Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
03/10/2022 21:10 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Đại Dương Đen: Trầm cảm không phải biểu hiện của sự yếu đuối.


Thời gian gần đây, các vấn đề về tâm lý nói chung và trầm cảm nói riêng đang rất được xã hội quan tâm. Cái giá phải trả cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là sự mong manh về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các bạn trẻ. Gen Z phải chịu đủ thứ áp lực, từ áp lực đồng trang lứa, áp lực thi cử, đến áp lực từ cha mẹ, trầm cảm thì phổ biến đến nỗi nó trở thành tiếng lóng để nói về sự buồn chán ...

Đặc biệt trong thời gian đại dịch, việc phải giam mình trong phòng, không được gặp bạn bè, đứt gãy thói quen sinh hoạt có thể tạo thành vấn đề về tâm lý cho các em nhỏ, và còn chưa xét đến các trường hợp bạo lực gia đình do phụ huynh căng thẳng hoặc bị mất thu nhập.

Trầm cảm phổ biến như thế nào? Nếu bạn có một nghìn người bạn Facebook thì trong năm qua, bảy mươi người trong số đó mắc trầm cảm. Trong cả một đời người, cứ từ năm tới sáu người thì sẽ có một người bị trầm cảm tới thăm. ...

Đại Dương Đen được viết ra để giúp mọi người có một cái nhìn rõ hơn về trầm cảm. Rằng trầm cảm không phải biểu hiện của sự yếu đuối, nó là một căn bệnh và cần được chữa trị. Cuốn sách cho ta nhìn thế giới qua lăng kính của những người trầm cảm và cung cấp những kiến thức chung  như biểu hiện bệnh lý, các mô hình lý giải, cách giao tiếp để hỗ trợ họ, ...

Mình viết bài này để giới thiệu với mọi người cuốn Đại Dương Đen của tác giả Đặng Hoàng Giang, đồng thời hệ thống những kiến thức mình đã học từ nó, do đó các thông tin trong bài viết có thể rất sơ sài và không mang nhiều giá trị. Vậy nên hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc sẽ cảm thấy hứng thú với Đại Dương Đen, tự mình trải nghiệm và rút ra các thông tin hữu ích cho bản thân.

Overview

Đại Dương Đen được viết dưới dạng narrative nonfiction và chia thành hai phần riêng biệt.

Phần một gồm 12 câu chuyện được tác giả ghi lại từ chính những người đang trong giai đoạn trầm cảm, họ thuộc đủ mọi lứa tuổi, giới tính, tầng lớp, ... Nó giúp người đọc phần nào thấy được sự đa dạng của các đối tượng bị trầm cảm cũng như sức tàn phá của nó lên cuộc sống của họ.

Phần sau sẽ nói về các kiến thức khoa học thường thức xoay quanh căn bệnh này, gồm các hiện tượng, triệu chứng, một số lý giải khoa học về bệnh và tổng quan các phương pháp trị liệu trầm cảm trên thế giới. Các thông tin này giúp người đọc hiểu về trầm cảm, có khả năng nhận biết và phần nào chia sẻ, giúp đỡ những người trầm cảm quanh họ.

Những câu chuyện từ thế giới trầm cảm

Mười hai câu chuyện trong phần đầu tiên thực sự đã làm mình thay đổi nhận thức về trầm cảm. Rằng mình đã đánh giá quá thấp những tác động mà nó gây ra cho bản thân người bệnh và những người xung quanh.

Đối với những người trầm cảm, họ như bị kéo vào một vực sâu của sự tuyệt vọng mà không cách nào thoát ra được. Họ biết mình có vấn đề, biết mình cần phải thay đổi, nhưng họ bất lực trong việc thay đổi nó. Trầm cảm có nhiều khuôn mặt, đối với người này, nó thể hiện qua những cảm xúc tiêu cực về bản thân như căm ghét bản thân, coi mình là vô dụng, kinh tởm và không xứng đáng được sống; đối với người khác, nó ảnh hưởng đến khả năng nhận thức như tự cho mình là ngu dốt, xấu xí hoặc nặng hơn là lấy mất khả năng ra quyết định của người bệnh.

Đối với những người thân xung quanh, đôi lúc họ cũng bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực khi chăm sóc người trầm cảm. Những lần cãi vã, những lần chứng kiến người bệnh tự hại, sự thất vọng khi tình trạng bệnh không tiến triển sẽ bào mòn dần sức khỏe tinh thần họ rồi cuối cùng kéo họ vào vực sâu của trầm cảm.  

Mỗi câu truyện, người đọc sẽ đóng vai trò quan sát, được tự mình cảm nhận thế giới quan của người trầm cảm, đi theo những biến cố trong quá khứ đã dẫn họ đến căn bệnh ấy. Đây là một hành trình nặng nề, mệt mỏi, nhưng mình nghĩ là cần thiết để hiểu cuộc sống và những gánh nặng mà người trầm cảm đang mắc phải.

Cảm giác của mình sau khi đọc phần một là hoàn toàn kiệt sức. Những biến cố mà họ trải qua thực sự quá lớn. Cuộc sống của họ và người thân bị đảo lộn và tàn phá một cách khủng khiếp. Những dòng độc thoại tràn đầy tuyệt vọng, bất lực. Những sự xa cách, ghẻ lạnh, ...

Mình xin được trích dẫn một số đoạn không quá nặng nề, nhưng có thể phản ánh phần nào tinh thần của những câu chuyện được nêu trong phần một của cuốn sách.

Hai trích dẫn dưới đây là từ câu chuyện số 5 "Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần"

Trầm cảm không phải là một nỗi buồn mà mình có thể xua tan bằng cách cố gắng lên, suy nghĩ tích cực lên, họ bị như thế, và cần phải được chữa trị. Uyên lên xuống thất thường. Có những lúc đang êm đẹp thì nó bước vào một giai đoạn trầm cảm mà không có một lý do ngoại cảnh nào cả. Uyên buông hết, không còn thiết gì cả, trong khi trước đó nó làm marketing cho ba bốn dự án. Không đi làm, không nói năng, không ra ngoài, không chơi bời gì nữa, nó chỉ nằm trên giường, quay mặt vào trường, bấm điện thoại, xem YouTube. [...]

Trong cả quãng thời gian đó, ngoài tôi cố gắng vỗ về Uyên thì cả nhà không ai phản ứng gì. Em Uyên ngồi trước cái máy tính ở góc phòng. Mẹ Uyên im lặng trên giường, mắt vẫn nhìn điện thoại. Bố Uyên ở phòng bên, chắc chắn bác ấy biết Uyên lên cơn, vì nó hét rất to và ném đồ đạc.

 

Cảm giác tội lỗi và xấu hổ bao trùm. Đây là lần đầu bố mẹ chứng kiến tôi lên cơn. Trên đường về, tôi cứ day dứt, tôi có khiến bố mẹ cãi nhau không, họ có đổ lỗi gì cho nhau không, tôi có làm em mình khổ không. Tôi sợ bị nói là bất hiếu, là không chín chắn, không thương bố mẹ. Tôi nhờ Hiển nhắn tin rằng mình không kiểm soát được bản thân chứ không muốn giày vò ai, rằng tôi là đứa trẻ với một nhân cách lệch lạc, đáng kinh tởm. Rằng tôi xin lỗi mẹ.

Trích dẫn dưới đây là từ câu chuyện số 12 "Hôm nay là một ngày nắng đẹp tuyệt vời"

Thật khó hình dung là đã có lúc mình đi lại nhanh nhẹn, đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng như không. Thật là kỳ quặc, tại sao một người đang sống bình thường lại có thể bị một cái bệnh hoàn toàn vô hình làm cho ngã xuống sàn mà không đứng dậy nổi? Mình vẫn không hiểu được

 

Liệu mình có nên dùng xe lăn?

 

Bà trị liệu vật lý khuyên là đợt này mình cứ đi bộ tối đa mười phút thì lại phải nghỉ năm phút. Nhưng mình phải đi học, đi chợ, tới chuyên gia tâm lý. Mà trong trường, giữa các tòa nhà cũng xa ơi là xa rồi.

 

Tuần trước, bác sĩ đã chính thức cho bệnh đau của mình một cái tên: fibromyalgia. Kiệt sức, đau toàn thân, cứng cơ, mất ngủ, sương mù fibro (đầu óc mụ mị, khó hồi tường và tập trung), đó là những gì Google nói với mình về bệnh này. [...] Mình chỉ muốn ngừng sự tra tấn này lại. Giật điện, cắt chân cắt tay, gì cũng được, nhưng cho mình một cuộc sống bình thường, có được không? Ăn thấy ngon, đọc sách thấy vào, tối ngủ được, sáng có thể ra khỏi nhà, thế thôi mà. Nhiều khi mình kinh ngạc quan sát những người khác, họ vui vẻ nói về thèm ăn món gì, mừng quá vì Grab có mã giảm giá , cuối tuần này đi chơi đâu.

 

Mình còn phải như thế này bao lâu nữa? Một số kiến thức cơ bản về trầm cảm

Từ đây, xin được nêu một số thông tin lấy từ cuốn sách mà theo mình là rất cơ bản. Bạn đọc có thể tham khảo để có sự nhìn nhận đúng hơn đối với trầm cảm.

Biểu hiện

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần. Những triệu chứng của trầm cảm rất đa dạng, nó khác nhau ở mỗi người và có thể được biểu hiện thông qua cảm xúc, sự sai lệch trong nhận thức, sự mất động lực và một số biểu hiện vật lý của người đó.

Biểu hiện trong cảm xúc: Biểu hiện dễ thấy nhất của cảm xúc là tâm trạng tiêu cực, từ mức nhẹ như buồn bã tới mức nặng như tuyệt vọng. Đôi khi nó cũng được biểu hiện thông qua sự giận dữ, đặc biệt là ở trẻ em. Người trầm cảm có thể đánh mất niềm vui và hứng thú trong cuộc sống, thậm chí, họ có thể đánh mất khả năng trải nghiệm niềm vui nói chung, như một người mất khứu giác không thể cảm nhận mùi vị. Nhiều người thậm chí không nhận ra sự buồn bã, bên trong họ là một sự trống rỗng, vắng bóng mọi dấu vết của đời sống cảm xúc.

Biểu hiện trong nhận thức: Người trầm cảm có thể cho rằng mình kém cỏi hay xấu xí. Ở mức nặng, họ cho rằng mình là gánh nặng của người thân và cộng đồng. Người bệnh cũng hay đổ lỗi cho bản thân mặc dù nó nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Một khía cạnh khác về biểu hiện trong nhận thức là sự suy giảm trong khả năng ra quyết định, họ cảm thấy não bị trơ và trở nên kiệt sức khi cố tập trung suy nghĩ.

Biểu hiện liên quan tới động lực: Ý chí và khả năng hành động của người trầm cảm bị tê liệt, họ gặp khó khăn để có động lực làm những điều thậm chí cơ bản nhất. Ở mức nhẹ, họ buông những mục tiêu kế hoạch mà trước đó họ có thể rất tâm huyết. Ở mức nặng, họ không thể thực hiện các hội thoại ngắn, không tự vệ sinh cá nhân hay ăn uống được. Họ né tránh giao tiếp và thu mình, điều này càng làm khó khăn hơn trong quá trình tiếp cận và điều trị tâm lý cho người bệnh.

Biểu hiện vật lý và thực vật: Trầm cảm có thể khiến người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, tức ngực, mệt mỏi, buồn nôn, ... Đau đớn thể xác thường đồng hành trung thành với trầm cảm, tới mức một nguyên tắc cơ bản là cần tầm soát trầm cảm ở người có những biểu hiện đau kinh niên mà không tìm được lý do.

Những biểu hiện này đều được thể hiện rất rõ ràng trong 12 câu chuyện ở phần đầu. Chúng không xuất hiện đồng thời, mỗi người khác nhau sẽ xuất hiện những triệu chứng khác nhau, và càng làm khó khăn hơn cho việc nhận biết và chuẩn đoán bệnh.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024