Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/01/2024 22:01 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Khi chúng ta trì hoãn giấc ngủ để “trả thù đời”


Revenge Bedtime Procrastination (RBP) là gì?
Thuật ngữ “Bedtime procrastination” - Trì hoãn giấc ngủ, được giới thiệu trong một nghiên cứu khoa học năm 2014, được miêu tả là hành vi trì hoãn giờ ngủ một cách tình nguyện, mặc dù không có yếu tố ngoại cảnh nào ngăn cản việc ngủ và có thể thấy trước hậu quả xấu.
Sáu năm sau đó, nhà báo Daphne K. Lee chia sẻ trên Twitter thuật ngữ “Revenge bedtime procrastination” (Tạm dịch: Trì hoãn giấc ngủ để trả thù - RBP), một hiện tượng khi con người không có quyền kiểm soát đối với cuộc sống ban ngày, họ từ chối đi ngủ sớm để đòi lại một chút cảm giác tự do vào ban đêm. RBP miêu tả việc trì hoãn giấc ngủ như một cách “trả thù” lại khoảng thời gian làm việc căng thẳng quá mức, thiếu tự do và thiếu cảm giác kiểm soát. 
Bài tweet nhanh chóng trở nên viral khi nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người dùng, những người lao động Trung Quốc thường xuyên làm việc theo hệ thống giờ làm việc 996 (từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày trên tuần). Đến nay, thuật ngữ này cũng dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới khi đa số những người trẻ cho rằng họ cũng đã hoặc đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Biểu hiện của Revenge bedtime procrastination đó là trì hoãn thời gian ngủ (mặc dù biết trước hậu quả xấu) để thực hiện các hoạt động cá nhân như xem phim, mua sắm online, tán gẫu với bạn bè, chơi game hay thậm chí đọc sách. Tuy vậy, đa số mọi người sẽ lựa chọn những hoạt động không yêu cầu quá nhiều nỗ lực hoặc sự tập trung trí óc, thay vào đó là những hình thức giải trí thụ động.
Đối tượng thường xuyên trải qua hành vi này được mô tả là những người có công việc toàn thời gian, học sinh, sinh viên hoặc người đi làm bận rộn hết mức với công việc vào ban ngày, hay những bậc phụ huynh phải chăm sóc con cái nên thiếu thời gian dành cho công việc và cho bản thân. Tựu chung lại họ là những người bận rộn, họ được quyền lựa chọn thời điểm đi ngủ nhưng quyết định hy sinh chúng cho mục đích giải trí cá nhân.
Tại sao chúng ta phải “trả thù”?
Nguyên nhân chính của hiện tượng này, theo như Daphne K. Lee lý giải, là do cảm giác bị mất kiểm soát với công việc diễn ra vào ban ngày, dẫn tới nhu cầu muốn được giành lại quyền làm chủ thông qua những hoạt động cá nhân vào ban đêm. 
Chúng ta có thể hiểu cảm giác mất kiểm soát ở đây giống như bị “cuốn trôi” theo guồng quay của công việc, phải suy nghĩ, hành động để giải quyết những vấn đề người do khác đặt ra mà không có quyền lựa chọn có hoặc không. Những thứ mà chúng ta nghĩ rằng “làm cho người” nhiều hơn là “làm cho mình” thì đều mang tới cảm giác này. 
Và khi đêm đến, thời điểm chúng ta không bị ràng buộc về trách nhiệm với công việc và với người khác, thời điểm ta có thể làm những thứ mình muốn, những hoạt động giải trí cá nhân đem tới, sự thỏa mãn, cảm giác tự do và suy nghĩ làm chủ được tình hình. Dù đó chỉ là xem một vài tập phim, lướt qua một vài điểm nóng trên mạng xã hội, hay buôn chuyện phiếm với một ai đó. Bạn có thể mất ít nhiều thời gian ngủ, nhưng điều đó chấp nhận được, khi đòi lại được khoảng thời gian của riêng mình, bạn đã trả được “thù đời”.
Khác với hiện tượng trì hoãn giấc ngủ đơn thuần, một kiểu trì hoãn có nguyên nhân được cho là xuất phát từ khả năng tự chủ không tốt (ý định thì muốn đi ngủ sớm nhưng hành vi lại là chơi cố thêm vài ván game chẳng hạn), ở những người trì hoãn giấc ngủ để “trả thù”, họ chủ động hy sinh giấc ngủ cho các hoạt động khác, chấp nhận việc đi ngủ muộn và bị thiếu ngủ, để có được khoảng thời gian tự do, lúc này hành vi hoàn toàn khớp với ý định.
Khó ngủ và trạng thái suy nghĩ quá nhiều (overthinking) cũng đang góp phần khiến chúng ta muốn “trả thù” cuộc đời theo cách này. Việc thức khuya nhiều khiến cho đồng hồ sinh học bị thay đổi, chúng ta không thể ngủ sớm dù có muốn đi chăng nữa. Không chỉ vậy, ánh sáng từ các thiết bị điện tử ngăn cản việc tiết ra Melatonin - hormone tạo ra cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ, đó là lý do xem điện thoại trước khi đi ngủ là nguyên nhân gây khó ngủ hàng đầu.
Trớ trêu thay, khi chúng ta không ngủ được, cũng không muốn nhìn vào màn hình điện thoại, tâm trí sẽ bắt đầu nảy sinh suy nghĩ tiêu cực và sự hỗn loạn, chúng xâm chiếm lấy ta với mọi chủ đề, từ tương lai vô định không mục tiêu cho tới chuyện tình cay đắng với người mà bạn từng yêu thương hết lòng. Ngay lúc đó, bạn cần một thứ để chuyển hướng sự chú ý, để tâm trí không đi lang thang mà được trấn tĩnh, đấy là lúc bạn tìm tới những hình thức giải trí thụ động.
Thiên hạ nghĩ gì về việc này?
RBP có thể là một khái niệm mới mẻ, nhưng những biểu hiện của nó thì đều quen thuộc với đa số những người bận rộn trong một xã hội phụ thuộc công nghệ và trọng chủ nghĩa tiêu dùng như hiện nay. Và khi mọi người đều bỏ qua/xem nhẹ hậu quả của việc thiếu ngủ, thì hiện tượng này còn được coi là cần thiết và ý nghĩa cho đời sống tinh thần.
Một số bạn trẻ có những suy nghĩ về hành vi này như sau:
“Sống thực sự cho mình, dù chỉ làm mấy việc vô vị”
“Nạp năng lượng tâm hồn”
“Để lẩn tránh nỗi lo vô hình”
“Ngủ thì cảm giác thời gian trôi qua rất nhanh”
Dễ dàng thấy được chúng ta đều đang rất đề cao khoảng thời gian riêng tư này, xem nó như một giải pháp hợp lý đối chọi lại sự căng thẳng và hối hả từ công việc, còn gì tốt hơn khi sau một ngày dài chiến đấu không ngừng nghỉ với màn hình, với những con số, với vô vàn đầu việc lớn nhỏ, ta được ngả lưng trên chiếc giường thân yêu, xem được thật nhiều video giải trí đầu óc hoặc săn được những món đồ thật ưng ý. 
Một ngày sẽ trôi qua thật vô nghĩa nếu như ta chỉ có thể hoàn thành những điều xã hội bảo ta nên làm, mà không phải những điều ta thực sự muốn làm. Ta cần những hoạt động giải trí để nuôi lấy phần hồn trong mình, cần sự sảng khoái thư giãn để bù lại cả ngày dài khô khan, cần một liều thuốc dễ chịu.
Khi đó, thời gian sẽ không còn cảm giác trôi nhanh thật nhanh nữa. Sẽ không phải là chuỗi ngày làm việc từ sáng đến đêm, đi ngủ, và sáng hôm sau thức dậy ta tiếp tục lặp lại những điều tương tự. Giấc ngủ đủ là rất tốt nhưng nó đang khiến khoảng cách giữa mỗi ngày ngắn lại. Thức đêm để thấy ngày trôi qua lâu hơn, để chúng ta có những khoảng thời gian cho riêng mình xen kẽ giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật.
Liệu bạn có từng nghĩ như vậy không? Bạn có đồng tình hoặc đưa ra quan điểm khác để phản biện lại những lí lẽ này?
Với trả thù, luôn phải đào hai mồ chôn
Chúng ta giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra vấn đề khác, trì hoãn giấc ngủ để trả phải đánh đổi lại bằng việc thiếu ngủ, và thiếu ngủ là khởi nguồn của rất nhiều vấn đề tồi tệ hơn.
Đó là một bước lùi cả về sức khỏe thể chất và tinh thần, như suy giảm khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng ra quyết định. Xa hơn là chứng rối loạn lo âu, sự bất ổn trong tâm lý và trầm cảm. Cơ thể chọn cách phản ứng bằng những bệnh lý như suy nhược, đau dạ dày, tiểu đường… Chúng không tới vào một sớm một chiều mà hủy hoại cơ thể bạn theo cách chậm rãi và âm thầm.
Mỗi ngày hy sinh một giờ ngủ thì chỉ sau một tuần, hậu quả sẽ tương đương với một đêm thức trắng, theo lý giải của Matthew Walker, tác giả cuốn sách Why We Sleep về khoa học giấc ngủ. Nếu tiếp tục gộp lại, có lẽ chúng ta có hàng tuần, hàng tháng trời thức trắng đêm!
Liệu đó có phải cái giá của sự tự do?
Liệu chúng ta đang xem nhẹ quá mức tác động của thiếu ngủ đến cuộc sống của bản thân mình? Có bao giờ chúng ta nghi ngờ những vấn đề như hiệu quả công việc thấp, hay cáu bẳn, cơ thể suy nhược dễ bị ốm hay sự bất ổn trong cảm xúc xuất phát từ chính việc bản thân đang hy sinh giấc ngủ thường xuyên hay không?
Bạn chọn phòng bệnh hay chữa bệnh?
Bài viết chủ đích hướng tới việc gợi mở vấn đề, mục tiêu của mình không phải là phê phán hiện tượng này và cố gắng khuyên mọi người phải từ bỏ. Vì chúng ta đang coi nó như một liều thuốc, một liều thuốc có tác dụng phụ. Không bị bệnh là tốt nhất, nhưng đã bị rồi thì sẽ phải dùng tới.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, chẳng hạn như việc thiết lập thời gian đi ngủ - thức giấc cố định, tránh xa thiết bị di động tối thiểu một tiếng trước khi ngủ, hay tập loại bỏ những thói quen gây ra hiện tượng trì hoãn…
Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là những cách giải quyết tạm thời, giống như kiêng then khi chữa bệnh. Vấn đề thực sự, căn bệnh gốc rễ nằm ở việc chúng ta cảm thấy bị mất quyền kiểm soát với cuộc sống thường nhật. Công việc áp lực, tiền bạc, tắc đường, việc gia đình… và hàng tỷ thứ đau đầu khác chiếm hết tâm trí và thời gian của bạn. Nếu mọi việc đem lại niềm vui, hoặc hoặc khiến ta hứng thú, hoặc ít nhất cũng không chiếm trọn thời gian, liệu ta có còn cần đến việc thức đêm để bù đắp?
Có một sự thật thú vị trong thí nghiệm về mức độ hài lòng với công việc của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, nguyên văn trích dẫn được viết trong quyển sách Flow (Dòng chảy) như sau:
“Vấn đề dường như nằm nhiều hơn ở mối quan hệ của người lao động hiện đại với công việc của anh ta, với cách anh ta nhận thức các mục tiêu của mình liên quan đến nó. 
 
Thời gian dành cho một nhiệm vụ như vậy được coi là thời gian bị trừ đi trong tổng số thời gian có sẵn cho cuộc sống của chúng ta. Nhiều người coi công việc của họ như một cái gì đó họ phải làm, một gánh nặng từ bên ngoài, một nỗ lực làm tiêu hao thời gian của họ trên Trái Đất này. 
 
Vì vậy, mặc dù trải nghiệm thực tế tạm thời có thể là tích cực, nhưng họ có xu hướng giảm giá trị của nó, bởi vì nó không đóng góp vào mục tiêu dài hạn của riêng họ.”
Theo tác giả, có thể chúng ta thích công việc mình đang làm, có thể ta vẫn tận hưởng nó, nhưng chúng ta vẫn giữ cái suy nghĩ đó là việc ta phải làm cho người khác, vì mục tiêu của người khác, để rồi đánh giá thấp hơn ý nghĩa tích cực mà công việc mang lại.
Nếu đúng là như vậy, rằng chúng ta luôn có xu hướng cảm thấy bị mất kiểm soát đối với công việc hằng ngày, dù ta có thích nó đi chăng nữa, thì thực sự rất khó để ta tránh dùng đến liều thuốc trì hoãn.
Nhưng dù sao điều này cũng không thể phủ nhận việc ta có thể làm điều gì đó để phần lớn thời gian chúng ta sống (ban ngày) mang tới cảm giác kiểm soát và ý nghĩa… 
Mặc dù thứ duy nhất ta có thể kiểm soát là cái tâm trí này.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024