Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/02/2024 22:02 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
People pleaser (noun) - khi bạn đốt cháy bản thân để làm ấm lòng kẻ khác


Trong bối cảnh xã hội thời nay, việc sở hữu khả năng lúc nào cũng có thể làm hài lòng người khác, khiến mọi người cảm thấy vui vẻ, nghe qua thì có vẻ là một siêu năng lực  rất hoàn hảo và đáng có. Nhưng chúng ta đều biết chẳng có gì là hoàn hảo trên đời này. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi rằng đằng sau siêu năng lực “hoàn hảo” ấy, những người sở hữu nó (people pleaser) phải trả giá những gì?
Theo như định nghĩa trên trang Medical News Today, ‘people pleaser’ không phải là một hội chứng mà chung quy, thuật ngữ này dùng để diễn tả kiểu người luôn cố gắng làm hài lòng người khác, thường đặt lợi ích của người khác lên trước, sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân, thậm chí là vì đối phương mà tổn thương cả chính mình. Và cố nhiên, mới chỉ nói đến định nghĩa thôi thì cũng đã có ít nhiều người thấy hình ảnh mình đâu đó ở đây. Biểu hiện thường thấy ở kiểu người này là: khó ‘say no’ với các yêu cầu, tránh sự không hài lòng của người khác, không nói lên nhu cầu cá nhân - tự nhủ rằng bản thân vẫn ổn nhưng thực tế thì không,... Và kiểu người này sẽ có xu hướng: khó cảm thấy vui hoàn toàn trong một khoảnh khắc nào đó, áp lực đối với sự cam  kết trước đó, nghĩ rằng quyền lợi của mình không đáng kể so với người khác, tệ hơn là bị lợi dụng…
Kiểu người people pleaser có mặt khắp mọi nơi, đặc biệt là các nước châu Á, nơi vẫn còn nhiều nước áp dụng nền giáo dục nghiêm khắc và áp đặt làm phương pháp giáo dục cốt lõi. Chỉ cần quan sát bạn có thể thấy, hằng ngày các thầy cô luôn ưu tiên nhu cầu của học sinh, của phụ huynh, của cấp trên rồi về nhà phải ưu tiên nhu cầu của con cái (nếu có). Sau đó mới đến nhu cầu cá nhân của mình. Tương tự, bố mẹ cũng phải ưu tiên nhu cầu của con cái trước, rồi đến người thân trong nhà, cấp trên ở cơ quan, rồi mới đến nhu cầu của mình.
Tiếp nhé, khi bạn đi học hoặc đi làm, để thể hiện mình là một người biết phép tắc, đàng hoàng, có ăn có học thì hoặc là bạn sẽ làm đủ bài tập về nhà, tích cực phát biểu trong lớp - hài lòng thầy cô, cha mẹ; hoặc là bạn luôn hoàn thành các công việc đúng hạn với chất lượng cao, và cố gắng tìm ra các ý tưởng hay phục vụ cho công ty - hài lòng sếp.Và sau khi hoàn thành những việc trên thì nhu cầu cá nhân của bạn mới được bạn để tâm đến. Và đáng buồn thay, khi bạn bắt đầu chú ý đến nhu cầu cá nhân của mình cũng là lúc bạn cạn kiệt năng lượng của một ngày, nên bạn hiếm khi có cơ hội để phát triển, hay thiết lập ranh giới cho bản thân. Đến đây thì bức tranh toàn cảnh cũng đã lộ diện được phần nào. Chính quá khứ, trải nghiệm cá nhân của từng người cộng với nền giáo dục nghiêm khắc đã trở thành một sự kết hợp hoàn hảo để khiến hầu hết các cá thể trở thành một ‘people pleaser’ trong vô thức. Bởi lẽ, khi nhận thức còn chưa hoàn thiện, ta đã sống trong một môi trường bao quanh bởi những ‘people pleaser’ khác và chỉ cần chúng ta đặt quyền lợi cá nhân lên hàng đầu, chúng ta khác biệt, hiển nhiên ta liền bị gắn nhãn “bạn ích kỷ” và thậm chí khả năng cao bị cộng đồng đó tẩy chay. Thế nên, để tồn tại trong thế giới ấy, ta cũng phải hành xử như cách đa số mọi người đều làm - đáp ứng các yêu cầu, mong đợi từ người khác, và dần dà ta lại cung cấp cho thế giới ấy thêm một ‘people pleaser’ nữa.
Hậu quả có đáng lo ngại? Hậu quả tức thời thì có lẽ còn khó thấy, vì bạn còn đang bận tự hào và tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa để “cống hiến” nhiều hơn trước đây, và nhiều hơn người khác. Nhưng “tích tiểu” sẽ “thành đại”. Khi tất cả sự vui vẻ và nhẹ nhõm của bạn phải dựa dẫm vào sự hài lòng của người khác, vậy thì giả sử họ biến mất khỏi cuộc đời bạn thì bạn có thể tiếp tục hạnh phúc không? Theo tôi là không, việc ta chỉ dựa dẫm vào một điều kiện đến từ bản thân hoặc được tạo ra từ bên ngoài mới có thể hạnh phúc thì đó chẳng phải là hạnh phúc thật sự như ta vẫn tưởng. Rồi quyền lợi bản thân, sự yêu thương bản thân của ta ở đâu trong khi lúc nào quyền lợi của người khác cũng được ưu tiên trước nhất? Với tâm lí là một ‘people pleaser’ thì trong những trường hợp để người khác không phiền lòng, họ phải làm cả những điều họ không thích, thậm chí là ghét. Vậy thì nó có thật sự đáng? Nói một cách thẳng thắn, thì trong hầu hết tình huống mà kiểu người này xử lí, họ thường là một kẻ nói dối, hiểu rộng ra thì họ là những người đang ‘dối lòng’, họ hành xử như thế vì các nguyên nhân phức tạp  khác nhau, nhưng điểm chung là đều không muốn để người khác phật ý. Và vô hình chung họ đã tạo một thói quen vô cùng tai hại trong tiềm thức  là “dành hết thời gian để giúp người khác để tránh đối diện với những vấn đề của bản thân”
Không chỉ hại bản thân mà kiểu tâm lý này còn gây ra sự bất công đối với người khác Bởi lẽ một khi tâm lí dựa dẫm đã được sinh ra giữa một công đồng chỉ muốn làm hài lòng người khác, dù có hay không, trong một xã hội như thế, khi một người giúp đỡ một người khác (ví dụ như việc mua cho họ một ly sữa tươi trân châu đường đen full topping size L), thì người cho đi ấy cũng đang thiết lập một kì vọng  rằng ‘có thể mình sẽ nhận lại được một chiếc bánh đồng xu bự chảng nóng hổi nào đấy’. Nếu người nhận được sự tử tế ấy không hề biết về kì vọng kia và họ không đáp trả lại như người cho vẫn đang mong đợi thì sao? Người  cho đi sẽ nghĩ như thế nào về họ? Vậy người nhận phải có nghĩa vụ đáp trả lại mong đợi “ngầm” của người kia sao? Liệu những phán xét trong đầu người cho đối với người nhận có đúng? Hay nó là sự bất công vô cùng đối với người nhận được sự “hi sinh” từ người cho? Thế nên, để sự bất công ấy không phát sinh thì nó không đồng nghĩa với việc là ta không nên cho đi nữa, mà là dù có cho đi thì điều đó phải thật sự là điều ta muốn (bởi ta có nhu cầu chia sẻ đến người khác) và tất nhiên, dù có được nhận lại gì hay không thì ta vẫn vui vẻ vì ta đã cho đi. 
Tâm lý này không thể nào biến mất trong ngày một ngày hai, tôi dám khẳng định thế, nhưng ta vẫn có thể kiểm soát tâm lý đó và quyền lợi cá nhân của ta hiển nhiên sẽ được ưu tiên hơn. Sau đây là một số gợi ý nhỏ:
   1.Thiết lập các ranh giới/ nguyên tắc riêng của bản thân (set clear boundaries) 
   2. Chỉ giúp đỡ khi bạn thật sự muốn (help when you want to do so) 
   3. Suy nghĩ trước quyết định làm (think before committing)
   4. Nói chuyện với bản thân nhiều hơn (practice positive self-talk) → điều này sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề dễ hơn, hiểu rõ nhu cầu của bản thân hơn
   5. Bắt đầu từng bước nhỏ (start small) 
   6. Khéo léo, tự tin chỉ ra việc bạn không thích (strongly voice yourself to uncomfortable things) → điều này sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp tốt nhất để cả hai bên đều hợp tác trong sự thoải mái - chứ không phải là sự hài lòng giả tạo 
      …
Có thể thừa nhận rằng, các việc làm này không dễ nhưng không đồng nghĩa là không thể. Hãy nhận thức được  rằng xã hội vẫn có thể sống tốt khi không có sự giúp đỡ của bạn, có khi bạn lại giúp họ cải thiện được khả năng tự giải quyết vấn đề của họ. Hãy áp dụng thử những gợi ý trên vì nó sẽ đem lại một tâm thế tốt hơn cho bạn trước khi bạn sắp làm một điều gì đó cho người khác.
Mong muốn “please people” thì ai cũng có, nhưng để cân bằng được nó với lợi ích của bạn thân thì không phải ai cũng làm được. Nhưng tôi tin, chỉ cần nhận ra vấn đề thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn 70%. Vậy nên, tôi khuyến khích các bạn hãy thực hiện, tìm hiểu các giải pháp phù hợp với mình để bản thân có thể trở nên “pleasant’ hơn thay vì cứ là một ‘people pleaser’ mãi.



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024