Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
24/01/2023 22:01 # 1
phanvanvy
Cấp độ: 24 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 44/240 (18%)
Kĩ năng: 6/20 (30%)
Ngày gia nhập: 07/02/2020
Bài gởi: 2804
Được cảm ơn: 16
Các lưu ý ăn uống giúp kiểm soát đường huyết dịp Tết


Người bệnh tiểu đường nên hạn chế mứt; chọn trái cây, rau xanh; ăn uống cân bằng các nhóm chất và đo đường huyết thường xuyên trong ngày xuân.

Nhiều người thường ăn chay vào mùng một Tết nhưng từ mùng hai trở đi bắt đầu ăn các món mặn. Nếu không kiểm soát, người bệnh tiểu đường dễ bị xáo trộn hay thay đổi chế độ ăn, ảnh hưởng đến mức đường huyết.

Các thực phẩm dễ làm tăng đường huyết

BS.CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, một số thực phẩm thuộc nhóm không lành mạnh ảnh hưởng đến đường huyết của người bệnh tiểu đường, ngay cả người bình thường cũng không nên ăn nhiều. Các thực phẩm trong nhóm này như nước ngọt, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo có lượng đường cao, các loại kẹo sử dụng chất tạo ngọt, bia, rượu...

Người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây tăng đường huyết dưới đây, song không nên kiêng hoàn toàn.

Gạo trắng: Gạo trắng có chỉ số đường huyết (GI 64) thuộc nhóm có GI cao, gây tăng đường huyết nhanh sau ăn. Người bệnh tiểu đường nên ăn một lượng nhỏ gạo trắng khoảng một lòng bàn tay cho mỗi bữa. Có thể thay bằng loại tinh bột khác có chỉ số đường huyết thấp hơn như đậu, khoai lang trắng, gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, bún, phở, mì Ý, nui.

Các loại trái cây sấy, phơi khô: Trái cây có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, trái cây sấy khô làm mất nước, hàm lượng đường tăng cao. Người bệnh tiểu đường ăn trái cây sấy dễ tăng đường huyết hơn trái cây tươi. Hàm lượng đường trong nho khô cao gấp 3 lần so với nho tươi. Người bệnh tiểu đường nên bổ sung trái cây tươi thay vì ăn trái cây sấy khô.

Người bệnh tiểu đường nên hạn chế các loại mứt, trái cây sấy khô trong ngày Tết. Ảnh: Freepik

Người bệnh tiểu đường nên hạn chế các loại mứt, trái cây sấy khô trong ngày Tết. Ảnh: Freepik

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ nên cần tránh những thực phẩm có hại cho tim như thực phẩm có chứa chất béo bão hòa: sữa nguyên kem, bơ, thịt bò, xúc xích, thịt xông khói, dầu dừa, dầu hạt cọ... Tương tự như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa cũng không tốt cho cơ thể.

Người bệnh nên tránh ăn các thực phẩm như: khoai tây chiên, bánh quy, snack, bơ thực vật, đồ nướng... Thực phẩm giàu cholesterol như sữa nguyên kem, mỡ động vật, lòng đỏ trứng, gan, nội tạng... cũng cần hạn chế. Dưa muối, cà muối, khô cá, khô mực có tẩm muối, mắm, đồ hộp... là thực phẩm chứa nhiều muối không nên ăn nhiều.

Nguyên tắc ăn uống cho người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường ngoài uống thuốc cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, có 3 nguyên tắc ăn uống cần lưu ý.

Nguyên tắc 1: Kiểm soát mức năng lượng đưa vào phụ thuộc cơ địa mỗi cá nhân.

Nguyên tắc 2: Ba thành phần sinh năng lượng gồm tinh bột, chất đạm, chất béo cần kiểm soát theo tỷ lệ cân đối và đảm bảo đều đặn hàng ngày. Khi kiểm soát được ba thành phần trên, người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát được đường huyết ở mức an toàn. Chất xơ không sinh năng lượng giúp làm chậm hấp thu đường vào máu.

Nguyên tắc 3: Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh.

Người bệnh cũng cần ăn đúng giờ, đúng bữa, không nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ăn xế; tránh những món hầm, xay nhuyễn, chiên, nướng. Người bệnh nên ăn chậm nhai kỹ với lượng thức ăn vừa đủ nhu cầu cho cơ thể; tránh ăn khuya vì dễ tăng đường huyết vào buổi sáng, ưu tiên chế biến bằng cách luộc, hấp.

Trong quá trình điều trị và ngăn ngừa biến chứng, người bệnh tiểu đường nên được bác sĩ tư vấn ăn gì, kiêng gì. Quan trọng nữa là giữ cho tinh thần thư thái, tránh áp lực với chế độ ăn. Lựa chọn nguyên liệu phù hợp có thể nấu nhiều món ngon hợp khẩu vị, giúp người bệnh thoải mái hơn.

Đinh Tiên




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024