Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/01/2024 22:01 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Từ con số 0, tôi đã đạt 9.4 Tiếng Anh ở kì thi Đại học trong 6 tháng như thế nào?


Kỳ thi xét tuyển Đại Học là bước ngoặt lớn nhất của mỗi cá nhân học sinh không chỉ riêng ở Việt Nam, mà tại các nước tiên tiến trên thế giới cũng vậy. Khi bạn đỗ vào những trường Top đầu một quốc gia, bạn sẽ được hưởng vô số lợi thế để tạo tiền đề cho các thành tựu sau này. Những “bệ phóng” như cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, thư viện sách với hàng ngàn quyển sách tham khảo, thầy cô là những người ưu tú nhất trong ngành với thâm niên giảng dạy hàng chục năm, và đặc biệt là những thành phần tinh anh đến từ mọi miền tổ quốc tề tựu và sát cánh bên nhau cùng tạo nên một môi trường hoàn hảo để học hỏi và cạnh tranh lành mạnh. Chính vì những điểm mạnh trên, các trường Top đầu luôn được so sánh như khối nam châm khổng lồ, thu hút tất cả học sinh với hoài bão lớn trên toàn quốc. Điều này đồng nghĩa với tỉ lệ "chọi" cao ngất ngưởng mà các bạn học sinh bắt buộc phải đạt được số điểm "không 10 thì 9" ở mỗi môn thi mới có cơ hội trở thành tân sinh viên những trường này.  
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, không ít các bạn học sinh đã học hành miệt mài từ khi mới bước chân vào lớp 10. Đặc biệt môn Tiếng Anh, với kiến thức đặc thù của ngành ngôn ngữ, thì việc rèn luyện và trau dồi kiến thức đã nhen nhóm từ lúc bé. Mặc dù là một trong những môn học quan trọng cũng như cung cấp kĩ năng ngoại ngữ cần thiết cho tương lai, nhưng Tiếng Anh luôn là môn có điểm thi trung bình thấp nhất trong tất cả môn thi ở kỳ thi Đại học Việt Nam. 
Đối với mình, bản thân cũng trải qua nhiều khó khăn và đầy lo âu khi học Tiếng Anh trong suốt những năm tháng cấp 2 và cấp 3. Đến hết học kỳ I năm lớp 12 mà điểm ngoại ngữ của mình chỉ được trung bình (<5), nhưng vẫn là mình của nửa năm sau- người đạt được 9.4 điểm thi đại học môn Tiếng Anh, và thi đỗ được vào một trong những trường top đầu của nước Anh, chuyên ngành Đầu tư- Tài chính. Thông qua trải nghiệm việc "nước đến chân rồi mới nhay" mà vẫn thành công rực rỡ, mình đã đúc kết được một vài chân lý trong việc học Tiếng Anh mà mình sẵn sàng chia sẻ với các bạn độc giả ở trong bài viết này. 
1. Thứ chúng ta cần là một mục tiêu cụ thể, và một kế hoạch chỉnh chu!
Without a goal, without a plan, you are just a dreamer.
J.K. Rowling, tác giả của Harry Potter-series truyện bán chạy nhất mọi thời đại.
Mục tiêu là đích đến, còn kế hoạch là tấm bản đồ. Để bước đi thật vững chãi trên chuyến hành trình mang tên cuộc đời, bạn bắt buộc phải có cả 2 thứ này, bất kể ở thời gian, không gian nào. Có được "mục tiêu", giống như có ngôi sao Bắc Đẩu luôn cố định ở một hướng và tỏa sáng trên bầu trời, dù bạn đi sai đường, chính sao Bắc Đẩu sẽ đem tia sáng và dẫn dắt bạn đến nơi bạn muốn đặt chân tới. Cùng với "mục tiêu", khi kết hợp với "kế hoạch" tỉ mỉ và chi tiết, là bạn đang cầm trong tay tấm bản đồ đi tới tương lai. Điều này giống như việc bạn biết ở nơi nào có nguy hiểm, đâu là đường cụt, và lối đi nào dẫn tới "hòn đảo thiên đường".
Quan trọng nhất là mỗi người trong chúng ta sẽ có những mục tiêu riêng, nhưng đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi:
Đã mất công nghĩ
Tại sao bạn không nghĩ lớn?
Donald Trump- Tỷ phú, nhà từ thiện, cựu Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
Hãy đặt ra mục tiêu lớn nhất, với độ khó ngoài sức tưởng tượng, mà ngay cả bản thân bạn cũng sẽ nghi ngờ về tính thực tế của nó. Chính vì nó khó đến mức điên rồ, nên bạn sẽ phải nghĩ ra đủ mọi mưu sách để đạt được nó. Điều này sẽ giúp bạn có một động lực vô hình, chính nó sẽ đưa bạn vào một trạng thái tập trung cao độ để tăng cường mọi giác quan và trí tuệ, mà trước giờ bạn chưa bao giờ làm được. Một dấu hiệu cho bạn biết rằng mình đã có mục tiêu đủ lớn chính là khi bạn kể cho mọi người xung quanh về nó, phản ứng hầu hết của họ sẽ là một tràng cười, hay một khuôn mặt trầm ngâm suy tư, ấy là vì trong đầu họ nghĩ: "Cái thằng/con bé này nó có bị ảo tưởng sức mạnh không vậy?". Ví dụ chính trường hợp của mình, cuối học kì 1 lớp 12, giáo viên Tiếng Anh gọi từng học sinh đứng lên để nói về mục tiêu điểm số trong kỳ thi đại học, đến lượt mình (khi đó đã có kế hoạch và mục tiêu cụ thể), mình dõng dạc trả lời rằng mình sẽ được trên 9 điểm. Chắc các bạn có thể đoán ra phản ứng của cô giáo và toàn bộ các học sinh khác trong lớp sẽ như nào rồi đó, chính là một tràng cười dài với vô số những câu châm biếm như: "Thằng này ngáo rồi chúng mày ơi!", "Nói đùa mà cũng giống thật quá nhỉ!" và đa số là "Cái thằng dở hơi chơi đớ!". Đối với mình, đàn ông mà đáng mặt làm "chính nhân quân tử" là phải nói được -làm được, nên những lời châm biếm hay cười đùa của chúng bạn càng làm mình "sôi máu", và khiến mình hạ quyết tâm đạt được mục tiêu cho chúng nó "sáng mắt" mà không cần uống Omega- 3 luôn! Việc càng khó, mình càng muốn dấn thân vào, bởi vì xưa giờ cụ Hồ đã dạy:
Khó khăn tạo ra độ bền và độ bền tạo ra THÀNH CÔNG
 Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kế hoạch "tác chiến" của mình khá đơn giản, nó xoay quanh một công thức duy nhất: OUTPUT=INPUT (Đầu ra = Đầu vào). Mình nhận thấy thứ khó nhất trong ngôn ngữ không phải là những ngữ pháp rắc rối và cao siêu, mà chính là "TỪ VỰNG". Lí do tại sao trong việc học ngoại ngữ, chúng ta luôn có một giai thoại "học 10 từ vựng mỗi ngày", bởi vì nếu không có từ vựng, bạn sẽ không nghe, không nói, không viết được. Vậy ngữ pháp của bạn có thần thánh đến mấy mà không có từ vựng để viết thành câu, nói thành lời, thì có phải là quá vô nghĩa không? Sau khi nhận ra vấn đề cốt lõi, mình liền viết ra một bản kế hoạch trong thời gian 6 tháng, tóm tắt bảng kế hoạch dựa trên phương pháp luyện thi IELTS như sau:
 
1. Tháng 1: Mỗi ngày làm một đề IELTS Reading Test trong Cambridge English IELTS Academic book => Học hết từ vựng không biết
2. Tháng 2: Mỗi ngày làm một đề IELTS Listening Test trong Cambridge English IELTS Academic book => Chép chính tả đoạn hội thoại trong bài thi
3. Tháng 3: Mỗi ngày làm 2 đề IELTS Speaking Test trong Cambridge English IELTS Academic book => Viết rõ câu trả lời, học thuộc, đọc thành tiếng để luyện phát âm
4. Tháng 4-5: Mỗi ngày 1 đề IELTS Writing Test trong Cambridge English IELTS Academic book => Áp dụng từ vựng, cấu trúc ngữ pháp đã học trong 3 tháng đầu tiên, mỗi đề nên viết tối thiểu 2 lần, lần một tự viết, lần 2 tham khảo thầy/cô giáo hoặc câu trả lời mẫu trên internet để viết thành bài của mình hoặc học thuộc chứ không cần sửa lại.
5. Tháng 6: Mỗi ngày một kĩ năng, 7 ngày trong tuần => Chấm điểm từng kĩ năng để biết trình độ hiện tại đang nằm ở mức nào. 
Lí do mà mình chọn làm đề thay vì học bài bản theo các giáo trình dài hàng trang trong các Trung tâm Anh ngữ (mặc dù lúc đó trình độ của mình là con số 0) là bởi nếu học bài bản từ gốc rễ thì 6 tháng đó sẽ không thể đủ thời gian để học hết từng ấy kiến thức được. Vậy nên mình làm đề, khi mà tất cả những thứ quan trọng nhất trong bài thi thật đều được thể hiện ở trong mỗi đề mình làm, vậy mình chỉ cần làm đi làm lại và học thuộc hết tất cả bọn chúng là mình sẽ thành công (ấy là lúc đó nghĩ liều vậy thôi chứ cũng không ai chỉ dạy như vậy cả, hên là thi đỗ chứ trượt thì nhục nhã lắm).
Có thể các bạn sẽ thắc mắc rằng: "Thi đại học chứ đâu phải thi IELTS, mà lại lên kế hoach học IELTS, lại còn có cả luyện Nghe, luyện Nói nữa?" À bởi vì mình cần IELTS để apply đi du học, nên là tại thời điểm đó mình cần học theo chuẩn phương pháp IELTS để thi. Thông qua phương pháp này, mình cũng đạt được 6.5 IELTS trong lần thi đầu tiên, đánh dấu sự thành công đầu tiên của 6 tháng "dùi mài kinh sử".  Sau khi đã thi xong IELTS, mình không cần làm theo kế hoạch cũ nữa, mà mình chuyển sang ôn chuyên đề theo cấu trúc thi đại học. Đặc biệt mình sử dụng quyển "Tài Liệu Ôn Thi THPT Quốc Gia môn Tiếng Anh" của tác giả Vĩnh Bá mỗi ngày để bổ sung thêm các dạng cấu trúc ngữ pháp nâng cao.
Cũng chính vì có nền tảng từ khối từ vựng kha khá thông qua học IELTS, cộng thêm các dạng cấu trúc ngữ pháp ở các chuyên đề thi THPT, và sách của Vĩnh Bá, mình đã đạt được kết quả bất ngờ, mà đến chính bản thân mình cũng không thể tưởng tượng ra được. Chỉ trong vỏn vẻn 180 ngày, sự chăm chỉ và kỉ luật đã cho mình hai trái ngọt, chính là bằng IELTS đủ để mình đăng kí dự bị đại học bên Anh quốc, và đạt 9.4 ở môn Tiếng Anh trong kì thi đại học. Đúng là: 
Hành trình vạn dặm cũng đều bắt đầu từ một bước chân!
Lão Tử- Nhà triết học cổ đại Trung Quốc và là người sáng lập ra Đạo giáo
2. Hãy học từ người giỏi nhất!
Không thầy đố mày làm nên!
Ca dao-Tục ngữ Việt Nam
Hãy tìm cho mình một người Thầy thật giỏi, vì họ có những "bí kíp gia truyền" để đưa bạn đến với thành công. Giống như một đội bóng dù toàn là những siêu sao, nhưng không có Huấn luyện viên kì tài, sẽ không thể đạt được những danh hiệu lớn. Mỗi người Thầy sẽ có những giáo án giảng dạy và phương pháp luyện tập riêng, điều bạn cần chính là tin tưởng và làm theo đúng những gì được dạy. Bỏ qua những lời hứa hoa mĩ kèm theo cam kết đầu ra chất lượng, mình muốn bạn tập trung vào việc liệu người Thầy đó có tâm huyết với học sinh không. Bằng cách đưa ra đa dạng các chuyên đề, sách ôn luyện cũng như tạo ra áp lực cho học sinh, như những người "thợ rèn" lão làng sẵn sàng gõ một nghìn cái búa để rèn ra một thanh kiếm sắc, người Thầy "chuẩn sách giáo khoa" sẽ là nguồn cảm hứng bất tận để tiếp thêm động lực cho bạn  trên con đường học hành.
3. Không ai học thay bạn được!
Có mục tiêu rõ ràng, kế hoạch chi tiết, và Thầy giáo giỏi, nhưng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu bạn không thể vượt qua sự lười biếng và trì hoãn của bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài bắt tay vào thực hiện công việc ngay tức khắc, vì thời gian sẽ không chờ đợi một ai cả, đặc biệt là những người đang rất "thiếu thốn" thời gian như các bạn học sinh cuối cấp.
Mình biết khi nói những điều này sẽ rất "đa cấp" hay "lùa gà", nhưng sự thật là bạn phải từ bỏ những thói quen "nghiện ngập" mà bạn đã hình thành trong quá khứ, ví dụ như chơi game, lướt mạng xã hội, thậm chí những thứ tưởng chừng vô hại như xem phim và đọc truyện. Hãy nhớ rằng mỗi phút trôi qua, bạn đều có cơ hội để học thêm một điều mới, vậy nên hãy cân nhắc kĩ những kiến thức bạn muốn dung nạp vào đầu, và hãy đặt thứ tự ưu tiên cho việc học Tiếng Anh lên hàng đầu nếu như bạn thật sự muốn tạo ra kì tích trong tương lai. Chính bản thân mình đã từng là một thằng lười học và ham chơi. Chứng nghiện điện tử đã nhen nhóm trong mình từ khi còn là học sinh cấp 1, và lên cấp 2, việc trốn học đi chơi game đã thành thói quen từ lúc nào không hay. Bước vào cấp 3 là mình sa đọa vào yêu đương nhăng nhít, học hành thì bê tha, thầy cô giáo trên trường nhìn thấy mình với ánh mắt ngao ngán. Nhưng cuối cùng mình cũng chứng minh được, ít nhất là với bản thân rằng nếu muốn tạo ra kì tích, mình chỉ cần gạt bỏ hết quá khứ và bắt đầu lại từ đầu, như một con người mới cùng với ý chí kỉ luật mãnh liệt, và có phần ám ảnh về việc phải thành công.
Khi bạn thực sự mong muốn điều gì đó, cả vũ trụ hợp lại để giúp bạn đạt được nó.
Trích từ sách Nhà Giả Kim của tác giả Paulo Coelho
LỜI KẾT
Việc học Tiếng Anh đối với mình từng là cơn ác mộng, nhưng sau cùng chính Tiếng Anh là thứ mà mình say mê và thích thú hơn cả. Không phải vì mình đạt điểm cao, hay có chứng chỉ, bằng cấp quốc tế, mà là vì nó đã mang cho mình một tư duy mới về tính kỉ luật trong học tập để mình có thể áp dụng cho mọi sự học hỏi sau này. Đến bây giờ khi đã có gia đình, mình vẫn còn áp dụng những thứ đã học được trong "6 tháng định mệnh" đó vào cuộc sống của một người trưởng thành thực thụ. Vậy nên mình mong rằng mỗi độc giả, sau khi đọc được những lời chia sẻ trên, sẽ có thêm động lực để kiến tạo ra những kì tích trong tương lai, đặc biệt là những bạn học sinh cuối cấp đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chọn môn Tiếng Anh để xét tuyển. Cuối cùng, để tri ân cho những độc giả đã đọc đến những dòng cuối cùng này, mình sẽ bật mí điều quan trọng nhất đã giúp mình vượt qua mọi khó khăn và thách thức. 
Bí mật đó là: "Hãy nghe nhạc bất cứ khi nào bạn ở một mình, như trong lúc tự học và làm việc, khi giải trí hay kể cả lúc ngủ. Đặc biệt là những bài nhạc kinh điển và không lời như của Bach, Beethoven hay Mozart, bởi vì âm nhạc chính là món quà cuối cùng của Thượng Đế ban tặng cho loài người".

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024