hơn
  • Sinh viên tự tin hơn khi trình bày ý kiến của cá nhân, của nhóm
  • Với việc đổi mới cách đánh giá bằng cột điểm hàng tuần, cũng tạo được sức ép giúp sinh viên đi học đông hơn
  • Khi áp dụng phương pháp này đòi hỏi sinh viên hoạt động trong lớp nhiều hơn do đó hiện tượng làm việc riêng cũng đã giảm đáng kể.

b. Khó khăn:

  • Sinh viên còn xa lạ với phương pháp này, giảng viên vận động mãi mới bắt đầu làm quen
  • Kiến thức của sinh viên chưa đủ để tiếp nhận một môn học mới. Nguyên nhân có thể do không có môn ràng buộc tiên quyết chính vì vậy giảng viên mất nhiều thời gian ôn lại kiến thức đã qua.
  • Đa số sinh viên còn lười học và tâm lý ngại gặp giảng viên đây có lẽ là tình hình chung của các trường Đại học, Cao đẳng mà cần phải có biện pháp khắc phục
  • Đôi khi nội dung bài giảng khó để đặt vấn đề dẫn dắt, vì vậy giảng viên cần phải khéo léo linh hoạt để tránh dẫn dắt vấn đề lệch lạc.
  • Giảng viên phải tích cực hơn nhiều để tạo tình huống cuốn hút sinh viên.

4. Công tác chuẩn bị và kỹ năng giảng dạy

Qua thực tế triển khai, tôi có một vài chia sẻ về công tác chuẩn bị và kỹ năng cần phải rèn luyện trước khi bắt đầu buổi lên lớp:

a. Chuẩn bị:

Giảng viên phải chuẩn bị đầy đủ nội dung giảng dạy và các tài liệu có liên quan khi lên lớp. Cụ thể như: Slide bài giảng, Giáo trình thực hành, Tài liệu tham khảo, Sổ giáo án v.v...

Giảng viên nên chuẩn bị kịch bản lên lớp, trong kịch bản này thể hiện những công việc, tình huống, thời gian sẽ diễn ra trong suốt buổi học. Nêu được những hoạt động của sinh viên và giảng viên.

b. Kỹ năng cần thiết:

Giảng viên phải nắm vững các kỹ năng truyền đạt kiến thức đến sinh viên để thiết kế, dẫn dắt sinh viên đi từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ nông đến sâu.

Giảng viên phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể phương pháp dạy cũng như vấn đề phân phối chương trình trở thành một diễn tiến liên tục, giảm lý thuyết, tăng thực hành là một yêu cầu cần thiết, tất yếu cho quá trình đổi mới phương pháp giáo dục.

Giảng viên phải có kiến thức sâu, rộng nắm vững lý luận sư phạm về các lĩnh vực giảng dạy đồng thời phải biết chuyển tải những kiến thức đó vào chương trình, vào phương pháp giảng dạy, vào các bài học cụ thể. Có như vậy, giảng viên mới có thể giúp sinh viên tích cực chủ động, phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình học tập.

Giảng viên có nhiều kiến thức, có nhiều cách tổ chức và trình bày ngắn gọn, sáng tỏ cùng với sự nhiệt tình trong giảng dạy điều đó tạo điều kiện truyền đạt kiến thức cho sinh viên một cách hiệu quả và thành công.

theo phuongphaphoctap



oanhoanh

 

 


 
Các thành viên đã Thank oanhoanh2122 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024