Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/07/2022 21:07 # 1
vovanhoa1411
Cấp độ: 18 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 84/180 (47%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1614
Được cảm ơn: 1
Thấp khớp: Dấu hiệu thấp khớp cần được chú ý và phương pháp điều trị đúng cách


Thấp khớp” không phải là một thuật ngữ y tế, nhưng nhiều người sử dụng nó một cách không chính thức để mô tả các triệu chứng tương tự như các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Thấp khớp là tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến cơ bắp, xương, khớp và đôi khi được coi là bệnh viêm thấp khớp.

Tìm hiểu chung

Thấp khớp là gì? 

Thấp khớp (tên tiếng anh là rheumatism) là thuật ngữ miêu tả các bất thường có liên quan đến cơ và khớp. Tuy nhiên, các bác sĩ đã không còn sử dụng thuật ngữ này vì thấp khớp được xem như một từ cũ không mang ý nghĩa rõ ràng. Một số những từ tương tự khác vẫn còn được tiếp tục sử dụng như rheumatoid hay rheumatology.

Người ngoài ngành y tế sử dụng từ viêm khớp (arthritis) để ám chỉ các bệnh lý liên viêm xương khớp thông thường (osteoarthritis) và từ thấp khớp (rheumatism) để nói đến bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis).

Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mạn tính phổ biến ở Việt Nam cũng như tại các nước khác. Với cơ chế tự miễn dịch, tổn thương cơ bản tại màng hoạt dịch, bệnh biểu hiện bởi tình trạng khớp viêm mạn tính có xen kẽ các đợt tiến triển. Đặc điểm lâm sàng điển hình là viêm nhiều khớp, đặc biệt các khớp ở bàn tay, đối xứng, kèm theo dấu hiệu cứng khớp buổi sáng và sự có mặt của yếu tố dạng thấp trong huyết thanh.

Có thể có các biểu hiện ngoài khớp: Hạt thấp dưới da, viêm mạch, tổn thương tim,… Bệnh có tỷ lệ tàn phế cao do tình trạng hủy khớp, được đánh giá trên X-quang.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của thấp khớp

Bệnh diễn biến mạn tính với các đợt cấp tính. Trong đợt cấp tính thường sưng đau nhiều khớp, kèm theo sốt và có thể có các biểu hiện nội tạng.

Biểu hiện tại khớp

Vị trí khớp tổn thương thường gặp nhất là các khớp ngón gần, bàn ngón, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, hai bên.

Tại thời điểm toàn phát, các vị trí khớp viêm thường gặp là: Khớp cổ tay, khớp bàn ngón, khớp đốt ngón gần, khớp gối, khớp cổ chân, khớp khuỷu, khớp vai. Đôi khi có tổn thương khớp háng. 

Tính chất khớp tổn thương: Trong các đợt tiến triển, các khớp sưng đau, nóng, ít khi đỏ. Đau kiểu viêm. Các khớp ngón gần ở tay thường có dạng hình thoi. Thường có biểu hiện cứng khớp vào buổi sáng. Thời gian ngắn hoặc dài tùy theo mức độ viêm, có thể kéo dài nhiều giờ.

Nếu bệnh không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ có nhiều đợt tiến triển liên tiếp, hoặc sau một thời gian diễn biến mạn tính, các khớp nhanh chóng bị biến dạng như bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay hình cổ cò, ngón tay gần hình thoi, các khớp bàn ngón biến dạng, đứt gân duỗi ngón tay (thường gặp gân ngón tay 4,5), gan bàn chân tròn, ngón chân hình vuốt thú…

Giai đoạn muộn, thường tổn thương các khớp vai, háng. Có thể tổn thương cột sống cổ, gây những biến chứng về thần kinh (có thể liệt tứ chi). Các di chứng này bệnh nhân trở thành người tàn phế.

Biểu hiện toàn thân và ngoài khớp

Hạt dạng thấp hay còn gọi là hạt thấp dưới da: Vị trí xuất hiện của hạt này thường ở trên xương trụ gần khớp khuỷu, trên xương chày gần khớp gối hoặc quanh các khớp nhỏ ở bàn tay. Có thể có một hoặc nhiều hạt. Tính chất của hạt: Chắc, không di động, không đau, không bao giờ vỡ. 

Viêm mao mạch: Biểu hiện dưới dạng hồng ban ở gan chân tay, hoặc các tổn thương hoại tử tiểu động mạch ở quanh móng, đầu chi; hoặc tắc mạch lớn thực sự gây hoại thư. Triệu chứng này báo hiệu tiên lượng nặng.

Gân, cơ, dây chằng và bao khớp: Các cơ cạnh khớp teo do giảm vận động. Thường gặp kén khoeo chân (kén Baker), kén này có thể thoát vị xuống các cơ cẳng chân.

Biểu hiện nội tạng: Các biểu hiện nội tạng (phổi, viêm màng phổi, cơ tim, van tim, màng ngoài tim,…) hiếm gặp, thường xuất hiện trong các đợt tiến triển.

Các triệu chứng khác

  • Hội chứng thiếu máu: Nguyên nhân có thể do quá trình viêm mạn tính hoặc thiếu máu do xuất huyết đường tiêu hóa gây nên bởi các thuốc corticoid/ thuốc chống viêm không steroid/ thuốc nhóm DMARD’s như methotrexate.

  • Hiện tượng rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện ở các cơn bốc hỏa, thay đổi tính tình cũng thường gặp.

  • Các biểu hiện hiếm gặp: Hội chứng đường hầm cổ tay, cổ chân do tổn thương dây chằng, hủy khớp trong bệnh viêm khớp dạng thấp; viêm mống mắt, nhiễm bột ở thận đôi khi cũng gặp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến thấp khớp

Một số nguyên nhân bệnh sinh sau đây có thể dẫn đến thấp khớp:

  • Bệnh chưa rõ nguyên nhân, liên quan đến nhiễm khuẩn, cơ địa (nữ giới, trung niên, yếu tố HLA) và rối loạn đáp ứng miễn dịch.

  • Vai trò của lympho B (miễn dịch dịch thể) và lympho T (miễn dịch qua trung gian tế bào) với sự tham gia của các tự kháng thể (anti CCP, RF,…), các cytokines (TNFα, IL6, IL1,…).


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải thấp khớp?

Thấp khớp cực kỳ phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng thường xuất hiện nhiều hơn ở nữ. Phần lớn bệnh thường xuất hiện ở những người từ 40 đến 60 tuổi. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ độ tuổi nào.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thấp khớp

Các yếu tố thuận lợi: Nhiễm khuẩn (Epstein-Barr virus, Parvovirus,… hoặc Mycoplasma, vi khuẩn đường ruột,…); cơ địa (cơ thể suy yếu, chấn thương,…), hoặc yếu tố môi trường (lạnh ẩm kéo dài); tuổi, giới (trên 40; nữ); tính chất gia đình, HLA-DR4,… 

Hút thuốc lá: Thuốc lá làm mất sụn và gãy xương lên gấp 2 lần so với người bình thường.

Nghề nghiệp: Những người làm nghề sơn sửa móng tay chân, thơ sơn, thường xuyên sử dụng acetone và thuốc trừ sâu, tiếp xúc với các loại xăng dầu.

Chế độ dinh dưỡng giàu chất béo bão hòa, thiết chất chống oxy hóa,…

Tư thế ngồi và làm việc sai dẫn đến cơ bắp bị co cứng, tăng áp lực lên cột sống,…


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thấp khớp

Năm 1987, Hội Thấp khớp học Mỹ đã thống nhất tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp là ACR 1987 gồm 7 yếu tố sau:

  • Thời gian cứng khớp buổi sáng kéo dài trên một giờ;

  • Viêm ít nhất 3 trong số 14 khớp sau: Ngón gần, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân (hai bên), thời gian diễn biến ít nhất phải 6 tuần;

  • Trong số khớp viêm có ít nhất một khớp thuộc các vị trí sau: Ngón gần, bàn ngón tay, cổ tay;

  • Có tính chất đối xứng;

  • Hạt dưới da;

  • Yếu tố dạng thấp huyết thanh dương tính;

  • X-quang điển hình ở khối xương cổ tay (hình ảnh bào mòn, mất chất khoáng đầu xương).

Chẩn đoán xác định khi có ≥ 4 tiêu chuẩn. Triệu chứng viêm khớp cần có thời gian diễn biến ≥ 6 tuần và được xác định bởi bác sĩ. Tiêu chuẩn ACR 1987 có độ nhạy 91% - 94% và độ đặc hiệu 89% ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đã tiến triển. Ở giai đoạn bệnh mới khởi phát, độ nhạy chỉ dao động từ 40% - 90% và độ đặc hiệu từ 50% - 90%.

Các xét nghiệm cận lâm sàng cần chỉ định như:

Các xét nghiệm cơ bản: Tế bào máu ngoại vi, tốc độ lắng máu, protein C (CRP),… xét nghiệm chức năng gan, thận, X quang tim phổi, điện tâm đồ,…

Các xét nghiệm đặc hiệu (có giá trị chẩn đoán, tiên lượng):

  • Yếu tố dạng thấp (RF) dương tính trong 60% - 70% bệnh nhân;
  • Anti CCP dương tính trong 75% - 80% bệnh nhân;
  • X-quang khớp (thường chụp hai bàn tay thẳng hoặc các khớp bị tổn thương).

Phương pháp điều trị thấp khớp hiệu quả

Một số phương pháp điều trị thấp khớp có thể bao gồm: 

Thuốc điều trị triệu chứng

Lựa chọn một trong hai loại thuốc chống viêm: Glucocorticoid hoặc thuốc chống viêm không steroid tùy theo mức độ hoạt động của bệnh.

  • Glucocorticoid: Chỉ định trong khi chờ thuốc nhóm DMARD’s có hiệu quả; có đợt tiến triển hoặc bệnh nhân đã phụ thuộc corticoid. Nguyên tắc dùng liều tấn công, ngắn ngày để tránh hủy khớp và tránh phụ thuộc thuốc. Đến khi đạt hiệu quả, giảm liều dần, thay thế bằng thuốc chống viêm không steroid.

  • Thuốc chống viêm không steroid: Chỉ định giai đoạn hoạt động nhẹ. Có thể dùng kéo dài nhiều năm khi còn triệu chứng viêm. Lưu ý các chống chỉ định của thuốc. Liều dựa trên nguyên tắc liều tối thiểu có hiệu quả.

  • Các thuốc giảm đau: Paracetamol, Tramadol, Codein,….

Thuốc điều trị cơ bản bệnh

Các thuốc chống thấp khớp làm thay đổi bệnh (Disease-modifying antirheumatic drugs-DMARDs) kinh điển

  • Thuốc chống sốt rét tổng hợp: Hydroxychloroquine hoặc Quinacrine Hydrochloride. Liều dùng: 200 – 600 mg/ ngày. Chống chỉ định người có suy giảm G6PD hoặc có tổn thương gan. Tác dụng không mong muốn: Chán ăn, đau thượng vị, sạm da, khô da, viêm tổ chức lưới ở võng mạc không hồi phục, gây mù (cần kiểm tra thị lực, thị trường, soi đáy mắt mỗi 6 tháng) và không dùng quá 5 năm;

  • Methotrexate: Do methotrexate có cấu trúc tương tự acid folic, cơ chế chính của thuốc là tranh chấp với vị trí hoạt động của acid folic trong quá trình tổng hợp pyrimidin, dẫn đến giảm tổng hợp DNA. Ngoài ra, methotrexate còn có tính chất chống viêm và ức chế miễn dịch. Chống chỉ định hạ bạch cầu, suy gan, thận, tổn thương phổi mạn tính, có ý muốn mang thai. Liều trung bình 10 mg mỗi tuần (5 – 20 mg/ tuần) tiêm bắp hoặc uống. Thường khởi đầu bằng liều 10 mg/ tuần;

  • Sulfasalazine: Kết hợp giữa 5-aminosalicylic và sulfapyridin. Do methotrexate là thuốc được lựa chọn hàng đầu, có hiệu quả ưu việt, nên chỉ dùng thuốc này khi có chống chỉ định đối với methotrexate hoặc được dùng kết hợp với methotrexate khi methotrexate đơn độc không kiểm soát được bệnh. Liều dùng 2 – 3 g/ ngày. Ba ngày đầu mỗi ngày 1 viên, ba ngày tiếp mỗi ngày 2 viên, chia 2 lần. Nếu không thấy có tác dụng không mong muốn, duy trì ngày 4 viên, chia 2 lần.

Các thuốc điều trị sinh học (thuốc DMARDs mới)

Nhóm thuốc này bao gồm các tác nhân gây chẹn hoặc tương tác với các chức năng của các cytokines. Ngoài cải thiện triệu chứng tại khớp và triệu chứng ngoài khớp trên lâm sàng, thuốc còn hạn chế tổn thương trên X-quang (so với các thuốc điều trị cơ bản kinh điển như methotrexate), hạn chế hủy khớp, bảo tồn chức năng khớp.

Thuộc nhóm này có các thuốc ức chế hoặc kháng TNF (còn được gọi là ức chế yếu tố chống hoại tử khối u), thuốc ức chế tế bào B hoặc T như Mycophenolat mofetil hoặc thuốc ức tế bào B như Rituximab; ức chế các Interleukin 6 như Tocilizumab,…

Tiêm nội khớp glucocorticoid: Có hai loại thuốc

  • Hydrocortisone acetat: Tác dụng ngắn: Tiêm 3 lần cho một đợt điều trị. Mỗi mũi tiêm cách nhau 3 – 4 ngày.

  • Betamethasone dipropionate hoặc Methylprednisolone acetat: Thuốc tác dụng kéo dài. Thường chỉ tiêm 1 mũi duy nhất.

Phục hồi chức năng, chống dính khớp

Có nhiều bài tập để giảm cứng và đau khớp, chống dính khớp. Ngoài ra, cần tránh vận động quá mức ở các khớp tổn thương, tránh các động tác có thể gây ra hoặc gây đau tăng. Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; nên dùng vật dụng hỗ trợ đối với bên khớp đau.

Y học cổ truyền và nước suối khoáng

Nước suối khoáng nóng có thể gia tăng tác dụng phục hồi chức năng khớp. Châm cứu hoặc một số bài thuốc nam (trinh nữ hoàng cung, độc hoạt Lai châu hoặc các thuốc đã được điều chế thành viên nén như Hydan, Vifotin,…) có tác dụng chống viêm khớp có thể làm thuyên giảm triệu chứng viêm, giảm liều các thuốc chống viêm, do đó làm giảm tác dụng không mong muốn của các thuốc nhóm này.

Ngoại khoa

Chỉnh hình, thay khớp nhân tạo. Hiện ở nước ta chủ yếu là thay các khớp háng, gối. Gần đây các phẫu thuật chỉnh hình đối với các gân, cơ, khớp nhỏ ở bàn tay bắt đầu được triển khai.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thấp khớp

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Tập thể dục thường xuyên;

  • Giảm đau bằng cách chườm nóng hoặc lạnh, nằm nghỉ ngơi;

  • Bạn cần giảm stress để đối phó với những cơn đau. Bạn có thể tưởng tượng hay đánh lạc hướng cảm giác đau, thư giãn cơ cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau.

Phương pháp phòng ngừa thấp khớp hiệu quả

  • Tập thể dục: Các hoạt động aerobic tác động thấp thường xuyên - những hoạt động không gây căng thẳng hoặc lắc lưng - có thể tăng sức mạnh và độ bền ở lưng và cho phép cơ bắp của bạn hoạt động tốt hơn. Đi bộ và bơi lội là những lựa chọn tốt. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những hoạt động bạn có thể thử.

  • Duy trì cân nặng hợp lý.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024