Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/10/2023 15:10 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Khóc là mạnh mẽ


Mình vừa nghe một tập podcast Have a sip của Vietcetera với khách mời là Châu Bùi, và mình đã ấn tượng bởi câu nói khi kết buổi talkshow của chị ấy: "Em mong là em có thể khóc nhiều hơn". 
Câu nói này đã mang thêm cho mình nhiều suy ngẫm hơn về một vấn đề mình vốn đã nghĩ ngợi trong một khoảng thời gian khá dài: Khóc là yếu đuối - Phải vậy không?
Mình luôn được mọi người xung quanh nhận xét là mạnh mẽ, và mình sống với nhãn mác đó bắt đầu từ khi nào mình cũng không hề rõ. Nước mắt, lúc đó, được mình xếp vào hạng mục "yếu đuối", "mong manh", hoặc bất cứ tính từ nào mình cho rằng nó đối lập với nhãn mác của bản thân. Với mình, trừ phi nước mắt của bạn giúp bạn kiếm ra tiền (ví dụ như các diễn viên có cảnh khóc, hoặc bạn là nàng tiên cá và nước mắt có thể hóa thành ngọc trai ^^ ), còn không, thì nước mắt là vô dụng, gây lãng phí thời gian và thậm chí là làm phiền người khác. Đơn giản rằng, khi vấn đề xảy ra, việc bạn cần làm là tìm nguyên nhân và giải pháp, chứ không phải đứng đó và khóc lóc mè nheo ăn vạ đời.
Với lối suy nghĩ tiêu cực ấy, mình đã từng bài xích rất nhiều những người dễ khóc, hay mình gọi là mít ướt. Mình cho rằng họ là những người không thể làm nên chuyện lớn, bởi đa số thời gian tình trạng của họ là nước mắt tùm lum với tiếng sụt sùi có phần khó chịu. (Giờ nhìn lại, mình thấy mình đã thiển cận và suy nghĩ chủ quan đến nhường nào). Cùng lúc ấy, mình rèn được cho bản thân "tuyệt chiêu nuốt nước mắt vào trong" và "poker face" khi xung quanh có người, dù có thể trong lòng thấy xúc động bởi tình huống lúc đó.
Như thể ghét của nào trời trao của ấy, trong quãng đời trưởng thành, vô tình mà hữu ý, mình lại có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều cá nhân luôn dễ dàng rơi nước mắt. Đồng thời, mình bắt đầu gặp nhiều vấn đề liên quan đến cảm xúc của bản thân hơn. Có khoảng thời gian, bên trong mình hoàn toàn trống rỗng, mình đánh mất mọi cảm xúc đơn thuần: buồn, vui, đau đớn, tức giận, vân vân. Mình không hiểu bản thân đang gặp vấn đề gì, nhưng mình biết có điều gì đó không ổn: Hình như mình đã quên mất cách thể hiện cảm xúc của bản thân, đến nỗi chính mình cũng không còn cảm nhận được chúng nữa. Mình đã thử một vài phương pháp tiêu cực, và mọi thứ dần tệ đi. Khi ấy, nhìn các bạn ngày thường "mít ướt", thấy nụ cười sáng ngời cùng ánh mắt vô tư của họ, mình bỗng thấy thật hâm mộ. 
Mình dần tự hỏi: Tại sao mình không thể khóc? Và tại sao họ lại có thể dễ dàng thể hiện cảm xúc ra bên ngoài mà như thể không kiêng dè điều gì như vậy? Có đúng là mình mạnh mẽ, còn họ yếu đuối hay không?
Mọi thứ chỉ bắt đầu ổn hơn khi mình dần cho phép bản thân được khóc. Là được khóc, là quyền lợi đầu tiên vốn có mà mình được sở hữu từ khi đến với cuộc đời này nhưng mình đã tự tay bác bỏ nó. Mình nhận ra, khóc cũng là cách để cơ thể được xả để rồi thấy nhẹ nhàng hơn. Phấn khích quá: khóc, đau thương tột cùng: cũng khóc. Tất cả đều vì một mục đích: trở về trạng thái cân bằng, bởi chỉ khi giữ được cán cân thăng bằng, mọi sự mới hanh thông và vạn vật sẽ xuôi theo dòng. Từ đó, cuộc đời sẽ dễ thở hơn, và bạn sẽ lấy lại được sức mạnh để vững tay chèo trên dòng đời phiêu bạt.
Bởi vậy, không phân biệt hoàn cảnh, tầng lớp, hay giới tính, hãy khóc nếu bạn muốn, vì tiếng khóc là ngôn ngữ giao tiếp đầu tiên chúng ta được học từ khi lọt lòng. Dù lớn lên và xung quanh là vô vàn các ngôn ngữ khác được lưu hành, thì bạn vẫn có quyền lựa chọn nước mắt làm tiếng nói của bản thân mỗi khi cần. Bởi khóc là biểu hiện của sự mạnh mẽ.
Khá vô tình khi bài viết này được hoàn thành đúng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Với mình, ý nghĩa của ngày này không chỉ thể hiện cho sự phát triển của phong trào nữ quyền, mà còn đại diện cho sự tiến bộ về tư tưởng bình đẳng giới - là sự bình đẳng của cả hai giới: nam và nữ. Dù bạn thuộc giới nào, hi vọng bạn luôn được tự do thể hiện cảm xúc của chính mình mà không bị trói buộc bởi bất cứ định kiến nào từ xã hội hoặc từ chính bản thân.
Hi vọng bạn đã có một ngày lễ 20/10 với nhiều tiếng cười và mong bạn sống một đời an yên!

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024