Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
05/06/2023 22:06 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
“LÀM VIỆC MÌNH THÍCH” hay “THÍCH VIỆC MÌNH LÀM”?


Có bao giờ bạn trò chuyện với bản thân là, “liệu mình có thực sự đam mê công việc này đến thế”, “liệu mình có đủ thích cái việc làm này và kiên trì với nó suốt hơn 20 năm hay không”, “liệu mình có thực sự đam mê với việc một ngày ngồi trên máy tính suốt 12 tiếng, về nhà thì không còn sức làm bất cứ điều gì”, “tại sao mình có thể ngồi vẽ hàng giờ liền nhưng khi làm việc mình lại thấy không hứng thú chút nào nhỉ”,... và vô vàn những suy nghĩ bâng quơ khác. 

Liệu mình đang “làm việc mình thích” hay mình phải cố gắng “thích việc mình làm” đây?

Một phần siêu nhỏ trong một bức tranh toàn cảnh siêu to khổng lồ mà tôi chẳng thể nào nói hết được trong một bài…

1. Tóm lược

Để cho mọi người có cái nhìn bao quát hơn tôi sẽ khái quát ngắn gọn là  trong quyển “Động lực nội tại” (chính xác hơn là bản đọc thử) của Stefan Falk, sẽ hướng dẫn cho người đọc cách yêu thích MỌI hoạt động mình làm (dù không thích cũng thành thích?) bằng cách hướng đến kết quả tích cực (mà không quan tâm đến những yếu tố tiêu cực tác động vào?) cùng với đó là phát triển những thói quen, đặt ra những luật lệ để bản thân tuân theo và phát triển sự nghiệp và thành công với nó. 

Trước khi bắt đầu, tôi muốn chúng ta có cái nhìn chung nhất về điểm khác nhau giữa “làm việc mình thích” và “thích việc mình làm”.

Làm việc mình thích nói đơn giản chính là “sống với đam mê”, một thứ rất tự nhiên rất “bản năng” có thể nói nó chính là nội tại của bạn. Lấy ví dụ đơn giản, từ bé bạn đã có một trí tưởng tượng tốt, năng khiếu hội họa, hay đam mê với tri thức... thì những công việc sau này bạn có thể làm là nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, một họa sĩ, có thể là cả diễn giả,....

Thích việc mình làm thì lại có phần ngược lại, có thể hiểu là việc bạn đang làm bây giờ chẳng liên quan gì với điều bạn thích, hay diễn tả theo cách tệ hơn thì đấy chính là phải đeo một chiếc mặt nạ để đi làm, phải áp chế tất cả những sở thích, đam mê bởi vì những đồng tư bản. Vẫn ví dụ bạn là một người có trí tưởng tượng phong phú thế nhưng công việc giờ đây của bạn là một nhân viên văn phòng, một dev dành 12 giờ mỗi ngày (thậm chí là hơn) ngồi với những dòng code,... dù cho bạn không thật sự thích chúng đi nữa.

Về cơ bản thì chúng khác nhau, thế thì quyển sách này có thể khiến “lưỡng long nhất thể” được hay không?

(Cho những ai đang vội thì bạn có thể kéo thẳng xuống phần tổng kết.)

2. Những câu hỏi nho nhỏ…

a. Liệu nội tại của ông có thực sự chỉ cần bản thân là đủ?

KHỒNGGGGGGGGG.

Ông luôn bảo chỉ cần nội tại là đủ, chỉ cần có trí tưởng tượng tốt,  hay “một mình tao chấp hết”. Thế nhưng sự thật là ông nào đâu có một mình, nội tại ấy vẫn được nuôi dưỡng bởi những yếu tố bên ngoài mà.

Trong trích đoạn “Năm tôi 8 tuổi, mẹ thuê một cây đàn dương cầm và tôi phải lòng nó ngay lập tức. Ban đầu, mẹ rất bực bội, vì tôi vẫn còn đi học mà đã dành hàng giờ để luyện tập. Một bước tiến quan trọng xảy ra khi tôi bắt đầu tự sáng tác nhạc và chơi cho các bạn cùng lớp nghe trong giờ âm nhạc hằng tuần ở trường. Đến năm 10 tuổi, tôi được mời biểu diễn tại lễ tốt nghiệp và các sự kiện khác của  trường. Cuộc sống thật tuyệt vời: Tôi được làm những gì mình yêu thích, và những người khác có vẻ cũng thích những gì tôi đang làm.”

Có lẽ bạn cũng có cùng thắc mắc với tôi, “đột nhiên, mẹ của ông ấy thuê cây đàn về làm gì?”. 

Hẳn bạn cũng đã nhận ra, mẹ ông ấy biết ông ấy có đam mê với âm nhạc, có năng khiếu với nghệ thuật trừu tượng thế nên bà ấy muốn trui rèn nó và bà ấy đã thực sự hành động để giúp ông rèn luyện nó. Chứ chẳng hề có chuyện “ĐỘT NHIÊN” thuê về, hay thuê về để trang trí. Và bạn biết không, đấy chính là món quà mà mẹ ông tặng nhân dịp sinh nhật 8 tuổi. Một món quà phù hợp với năng khiếu, sở thích, đam mê lại còn thể hiện cả sự công nhận từ người mẹ. Nói không ngoa, chính nhờ món quà ấy đã góp phần tạo nên dũng khí và động lực cho rất nhiều thứ của ông sau này.

“Động lực nội tại” của ông có sự góp phần nuôi dưỡng rất lớn từ người nhà (hoặc ít nhất là từ mẹ ông), yếu tố vô cùng quan trọng thế nhưng tôi lại chẳng hề thấy ông đề cập đến. 

Trong thực tế chúng ta sẽ có gì, “mấy cái đàn hát đấy có giúp mày ăn được không?”, “suốt ngày hỏi mấy câu hỏi ngớ ngẩn”, “vẽ vời linh tinh vớ vẩn ấy có tác dụng gì không, lo mà học đi”, “thay vì ngồi đấy vẽ mấy thứ linh tinh thì mày ngồi học còn có ích hơn đấy”, “suốt ngày đàn hát, học hành thì ngu dốt mà còn đòi tao thuê đàn cho mày về học, tự kiếm tiền về mà thuê”,... tôi tin chắc có người còn phải nghe những điều tồi tệ hơn. Chưa bị đánh là may rồi chứ đừng nói là có quà theo đúng sở thích vào dịp sinh nhật :)))).

Theo quan điểm của tôi, đó không phải một giả định không chính đáng, thì dưới đây là hai trường hợp mà tôi cho là điển hình và thực tế nhất.

Trường hợp 1, khi bạn ở trong điều kiện lý tưởng như Falk: Lấy ví dụ “vẽ vời linh tinh vớ vẩn ấy có tác dụng gì không, lo mà học đi” ở trong điều kiện lý tưởng như của Stefan Falk thì mẹ bạn sẽ ân cần quan tâm bằng lời nói, lời động viên như là “con thích vẽ như thế có muốn sau này làm họa sĩ (vẽ lại bản đồ thế giới) không”, “con có tài năng hội họa như thế này thì cố gắng phát triển nó, con nhé”, “con có năng khiếu vẽ như thế này thì rất tuyệt thế nhưng nếu con muốn vươn cao thì vẫn cần có kiến thức về những môn khác nữa, và khi con nghiên cứu chuyên sâu về nóp biết đâu chừng con có thể trở nên nổi tiếng, tác phẩm của con sẽ được nhiều người biết đến hơn”...; bằng hành động như là thực sự mua cho bạn bộ họa cụ, hay mời người về dạy cho bạn một cách tử tế,... (chứ không phải vứt hộp màu một triệu tám mà bạn nói dối là một trăm tám vào thẳng thùng rác và đập cho bạn một trận nhừ tử).

Quả là một giấc mơ đẹp, nhỉ?

Trường hợp 2, Stefan Falk trong thực tế (ít nhất là thực tế tôi được biết): Mẹ ông biết con trai mình thích đàn, có năng khiếu và đam mê với những lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật nhưng bà xem đấy là vô bổ, “mấy cái đàn ca sáo nhị, xướng ca vô loài ấy thì chỉ để giải trí thôi chứ làm sao mà kiếm ra tiền, tập trung vào sau này làm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, công chức nhà nước, luật sư,... hay như thằng anh mày rẽ ngang sang học I.T cũng được, lương kiếm được cũng chục nghìn đô”,... và sẽ chẳng có cây đàn nào được thuê về. Đam mê và sở thích ấy của ông coi như vứt xuống sông. Mẹ ông ngăn cấm ông tuyệt đối với những thứ ngoài chuyện học hành, bất cứ khi nào ông chểnh mảng việc học đều sẽ quy kết vào “đam mê sở thích vô bổ” và nhờ bố “dạy ông một bài học”. Thậm chí có thể bà còn chẳng thèm biết ông có đam mê gì, cứ “học dốt”, hay chỉ đơn giản là không bằng “con nhà người ta” là lôi ra quật. 

Nếu rơi vào trường hợp này thì tôi khá chắc thứ ông biết chỉ đơn giản là cắm đầu vào học để thỏa mãn mong ước của bậc phụ huynh.

Ngay từ cái gốc đã vô cùng khác biệt như thế, thì thử hỏi hành trình phát triển còn khác biệt như thế nào nữa? 

Ông bảo “...xây dựng một thế giới nội tâm vững mạnh”. Ông lại một lần nữa chứng minh chỉ cần bản thân là đủ, nhưng có thực sự như thế là đủ?

Ông có lấy ví dụ về chính bố cũng mình trong đoạn “Nếu thế giới nội tâm của bạn đủ mạnh, nó có thể thay đổi những thực tế của thế giới bên ngoài. 

Để minh họa những điều trên diễn ra thế nào, tôi xin kể câu chuyện của bản thân. Hồi nhỏ, phần lớn thời gian tôi chơi một mình trong phòng. Có hai lý do cho việc này. Nhiệm vụ chính của bố tôi, với tư cách người bố, là trừng phạt tôi, thường là đánh đòn, bất cứ khi nào ông cho rằng tôi làm sai, điều diễn ra như cơm bữa trong tâm trí ông. Tôi cũng thừa cân nên không được những đứa trẻ khác yêu quý cho lắm. Tôi thường xuyên bị chúng bắt  nạt và chế giễu. Vì vậy, căn phòng trở thành khu vực an  toàn của tôi.

Khi chơi một mình, sẽ không có ai truyền cảm hứng, chỉ cho bạn phải làm gì hay tận hưởng nó như thế nào. Thay vào đó, bạn đối thoại với chính mình. Điều kỳ diệu về bộ não con người là nếu bạn buộc nó lặp đi lặp lại một việc thì nó sẽ trở nên giỏi việc đó. Chơi một mình hàng giờ mỗi ngày giúp phát triển trí tưởng tượng và năng lực vẽ ra viễn cảnh của tôi. Đột nhiên, tôi không còn là nạn nhân của thế giới xung quanh nữa. Vì tôi có thể quyết định cách mình suy nghĩ về thế giới nên tôi làm chủ nó hơn.”

Tôi không biết ông vô tình hay cố ý nhưng lại một lần nữa ông bỏ qua những “ngoại lực” vô cùng to lớn tác động lên nội tại của ông, đấy chính là người mẹ. Thử hỏi một đứa bé 8 tuổi có ông bố thích dùng bạo lực, bị bạn bè bắt nạt thế thì lấy đâu ra tự tin để có thể tự tách mình khỏi thế giới xung quanh. Tôi dùng từ “tự tách mình”, tức là ông chủ động làm điều đó, một đứa bé 8 tuổi có thể độc lập suy nghĩ khỏi người nuôi dưỡng chứng tỏ điều kiện nuôi dưỡng đấy phải ở mức vô cùng lý tưởng. Tôi không nói đấy là điều không thể vì trong các giai đoạn hình thành tâm lý và nhận thức thì giai đoạn một người bắt đầu hình thành nhận thức về bản thân và nhận thức về thế giới bắt đầu từ khoảng 6 tuổi, thậm chí nếu điều kiện tốt hơn thì còn có thể sớm hơn nữa. Thế nhưng, lại một lần nữa, đấy là điều kiện lý tưởng, và với tôi thì điều kiện lý tưởng ấy lại khá hiếm nếu không muốn nói là tôi chưa từng tận mắt chứng kiến bao giờ (truyện kể thì có).

Như bạn biết đấy, con người chúng ta là loài động vật có tính xã hội thế nên nhu cầu về sự kết nối là vô cùng lớn. Thế thì thử hỏi bố hay đánh đập, bạn bè thì bắt nạt lại còn xa lánh thế thì nhu cầu kết nối ấy được thỏa mãn ở đâu. Đúng rồi, chính là mẹ ông ấy. 

Nếu bạn vẫn không tin lời tôi thì bạn cứ thử tìm một đứa nhỏ tầm 8 tuổi xong cưỡng ép nhốt nó vào trong phòng sau đó khóa cửa lại xem. Rồi sau đấy bất cứ khi nào nó đòi ra ngoài thì kêu bố nó quật thẳng cẳng, kèm với đó là cho nó tách biệt khỏi người mẹ luôn. Chỉ lo cơm ngày 3 bữa, vệ sinh cá nhân còn lại thì nhốt nó trong phòng. Thử xem nó có hình thành được trí tưởng tượng không. Tôi dám chắc là không thậm chí đến cả người lớn còn chịu không nổi chứ đừng nói đến là trẻ em 8 tuổi.

Tôi biết ông ấy có ý muốn dùng cách này để bạn có thể tạo động lực cho bản thân nhưng quả thực việc gạt bỏ mọi yếu tố từ bên ngoài như thế này có “chút chút” không ổn.

Nội tại của ông cần có người ủng hộ và phát triển, thế mà ông lại bảo không quan tâm đến yếu tố bên ngoài? 

Bạn đang thắc mắc vì sao tôi lại lôi những thứ bên ngoài như bố/mẹ vào để nói thì cho tôi hỏi, có bao nhiêu người đang làm công việc với ý chí “mình có thể làm việc này cả đời”, thay vì “thôi, có tiền là tốt rồi”, “mẹ/bố bảo mình học thôi chứ mình cũng chẳng thích”,... Liệu có bao nhiêu người trước 18 tuổi có đủ nhận thức về bản thân và cả ý chí phản kháng để đưa ra quyết định trọng đại nhất cuộc đời? (Đây sẽ là một chủ đề nữa.)

Ông luôn sống với “bản năng” trừu tượng trong mình, đến bây giờ vẫn thế. Nếu ông được biết đến như một “siêu” lập trình viên, một “siêu” nhân viên văn phòng, chủ của tập đoàn mua bán bất động sản,... hay bất cứ ngành nghề nào miễn là nó trái với “bản năng” của ông thì khi ấy quyển sách này (ít nhất là với tôi) sẽ có tính thực tế hơn rất rất nhiều (hoặc ít nhất là lớn lên với những “phụ huynh Châu Á” điển hình). Tại sao lại phải đến mức đấy à. Vì thực tế có rất nhiều người đang phải làm từ bỏ đam mê của mình chỉ vì đồng tiền, có rất nhiều người chọn ngành theo “nguyện vọng của bố mẹ”, những người tiếc thời gian học đại học, những người “lỡ học đại học rồi thì ra trường làm đại theo cái nghề đấy thôi”... thêm vào đó đối tượng độc giả của quyển sách này chính là những người như thế mà.

Có ai có được tuổi thơ và sự phát triển như ông nhưng lớn lên lại phải “học cách thích” việc mình làm không nhỉ? Và…

b. Học cách yêu thích mọi hoạt động lạ vậy?!

Thêm vào đó là ông “dạy” mọi người “yêu thích MỌI hoạt động” theo cách rất… lạ?!

Ngay câu đầu tiên “Cách nhanh và hiệu quả nhất để yêu thích mọi hoạt động là tập trung vào việc hành xử hướng tới kết quả hào hứng (FEO) thay vì hành xử hướng tới hoạt động…” tôi thực sự cảm thấy đây như một chiếc mặt nạ mà ông đang cố ép người khác phải đeo lên vậy và còn rất “ngộ nghĩnh” nữa.

Tôi muốn hỏi là, có ai làm việc lại không hướng đến kết quả, thế nhưng kết quả ấy thực sự có phải điều họ mong muốn không, quá trình ấy có phải điều họ muốn trải qua không, quá trình ấy thực sự khiến họ hào hứng à,... Ví dụ như tôi chẳng hạn, việc tôi ngồi viết cái này dĩ nhiên là hướng đến kết quả tích cực là vào làm việc ở Spiderum, thêm vào đó tìm hiểu những thứ “kỳ lạ” và viết những thứ dài ngoằng vốn là điều khiến tôi cảm thấy hứng thú. Là tôi hứng thú với quá trình ấy và mong muốn một kết quả tốt đẹp hơn chứ không phải theo chiều ngược lại. 

Thử tưởng tượng kiểu tư duy hướng đến kết quả thì bạn sẽ thấy hứng thú với quá trình phổ biến vào hơn 7 năm trước, thời điểm anh Giang đang cảm thấy mình không thể tiếp tục làm ngân hàng được nữa, chuẩn bị bắt đầu theo đuổi đam mê làm Phê Phim, thì có người đến bảo “bạn không thấy đam mê hứng thú là do bạn không hướng đến kết quả tích cực đấy, thử mơ về một ngày mình làm chủ ngân hàng xem, chắc chắn bạn sẽ kiên trì được thôi”. Sau đấy anh ấy nghe theo thật, dẹp luôn cái đam mê phim ảnh sang một bên…và sau 6 năm, anh được biết đến như một giám đốc một chuỗi các ngân hàng.

Còn lâu… như bạn có thể thấy, bây giờ anh đang thực sự được “sống với đam mê”. Hơn thế nữa, anh còn kiếm được tiền từ chính đam mê ấy. Rõ ràng bạn có thể thấy kết quả mà anh có thể đạt được là siêu tích cực, có cơ hội thăng tiến cực kỳ lớn. Thế nhưng anh vẫn quyết định không hướng đến cái đích ấy mà đã chọn đi theo con đường mà mình cảm thấy hứng thú và cũng chỉ có cách đi theo con đường mà mình thấy hứng thú mới có thể khiến anh ấy hào hứng mà kiên trì bước tiếp. (May là có anh làm Phê Phim chứ không thì giờ lại lắm kênh review phim rác.) 

Nếu thực sự áp dụng cái “yêu thích MỌI hoạt động” này vào mọi người như cái cách mà Falk nói thì có lẽ giờ đây anh Giang Lê đang là một sếp của một ngân hàng và sẽ chẳng có cái Phê Phim nào cả; anh Việt Anh có lẽ vẫn tiếp tục con đường vận động viên, hoặc có thể là huấn luyện viên;…Tôi không biết liệu các anh có thật sự thích những công việc ấy không. (Tôi cho là không vì bây giờ tôi biết đến họ với cương vị rất khác.)

“Học cách thích” đối với tôi chỉ là chữa phần ngọn chứ chẳng phải gốc rễ của vấn đề.

Thêm vào đó cái cách chỉ hướng đến kết quả tích cực, tôi tự hỏi đấy có phải là một sự tích cực độc hại hay không?

3. Đôi chút lạm bàn về “thành công”

Cái này cũng là một phần của tiêu đề quyển sách có thể thấy được tính quan trọng của nó. 

Thế

“…đạt tới thành công” là như thế nào?

Trước hết thì, đối với bạn như thế nào được xem là thành công?

Liệu đấy có phải là làm một công việc kiếm được thật nhiều tiền, một công việc có quyền cao chức trọng, có thể là trở nên nổi (tai) tiếng chăng,... nhưng bạn tôi ơi, bạn thực sự cho đấy là thành công ư?

Bạn nghĩ mình sẽ kiên trì được với chúng chỉ đơn giản bằng cách hướng đến kết quả tích cực sao? Dĩ nhiên là tôi thích tiền chứ, thậm chí tôi cần rất nhiều tiền để chi ít có thể tự lo cho bản thân. Thế nhưng bạn thật sự có thể khẳng định với tôi “kết quả mà tôi hướng đến là tiền, điều ấy làm tôi thích thú thế nên tôi có thể yêu thích công việc mình đang làm”? Cho dù điều ấy sẽ biến bạn thành một youtuber rác, một tiktoker rác,.. thì “chỉ cần có tiền thì việc gì tôi cũng thích”, “chỉ cần nổi tiếng là được, tai tiếng thì sau này mình tẩy trắng lại là xong”,... và bạn mặc xác cái quá trình luôn, mặc xác những điều tiêu cực luôn (thế không phải tích cực độc hại thì là gì).

Nói là thế, nhưng tôi biết chắc rằng mỗi người đều có một định nghĩa về “thành công” của riêng mình. Với tôi có lẽ nó chỉ đơn giản là làm điều mình thích, hay được “sống với đam mê” đã có thể xem là thành công rồi. Sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu cái đam mê, sở thích ấy thực sự có thể “hái ra tiền”, khi ấy chắc phải gọi là đại thành công. 

Thế với bạn “thành công” có nghĩa là gì? Thành công là chỉ cần có tiền là được, thành công là khi thành một người nổi tiếng, hay thành công là khi đạt được những thành tựu như bố mẹ kỳ vọng? Làm bác sĩ như lời bố, làm giáo viên như lời mẹ,... thành công khi toại nguyện mong ước của bố mẹ nghe nó thật là “buồn cười’ nhưng… nó chính là vấn đề mà không ít người vẫn đang phải hứng chịu đấy.

Liệu bạn có cảm thấy mình “đủ” thành công hay chưa, tôi thực sự muốn nghe…

4. Tổng kết

Để nói ngắn gọn thì tôi có dùng “câu chuyện lá hành” để minh họa cho chủ đề trên. Hãy thử tưởng tượng bạn là một người có ấn tượng không tốt, thậm chí có thể là ghét hành (lá), thế nhưng một hôm mẹ bạn lại bảo với bạn rằng “ăn thử đi, chết tao chôn”. Thế là bạn cắn răng cắn lợi cố gắng “học cách ăn hành”, và quả thực bạn chẳng chết được, mẹ bạn lại phán một câu xanh rờn “đấy, có chết đâu, thêm hành vào cho nó thơm cho nó có màu sắc nhìn cho nó ngon mắt”. Thế thì bạn sẽ làm gì?Có người sau lần trải nghiệm ấy sẽ thấy thích thật và kể từ đấy lúc nào cũng cho thật nhiều hành. Có những người thử xong không thích cũng chẳng ghét, chỉ đơn giản là cảm thấy mình có thể tiếp tục “ăn hành” mà chẳng sao. Cũng có người lại càng không thích hơn nữa nhưng vì “ngon mắt” nên vẫn phải tiếp tục “ăn hành”. Hoặc hơn thế nữa là họ nôn thốc nôn tháo nhưng vẫn phải cố gắng gượng mà tiếp tục. Nhưng cũng có người dám đứng lên phản ứng lại với những ràng buộc đó và làm điều mình thích. Và đấy chỉ là một vài trong số hàng triệu những biến thể có thể xảy ra trong thực tế thôi bạn tôi ơi.

Thế nhưng “học cách thích”, với tôi nó chính xác một chiếc mặt nạ tối thượng, đến ngay cả thích hay ghét một thứ mà cũng phải dựa vào những yếu tố xung quanh và bắt mình thay đổi thứ bản năng nhất. Liệu đấy có còn là tôi không? Liệu đấy có còn là bạn không?

Thế thì bài này có mục đích gì? Chỉ đơn giản là tôi thấy khó chịu khi đọc được là “học cách thích” một thứ gì đó, thêm vào đó là cái cách mà ông gạt bỏ mọi yếu tố bên ngoài mà quy hết mọi tội lỗi thành “tại bạn” như cái cách ông nói, cHỉ CầN cÓ tInH tHầN đỦ kHỏE tHì SếP tỒi HaY dỰ áN cHếT cŨnG kHôNg sAo (?????). Thử hỏi đến ngay cả thích hay ghét một điều gì đấy mà cũng không được quyền quyết định thì còn gì bản thân có thể quyết định đây? Xã hội độc hại mãn tính đến mức thế sao?

Nếu phải đưa ra một lời khuyên, một giải pháp thì thú thật tôi không có hay đúng hơn là nó là một chủ đề để tôi có thể làm được gì đó hoặc ít nhất nó là một chủ đề cần nhiều hơn một bài viết. Ít nhất thì chủ đề ấy sẽ liên quan đến việc “tại sao lại có những người cảm thấy không thích ngành nghề mà mình đã học trong suốt những năm đại học”, “cuộc đời của con hay chương tiếp theo của bố mẹ”,... 

Tôi chỉ có một mong ước “nho nhỏ” đấy là mong cho bạn có đủ sức khỏe (cả thể chất lẫn tinh thần) và còn cả may mắn nữa để có thể sớm tìm thấy bản thân, tìm được bản thân thực sự thích gì giữa một thế giới “độc hại mãn tính” này. Hay chỉ đơn giản là mong bạn tìm được bản thân giữa biển người. 

Mong bạn thành công trong con đường “tôi đi tìm tôi”.

Và tôi vẫn chưa nói đến cơ chế khen thưởng khi phải làm việc mà mình không thực sự thích. Tôi đã nhảy cẫng lên khi kiếm được một trăm nghìn từ bài viết thế nhưng nếu tôi là một người sẽ ngủ gục với bất cứ thứ gì dài quá năm mươi từ thì năm trăm nghìn vẫn không đủ để có thể khiến tôi tỉnh táo và hứng thú.

Thực sự thì tôi còn muốn nói nhiều hơn, chi tiết hơn nữa cơ, nhưng như thế này cũng đã tương đối dài rồi thế nên nếu được thì tôi hẹn bạn vào một dịp khác, có lẽ là khi tôi góp đủ tiền mua bản đầy đủ. Tôi không biết liệu trong bản đầy đủ tác giả có những câu kiểu như “tôi biết các bạn đang sống trong một xã hội độc hại mãn tính, nơi mà những đam mê phải gác lại để kiếm tiền và tôi ở đây để giúp các bạn hứng thú với thứ không phải là đam mê của mình”,... không nhỉ?

Nói đi thì cũng phải nói lại, tôi không hề phản đối quyển sách này, chỉ là quyển sách này hoặc ít nhất là phần đọc trước này có lẽ sẽ phù hợp với những người đang cố gắng “phong tặng” cho công việc mình đang làm một điểm mà mình thích để cố gắng kiên trì với nó cho dù nó có trái với mong ước của mình đi chăng nữa. Dĩ là quyển sách này vẫn làm tốt mục đích nó đề ra đấy là khiến người khác nghĩ rằng “mình thích việc mình làm”, và có lẽ nó còn hướng dẫn cho người khác cách làm sao để thích việc mình không thực sự hứng thú nữa. 

Tôi không biết, liệu có phải mỗi một quyển sách này được mua có nghĩa là có một người đang phải vì đồng tiền mà làm những điều mình không thực sự thích không nhỉ?

“Động lực nội tại” vẫn là một cuốn sách bạn nên đọc thử hoặc ít nhất có thể ghé qua đường link đọc thử và cho tôi biết cảm nhận cũng như góc nhìn của bạn về nó nhé. Tôi cũng muốn mở rộng góc nhìn của mình về thế giới mà.

Có lẽ thứ chúng ta cần là tìm ra bản thân thích gì, để có thể thực sự theo đuổi nó chứ không phải ép bản thân “thích việc mình làm”. Đây không phải câu chuyện quá khó nhưng đấy chắc chắn là câu chuyện rất rất dài.

Liệu bạn tôi có đang phải làm điều mà mình không thực sự đam mê không nhỉ?!

Bốc phét thế đủ rồi, tôi đi bốc vác tiếp đây. Chắc tôi cũng nên học cách thích công việc bốc vác này để cảm thấy nó nhẹ nhõm mới được. Có lẽ phải khá lâu nữa mới có bài viết tóm tắt về quyển “Động lực nội tại” vì bạn biết đấy, bốc vác với bốc phét thì thừa đâu ra tiền. Hề hề hề

Cảm ơn vì bạn đã dành thời gian đọc hết bài viết này. 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024