Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/08/2023 22:08 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Viết để lắng nghe bản thân nhiều hơn


Tôi có một người bạn thân thời đại học. Chúng tôi ở chung 1 thành phố, nhưng rất ít gặp nhau. Có lẽ chúng tôi đều là những người ngại "nói" về mình, theo đúng nghĩa đen của từ ấy. Thế nhưng chúng tôi lại thích viết thư để bày tỏ những cảm xúc, hay suy tư về bản thân, về cuộc sống. Tôi không phải là một người kể chuyện hay, và cậu ấy cũng vậy. Mỗi lá thư (hay đúng hơn là mail, nhưng tôi thích gọi là thư hơn, nghe cho có vẻ lãng mạn) lá nào cũng dài, đa số là kể những chuyện mà nếu có cho tiền cũng không dám kể trực tiếp. Kể bằng văn khiến chúng tôi dũng cảm hơn với những ý nghĩ của mình.

Chúng tôi bắt đầu viết cho nhau kể từ khi cậu ấy đi du học, cho đến tận bây giờ khi bạn tôi đã về nước được hơn 2 năm. Có lẽ nó đã trở thành 1 thói quen khó bỏ bởi vì nó mang lại cảm giác rất đáng quý. Đó là được có 1 ai đó thật sự quan tâm mình, nghe những điều mình nói, không cần phải giật tít, viết những thứ theo trend để có được sự tương tác. Đối với tôi, thi thoảng tôi vẫn xúc động khi nhận được thư của cậu ấy, có khi còn rơm rớm nước mắt, nói hơi quá chứ giống như Johnsy trong "Chiếc lá cuối cùng" nhìn thấy những chiếc lá thường xuân do cụ Behrman tạo ra vậy.

Qua những con chữ, chúng tôi nhìn rõ hơn về đối phương. Có những chuyện nếu nói ra thì dễ trở nên gượng gạo, còn viết thì tự mở ra một không gian rộng hơn để bày tỏ suy nghĩ của mình. Có lẽ chưa bao giờ việc viết lại trở thành một kỹ năng được quan tâm như bây giờ. Còn nhớ ngày xưa khi tôi học chuyên văn, thì mọi người luôn đề cao chuyên toán, các bạn ấy lúc nào cũng nhận được sự chú ý đặc biệt. Nhưng mà giờ những người giỏi toán cũng viết, thậm chí viết nhiều. Không biết bây giờ kỹ năng làm văn có được dạy khác đi hay không, kiểu như dạy người ta viết làm sao để thu hút sự chú ý của người khác, tạo sự ảnh hưởng như các khóa học dạy viết sáng tạo ấy. Tôi đoán là không đâu, vì đa số nội dung trong chương trình dạy về việc phân tích văn của người khác, chứ không phải khuyến khích người ta viết văn của mình. Nhưng thôi, cũng không quan trọng lắm. Miễn là chúng tôi vẫn thấy viết là một cách giao tiếp hiệu quả là được, dù viết có hay hay không.

Từ bé tôi đã thích viết thư, và tận dụng mọi cơ hội để làm điều ấy. Có khi là viết cho bà chị họ, cho bạn quen qua mạng, bạn từ cấp 3 nhưng lên đại học thì ở thành phố khác. Nhưng thường mọi người chỉ hồi âm cho tôi 1, 2 lá gì đó rồi ngủm hẳn. Nên tôi biết, ít người có thói quen viết và thích viết, cho dù đó có thể là người "sáng tạo nội dung". Bạn bè tôi khi biết tôi và cậu ấy viết thư cho nhau thì đều coi là chuyện khôi hài. Mặc dù họ đều là những người học luật, nghĩa là ngôn ngữ là công cụ họ dùng hàng ngày. Nhưng để dành thời gian viết một điều gì đó cho bản thân họ thì hiếm hoi lắm, mọi người thích giữ ở trong lòng hơn, hoặc nhiều lắm thì nhắn tin là đủ rồi. Còn vì một nghề nghiệp nào đó mà phải viết để tăng uy tín, để trả lời khách hàng, để thu hút người khác thì có lẽ khó để tận hưởng chuyện viết lách cho được.

Nên cậu ấy là một người hiếm hoi, mà có lẽ là sẽ khó tìm được người thứ 2 để mà siêng viết cho tôi và siêng đọc những điều tôi viết. Thật ra thứ chúng tôi cần là được nói ra những điều mình nghĩ một cách tự do, chúng tôi viết cho bản thân nhiều hơn là cho người khác. Với lại, những gì trên mặt chữ ấy là thứ lưu giữ nhiều điều, vì mấy ai nhớ nổi mình đã từng nghĩ gì vào thời điểm ấy.

Nếu bạn là một người sáng tạo nội dung, liệu bạn có từng sáng tạo cho chính bản thân mình hay chưa? Mọi người hay nói là hãy tạo ra những nội dung mà người khác quan tâm hơn là bạn quan tâm, như vậy người ta mới đọc bài của bạn. Nhưng điều gì sẽ nuôi dưỡng nguồn năng lượng để bạn viết, viết cho bạn hay viết cho người khác?

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024