Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/02/2024 07:02 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Tôi chẳng nói chuyện với bố bao giờ


Người ta thường nói trưởng thành là khi bạn có thể ngồi nói chuyện với bố mặt đối mặt, như những người đàn ông. Tôi chưa làm được như thế, và cũng chẳng tin rằng cứ phải lớn đầu rồi mới có những cuộc đối thoại sâu sắc với cha mẹ mình được. Thế giới chia làm hai nửa, một là những người có thể tâm sự với bố họ, hai là những người chẳng nói chuyện với bố bao giờ.

Tôi và bố tôi thuộc trường phái thứ hai.
Không phải là sự im lặng tuyệt đối, chúng tôi vẫn phải giao tiếp, nhưng những cuộc trò chuyện của chúng tôi chỉ mang tính chất trao đổi thông tin, đại loại sẽ là: “bao giờ thi học kỳ?” - “tuần sau ạ”; “hai đứa ra đây làm hộ t tý” - “vầng”; “alo, về ăn cơm bố ơi” - “biết rồi”... Xen giữa những lần đối đáp bình thường, thi thoảng lại có vài câu chửi mà tôi cũng chỉ biết im lặng: “m* sư, nhờ mỗi thế cũng không xong” hay “t tát cho phát bây giờ”.
Bố tôi rất bảo thủ, chuyện gì cũng được luận ra từ một cái nguyên nhân dở hơi nào đó mà ông tin là đúng, và phủ nhận mọi lời phân bua giải thích. Mọi cuộc tranh cãi trong nhà đều được ông phản bác bằng một cú pháp “không, làm gì có chuyện… , có mà… “, thêm cái giọng điệu kiểu rất chắc nịch, tự tin bản thân và nghi ngờ người khác nữa. Nên nhiều khi tôi cũng chẳng muốn đôi co, cứ ngồi im đó, để bố tôi đắc ý và lấn tới với đống lý lẽ của mình.
Bố tôi rất khó chiều, nhất là việc ăn uống. Cơm hơi cứng một tý là chê, hơi nhão cũng chê, thịt có tý mỡ là chê lấy chê để, đồ ăn mà dính mặn thì thôi xong. Nhà tôi nhiều vụ đau đầu vì chuyện đó, bố tôi cao hứng chê cơm mẹ nấu, thế mà mẹ tức, mẹ quát lại, rồi bố tự ái mà quay ra pha mì tôm ăn. Tất nhiên chuyện cũng kết thúc luôn hôm đó, vì bố chẳng chịu nổi quá một bữa bị đói do ăn mì :)))
Vì tôi là người ăn uống đơn giản, thế nào cũng được, nên mặc dù chẳng vào bếp nấu bữa nào, tôi cũng không thích cái kiểu kỹ tính của bố.
Hơn chục năm trước, lúc mà phong trào sắm smartphone và xài mạng xã hội nở rộ (ở quê tôi), bố tôi nhìn thấy ai dán mặt vào màn hình là ngứa mắt lắm, chê này chê nọ. Nhưng mà sau đấy, khi ông có máy và tập tành “hội nhập” thì còn bị nghiện hơn cả đội trẻ, suốt ngày thấy vừa hát vừa phát trực tiếp trên facebook, con mà có cái giấy khen là phải lên mạng flex ngay. May là đến tận bây giờ bố vẫn chưa biết tài khoản fb, insta của tôi trông như thế nào, vì lo sợ bị rò rỉ thông tin mật, nên thành ra tôi rất giỏi giấu giếm.
Cũng như bao đứa trẻ khác, hồi nhỏ tôi hay bị bố đánh, bố tôi hay dùng ngọn tre với khúc tần vì mức độ sẵn có một cách đáng sợ của chúng quanh nhà. Mẹ tôi chỉ dùng cán chổi, duy nhất vài lần, nên chúng tôi sợ bố hơn sợ mẹ. Càng lớn, tần suất ăn đòn của chúng tôi cũng giảm bớt, bố chuyển hướng cơn giận dữ sang ném đồ đạc, nhất là những thứ anh em tôi tranh nhau chơi. Dép trái, dép phải, cục rubik, tý nữa thì bay cả cái cây máy tính ghẻ.
Nếu cứ phải ngồi đối diện bố để nói chuyện, trạng thái phòng thủ của tôi luôn phải bật, phải cẩn trọng với từng lời nói. Khi mà cởi mở được đáp trả bằng những nhận định và phán xét, tôi lựa chọn im lặng. Cứ như vậy, chúng tôi chẳng tâm sự với nhau cái gì bao giờ.
Hồi thi đại học, tôi tự ý thay đổi nguyện vọng từ ngành IT sang marketing, đến lúc có giấy báo nhập học mới báo cho bố biết. Bố tôi tức lắm, làu bàu mấy hôm không dứt. “Sau này ra trường tự đi mà “chạy việc”, đừng hòng đợi t cho”, bố muốn sự chắc chắn cho khoản đầu tư của mình. Tôi cũng muốn bố an tâm, nhưng ngay lúc đấy, tôi cứ vừa nghe, vừa cắm mặt ăn, tôi chẳng buồn nói ra dăm ba cái suy nghĩ, dự định hay cái ước mơ ngây thơ của mình.
Những lần gọi video qua Zalo, tôi cũng chủ yếu nói chuyện với mẹ, nếu bố tôi nghe máy, ông sẽ bảo đợi mẹ về rồi gọi lại, rồi tắt luôn. Tôi chẳng hỏi bố dạo này việc nhà thế nào, bố cũng chẳng muốn biết dưới thành phố tôi đi học, đi làm ra sao. Có khi đấy là sự yên tâm, tin tưởng, nhưng cũng có khi chỉ vì chúng tôi nghĩ như thế là chẳng cần thiết.
Tôi và bố sẽ tránh những tình huống buộc phải mở lời. Ít nhất là khi ấy chúng tôi sẽ ngồi ăn, xem thời sự hoặc mỗi người một cái điện thoại, đưa sự chú ý của bản thân vào những thứ cụ thể và thế là chúng tôi chẳng cần phải nói năng gì với nhau. 
Như thế cũng chẳng sao cả, bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn ok với điều đó. Chỉ là thi thoảng, tôi để ý cuộc trò chuyện của mấy đứa bạn với bố họ, cảm giác thật thoải mái và gần gũi. Chắc hẳn như thế thì tuyệt hơn nhiều, khi ta biết luôn có một nơi đủ an toàn, sẵn sàng lắng nghe và đồng cảm với những vấn đề ta gặp phải, chấp nhận và chào đón ta trở về sau thất bại, ta chẳng còn sợ điều gì nữa.
Nhưng mà, những thứ bố tôi thực sự nghĩ, tôi chỉ được nghe qua lời kể của mẹ.
Mẹ nói, thỉnh thoảng bố không ngủ được, bố lo cái ngành, cái nghề tôi chọn bấp bênh, ra trường khó mà có nổi cái việc làm ổn định, trong suy nghĩ của một người nông dân ở quê thì marketing có lẽ chỉ là một cách gọi khác của những nhân viên tiếp thị cám, thuốc thú y hoặc đồ gia dụng, bố chẳng ưa gì mấy người họ. Lúc đó tôi cũng mơ hồ, tôi chỉ lên mấy cái quảng cáo trên TV và bảo rằng sau này việc của tôi là tạo ra chúng, không có gì cụ thể hơn.
Rồi lần khác, khi thằng em trai tôi cũng lên thành phố học, bố cũng mất ngủ, bố bảo mẹ: “t nhớ thằng T quá, giờ chúng nó đi hết rồi, biết bao giờ mới về đây, giờ chúng nó như là khách rồi”. Vẫn là mẹ kể, giọng mẹ qua điện thoại nhỏ lại, cười khoái chí vì sợ bố nghe thấy bố lại ngại. Nếu tôi vẫn còn ở nhà, hoặc nếu mẹ không bảo, tôi chẳng tin nổi có lúc bố tôi nghĩ và nói như thế.
Từ “nhớ” hay “yêu” quá lạ lùng đối với tôi, với những gì tôi biết.
Có lẽ tôi vẫn ngu ngơ nghĩ việc nuôi dạy con cái là bổn phận, một điều hiển nhiên mà bố mẹ phải làm. Vì chúng tôi quá ít nói chuyện với nhau, nên tôi cũng chẳng hiểu gì về tình cảm của bố cả. Nó vẫn luôn ở đó, thầm lặng, bền bỉ và chẳng cần nói thành lời, được ngụy trang trong những trận đòn roi, trong những lần mắng chửi đay nghiến.
Trông như vậy mà không phải như vậy.
Bố chưa học hết lớp 4, bà nội mất khi bố còn chưa lên 13, bố lớn lên bằng sự nghiêm khắc của ông nội và sự bươn trải trong khốn khó. Chỉ khi biết vậy, nghĩ về nó, tôi mới phần nào cảm thông và hiểu được tại sao bố lại nghiêm khắc và khó gần với anh em tôi. Giống như việc ta phải đặt mình vào vị trí của một người thì mới hiểu được tại sao họ làm như thế.
Những người như bố, những người nông dân vẫn cặm cụi ngày đêm trên cái mảnh đất thôn quê đìu hiu này, mục đích sống lớn nhất của họ có lẽ là nuôi nấng con cái nên người, vượt trên cả mong muốn có một cơ ngơi tiện nghi hay được hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Vì thế, khi những đứa trẻ trưởng thành và tự lập, họ biết sứ mệnh đó cũng sắp đến hồi kết, họ không còn thứ động lực để cố gắng nhiều như trước nữa, họ hụt hẫng và trống rỗng, ẩn dưới hình hài của nỗi cô đơn.
Dần dần, tôi phải học cách nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn. Những lần gọi về, tôi hay gạ bố kiếm một thú vui nào đấy, nuôi vài con vật lạ, bỏ bớt công việc đi và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Nhiều khi tôi còn nói đùa rằng tôi muốn ra nước ngoài, ở một đất nước khỉ gió nào đó và có khi biệt tăm không về nữa, nên bố mẹ cứ xác định tìm kiếm giải pháp thay thế dần đi.
Hôm nọ về quê, tôi thấy bố đang loay hoay làm cái tiểu cảnh ở sân trước, có núi đá, có thác nước và có cái bể bên dưới để thả cá chép. Mấy hòn đá được bố chở xe máy ở tận đâu về, cả năm mới gom đủ. Bố cứ loay hoay xếp đặt, đổ xi măng, chỉnh hết góc này đến góc kia, hở lúc nào không đi làm là lại hí hoáy chứ không chịu nghỉ ngơi. Bố khoe tôi với cái vẻ khoái chí: “mấy nữa chỗ này t sẽ thêm đèn nháy, chỗ kia đặt cái tượng…”. Bao năm ở nhà tôi chẳng biết bố có một thú vui thực sự gì ngoài những lúc kiếm tiền, nên giờ cũng thấy thế cũng mừng lắm.
 
Tôi biết trong số những bạn đọc ở đây, ít nhiều bạn cũng đang gặp đôi chút vấn đề với bố mình, cũng lạnh lùng, cũng chẳng mấy khi tâm sự này nọ, đó là tình cảnh không của riêng ai. Mong rằng những chia sẻ của tôi sẽ giúp bạn (và chính bản thân tôi nữa) hiểu hơn tình cảm của cha mẹ mình, hiểu được thái độ và những gì họ làm cho ta, để biết trân trọng những người quan trọng nhất mà ta đang có.
Cảm ơn bạn vì đã đọc tới dòng cuối cùng này, mong bạn cũng có thể chia sẻ những câu chuyện hay suy nghĩ của bản thân với gia đình của bạn, để bài viết được thêm hoàn thiện và phong phú.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024