Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
24/05/2010 12:05 # 1
vuiga9x
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 10

Kinh nghiệm: 46/110 (42%)
Kĩ năng: 15/100 (15%)
Ngày gia nhập: 28/01/2010
Bài gởi: 596
Được cảm ơn: 465
10 trận đấu kinh điển trong lịch sử World Cup


Kể từ thời còn phải dùng tàu thủy di chuyển đến nước chủ nhà cho đến máy bay hiện đại ngày nay, các trận đấu tại World Cup luôn là bữa tiệc bóng đá đáng thưởng thức nhất. Dưới đây là 10 cuộc đối đầu mang tầm vóc kinh điển.

Vòng một World Cup 1938: Brazil 6-5 Ba Lan

Cú lội ngược dòng của Ba Lan quả là đáng khâm phục với pha gỡ hòa 4-4, sau khi đã để dẫn trước 1-3. Tuy nhiên, bằng phong độ cực kỳ xuất sắc, "viên kim cương đen" Leonidas đã bắn hạ "đại bàng trắng" bằng hai bàn thắng quyết định trong thời gian hiệp phụ.

Leonidas phát minh ra kiểu ghi bàn "xe đạp chổng ngược".

Sau màn rượt đuổi đầy ấn tượng trên, Brazil loại tiếp Tiệp Khắc ở tứ kết để tiến sát giấc mơ vô địch. Nhưng tại bán kết, HLV Ademar Pimenta đã đưa ra một quyết định "xuẩn ngốc" khi cho Leonidas nghỉ dưỡng sức, vì nghĩ rằng ĐKVĐ Italy....quá yếu. Tỷ số 2-1 nghiêng về đoàn quân thiên thanh đã khiến Pimenta sau này bị người đời chỉ trích mãi. Ngay cả danh hiệu vua phá lưới dành cho Leonidas (8 bàn) cũng chẳng làm dân Brazil bớt tức giận.

Chung kết 1954: Tây Đức 3-2 Hungary

Chính những "gã phù thủy Magyar" mới là ứng cử viên số một khi đã nện cho Tây Đức tơi bời ở vòng bảng, với tỷ số....8-3. Sức mạnh đó đã phần nào được minh chứng trong trận chung kết khi lần lượt Puskas và Czibor đưa Hungary dẫn trước 2-0, chỉ sau 10 phút đầu.

Nhưng đúng vào thời khắc quyết định, Tây Đức mới bộc lộ đặc tính đáng sợ nhất của mình: bộ thần kinh thép lì lợm. Dưới cơn mưa tầm tã trên sân Wankdorf ở thành phố Berne (Thụy Sĩ), lần lượt Max Morlock (11") và Helmut Rahn (18", 84") giúp "cỗ xe tăng" đảo ngược tình thế. Đội bóng "bách chiến bách thắng" đã bị đánh bại. Còn Tây Đức, từ chỗ chẳng được đánh giá cao, bỗng bất ngờ giành ngôi vô địch.

Chung kết 1966: Anh 4-2 Tây Đức

Cuộc chinh phục chiếc Cup vàng ngay trên quê hương của đội tuyển Anh đã suýt biến thành ác mộng khi Đức san bằng tỷ số 2-2, ở đúng phút 90.

Tuy nhiên, trọng tài Dienst người Thụy Sĩ đã trở thành vị cứu tinh cho xứ sở sương mù bằng khả năng "nhìn" thấy bàn thắng trong pha bóng Geoff Hurst sút dội xà, nảy xuống nhưng chưa qua vạch vôi (bàn đầu tiên trong số hai bàn mà tiền đạo này ghi được trong hiệp phụ).

Người ta cho rằng chính vì may mắn này mà Anh đã phải trả giá trong 3 lần gặp Đức sau đó ở các giải lớn (thua 2-3 sau khi đã dẫn trước 2-0 ở tứ kết World Cup 1970, và thua sau loạt đá luân lưu ở bán kết World Cup 1990 và Euro 1996).

Tình huống miêu tả lại bàn thắng gây tranh cãi của Geoff Hurst.

Vòng bảng 1970: Brazil 1-0 Anh


Cuộc đối đầu kinh điển giữa hai thế hệ tài năng nhất của bóng đá Anh và bóng đá Brazil được ghi dấu ấn nhờ một pha cứu thua hay nhất mọi thời đại. Dù bị Moore kèm rất chặt nhưng Pele vẫn thực hiện được pha đánh đầu sắc như dao cạo về sát mép cột dọc. Các bình luận viên trên sân Jalisco đã đồng loạt hô "vào", nhưng chưa kịp dứt lời thì thủ môn Banks đã ngả người cứu thua bằng một phản xạ không thể tin nổi.

Tuy vậy, dù có tài năng đến mấy, "người nhện" sinh tại Sheffield vẫn không thể ngăn nổi Jairzinho - vua phá lưới World Cup 1970 - ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.

Bán kết 1970: Italy 4-3 Tây Đức

Trận đấu hay nhất mọi thời đại là cuộc rượt đuổi kinh hoàng đến ngẹt thở. Italy vượt lên ngay ở phút thứ nhất, nhưng Tây Đức liên tục gỡ hòa hết 1-1 (phút 90) rồi 3-3 (phút 110). Cuối cùng, "thần kinh thép" cũng bị nung chảy trước sự quả cảm của những đấu sĩ đến từ dải đất hình chiếc ủng, khi đích thân Gianni Rivera, Quả bóng vàng châu Âu 1969, ghi bàn thắng quyết định.

Trận đấu trên còn được nhớ tới bởi hình ảnh hào hùng của Franz Beckenbauer, với một cánh tay băng trắng vì chấn thương, vẫn chiến đấu đủ 120 phút.

Chung kết 1970: Brazil 4-1 Italy

Sau khi đã hạ ĐKVĐ thế giới (Anh, ở vòng bảng) và ĐKVĐ Nam Mỹ (Uruguay, ở bán kết), Brazil thắng nốt ĐKVĐ châu Âu (Italy) ở chung kết để vĩnh viễn sở hữu chiếc Cup nữ thần vàng.

Sau bàn mở tỷ số của Pele, đoàn quân thiên thanh chỉ phản ứng được một lần, trước khi sụp đổ hoàn toàn bởi hàng loạt pha dứt điểm chớp nhoáng của Gerson, Jairzinho và Carlos Alberto. Giới chuyên môn đánh giá đây là trận chung kết World Cup hay nhất trong lịch sử, và cũng là thời khắc chứng kiến Brazil đạt đến tột đỉnh của sức mạnh.

Pele trở thành cầu thủ duy nhất 3 lần vô địch thế giới.

Vòng bảng thứ hai, World Cup 1982: Italy 3-2 Brazil

Hai sai lầm trong hàng thủ Selecao cùng một pha chọc chân cực nhanh giúp Paolo Rossi lập được một hat-trick cho Italy. Cho tới nay, đấy vẫn được coi là kết quả gây bất ngờ nhất của ngày hội bóng đá hành tinh, vì đoàn quân thiên thanh khởi đầu rất tệ ở vòng bảng thứ nhất (hòa đủ 3 trận).

Các cầu thủ áo vàng xanh lên máy bay sớm trong sự bàng hoàng của cả thế giới, vì thế hệ năm 1982 được đánh giá tài năng chẳng kém thế hệ 1970.

Bán kết 1982: Tây Đức 3-3 Pháp (đá luân lưu, Đức thắng 5-4)

"Thần kinh thép" của Tây Đức thêm một lần khiến người ta phải ngả mũ kính phục. Các học trò của HLV Jupp Derwall san bằng được tỷ số, ngay cả khi đã bị dẫn 1-3 trong hiệp phụ.

Sau khi giúp Harald Schumacher không bị đuổi trong pha cố tình chơi xấu Battiston, "thần may mắn" tiếp tục giúp thủ môn này đẩy được 2 quả luân lưu quyết định. Đây là trận đấu đầu tiên trong lịch sử World Cup phải giải quyết bằng thi đá 11m.

Các bàn thắng: 1:0 Littbarski 17, 1:1 Platini 26, 1:2 Tresor 92, 1:3 Giresse 98, 2:3 Rummenige 102, 3:3 Fischer 108

Luân lưu: 0:1 Giresse, 1:1 Kaltz, 1:2 Amoros, 2:2 Breitner, 2:3 Rocheteau, (2:3) Stielike (Ettori cứu), (2:3) Six (Schumacher cứu), 3:3 Littbarski, 3:4 Platini, 4:4 Rummenige, (4:4) Bossis (Schumacher cứu), 5:4 Hrubesch

Tứ kết 1986: Pháp 1-1 Brazil (Pháp thắng 4-3 trong loạt luân lưu)

Trận đấu giữa hai đại biểu hào hoa và kỹ thuật nhất đáng tiếc lại chứng kiến cả 3 tên tuổi hàng đầu của bóng đá thế giới là Socrates, Zico, và Platini đá hỏng quả 11m.

Careca mở tỷ số cho Brazil sau một pha dàn xếp dứt điểm đậm nét xứ sở samba. Nhưng từ quả tạt bên cánh phải của Rocheteau, bóng vượt quá tầm với của cả tiền đạo Pháp Yannick Stopyra lẫn thủ môn Brazil, Carlos, tạo điều kiện cho Michel Platini thoải mái đưa bóng vào lưới trống san bằng tỷ số 1-1. Lẽ ra Zico có cơ hội đem chiến thắng về cho Brazil nhưng anh sút hỏng quả phạt đền trong hiệp hai.

Sau 120 phút, hai đội kéo nhau ra chấm 11m. Platini sút hỏng cho Pháp nhưng Bats đã chặn đứng được Socrates còn Julio Cesar đá ra ngoài. Pháp vào bán kết, trong khi Brazil bắt đầu cảm thấy bóng đá nghệ thuật ngày càng mất chỗ đứng trong thế giới thực dụng.

Pha đá hỏng phạt đền của thiên tài Zico.

Vòng hai World Cup 1994: Romania 3-2 Argentina

Dưới sự chứng kiến của hơn 90.000 khán giả trên sân Rose Bowl (thành phố Pasadena, Mỹ), hai ngôi sao Ilie Dumitrescu và Gheorghe Hagi đã truyền cảm hứng giúp Romania quật đổ nhà cựu vô địch thế giới.

Vắng Maradona (bị treo giò do sử dụng doping), Argentina không suy sụp ý chí, nhưng đánh mất nét sắc sảo trong các pha hãm thành. Chiến thắng của Romania là hình ảnh tiêu biểu cho làn sóng Đông Âu tại World Cup 1994.

Các bàn thắng: 1:0 Dumitrescu 9, 1:1 Batistuta 15, 2:1 Dumitrescu 17, 3:1 Hagi 57, 3:2 Balbo 74
Theo VnExpress



 
Các thành viên đã Thank vuiga9x vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024