Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/04/2023 20:04 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Giới trẻ Việt Nam đang vật lộn với sự "Bếu" như thế nào?


Nếu bạn là một người có thân hình hơi mũm mĩm một chút thì chắc hẳn bạn đã nghe những câu kiểu như “ơ đợt này béo lên đấy à, sao không giảm cân đi, …” Tôi luôn gặp phải những tình huống như thế, bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, tôi đã quyết định đi tìm hiểu về vấn đề này.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng giống như cân nặng của tôi vậy, cứ lên mà chả thấy xuống. Viện dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên tại TP. HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%. 

Mọi người thường chủ quan cho rằng thừa cân và béo phì là chỉ nhìn hơi mũm mĩm tí thôi, ngoài ra không có ảnh hưởng đáng kể. Nhưng tin tôi đi, câu chuyện chẳng bao giờ đơn giản như thế đâu. 

Vậy cụ thể, mỡ thừa đang làm cái trò gì ở trong cơ thể chúng ta? Và tại sao giới trẻ hiện đại cứ phải khổ sở đánh vật với mỡ thừa như thế?

Như nào mới là "bếu"?

Trong quá trình tìm hiểu, tôi học được rằng thừa cân & béo phì là 2 mức độ hoàn toàn khác nhau. Cụ thể: 

− Thừa cân hay tiền béo phì là tình trạng cân nặng vượt quá so với cân nặng chuẩn hoặc so với chiều cao.

− Béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dù không phải tình trạng cấp tính, nhưng nếu không được quan tâm đúng mức có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển chiều cao, sức khoẻ, và thậm chí là cả… trí não của người bệnh. 

Có nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra thừa cân béo phì, nhưng chủ yếu là do thói quen tiêu thụ quá nhiều thức ăn, gây dư thừa năng lượng, kèm theo đó là không có hoạt động tiêu hủy được phần năng lượng dư thừa nên dẫn đến thừa cân. Nguyên nhân của béo phì ở người trẻ có nhiều yếu tố liên quan đến cả di truyền, môi trường sống và thói quen sinh hoạt. Các bạn đã sẵn sàng để nghe tiếp chưa?

Đầu tiên, môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong việc gây béo phì ở người trẻ. Các khu vực đô thị và khu vực phát triển có xu hướng có mức độ béo phì cao hơn so với những khu vực nông thôn. Điều này có thể do sự khác biệt về cơ sở hạ tầng, môi trường và các lựa chọn thực phẩm. Do quá trình đô thị hóa không đủ chuẩn về công viên, sân vận động vui chơi làm thu hẹp không gian vận động và nếp sống, học tập thay đổi làm thiếu thời gian vận động, cũng như không có thời gian để chế biến thức ăn, phải tiêu thụ thức ăn không có độ dinh dưỡng cân bằng.

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng là nguyên nhân không nhỏ, mà cụ thể là sự thiếu hoạt động thể chất và thói quen ngồi quá nhiều. Nói đến đây trúng ai thì người đó tự biết nha. Ngoài ra, không biết các bạn thế nào chứ quãng thời gian giãn cách do COVID-19 đã khiến tôi trở nên lười vận động hơn, đã thế lại còn được ở gần với đồ ăn và thậm chí là còn hình thành thói quen ăn vặt. Đặc biệt, xu hướng làm việc từ xa, từ nhà lại ngày càng khiến nhiều người ngồi nhiều một chỗ, ít vận động và ngủ không đủ giấc, khiến càng dễ tăng cân. Một ngày “điển hình” của người trẻ hiện đại đang đi làm có thể bắt đầu từ việc dậy sớm và ăn sáng, rồi lết lên cơ quan. Ngồi dài trong văn phòng trước màn hình máy tính. Bắt đầu giờ nghỉ trưa với một ăn một bữa ăn đơn điệu và kết thúc nó với một giấc ngủ ngắn. Sau đó, họ lại trở lại với công việc của mình tới khi tan ca. Tối đến, họ thường cảm thấy mệt mỏi và không có nhiều năng lượng để làm gì khác ngoài việc nghỉ ngơi. Tôi gọi cách sống này là sống kiểu zombie. Và tôi cũng đã từng đứng trong hàng ngũ này.

Ngoài ra còn có khoảng 10% người béo phì có nguyên nhân do bệnh lý nội tiết, chuyển hóa, di truyền và bệnh thần kinh gây ra, hoặc do tác dụng phụ gây tăng cân của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc động kinh; thuốc hạ đường huyết, … Đôi khi còn là do di truyền. 

Hệ quả

Như đã nói ở trên, béo phì và dư thừa năng lượng không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, chúng còn gây ra những tác hại nghiêm trọng hơn. Nó đã và đang là một trong những vấn đề sức khỏe lớn cho con người trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển như Mỹ. Và rất có thể là cả Việt Nam trong tương lai. 

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà bệnh béo phì gây ra là hội chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea). Theo tìm hiểu của tôi, với những người mắc hội chứng này, lượng mỡ cao sẽ đè nén lên phổi, có thể gây tắt thở và tử vong trong giấc ngủ. Ngoài ra, béo phì ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây ra rối loạn dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng trong sinh hoạt hàng ngày. Nó cũng có thể gây ra rối loạn tâm lý và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bị béo phì có nguy cơ trầm cảm và lo âu cao hơn người bình thường.

Thứ hai, béo phì cũng ảnh hưởng đến tài chính cá nhân, khi người mắc bệnh này phải tốn nhiều tiền cho thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là thực phẩm không tốt cho sức khỏe như đồ ăn nhanh và đồ uống có đường. 

Cuối cùng, béo phì được liên kết với nhiều loại ung thư khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 20% số ca ung thư trên thế giới được cho là do béo phì. Các loại ung thư mà béo phì được liên kết với bao gồm ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư tụy và nhiều loại ung thư khác. Vì vậy, giảm cân và duy trì cân nặng lành mạnh là cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc ung thư và cải thiện sức khỏe tổng thể của cơ thể. 

Giới trẻ và những trắc trở với "bếu"

Dĩ nhiên, việc nghiên cứu về nguyên nhân và hậu quả của béo phì không quá khó. Thử thách duy nhất là chiến thắng nó - đây cũng là điều mà tôi đã làm trong vài năm qua. Để giảm cân, bảo vệ sức khoẻ thì kiểu gì cũng có công thức this và công thức that. Tôi đã từng thử nhiều cách, từng sai, từng phải đập kế hoạch của mình đi để xây lại. 

Đầu tiên là cách giảm cân truyền thống - luyện tập thể dục thể thao. Điều đáng ngạc nhiên là một bộ phận lớn các bạn trẻ không có hứng thú với việc này, và cả với anh bạn thân của nó là việc ăn kiêng. Theo khảo sát cá nhân, 7/10 bạn trẻ độ tuổi từ 20-27 tuổi (trong đó từng có tôi) đã chi một khoảng lớn cho các phòng Gym theo quý hoặc theo tháng, nhưng chỉ đi được vài buổi. Lý do thì muôn hình muôn vẻ: thiếu động lực, thiếu thời gian, thiếu sự hỗ trợ động viên, môi trường tập luyện không như ý muốn, hoặc ngớ ngẩn hơn là vì… thời tiết và giao thông không ủng hộ. 

Chính bởi vậy mà tôi thấy nhiều người tìm đến những phương án nhanh gọn hơn, dễ tiếp cận hơn, và quan trọng nhất là không tốn công tốn sức. Theo Hướng dẫn theo dõi và điều trị béo phì của Bộ Y Tế (Quyết định 2892/QĐ-BYT), có các phương án tăng dần theo mức độ can thiệp như sau: - Thay đổi lối sống toàn diện thông qua tập luyện và dinh dưỡng - Can thiệp lối sống tăng cường và dùng thuốc - Phẫu thuật.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024