Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
29/12/2023 14:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Oxytocin - Hormone của tình yêu, lòng tốt và sự tin tưởng


Trong bài viết này, mình muốn giới thiệu đến các bạn một hormone đại diện cho thứ cảm xúc, mà theo mình là quan trọng nhất của nhân loại, đó chính là tình yêu.
Hormone mình muốn nói đến là Oxytocin.
Oxytocin là một loại hormone được sản xuất trong vùng dưới đối (hypothalamus) và được giải phóng vào máu bởi tuyến yên (Watson, 2021). Oxytocin đại diện cho tình yêu, lòng tốt và sự tin tưởng. Nói cách khác, Oxytocin là một trong những tác nhân chính khiến con người trở thành loài động vật xã hội.
Cụ thể, theo nghiên cứu, Oxytocin ảnh hưởng đến tình cảm mẹ con, sự gắn kết của các cặp đôi, những hành vi tình ái, sự tương trợ xã hội, và lòng tin của con người. Ngoài ra thì nó còn có tác dụng giúp giảm căng thẳng và lo âu (Neumann, 2007).
Bây giờ mình sẽ đi sâu vào phân tích các phương diện tác động của Oxytocin
SỰ TIN TƯỞNG
Oxytocin là một trong những nguyên nhân chính giúp loài người sinh tồn và phát triển dưới tư cách một tập thể. Từ thuở xa xưa, khi thế giới còn biết bao nguy hiểm rình rập, con người đã có thể yên tâm giao phó tính mạng cho nhau, đã có thể đi ngủ mà không cần lo lắng vì biết luôn có người canh chừng cho mình. Nhờ Oxytocin, ta có thể tin tưởng giao phó tính mạng cho đồng loại mà không sợ bị phản bội.
Khác với những hormone thiên về sự thỏa mãn tức thời như dopamine, cảm giác mà oxytocin mang lại sẽ ngày càng mạnh mẽ theo thời gian. Đó là lý do khi ta dành thời gian càng lâu với một người, ta càng có cảm giác mình có kết nối sâu hơn và có thể tin tưởng được họ. Nhờ oxytocin, ta biết rằng ta sẽ không cô đơn trong lúc hoạn nạn, vì đã có những người ta có thể tin tưởng, vì đã có những người yêu thương ta.
Có một định nghĩa về tình thương được Simon Sinek đưa ra trong cuốn sách “Leaders eat last” mà mình rất thích: “Tình thương là giao cho ai đó sức mạnh để hủy hoại bạn và tin tưởng họ sẽ không dùng nó.” Và Oxytocin chính là tác nhân giúp ta đạt được mức độ tình thương này.
Hơn nữa, oxytocin còn được sản sinh qua những xúc tác vật lý, như bắt tay hay ôm. Vì thế, những tác động này cũng phần nào đại diện cho sự tin tưởng. Bởi vậy, những mối giao kèo hợp tác thường sẽ được kết thúc bằng cái bắt tay hoặc ôm giữa hai người lãnh đạo để thể hiện sự cam kết của đôi bên. Ngược lại, ta sẽ hiếm khi bắt tay hoặc ôm những người ta không đủ tin tưởng.
THIỆN NGUYỆN
Nếu không có oxytocin, sẽ khó mà tồn tại lòng tốt trên thế giới (Sinek, 2017). Khi ta làm việc thiện, hoặc nhận được nghĩa cử tốt đẹp từ người khác, ta thường sẽ cảm thấy rất thoải mái, như có tia nắng chiều vào trái tim ta vậy. Đó chính là nhờ sự xúc tác của Oxytocin.
Ngoài ra, điều kỳ diệu của Oxytocin là không chỉ người thực hiện hành động cao đẹp và người nhận được hành động đó cảm thấy tác động của hormone này, mà ngay cả người chứng kiến cũng có thể cảm nhận sự dâng trào Oxytocin. Đó chính là lý do chúng ta dễ bị cảm động bởi các câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp, về hành động quên mình vì người khác. 
Chương 4 của World Happiness Report 2023 có nhắc đến sự ảnh hưởng của các hành vi thiện nguyện với các bên liên quan. Trong đó, không chỉ những người làm việc thiện mới nhận được lợi ích về mặt cảm xúc, mà cả những người chứng kiến hành động của họ cũng có xu hướng làm nhiều việc thiện hơn trong tương lai. Hiện tượng kỳ diệu này được xúc tác bởi Oxytocin. Nói cách khác, Oxytocin được sinh ra để thúc đẩy sự lan truyền của lòng tốt trong xã hội.
KẾT NỐI MẸ CON
Một trong những chức năng chính của Oxytocin là hỗ trợ sinh nở (Watson, 2021). Về mặt sinh học, Oxytocin sẽ kích thích tử cung co bóp, vì thế nó thường được dùng để hỗ trợ khi phụ nữ chậm tiến trình sinh sản. Một khi đứa trẻ được sinh ra, Oxytocin sẽ giúp chuyển sữa mẹ từ ống dẫn trong vú đến bầu vú, giúp tăng sự kết nối giữa mẹ và bé, về cả sinh học lẫn cảm xúc. Bởi vậy, việc nuôi con bằng bầu sữa mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong khả năng sinh tồn cũng như sự phát triển não bộ của trẻ (Higashida et al., 2010).
Có thể nói, Oxytocin là một trong những chất xúc tác lớn khiến tình mẫu tử bền chặt và thiêng liêng hơn hầu hết các loại tình cảm khác.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TĂNG MỨC OXYTOCIN TRONG CƠ THỂ?
Một cách khá phổ biến để tăng Oxytocin là thông qua việc luyện tập. Trong một nghiên cứu, người ta đo lường được sự tăng trưởng của Oxytocin trong nước bọt sau khi người tham gia luyện tập võ thuật (Watson, 2021). Ngoài ra thì âm nhạc cũng có khả năng tăng mức độ Oxytocin, đặc biệt là khi ta hát cùng tập thể – điều này còn giúp ta tăng sự kết nối với mọi người (Watson, 2021).
Ngoài ra, được tiếp xúc vật lý với những người ta yêu mến cũng giúp tăng mức độ Oxytocin. Một cái bắt tay thân tình, một cái xoa đầu nhẹ nhàng, hay một cái ôm âu yếm đều có thể khiến “Hormone tình yêu’’ ra hoa.
KẾT
Quả thật, nếu buộc phải xếp hạng độ yêu thích của mình dành cho 4 loại hormone hạnh phúc (Oxytocin, dopamine, serotonin và endorphins) thì Oxytocin sẽ dành thứ hạng cao nhất. Hormone này khiến chúng ta gắn kết với nhau, tin tưởng lẫn nhau, và yêu thương lẫn nhau hơn. Đây, theo mình, là một trong những chất xúc tác tạo nên hình thái cao nhất của hạnh phúc – khi hạnh phúc của ta hòa quyện với hạnh phúc của người khác.
 
 
Nguồn tham khảo:
Helliwell, J.F., Layard, R., Sachs, J.D., Neve, J.-E.D., Aknin, L.B. and Wang, S. (2023). World Happiness Report 2023. [online] worldhappiness.report. Available at: https://worldhappiness.report/ed/2023/.
Higashida, H., Lopatina, O., Yoshihara, T., Pichugina, Y.A., Soumarokov, A.A., Munesue, T., Minabe, Y., Kikuchi, M., Ono, Y., Korshunova, N. and Salmina, A.B. (2010). Oxytocin Signal and Social Behaviour: Comparison among Adult and Infant Oxytocin, Oxytocin Receptor and CD38 Gene Knockout Mice. Journal of Neuroendocrinology, 22(5), pp.373–379. doi:https://doi.org/10.1111/j.1365-2826.2010.01976.x.
Neumann, I.D. (2007). Oxytocin: The Neuropeptide of Love Reveals Some of Its Secrets. Cell Metabolism, [online] 5(4), pp.231–233. doi:https://doi.org/10.1016/j.cmet.2007.03.008.
Sinek, S. (2017). Leaders eat last: Why some teams pull together and others don’t. New York: Portfolio/Penguin, An Imprint Of Penguin Random House Llc.
Watson, S. (2021). Oxytocin: The love hormone. [online] Harvard Health. Available at: https://www.health.harvard.edu/mind-and-mood/oxytocin-the-love-hormone.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024