Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/03/2023 23:03 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Khi hơi thở hóa thinh không – Cuộc đời còn lại bao lâu?


Cảm nhận về Sách Khi hơi thở hóa thinh không (When Breath Becomes Air) - Paul Kalanithi

Nếu ta biết ngày mình sẽ chết, liệu ta có sống trọn vẹn từng phút giây còn lại?

Thời điểm đọc quyển sách Khi hơi thở hóa thinh không (When breath becomes air) lần đầu là khi tôi mới 20, còn chưa cảm nhận rõ ràng cái chết như thế. Hoặc là có, nhưng điều đó trải qua quá lâu khiến tôi quên mất sự vô thường của cuộc đời này…có lẽ. Cho đến những ngày gần đây, đọc lại cuốn sách thêm lần nữa, sau khi chứng kiến sự ra đi đột ngột của những người thân, người bạn của mình, tôi mới thấm thía những lời bộc bạch cuối cùng của tác giả.

Khi mua quyển sách, tôi rất ấn tượng với ảnh bìa, mặt trước là bóng lưng của một bác sĩ và bìa sau là của một bệnh nhân. Có lẽ chính bìa sách đã phần nào lý giải nội dung của nó rồi.

Cuốn sách là hồi ký của Tiến sĩ Paul Kalanithi chia sẻ công việc của cuộc đời anh với tư cách là một bác sĩ giải phẫu thần kinh và một bệnh nhân. Khi đang trong năm cuối của chương trình nội trú, trước mắt mở ra bao nhiêu hi vọng thành công, khi anh được bao trường Đại học săn đón, Paul biết được mình bị ung thư phổi di căn.

Ấy vậy mà trong quá trình chiến đấu với bệnh tật, anh vẫn chọn tiếp tục với những ước mơ của mình. Với Paul, Khi hơi thở hóa thinh không chỉ đơn giản là công việc cuối cùng của anh, và cũng là một ước mơ giản dị thời tuổi trẻ. Viết lách!

Paul chọn văn học để hoàn thành giấc mơ khi trẻ và để có thêm ý nghĩa trong đời. Anh viết “Tôi cần chữ nghĩa để tiến lên phía trước. Văn chương đã mang tôi trở lại với cuộc đời trong suốt thời gian đó. Ngay cả khi tôi phải chết, tôi vẫn sống cho tới lúc thực sự ra đi. Bạn sẽ làm gì khi con đường phía trước không biết là còn dài bao nhiêu? Sẽ sống từng ngày đó như thế nào?”

Những mô tả sống động của anh ấy về các thủ tục và chẩn đoán y tế không chỉ mang tính thông tin mà còn chứa cả nỗi niềm cùng cảm xúc chân thực của anh, khi anh vật lộn với cái chết của chính mình. Dù lúc đầu những thông tin ấy có chút khiến tôi bối rối và bị ngộp bởi những từ ngữ y khoa, sự rõ ràng và trung thực được viết trong quyển sách lại là minh chứng cho sự dũng cảm của anh, khi đối mặt với cái kết không thể tránh khỏi trong đời mình và cho thấy sự mong manh của việc tồn tại trên cõi đời này.

Càng nghiền ngẫm từng trang sách “Khi hơi thở hóa thinh không”, tôi càng tràn ngập cảm giác tôn kính với hành trình đối diện với tử thần cùng nội tâm sâu sắc của Paul. Những từ ngữ trong từng trang sách không chỉ đơn thuần là nét mực được trên giấy, mà là sự miêu tả chân thành, thành kính về trải nghiệm của một người bác sĩ và đang là một bệnh nhân – trải nghiệm của sự sống, cái chết và sự cân bằng phức tạp giữa cả hai điều.

Lật từng trang, tôi bị ấn tượng bởi cảm xúc chân thật toát ra từ ngôn từ của tác giả. Giọng văn của anh có nuối tiếc không? Dĩ nhiên là có, nhưng than thở não nề hay oán trách số mệnh thì không. Những điều trăn trở và hành động đối mặt trước tử thần của anh thật sự khiến tôi kính trọng. Cuốn sách như một lời nhắc nhở rằng cuộc sống là một món quà quý giá và mỗi khoảnh khắc đều đáng sống. Đó là sự tôn vinh tinh thần con người và sự kiên cường mà chúng ta sở hữu, ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh.

Ai mà nghĩ rằng không lâu trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng, dù biết trước cái chết sắp đến, Paul vẫn có thể vui vẻ tận hưởng bữa sườn nướng và mỉm cười uống bia cùng vợ và cô con gái bé nhỏ. Trong những phút giây cuối cùng, Anh chọn việc Chăm sóc giảm nhẹ (Palliative Care), anh chọn bỏ mặt nạ thở và ôm cô con gái Candy của anh, rồi anh bảo với vợ: “Anh đã sẵn sàng.”

Phải chăng trong suốt thời gian học y, anh đã tận mắt chứng kiến những lần người khác ra đi nên mới có thể bình thản đối mặt trong thời khắc cuối cùng như thế. Trong Khi hơi thở hóa thinh không, anh có viết: “Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi bạn hít thở mà chẳng nhận ra.”

Hay chỉ đơn giản là vì từng ở cương vị một bác sĩ, anh hiểu rõ khi thời khắc ấy đến, chúng ta chẳng thể làm gì nữa cả. Anh đã đấu tranh suốt thời gian qua rồi…

Cách anh đối diện với tử thần một cách điềm tĩnh và không hề sợ hãi như thế khiến tôi thật khâm phục và kính trọng.

Trong đời tôi, có biết bao lần lo sợ trước những điều bất định để rồi từ bỏ những điều tôi muốn. Ta cứ tưởng ngày mình chết là một ngày rất xa trong tương lai… Nhưng có thật không, chính bản thân ta cũng không biết. Có biết bao người đột ngột ra đi đến chính họ cũng không ngờ.

Đầu năm nay, tôi vừa tiễn đưa ông ngoại của mình ra đi. Hôm Tết tôi còn ngồi trò chuyện cạnh ông bên chiếc võng trước hiên nhà, vậy mà sau nửa tháng tôi nhận được cuộc gọi từ cha bảo ông mất rồi.

Tôi đâu ngờ rằng ngày gặp ấy là lần cuối. Nhưng có lẽ rằng ông cũng hiểu sức khỏe của mình, lần cuối cùng gặp mặt đó, tôi nhớ rõ ánh mắt ông rưng rưng nhìn tôi, hỏi han đủ chuyện và dặn dò nhiều điều. Có lẽ ông biết rằng mình sắp đi đến giới hạn của đời người, nên cố nhìn đứa cháu đang làm ở xa, thỉnh thoảng mới về thăm…lần cuối. Nếu biết trước thì tôi đã cố xin nghỉ thêm vài hôm để ở cạnh ông rồi… Nếu như… Lại là nếu…

Có người bạn của một đồng nghiệp của tôi vừa qua đời, vì lên cơn đột quỵ… khi đang tập gym. Một cái chết đến thình lình không ai dám nghĩ sẽ đến với một thanh niên ngoài 20 tuổi.

Hoặc câu chuyện cũ về một người anh thời đại học tôi biết, ra đi vì tai nạn khi đang đưa mẹ đi khám bệnh… Để lại người mẹ già và cả những ước mơ dang dở của anh…

Còn cả người bạn thân thiết của tôi, người đã bị trầm cảm suốt thời gian dài, dù bản thân cô ấy đã cố gắng và nỗ lực biết bao nhiêu, cuối cùng cũng không thể vượt qua căn bệnh ấy. Đến cuối cùng bạn của tôi vẫn bị bóng tối cướp đi mất.

Thế mới thấy, cuộc sống này vô thường biết bao. Ai đoán được ngày đó sẽ đến khi nào. Dù là tuổi già, bệnh tật hay tai nạn, ta cũng không thể lường trước được. Việc chúng ta có thể làm là sống trọn từng phút giây khi còn có mặt trên cõi đời này thôi.

“Khi hơi thở hóa thinh không” đã cho tôi bài học quý giá về việc trân trọng thời gian. Chúng ta có quá nhiều lần chần chừ, trì hoãn trong đời với hàng vạn lý do để có thể níu kéo từng chút một. Dù là deadline hay thực hiện mục tiêu như học tập, giảm cân, hay học thêm một kỹ năng gì đó mới; hoặc đơn giản là việc gọi điện về cho ba mẹ hay về nhà ăn bữa cơm gia đình, ta đều có nhiều lần khước từ và trì hoãn.

Nhưng khi đứng trước cái chết, dù có van nài, trả giá cũng vô ích mà thôi.

Với tôi, quyển sách Khi hơi thở hóa thinh không của tiến sĩ Paul Kalanithi thật sự là một món quà quý giá, nhắc nhở tôi rằng hãy trân trọng mỗi thời khắc mình đang có, trao đi yêu thương nhiều hơn và kiên trì với con đường tôi chọn. Đó là một lời nhắc nhở rằng cuộc sống là phù du, và chúng ta phải sống sao cho đủ đầy từng phút giây. Quyển sách như một tín hiệu từ vũ trụ gửi đến, để tôi thêm kiên định giữa cuộc đời này. Nếu muốn làm điều gì đó, hãy thực hiện ngay đi, đừng hứa hẹn hay trì hoãn nữa.

Còn bạn thì sao, hãy thử một lần đọc quyển sách Khi hơi thở hóa thinh không này để xem liệu bạn có học được điều gì khác không nhé! Cảm ơn bạn vì đã kiên trì đọc đến những dòng cuối cùng.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024