Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
14/11/2015 08:11 # 1
Vothoaitram
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 16/140 (11%)
Kĩ năng: 17/70 (24%)
Ngày gia nhập: 27/08/2015
Bài gởi: 926
Được cảm ơn: 227
"Môn lịch sử: xóa sổ hay tích hợp thì cũng vậy!" và lời bình


 

Môn lịch sử: xóa sổ hay tích hợp thì cũng vậy!

Nguyễn Vinh

Lại một cuộc tranh luận dấy lên liên quan đến việc dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra xin ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể, theo tinh thần của dự thảo thì môn Lịch sử không còn đứng riêng mà sẽ được đưa vào trong nhóm môn học tích hợp.

Quan điểm từ bản dự thảo đã khiến giới nghiên cứu sử học phản ứng khá mạnh mẽ. Theo Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam) phát biểu trên tờ Pháp Luật TP.HCM thì đó là một hình thức xóa sổ môn Lịch sử. Ông công khai bày tỏ quan điểm sẽ đấu tranh đến cùng để giữ lại môn Lịch sử trong chương trình giáo dục ở trường trung học phổ thông.

Trong khi đó, bảo vệ cho dự thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trả lời trên Vietnamnet rằng:  “Để trang bị kiến thức chỉ là bước đầu và cũng là bước rất quan trọng nhưng mà quan trọng hơn là kiến thức đó nó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau thì phải được vận dụng một cách tổng hợp, sáng tạo thì mới có thể hình thành phẩm chất và năng lực người học tốt”.

Ông thứ trưởng cũng cho rằng, theo tinh thần dự thảo trên, thì không chỉ môn Lịch sử, Giáo dục Công dân mà cả Hóa học, Vật lý cũng sẽ là những môn được đưa vào diện tích hợp. Một trong những mục tiêu mang lại từ chủ trương tích hợp này chính là giảm tải chương trình và gia tăng tính hướng nghiệp cho học sinh.

Đã đành, tính phức hợp và liên ngành là khuynh hướng chủ đạo của khoa học hiện đại, là tư duy tri thức phổ biến ngày nay. Nhưng có lẽ, dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo lần này không hướng tới điều sâu xa đó, mà ở đây là một cách trốn chạy thực tế cay đắng: đã tới lúc những bộ môn được coi là công cụ truyền đạt “định hướng tư tưởng” (như lịch sử, giáo dục công dân), lại chính là những môn khiến người hưởng thụ tri thức (học sinh) hoặc miễn cưỡng tiếp nhận trong tình trạng mất hứng thú, hoặc coi đó là môn phụ, giáo điều và áp đặt. Điều này cũng phần nào đúng với cả bộ môn Ngữ văn.

Thực tế cho thấy qua các kỳ thi đại học, thí sinh chọn khối C (những bộ môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa) ngày càng giảm. Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh đại học 2014, khi môn sử được quy định là môn tự chọn, thì có hội đồng nọ, một phòng thi chỉ có một thí sinh.

Vì sao học sinh ngán môn sử? Dư luận, học giới cũng như chính các nhà sư phạm trong cuộc đã tốn rất nhiều giấy mực để chỉ ra nguyên do. Có thể tóm tắt các nguyên do ấy vào một câu: môn sử trong nhà trường đang mang tính phiến diện và thiếu khách quan, khoa học. Thêm vào đó là cách giảng dạy khô khan bởi chính người dạy đôi khi cũng chẳng mấy hứng thú với thứ tri thức mình chuyển tải.

Việc thay đổi chương trình và phương thức giảng dạy môn Lịch sử sao cho học sinh yêu sử nước mình hơn, sao cho kiến thức lịch sử đem lại nhận thức tốt hơn về dân tộc, đất nước và nhân loại cũng từng trở thành đề tài lớn của nhiều hội thảo và diễn đàn nhưng chẳng giải quyết được gì khi ai cũng biết rằng, nói là một chuyện, còn trên thực tế, việc tháo gỡ các ràng buộc để trả sử về cho sử về đúng nghĩa là sử thì khó khăn vô cùng.

Vậy thì việc đưa môn sử vào những môn tích hợp trong trường hợp này chẳng khác nào giấu nó vào trong một cái vỏ lớn hơn, nhùng nhằng hơn để những khuyết tật của nó có thể lẩn đi trong một mớ bòng bong chung chung, tránh mọi truy cứu về bản chất, nguyên nhân hay phản biện trước những hệ lụy. Việc làm này dĩ nhiên không khiến cho người học yêu sử hơn, càng chẳng làm cho chương trình nhẹ hơn và chắc chắn cũng chẳng liên quan gì tới sự hướng nghiệp cả.

Nhưng điều chắc chắn thấy được, trước hết đó chính là ngân sách giáo dục sẽ phải tiếp tục đổ vào việc soạn mới giáo khoa, tập huấn cho giáo viên, dân sẽ phải tốn tiền cho sách giáo khoa mới và một lớp học sinh sẽ lại hoang mang với những thay đổi xoành xoạch mà người làm chính sách giáo dục tạo ra.

Việc còn bộ môn Lịch sử hay không cũng không phải là chuyện lớn. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ khoa học lịch sử đang được những người làm giáo dục hành xử ra làm sao!

Sau đây là một số bình luận của người đọc:

Lữ Anh Vũ

 

Để môn Lịch sử thu hút học sinh học, cần phải nêu vấn đề thật ngắn gọn, phân cấp chương trình rõ ràng, ví dụ như cấp tiểu học sẽ học lịch sử Việt Nam giai đoạn nào, cấp THCS học giai đoạn nào, cấp THPT lớp 10 học lịch sử Việt Nam, lớp 11 học lịch thế giới là coi như xong chương trình học môn Lịch sử cấp phổ thông. 

Theo tôi, không chỉ môn Lịch sử mà cả môn Địa lý, Giáo dục công dân, các môn khoa học công nghệ đều kết thúc ở lớp 11. Sau đó, ở lớp 12 thì đi sâu vào môn Triết học, Tâm lý học, khoa học vi tính... Học sinh học xong chương trình phổ thông, nắm vững kiến thức, có thể vào trường nghề thật vững vàng nếu không thi đậu đại học. Còn ở bậc đại học nên giảm môn xã hội cho các ngành kỹ thuật để đầu tư chuyên sâu vào chuyên ngành.

Hà Kiên Vinh

Là một giáo viên môn Lịch sử, tôi rất buồn khic chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT có một cách nhìn không đúng đối với các môn học trong đó có môn Lịch sử. Thực trạng học sinh không thiết tha với môn Lịch sử không phải vì môn Lịch sử quá khó hay không sinh động. Ở đây, theo tôi là do chúng ta quá dàn trải chương trình; ôm đồm kiến thức..., nhất nhất buộc học sinh phải thuộc làu nào là sự kiện; nào là số liệu; ngày tháng... Tôi chưa nói đến chương trình cứ lặp đi lặp lại từ THCS đến THPT khiến các em cảm thấy nhàm chán.

Ngày xưa khi tôi học cấp một, quyển sách giáo khoa với hàng loạt tên các vị danh nhân, anh hùng dân tộc đã làm tôi say sưa hòa trong các công trạng, chiến tích của các bậc tiền nhân. Ở nước Mỹ, các nước châu Âu, khi dân nhập cư muốn trở thành công dân của họ, trước tiên phải thi lấy quốc tịch. Nội dung thi là lịch sử của các quốc gia đó... Vậy mà nói thì buồn chứ học sinh Việt Nam đa số các em dường như còn mù mờ trước kiến thức lich sử dân tộc. Môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn: học sinh quay lưng với môn Lịch sử. Môn Lịch sử trở thành môn tích hợp không biết các em học sinh sẽ có thái độ như thế nào trước Lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông.

Hãy trân trọng với quá khứ để vững tiến ở tương lai. Xin đừng vì một quyết định chủ quan mà làm nguy hại cho cả một lịch sử hào hùng của dân tộc mà bao thế hệ người Việt Nam đã đánh đổi bằng máu và nước mắt...

 



Không để nỗi sợ thành giới hạn bản thân

Facebook: Trâm Võ


 
Các thành viên đã Thank Vothoaitram vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024