Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/02/2024 22:02 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Khi tình yêu khóc trong chiếc smartphone


Cyber Romance đã không còn là khái niệm xa lạ đối với những “người bản địa kỹ thuật số” (thuật ngữ chỉ những người trẻ có cơ hội tiếp xúc với công nghệ thông tin từ sớm). “Internet Love” đã dần dần tiếp cận, thâm nhập và trở thành một phần cuộc sống của chúng ta. Thuở bình minh của các nền tảng giao lưu kết bạn trên mạng Internet, những ứng dụng hẹn hò (Dating Apps) như Tinder, Bumble, Facebook Match chỉ được xem là nơi tạo dựng kết nối, khơi nguồn tình yêu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc có một “mối tình mạng” từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc đã trở thành một xu hướng không lạ lẫm với nhiều người trẻ.

Trong bộ phim điện ảnh “Her”, đạo diễn Spike Jonze đã khéo léo xây dựng một thế giới giả tưởng, một xã hội tương lai - nơi máy móc đang dần xâm lấn và chi phối cuộc sống con người. Những thước phim nên thơ bao trùm lấy cuộc sống cô độc của nhân vật chính - nhà văn Theodore. Làm nghề viết lách, Theodore là hiện sinh của một linh hồn lãng mạn bị giam cầm trong xã hội công nghệ lạnh lẽo tình người. Hình ảnh anh đeo tai nghe vui vẻ trò chuyện cùng người yêu cũng đồng thời là hệ điều hành AI tên Samantha khiến người xem vừa thấy kỳ lạ nhưng cũng cảm nhận được sự thân quen. Cảm giác thân quen nảy nở từ đâu? Có phải chúng ta cũng đang thấy một phần bản thân tồn tại trong anh nhà văn kỳ dị Theodore? 

Samantha đem lại cho Theodore và người xem cảm giác ấm áp vừa đủ, gần gũi vừa đủ nhưng cũng xa lạ vừa đủ, lạnh lẽo vừa đủ. Mối tình Người - Máy này thân mật vừa đủ nhưng cũng xa xôi vừa đủ. Đây có phải điều mà chúng ta - người trẻ sống trong thế giới số đang cần? Một người tình chỉ kết nối qua tin nhắn, cuộc gọi sẽ không thể can thiệp vào việc bạn thực sự ăn gì, uống gì, đi đâu, với ai. Tất cả những gì chúng ta biết về một người tình ảo sẽ chỉ là “con người mạng xã hội” của họ, là bề nổi đẹp đẽ của một tảng băng tan. Nhưng nhu cầu biết hơn, hiểu hơn về đối phương trong xã hội hiện đại có lẽ đang dần bị triệt tiêu. Trong một guồng sống vốn đã bộn bề với vô số thông tin bủa vây mỗi ngày, nỗi sợ phải ôm ấp thêm một con-người-thật với hàng ngàn rắc rối đính kèm đã trở nên phổ biến. Lối sống self-love (yêu bản thân) được truyền bá rộng rãi trên báo đài khiến con người cá nhân không còn đủ bao dung để chấp thuận những khuyết điểm, những mảng tối rất đời, rất thật của đối phương trong một mối quan hệ tình cảm. Catherine - vợ cũ cũng đồng thời là mối tình thuở niên thiếu của Theodore từng nói với anh trong một lần gặp lại: “Anh muốn yêu. Nhưng anh sợ phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh trong tình yêu”. Giả thuyết này cũng có thể là cội nguồn cho thực trạng “lười yêu” và lựa chọn độc thân không lập gia đình của người trẻ tại nhiều các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, một mối tình ảo lại là lời giải có vẻ vừa vặn cho bài toán này.
Samantha “vừa vặn” với Theodore sau sang chấn hậu ly hôn bởi nàng có vẻ sẽ không có những mong cầu hay đòi hỏi gì to tát. Lớp rào chắn sau màn hình điện thoại hay tai nghe không dây đã bảo vệ chàng nhà văn khỏi trách nhiệm cho đi và nghĩa vụ hy sinh. Hy sinh công sức, hy sinh thời gian, hy sinh tiền bạc - toàn là những thứ chúng ta luôn thấy thiếu thốn. Có một mối tình ảo qua mạng xã hội hay các ứng dụng hẹn hò có nghĩa là chúng ta sẽ không thấy nét mặt u sầu, không thấy sự hiện diện của những giọt nước mắt, vì thế sẽ không phải chịu trách nhiệm với tâm trạng hay cảm xúc của đối phương. Trong phim, khi Samantha ghen với Catherine vì cô có thể yêu Theodore trong hình hài của một con người, nàng không thể làm gì nhiều hơn để thể hiện sự giận hờn ngoài việc offline. Theodore không nhìn thấy nên khó có thể cảm thấy nỗi buồn của người tình AI, do đó cũng chẳng thể làm gì nhiều hơn ngoài việc chìm vào giấc ngủ. Có một người bạn từng nói với tôi rằng: “Tao cũng muốn yêu. Nhưng tao ngại phải thay đổi cuộc sống của tao, phá vỡ thói quen sinh hoạt của tao vì một người”. Một chuyện tình chỉ cần sóng điện thoại và wifi có lẽ sẽ là lựa chọn của nhiều người trẻ e sợ hy sinh. 
Thành công của đạo diễn Spike Jonze khi xây dựng phim điện ảnh “Her” chính là nỗ lực khắc hoạ sự cô đơn của con người trong một cuộc tình ảo. Theodore xuất hiện một mình trong hầu hết các cảnh phim, người tình Samantha của anh chỉ được tạc dựng qua duy nhất một giọng nói. Một tiếng nói liệu có thể đốt nóng một trái tim? Ngay cả trong lúc Theodore vui vẻ đối thoại với người tình thông qua chiếc tai nghe kết nối bluetooth, người xem vẫn có thể nghe thấy sự cô đơn toát ra từ tiếng thở dài vô thức. Tôi có những người bạn từ lâu đã quen việc yêu đương qua mạng. Họ vẫn thường trông rất bận rộn với chuyện tình ảo vào ban ngày, và trở về nhà mỗi đêm trong niềm cô độc. Chúng tôi hay tự đùa rằng đây đúng là cái thế trớ trêu: “có mối” thậm chí là “lắm mối” nhưng vẫn “tối nằm không”. Vài dòng tin nhắn hay một cái ôm? Đôi ba biểu tượng cảm xúc hay một nụ hôn? Những kẻ yêu ảo có đang cô đơn trong cuộc tình chính mình?
Tiêu điểm của các mối quan hệ ảo là sự đa dạng. Không ứng dụng hẹn hò nào giới hạn số lượng match (tương hợp) giữa những người dùng. Vì thế, một tài khoản cá nhân có thể nhắn tin với nhiều đối tượng, và tất nhiên phải lòng nhiều người. Cuối phim “Her”, Samantha đã thú nhận với Theodore rằng: “Trong lúc này, em đang nói chuyện với 8316 người và yêu 641 người khác ngoài anh”. Câu nói đem đến một loại cảm giác kì lạ: đau đớn nhưng không bất ngờ. Đó là thứ cảm giác không mong muốn nhưng lại luôn phải dự phòng trong một thế giới “không thật”. Nhiều người bạn của tôi luôn có một bộ sưu tập người tình Bumble, Tinder,... Số lượng lớn những lựa chọn dẫn tới những phép so sánh liên tục, và hệ quả cuối cùng là sự loại bỏ thường xuyên. “Goshting” (Đột nhiên biến mất khi đang hẹn hò) đang trở thành hiện tượng dần được bình thường hóa và trở nên phổ biến trong một thị trường tình ái ảo. Đây là cái kết tất yếu của một thời đại khi mà chuyện chia ly chỉ được tóm gọn trong một nút unmatch. Kết thúc phim “Her”, Samantha rời đi, chuyện tình Người - Máy khép lại. Trong hành trình yêu đương của Samantha và Theodore, vui vẻ là thật, ghen tuông là thật, thất vọng là thật, buồn bã là thật, nhưng hy sinh không đủ, thấu hiểu không đủ, hạnh phúc không đủ và đau thương cũng không đủ. 
Đó vẫn là tình yêu, nhưng là một dạng thức tình yêu mới trong một thời đại mới.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024